Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Ðức Thánh Cha: Buồn bã không phải là lối sống của người Ki-tô hữu.

Filled under:

Ðức Thánh Cha: Buồn bã không phải là lối sống của người Ki-tô hữu.
Trần Ðỉnh, SJ

Vatican (Vatican News 28-05-2019) - Buồn bã không phải là thái độ của người Kitô hữu. Ðức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như thế trong thánh lễ sáng thứ Ba 28 tháng 5 năm 2019 tại nhà nguyện thánh Marta. Ngay cả khi cuộc sống không phải là một lễ hội, và dù có rất nhiều khó khăn chăng nữa, chúng ta cũng có thể vượt qua và luôn bước tới. Nhưng chúng ta cần trò chuyện với Chúa Thánh Thần mỗi ngày. Người luôn đồng hành với chúng ta.
Chúa Thánh Thần là nhân vật chính mà Tin Mừng trong phụng vụ hôm nay đề cập tới. Trong những lời sau cùng dành cho các môn đệ trước khi về trời, thầy Giêsu cho chúng ta một bài giáo lý thực sự về Chúa Thánh Thần, và Người giải thích cho chúng ta Ðấng ấy là ai. Các môn đệ tỏ ra buồn bã khi biết rằng ít lâu nữa Thầy của họ sẽ rời bỏ họ. Và thầy Giêsu quở trách họ vì điều này bởi sự buồn bã không phải là thái độ nơi người Kitô hữu. Nhưng làm thế nào để không buồn bã? Ðức Thánh Cha nhấn mạnh: trong cầu nguyện, chúng ta xin Thiên Chúa gìn giữ sự tươi trẻ của Thánh Thần trong chúng ta. Chính tại đây, Thần Khí làm cho sự trẻ trung ấy luôn đổi mới nơi cuộc đời chúng ta.
Một vị thánh buồn là vị thánh đáng buồn
Có một vị thánh từng nói rằng: một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn. Cũng thế, một Kitô hữu buồn là một Kitô hữu đáng buồn. Người ấy không bước tới. Thánh Thần chính là Ðấng có thể giúp chúng ta vác lấy thập giá. Trong bài trích sách Công Vụ Tông Ðồ hôm nay, khi đang bị giam cầm, ông Phaolo và Xila đã hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa. Thánh Thần làm mới lại mọi sự. Thánh Thần là Ðấng đồng hành và nâng đỡ chúng ta. Người là Ðấng Bảo Trợ. Nhưng cái tên này lạ quá!
Một lần kia, một linh mục hỏi các em nhỏ trong thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống rằng các con có biết Chúa Thánh Thần là ai không? Một em nhỏ đã trả lời rằng: người bại liệt (Trong tiếng Ý, hai chữ Paraclito (Ðấng bảo trợ) và paralitico (người bại liệt) phát âm gần giống nhau). Và chúng ta cũng nhiều lần nghĩ rằng Thánh Thần bại liệt và Ngài chẳng làm gì cả.
Từ "bảo trợ" muốn nói đến một người ở gần bên tôi và nâng đỡ tôi, để tôi không vấp ngã, để tôi bước đi, để tôi có thể gìn giữ sự tươi trẻ của Thần Khí trong cuộc đời mình. Kitô hữu luôn là những người trẻ trung. Khi con tim của người Kitô hữu bắt đầu già nua, thì ơn gọi Kitô hữu của người ấy bắt đầu nhỏ lại. Hoặc là bạn có một con tim và một tâm hồn tươi trẻ, hoặc là bạn không thực sự là Kitô hữu.
Trò chuyện mỗi ngày với Thánh Thần giúp chúng ta bước đi
Trong cuộc đời này, chúng ta có rất nhiều đau khổ, Phaolo và Xila cũng đã bị đánh đập và chịu đau khổ, "nhưng họ tràn đầy niềm vui, họ đã hát .. ." Ðó chính là sự tươi trẻ. Sự tươi trẻ luôn làm bạn nhìn thấy hy vọng. Nhưng để có được sự tươi trẻ này, chúng ta cần đối thoại hàng ngày với Chúa Thánh Thần, Ðấng vẫn luôn ở bên cạnh chúng ta. Ðó là món quà tuyệt vời mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta: nguồn trợ lực này giúp bạn tiến bước.
Tội lỗi làm tâm hồn già nua, Thần Khí làm cho tươi trẻ
Ngay cả khi chúng ta là tội nhân, Thánh Thần cũng giúp chúng ta ăn năn và giúp chúng ta nhìn về phía trước. Hãy nói với Thánh Thần và Người sẽ trợ giúp bạn và trao lại cho bạn sự tươi trẻ. Ngược lại, tội lỗi làm cho chúng ta già nua. Nó làm linh hồn chúng ta già nua, nó làm mọi sự cằn cỗi. Ðừng sống nỗi buồn của những kẻ ngoại giáo này.
Ðúng là cuộc sống có những thời điểm khó khăn nhưng trong những lúc khó khăn ấy, chúng ta nhận thấy Thánh Thần trợ giúp chúng ta bước tới và vượt thắng gian nan. Các vị tử đạo đã kinh nghiệm về điều ấy.
Chúng ta hãy xin Thiên Chúa để mình đừng đánh mất sự tươi trẻ này, đừng là những Kitô hữu hưu trí đã đánh mất niềm vui và không còn muốn bước tới. Kitô hữu không bao giờ nghỉ hưu. Kitô hữu sống và tiếp tục sống bởi vì họ là những người trẻ. Và khi sống tươi trẻ, họ là những Kitô hữu đích thực.

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Ơn cứu độ không có được từ mua bán nhưng là quà tặng nhưng không.
Hồng Thủy
Vatican (Vattican News 29-05-2019) -Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư ngày 29 tháng 05 năm 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu loạt bài giáo lý về sách Công vụ Tông đồ. Ðức Thánh Cha nhắc rằng chính nhờ Chúa Thánh Thần mà những lời loan báo của con người trở nên hiệu năng, trở thành lời trao ban sự sống. Ðức Thánh Cha mời gọi các tín hữu vâng nghe theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, hiệp nhất và kiên trì cầu nguyện để sống hiệp thông trong Giáo hội.
Bài giáo lý đầu tiên được Ðức Thánh Cha diễn giải dựa trên đoạn sách Công vụ Tông đồ 1,3-4.
Sự kết hợp giữa Lời Chúa và Chúa Thánh Thần
Bắt đầu bài giáo lý, Ðức Thánh Cha nhắc lại rằng sách Công vụ Tông đồ được thánh sử Luca viết, trình bày cho chúng ta "cuộc hành trình của Tin Mừng trên thế giới" và cho chúng ta thấy sự kết hợp tuyệt vời giữa Lời Chúa và Chúa Thánh Thần; điều này khai mở thời gian loan báo Tin Mừng. Các nhân vật chính trong sách Công vụ Tông đồ chính là một "cặp" sống động và hiệu năng, đó là Lời Chúa và Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần làm cho lời con người trở nên sống động và hiệu quả
Ðức Thánh Cha trích dẫn lời Thánh vịnh 147,4: "Người tống đạt lệnh truyền xuống đất, lời phán ra, hoả tốc chạy đi" để giải thích về sức mạnh của Lời Chúa. Lời Chúa lan nhanh, sinh động, đào xới các mảnh đất nơi Lời Chúa được gieo vãi. Sức mạnh của Lời Chúa là gì? Ðức Thánh Cha giải thích, thánh Luca nói với chúng ta rằng lời của con người có kết quả không phải là nhờ khả năng hùng biện, một nghệ thuật ăn nói, nhưng chính nhờ Chúa Thánh Thần, là sức năng động của Thiên Chúa, sức mạnh của Người. Chúa Thầnh Thần có quyền năng thanh tẩy lời nói, làm cho nó trở thành lời chuyển trao sự sống. Ví dụ, trong Kinh Thánh có các câu chuyện, có những lời của con người; nhưng sự khác nhau giữa Kinh Thánh và một cuốn sách lịch sử là những lời trong Kinh Thánh xuất phát từ Chúa Thánh Thần, Ðấng ban sức mạnh lớn lao, một sức mạnh khác và giúp chúng ta để lời đó trở thành hạt giống của sự thánh thiện, của sự sống, và hữu hiệu. Khi Chúa Thánh Thần đến với lời của con người thì lời đó trở nên sinh động, giống như "chất nổ", có thể làm bừng sáng các trái tim và tiêu hủy các kế hoạch, chống lại các bức tường chia rẽ, khai phá những con đường mới và mở rộng những biên giới của Dân Chúa. Ðiều này chúng ta sẽ thấy trong các bài giáo lý, điều xảy ra trong sách Công vụ Tông đồ.
Chúa Thánh Thần làm cho lời con người có sức mạnh và tính quyết định
Ðức Thánh Cha nhấn mạnh: Ðấng làm cho lời nói mong manh yếu ớt của chúng ta có âm hưởng mãnh liệt và sự cương quyết, đến độ không phải là con người nói nữa nhưng là chính Chúa Thánh Thần; nhờ Người, Con Thiên Chúa được sinh ra; Chúa Thánh Thần đã xức dầu và trợ giúp Con Thiên Chúa khi Người thi hành sứ vụ; nhờ Chúa Thánh Thần, Chúa Con đã chọn các tông đồ và bảo đảm cho lời loan báo của các ngài được kiên vững và sinh kết quả, như Người vẫn còn bảo đảm cho lời loan báo của chúng ta ngày nay.
Chúa Giêsu "đã tỏ cho thấy Người ... vẫn sống
Tin Mừng kết thúc với sự phục sinh và lên trời của Chúa Giêsu và câu chuyện mà sách Công vụ Tông đồ tường thuật bắt đầu ngay tại đây, từ sự tràn đầy sự sống của Ðấng Phục sinh truyền cho Giáo hội của Người. Thánh Luca nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu "đã tỏ cho thấy Người ... vẫn sống, sau cuộc khổ nạn, với nhiều thử thách, trong bốn mươi ngày, khi hiện ra ... và nói về những điều liên quan đến vương quốc của Thiên Chúa" (Cv 1,3). Ðấng Phục sinh, Chúa Giêsu Phục sinh, thực hiện những cử chỉ rất con người, như chia sẻ bữa ăn với các môn đệ của Người và mời gọi họ tin tưởng chờ đợi lời hứa của Chúa Cha được thực hiện. Lời hứa đó là gì? Ðó là: "Các con sẽ chịu phép rửa trong Chúa Thánh Thần" (Cv 1,5).
Ơn loan báo Lời Chúa cách rõ ràng và hiệu quả
Thật vậy, phép rửa trong Chúa Thánh Thần là kinh nghiệm cho phép chúng ta sống sự hiệp thông cá nhân với Thiên Chúa và tham gia vào ý muốn cứu độ phổ quát của Người, được ơn parresia, sự can đảm, nghĩa là khả năng loan báo lời như "những người con của Chúa", không chỉ như những người bình thường, nhưng là con cái Thiên Chúa; loan báo cách rõ ràng, tự do, hiệu quả, tràn đầy tình yêu dành cho Chúa Kitô và cho anh em.
Ơn cứu độ không được mua bán
Do đó, không có sự cạnh tranh để kiếm được hoặc để xứng đáng được ơn huệ của Thiên Chúa. Mọi điều được trao ban cách nhưng không và đúng lúc. Chúa ban tất cả cách nhưng không, hoàn toàn nhưng không. Ơn cứu độ không được mua bán: đó là quà tặng hoàn toàn nhưng không. Trước sự lo lắng của các môn đệ về việc biết trước thời điểm xảy ra những điều Chúa Giêsu đã công bố, Người nói với họ: "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđêa, Samaria và cho đến tận cùng trái đất" (Cv 1,7-8).
Kiên nhẫn chờ đợi kỳ hạn của Thiên Chúa
Chúa Phục sinh mời gọi những người theo Người đừng lo lắng khi sống thời gian hiện tại, nhưng hãy đón nhận thời gian, biết cách chờ đợi làm sáng tỏ một lịch sử thánh thiêng; đó không phải là một lịch sử bị gián đoạn, nhưng là sự phát triển, luôn tiến bước; để biết cách chờ đợi những "bước đi" của Thiên Chúa, Ðấng là chủ của thời gian và không gian. Ðấng Phục sinh mời gọi các môn đệ của mình không tự mình "bày ra" sứ vụ, nhưng chờ đợi Chúa Cha làm cho trái tim họ sống động bằng Thần khí của Người, để có thể tham gia làm chứng truyền giáo, một chứng tá có khả năng chiếu tỏa từ Giêrusalem đến Samaria và vượt ra ngoài biên giới của Israel để đến các vùng ngoại biên của thế giới.
Kiên trì và hiệp nhất trong cầu nguyện
Các Tông đồ cùng nhau sống và chờ đợi điều này; họ cùng nhau sống như gia đình của Chúa, trong phòng tiệc ly, nơi mà những bức tường vẫn là chứng nhân của món quà tự hiến của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Làm thế nào chờ đợi sức mạnh, sức sống của Thiên Chúa? Bằng cách cầu nguyện kiên trì, giống như họ chỉ là một, chứ không phải là nhiều người khác nhau. Bằng cách cầu nguyện kiên trì và hiệp nhất. Trong thực tế, chính nhờ cầu nguyện, người ta vượt qua sự cô đơn, cám dỗ, nghi ngờ và mở lòng để hiệp thông. Sự hiện diện của các phụ nữ và Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, làm gia tăng kinh nghiệm này: họ học được từ vị Thầy Giêsu trước tiên, để làm chứng cho sự trung thành của tình yêu và sức mạnh của sự hiệp thông, vượt qua và chiến thắng mọi nỗi sợ hãi.
Cuối cùng, Ðức Thánh Cha mời gọi các tín hữu xin Chúa ơn kiên nhẫn, chờ đợi những chương trình của Người, ơn đừng muốn tự "bày ra" công việc của Chúa và ơn luôn ngoan ngoãn bằng cách cầu nguyện, cầu xin Chúa Thánh Thần và trau dồi nghệ thuật hiệp thông trong Giáo hội.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:47

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 31/5/2019

Filled under:

Lời Chúa: Lc 1, 39-56
Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabeth. Bà Êlisabeth vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được trần đầy Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
Bấy giờ bà Maria nói:
“Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
Danh Người thật chí thánh chí tôn!
Ðời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham
và cho con cháu đến muôn đời.
Bà Maria ở lại với bà Êlisabeth độ ba tháng, rồi trở về nhà.
Suy nim 1
Từ Nadarét, Chị Maria đã phải đi 160 cây số để đến nhà ông bà Dacaria. 
Ngày nay, người ta cho rằng nhà của ông bà tư tế này là ở En Kerem, 
một ngôi làng nằm trên đồi, vây bọc bởi những cây ô liu và vườn nho, 
cách Giêrusalem 6 cây số về hướng tây. 
Cuộc hành trình vất vả, dài như cuộc hành hương lên Đền Thánh. 
Chị Maria không đi một mình, chắc Chị đi với một người bà con. 
Hơn nữa, chị đi với Giêsu đang lớn lên trong lòng Chị. 
Khi nghe sứ thần nói bà chị họ Êlisabeth già nua đang mang thai, 
Maria thấy mình có bổn phận phải vội vã lên đường. 
Chị muốn đem đến cho bà Êlisabeth sự hiện diện của Chị.
Một sự hiện diện khiêm tốn và lịch sự. 
Chị đã mở lời chào khi vừa bước vào nhà ông bà tư tế Dacaria. 
Chúng ta không rõ Maria đã chào như thế nào, 
nhưng lời chào của Chị đã làm bật dậy nơi bà Êlisabeth 
một chuỗi những âm vang mạnh mẽ và bất ngờ. 
Tai vừa nghe lời chào của cô em Maria, 
Êlisabeth thấy thai nhi trong lòng mình nhảy lên vì vui sướng (cc. 41, 44). 
Lập tức bà được đầy tràn Thánh Thần. 
Thánh Thần đã khiến bà nhận ra những mầu nhiệm lớn lao 
đang diễn ra trong cuộc hạnh ngộ ở đây, vào giây phút này. 
Êlisabeth lớn tiếng ca ngợi Maria là người phụ nữ diễm phúc nhất. 
Maria có phúc vì được chọn làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu độ (c. 42), 
và vì đã tin Chúa sẽ thực hiện những gì Người nói với mình (c. 45). 
Ngỡ ngàng và ngây ngất trong hạnh phúc, Êlisabeth kêu lên : 
“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa của tôi đến với tôi thế này?” (c. 43). 
Như thế mầu nhiệm ẩn kín nơi Chị Maria, bà Êlisabeth đã biết. 
Ngược lại, khi thấy bà chị họ của mình mang thai, 
Maria xác tín hơn vào những lời sứ thần đã nói với mình.
Một sự hiện diện mang tính phục vụ. 
Maria đã ở với bà Êlisabeth độ ba tháng để giúp bà trong lúc sinh nở. 
Tất cả những việc trong nhà, hẳn chị Maria đã tận tâm chu tất. 
Khi Chị nhận mình là nữ tỳ của Chúa (Lc 1, 38), 
khi bà Êlisabeth gọi Chị là Mẹ của Chúa tôi (c. 43), 
thì Chị lại trở nên nữ tỳ phục vụ bà chị họ cao niên. 
Sự hiện diện của Chị đem lại cho cả nhà niềm vui và hạnh phúc. 
Giêsu vẫn lớn lên từng ngày trong Chị, và Chị cảm nhận điều đó. 
Lời ca Magnificat chẳng phải chỉ được cất lên một lần. 
Lời ngợi khen ấy thấm nhuần cuộc sống của Chị. 
Mãi mãi Chị là nữ tỳ hèn mọn được Thiên Chúa cúi xuống (c. 48). 
Và Chị biết mình cũng phải cúi xuống để phục vụ tha nhân.
Mọi cuộc gặp gỡ của chúng ta hằng ngày đều có tính linh thánh. 
Trong niềm vui của Thánh Thần, ta vừa cho đi, vừa nhận lãnh, 
vừa ngợi khen Chúa, vừa phục vụ con người. 
Ước gì chúng ta thấy mình lớn lên nhờ dám mở ra để gặp gỡ.
Cầu nguyn:
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Suy niệm 2
 
Thăm viếng để chia vui. Thăm viếng để an ủi. Thăm viếng đển giúp đỡ. Đó là chuyện thường tình của cuộc sống con người. Đó cũng là nét đẹp của con người chúng ta. Đó cũng là ý nghĩa cao cả mà hôm nay Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm cuộc thăm viếng của Đức Mẹ dành cho bà Elisabeth.

Tin Mừng theo thánh Luca thuật lại, ngay sau biến cố truyền tin, Mẹ Maria nhận biết người chị họ là Elisabeth đang vui mừng vì được Chúa cho sinh con trong lúc tuổi già. Một niềm vui trào dâng vì được Chúa cất khỏi nỗi oan khiên của tập tục Do Thái: “son sẻ” là tội thất đức. Không chỉ nhận thấy niềm vui của người chị họ, Mẹ Maria còn nhận ra những lo toan của bà chị họ vì neo đơn khi sanh con trong lúc tuổi già. Chính lý do này đã thúc đẩy Mẹ lên đường đi thăm viếng bà Elisabeth.

Cuộc sống chúng ta không thể thiếu những cuộc viếng thăm. Đó là điều nói lên tính xã hội trong con người chúng ta. Chúng ta sống là phải sống liên đới với người khác, nghĩa là biết sống cùng, sống với và sống cho người khác. Đó là nét đẹp của một lối sống nông thôn, tình làng nghĩa xóm. Trong lối sống ấy, chúng ta có thể biết nhau từ nhà ở đầu ngõ đến cuối ngõ. Chúng ta dễ dàng san sẻ tình làng nghĩa xóm. Chúng ta dễ dàng thăm hỏi nhau khi người này người kia gặp hữu sự như: có cưới hỏi, giỗ chạp, tang chế, v.v. Những cuộc thăm hỏi được thực hiện dễ dàng và xây đắp tình huynh đệ. Thế nhưng vì cuộc sống xã hội thay đổi, ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống chúng ta. Đó là một xã hội muốn đô thị hóa nông thôn. Người ta đang muốn biến nông thôn thành thành thị. Chúng ta không phủ nhận những điều tốt đẹp và văn minh của một thành thị, nhưng chúng ta cũng cần nhận thấy mặt trái của nếp sống thành thị. Đó là một cuộc sống vội vã và thiếu quan tâm đến nhau, vì cổng cao cửa kín. Người ta sẽ rất ngại đến với nhau, sẽ rất ngại thăm viếng nhau, v.v. Và cuộc sống thiếu thăm viếng là cuộc sống đang làm “sa mạc hóa lòng con người”.

Lạy Chúa, nhờ cuộc thăm viếng của Mẹ Maria hôm nay, Chúa đang dạy chúng con bài học biết quan tâm và san sẻ cuộc sống với anh chị em chúng con. Xin cho chúng con luôn biết noi gương Mẹ Maria để luôn lên đường thăm viếng anh chị em đang gặp những hoàn cảnh khó khăn. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:41

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 31/5/2019

Filled under:


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 31/5/2019
"Bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần" 
(Lc 1, 39-56).
Để đi thăm bà Ê-li-sa-bét, Đức Maria đã phải vượt quãng đời dài 160km, với mong muốn giúp người chi của mình đang mang thai trong lúc tuổi già. Thật bất ngờ, người chị cao niên ấy được Chúa Thánh Thần soi sáng, bà đã lớn tiếng ca ngợi Đức Maria đầy ơn phúc, vi Đức Maria đã vâng lời Thiên Chúa và giờ đây đã trở thành Mẹ của Đấng Cứu Chuộc, là mẹ của Thiên Chúa.
Về phần Đức Maria, cũng tạ ơn Thiên Chúa rằng: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa". 
Thăm viếng là chia vui sẻ buồn, là yêu thương, ủi an, khích lệ anh chị em mình, khi đó cuộc thăm viếng sẽ nhận được ân huệ Chúa ban cho từng người, để mọi người biết ca tụng Ngài.
Lạy Chúa, cuộc thăm viếng của Mẹ Maria là khuôn mẫu cho chúng con noi theo. Xin cho chúng con biết ra khỏi mình khi đến với nhau, biết đem niềm vui, khích lệ cho nhau trong cuộc đời. 
Xin Mẹ Maria giúp chúng con được như Mẹ. Amen.



31-05 Lễ Ðức Mẹ thăm viếng thánh Elizabeth

Ðây là một ngày lễ được thiết lập trễ, trong khoảng thế kỷ 13 hay 14. Ngày lễ này được thiết lập trong toàn Giáo Hội để cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Chỉ mới đây, ngày cử hành lễ được ấn định theo sau Lễ Truyền Tin vào tháng Ba và trước lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả vào tháng Sáu.
Cũng như mọi lễ khác về Ðức Maria, lễ này có liên hệ chặt chẽ với Ðức Giêsu và công trình cứu chuộc của Ngài. Các nhân vật chính trong cuộc thăm viếng (xem Luca 1:39-45) là Ðức Maria và Bà Êlidabét. Tuy nhiên, tiềm ẩn ở đằng sau là Ðức Giêsu và Gioan Tẩy Giả. Ðức Giêsu đã làm Gioan Tẩy Giả nhẩy lên vì vui mừng – niềm vui cứu độ của Ðấng Thiên Sai. Ngược lại, bà Êlidabét được tràn đầy Chúa Thánh Thần và cất lời ca tụng Ðức Maria – mà những lời này còn vang vọng qua các thế hệ.
Cần biết rằng chúng ta không có tài liệu tường thuật chi tiết về cuộc gặp gỡ này. Ðúng hơn, Thánh Luca, lên tiếng thay cho Giáo Hội, đã dùng một bài thơ có tính cách cầu nguyện để diễn tả lại biến cố này. Lời bà Êlidabét ca tụng Ðức Maria là “mẹ của Chúa tôi” có thể coi như sự sùng kính của Giáo Hội thời tiên khởi đối với Ðức Maria. Như tất cả sự sùng kính Ðức Maria đích thực, những lời đầu tiên của bà Êlidabét (cũng như của Giáo Hội) là ca tụng Thiên Chúa vì những gì Ngài đã thể hiện cho Ðức Maria. Kế đến, bà mới ca tụng Ðức Maria vì đã tín thác vào công trình của Thiên Chúa. Sau đó là kinh Ngợi Khen. Ở đây, chính Ðức Maria (cũng như Giáo Hội) đã nhận biết sự cao trọng của mình là do Thiên Chúa.

Lời Bàn

Trong Kinh Cầu Ðức Bà, có lời xưng tụng Ðức Maria là “Hòm Bia Giao Ước.” Như Hòm Bia Giao Ước thời xa xưa, Ðức Maria đã giúp Thiên Chúa hiện diện trong đời sống của mọi người. Như Ðavít nhẩy múa trước Hòm Bia thì Gioan Tẩy Giả cũng nhẩy lên vì vui mừng. Như Hòm Bia giúp kết hợp 12 dòng họ Israel vì được đặt trong thủ phủ của Ðavít thì Ðức Maria cũng có sức mạnh kết hợp mọi Kitô Hữu trong Con của ngài. Hiện nay, việc sùng kính Ðức Maria đã có những chia cách, nhưng hy vọng rằng việc sùng kính đích thực sẽ dẫn đưa mọi người đến Ðức Kitô và từ đó đến với nhau.

Lời Trích

Ðược thúc giục bởi lòng bác ái nên Ðức Maria đã đến nhà người bà con… Trong khi mọi lời của bà Êlidabét đều đầy ý nghĩa, lời sau cùng của bà dường như quan trọng hơn cả: ‘Phúc cho ai tin rằng lời Chúa nói với họ sẽ được thể hiện’ (Luca 1:45). Những lời này có thể liên hệ đến danh xưng ‘đầy ơn phúc’ mà thiên sứ đã chúc tụng. Cả hai đoạn này tiết lộ một nội dung căn bản về Thánh Mẫu Học, có thể nói là chân lý về Ðức Maria, là người đã trở nên thực sự hiện diện trong mầu nhiệm của Ðức Kitô chỉ vì ngài ‘đã tin.’ Ơn sủng đầy tràn mà thiên sứ loan báo có nghĩa là chính Thiên Chúa. Ðức tin của Ðức Maria, được bà Êlidabét xưng tụng trong cuộc thăm viếng, cho thấy Ðức Trinh Nữ Nagiarét đã đáp ứng thế nào với ơn sủng này” (Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, “Mẹ Ðấng Cứu Chuộc,” 12).

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:37

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 29-05-2019

Filled under:

« Thần Khí sự thật sẽ tôn vinh Thầy »(Ga 16, 12-15)

12 Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.
Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.
15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.
***
  1. Thánh Thần sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn (c. 12-13a)
Đức Giê-su nói với các môn đệ : « Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi ». Chúng ta có thể tự hỏi, đó là những điều gì, lớn lao và nặng nề đến độ các môn đệ không thể « chịu nổi », hay dịch sát nghĩa tiếng Hi-lạp, không thể « mang lấy » ?
Đức Giê-su nói lời này trong bầu khí của Bữa Tiệc Ly, nên đó chỉ có thể là mầu nhiệm Vượt Qua mà Người sắp hoàn thành mà thôi. Thế mà, lịch sử cứu độ hướng về mầu nhiệm Vượt Qua, như trong mầu nhiệm hiển dung, hình ảnh ông Mô-se và ông Ê-li-cùng đàm đạo với Đức Giê-su và nội dung cuộc đàm đạo, nói cho chúng ta biết : « Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem » (Lc 9, 30-31). Và mầu nhiệm Vượt Qua hoàn tất lịch sử cứu độ, như chính Đức Ki-tô phục sinh nói với các môn đệ : « Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm » (Lc 24, 44).
Mầu nhiệm Vượt Qua có tầm mức lịch sử cứu độ, và ngang qua lịch sử cứu độ, có tầm mức lịch sử phổ quát, trong đó có lịch sử của từng môn đệ và của từng người chúng ta. Một mầu nhiệm như thế, làm sao các môn để có thể « chịu nổi » ? Chịu nổi ở đây là « mang lấy », là hiểu và sống với lòng tín thác, như chính Đức Giê-su sẽ « mang lấy » trong cuộc Thương Khó. Chỉ có Chúa Thánh Thần sự thật mới có thể dẫn các môn đệ tới « sự thật toàn vẹn » mà thôi ; « Sự thật toàn vẹn » về Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể, « hoàn tất mọi sự » (Ga 19, 28) nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Người.

  1. Đức Ki-tô được tôn vinh (c. 13b-14)
Đức Giê-su nói: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” Và sự thật toàn vẹn là chính ngôi vị của Người trong tương quan với lịch sử cứu độ. Chính vì thế,
  • Thánh Thần không tự mình nói điều gì.
  • Người nghe và người nói lại, người loan báo cho các môn đệ.
  • Và Người nghe từ chính Đức Ki-tô chết và phục sinh.
Như thế, sứ mạng của Thánh Thần là “tôn vinh Đức Ki-tô”, bằng cách dẫn chúng ta đến với Đức Ki-tô, khơi dậy nơi chúng ta lòng tin nơi Đức Ki-tô, soi sáng trí khôn của chúng ta để giúp chúng ta hiểu sâu xa Đức Ki-tô và đốt cháy tình yêu của chúng ta dành cho Đức Ki-tô. Vậy, mỗi khi chúng ta tin, hiểu và yêu Đức Ki-tô, chúng ta sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta chịu ơn Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần tôn vinh Đức Ki-tô như thế đó, hoàn toàn xóa mình đi để hướng loài người và từng người chúng ta về với Đức Ki-tô, như Đức Giê-su đã nói:
Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.
(Ga 15, 26)
Chúng ta được mời gọi tôn vinh Đức Ki-tô theo cách của Chúa Thánh Thần, trong đời sống và sứ vụ của chúng ta.

  1. Chúa Cha nguồn của mọi sự và thông truyền mọi sự (c. 15)
Chúa Thánh Thần lấy những gì là của Đức Ki-tô, và Người không tự mình nói điều gì. Nhưng, mọi sự của Đức Ki-tô lại có nguồn gốc nơi Thiên Chúa Chúa : « Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy », bởi vì mọi sự của Cha là của Con và mọi sự của Con là của Cha.
Như thế, những gì Chúa Thánh Thần thông truyền cho chúng ta có nguồn từ chính Thiên Chúa Cha, và đến từ sự hiệp thông trọn vẹn của chính Ba Ngôi Thiên Chúa.

* * *
Chúng ta được mời gọi mở lòng ra để đón nhận sự hiện diện và sự thôi thúc của Thánh Thần, để Người làm cho chúng ta nên một, như Thiên Chúa Ba Ngôi Thiên Chúa là một, bằng cách chia sẻ cho chúng ta tình yêu và sự sống của chính Ba Ngôi Thiên Chúa ngay hôm nay và luôn mãi.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

SUY NIỆM 2

Bối cảnh của Tin Mừng hôm nay là lời chúc ngôn của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ trước khi Chúa đi vào cuộc thương khó. Chúa hứa sẽ xin Chúa Cha ban Thánh Thần cho các Tông đồ, để các ngài có thể hiểu được những giáo huấn của Chúa và can đảm sống rao truyền các giáo huấn ấy.

Chúng ta đang sống trong những ngày của Mùa Phục Sinh. Đây là thời gian mà Giáo Hội sống tâm tình mừng vui vì Chúa sống lại và đang ở lại với chúng ta trong 50 mươi ngày, rồi về với Chúa Cha. Những ngày này là những ngày Chúa tiếp tục an ủi và nâng đỡ chúng ta trong đời sống đức tin. Như xưa Chúa đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ, thì hôm nay Chúa cũng muốn nói những lời này với chúng ta. Chúa muốn chúng ta mở lòng đón nhận Thánh Thần chân lý - Đấng giúp chúng ta hiểu và sống những giáo huấn của Chúa trong cuộc đời này.

Là những người con của Chúa, chúng ta vui mừng lãnh nhận Chúa Thánh Thần qua bí tích Rửa Tội để được thánh hóa và biến đổi nên con Chúa. Nhờ bí tích Thêm Sức, Chúa Thánh Thần gia tăng ân huệ của Ngài cho chúng ta. Đó là những suối nguồi của bảy hồng ân: ơn khôn ngoan, ơn thông hiểu, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn suy biết, ơn đạo đức và ơn biết kính sợ Chúa. Xin cho mỗi người chúng ta biết mở lòng đón nhận hồng ân cao quí này. Xin cho cuộc đời chúng ta luôn là cuộc sống của những người biết giữ niềm cậy trông tin tưởng vào lời hứa của Chúa mà trung tín trong bổn phận hằng ngày.

Lạy Chúa Giêsu, xin luôn thực hiện lời Chúa hứa trên chúng con. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:48

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 29/5/2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 29/5/2019
"Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: "Người sẽ lãnhnhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con" (Ga 16, 12-15).
Là người trần mặt thịt, các tông đồ xưa, cũng như giáo dân thời nay, khi nghe những lời Chúa dạy không thể lĩnh hội ngay được, mà cần phải có Người hướng dẫn (Người ấy là Chúa Thánh Thần). Chúa Thánh Thần dẫn đưa mọi người đến sự thật toàn vẹn, sự thật toàn vẹn đó chính là sự thật tỏ bày nơi Con Thiên Chúa làm người, để dần dần mọi người hiểu sâu xa hơn về Ðức Giêsu.. Tiếp nhận sự thật ấy phải được biểu lộ tính cách khiêm nhường, thái độ tự mãn chắc chắn không phải là người ở trong sự thật.
Lạy Chúa. chúng con thường quên đi vai trò của Chúa Thánh Thần, mà Chúa Thánh Thần là người Thầy duy nhất được Ðức Giêsu sai đến hướng dẫn chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến và lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần thúc giục trong tâm hồn, nhất là những lúc lương tâm chúng con bị mờ tối. Amen.




Thánh Maria Anna “de Paredes”
(1618 — 1645)
Thánh Maria Anna, còn gọi là “Bông Huệ Quitô,” có cuộc đời rất giống Thánh Rôsa ở Lima. Ngài cũng hãm mình, sống cô độc, được xuất thần và ơn nói tiên tri.
Sinh ở Quito, Ecuador, ngay từ khi còn nhỏ, Maria Anna rất sùng kính Ðức Mẹ và đã muốn đi tu. Lúc mười tuổi ngài thề sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Lúc đầu ngài muốn trở thành một nữ tu dòng Ða Minh, nhưng sau đó ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô, trở nên một ẩn tu sống khắc khổ trong nhà người chị, dưới sự linh hướng của cha giải tội dòng Tên.
Cũng như Thánh Rôsa, Maria Anna thường tự cho mình là “Maria Anna của Chúa Giêsu”, ngài chăm sóc người nghèo và dạy dỗ các trẻ em người thổ dân ngay tại nhà của mình. Về lối sống khắc khổ, ngài ăn rất ít và ngủ có ba giờ mỗi đêm. Ngài được ơn tiên tri, biết được tâm hồn người khác, chữa lành người bệnh tật qua dấu Thánh Giá hoặc rảy nước phép, và đã có lần làm cho người chết sống lại.
Sau trận động đất năm 1645 ở Quito, một trận dịch lan tràn và Maria Anna đã dâng hiến cuộc đời mình để hy sinh cho thành phố, và thật vậy, ngài đã từ trần ngay sau khi trận dịch bắt đầu giảm bớt.
Ngài được phong thánh năm 1950.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô Assisi đã chiến thắng chính mình khi ngài ôm hôn một người cùi. Nếu sự từ bỏ mình không dẫn đến đức bác ái, thì việc ăn năn đền tội đã mất lý do chính đáng. Sự hy sinh hãm mình của Thánh Maria Anna đã giúp ngài nhậy cảm hơn với nhu cầu của tha nhân, và can đảm hơn khi phục vụ người nghèo.
Lời Trích
“Khi được thúc giục bởi tình yêu Thiên Chúa và đồng loại, thánh nữ đã tự hành hạ thân xác mình để đền bù tội lỗi cho tha nhân. Quên đi thế giới chung quanh và ngài đắm chìm trong sự ngây ngất, như được nếm trước hạnh phúc vĩnh cửu. Do đó, được biến đổi và phong phú bởi ơn Chúa, với tất cả khả năng, ngài thật hăng say lo lắng đến sự cứu độ không những cho chính mình mà còn cho người khác. Thánh nữ độ lượng giúp vơi bớt sự bất hạnh của người nghèo và xoa dịu sự đau khổ của người đau yếu. Khi các thiên tai như động đất và bệnh dịch làm kinh hãi người dân thành phố, thánh nữ đã phấn đấu qua sự cầu nguyện, sự đền tội và sau cùng, ngài đã dâng hiến cuộc đời để nài xin lòng thương xót của Chúa Cha mà thánh nữ không thể hoàn thành được bằng nỗ lực con người” (Ðức Giáo Hoàng Piô XII).

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:30

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY NGÀY 27/05/2019

Filled under:

“Thầy đã nói”(Ga 15, 26 – 16, 4a)
26 Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.27 Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.
1 Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã.2 Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa.3 Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy.
4 Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.
  1. Bách hại
Để làm chứng cho Đức Giê-su, không thể không có “bách hại”. Trong bối cảnh của bữa tiệc ly, Đức Giê-su nói về những bách hại đến từ con người, như chính Ngài sẽ trải qua ngay sau những lời tâm sự này, khi để cho mình bị bắt (x. Ga 18, 1-11):
Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy.
(Ga 16, 1-3)
Hành động giết người hoàn toàn không phù hợp với Thiên Chúa đích thật, bởi vì Đức Giê-su, Con Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa, Cha của Người, là tình yêu và sự sống và chỉ là tình yêu và sự sống mà thôi. Chính vì thế, tất cả những ai giết người hay làm phương hại đến sự sống, đều không “biết” Thiên Chúa Ba Ngôi, cho dù họ làm thế nhân Danh Chúa; như trong cuộc Thương Khó, người ta nhân danh Thiên Chúa hằng sống để lên án tử Con Thiên Chúa (x. Mt 26, 57-66).
Nhưng chúng ta còn được mời gọi hiểu những bách hại theo nghĩa rộng, đó là những năng động đi ngược lại với Tin Mừng của Đức Ki-tô.
  • Đó là những năng động đến từ môi trường sống của chúng ta: làm giàu, hưởng thụ, tiêu thụ, khoái lạc theo kiểu thú tính, sức mạnh, tôn vinh bản thân, thành tích bề ngoài…
  • Và sâu xa hơn, đó là những năng động đến từ Sự Dữ và có mặt ngay trong tâm hồn chúng ta: quên ơn huệ Thiên Chúa ban, nghi nghờ Thiên Chúa, ham nuốn, ghen tị, bạo lực…

  1. Làm chứng
Không ai trong chúng ta không gặp những thử thách, khó khăn như thế, thậm chí phải chiến đấu, và không nhất thiết là những bách hại đến từ bên ngoài, khi sống như những chứng nhân của Đức Ki-tô. Nhưng lời của Đức Giê-su thật an ủi chúng ta, bởi vì Đấng Bảo Trợ, nghĩa là Thánh Thần, được Ngài sai đến, cũng làm chứng về Đức Ki-tô:
Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.
(15, 26)
Như thế, một đàng lời chứng của chúng ta về Đức Ki-tô là lời chứng có nguồn gốc thần linh, bất chấp chúng ta là ai. Và đàng khác, chúng ta không làm chứng một mình, vì có Thánh Thần làm chứng cùng với chúng ta, trong chúng ta và thêm sức cho chúng ta.

  1. “Thầy đã nói”
Hơn nữa, Đức Giê-su đã báo trước về những bách hại và những khó khăn rồi; thực vậy, trong một đoạn văn ngắn, Ngài nói tới ba lần về sự kiện “Thầy đã nói”:
  • Thầy đã nói với anh em các điều ấy” (16, 1).
  • “Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy… anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi” (c. 4a).
“Đức Giê-su đã nói”, chính là để chúng ta xác tín rằng dù điều gì xẩy ra vẫn không nằm ngoài kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, vẫn không thể ngăn cản được Tình Yêu muôn ngàn đời của Thiên Chúa. Hơn nữa, Đức Giê-su không chỉ nói, nhưng còn trải qua đến tận cùng:
  • Ngài trải qua đến tận cùng trong sự bách hại, khi Ngài chịu chết trên Thập Giá.
  • Và Ngài không chỉ trải qua đến cùng, nhưng còn “vượt qua” để đi vào sự sống mới không cùng. Đó là mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm Thiên Chúa Sự Sống và Tình Yêu, mạnh hơn Sự Chết và Sự Dữ.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

SUY NIỆM 2
 
“Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha” (Ga 15,26).

Thánh sử Gioan muốn nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần - Đấng đã được loan báo (Ga 14, 16-17) được gọi là thần chân lý; còn (Ga 14, 26) gọi là Thầy Dạy sẽ dẫn đưa các môn đệ đến sự thật trọn hảo và nhắc họ nhớ lại mọi lời của Chúa Giêsu, nhất là giúp các ông hiểu ý nghĩa của những lời dạy, các sự kiện xảy ra trong cuộc đời Chúa Giêsu.

Chúa Thánh Thần là Đấng Phù Trợ mà Chúa Giêsu sai đến không chỉ để làm chứng về Chúa Giêsu, mà còn để bênh vực, bảo vệ các môn đệ, nghĩa là cho các môn đệ và những người tin theo Chúa hiểu rõ sự thật về Chúa, về chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Như thế, vai trò này của Chúa Thánh Thần càng quan trọng và cần thiết trong thời kỳ người ta sẽ khai trừ và giết chết các môn đệ Chúa Kitô nhân danh một niềm tin, một chân lý nào đó mà người ta nghĩ là đúng. Bằng cách phá tan sự sai lầm và ngu dốt của người đời, Chúa Thánh Thần đang bảo vệ các môn đệ của Chúa và cho thấy di sản Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ thật quý giá và hữu ích. Và hơn thế nữa, Đấng Phù Trợ còn trợ giúp các môn đệ để các ông cũng là những chứng nhân trung thành và can đảm cho những điều đã thấy, đã nghe nơi Đức Giêsu giúp mọi người nhận biết và tin vào Chúa Giêsu. 

Như vậy, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ là Người sẽ sai Chúa Thánh Thần đến để trợ giúp các môn đệ. Điều này Chúa cũng muốn nói với mỗi người chúng ta hôm nay. Vì thế, Lời Chúa Giêsu cũng như những lời dạy dỗ của Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta khỏi rơi vào những cám dỗ, những bách hại và khỏi xa ngã bởi những cạm bẫy của thế gian.

Tham dự thánh lễ là lúc chúng ta được nguồn trợ lực mạnh mẽ của Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần nhờ lắng nghe Lời Chúa, rước Mình Máu Thánh Chúa. Nhờ đó, cuộc sống chứng tá của mỗi người chúng ta ngày càng thêm vững mạnh và sinh nhiều hoa trái, công phúc. 

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã để lại cho chúng con món quà quý giá là Chúa Thánh Thần - Đấng dẫn đưa chúng ta vào tất cả sự thật. Xin giúp chúng con luôn bước đi trong sự thật để đạt tới hạnh phúc muôn đời. Amen. 

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:45