Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

Suy niệm CN Phục Sinh B - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:

Suy niệm CN Phục Sinh B - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

GALILÊ, điểm hẹn của Chúa Giêsu (Mc 16,1-8)
Chúng ta cần dừng lại thật lâu bên mộ Chúa để hiểu mầu nhiệm Vượt Qua.
Một ngôi mộ mới, chưa chôn cất ai. Ngôi mộ này ngôi mộ của ông Giuse,
một môn đệ âm thầm của Đức Giêsu. Ngôi mộ nằm im lìm như trăm ngàn
ngôi mộ khác. Một tảng đá to ngạo nghễ che cửa mồ. Xác Đức Giêsu nằm
trong mộ, tối tăm, như hạt lúa ủ trong lòng đất.

Một đêm thật u buồn, thật ảm đạm! Ba phụ nữ chỉ mong cho chóng sáng.
Họ thấp thỏm không ngủ được, chỉ nghĩ đến ngôi mộ, với xác của Thầy
nằm đó. Và khi lóe lên những tia nắng đầu tiên của mặt trời, thì cả ba
đã sẵn sàng ra thăm mộ, với dầu thơm vừa mua được để ướp xác.

Khi đi đường, họ chỉ có một nỗi bận tâm: "Ai sẽ lăn tảng đá ra cho
chúng ta?" Tảng đá to lớn, thật là một trở ngại... Nhưng lạ thay, khi
đến nơi, các bà thấy tảng đá đã được lăn ra một bên, và xác của Thầy
cũng không còn ở đó nữa. Sứ thần Chúa loan báo Tin Vui: Đấng Bị Đóng
Đinh đã chỗi dậy, Ngài hẹn gặp các môn đệ tại Galilê.

Tại sao Chúa lại hẹn gặp các môn đệ tại Galilê mà lại không ở một nơi nào khác?

Vậy việc hẹn gặp ở Galilê mang ý nghĩa gì?

Và đâu là lý do để Chúa hẹn gặp các môn đệ ở Galilê?

Câu trả lời vẫn là: Galilê là quê hương của các môn đệ.

Mọi sự đều bắt đầu ở đó. Một ngày kia, Đức Giêsu đã đến với họ. Ngài
bắt gặp họ đang hành nghề đánh cá. Họ hết sức xúc động trước cái nhìn
và lời lẽ của Ngài. Họ bị đánh động  và cảm thấy như một niềm hy vọng
mãnh liệt vươn dậy trong lòng, đến  nỗi họ đã không ngần ngại đi theo
Ngài với niềm hăng say nhiệt tình của tuổi trẻ và với tất cả niềm hạnh
phúc vì đã tìm ra Đấng mà các tiên tri loan báo, Đấng mà mọi người chờ
mong.

Galilê, đó là nơi mà Đức Giêsu đã để lại dấu vết hiện diện của Ngài:

- là Cana, nơi Ngài đã hóa nước thành rượu ngon,

- là ngọn núi nơi Ngài công bố các Mối Phúc Thật,

- là những phép lạ chữa lành bệnh tật mà họ là nhân chứng với tất cả
sự kinh ngạc,

- là những đám đông hứng khởi và ngày một đông đảo hơn,

- là những bữa ăn cùng nhau chia sẻ,

- là những nẻo đường rong ruổi mà các môn đệ đi theo Đức Giêsu.

Như thế, Galilê, một vùng đất đã ghi đậm kỷ niệm về tất cả những lời
nói và hành động hết sức gần gũi của Đức Giêsu Nagiaret.  Chính vì
vậy, biến cố Phục Sinh cần phải được nối lại với những gì xảy ra trước
đó ở Galilê.

Trở lại Galilê là cách thức giúp họ tìm lại một con người rất thật và
rất gần gũi của Đức Giêsu. Gặp lại như thế quả là hết sức cần thiết,
nhất là vào thời điểm mà Đức Giêsu khẳng định với họ cách long trọng
về vương quyền của Ngài trước khi trở về với Chúa Cha (Mt 28,18).

Các môn đệ cần phải hiểu rằng không có sự cắt đứt giữa Đức Giêsu Lịch
Sử và Đức Chúa Phục Sinh, Đấng chiến thắng sự chết cũng chính là con
người rất gần gũi, “rất người’ mà họ đã từng  kề cận, đã từng chung
sống.

Được gặp lại Đức Giêsu Phục Sinh ở Galilê, nghĩa là ở chính nơi mà họ
đã biết đến, đã ngưỡng mộ và yêu mến Ngài, quả là một khoảnh khắc mang
tính chất quyết định. Cuộc gặp gỡ đã nối kết vinh quang của Đấng Phục
Sinh với cuộc đời trần thế của Ngài và do đó tạo nên một ký ức sống
động về kinh nghiệm Tin Mừng Phục Sinh. Các môn đệ sống lại kinh
nghiệm đó, nhưng lần này là trong Ánh Sáng Phục Sinh. Từ nay tâm trí
họ, Đức Giêsu Lịch Sử và Đức Chúa Phục Sinh là một.

Hơn nữa, một điều chúng ta cần lưu ý ở đây là việc trở lại Galilê cũng
như việc Chúa Phục Sinh tỏ mình cho các môn đệ xảy ra giữa hai biến cố
Phục Sinh và Hiện Xuống. Vì thế, cần phải hiểu việc Chúa hiện ra tại
Galilê như sự chuẩn bị cho biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống. Với
cuộc gặp gỡ này, Chúa Giêsu cho môn đệ thấy rằng, vinh quang Thiên
Chúa mà Ngài vừa bước vào cũng chính là ánh vinh quang của đức ái thần
linh đã dẫn dắt Ngài suốt trên con đường trần thế và đưa Ngài đến chỗ
trao hiến chính mạng sống mình. Sự trao hiến này mạnh hơn cả sự chết
và đó cũng chính là sự sống mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại.

Như vậy việc trở lại Galilê mang chiều kích của một kinh nghiệm thiêng
liêng, chứ không phải chỉ là sự trở về một nơi chốn theo nghĩa địa lý.
Đó thực sự là một cuộc khám phá, dưới ánh sáng của ChúaThánh Thần.
Dưới ánn sáng của Chúa Thánh Thần, các môn đệ cũng như chúng ta khám
phá ra nơi nhân tính của Đức Kitô Lịch Sử, một tình yêu siêu việt đã
hiến ban cho chúng ta cách nhưng không. Khi đón nhận tình yêu này,
chúng ta thông hiệp vào sự sống viên mãn. Một sự sống vừa nâng cao và
tái tạo chúng ta từ nơi thâm sâu của con người, vừa dẫn đưa chúng ta
vào một thế giới rộng lớn bao la. Một kinh nghiệm như thế cho chúng ta
thấy rằng mình được nâng đỡ, được bao bọc bởi một tình yêu, một tình
yêu chỉ mong muốn thông ban sự sống, thông ban sự thánh thiện, thông
ban niềm vui và vinh quang của Thiên Chúa cho chúng ta. Amen.

Posted By Đỗ Lộc Sơn07:50

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Đêm canh thức vượt qua (Ngày 31 tháng 3 năm 2018 – Đêm vọng Phục sinh)

Filled under:

ĐÊM CANH THỨC VƯỢT QUA

Phần ILịch sử cứu độ và mầu nhiệm Vượt qua


Trong đêm cách thức Vượt Qua, phần Phụng Vụ Lời Chúa được cử hành cách long trọng nhất trong năm, nhằm mục đích gợi lại cho chúng ta toàn bộ lịch sử cứu độ, ngang qua bảy bài đọc trích phần “Giao Ước Kia”[1] của Kinh Thánh.
Như thế, mầu nhiệm Vượt Qua, nghĩa là hành trình nhiệm mầu đi vào sự sống ngang qua sự chết của Đức Ki-tô, là điểm tới và là sự hoàn tất trọn vẹn lịch sử cứu độ, và qua lịch sử cứu độ, hoàn tất toàn thể lịch sử nhân loại, trong đó có cuộc đời của từng người chúng ta. Thế mà lịch sử cứu độ, lịch sử nhân loại và cuộc đời của từng người chúng ta bị phối tất yếu bởi Sự Chết (vì mọi người đều phải chết) và bị ảnh hưởng nặng nề bởi Sự Dữ (vì mọi người đều phạm tội).

  1. Đức Ki-tô: Đấng chiến thắng Sự Chết
Trong trình thuật “Sáng Tạo Bảy Ngày” (Bài đọc 1: St 1, 1 – 2, 2), hành động ban lương thực của Thiên Chúa, là điểm tới, là mục đích, hay ít nhất là hành động cuối cùng trong quá trình sáng tạo, vì thế sau đó, Thiên Chúa nói: “Rất tốt đẹp” (c. 31). Có thể nói, Thiên Chúa dựng nên muôn loài và con người là để “cho ăn”! Nghĩa là để làm cho sống. Và trong ơn huệ sự sống, đã chất chứa lời hứa trao ban sự sống, sự sống dồi dào rồi, “sự sống dồi dào”, không phải là sự sống “ăn no mặc ấm” và “êm trôi êm trôi”, nhưng là sự sống mạnh hơn sự chết. Đức Ki-tô đến để làm rõ và thực hiện lời hứa này (x. Ga 10, 10).
Thật vậy, Bánh Thánh Thể chính là điểm tới của ơn huệ lương thực, được Thiên Chúa ban cho loài người từ thủa tạo thiên địa và được hiện tại hóa mỗi ngày, như chúng ta vẫn cầu nguyện trong kinh Lạy Cha “xin cho chúng con lương thực hành ngày”. Chính Đức Ki-tô là Đấng ban cho chúng ta Bánh của Thiên Chúa, Bánh có sức đổi mới mạnh mẽ hơn cả sự chết, vốn là thử thách tận cùng mà chính Ngài đã vượt qua.
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.
Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.
(Ga 6, 51)
Mầu nhiệm Vượt Qua cho chúng ta biết tấm bánh này được nhào nắn như thế nào: bánh đã đi ngang qua thập giá của Đức Kitô, nơi chốn đích thật cho sự biến đổi của bánh. Nơi Thập Giá, lòng ước ao của chúng ta được mời gọi lắng nghe Tin Mừng về Bánh Hằng Sống, vốn hoàn tất ơn huệ sáng tạo, khi nhìn ngắm với lòng mến vẻ bề ngoài “nát tan”, không còn gì, của Đức Kitô chịu đóng đinh.
Vong Ps
Nếu bánh ăn hằng ngày không làm cho chúng ta chiến thắng sự chết, thì Bánh Hằng Sống, là chính Đức Giê-su mà chúng ta lãnh nhận nơi bí tích Thánh Thể, sẽ làm cho chúng ta chiến thắng sự chết, bởi vì chính Ngài đã vượt qua và chiến thắng cả tiến trình dẫn đến sự chết và chính cái chết trong cuộc Thương Khó. Bánh Hằng Sống, có sức mạnh chiến thắng sự chết, đáp ứng lòng khao khát sự sống của loài người chúng ta, dù ý thức hay không ý thức.

  1. Đức Ki-tô: Đấng chiến thắng Sự Dữ
Ơn huệ bánh ăn hằng ngày chất chứa lời hứa ơn huệ bánh hằng sống, và Đức Ki-tô đến để hoàn tất lời hứa này. Nhưng lịch sử cứu độ, cũng giống như lịch sử nhân loại và lịch sử của từng người chúng ta, bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ, được biểu lộ dưới mọi hình thức và ở nơi những con người cụ thể. Con người không chỉ phải chết bởi thân phận cát bụi, nhưng, dưới tác động của Sự Dữ, con người lại tạo ra bầu khi chết chóc trong tương quan với nhau và muốn cái chết cho nhau. Vậy Thiên Chúa có còn trung tín với lời hứa ban Bánh Hằng Sống cho chúng ta hay không?
  1. Ơn tuyển chọn
Việc Thiên Chúa đi vào tương quan giao ước với một dân tộc giữa các dân tộc, khởi đi từ việc tuyển chọn tổ phụ Abraham (Bài đọc 2: St 22, 1-18), chính là cách thức Thiên Chúa muốn nói với loài người chúng ta rằng, Ngài mãi mãi trung tín với lời hứa ban “Bánh Hằng Sống”, dù loài người chúng ta có ra như thế nào. Cũng giống như cha mẹ đối với những đứa con mình đã sinh ra; và kinh nghiệm nhân linh này giúp chúng ta nhận ra sự thật về lòng trung tín của Thiên Chúa hằng sống, như lời nguyện Thánh Vịnh 136 diễn tả:
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Nhưng tại sao lại tuyển chọn một dân tộc? Và chúng ta có thể mở rộng vấn đề lựa chọn ra hơn nữa: tại sao Chúa không ứng xử mọi người như nhau? Đặt câu hỏi này, là chúng ta đã để cho “Con Rắn” (St 3), kẻ chuyên reo rắc nộc độc ghen tị, thâm nhập vào tâm hồn rồi. Lí do đơn giản, vì đó là ơn huệ nhưng không; như người chủ nói với những người làm công ghen tị: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20, 15).
Nhưng lí do tận cùng vẫn là mầu nhiệm Thiên Chúa là tình yêu: tình yêu chỉ có thể được bày tỏ cách hoàn hảo, không phải trong tương quan “bình đẳng” với một đám đông, trong đó mọi người đều có một “khuôn mặt” như nhau, nhưng trong một tương quan thiết thân và cá vị. Bởi vì tình yêu không thể được biều lộ theo một cách thức nào khác, ngoài tương quan một-một. Và vì đó là tình yêu Thiên Chúa, chứ không phải tình yêu giới hạn và nhiều khi lệch lạc của con người, chúng ta được mời gọi xác tín rằng, cùng một tình yêu đó, Chúa dành cho từng người chúng ta, một cách đích danh, giống như tình yêu Ngài dành cho “Người Môn Đệ Chúa thương mến”. Và chỉ có tình yêu cá vị của Chúa dành cho từng người chúng ta, mới có thể khơi dậy tình yêu cá vị của chúng ta dành cho Chúa.
Cũng giống như ơn sự sống ở nguồn gốc, được diễn tả ngang ơn huệ bánh hàng ngày, sự tuyển chọn này là ơn huệ nhưng không của Thiên Chúa ban. Tính nhưng không được đặc biệt nhấn mạnh nơi Isaac, Đứa Con của Lời Hứa, được sinh ra hoàn toàn do quyền năng sáng tạo sự sống của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Sự Dữ lộ diện, và đi theo nó là cả một bầu khí chết chóc, khi người ta tự biến mình thành chủ nhân của ơn huệ Thiên Chúa ban, và như thế, có quyền định đoạt. Khi tổ phụ Abraham được mời gọi dâng hiến người con trai duy nhất và yêu quí với tâm hồn tan nát, thì chính là để giúp ông, trong kế hoạch của Thiên Chúa, biết nhận lại một lần nữa như quà tặng, có thể sinh hoa kết qua gấp trăm; còn nếu làm ngược lại, cứ khư khư giữ lấy, ông sẽ đánh mất chính điều mình tìm cách giữ lấy và làm chủ. Thực vậy, ngay sau đó sứ thần của Đức Chúa nói với ông:
Ta sẽ thi ân giáng phúc cho người,
sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông,
nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển”
(St 22, 17)
Theo thánh Phao-lô, dòng dõi Abraham đích thật không phải là bởi huyết thống, nhưng là bởi đức tin. Vì thế, bởi lòng tin, chúng ta là con cháu đích thực của tổ phụ Abraham. Chúng ta có thể hình dung ra tương quan cha-con đã được biến đổi sâu xa đến mức nào, khi họ xuống khỏi núi “Đức Chúa sẽ liệu”, để trở về nhà.
  1. Ơn giải thoát
Sự trung tín với lời hứa ban Bánh Hằng Sống lại được thể hiện một lần nữa một cách nhưng không trong lịch sử qua biến cố Xuất Hành, giải thoát dân khỏi quân Ai Cập và Biển Đỏ, biểu tượng của Sự Dữ và Sự Chết (Bài đọc 3: Xh 14, 15 – 15, 1a). Như chúng ta đều biết, Đêm Vượt Qua ở vào vị trí trung tâm của Kinh Thánh. Trong đêm Vượt Qua, các con trai đầu lòng của Ai Cập bị sát hại: “Chúa sát hại các con đầu lòng Ai-cập” (Tv 136, 10). Tai họa đã chừa dân Israel ra, dân mà Chúa gọi là « con đầu lòng của ta » (Xh 4, 22). Bị giáng họa như thế, vì Pharaô đã từ chối giải phóng Israel ; sau đó, ông nhượng bộ và để cho Israel ra đi. Như vậy, đêm Vượt Qua cũng là tai ương thứ mười của Ai Cập. Giờ của tai ương thứ mười đối với Ai Cập là giờ của ơn giải thoát đối với Israel. Tai ương ở đây, chính là cái chết. Không phải cái chết cho Israel, nhưng cái chết cho người Ai Cập. Không phải cái chết của Pharaô, nhưng cái chết của con đầu lòng của Pharaô, và của tất cả các con đầu lòng của dân tộc ông. Như thế, tai họa rơi xuống một nơi rất chính xác, đó là nơi lưu truyền sự sống. Trước đó, Pharaô đã tìm cách tước quyền lưu truyền sự sống đối với Israel. Dự tính này giờ đây rơi xuống trên chính ông và dân tộc ông ; Pharaô chứng kiến tội ác của mình đổ xuống trên chính ông hay đúng hơn trên con trai của ông và các con trai của dân tộc ông.
Trình thuật Xuất Hành kể cho chúng ta rằng trong tai họa này, có bàn tay của Thiên Chúa. Đứng trước dữ kiện này của Kinh Thánh, một số người phản kháng, một số khác cố tìm hiểu tại sao, và một số khác nữa thì nhắm mắt cho qua, « nín thở qua sông ». Quả thật, có điều gì đó không ổn trong biến cố này. Trình thuật Xuất Hành không dấu diếm sự bối rối và kí ức của Israel đã chưa bao giờ cảm thấy nguôi ngoai với biến cố này. Trước hết, đây là tai họa thứ mười, nghĩa là cách giải quyết cuối cùng, cách mà phải cố tránh hết sức. Hơn nữa, mười tai họa chỉ xẩy ra sau khi cuộc đàm phán đã thất bại ; và trong cuộc đàm phán này, đã không có lời đe dọa nào. Những tai họa đầu tiên dù thật ấn tượng, nhưng không quá bi thảm ; đó là ba tai họa đầu tiên : nước trở nên độc hại, nạn ếch nhái và nạn muỗi. Khi kể tuần tự các tai họa, trình thuật Xuất Hành cũng từ từ và một cách khắc nghiệt chỉ ra đâu là sự dữ của Pharaô, tội của ông ẩn núp ở đâu. Và cuối cùng, chỉ sau mười tai họa, lời của Môsê mới được coi là thất bại hoàn toàn. Pharaô đã trở nên mù và điếc với mọi sự khoan hồng : chỉ hiểu được sức mạnh mà thôi, thì đó chính là lựa chọn nộp mình cho sức mạnh.
Những điều chúng ta vừa nói thuộc bình diện công lý. Ngoài ra, trình thuật Kinh Thánh cũng có những do dự khi kể lại biến cố Vượt Qua. Không phải chính Thiên Chúa đã hủy diệt các con trai đầu lòng Ai Cập, nhưng đúng hơn là một hữu thể tối tăm được gọi là « Thần Hủy Diệt » (Xh 12, 23). Thiên Chúa đã không để cho Thần Hủy Diệt vào các nhà của Israel (Xh 12, 23), Ngài chỉ để cho Thần Hủy Diệt vào các nhà của người Ai Cập. Hơn nữa, Israel và Ai Cập đâu phải là hai dân tộc thù nghịch : chính Môse là con trai của một bà mẹ Ai Cập và các phụ nữ Ai Cập rất quảng đại cho đồ đạc các phụ nữ Israel, khi họ ra đi. Và khi tai họa thứ mười xẩy ra, Môse chẳng còn đóng một vai trò nào nữa, chẳng khởi động nó và cũng chẳng làm ngưng lại.
Như thế, dù sao đi chăng nữa vẫn có công lý trong đêm Vượt Qua này. Nhưng chúng ta vẫn cảm thấy rằng công lý này vẫn chưa ngang tầm với công lý của chính Thiên Chúa. Có một dấu chỉ cho điều này, và đây là dấu chỉ đích thực của biến cố Vượt Qua : đó là máu của con chiên. Sự vô tội của con chiên tượng trưng cho sự vô tội của các con trai đầu lòng Ai Cập. Con chiên, không mang lại công lý, nhưng lại chỉ ra và nhắc nhớ sự bất công từ thế hệ này sang thế hệ kia. Con chiên chính là món nợ của Israel. Và sau biến cố Vượt Qua, nghĩa là sau khi được giải phóng, Israel vẫn mang nợ đối với Ai Cập. Khi nào Israel trả được nợ cho Ai Cập, và hai dân tộc được giao hòa ? Đó là lúc “Môsê Mới” xuất hiện, mang lấy chỗ của Môse và chỗ của Con Chiên, Ngài sẽ làm cho Ai Cập (nghĩa là dân ngoại) và Israel (nghĩa là dân được tuyển chọn) trở thành một dân tộc duy nhất và thánh thiện bằng chính máu của Ngài. Xưa kia, dân tộc này đã làm đổ máu dân tộc kia ; sau đó, dân tộc ấy bị đổ máu như giá phải trả để dân tộc kia được giải thoát ; nhưng nay, trong Đức Kitô, hai dân tộc được cứu thoát và được giao hòa, bằng máu của Con Chiên vô tội, là Đức Giêsu-Kitô, Con Thiên Chúa. Như Người nói trong Bữa Tiệc Ly:
Anh em hãy cầm lấy mà uống, này là chén máu Thầy,
máu Giao Ước mới, Giao Ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho anh em
và muôn người được tha tội. Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy
.
ĐÂY MỚI CHÍNH LÀ CÔNG LÝ THẦN LINH
  1. Đức Ki-tô hoàn tất lời hứa
Sau biến cố Xuất Hành, dân được giải thoát, trong suốt dòng lịch sử, một đàng bị vùi dập bởi những thăng trầm của lịch sử (x. Gia phả của Đức Giê-su trong Mt 1, 17), giống như mọi dân tộc khác, và đàng khác, sẽ vẫn tiếp tục quên đi ơn huệ Thiên Chúa ban, qua đó, để cho Sự Dữ gieo rắc thái độ nghi ngờ Thiên Chúa, gây ra bầu khí chết chóc cho mình và cho người khác (x. Ds 21, 4b-9; Ga 3, 13-17).
Các ngôn sứ thay phiên nhau đến nói Lời Thiên Chúa cho dân được tuyển chọn, vốn là “tôi tớ đau khổ” của Thiên Chúa, rằng Ngài vẫn luôn trung tín với lời hứa dành cho tổ phụ Abraham, như chính Đức Maria xác tín:
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.
Để chữa lành một lần cho tất cả hình ảnh sai lầm con người có về Thiên Chúa, Ngài hứa ban ơn tha thứ (Bài đọc 4: Is 54, 5-14), để dẫn con người vào trong Giao Ước Mới (Bài đọc 5: Is 55, 1-11), dựa trên Đức Khôn Ngoan, vốn là Luật Mới (Bài đọc 6: Ba 3, 9-15.32 – 4, 4) và trái tim mới (Bài đọc 7: Ed 36, 16-17a.18-28). Và lời hứa này được hoàn tất nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô.
Thật vậy, nơi thập giá của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi nhìn ra khuôn mặt đích thật của chính Thiên Chúa. Thập Giá muốn nói với chúng ta rằng, thân phận con người không phải là một hành trình dẫn đến chỗ chết. Con người muốn vươn lên bằng Thiên Chúa, nhưng Con Thiên Chúa làm người và làm người đến tận cùng, để nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa tạo dựng nên con người không phải để đầy đọa, thử thách và lên án, và thân phận con người, dù có như thế nào, là con đường dẫn đến Thiên Chúa, nguồn Sự Sống; như thánh Phaolô xác tín:
Không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa,
được thể hiện nơi Đức Kitô chịu đóng đinh trên Thánh Giá
”.
Nếu chúng ta cùng đã chết với Đức Ki-tô,
chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người.
(Bài đọc 8: Rm 6, 3-11).
* * *
Nơi Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã muốn để cho Sự Dữ đi tới cùng nghĩa là giết chết, và chỉ sau đó, Thiên Chúa mới hành động. Tại sao như vậy ? Bởi vì Thiên Chúa vừa không đính dáng gì đến sự dữ và Thiên Chúa mạnh hơn sự dữ. Thiên Chúa không chỉ chiến thắng Sự Dữ, nhưng còn chiến thắng sự chết, sự chết gây ra bởi sự dữ và do đó cả sự chết đến thân phận con người : đó là TIN MỪNG trọng đại. Xin cho chúng ta, trong cuộc sống hàng ngày, nghiệm thấy sự trọng đại của Tin Mừng Đức Ki-tô phục sinh đối với cuộc Thương Khó, với nhân loại, với những người thân yêu của chúng ta, và với chính bản thân chúng ta.
Và Tin Mừng này chỉ trọng đại, khi chúng ta có lòng khao khát. Thế mà, con người tự bản chất có lòng khao khát sự sống viên mãn, tình yêu viên mãn và sự hiệp thông viên mãn. Tin Mừng Đức Ki-tô Phục Sinh chính là lời đáp và lời hứa cho khát khao của loài người. Có hai hoa trái mà chúng ta cần xin Chúa, trong Đêm Canh Thức Vượt Qua và và mãi về sau :
  • Sự Sống mới của Đức Ki-tô Phục Sinh lôi kéo chúng ta trong cuộc đời, ơn gọi và mỗi ngày sống, để chúng ta bình tâm với mọi sự và định hướng mọi sự. Như thế ơn gọi ca tụng Thiên Chúa của chúng ta có một năng động mới đến từ chính Chúa.
  • Vì là sự sống của Đức Ki-tô phục sinh là có thật, xin cho chúng ta được nhận ra sự sống của Chúa tràn sang bờ bên này của cuộc sống chúng ta để biến đổi sự sống hôm nay và chóng qua của chúng ta rồi. Các trình thuật hiện ra mà Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh, cho thấy điều này. Và Đức Ki-tô Phục Sinh vẫn còn hiện diện trong đời sống của nhân loại, của Giáo Hội, của cộng đoàn, trong đời sống và tâm hồn của từng người trong chúng ta.


Phần II

Kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô Phục Sinh(Mt 28, 1-15)

1 Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ.2 Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên;3 diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết.4 Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi.5 Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh.6 Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm,7 rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay.”
8 Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay. 9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em! ” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người.10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”
11 Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra.12 Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn,13 và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác.14 Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.”15 Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.
  1. Tin hay hay không tin
Bài Tin Mừng được công bố trong Đêm Canh Thức Vượt Qua và trong ngày Thứ Hai của Tuần Bát Nhật Phục Sinh nói cho chúng ta về hai lời “loan báo”.
  1. Lời loan báo Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết và sẽ đích thân đến gặp gỡ các “anh em” của Ngài:
Bấy giờ Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ!
Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”.
(c. 10)
  1. Và lời loan báo Ngài đã chết và “chết luôn” rồi:
Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ,
các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác”!
(c. 13)
Hai lời loan báo này tượng trưng cho hai thái độ đối với căn tính của Đức Ki-tô; và hai thái độ này đã và vẫn tồn tại ở mọi nơi mọi thời. Và đó không chỉ là hai thái độ diễn tả hai nhóm người khác nhau, nhưng còn là hai thái độ có thể tồn tại ngay ở giữa những người mang danh Ki-tô hữu, và ở nội tâm của một Ki-tô hữu vào những giai đoạn khác nhau của hành trình đức tin. Nhưng tin hay không tin nơi Đức Ki-tô phục sinh, sẽ có những hệ quả thật nghiêm trọng, không chỉ ở đời sau, nhưng ngay hôm nay: sự chết sẽ bắt lấy chúng ta và chúng ta sẽ “làm việc” cho nó, nếu chúng ta tin nó; ngược lại tin nơi Đức Ki-tô phục sinh mời gọi chúng ta đón nhận ơn tha tội và ơn chữa lành khỏi Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ, để sống sự sống mới ngay hôm nay trong niềm hi vọng được thông phần với sự sống mới với Đấng Phục Sinh luôn mãi. Lòng tin có sức sức mạnh giải phóng, như Đức Giê-su đã từng nói: “Lòng tin của con đã cứu con”.
  1. Lời loan báo thứ nhất
Lời loan báo thứ nhất có nguồn gốc thần linh. Thật vậy, trong bài Tin Mừng được công bố trong Đêm Canh Thức Vượt Qua, chính thiên thần nói các bà:
Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay (Mt 28, 5-7).
Và trên đường từ ngôi mộ trở về báo tin cho các môn đệ Đức Giê-su, các bà đã được chính Đức Ki-tô Phục Sinh đón gặp, như để bày tỏ lòng ưu ái đặc biệt với các bà; chính vì thế mà, các bà được Truyền Thống Giáo Hội tôn vinh là “tông đồ của các tông đồ. Và đồng thời, khi để cho các bà được nhận biết trực tiếp, Ngài muốn đặt nền tảng cho lời loan báo của chứng nhân đầu tiên, và của các chứng nhân ở mọi thời, trong đó có chính chúng ta hôm nay nữa, đó là kinh nghiệm gặp gỡ đích thân Đức Ki-tô Phục Sinh:
“Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó (c. 9).
  1. Lời loan báo thứ hai
Trong khi đó, nguồn của lời loan báo thứ hai là những con người, cụ thể là các thượng tế và và các kì mục:
Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn,
và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ,
các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác”.
Thế mà, các thượng tế và các kì mục là hình ảnh tượng trưng cho thái độ không tin; và khi không tin, người ta sẽ chứng minh cho bằng được điều ngược lại, bằng những hành vi gian dối (gian dối ngay trong lời loan báo, vì ngủ rồi, làm sao mà biết các môn đệ đến lấy trộm xác!), tính toán vụ lợi (có sự hiện diện của tiền bạc), và cuối cùng là loại trừ và bạo lực, vốn là hình ảnh của Sự Dữ, như chúng ta đã thấy trong cuộc đời và nhất là cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô.
* * *
Xin cho chúng ta cũng có cùng một kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh, ngang qua kinh nghiệm được sự sống mới của Chúa đánh động, lôi kéo và thu hút chúng ta trong cuộc đời, trong hành trình ơn gọi và trong mỗi ngày sống, đến độ chúng ta có thể bình tâm với mọi sự và định hướng cho mọi sự. Và vì sự sống của Đức Ki-tô phục sinh là có thật, xin cho chúng ta được nhận ra sự hiện diện của Ngài đã tràn sang bờ bên này của cuộc sống chúng ta để biến đổi, tái tạo, soi sáng, dẫn dắt sự sống hôm nay và chóng qua của chúng ta, ngang qua các dấu chỉ Lời Chúa, các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, và những biến cố trong cuộc đời của chúng ta.
Như hành trình đức tin của các phụ nữ, nhất là của thánh nữ Maria Magdala, của các hai môn đệ trên đường Emmau và của chính các Tông Đồ, chính kinh nghiệm thiêng liêng đích thân gặp gỡ, đụng chạm và cảm nếm sự hiện diện thần linh của Đức Ki-tô phục sinh và hoa trái của cuộc gặp gỡ phát sinh và lan tỏa trong cuộc sống đầy ơn huệ nhưng cũng nhiều thử thách, làm chứng cho lời loan báo TIN MỪNG ĐỨC KI-TÔ PHỤC SINH của chúng ta là sự thật, là có nguồn gốc thần linh, chứ không phải bất cứ sự kiện lạ lùng, kiến thức lịch sử hay ngụy lịch sử hoặc lí lẽ hùng biện hay khúc chiết nào khác.
Đêm Canh Thức Vượt Qua 2015
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Thay vì gọi “Cựu Ước và Tân Ước”, chúng ta có thể gọi “Giao Ước Kia và Giao Ước Này”, theo đề nghị của cha Paul Beauchamp, S.J., trong cuốn sách mang tựa đề L’Un et l’Autre Testament, tome I : Essai de lecture, Paris, Editions du Seuil, coll. « Paroles de Dieu », Paris, 1977. Bởi vì hai Giao Ước mãi mãi tồn tại, ít nhất trên bình diện Lời Chúa, để soi sáng cho nhau.

Posted By Đỗ Lộc Sơn08:43

Đức Phanxicô muốn có các “linh mục đường phố”

Filled under:

Các linh mục gần gũi, các linh mục có mặt, các linh mục nói chuyện với mọi người”
“Các linh mục gần gũi, các linh mục có mặt, các linh mục nói chuyện với mọi người ... Các linh mục đường phố”. Đó là điều Đức Phanxicô mong muốn trong Lễ Dầu ngài cử hành ngày Thứ Năm Tuần Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô sáng thứ năm 29 tháng 3 – 2018.
Trong bài giảng thánh lễ, ngài nhấn mạnh: “Linh mục gần với giáo dân, đi giữa bổn đạo mình với tình gần gũi, tình dịu dàng của một mục tử ... giáo dân không những yêu mến linh mục hơn, nhưng còn hơn thế nữa: họ cảm thấy nơi linh mục này có một cái gì đặc biệt, một cái gì chỉ có thể cảm nhận nếu có sự hiện diện của Chúa Giêsu”.
Ngài nói thêm: “Sự gần gũi không phải là một cái gì có thêm, nhưng thật sự là một cái gì như Chúa Giêsu có mặt trong đời sống của nhân loại, chứ không phải chỉ vẫn ở trong ý tưởng, khép kín trong sách vở, nhiều nhất là có một vài thói quen tốt dần dần trở thành thường lệ”.
Đức Phanxicô làm rõ: “Sự gần gũi còn hơn là tên của một đức hạnh đặc biệt, sự gần gũi là thái độ liên quan đến toàn diện con người, theo cách người đó xây dựng các mối liên hệ, cùng một lúc mình vẫn là mình, nhưng chú tâm đến người khác”.
Đức Phanxicô khẳng định, “các linh mục gần với giáo dân, có mặt với giáo dân, nói chuyện với mọi người ... Đó là các linh mục đường phố. Khi giáo dân nói linh mục này ‘gần’, chung chung họ nhấn mạnh đến hai điểm: điểm đầu tiên, ‘cha luôn ở đó’ (khác với linh mục ‘cha chẳng bao giờ ở đó’ và giáo dân hay nói ‘thưa cha, con biết, cha rất bận '). Và điểm thứ nhì, linh mục đó có lời để nói với từng người. Giáo dân nói: ‘Cha nói với tất cả mọi người; với người lớn cũng như với trẻ con, với người nghèo cũng như với người không tin ...’”
Các linh mục gần gũi với giáo dân này theo gương Chúa Giêsu, họ “có thể là một nhà kinh viện hay luật sĩ, nhưng họ muốn họ là người rao giảng phúc âm, người rao giảng đường phố, là sứ giả Tin Mừng cho giáo dân”. 
Sự gần gũi là chìa khóa của sự thật
Sự gần gũi là “chìa khóa của lòng thương xót” nhưng cũng là “chìa khóa của sự thật”, Đức Phanxicô khẳng định một lần nữa: “Sự thật không phải chỉ là định nghĩa dùng để đặt tên các trường hợp, các sự việc, phân biệt các khái niệm, các lý lẽ hợp lý ... Sự thật cũng là trung tín (emeth), đức tính cho phép mình chỉ định đúng người qua đúng tên của họ, như Chúa Giêsu đã đặt tên, trước khi phân loại hay định nghĩa theo “tình trạng” của họ”.
Đức Phanxicô cũng đả kích thói xấu của loại “văn hóa dùng tính từ”, xem người khác là “như thế này, như thế kia” ... không, họ là con của Chúa. Họ có những đức tính, những khiếm khuyết, nhưng là sự thật trung thực của con người, chứ không phải các tính từ trở thành bản chất của họ.
Ngài cũng cảnh báo chống “cám dỗ thần tượng hóa một vài sự thật trừu tượng. Đó là loại thần tượng thuận tiện, vừa tầm tay, mang lại một ít uy thế và quyền lực, nhưng lại khó nhận ra. Bởi vì “sự thật-thần tượng” tự ngụy trang, dùng những lời lẽ phúc âm như mặc áo bên ngoài, nhưng không cho phép đụng vào tâm hồn. Và còn tệ hơn nữa, điều này làm cho giáo dân không gần được với Lời Chúa, với các Bí tích của Chúa Giêsu, Đấng chữa lành”.
Trong thánh lễ này, Đức Phanxicô đã làm phép dầu, dầu này sẽ được dùng trong các bí tích rửa tội, thêm sức và chịu chức. Ngài cũng làm phép dầu để dùng cho các tân tòng và khi xức dầu.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Thánh lễ Truyền Dầu tại Vatican
Thứ năm Tuần Thánh 2018
Anh em linh mục giáo phận Roma và anh em linh mục các giáo phận khác trên toàn thế giới, thân mến!
Khi đọc phụng vụ Lời Chúa hôm nay, tôi để tâm chú ý đoạn trích sách Đệ nhị luật nói rằng: “Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người?” (Đnl 4,7). Sự gần gũi của Thiên Chúa… Sự gần gũi của Đấng là mục tử của chúng ta.
Trong bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia, chúng ta chiêm ngưỡng vị sứ giả của Chúa, vị ấy “được sức dầu và được sai đi”, đến giữa dân Chúa, đến gần người nghèo, người đau ốm và các tù nhân… Thần Khí Chúa ngự trên vị ấy, để tăng sức và đồng hành với vị ấy trên suốt hành trình.
Trong Thánh Vịnh 88, chúng ta thấy cách thức gần gũi của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dẫn dắt Vua Đavit ngay từ khi Đavit còn rất trẻ. Chúa gìn giữ ông khi ông về già. Chúa ban cho ông danh hiệu thành tín: sự gần gũi của Thiên Chúa vững bền qua muôn thế hệ, và đó chính là lòng thành tín của Chúa.
Sách Khải Huyền đưa chúng ta lại gần Thiên Chúa, diện đối diện. Những lời ấy như sau: “Kìa mọi ánh mắt sẽ nhìn thấy Người, và cả những kẻ đã đâm Người cũng nhìn thấy Người”. Những lời ấy làm cho chúng ta nhận ra rằng, các vết thương của Đấng Phục Sinh là luôn luôn nhìn thấy được. Chúa luôn đến với chúng ta, như người thân cận của chúng ta, như thân thể của những ai đau khổ, đặc biệt là những người bé nhỏ.
Trọng tâm bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa qua ánh mắt của chính người dân, vì lúc đó, mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Chúa (Lc 4:20). Chúa Giêsu đứng dậy đọc sách trong hội đường Nazaret. Người mở sách ra và đọc sách ngôn sứ Isaia. Mở ra, người gặp đoạn nói về người Tôi Tớ, chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Ngài đã sức dầu tấn phong tôi…” (Is 61:1). Khi kết thúc, Chúa đã đánh thức người nghe nhận ra sự gần gũi được hàm chứa trong những lời Sách Thánh. Chúa nói: “Hôm nay, ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai quý vị vừa nghe” (Lc 4:21).
Chúa Giêsu gặp thấy và đọc lên sách thánh trong sự thông hiểu của một kinh sư. Người cũng có thể trở thành một nhà thông luật hoặc biệt phái, nhưng không, Chúa muốn trở thành Người loan báo Tin Mừng. Chúa muốn trở thành người giảng dạy trên đường phố, trở thành người mang tin vui cho người dân, trở thành vị sứ giả bước những bước chân như tiên tri Isaia loan báo: Đẹp thay bước chân người loan báo tin mừng!
Đây là chọn lựa tuyệt vời của Thiên Chúa: Chúa chọn sống gần gũi dân Chúa. Suốt ba mươi năm sống ẩn dật! Chỉ sau ba mươi năm sống cùng mọi người, Chúa mới bắt đầu đời rao giảng. Ở đây, chúng ta thấy phương pháp sư phạm của mầu nhiệm Nhập Thể, phương pháp hội nhập văn hóa, không chỉ đối với các văn hóa nước ngoài, nhưng trong chính giáo xứ của chúng ta, trong thứ văn hóa mới mẻ của người trẻ.
Sự gần gũi không chỉ là tên gọi của một nhân đức, mà còn là một thái độ kết nối toàn thể con người ta, gắn kết cách thức mà chúng ta tương quan với nhau, định hình cung cách mà chúng ta quan tâm đến bản thân và đến tha nhân… Khi người giáo dân nói về một linh mục rằng: “cha ấy rất thân thiện gần gũi chúng tôi”, thì giáo dân có ý nói hai điều. Thứ nhất có nghĩa rằng: cha ấy luôn hiện hiện với chúng tôi. Điều này trái ngược với điều mà nhiều người sẽ nói: Thưa cha, con biết cha rất bận… Thứ hai có nghĩa, rằng vị linh mục ấy sẵn lòng tiếp chuyện mọi người, rằng vị linh mục ấy nói chuyện với mọi người, với người lớn, với trẻ nhỏ, với người nghèo, với người chưa có niềm tin… Các linh mục phải là những người gần gũi, ở giữa người dân. Các linh mục phải là những người luôn sẵn lòng ở giữa mọi người vì mọi người, sẵn lòng nói chuyện với mọi người… tựa như những vị linh mục đường phố.
Một trong những người học được từ Chúa Giêsu cách thế trở thành nhà rao giảng đường phố, đó là Philipphe. Trong sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta đọc thấy tông đồ Philipphe ra đi loan báo Tin Mừng khắp các thành phố với đầy niềm vui (Cv 8:4.5-8). Philipphe là một trong những người mà Thần Khí có thể bắt lấy bất cứ lúc nào, và thúc đẩy ông ra đi loan báo Tin Mừng từ nơi này đến nơi khác, để làm phép rửa cho tha nhân, ngay cả cho vị quan của nữ hoàng Etiopia (Cv 8:5.36-40).
Sự gần gũi rất quan trọng đối với các thừa tác viên loan báo Tin Mừng, vì sự gần gũi là một trong những thái độ then chốt trong Tin Mừng. Chúa thường nói về điều ấy khi nhắc tới Nước Trời. Chúng ta có thể chắc chắn rằng, sự gần gũi thân thiện là yếu tố then chốt của lòng thương xót, vì giống như người Samaritano nhân hậu, sẽ chẳng có lòng thương xót nếu không biết rút ngắn khoảng cách mà tiến lại giúp đỡ tha nhân. Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng, sự gần gũi là yếu tố then chốt của sự thật. Có thể rút ngắn khoảng cách để biết được sự thật cần được quan tâm hay không? Có chứ. Bởi vì sự thật không chỉ là một định nghĩa về những hoàn cảnh hoặc những điều này nọ từ một khoảng cách, bằng những lối luận lý trừu tượng. Sự thật không chỉ thế. Sự thật, chân lý cũng là sự thành thực. Điều này đòi hỏi chúng ta gọi tên anh chị em bằng cái tên thực sự của họ, chứ không phải theo những phạm trù hoặc theo những cái danh theo chức bậc theo hoàn cảnh này nọ.
Chúng ta phải cẩn thận, để khỏi rơi vào cám dỗ của những thần tượng, cám dỗ của những chân lý trừu tượng. Cám dỗ ấy cung cấp những thần tượng thoải mái, những lối đi dễ dãi, những uy tín này nọ, những quyền lực khó có thể nhận định. Những loại thần tượng của kiểu chân lý trừu tượng ấy, dường như khoác lấy dáng vẻ của Tin Mừng, nhưng hãy cẩn thận, đừng để những lời ấy chạm vào trái tim. Bởi vì lối cám dỗ ấy rất tệ, bởi vì các cám dỗ ấy tách rời người thường dân ra khỏi sự gần gũi chữa lành của lời Chúa và của bí tích mà Chúa đã lập.
Ở đây, chúng ta hãy trở về với Mẹ Maria, Mẹ của các linh mục. Chúng ta cũng có thể gọi Mẹ là “Đức Bà của sự gần gũi”. Như một người Mẹ đích thật, Mẹ luôn đồng hành từng bước bên ta. Mẹ chia sẻ với ta những khó khăn và Mẹ phủ bóng chúng ta bằng tình yêu mến của Thiên Chúa, và từ đó chúng ta không bao giờ có thể cảm thấy rằng mình bị bỏ rơi (Niềm Vui Tin Mừng, 286). Mẹ gần gũi chúng ta không chỉ bằng cách vội vã lên đường phục vụ, mà còn bằng cách Mẹ diễn tả ý kiến của Mẹ. Trong tiệc cưới tại Cana, vào đúng lúc cần, Mẹ đã nói với những người giúp tiệc rằng: “Người bảo gì, thì các anh cứ làm theo”. Lời nói của Mẹ trở thành khuôn mẫu cho ngôn ngữ của giáo hội. Nhưng để có thể nói những lời như Mẹ đã nói, chúng ta không chỉ xin Mẹ ơn để làm điều ấy, nhưng chúng ta còn phải biết hiện diện trong những giây phút quan trọng đối với mỗi tâm hồn, mỗi gia đình, hoặc mỗi nền văn hóa. Chỉ nhờ sự tốt lành gần gũi ấy mà chúng ta mới có thể nhận thấy rằng, đang thiếu rượu, và rằng đâu là rượu tốt nhất mà Chúa muốn ban cho chúng ta.

Tôi gợi ý các anh em linh mục suy gẫm về ba lãnh vực của sự gần gũi mục tử, với những lời sau đây: “Chúa Giêsu bảo gì thì hãy làm theo”. Lời này cần được lắng nghe, dù trong ngàn phương cách khác nhau, nhưng lời ấy luôn là cung giọng của một người mẹ. Lời ấy cần được rót vào tâm hồn của tất cả những ai mà chúng ta nói với. Những lời ở đây là: đồng hành thiêng liêng, xưng tội, rao giảng.
Sự gần gũi trong cuộc nói chuyện thiêng liêng. Chúng ta hãy phản tỉnh về điều ấy bằng cách suy tư về cuộc gặp gỡ giữa Chúa và người phụ nữ Samari. Chúa Giêsu đã dạy chị phải thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật. Sau đó, Chúa nhẹ nhàng giúp chị nhận ra tội lỗi của chị. Cuối cùng, Chúa đã thông truyền cho chị tinh thần truyền giáo, và chị ra đi loan báo tin mừng cho cả dân làng. Như thế, Chúa cho chúng ta thấy một khuôn mẫu của cuộc đồng hành thiêng liêng. Chúa biết cách để đưa tội của chị ấy ra ánh sáng, nhưng không làm lu mờ lời cầu nguyện và lòng sùng mộ của chị, cũng không nghi ngờ về ơn gọi loan báo Tin Mừng của chị.
Gần gũi trong xưng thú tội lỗi, trong việc giải tội. Chúng ta hãy suy tư điểm này trong đoạn nói về người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Thật rõ ràng là, trong giây phút đó, sự gần gũi là tất cả những gì có thể làm. Sự thật là Chúa Giêsu luôn tiếp cận và nói diện đối diện. Chúng ta hãy nhìn vào ánh mắt người khác như Chúa đã làm. Chúa cúi xuống, gần bên người phụ sữ ngoại tình sắp bị ném đá. Chúa ngẩng nên hỏi chị: Không ai ném đá chị sao? (Ga 8:11). Rồi có lời nói thêm: Chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa. Những lời nói ấy cần được nói bằng cung giọng chân thành, để cho phép tội nhân nhìn tới phía trước, chứ không chỉ nhìn về phía sau. Thế nhưng, từ ngữ “đừng phạm tội nữa” được nhìn trong tầm nhìn của một cha giải tội luôn sẵn lòng lặp đi lặp lại bảy mươi lần bảy.
Cuối cùng, gần gũi trong sự loan báo. Chúng ta hãy phản tỉnh về điều này khi nghĩ về những người ở xa, được nhắc đến trong bài giảng đầu tiên của tông đồ Phêrô. Bài giảng ấy là một phần của lễ Hiện Xuống. Thánh Phêrô công bố rằng, lời tuyên xưng này cũng là “dành cho tất cả những người ở xa” (Cv 2:39). Khi nghe thánh Phêrô rao giảng như thế, người ta cảm thấy đau lòng bởi lời tuyên xưng tiên khởi Kerygma, và họ tự hỏi rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?” (Cv 2:37). Bài giảng trong thánh lễ như là một tiêu chuẩn để đánh giá sự gần gũi của người mục tử với người dân, và để biết được khả năng tương giao và thấu hiểu của mục tử với người dân (Niềm Vui Tin Mừng, 135). Trong bài giảng, chúng ta có thể thấy cách thức chúng ta gần gũi Thiên Chúa trong cầu nguyện, và cách thức chúng ta gần gũi dân Chúa trong đời sống thường ngày.
Tin mừng được hiện tại hóa nhờ hai hình thức của sự gần gũi ấy nuôi dưỡng và nâng đỡ bổ túc cho nhau. Nếu bạn cảm thấy xa Thiên Chúa, hãy tiến gần hơn đến người dân, vì người dân có thể chữa lành bạn khỏi căn bệnh ý thức hệ, và người dân có thể sưởi ấm lòng nhiệt thành của bạn. Những con người bé nhỏ sẽ dạy cho bạn cách nhìn Chúa Giêsu theo một lối khác. Từ lối nhìn của người dân, bạn sẽ thấy một Chúa Giêsu rất hấp dẫn, sẽ thấy Ngài là một người sống tuyệt vời và đầy thẩm quyền luân lý, sẽ thấy lời giảng dạy của Chúa rất giúp ích cho cách mà chúng ta sống cuộc sống này. Nếu bạn cảm thấy xa cách người dân, thì hãy tiến lại gần Chúa trong lời của Chúa. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu sẽ dạy chúng ta cách hành xử, cách nhìn về người khác. Và trong ánh mắt của Chúa, có từng người trong chúng ta, và vì từng người chúng ta mà Chúa đã đổ máu ra trên thập giá. Khi gần gũi thân thiết với Thiên Chúa, Lời của Ngài sẽ trở thành của ăn thành thịt trong bạn, và nhờ đó, bạn có khả năng gần gũi với tất cả mọi người. Qua sự gần gũi với dân Chúa, những đau khổ của họ sẽ được thổ lộ cho trái tim bạn, và bạn sẽ được thúc đẩy để thân thưa với Chúa. Bạn sẽ một lần nữa trở thành vị linh mục chuyển cầu.
Một người linh mục gần gũi người dân thì bước đi cùng mọi người với sự gần gũi thân thiện và hiền lành của người mục tử nhân hiền. Khi chăn dắt chiên, người mục tử có lúc dẫn đầu chiên, có khi đi giữa đoàn chiên, lúc khác lại đi sau chiên. Người ta không đánh giá cao một người chỉ vì người ấy là linh mục, nhưng hơn thế, người dân cảm thấy được rằng, có điều gì đó đặc biệt nơi người ấy: điều đặc biệt là họ cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu. Điều ấy cho chúng ta hiểu được rằng, chúng ta gần gũi dân chúng không có nghĩa là chúng ta không có gì để làm. Bởi vì Chúa Giêsu đã hiện diện trong cuộc sống loài người. Người ở giữa chúng ta, không phải theo kiểu các ý tưởng hoặc những trang giấy, không phải thế, Chúa đã trở nên một con người bằng xương bằng thịt giữa chúng ta để ở với chúng ta.
Chúng ta hãy cầu nguyện với Mẹ Maria, là Mẹ của sự gần gũi, để Mẹ đưa chúng ta đến gần tha nhân, và để khi chúng ta nói với người dân rằng “Người bảo gì, các anh hãy làm theo”, để khi nói như thế, chúng ta sẽ nói với cung giọng gần gũi dịu hiền của Mẹ, để sự gần gũi tình mẹ được hiện diện. Vì Mẹ là Đấng đã luôn biết thưa xin vâng, xin Mẹ đưa chúng ta ngày càng gần gũi thân thiết với Chúa Giêsu hơn.
Chuyển ngữ: Tứ Quyết SJ

Posted By Đỗ Lộc Sơn08:40