Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 30/6/2020.

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 30/6/2020.
"Người chỗi dậy, truyền lệnh cho gió và biển, và biển yên lặng như tờ" (Mt 8, 23-27).
Trong những ngày gần đây, nhiều vùng trên thế giới đang phải đối mặt với bão lụt gây nên sạt lở đất nghiêm trọng, gây thiệt hại nhiều về người và của.
Con thuyền của các môn đệ bị sóng đánh như muốn lật chìm, làm cho nhiều người liên tưởng tới số phận mỗi người, Người ta còn liên tưởng tới Hội Thánh Chúa đang trong cơn lâm nguy do sóng gió của kẻ dữ đang điên cuồng sô ngã.
Con thuyền của các môn đệ hôm nay có Đức Giesu cùng ở với họ.
Trước gió to sóng lớn, đáng lý các ông phải yên tâm vì có Thầy cùng ở với họ, nhưng các ông vì chưa tin tuyệt đối vào Thầy Chí Thánh, các ông lo lắng bồi rối quá, đành phải cầu cứu với Thầy mình, cách hoảng loạn.
Cảm nhận tin mừng: Lời Chúa hôm nay làm cho chúng con tin tưởng vào Ngài, vì: bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc sống, Chúa vẫn còn đó trên chiếc thuyền của Giáo Hội và trong cuộc đời của chúng con.
Lạy Chúa. xin cho chúng con luôn cảm nhận được; Chúa hằng ở bên chúng con và cùng đồng hành với chúng con trên đường đời, xin ban ơn trợ giúp để chúng con có thể vững vàng trước những sóng gió của cuộc đời. Amen.


Các Vị Tử Ðạo Tiên Khởi ở Rôma
    (c. 68 A.D.)

    Nhiều năm sau khi Ðức Giêsu về trời, chỉ có khoảng một chục người Kitô Giáo ở Rôma, dù rằng họ không phải là những người tòng giáo của "vị tông đồ Dân Ngoại" (Rom 15:20). Khi Thánh Phaolô viết lá thư ấy vào khoảng 57-58 A.D. thì ngài chưa đến thăm họ.

    Ở Rôma có nhiều người Do Thái. Có lẽ vì sự tranh chấp giữa những người Do Thái truyền thống và Do Thái theo Kitô Giáo mà Hoàng Ðế Claudius đã trục xuất tất cả người Do Thái ra khỏi Rôma trong những năm 49-50 A.D. Sử gia Suetonius nói rằng việc trục xuất là vì những xáo trộn trong thành phố "gây nên bởi một vài Kitô Hữu." Có lẽ sau khi Claudius từ trần, nhiều người đã trở lại đây vào năm 54, vì lá thư của Thánh Phaolô dường như viết cho một giáo đoàn Dân Ngoại đông đảo.

    Vào tháng Bảy năm 64, hơn một nửa thành phố Rôma bị tiêu hủy vì hỏa hoạn. Người ta đồn rằng chính Hoàng Ðế Nero đã gây ra thảm kịch này vì muốn nới rộng cung điện của ông. Nero đã mưu mô đánh lạc hướng bằng cách kết tội người Kitô Giáo. Theo sử gia Tacitus, một "số đông" Kitô Hữu đã bị chết vì "sự thù hận của con người." Thánh Phêrô và Thánh Phaolô có lẽ cùng chung số phận với những người này.

    Lời Bàn

    Bất cứ đâu Tin Mừng của Ðức Giêsu được rao giảng, ở đó có sự chống đối như Ðức Giêsu đã từng gặp, và nhiều người theo Ngài đã chia sẻ sự đau khổ và sự chết của Ngài. Nhưng không một sức lực nào của loài người có thể ngăn chặn quyền năng của Thần Khí đang giải thoát thế giới. Máu của các vị tử đạo đã từng là, và sẽ luôn luôn là hạt giống đức tin.

    Lời Trích

    Ðức Giáo Hoàng Clêmentê I, người kế vị Thánh Phêrô đã viết: "Chính vì sự đố kỵ và ghen ghét mà các trụ cột vĩ đại và chính trực của Giáo Hội đã bị bách hại và đã chiến đấu cho tới chết... Trước nhất, Thánh Phêrô, vì sự ghen tương vô lý ngài phải đau khổ không chỉ một hoặc hai lần nhưng nhiều lần, và như thế ngài đã hy sinh làm chứng, đã đến nơi vinh hiển mà ngài đáng được. Vì sự đố kỵ và tranh chấp, Thánh Phaolô đã cho thấy cái giá của sự kiên trì. Ngài bị xiềng xích bảy lần, bị lưu đầy, và bị ném đá; là một sứ giả từ đông sang tây, ngài đáng được kính phục vì đức tin của ngài...

    "Chung quanh các đấng ấy là một đám đông những người được tuyển chọn, mặc dù là nạn nhân của sự ghen ghét, họ đã đem cho chúng ta gương mẫu cao quý nhất về sự chịu đựng khi bị tra tấn và sỉ nhục. Vì sự đố kỵ mà các phụ nữ phải đau khổ, như bà Dirce hoặc các con gái của Danaus, họ phải đau đớn khủng khiếp vì các hành động thô bạo. Nhưng họ đã can đảm chu toàn đức tin bất kể sự yếu đuối của thân xác và đã chiếm được phần thưởng cao quý."
    

    Trích từ NguoiTinHuu.com

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:43

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 29/6/2020

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 29/6/2020
Mừng kính THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ, TÔNG ĐỒ
Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 13-19).
Có người hỏi: "Anh em bảo Thầy là ai?". Ông Am-troong-một phi hành gia người Mỹ đã nói: “Ngài là người không hề phạm tội, là người vị tha, là người biết quan tâm săn sóc kẻ khác, là người gần gũi Thiên Chúa”.
Thánh Phêrô và Phaolô là những thánh nhân cao cả, suốt đời chỉ lo tìm kiếm ý Chúa và thực thi ý ấy. Trước đó các ngài có một quá khứ lầm lỗi, một quá khứ tưởng chừng như đã làm cho hai ngài suốt đời sống trong ân hận và tủi nhục.
Phê-rô và Phao-lô là hai tông đồ khác nhau. Phê-rô là dân đánh cá ít học, Phao-lô thuộc tầng lớp trí thức. Thế nhưng, vì Đức Giê-su, các ngài cùng hiệp nhất với nhau trong công trình xây dựng Hội thánh. Hai vị còn giống nhau trong cái chết hy sinh mạng sống cho Đấng mình tin thờ, Phê-rô bị đóng đinh ngược đầu xuống đất, Phao-lô bị chém đầu.
Cảm nhận tin mừng: Chúng con cũng có những lần lỗi phạm đến Chúa, quên Chúa và cả chối Chúa nữa. Chúng con tin vào lòng thương xót của Chúa, luôn tha thứ cho chúng con như xưa Chúa đã tha thứ cho hai thánh Phero và phaolo. Chúa còn chọn gọi các ngài làm tông đồ để lưu truyền lại cho chúng con ngày nay.
Lạy Chúa, xin hướng dẫn chúng con trên đường về cùng Chúa, xin củng cố đức tin và củng cố sự hiệp nhất giữa chúng con trong Chúa và trong Giáo Hội của Chúa. Amen.


29 Tháng Sáu
    Thánh Phêrô và Phaolô
    (c. 64?)


    Thánh Phêrô: Thánh sử Máccô chấm dứt phần thứ nhất của Phúc Âm với một tuyệt đỉnh thắng lợi. Sau khi ghi lại nhiều sự hồ nghi, hiểu lầm và chống đối Ðức Giêsu, giờ đây Phêrô tuyên xưng đức tin: "Thầy là Ðấng Thiên Sai" (Máccô 8:29b). Ðó là một trong những giây phút huy hoàng của cuộc đời Thánh Phêrô, kể từ ngày ngài được kêu gọi ở Biển Galilê để trở thành kẻ lưới người.

    Tân Ước rõ ràng cho thấy Phêrô là vị lãnh đạo các tông đồ, được Ðức Giêsu chọn với một tương giao đặc biệt. Cùng với Giacôbê và Gioan, Phêrô được đặc ân chứng kiến sự Biến Hình, sự sống lại của một đứa trẻ đã chết và sự thống khổ trong vườn Cây Dầu. Bà mẹ vợ của Phêrô bị Ðức Giêsu quở trách. Ngài được sai đi với Gioan để chuẩn bị cho lễ Vượt Qua trước khi Ðức Giêsu từ trần. Tên của ngài luôn luôn đứng đầu các vị tông đồ.

    Và Phêrô là người duy nhất được Ðức Giêsu nói, "Này Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. Bởi thế, Thầy bảo với anh: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy,và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời. Anh cầm buộc gì dưới đất, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; anh tháo cởi điều gì dưới đất, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy" (Mátthêu 16:17b-19).

    Nhưng các chi tiết xác thực của Phúc Âm cho thấy các thánh sử không xu nịnh Phêrô. Hiển nhiên ngài là một người không biết giao tế. Và đó là sự an ủi lớn lao cho chúng ta khi thấy Phêrô cũng có những yếu đuối con người, ngay cả trước mặt Ðức Giêsu.

    Phêrô đã độ lượng hy sinh mọi sự, tuy nhiên ngài vẫn có thể hỏi một câu thật nông cạn như trẻ con, "Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?" (x. Mt 19:27). Ngài phải chịu sự tức giận vô cùng của Ðức Kitô khi chống đối ý tưởng của một Ðấng Thiên Sai đau khổ: "Satan, hãy lui ra sau Ta! Anh cản lối Ta. Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mt. 16:23b).

    Phêrô sẵn sàng chấp nhận lý thuyết về sự tha thứ của Ðức Giêsu, nhưng dường như chỉ trong giới hạn bảy lần. Ngài đi trên mặt nước khi vững tin, nhưng bị chìm khi hồ nghi. Ngài không để Ðức Giêsu rửa chân cho mình, nhưng lại muốn toàn thân được sạch. Ngài thề không khi nào chối Chúa trong bữa Tiệc Ly, và sau đó lại thề với người tớ gái là ngài không biết người ấy. Ngài trung thành chống lại sự bắt giữ Ðức Giêsu bằng cách chém đứt tai tên Man-khô, nhưng sau cùng ngài lẩn trốn với các tông đồ khác. Trong sự phiền muộn vô cùng, Ðức Giêsu đã nhìn đến ngài và tha thứ cho ngài, và Phêrô đi ra ngoài khóc lóc thảm thiết.
    Thánh Phaolô: Nếu giả như có nhà truyền giáo Hoa Kỳ kêu gọi phải chấp nhận chủ nghĩa Mác-xít chứ đừng tôn trọng Hiến Pháp, thì phản ứng tức giận sẽ giúp chúng ta hiểu cuộc đời Thánh Phaolô hơn khi ngài bắt đầu rao giảng là chỉ có Ðức Kitô mới cứu chuộc được chúng ta. Ngài từng là người Pharixiêu hơn ai hết, trung thành với luật Môisen hơn ai hết. Nhưng bây giờ bỗng dưng ngài xuất hiện trước các người Do Thái như một người lạc giáo của Dân Ngoại, một kẻ phản bội và chối đạo.

    Tâm điểm đức tin của Phaolô thật đơn giản và tuyệt đối: chỉ Thiên Chúa mới có thể cứu chuộc nhân loại. Không một nỗ lực nào của con người -- ngay cả việc tuân giữ lề luật cặn kẽ nhất -- có thể tạo nên công trạng để chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa như của lễ đền tội và đền đáp các ơn sủng. Ðể được cứu chuộc khỏi tội lỗi, khỏi sự dữ và cái chết, nhân loại phải triệt để mở lòng cho quyền năng cứu độ của Ðức Giêsu Kitô.

    Phaolô không bao giờ mất sự yêu quý dòng dõi Do Thái của ngài, mặc dù ngài tranh luận nhiều với họ về sự vô dụng của Luật mà không có Ðức Kitô. Ngài nhắc nhở cho Dân Ngoại biết rằng họ được tháp nhập vào tổ tiên của người Do Thái, là những người được Chúa chọn, là con cái của lời đã hứa.

    Vào ngày 29-6, chúng ta tưởng nhớ sự tử đạo của hai vị tông đồ. Ngày tháng này có từ năm 258, dưới thời bách hại của Valerian, khi các tín hữu tìm cách lấy xác của hai ngài để khỏi rơi vào tay các kẻ bách hại.

    Kinh Thánh không ghi lại cái chết của Thánh Phêrô và Phaolô, hoặc bất cứ vị Tông Ðồ nào, ngoại trừ Thánh Giacôbê con ông Giêbêđê (TVCÐ 12:2), nhưng qua các bài đọc và truyền thuyết có từ thời Giáo Hội tiên khởi, các ngài đã tử đạo ở Rôma dưới thời Hoàng Ðế Nêrô, và được chôn cất ở đây. Là một công dân Rôma, có lẽ Thánh Phaolô bị chặt đầu. Còn Thánh Phêrô, được biết ngài bị treo ngược đầu trên thập giá.

    
    Trích từ NguoiTinHuu.com

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:55

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Phút cảm nhận Tin mừng ngày 28/6/2020.

Filled under:

Phút cảm nhận Tin mừng ngày 28/6/2020.
“Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10,39).
Có người cầu nguyện rằng: " Lạy Chúa, Trong 55 năm qua, con đã làm được gì cho Chúa, đã làm được gì cho anh em?, sắp sửa bước vào tuổi xế chiều mà con cảm thấy vô dụng quá, xin Chúa sai con đi, sai con làm bất cứ việc gì như ý Chúa muốn, hầu được đẹp lòng Chúa, đẹp lòng anh em con".
Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói: “Ai đón tiếp Đấng đã sai Thầy”…và “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.
Khi theo Chúa là chấp nhận vác thập giá của mình mà theo với lòng yêu mến chân thành. Với người đời, thì đây là một thất bại. Vác thập giá mình là từ bỏ ý mình, vâng theo ý Chúa. Ý Chúa muốn là hy sinh và từ bỏ để sống trọn vẹn cho Chúa và cho tha nhân. Vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu là liều thuốc chữa căn bệnh ù lì, tê liệt và khép kín lòng mình.
Cảm nhận tin mừng: Chúng con thường đề cao việc đọc kinh, cầu nguyện, mà coi thường việc nhỏ nhặt tầm thường, như cho anh em một ly nước lã. Những việc làm đó chẳng có ý nghĩa và giá trị nào. Nhưng đối với Chúa Giêsu thì không như vậy, đón tiếp một em nhỏ, cho người thấp kém trong xã hội dù chỉ một ly nước lã, cũng là một việc làm đáng được ân thưởng trên trời.
Lạy Chúa, chúng con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, xin đến giúp chúng con để chúng con thấy rằng trên đường đi, có chúa là sức mạnh để chúng con tiến bước theo Chúa cho đến trọn đời. Amen.


28 Tháng Sáu
    Thánh Irenaeus
    (130?-220)


    Các văn bản của Thánh Irenaeus giúp ngài có một địa vị cao trọng trong các giáo phụ của Giáo Hội, vì các tư tưởng ấy không những giúp hình thành nền tảng thần học Kitô Giáo mà còn phô bầy và bài bác các sai lầm của phe Gnostic, gìn giữ được đức tin Công Giáo khỏi những nguy hiểm của lạc thuyết.

    Có lẽ ngài sinh vào khoảng năm 125, trong một vùng ven biển của Tiểu Á là nơi có đông người Kitô Giáo và ký ức về các tông đồ vẫn còn được trân quý. Ngài chịu ảnh hưởng rất nhiều của Thánh Polycarp là người đã từng được gặp các tông đồ hoặc các môn đệ trực tiếp của các ngài.

    Khi các linh mục và nhà thừa sai người Á Châu đem tin mừng đến cho người Gaul và thiết lập một giáo hội địa phương ở Lyon, Thánh Irenaeus đã phục vụ ở giáo phận này dưới quyền vị giám mục đầu tiên là Thánh Pothinus. Vào năm 177, Irenaeus được sai đến Rôma, vì thế ngài không được phúc tử đạo như Ðức Pothinus trong thời kỳ bách hại ở Lyons. Khi trở về, ngài kế vị đức giám mục trông coi giáo phận.

    Vào lúc ấy, tuy sự bách hại không còn nhưng lạc thuyết Gnostic tràn lan khắp xứ Gaul. Khi thấy các Kitô Hữu bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạc thuyết, ngài biết việc phải làm là phô bầy các lầm lạc của phe Gnostic. Ngài viết năm cuốn sách mà trong đó nêu ra các sai lầm nội tại của các lạc thuyết, đồng thời so sánh các thuyết ấy với Kinh Thánh và giáo huấn của các Tông Ðồ. Công trình này, được viết bằng tiếng Hy Lạp mà ngay sau đó được dịch sang tiếng La tinh, được lưu hành rộng rãi và rất thành công trong việc đối phó với phe Gnostic. Từ đó trở đi, ở bất cứ cấp độ nào, lạc thuyết Gnostic không còn là một đe dọa đối với đức tin Công Giáo.

    Một nhóm Kitô Hữu ở Tiểu Á bị Ðức Giáo Hoàng Victor III ra vạ tuyệt thông vì họ không chấp nhận ngày tháng cử hành lễ Phục Sinh của Giáo Hội Tây Phương. Thánh Irenaeus đã can thiệp với đức giáo hoàng để rút lại hình phạt này, ngài cho thấy đó không phải là vấn đề quan trọng vì họ theo thói quen cũ mà Ðức Polycarp và Ðức Giáo Hoàng Anicetus không coi đó là sự chia cắt trong Giáo Hội. Ðức giáo hoàng đã phản ứng cách thuận lợi và hàn gắn được sự bất hòa.

    Người ta không rõ Thánh Irenaeus từ trần vào lúc nào, nhưng tin là vào năm 202. Thi hài của ngài được chôn trong hầm mộ trong cung thánh của nhà thờ Thánh Gioan, và sau đó được đổi tên là Thánh Irenaeus. Vào năm 1562, nhà thờ và hầm mộ của ngài bị phe Calvin tiêu hủy, mọi thánh tích của ngài dường như cũng tiêu tan.
    

    Trích từ NguoiTinHuu.com

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:13

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

Suy ngẫm

Filled under:

 Ở khá nhiều nơi, thay vì cuốn Sách Lễ Rôma, người ta dùng một chiếc kẹp tài liệu với các bản văn thánh lễ được in ra và xếp theo thứ tự. Tương tự như thế, thay vì Sách Bài Đọc và Sách Tin Mừng, người ta cũng dùng một kẹp tài liệu khác đặt sẵn ở giảng đài, với các bản văn Kinh Thánh của ngày lễ được in sẵn. Cách làm này dĩ nhiên tiện lợi, giúp tân chức cũng như những ai đọc các bài Sách Thánh không phải loay hoay bối rối.
Tuy nhiên, nhìn sâu xa hơn một chút, dường như cách làm này có điều gì đó không ổn.

Không biết người công bố Tin Mừng, hoặc vị chủ tế có cảm tưởng gì khi cung kính hôn lên bản văn Tin Mừng đặt trong kẹp tài liệu. Rồi chúng tôi lại tiếp tục tự hỏi là không biết số phận của các tờ giấy in bản văn Tin Mừng đó sẽ thế nào. Hầu chắc nó sẽ bị ném vào một xó xỉnh nào đó, thậm chí rất có thể nó bị ném vào sọt rác. Điều này có thể hàm ý rằng tất cả các nghi thức tôn vinh Lời Chúa một cách long trọng như xông hương, hôn kính trong buổi cử hành thực ra chỉ là hình thức và mang tính biểu diễn!

LM. Vinh Sơn Trần Minh Thực, PSS

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:57

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 27/6/2020

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 27/6/2020
"Người đã gánh lấy các bệnh tật của chúng ta, và đã mang lấy những nỗi đau thương của chúng ta" (Mt 8, 17).
Lòng tin của viên sĩ quan Rôma khiến Chúa Giêsu ngạc nhiên. Ông tin rằng Chúa Giêsu chỉ cần nói một lời, thì đầy tớ của ông, dù có ở xa đến đâu cũng sẽ được lành. Trước lòng tin ấy, Chúa Giêsu đã thốt lên: "Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế".
Viên sĩ quan là một là một người ngoại, ông không được giáo dục theo văn hóa và tín ngưỡng Do thái, la một người không biết đến Kinh thánh, và không biết có Đức Gia-vê là Thiên Chúa chân thật.
Ngày nay, chung quanh ta có nhiều người không cùng niềm tin, không cùng giáo dục, không cùng tập quán với ta, họ không là Kitô hữu, mà sống có lòng tin vào Chúa, một lòng tin mạnh và chân thành hơn của ta. điều đó có làm ta ngạc nhiên và cảm phục không?.
Đoạn cuối tin mừng, thánh Mattheu tường thuật lại việc Đức Giesu chữa lành bệnh cho nhiêu người trong đó có bà mẹ ông Phêrô. Tất cả đều được lành sạch. Tiên tri Isaia đã nói trước rằng: "Người đã gánh lấy các bệnh tật của chúng ta, và đã mang lấy những nỗi đau thương của chúng ta".
Cảm nhận tin mừng: "Đức tin của con đã cứu chữa con". Viên sĩ quan và dân chúng năm xưa đã tin vào Đức Giesu, Tin Ngài là Con Thiên Chúa và chỉ có Ngài là nguồn mạch sự lành, đem lại sức mạnh phần hồn phần xác cho chúng con.
Lạy Chúa. xin cho đức tin của chúng con mỗi ngày thêm vững mạnh, để chúng con tiến gần hơn với hạnh phúc Nước Trời mà Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Chúa. Amen.


27 Tháng Sáu
    Thánh Cyril ở Alexandria
    (376?-444)


    Thánh Cyril sinh ở Alexandria, Ai Cập. Ngài là cháu của Ðức Theophilus, thượng phụ của Alexandria. Sau khi học xong kinh điển và thần học, ngài được chính bác của mình tấn phong linh mục và tháp tùng Ðức Theophilus đến Constantinople để tham dự Thượng Hội Ð3ồng Oak nhằm truất phế Ðức Gioan Kim Khẩu (sau này mới biết là bị kết tội oan).

    Khi Ðức Theophilus từ trần vào năm 412, ngài lên kế vị bác của mình sau cuộc tranh đấu với phe ủng hộ người đối thủ là Timotheus. Ngay sau khi lên ngôi, Ðức Cyril bắt đầu tấn công lạc thuyết Novatianô với việc đóng cửa các nhà thờ; đuổi những người Do Thái ra khỏi thành phố; và phản bác một số hành động của quan đầu tỉnh Orestes là người theo phe Novatianô.

    Vào năm 430, Ðức Cyril lại xung đột với Nestorius, thượng phụ của Constantinople, là người cho rằng Ðức Maria không phải là Mẹ Thiên Chúa vì Ðức Kitô là Thiên Chúa chứ không phải con người, hậu quả là không thể dùng chữ theotokos (người-mang-Thiên-Chúa) áp dụng cho Ðức Maria. Ðức Cyril thuyết phục được Ðức Giáo Hoàng Celestine I triệu tập một công đồng ở Rôma nhằm lên án Nestorius, và chính ngài cũng hành động tương tự trong công đồng Alexandria.

    Vào năm 431, Ðức Giáo Hoàng Celestine ra lệnh cho Ðức Cyril truất phế Nestorius. Trong Ðại Công Ðồng Ephêsô lần thứ ba, với sự tham dự của hai trăm giám mục và dưới sự chủ tọa của Ðức Cyril, công đồng đã lên án mọi giáo thuyết của Nestorius là sai lầm trước khi Ðức Tổng Giám Mục Gioan ở Antiôkia và bốn mươi hai môn đệ ủng hộ giáo thuyết của Nestorius kịp đến tham dự. Khi thấy mọi sự đã lỡ, họ tổ chức một công đồng riêng để truất phế Ðức Cyril. Hoàng Ðế Theodosius II bắt giữ cả hai người, Ðức Cyril và Nestorius nhưng sau đó đã trả tự do cho Ðức Cyril khi các đại diện của đức giáo hoàng xác nhận các quyết định của công đồng.

    Hai năm sau, Ðức Tổng Giám Mục Gioan, đại diện cho các giám mục ôn hòa ở Antiôkia, đã ký kết một thỏa ước với Ðức Cyril và cùng lên án Nestorius. Trong quãng đời còn lại, Ðức Cyril đã viết nhiều luận án làm sáng tỏ học thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể nhằm ngăn chặn lạc thuyết Nestorius và Pelagian khỏi ăn sâu vào cộng đồng Kitô Hữu.

    Ngài là thần học gia sáng chói nhất của truyền thống Alexandria. Văn bút của ngài có đặc tính chính xác về tư tưởng, lập trường rõ ràng, và lý luận sắc bén. Các văn bản của ngài gồm các nhận định về Thánh Gioan, Thánh Luca, và ngày lễ Ngũ Tuần, các luận thuyết về thần học tín lý, cũng như các thư từ và bài giảng. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII tuyên xưng là tiến sĩ Giáo Hội vào năm 1882.
    
    Trích từ NguoiTinHuu.com

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:26

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 26/6/2020

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 26/6/2020
"Nếu Ngài muốn, ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mt 8,2).
Bệnh phong cùi từ xưa cho đến nay vẫn là căn bệnh được coi như không có thuốc chữa, và là một căn bệnh ghê tởm nhất, chịu sự xa lánh của mọi người, có khi là cả người thân nữa.
Người Do Thái coi bệnh tật là một hình phạt của Thiên Chúa với tội lỗi của con người. Người mắc bệnh phong cùi là người mắc tội ác khủng khiếp nhất đã bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề. Thế nên, khi bị đẩy ra ngoài xã hội, người phong cùi không những chịu đau đớn về thân xác, mà còn phải chịu sự tủi nhục của mọi người.
Khi chữa lành người phong cùi, Chúa Giêsu muốn nói rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và chính tình yêu là sức mạnh chữa trị bệnh tật cho con người.
Cảm nhận tin mừng: Bệnh về thể xác rất đau đớn rồi, nhưng cũng không đau đớn cho bằng tinh thần. Cử chỉ giơ tay chạm vào người phong cùi của Đức Giêsu đã làm cho chúng con thêm niềm hy vọng, cậy trông vào Thiên Chúa qua Đức Giesu. Tin và đi đến với Đức Giêsu, để Ngài giơ tay và chạm vào chúng con, khiến chúng con được sạch.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con dù không mang bệnh tật nơi thân xác, nhưng tâm hồn chúng con cũng đang bị cùi hủi, lở loét vì tội lỗi. xin cho chúng con biết tin tưởng vào tình thương của Chúa. Xin rửa chúng con sạch vết nhơ tội lỗi. Xin cho chúng con được ơn sám hối. Xin thay đổi lòng chúng con.”. Amen.


Chân Phước Raymond Lull
(1235-1315)

Hầu hết cuộc đời của Chân Phước Raymond là để giúp đỡ công cuộc truyền giáo và ngài từ trần khi truyền giáo ở Bắc Phi.

Raymond là con của một viên tướng chỉ huy ở Palma, Majorca và được làm việc dưới triều của Vua James I xứ Aragon, với công việc đại quản gia của triều đình. Tuy đã lập gia đình, nhưng Raymond vẫn còn gian díu với các thê thiếp. Một hôm khi đang viết thư cho tình nhân thì Raymond được thị kiến Ðức Kitô, và năm lần tiếp đó. Sau cuộc hành hương đến Compostela và Rocamadour, ngài gia nhập dòng ba Phanxicô, chia tài sản cho vợ con và tận hiến cuộc đời còn lại cho việc hoán cải người Hồi Giáo.

Lui về đời sống ẩn dật, ngài sống như một vị ẩn tu. Trong thời gian chín năm, ngài viết về mọi loại kiến thức mà công trình ấy giúp ngài xứng với danh hiệu "Tiến Sĩ Khai Sáng." Sau đó, Raymond thực hiện nhiều cuộc hành trình đến Âu Châu để thuyết phục các giáo hoàng, các hoàng đế và thái tử trong việc thiết lập các trường đặc biệt nhằm chuẩn bị cho các nhà thừa sai trong công cuộc truyền giáo.

Sau nhiều lần thất bại, sau cùng vào năm 1311 ngài đã thành công khi Công Ðồng Vienne ra lệnh cho thành lập các phân khoa dạy tiếng Do Thái, Ả Rập và Canđê tại các trường đại học Bologna, Oxford, Balê và Salamanca.

Vào năm 79 tuổi, chính Raymond đến Bắc Phi để truyền giáo. Một đám đông người Hồi Giáo đã thịnh nộ ném đá ngài ở thành phố Bougie nhưng được các thủy thủ người Genoa cứu thoát. Trên con tầu trở về nước, ngài đã từ trần khi gần đến Majorca.

Chân Phước Raymond sáng tác rất nhiều. Ngài viết trên 300 luận án về triết học, âm nhạc, hàng hải, luật pháp, thiên văn, toán học, và thần học (hầu hết bằng tiếng Ả Rập). Ngài cũng sáng tác thi văn thần nghiệm và được coi là người tiên phong của Thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá trong lãnh vực này.

Lời Bàn
Chân Phước Raymond đã tận tụy trong việc loan truyền Phúc Âm. Sự thờ ơ của các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội cũng như sự chống đối ở Bắc Phi đã không làm ngài nản chí. Ba trăm năm sau, hoạt động của ngài bắt đầu có ảnh hưởng ở Mỹ Châu. Khi người Tây Ban Nha bắt đầu truyền giáo ở Tân Thế Giới, họ đã theo ý tưởng của ngài và thành lập các trường truyền giáo để chuẩn bị cho công cuộc này.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:30

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 25/6/2020

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 25/6/2020
“Chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 4,19-20).
Tan lễ, một bà thấy mất đôi dép bà để ngoài cửa, bà la lối om sòm. Một lúc sau có người đem trả vì lấy nhầm.
Tin mừng hôm nay, Đức Giesu nói: "Không phải tất cả những ai nói với Thầy: "Lạy Chúa, Lạy Chúa", là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Thầy ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời".
Người mất dép trong câu chuyện trên, hẳn bà đã đến nhà thờ, bà cầu nguyện hồi lâu, nhưng tâm trí bà nặng những nỗi lo, những nỗi toan tính hơn thua. Thế nên, Lời Chúa chưa thấm nhậm vào tâm hồn bà, bà đã có những lời xúc phạm đến những người chung quanh và cả Thiên Chúa nữa.
Tin Mừng không chỉ được lắng nghe cho vui tai, mà phải được hành động; chân lý không chỉ được hiểu biết suông, mà phải thực thi; bác ái không chỉ trên môi miệng, nhưng phải được thực hiện bằng việc làm cụ thể.
Cảm nhận Tin mừng: Hình ảnh người xây nhà trên đá là hình ảnh người trung thành với Lời Chúa và tuân theo. hình ảnh những người xây nhà trên cát, là những người làm việc đạo đức vì hình thức, chiếu lệ, chứ không dựa trên nền tảng Lời Chúa.
Lạy Chúa, mỗi người chúng con ai cũng tuyên xưng đức tin. Nhưng nhiều khi chúng con chỉ là những kẻ tin suông. xin cho chúng con biết gắn bó cuộc đời của mình trên nền tảng Lời Chúa, Như thế, chúng con sẽ đứng vững khi thử thách đến với chúng con. Amen.


25 Tháng Sáu
    Chân Phước Jutta ở Thuringia
    (c. 1264?)


    Vị thánh quan thầy của nước Phổ sinh trong một gia đình giầu có và quyền thế nhưng từ trần cách đơn sơ như một người nghèo.

    Sau khi kết hôn với một người quý tộc và đạo đức, Jutta và chồng sống rất đạo hạnh, cả hai quý trọng chân lý và cố gắng trau dồi nhân đức. Trong một cuộc hành hương đến các thánh địa ở Giêrusalem, người chồng lâm bệnh và từ trần. Bà quả phụ Jutta ở vậy nuôi con.

    Sau khi con cái đã khôn lớn và có đủ nhu cầu cho đời sống, bà Jutta quyết định sống một cuộc đời chỉ để làm vui lòng Thiên Chúa. Bà bán mọi y phục, nữ trang, đồ đạc đắt tiền và gia nhập dòng Phanxicô Thế Tục, với chiếc áo dòng tầm thường.

    Kể từ đó trở đi, cuộc đời bà tận tụy cho tha nhân: chăm sóc người đau yếu, nhất là người bị cùi; lo cho người nghèo ngay ở các lều tranh lụp xụp của họ; giúp đỡ người tàn tật và mù lòa mà bà cho họ sống ngay trong nhà. Nhiều người quý tộc thời ấy đã cười nhạo bà Jutta là không biết dùng thời giờ cho đúng. Nhưng bà Jutta đã nhìn thấy diện mạo của Thiên Chúa trong các người bất hạnh và cảm thấy vinh dự khi được phục vụ.

    Vào khoảng năm 1260, trước khi từ trần không lâu, bà Jutta sống gần những người ngoại đạo ở miền đông nước Ðức. Ở đó, bà dựng một mái nhà đơn sơ và không ngừng cầu nguyện cho sự hoán cải của những người chung quanh. Trong nhiều thế kỷ, bà được sùng kính như vị quan thầy đặc biệt của nước Phổ.
    
    Trích từ NguoiTinHuu.com

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:21

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 24/6/2020

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 24/6/2020
Mừng sinh nhật thánh Gioan tẩy giả.
Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” (Lc 1,66).
Một vùng quê ở miền bắc Việt Nam định nghĩa hạnh phúc như thế này: "Gia đình hạnh phúc là gia đình có ông mọ ho, có con khóc, có thóc xay". Như vậy, việc một đứa trẻ được sinh ra đã là một hạnh phúc rồi.
Hôm nay mừng kỷ niệm sinh nhật thánh Gioan, Vậy Thánh Gioan có gì đặc biệt để được Giáo Hội mừng kính.
Thánh Gioan là người có sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến trần gian để cứu độ loài người. Thánh Gioan là vị thánh duy nhất được Giáo hội mừng sinh nhật. Ngay từ trong lòng mẹ, Thánh Gioan đã được đặc ân riêng biệt và tên gọi Gioan cũng là một ơn lạ.
Khi Gioan ra đi dọn đường cho Chúa đến, có khá đông người đến xin đi theo ngài, vi họ nghĩ; "Có thể ông này là đấng cứu thế". Mặc cho họ nghĩ, Gioan vẫn giữ vững nhiệm vụ "Là người đi trước, là tiếng hô trong hoang mạc". Khi gặp Đức Giesu, ông đã tuyên bố: "Tôi không đáng cởi giây dày cho Người" và "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại".
Sự khiêm nhường của Gioan đã làm cho ông trở thành vĩ đại, bởi lẽ, nhân đức khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân đức. Vì điều này, mà mỗi khi nói về Gioan, người ta không thể không nhắc đến sự khiêm nhường nơi ông.
Cảm nhận tin mừng: Mừng lễ sinh nhật thánh Gioan, chúng con nhớ về bổn phận của mình khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, ý thức được phần việc của mình trong cộng đoàn và phải hết sức khiêm nhường trong phần việc ấy.
Lạy Chúa, cuộc đời của Thánh Gioan Tẩy Giả cũng như của mỗi người chúng con đều do bàn tay Chúa an bài. Xin Chúa cho chúng con nên những chứng nhân Tin Mừng của Chúa, để những người chung quanh nhìn cách sống của chúng con mà tin vào Chúa. Amen.


24 Tháng Sáu
    Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả


    Đức Giêsu gọi Gioan là người cao trọng nhất trong tất cả mọi người và là người đến trước Ngài: "Ta nói với các ngươi, trong những người sinh ra bởi phụ nữ, không ai cao trọng hơn Gioan..." Nhưng có lẽ Thánh Gioan sẽ hoàn toàn đồng ý với điều Ðức Giêsu nói thêm sau đó: "Tuy nhiên, người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông ta" (Luca 7:28).

    Có một thời gian Thánh Gioan sống trong sa mạc, là vị ẩn tu. Ngài loan báo nước trời đã gần đến, và mời gọi mọi người hoán cải đời sống.

    Mục đích của ngài là chuẩn bị con đường cho Ðức Giêsu. Ngài nói, phép rửa của ngài là để ăn năn sám hối. Nhưng Ðấng sắp đến sẽ rửa với Thần Khí và lửa. Gioan không xứng đáng để xách dép cho Người. Thái độ của Thánh Gioan đối với Ðức Giêsu là: "Ngài phải nổi bật lên; tôi phải lu mờ đi" (Gioan 3:30).

    Trong khi thanh tẩy những kẻ tội lỗi, Thánh Gioan đã khiêm tốn nhận ra Ðấng Thiên Sai và nói: "Tôi cần được thanh tẩy bởi Ngài" (Mt 3:14b). Nhưng Ðức Giêsu nhất định, "Hãy tiếp tục thi hành, vì như vậy chúng ta mới giữ trọn đức công chính" (Mt 3:15b). Ðức Giêsu, một con người đích thực và khiêm tốn cũng là Thiên Chúa hằng hữu, đã sẵn sàng thi hành bổn phận của bất cứ người Do Thái tốt lành nào. Thánh Gioan như vậy đã công khai đi vào tập thể của những người đang chờ đợi Ðấng Thiên Sai. Nhưng khi tự trở nên một phần tử của cộng đồng ấy, quả thực ngài thuộc về Ðấng Cứu Tinh.

    Sự cao trọng của Thánh Gioan, một địa vị then chốt trong lịch sử cứu chuộc, được nhận thấy qua tường thuật của Thánh Luca về sự sinh hạ và các biến cố sau đó của Thánh Gioan -- cả hai yếu tố này đều xảy ra song song với cuộc đời của Ðức Giêsu. Thánh Gioan thu hút được rất nhiều người đến bờ sông Giođan, và một số người đã coi ngài như Ðấng Thiên Sai. Nhưng ngài luôn luôn chỉ đến Ðức Giêsu, ngay cả một số môn đệ của ngài cũng được sai đến để trở thành các môn đệ đầu tiên của Ðức Giêsu.

    Có lẽ Thánh Gioan không nghĩ là Nước Trời được hoàn tất một cách tuyệt hảo trong sứ vụ rao giảng của Ðức Giêsu. Vì bất cứ lý do gì, (trong khi ở tù) ngài đã sai các môn đệ đến hỏi Ðức Giêsu xem có phải Người là Ðấng Thiên Sai hay không. Câu trả lời của Ðức Giêsu cho thấy Ðấng Thiên Sai mang hình ảnh Người Tôi Tớ Ðau Khổ trong sách tiên tri Isaia. Chính Thánh Gioan cũng đã chia sẻ trong sự đau khổ của Ðấng Cứu Tinh, ngài đã chết vì sự trả thù của Herodias.

    Lời Bàn
    Thánh Gioan thách đố mọi Kitô Hữu chúng ta hãy có lối sống xứng hợp của những người theo Ðức Kitô -- hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa Cha, qua Ðức Kitô. Ngoại trừ Mẹ Thiên Chúa, không ai có chức năng cao cả hơn trong việc khai mở ơn cứu độ. Tuy nhiên, Ðức Giêsu nói, người bé mọn nhất Nước Trời còn cao trọng hơn Thánh Gioan, vì chính ơn sủng tinh tuyền nhất mà Thiên Chúa Cha đã ban cho. Sự khắc khổ cũng như sự nổi tiếng của Thánh Gioan, khi ngài can đảm tố giác những điều xấu xa -- tất cả là bởi ngài tận hiến triệt để và hoàn toàn cuộc đời ngài cho thánh ý Thiên Chúa.

    Lời Trích

    "Và điều này không chỉ đúng có một lần từ lâu trong quá khứ. Nó luôn luôn đúng, vì điều ngài kêu gọi là sự sám hối và đó luôn luôn là con đường dẫn vào Nước Trời. Ngài không phải là một nhân vật mà chúng ta có thể quên đi vì Ðức Giêsu, sự sáng thật, đã xuất hiện. Thánh Gioan luôn luôn xứng hợp vì ngài kêu gọi sự chuẩn bị mà tất cả mọi người cần phải thi hành. Do đó, hàng năm có bốn tuần lễ trong lịch trình Giáo Hội để chúng ta lắng nghe tiếng gọi của Thánh Gioan Tẩy Giả. Ðó là các tuần Mùa Vọng" (Giáo Lý Công Giáo).
    

    Trích từ NguoiTinHuu.com

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:33

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 23/6/2020

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 23/6/2020
"Các con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất" (Mt 7, 12-14).
Một người (trông rất thiểu não) mời tôi mua vé số. Tôi lắc đầu không mua.
Anh không nhận ra em à?
Không!.
Em là T... đây.
À... T...hai lần trúng số độc đắc hả?.
Vâng... Em hai lần trúng độc đắc, nhưng nay tàn tạ như thế này đây.
Anh T...hẳn đã có một thời thênh thang trên con đường rộng mở. Nhưng sự đời thường là (Vui quá quên mất đường về) để rồi đâu lại vào đấy. Theo thống kê, có đến 70% người trúng vé số, chỉ một thời gian sau trở thành người tàn tạ hơn cả lúc chưa trúng số.
Khi nghe Phúc âm nói về cửa hẹp, nhiều người nghĩ đến cảnh nghiêm nhặt, khổ chế, những điều răn, thập giá và đau khổ. Không phải thế. Chúa Giêsu chẳng phải là con người dập tắt niềm vui, sự sống và tự do. Ngài mời gọi hay sống; Có như không có (Biết chia sẻ). Buồn như không buồn (Biết hòa đồng)... Ngược lại; con đường thênh thang là con đường của kiêu ngạo, ích kỷ, nhỏ nhen, trục lợi cho cá nhân mình.
Cảm nhận tin mừng: Muốn theo Ðức Giêsu, chúng con phải phấn đấu với chính mình, và đi theo con đường Ngài đã đi, đó là con đường khổ giá.
Lạy Chúa, Chúa đã dạy phải yêu thương và làm cho phước cho anh em, Xin ban cho chúng con tình yêu và sức mạnh, để chúng con can đảm thực thi những lời Chúa dạy. Amen.


23 Tháng Sáu
    Thánh Giuse Cafasso
    (1811-1860)


    Thánh Giuse Cafasso là một trong những linh mục thánh thiện có chân trong tổ chức Dòng Ba Phanxicô. Cha mẹ ngài là nông dân ở vùng Piedmont, nước Ý.

    Ngay khi còn là một thanh niên, Giuse Cafasso đã yêu quý Thánh Lễ và nổi tiếng về sự khiêm tốn cũng như hăng say cầu nguyện. Sau khi thụ phong linh mục năm 1833, ngài được bổ nhiệm về một chủng viện ở Turin. Ở đây ngài hoạt động đặc biệt chống với ảnh hưởng của lạc thuyết Jansen và sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động của Giáo Hội. Cha Giuse dùng phương cách của Thánh Francis "de Sales" và Thánh Anphong Liguori để điều hòa sự khắc khổ quá đáng mà thời ấy rất phổ thông trong các chủng viện.

    Cha Giuse đề nghị các linh mục tham dự vào Dòng Ba Phanxicô. Ngài thúc đẩy việc sùng kính Thánh Thể và khuyến khích rước lễ hàng ngày. Ngoài nhiệm vụ dạy học, Cha Giuse còn là một người giảng thuyết có tài, là cha giải tội nhân từ và là bậc thầy tổ chức tĩnh tâm. Nổi tiếng về hoạt động của ngài với các tử tù, Cha Giuse đã giúp nhiều tù nhân chết lành trong ơn nghĩa của Chúa.

    Cha Gioan Bosco là một trong những học trò của Cha Giuse. Chính ngài khuyến khích Cha Gioan Bosco thành lập dòng Salesian để hoạt động cho giới trẻ ở Turin.

    Cha Giuse từ trần ngày 23 tháng Sáu ở Turin và được phong thánh năm 1947.

    Lời Bàn
    Việc sùng kính Thánh Thể đã đem lại nhiệt huyết cho các hoạt động của Thánh Giuse Cafasso. Trong lịch sử Giáo Hội, sự sùng kính Thánh Thể là đặc tính của nhiều người Công Giáo gương mẫu, trong số đó có Thánh Phanxicô Assisi, Ðức Giám Mục Fulton Sheen, Ðức Hồng Y Joseph Bernardin và Mẹ Têrêsa Calcutta.
    
    Trích từ NguoiTinHuu.com

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:54

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 22/6/2020.

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 22/6/2020.
“Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán" (Mt 7, 1-5).
“Đừng xét đoán”. Câu nói vắn gọn, rõ ràng và có tính truyền lệnh. Câu nói mà ai nghe đều phải suy nghĩ và không muốn tranh cãi.
Đức Giêsu đã chỉ cho thấy tác hại của việc kiêu ngạo, háo danh, không biết mình. Vì không biết, nên không thấy nơi mình có khuyết điểm, vì thế mới “lên mặt dạy đời”.
Thực tế, có rất nhiều người vội vã sửa lỗi anh em, dù là lỗi nhỏ, còn lỗi mình thì lớn hơn rất nhiều mà không thấy hay cố tình che lấp để tự cho mình là người đạo đức.
Đức Giêsu không cấm sửa lỗi người khác, bởi vì sửa lỗi cho anh em bằng việc nêu gương sáng và chân tình thì đây lại là đức ái.
Cảm nhận tin mừng: Chúng con không thể tự cho mình quyền xét đoán, phê phán người khác, mà chỉ có một mình Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt mọi sự. Chúng con cần bao dung với mọi người, nghiêm khắc với chính mình. Không thổi phồng tội người khác, không thu nhỏ lỗi của mình.
Lạy Chúa, chắc có lẽ chúng con sẽ bị xét đoán nhiều vì lối sống thiếu bác ái và hay xét đoán của chúng con. "Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con" nhờ đó chúng con sẽ dễ dàng rộng lượng với người khác như Chúa đã đối xử cách đại lượng với chúng con. Amen.


22 Tháng Sáu
    Thánh Paulinus ở Nola
    (354?-431)


    Qua thư từ của các thánh khác mà chúng ta biết được cuộc đời và đặc điểm của Thánh Paulinus mà ngài là bạn của các thánh Augútinô, Giêrôme, Martin, Grêgôriô và Ambrôsiô.

    Sinh ở Bordeaux, nước Pháp, Paulinus thuộc dòng dõi quý tộc Rôma mà cha ngài là một pháp quan ở Gaul (Pháp). Gia đình ngài làm chủ không biết bao nhiêu ruộng đất ở Ý và Aquitaine. Paulinus được theo học ở trường Bordeaux về luật Rôma, thi văn, hùng biện, khoa học và triết. Sau đó ngài trở thành một luật sư có tiếng.

    Sau khi cha mất sớm, Paulinus được Hoàng Ðế Gratian bổ nhiệm làm nghị sĩ Rôma khi mới 25 tuổi và một năm sau, ngài làm thống đốc Campania, cư ngụ ở vùng đồi núi Nola, ở phía đông Naples. Dường như Paulinus không thích sự phù hoa và danh vọng của chức quyền.

    Sau khi được chứng kiến cảnh dân chúng được chữa lành ở mộ Thánh Felix, là quan thầy của Campania, Paulinus đã có ý định trở lại Kitô Giáo. Ngài hy sinh bộ râu cho Thánh Felix, từ chức thống đốc và trở về sống với người mẹ đang mong đợi ngài.

    Sau khi du lịch đến Tây Ban Nha, Paulinus kết hôn với bà Therasia. Vào năm 36 tuổi, trước sự chứng kiến của người vợ, Paulinus (cùng với người em trai) được rửa tội bởi vị giám mục thánh thiện của Bordeaux là Thánh Delphinus.

    Vào thời bấy giờ, Paulinus được gặp gỡ, chuyện trò với những người thánh thiện đương thời, tỉ như Thánh Martin ở Tours đã chữa lành con mắt thương tích của Paulinus một cách lạ lùng, và có lẽ sự hoán cải của người bạn tâm giao, Thánh Augustine, là động lực sau cùng thúc đẩy Paulinus theo Kitô Giáo.
    Theo Ðức Kitô có nghĩa sống khó nghèo, do đó Paulinus đã bán tất cả tài sản ở Gaul và phân phát tiền bạc cho các người nghèo và những người làm công cho gia đình. Khi hai ông bà sang Tây Ban Nha, bà Therasia cũng bán tất cả đất đai của mình và dùng tiền của để chuộc các người nô lệ và các con nợ.

    Hai ông bà có được một con trai, nhưng chỉ sau một tuần lễ, đứa bé đã từ trần cách đột ngột. Cho rằng cơ thể của bà Therasia không thích hợp để sinh con, Paulinus coi việc từ bỏ quyền làm chồng như một hành động bác ái, do đó hai người thề sống khiết tịnh và sống với nhau như anh em trong suốt cuộc đời.

    Vì đời sống thánh thiện của hai ông bà, dân chúng ở Barcelona đã kiệu Paulinus đến trước mặt vị giám mục và yêu cầu tấn phong Paulinus làm linh mục, và ngài đã đồng ý với điều kiện của Paulinus là không bị ràng buộc vào một giáo xứ hay giáo phận. Sau đó Thánh Ambrôsiô là người đã chỉ dẫn cho Paulinus về nhiệm vụ linh mục.

    Ðể sống lý tưởng của một chủ chăn, hai ông bà Paulinus và Therasia đã biến căn nhà của họ thành nơi tiếp đón người nghèo và người vô gia cư. Bà Therasia sống ở tầng trệt như một người quản lý, còn tầng trên là một đan viện mà Paulinus và các ẩn tu khác biến thành một trung tâm đan sĩ đầu tiên ở Tây Phương với lối sống cực kỳ kham khổ.

    Vào năm 410, trước khi bà Therasia từ trần không lâu, dân chúng ở Nola đã chọn Paulinus làm giám mục. Quả thật ngài là vị giám mục tài giỏi vào thời ấy. Ðức Paulinus tiếp tục sống ở đan viện, ngài xây hệ thống thoát nước cho Nola cũng như các nhà thờ ở đây và ở Fondi.

    Ðức Paulinus là một người hài hòa giữa con tim và trí óc. Các thư từ của ngài cho thấy sự khiêm tốn, tính tình dễ mến, thích khôi hài, trọng kỷ luật, và đời sống chiêm niệm của ngài. Những bút tích của ngài để lại chứng tỏ ngài là một thi sĩ Kitô Giáo và cũng là một tay viết văn xuôi có hạng.

    Lời Trích

    Thánh Paulinus thường đau yếu vì thể xác không được khỏe mạnh, nhưng ngài thản nhiên tuyên bố "sự yếu đuối của thân xác là một ích lợi cho tinh thần, khi xác thịt thiệt thòi thì tinh thần hoan hỉ."
    
    Trích từ NguoiTinHuu.com

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:42