Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 20/01/2018

Filled under:

“Điên rồ và sỉ nhục”
hay “khôn ngoan và sức mạnh”
(Mc 3, 20-21)
20 Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được.
21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
Suy niệm 1
 Người ta kéo đến
Sau khi Đức Giê-su “lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3, 14-15), Người trở về nhà và có ba nhóm người kéo đến:
  • Trước hết là đám đông: “Đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được” (c. 20)
  • Sau đó, có thân nhân của Người: “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí” (c. 21)
  • Ngoài ra, còn có các kinh sư: “Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ” (c. 22; bài Tin Mừng của thứ hai, sau Chúa Nhật III Thường Niên)
Với những gì bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô của Thánh Lễ hôm nay kể lại, chúng ta được mời gọi chú ý đến nhiều nhóm người khác nhau kéo đến với Người, cũng như chiêm ngắm cung cách, lời nói và việc làm của Đức Giê-su dành cho họ.
 Phục vụ cho sự sống
Đám đông kéo đến với Đức Giê-su, vì nghe biết những gì Người đã làm: Người đã chữa lành người bại tay trong hội đường vào ngày sa-bát (Mc 3, 1-6); sau đó, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân khác (c. 10); Người trừ quỉ và thiết lập Nhóm Mười Hai, để “các ông ở với Người và để sai các ông đi rao giảng với quyền trừ quỉ” (c. 11 và c. 14-15).
Đám đông kéo đến, khi Người trở về nhà. Mặc dù thánh sử Mác-cô không kể ra những gì Đức Giê-su làm cho họ, nhưng chúng ta có thể đoán ra rằng: Người tiếp tục chữa lành các bệnh nhân và giải thoát những người bị quỉ ám. Chính vì thế mà Người và các môn đệ không có giờ để ăn uống và bị người thân và các kinh sư phản ứng.
Để hiểu phản ứng của họ, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Đức Giê-su phục vụ cho sự sống của con người, và Người phục vụ ở cả hai chiều kích của sự sống: chiều kích thể lý (chữa lành bệnh tật) và chiều kích tương quan (giải thoát con người khỏi sự thống trị của ma quỉ). Chúng ta thường bị ấn tượng và ưa thích những phép lạ chữa bệnh, vì bệnh tật làm cho con người khốn khổ. Tuy nhiên, bệnh tật lại thuộc về thân phận con người, đã là người thì phải trải qua, không tránh được: sinh lão bệnh tử. Nhưng sự sống của con người còn bị quấy phá, bị chi phối bởi ma quỉ, bởi thần dữ; và tình trạng này mới là bi đát, trong mức độ ma quỉ gieo vào lòng con người và vào tương quan giữa người với người sự nghi ngờ, loại trừ, bạo lực, ham muốn, ghen tị, dục vọng… Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, những sự dữ này còn phá hoại sự sống của chúng ta hơn cả bệnh tật.
Tuy nhiên, nghe nói hay chứng kiến những gì Đức Giê-su thực hiện như thế, người ta không có cùng một cái nhìn.
 “Người đã mất trí”?
Thực vậy, Đức Giê-su phục vụ cho sự sống của con người bằng hành động chữa bệnh và trừ quỉ. Nhưng tại sao người thân của Người lại cho rằng Người mất trí và muốn bắt Người về?
Đó là vì Người không trở nên điều mà họ mong chờ: trở nên luật sĩ hay kinh sư thay vì ngôn sứ loan báo Lời Thiên Chúa; vì Người không đi con đường họ muốn: dành và nắm quyền bính thay vì phục vụ, như sau này chính ông Phê-rô, đứng đầu Nhóm Mười Hai, cũng sẽ không chấp nhận con đường phục vụ đến cùng của Người (x. Mc 8, 32); hay đơn giản là vì Người đã không ưu tiên phục vụ cho họ (x. Lc 4, 23). Vì thế họ muốn “bắt Người” để gây áp lực, thậm chí làm chủ, sử dụng và buộc người làm theo ý họ.
Nhưng “người thân của Người” là ai? Hiển nhiên là anh chị em họ hàng hay làng xóm của Người (x. Mc 3, 31). Nhưng, chúng ta có thể hiểu theo nghĩa rộng, là loài người chúng ta và từng người chúng ta, như thánh sử Gioan nói: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11). Loài người và chúng ta hôm nay nữa ở mức độ nào đó, cũng không hiểu biết, yêu mến và đón nhận Người.
Vì thế, những gì xẩy ra ở đây, tại quê hương và trong “nhà của Người” đã loan báo tầm mức phổ quát của mầu nhiệm Thập Giá rồi: Thập Giá dưới mắt loài người là “điên rồ và sỉ nhục”, nhưng với những ai được tuyển chọn, đó lại là “sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa (x. 1Cr 1, 22-14), bởi vì đó là lúc Người bày tỏ “chân dung rạng ngời” của Thiên Chúa Cha, qua việc phục vụ cho sự sống của loài người chúng ta đến cùng và triệt để nhất; đó là mang lại cho chúng ta sự sống của Thiên Chúa, không chỉ ở đời sau, nhưng ngay hôm nay, khi giải thoát sự sống của chúng ta khỏi Sự Dữ và những gì liên quan đến Sự Dữ. Bởi lẽ, chỉ có Lời Chúa, và tuyệt đỉnh là “Lời Thập Giá” (1Cr 1, 18) mới có thể chữa lành, giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ.
Tuy nhiên, Đức Giê-su còn có một “Người Thân” khác nữa, đó là Đức Maria, Mẹ của Người. Mẹ của Người cũng sẽ đi tìm Người (x. Mc 3, 31-35; là bài Tin Mừng của thứ ba tuần tới, sau Chúa Nhật III Thường Niên), nhưng không phải để bắt Người, nhưng để đi theo Người cách khiêm tốn như người môn đệ, và nhất là để trở thành người thân đích thật của Người, qua việc chăm chú lắng nghe và sống Lời Thiên Chúa, để nhận ra “sức mạnh và khôn ngoan” của mầu mhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô (x. 1Cr 1, 22-14), và trở thành Người Mẹ trong Gia Đình Mới của Người.
Xin cho chúng ta lắng nghe, yêu mến, đón nhận và đi theo Đức Giê-su đến cùng, đến tận chân Thập Giá, như Đức Maria, Mẹ của Người và cũng là Mẹ của chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Suy niệm 2

Hình như hoàn cảnh chúng ta đang sống hôm nay, có một sự đảo ngược giữa cái bình thường và điều bất thường. Chẳng hạn, chiếm đoạt của cải, bóc lột sức lao động là điều bất thường, nhưng hiện nay rất nhiều người vẫn sống ung dung nhờ sự cướp của và cướp sức ấy. 

Chẳng hạn, xúc phạm thân thể của người khác không những là điều bất thường, mà còn là điều không bao giờ được phép, lại trở nên bình thường trong các nhà tù, trong những cuộc điều tra của những kẻ có thẩm quyền, thậm chí dùng những hình thức tra tấn để bức cung.

Chẳng hạn, nạn ăn hối lộ, ăn cắp của công, là điều xấu, là tai hại, làm nghiêng cán cân công lý, làm đảo ngược chân lý và làm khổ sở vô cùng cho những người nghèo, người không quyền lự, v.v. lẽ ra bất thường, lại cứ nhan nhản, hầu như bình thường. Còn những điều không chỉ bình thường mà còn là điều tốt như lòng nhân ái, tình yêu thương, lại trở thành bất thường, hiếm hoi.

Ngày xưa, Chúa Giêsu cũng đã từng bị chính thân nhân của Người đánh giá Người theo kiểu bình thường và bất thường lộn ngược như thế. Việc Chúa rời gia đình rao giảng Nước Trời, chữa lành bệnh tật, lôi kéo mọi người về với Thiên Chúa để được ơn cứu độ. Nghĩa là dưới cái nhìn của người có đức tin, việc Chúa cứu giúp nhân loại là điều bình thường, lại bị coi là người bị quỷ nhập.

Cũng vậy, việc sống đạo của chúng ta hôm nay nhiều khi cũng dễ bị đảo ngược như thế. Có khi việc tuyên xưng đạo là điều bình thường của một người có đức tin, có lòng yêu mến Chúa, nhưng chính chúng ta lại sợ người khác biết mình có đạo. Chúng ta e dè, ngại ngùng… không dám tỏ một thái độ hay bất cứ dấu chỉ nào là người Công giáo, vì sợ mọi người chê cười, sợ mọi người dòm ngó… Lẽ ra đức tin Công giáo mà chúng ta đang mang, không chỉ được xem là bình thường, mà còn là niềm hãnh diện của chúng ta, nhưng lại bị chính chúng ta làm đảo lộn, làm cho nó trở thành mất bình thường. Điều đó chứng tỏ đức tin của chúng ta yếu kém và thiếu ý thức mình là người có đạo. Cũng từ đó, người Công giáo thời nay dễ đánh mất chính mình, đánh mất chính niềm tin của mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức mình thuộc về Chúa. Xin cho chúng con biết sống đức tin và cao rao lòng tin của chúng con ngay giữa môi trường chúng con sống, ngay giữa xã hội và cuộc đời mà chúng con vinh dự cùng đồng hành đây, để nhờ đời sống chứng tá cách can đảm của chúng con, nhiều anh chị em được đón nhận Chúa.  Amen. 



GKGĐ Giáo Phận Phú Cường