Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

Công chúa Alexandra xứ Hanover bị loại khỏi danh sách kế vị Anh quốc vì gia nhập Công Giáo

Filled under:

Tờ tạp chí Point de Vue cho hay: công chúa Alexandra 19 tuổi của Hanover đã bị loại khỏi danh sách thừa kế ngai vàng của hoàng gia Anh vì cô đã cải đạo sang Công Giáo.
AlexandraHanover.jpg
Vị công chúa 19 tuổi này là người con duy nhất của hoàng tử Ernst August xứ Hanover và công chúa Caroline nước Monaco. Cô sinh ngày 20/7/1999 tại Vöcklabruck, thượng Áo.

Công chúa Alexandra gia nhập Tin Lành Lutheran theo cả gia đình từ ngày 19/9/1999. Mẹ cô là công chúa Caroline vẫn luôn là một tín hữu Công Giáo. Gần đây, công chúa Alexandra đã quyết định từ bỏ Giáo Hội Lutheran để gia nhập Giáo Hội Công Giáo Rôma, theo mẹ mình.

Cậu của công chúa Alexandra là Albert II, thân vương của nước Monaco. Về họ nội, cô là con cháu của nữ hoàng Victoria của Anh và quốc vương Wilhelm II của đế quốc Đức.

Luật kế vị của Anh đã thay đổi vào năm 2011 theo hiệp ước Perth. Theo luật này, cấm người theo Công Giáo và các tôn giáo khác Tin Lành, không hiệp thông với Anh Giáo trở thành người kế vị ngai vàng. Do đó công chúa Alexandra đã mặc nhiên bị loại khỏi danh sách kế vị hoàng gia Anh, tuy vẫn duy trì vị trí thứ 12 trong hàng kế vị ngai vàng Monegasque, Monaco.

Gioakim Nguyễn

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:59

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT - Ngày 30.9.2018

Filled under:

« Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em »(Mc 9, 38-43.45.47-48)

38 Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.”39 Đức Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.
41 “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.
42 “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt.44 [ ]45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục.46 [ ]47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục,48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
1- “Đừng ngăn cản người ta”
Chứng kiến điều kì diệu, đó là Danh Thầy Giê-su được tuyên xưng vượt khỏi giới hạn nhóm của mình, và Danh của Người có sức mạnh trừ quỉ, nhưng thay vì tạ ơn Chúa, ca tụng Thầy và chúc mừng người ta, thì môn đệ Gioan và các môn đệ khác lại “cố ngăn cản”, vì người này không thuộc nhóm các môn đệ đi theo Đức Giê-su !
Trong đời sống đức tin và cả trong đời sống ơn gọi nữa, cái nhìn của chúng ta về người khác, về những gì họ làm và những gì thuộc về họ cũng thường hay bị chi phối phối nặng nề bởi những khuôn khổ, những qui luật, những nguyên tắc, những tư tưởng, những cách hiểu hay cả một ý thức hệ có sẵn của chúng ta. Tương tự như cái nhìn của người con lớn về người em, trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (x. Lc 15, 11-32), phản ứng của ông trưởng hội đường đối với người phụ nữ còng lưng được Đức Giê-su chữa lành (x. Lc 13, 10-17), cái nhìn của ông Simon về người phụ nữ tội lỗi (x. Lc 7, 36-50) hay như quyết định cực đoan (cùng nhau bàn tính, lập mưu để giết chết) của những người Pha-ri-sêu đối với Đức Giê-su, sau khi chứng kiến Người chữa lành người bị bại tay trong hội đường, vào ngày Sa-bát (x. Mc 3, 1-6). Vì thế, chúng ta không thể mở mắt, mở tai và mở lòng ra để nhận ra sự hiện diện của Thánh Thần Thiên Chúa, hoạt động kỳ diệu của Người nơi mọi người và mọi nơi, vượt xa mọi khuôn khổ, với tâm tình tạ ơn và ca tụng.
* * *
Đức Giê-su mời gọi các môn đệ: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy”. Như thế, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ của Người, các môn đệ lắng nghe trực tiếp lời của Đức Giê-su và các môn đệ thuộc mọi thời, là chúng ta hôm nay, những người nghe được lời của Đức Giê-su trong các sách Tin Mừng, một đàng nhận ra rằng, có những người “thuộc về” Đức Ki-tô, cho dù không công khai thuộc về “nhóm chúng ta”, và đàng khác, các môn đệ được mời gọi nhận ra điều kì diệu. Điều kỳ diệu ở đây là Danh Thầy Giê-su có sức mạnh đẩy lui sự hiện diện và hành động của ma quỉ. Không chỉ Danh Thầy được “chúng ta” tuyên xưng, nhưng mọi sự trong mọi người, ở mọi nơi và mọi thời, thuộc về Danh Thầy, với tư cách là Ngôi Lời Thiên Chúa, đều có sức mạnh đánh tan bóng tối, bầu khi chết chóc, ma quỉ và Sự Dữ. Bởi vì “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 3).
Thay vì khép kín, chúng ta được mời gọi nhận ra Danh Thầy Giê-su, với tư cách là Ngôi Lời, được tuyên xưng và phát huy sức mạnh nơi mọi người, nơi các nền văn hóa, nơi các dân tộc, nơi các tôn giáo, và cả trong sáng tạo nữa, bởi vì:
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.
…………………
Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,
mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.
(Tv 19, 2-5; x. Rm 10, 18)

* * *
Cuối cùng Đức Giê-su nêu ra “một qui tắc” nhận định, có giá trị cho mọi nơi và mọi thời, để nhận biết ai thuộc về, hay rộng hơn, những gì thuộc về “chúng ta”; “chúng ta” là chính Ngài và những người đi theo Ngài, vốn sẽ làm nên Giáo Hội.
Đức Giê-su nói: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”Qui tắc này vượt xa những khác biệt về nguồn gốc, chủng tộc, văn hóa và tôn giáo, để nhận ra những giá trị phù hợp với Tin Mừng mà Đức Ki-tô và Giáo Hội của Người rao giảng, để nhận ra, dưới tác động của Thần Thần, Đức Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa hiện diện ở khắp nơi trong sáng tạo và trong lịch sử (x. Tv 136), lịch sử cứu độ, lịch sử loài người và trong cuộc đời của từng người chúng ta.
2- Phần thưởng và hình phạt
Sau khi nêu ra qui tắc phổ quát : « Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta », Đức Giê-su hướng tới những người làm ơn cho các môn đệ của Người :
Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu
(c. 41)
Lời này của Đức Giê-su mang lại cho chúng ta nhiều an ủi. Thật vậy, một quà tặng rất nhỏ, là một « chén nước », mà chúng ta trao ban cho những người thuộc về Đức Ki-tô, cũng được Chúa ghi nhận, coi trọng, và sẽ làm cho sinh hoa trái kết quả : « người đó sẽ không mất phần thưởng đâu ». Và vì đó là « phần thưởng » đến từ Đức Ki-tô, con Thiên Chúa, nên sẽ tồn tại mãi mãi.
Chắc chắn ai trong chúng ta cũng trao ban hơn thế nhiều, cho những người thuộc về Chúa, hay rộng hơn, cho những gì thuộc về Chúa và cho chính Chúa. Vậy, dựa vào lời của Chúa, một đàng, chúng ta hãy xác tín về « phần thưởng », nghĩa là những hoa trái Chúa sẽ ban cho chúng ta, cho sự sống hôm nay và mai sau, cho dù chúng ta còn đầy thiếu sót, yếu đuối và tội lỗi ; và đàng khác, chúng ta được mời gọi chia sẻ, trao tặng hơn nữa.
* * *
Tuy nhiên, ngay sau đó, Đức Giê-su lại nói về những hình phạt, những hình phạt thật nặng nề :
Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.
Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi…
Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi…
Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi…
Lời của Đức Giê-su thật là triệt để với những ai và với những gì làm cớ cho người người khác sa ngã, nhất là những người bé mọn. Bởi vì, làm cớ cho người khác sa ngã là hành động của Con Rắn, của Satan. Thật vậy, bà Evà nói với Đức Chúa : « Con Rắn đã lừa dối con, nên con ăn » (St 3, 13). Và trong thực tế, như Đức Giê-su nói trong Tin Mừng theo thánh Luca : “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã”.
Nhưng nếu, chúng ta biến lời này của Đức Giê-su thành lề luật, thì loài người sẽ chột mắt, cụt chân, cụt tay hết, thậm chí loài người sẽ « chôn sống » nhau ! Vậy, chúng ta phải hiểu và sống lời của Chúa như thế nào ?
 3 – Lời Chúa là Thần Khí
Phải chăng những lời này của Đức Giê-su là lề luật? Nếu đó là những điều luật như những điều luật khác, thì người ta sẽ phải khắc chúng xen vào tảng đá Mười Điều Răn! Có nhiều người đã hiểu luật của Đức Giê-su như thế đấy: chỉ có nội dung thay đổi, còn cách thức vẫn vậy. Nếu hiểu lời của Đức Giê-su theo nghĩa « chữ viết » như thế, người ta sẽ lấy đâu ra sức mạnh để tuân giữ? Và hậu quả sẽ thật lệch lạc và chết chóc.
Ngôn sứ Giêrêmia đã loan báo giao ước mới và luật của giao ước mới sẽ không còn được khắc trên đá nữa, nhưng trong tận đáy lòng con người. Những lời của Đức Giê-su không mô tả cho chúng ta những hành vi phải thực hiện, nhưng buộc phải tiến tới, nếu cần thiết, thật xa như là những lời của Người gợi ra, nghĩa là đoạn tuyệt với sự dữ dưới mọi hình thức, mà vẫn không khuôn theo một cách vật chất.
Lời của Đức Giêsu không thể được tuân giữ do áp đặt từ bên ngoài. Dù sao, nghe những lời này của Đức Giê-su, người Kitô hữu chúng ta có lý để than vãn: quá khó để thực hành những gì Ngài muốn; nhưng thật ra, hiểu cũng đã khó quá rồi! Vậy làm sao tìm ra “lối đi”. Chính Chúa Thánh Linh sẽ dẫn chúng ta đạt tới đích trong tự do; vì áp đặt sẽ làm hỏng luật của Đức Kitô tận gốc rễ.
Để có thể sống theo lời của Đức Giê-su, chúng ta phải khởi đi từ “nguồn gốc”; nguồn gốc là tình yêu nhưng không và đến cùng Người dành cho từng người chúng ta: « Anh em hãy yêu mến nhau, như Thầy yêu mến anh em” (Ga 15, 12), là kinh nghiệm được Ngài “rửa chân”: “Anh em hãy rửa chân cho nhau, như Thầy rửa chân cho anh em” (Ga 13, 14) ; và khởi đi từ lòng ước ao cũng yêu Chúa đến cùng, ngang qua ơn gọi Chúa ban cho mỗi người chúng ta.
Chúng ta có thể hiểu như thế, khi nghe lời mời gọi này của Đức Giê-su :
Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em,
và sống hoà thuận với nhau.
(Mc 9, 50)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Suy niệm 2

“Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” 

Trước thái độ của Gioan đối với những người không thuộc nhóm các Tông đồ nhưng họ vẫn nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ, Chúa đã dạy Gioan và các môn đệ bài học quý giá trên bước đường sứ vụ.

Chúa Giêsu đến thế gian để hiến thân, hầu mang lại ơn cứu độ cho muôn người, không loại trừ một ai. Và khi chọn gọi các môn đệ để tiếp nối sứ vụ của mình, Người cũng mời gọi họ bước vào con đường cứu độ, nghĩa là bắt đầu sống một tình yêu bao dung và quảng đại hiến thân để phục vụ. Vì thế, tư tưởng cục bộ hẹp hòi, phe nhóm nhất định không có chỗ đứng trong sứ vụ của người môn đệ Đức Kitô.

Hơn lúc nào hết, người Kitô hữu chúng ta đang sống trong một thế giới rộng mở và kết nối với nhau, một “thế giới phẳng”. Do đó, cần lắm một Giáo Hội luôn mở rộng cửa để đón tiếp tất cả mọi người, để đối thoại và phục vụ cho con người ngày nay. Ngược lại, một tình trạng khép kín, một cung cách bảo thủ sẽ làm cho Giáo Hội trở nên chậm chạp, nghèo nàn và xa cách, không thể chu toàn sứ vụ mà Chúa Giêsu trao phó, đó là mang tình yêu và ơn cứu độ của Chúa đến cho muôn người. Nói như thế không đồng nghĩa với việc chúng ta sẵn sàng thoả hiệp với những trào lưu tục hoá, dễ dàng làm ngơ trước những điều sai trái và nghịch với các giá trị Tin Mừng. Chúa Giêsu cũng luôn nhắc nhở chúng ta phải có thái độ kiên quyết và dứt khoát với tội lỗi và sự dữ, để mong lãnh nhận ơn cứu độ Chúa hứa ban.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con có một con tim bao dung, quảng đại và một tinh thần rộng mở, nhiệt thành để luôn hăng say trong việc góp phần mở mang Nước Chúa và phục vụ cho phần rỗi của mọi người. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:53

Đặt niềm tin vào đối thoại là sứ điệp Đức Thánh cha gởi người Công giáo Trung Quốc

Filled under:

Đặt niềm tin vào đối thoại là sứ điệp Đức Thánh cha gởi người Công giáo Trung Quốc

Đức Thánh cha Phanxicô nói thỏa thuận tạm thời sẽ bắt đầu một chương mới cho Giáo hội Công giáo Trung Quốc
Đặt niềm tin vào đối thoại là sứ điệp Đức Thánh cha gởi người Công giáo Trung Quốc

Thỏa thuận Vatican-Trung Quốc về bổ nhiệm giám mục gần đây mưu cầu lợi ích thực sự của Giáo hội, cổ vũ rao giảng Phúc Âm tại Trung Quốc và tái thiết lập sự hiệp nhất trọn vẹn rõ ràng của Giáo hội, Đức Thánh cha nói trong sứ điệp gửi người Công giáo tại Trung Quốc và trên toàn thế giới.
 
Nhờ sự giúp đỡ và lời cầu nguyện của tất cả người Công giáo, Đức Thánh cha hy vọng thỏa thuận tạm thời được thông báo hôm 22-9 sẽ bắt đầu một “tiến trình chưa từng có tiền lệ được chúng ta hy vọng sẽ giúp chữa lành các vết thương trong quá khứ, phục hồi tình hiệp thông trọn vẹn nơi tất cả người Công giáo Trung Quốc, và dẫn đến một giai đoạn hợp tác huynh đệ lớn hơn để canh tân dấn thân phục vụ sứ mạng công bố Phúc Âm của chúng ta”.
 
“Giáo hội hiện hữu để làm chứng cho Đức Giêsu Kitô và cho tình yêu vị tha và cứu rỗi của Chúa Cha”, không phải vì mục đích chính trị hay cá nhân, ngài viết.
 
Lời của Đức Thánh cha đưa ra trong một sứ điệp đặc biệt gửi “người Công giáo Trung Quốc và Giáo hội hoàn vũ”, do Vatican phát hành hôm 26-9.
 
Thừa nhận có “những bản tin mâu thuẫn” bàn về tương lai của các cộng đồng Công giáo tại Trung Quốc cũng như có rất nhiều phản ứng khác nhau như “bối rối”, hoài nghi hay hy vọng, Đức Thánh cha dùng sứ điệp này để cam đoan với các tín hữu tại Trung Quốc rằng ngài cầu nguyện hằng ngày và thật sự khâm phục “lòng trung thành và bền bỉ của anh chị em giữa những thử thách và vững tin vào sự quan phòng của Chúa, ngay cả khi có một số hoàn cảnh đặc biệt bất lợi và khó khăn”.
 
Ngài kêu gọi mọi người nhìn “vào gương của tất cả các giáo dân và mục tử trung thành sẵn sàng ‘làm chứng nhân tốt lành’ cho Phúc Âm, thậm chí hy sinh mạng sống của mình. Họ thể hiện mình là người bạn đích thực của Chúa!”
 
Cha Matteo Ricci, thừa sai dòng Tên đến Trung Quốc vào thế kỷ 16, kêu gọi Giáo hội tin tưởng khi ngài nói “trước khi làm bạn, người ta phải quan sát; sau khi trở thành bạn, người ta phải tin tưởng”, Đức Thánh cha viết.
 
Ngài nói thỏa thuận tạm thời này được theo đuổi theo trong cùng một tinh thần vốn tin rằng một cuộc gặp gỡ có thể đích thực và có kết quả chỉ khi thông qua đối thoại, “bao gồm đi đến chỗ biết nhau, tôn trọng nhau và ‘cùng bước đi’ xây dựng một tương lai hòa hợp tuyệt vời chung”.
 
Quá trình đối thoại giữa Tòa Thánh và chính quyền Trung Quốc, do Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng và được Đức Thánh cha Bênêđictô XVI tiếp nối, theo đuổi ao ước duy nhất là “đạt được các mục đích mục vụ và tinh thần cụ thể của Giáo hội, đó là hỗ trợ và xúc tiến việc rao giảng Phúc Âm, và tái thiết và duy trì sự hiệp nhất trọn vẹn rõ ràng nơi cộng đồng Công giáo tại Trung Quốc”, vốn bị chia rẽ giữa các cộng đồng sẵn sàng hợp tác với chính quyền cộng sản và những người không chịu làm như thế, ngài nói.
 
Đức Thánh cha giải thích để đi đến thỏa thuận tạm thời này là một quá trình đòi hỏi thời gian, thiện chí, và thừa nhận những điều kiện chưa được hoàn hảo sẽ không bao giờ cản trở lời kêu gọi “bước ra ngoài” và thật vui vẻ chấp nhận “những người trong thời đại của chúng ta, đặc biệt là những người nghèo hay đau khổ”.
 
Trong thời Cựu Ước Tổ phụ Abraham đã vâng lời Chúa lên đường đến một vùng đất lạ, Đức Thánh cha kể. Nếu Abraham “đòi hỏi các điều kiện chính trị xã hội lý tưởng trước khi rời bỏ vùng đất của mình, có lẽ ông không bao giờ lên đường. Thay vì thế ông tín thác nơi Chúa và đáp lại lời Chúa ông đã rời bỏ quê nhà và sự an toàn ở đó. Không phải những thay đổi lịch sử đã khiến ông ta đặt niềm tin nơi Chúa; đúng hơn là chính niềm tin tưởng hoàn toàn của ông đã tạo ra sự thay đổi trong lịch sử”.
 
“Là người kế vị Thánh Phêrô, tôi muốn cam đoan với anh chị em về niềm tin này” trong lời hứa của Chúa, Đức Thánh cha nói và cầu xin Chúa Thánh Thần giúp mọi người hiểu Chúa “sẽ dẫn dắt chúng ta đi đâu, để vượt qua những lúc bối rối không thể tránh khỏi, và tìm được sức mạnh kiên quyết lên đường tiến về phía trước”.
 
Đức Thánh cha nói xử lý vấn đề bổ nhiệm giám mục trước là việc làm cần thiết để “hỗ trợ và xúc tiến việc rao giảng Phúc âm tại Trung Quốc và tái thiết sự hiệp nhất trọn vẹn rõ ràng trong Giáo hội”.
 
Sự tồn tại một Giáo hội bí mật hay thầm lặng như ở Trung Quốc “không phải là việc bình thường trong đời sống Giáo hội”, và như Đức Thánh cha Bênêđictô XVI nói trong thư gửi người Công giáo Trung Quốc năm 2007: “lịch sử cho thấy các vị mục tử và tín hữu phải (hoạt động bí mật) chỉ trong lúc khó khăn, để đảm bảo sự nguyên vẹn của đức tin của họ”.
 
Đức Thánh cha Phanxicô cho biết ngài đã nhận được “rất nhiều dấu hiệu và bằng chứng cụ thể” từ người Công giáo Trung Quốc về lòng ao ước “sống đức tin hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội hoàn vũ và với người kế vị Thánh Phêrô”. Lòng ao ước đó cũng được thể hiện rõ ràng trong sự hối cải của các giám mục “làm phương hại sự hiệp thông trong Giáo hội do yếu đuối và thiếu sót, nhưng còn do, không phải hiếm, áp lực quá lớn từ bên ngoài”, ngài nói thêm.
 
Sau khi xem xét từng tình huống, dành nhiều thời gian suy niệm và cầu nguyện, và “mưu cầu lợi ích đích thực cho Giáo hội tại Trung Quốc”, Đức Thánh cha nói: “tiếp nối sự chỉ đạo của các vị tiền nhiệm, tôi quyết định ban bí tích hòa giải cho bẩy giám mục ‘chính thức’ được tấn phong mà không có sự ủy quyền của Tòa Thánh còn lại, và xóa bỏ mọi hình phạt theo giáo luật, cho họ hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội trở lại”.
 
Tuy nhiên, ngài kêu gọi bẩy giám mục này “thể hiện tình hiệp nhất bằng hành động cụ thể rõ ràng với Tòa Thánh và với các Giáo hội trên toàn thế giới, và trung thành trong mọi hoàn cảnh khó khăn”.
 
Đức Thánh cha nhấn mạnh thỏa thuận tạm thời này chỉ đề cập đến một số khía cạnh trong đời sống của Giáo hội và “có khả năng cải thiện”, nhưng chung quy lại thỏa thuận này nhằm bắt đầu một “chương mới trong Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc”.
 
Lần đầu tiên “thỏa thuận này trình bày các cơ sở hợp tác bền vững giữa chính quyền Trung Quốc và Tòa Thánh, với hy vọng cung cấp cho cộng đồng Công giáo những mục tử nhân lành”.
 
Trong khi Tòa Thánh sẽ đóng vai trò trong đó, quan trọng là các giám mục, linh mục, những người nam nữ sống đời thánh hiến, và giáo dân tại Trung Quốc “tham gia chọn các ứng viên tốt lành có khả năng đảm nhận sứ vụ giám mục quan trọng nhưng khó khăn”.
 
“Đây không phải là vấn đề bổ nhiệm viên chức để giải quyết các vấn đề tôn giáo, nhưng là tìm kiếm các mục tử đích thực theo Chúa Giêsu, những người dấn thân làm việc sẵn sàng phục vụ dân Chúa, đặc biệt là người nghèo và người dễ bị tổn thương nhất”.
 
Tất cả các Kitô hữu không có ngoại lệ “giờ đây cần phải thể hiện nghĩa cử hòa giải và hiệp thông” vì tín hữu sẽ được Chúa phán xét dựa trên lòng bác ái của họ.
 
Trong khi người Công giáo Trung Quốc “cần phải là những công dân tốt, yêu quê hương và phục vụ đất nước cách trung thực và siêng năng, với hết khả năng của mình”, phục vụ lợi ích chung “cũng có thể đòi hỏi họ nỗ lực phê phán, không phải bằng những lời phản đối vô ích, nhưng là để xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn và tôn trọng phẩm giá của mỗi người hơn”.
 
Ngài kêu gọi các giám mục, linh mục và tôn giáo “công nhận nhau là những người đi theo Chúa Kitô sẵn sàng phục vụ dân Chúa”, bỏ lại sau lưng những xung đột trong quá khứ và khiêm tốn làm việc cho sự hòa giải và hiệp nhất.
 
Đức Thánh cha kêu gọi người Công giáo trên toàn thế giới “sốt sắng cầu nguyện cho và thể hiện tình bằng hữu huynh đệ” với người Công giáo tại Trung Quốc.
 
Với các lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đức Thánh cha Phanxicô lặp lại lời mời “tiếp tục cuộc đối thoại được khởi xướng trước đây bằng sự tin cậy, can đảm và tầm nhìn xa trông rộng. Tôi xin cam đoan với họ rằng Tòa Thánh sẽ tiếp tục làm việc chân thành thúc đẩy sự phát triển tình bằng hữu đích thực với người dân Trung Quốc”.
 
(UCAN 28.09.2018)
 

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:44

Phút suy niệm ngày 30/9/2018

Filled under:

Phút suy niệm ngày 30/9/2018
" Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi". (Mc 9, 37-42).
Bài Tin mừng hôm nay, thánh Marcô tường thuật lại lời Đức Giêsu đã nói rất rõ đường vào Nước Thiên Chúa.
Theo đó, Nước Thiên Chúa không như trần gian, không bị giới hạn bởi địa lý, con người, hay tiếng nói, nhưng được loan báo cho mọi dân tộc, những người sống cho sự thật (Ga 19,37). Sự dữ là gian dối không được đến gần, còn mọi người đều được đón nhận vào Nước Thiên Chúa với tấm lòng "Thành tâm thiện chí.
Từ bỏ là bỏ đi, chặt đi, quăng đi những gì làm mất hạnh phúc vĩnh cửu, dẫu rằng việc từ bỏ đó có làm cho thân xác ra đau đớn hay nhục nhã. Đừng làm cớ cho một ai vấp phạm dù là nhỏ nhất.
Lạy Chúa, chúng con được làm môn đệ Chúa thật là hạnh phúc. Để được như thế, chúng con phải sống theo tinh thần của Chúa: không ghen tương, ích kỷ, mà trái lại luôn yêu thương nâng đỡ anh em mình. Lạy Chúa, chúng con muốn được làm môn đệ của Chúa, xin Chúa biến đổi chúng con thành con người Chúa mong muốn. Amen.

THÁNH GIÊRÔNIMÔ, TIẾN SĨ HỘI THÁNH
(+ 420)
Thánh Giêrônimô là người có công rất nhiều đối với Giáo hội trong việc sưu tầm, khảo cứu và phiên dịch Kinh thánh. Bản dịch Kinh thánh của ngài quen gọi là bản Phổ thông (Vulgata) cho đến nay vẫn được Giáo hội coi như bản dịch duy nhất và truyền dùng trong khắp cả Giáo hội. Thánh nhân sinh tại Stridon, thuộc xứ Dalmatia trong liên bang Nam tư; tỉnh này bị xoá tên trên bản đồ ngay từ năm 390. Còn về năm sinh của thánh nhân người ta phỏng đoán quãng năm 347, vì khi Hoàng đế Julianô băng hà tháng 6 năm 363 thì Giêrônimô bấy giờ đang theo học lớp văn phạm, nghĩa là lúc đó ngài chưa đầy 16 tuổi.
Cha mẹ thánh nhân là những người đạo gốc, nhưng lại không muốn cho con chịu phép rửa tội sớm. Lớn lên,  Giêrônimô được cha mẹ gửi cho theo học ban văn khoa tại Rôma.
Sẵn khiếu thông minh, lại được học với những giáo sư danh tiếng, Giêrônimô mau trổi vượt chúng bạn và thu lượm được nhiều kết quả! Nhưng chính những kết quả về học vấn, nhất là địa vị khoa tu từ bấy giờ đã làm đà cho người sinh viên tuấn tú xa dần lý tưởng để chạy theo "những sa đoạ" của trần tục! Sau này, thánh nhân đã hối hận rất nhiều vì những tội lỗi ấy! Lý do nào đã giúp người sinh viên kia quay trở về với Chúa. Phải chăng là do sự cảm kích bởi những nghi lễ phụng vụ và những cuộc thăm viếng các nơi thánh như lời ngài đã kể lại sau đây: "Bấy giờ tôi là một sinh viên văn khoa du học tại Rôma; cùng với mấy người bạn, chúng tôi thường viếng mồ các thánh tông đồ và các thánh tử đạo mỗi ngày Chúa nhật.  Chúng tôi thường đi sâu vào tận các hang đào sâu trong lòng đất, nơi đây người ta đặt la liệt những hòm hoặc bình, vại chứa đựng hài cốt. Trong bóng tối âm u và yên lặng của hang, nhiều lần tôi rùng mình kinh sợ nghĩ tới số phận đời đời của tôi …"
Học xong ở Rôma, song thân Giêrônimô bắt ngài đi Trêves làm việc trong triều vua hy vọng sẽ giữ vững những chức cao trọng sau này. Nhưng con người Giêrônimô đã đổi mới! Sau lần đi Pháp về, ngài đến sống ẩn dật tại Aquillê, một miền hẻo lánh không xa tổ quán là mấy. Tại đây ngài sống với cộng đồng linh mục do cha Chromac sáng lập như ngài đã viết: "Các linh mục miền Aquillê hợp thành cơ đoàn chân phúc". Ước vọng sống đời tu hành mỗi lúc một dâng lên mãnh liệt trong lòng Giêrônimô. Vì thế năm 376, ngài bỏ Aquillê lên đường sang Đông phương.
Đến Antiôkia vừa đúng mùa chay, nhưng Giêrônimô lại ngã bệnh. Lần này ngài được hưởng một thị kiến như chính ngài đã kể cho người dẫn đường tên là Êustochium: "Khốn thân tôi, tôi ăn chay thống hối đời tội lỗi quá khứ… Nhưng lại để nhiều giờ đọc các tác phẩm của Cicêrô… Vì thế một hôm, tôi bỗng nhiên ngất đi, rồi thấy mình bị điệu vào toà án… Quan toà hỏi tôi là ai, tôi trả lời: "Tôi là người công giáo". Quan toà không chịu, bảo rằng "Anh nói dối, anh là kẻ "ngốn" sách ông Cicêrô chứ không phải là người công giáo, kho tàng anh ở đâu thì lòng anh ở đấy". Thế rồi truyền đánh đòn tôi. Tôi lịm đi dưới roi đòn, và còn bị lương tâm cắn rứt. Không chịu nổi, tôi bắt đầu rên rỉ: "Lạy Ngài xin thương xót tôi". Sau cùng tôi lấy danh dự hứa với quan toà: "Thưa Ngài, tôi sẽ không bao giờ dám đọc những sách trần tục lố lăng nữa…" Nhận lời hứa, quan toà cho tôi về, và từ đó tôi chỉ trung thành đọc các sách đạo đức".
Khỏi bệnh, Giêrônimô trẩy đi sa mạc Chalcis miền nam Antiôkia tập sống đời tu hành nhiệm nhặt. Trong một bản văn còn để lại, thánh nhân kể lại cho chúng ta tất cả những đau khổ cực nhọc, và chán nản mà ngài đã phải chịu!
Sau một thời gian, Giêrônimô cảm thấy nhàm chán đời sống náu ẩn. Dầu vậy trong thư gửi cho ông Hêliôđôrê, ngài đã dùng ngòi bút ca ngợi những diễm phúc của cuộc sống nơi sa mạc: "Ôi sa mạc, nơi đua nở nhiều cành hoa toả hương thơm Chúa Kitộ Ôi! chốn tịch liêu, nơi phát minh những hòn đá xây cất lâu đài Vua Cả! Ôi đất các vị tu hành, nơi tràn đầy sự hiện diện thân mật của Thiên Chúa… Này bạn, bạn đang làm gì? … Bạn hãy tin tôi, tôi chưa từng hưởng một ánh quang nào huy hoàng và dịu hiền hơn ở đây! Hạnh phúc biết bao đời sống kìm hạ xác thịt và nâng lòng lâng lâng lên Chúa". Nhưng rủi bài ca ngợi đời sống "tịch liêu" này vô tình gây nên nhiều lời tranh luận giữa các tu sĩ, thậm chí có người vịn vào đó để hiểu sai về tín lý Chúa Ba Ngôi. Vì thế thánh Giêrônimô phải làm một bản tuyên xưng đức tin gửi cho Đức Giáo Hoàng Đamasô. Kỳ này, thánh nhân bỏ sa mạc, trở về Antiôkia, rồi đến Constantinôpôli. Tại đây ngài được tiếp kiến Đức giám mục Grêgôriô thành Nazian và bắt đầu phiên dịch những bài giảng của ngài về tiên tri Jêrêmia và Ezêchiel. Ngài lại được Đức giám mục gọi chịu chức linh mục. Khi dịch cuốn niên sử (Chronique) của Eusêbiô thành Cêsarê ra La văn, ngài cùng với Đức Paulinô thành Antiôkia và Đức Êpiphan thành Salamin sang Rôma dự công đồng năm 382.
Tại Rôma, thánh Giêrônimô được nhiều người ái mộ! Cảm phục mến tài đức của thánh nhân. Đức Giáo Hoàng Đamasô đã chọn ngài làm bí thư. Huân công đáng kể nhất của thánh nhân, cũng là công việc nặng nề nhất mà Đức Giáo Hoàng muốn trao cho ngài, là nghiên cứu và phiên dịch Thánh kinh. Chính ngài đã nhuận sắc lại bản dịch Tân ước và Ca vịnh. Hơn thế, ngài còn mạnh bạo đả phá những thái độ quá khích, những quan niệm sai lầm của một số các tu sĩ và linh mục bấy giờ về đời sống đạo đức và trọn lành. Ngài chủ trương đề cao đức trinh khiết và phải lấy Kinh thánh làm căn bản cho đời sống tu đức. Công việc làm của ngài đã gây được nhiều kết quả; nhất là Đức Giáo Hoàng nhiệt liệt tín nhiệm ngài. Tuy nhiên cũng có nhiều người thù ghét ngài! Và đó là lý do cốt yếu, khiến ngài bỏ Rôma trở lại Đông phương sau khi Đức Giáo Hoàng Đamasô qua đời năm 385.
Cùng đi với thánh nhân có nhiều đệ tử nam nữ. Trong số những người có thiện chí sống đời tận hiến này, đáng kể hơn cả là chị Paula, thầy Eustochium. Sau khi ghé đảo Chyprô thăm quê thánh Êpiphan, thánh nhân dẫn đoàn con đến Antiôkia rồi tiếp tục đi viếng đất thánh và Ai cập, hai nơi thịnh đạt nhất về các dòng tu. Mùa hè năm 386 thánh nhân tới Palestina, và đây là giai đoạn cuối cùng đời sống thánh Giêrônimô dài chừng 36 năm.
Với vốn kinh nghiệm thu được trong cuộc hành trình, nhất là dưới sự hướng dẫn của thánh Giêrônimô, bà Paula khởi công xây cất hai tu viện tại Bêlem. Một tu viện nam và một tu viện nữ. Cả hai đều đặt dưới quyền coi sóc của thánh Giêrônimô về phương diện tu đức. Và đó là hoạt động nòng cốt của thánh nhân trong những năm cuối đời. Nhờ ơn Chúa, hai dòng phát triển mau lẹ, năm 416, người ta còn xây thêm một lữ quán nhằm mục đích tiếp đón những khách hành hương. Nhưng công việc tốt đẹp này không khỏi vấp phải trở lực. Ngoài sự không am hợp khí hậu, chật vật về kinh tế, còn có sự cạnh tranh đáng tiếc với các tu viện khác!
Kỳ này, ngoài công việc hướng dẫn tu đức cho hai tu viện, thánh Giêrônimô còn cố gắng dịch nhiều quyển trong bộ Thánh kinh. Ngài dịch theo bản Hy lạp hay Do thái. Ngoài ra ngài còn cho xuất bản cuốn "Những thắc mắc của người Do thái về cuốn Sáng thế ký". Cuốn từ điển các danh từ riêng Êusêbiô thành Cêsarê và bản kê các nhà văn công giáo từ Simon Phêrô cho đến ngài, sự nghiệp văn chương của thánh nhân rất đáng kể! Sau cùng, năm 393, ngài lại phải đương đầu với một tu sĩ phái Jôvênianô về vấn đề đức trinh khiết và với ông Ôrigênê về những luận án sai lầm tín lý và tinh thần Phúc âm! Và đó là lý do khiến dòng tu thánh nhân phải chịu nhiều thảm cảnh. Tuy nhiên thánh nhân vẫn hãnh diện khi viết: "Về phương diện vật chất, gia đình chúng tôi đã bị quân lạc giáo phá huỷ hoàn toàn. Nhưng Chúa Kitô vẫn ở với chúng tôi, và như thế, gia đình chúng tôi tràn đầy của thiêng liêng. Đối với chúng tôi, thà ăn bánh khô còn hơn mất đức tin".
Thêm vào công việc nặng nề và những nỗi phiền muộn trên, thánh Giêrônimô còn chịu hai lần tang; bà Paula chết năm 404 và Eustochium qua đời năm 418. Vì thế ngài lâm bệnh, đau đớn nhìn sự sụp đổ của tu viện trước sự tranh chấp và ganh tị của các tu viện khác! Hơn thế, hoàn cảnh suy đồi của đế quốc Rôma mỗi ngày một nặng nề càng làm cho thánh nhân phải lo nghĩ hơn! Và phải chăng, cảnh hỗn loạn khi quân Hung nô ồ ạt kéo vào xâm chiếm Palestina và phá hủy nhà dòng Bêlem đã khiến chúng ta không biết gì về ngày sau hết của thánh nhân! Theo cuốn niên sử ông Prosper thì thánh Giêrônimô qua đời quãng năm 420; ngài hưởng thọ 92 tuổi.
Mặc dầu qua đời ở Palestina vào thời hỗn chiến, thánh Giêrônimô đã được toàn thể thế giới công giáo tôn sùng ngay từ mấy năm sau khi ngài tạ thế. Ở Rôma, người ta kính thánh nhân đặc biệt tại Đại Giáo Đường Đức Bà Cả. Dưới đời Đức Giáo Hoàng Bônifaciô VIII (1294-1303), thánh nhân được suy tôn bậc tiến sĩ ngang hàng với thánh Grêgôriô cả, thánh Âutinh và thánh Ambrôsiô, tức bốn vị giáo phụ ở Tây phương.
Lòng sùng kính thánh Giêrônimô lại dâng lên rất mạnh từ khi phong trào nghiên cứu và tìm hiểu Kinh thánh được phát động năm 1933, dưới triều Đức Giáo Hoàng Piô XI. Nhắc đến huân công và thiên tài dịch bộ Kinh thánh của ngài, người ta đã viết rằng: "Đó là một trong những sự nghiệp đáng thán phục nhất của trí óc nhân loại" (M.J. Lagrange).

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:41

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Bài nói chuyện của Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski

Filled under:



17g00 ngày 28-09-2018 Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski đã có bài nói chuyện với các Linh mục , Tu sĩ và đại diện Giáo dân tại hội trường tòa Tổng GIám mục TGP Sài Gòn.

Posted By Đỗ Lộc Sơn15:13

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - LỄ KÍNH CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICAE, GAPRIEL, RAPHAEL

Filled under:

“Các thiên thần của Thiên Chúa
lên lên xuống xuống trên Con Người”
(Ga 1, 47-51)

47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.”48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi? ” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.”
49 Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! ” 50 Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.”
51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
Cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta cử hành Lễ Kính các Tổng Lãnh Thiên Thần: Micaen, Gabrien và Raphaen. Như Lời Chúa trong bài Tin Mừng của ngày lễ hôm nay mặc khải, xin cho chúng ta nhận ra cách sâu xa sự hiện diện và hoạt động mạnh mẽ của các ngài trong thế giới, trong Giáo Hội và trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, nhờ Đức Ki-tô, với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô. Chúng ta cũng cùng cầu nguyện cho tất cả những anh chị em mang Thánh Hiệu là các Tổng Lãnh Thiên Thần.
Trong tên của ba vị Tổng Lãnh Thiên Thần Micaen, Gabrien, Raphaen, mà chúng ta mừng kính hôm nay, đều có âm cuối là “en”; trong tiếng Do Thái, là El và có nghĩa là Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta còn gọi tên của vị thứ nhất là Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, nhưng nên sửa lại là “Micaen”, theo cách gọi của sách Lễ Roma. Lý do, đơn giản là vì vần “en”, trong tên gọi Micaen có nghĩa là Thiên Chúa.
* * *
Tổng lãnh thiên thần Micaen. Tên gọi “Micaen”, trong tiếng Do Thái có nghĩa “Ai giống như Thiên Chúa”. Vì thế, sứ mạng của ngài là chiến đấu chống lại Satan, kẻ có tham vọng muốn trở nên như Thiên Chúa, và xúi dục con người chúng ta cũng ham muốn thiên tính như nó (x. St 3); và vì thế Satan tranh dành quyền ảnh hưởng của Thiên Chúa trên loài người chúng ta.
Sách Khải Huyền tường thuật cuộc chiến thắng khải hoàn của ngài và của các thiên thần trong cuộc chiến đấu chống lại Satan (x. Kh 12, 7-12a). Chính vì thế, ảnh tượng của ngài luôn là vị tổng lãnh Thiên Thần uy dũng, tay cầm gươm, chân đạp đầu Satan, hay con rắn, vốn là hình ảnh của Satan.
Tổng lãnh thiên thần Gabrien. Tên gọi “Gabrien” trong tiếng Do Thái, có nghĩa là “sức mạnh của Thiên Chúa”. Ngài được chúng ta biết đến nhiều nhất, vì chính ngài, với tư cách là sứ giả của Thiên Chúa, truyền đạt sứ điệp trọng đại của Thiên Chúa dành cho Đức Mẹ.
Giống như vị đại sứ thay mặt cho vị Quốc Trường, Tổng Lãnh Thiên Thần Gabrien thay mặt Thiên Chúa để truyền đạt sứ điệp thần linh cho loài người và cho mỗi người chúng ta với tất cả uy quyền của Thiên Chúa.
Tổng lãnh Thiên Thần Raphaen. tên gọi “Raphaen”, trong tiếng Do Thái, có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành”. Ngài được biết đến ít nhất, vì chỉ được nêu đích danh trong sách Tobia 12, 15, bản dịch Hi-lạp. Và bởi vì, ngài có sứ vụ, thay mặt Thiên Chúa, chữa lành tất các bệnh hoạn tật nguyền của loài người chúng ta, nên truyền thống của Giáo Hội, khi đọc đoạn Tin Mừng sau đây: “Thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống khuấy nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi” (Ga 5, 1-4), thì nhận biết, đó là Tổng Lãnh Thiên Thần Raphaen.
* * *
Tìm hiều một chút ý nghĩa của tên gọi, và nhất là sứ vụ của các vị Tổng Lãnh Thiên Thần, sẽ giúp chúng ta hiểu ra được và hiều sâu xa hình ảnh bí ẩn mà Đức Giê-su nói với tông đồ Nathanaen (có nghĩa Lộc ThiênÂn Huệ của Thiên Chúa), trong bài Tin Mừng của ngày lễ hôm nay:
Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.
Các Tin Mừng đã không thuật lại biến cố này, bởi vì rốt cuộc chẳng ai nhìn thấy được, nhưng tất cả các Tin Mừng đều kể về hoa trái của biến cố kì lạ: “trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Ngưzời”. Đó là tất cả những gì các Tông lãnh Thiên Thần làm, giờ đây được chuyển giao cho Đức Giê-su:
  • Như Tổng lãnh Thiên Thần Micaen, Đức Giê-su là sức mạnh của Thiên Chúa, nhưng Ngài là Sức Mạnh tuyệt đối, vì ngài chiến thắng cách tuyệt đối Satan và mọi thứ ma quỉ và thần ô uế. Chẳng hạn, Đức Giê-su đã chữa bà Maria Magdala khỏi bảy quỉ; bảy quỉ, nghĩa là hết mọi thứ quỉ!
  • Như Tổng Lãnh Thiên Thần Gabrien, Đức Giê-su là vị Sứ Giả của Thiên Chúa, nhưng Ngài là vị Sứ Giả tuyệt vời, đến để nói Lời Thiên Chúa cho loài người chúng ta và cho từng người chúng ta. Bởi vì, ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa, nghĩa là Ngài và Lời Thiên Chúa là một.
  • Như Tổng Lãnh Thiên Thần Raphaen, Đức Giê-su là Đấng chữa lành, nhưng Ngài là Đấng Chữa Lành tuyệt hảo nhất. Bởi vì ngài không chỉ chữa lành thân xác, nhưng còn chữa lành tâm hồn, bằng cách tha tội và giải thoát chúng ta khỏi mọi dấu vết của tội. Và cách chữa lành của Ngài thật lạ lùng và đánh động chúng ta: Ngài mang vào thân mình, mọi bệnh hoạn tật nguyền của loài người chúng ta.
Trong suốt thời gian thi hành sứ vụ, Đức Giê-su trừ quỉ, nói lời Thiên Chúa và chữa lành. Nhưng Ngài trừ quỉ, nói Lời Thiên Chúa và chữa lành một cách trọn vẹn và một cách tuyệt đối, khi Ngài để cho mình bị đóng đinh trên Thập Giá. Bởi vì với Thập Giá, Đức Ki-tô chiến thắng hoàn toàn Ma Quỉ và nọc độc của nó, là Sự Chết; bởi vì Thánh Giá Đức Ki-tô nói với chúng ta cách rõ ràng nhất Lời Thiên Chúa, đó là Lời yêu thương và tha thứ; và Thánh Giá Đức Ki-tô chữa lành hoàn toàn mọi bệnh hoạn tật nguyền liên quan đến tội và sự dữ trong tâm hồn chúng ta.
Giống như khi Ngài chiến thắng Satan trong sa mạc, các thiên thần đến hầu hạ ngài (x. Mt 4, 11), khi mọi sự được hoàn tất trên Thập Giá, các tổng lãnh Thiên Thần và toàn thể các Thiên Thần “lên lên xuống xuống” trên Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Xin Chúa cho chúng ta nhận ra và cảm nếm điều kì diệu này, khi nhìn lên “Đấng họ đâm thâu”.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Suy niệm 2

Thiên thần là những sứ giả của Thiên Chúa gửi đến để thực thi một tác vụ hay để thông truyền một sứ điệp nào đó cho con người. Kinh Thánh rất nhiều lần đề cập đến vai trò của các vị thiên thần trong chương trình của Thiên Chúa: Thiên thần truyền đạt cho chúng ta được biết kế hoạch của Chúa (x. St. 21,15-19), thiên thần hướng dẫn chúng ta vượt qua những khó khăn (x. Xh. 14,19-20), thiên thần bảo vệ chúng ta khỏi những hiểm nguy (x. Tv. 91,11-12). Ngoài ra, chúng ta cũng biết đến một số vị thiên thần nhờ các tên riêng, để thấy được công việc của các ngài qua những danh xưng đó. Ví dụ, Micae có nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa”, Gápriel có nghĩa là “Sức mạnh của Thiên Chúa” và Raphael có nghĩa là “Linh dược của Thiên Chúa”.

Như vậy, sự hiện hữu của các thiên thần trước hết giúp chúng ta cảm nhận được sâu xa hơn tình yêu quan phòng của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chính trong sự toàn hảo tốt lành của mình, Ngài đã tạo dựng nên các thiên thần để bảo vệ và nâng đỡ loài người chúng ta. Đồng thời, Thiên Chúa cũng muốn chúng ta yêu mến và lắng nghe các thiên thần: “Nếu thật sự ngươi nghe lời người, nếu ngươi làm mọi điều Ta nói, Ta sẽ trở thành kẻ thù của kẻ thù ngươi, đối phương của đối phương ngươi”.

Hôm nay, Hội Thánh mừng lễ kính ba thánh Tổng lãnh thiên thần Micael, Gápriel và Raphael, chúng ta cùng nhắc nhớ nhau vai trò của các ngài trong chương trình của Thiên Chúa, cũng như trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Nhờ đó, mỗi ngày chúng ta biết ý thức hơn sự hiện diện của các thiên thần và yêu mến các ngài hơn.

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương chăm sóc và gìn giữ chúng con qua sự bảo vệ của các thiên thần. Xin cho chúng con luôn biết mến yêu và cộng tác với các ngài để có thể nhận ra và thực thi chương trình cứu độ Chúa dành cho mỗi người chúng con. Amen.



GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:26

Sứ điệp ĐTC gửi Công Giáo Trung Hoa và Giáo Hội hoàn vũ

Filled under:

Sứ điệp ĐTC gửi Công Giáo Trung Hoa và Giáo Hội hoàn vũ

ĐTC giải thích tại sao ngài giải vạ cho 8 GM bất hợp pháp tại Trung Quốc và kêu gọi các tín hữu tín thác nơi sự Quan Phòng của Chúa, đồng thời hy vọng hiệp định mới với Trung Quốc mở ra một trang sử mới.
Sứ điệp ĐTC gửi Công Giáo Trung Hoa và Giáo Hội hoàn vũ

 ĐTC bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gồm 10 điểm công bố sáng ngày 26-9-2018 tín hữu Công Giáo Trung Hoa và các tín hữu Công Giáo hoàn vũ, sau cuộc ký kết hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc ngày 22-9 trước đó về việc bổ nhiệm GM.
 Nhiều tin gây hoang mang
 ĐTC nhận xét rằng nhiều tin tức và bình luận trước và sau hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc gây hoang mang không ít và tạo nên nơi nhiều tâm hồn những tâm tình đối nghịch. Vì thế, ngài viết: ”Trong thời điểm rất ý nghĩa đối với đời sống Giáo Hội, qua việc ký hiệp định vừa nói,.. tôi muốn gửi sứ điệp ngắn này, để trấn an các tín hữu rằng hằng ngày tôi cầu nguyện cho họ và trong sứ điệp tôi muốn chia sẻ với họ những tâm tình của tôi”.
 ĐTC bày tỏ tâm tình cảm tạ Chúa và ngưỡng mộ chân thành của toàn thể Giáo Hội Công Giáo đối với hồng ân trung thành của các tín hữu Công Giáo Trung Hoa, lòng kiên trì trong thử thách, được ăn rễ sâu nơi sự Quan phòng của Chúa, cả khi có những biến cố đặc biệt khó khăn cản trở.
 Những kinh nghiệm đau thương ấy thuộc về kho tàng tinh thần của Giáo Hội tại Trung Quốc và của toàn thể dân Thiên Chúa đang lữ hành trên mặt đất này” (n.1).
 Mục đích hiệp định ký với Trung Quốc
 ĐTC cho biết ”Với mục đích hỗ trợ và thăng tiến việc loan báo Tin Mừng tại Trung Quốc và tái lập sự hiệp thông hữu hình trong Giáo Hội, trước tiên phải giải quyết vấn đề bổ nhiệm các GM .... Trong quá khứ, người ta đã chủ trương ấn định cả đời sống nội bộ của các cộng đoàn Công Giáo, bằng cách áp đặt sự kiểm soát trực tiếp vượt quá thẩm quyền hợp pháp của Nhà Nước, vì thế trong Giáo Hội tại Trung Quốc đã xuất hiện hiện tượng hầm trú, bí mật. Cần phải nhấn mạnh rằng kinh nghiệm ấy không thuộc đời sống bình thường của Giáo Hội, và ”lịch sử chứng tỏ rằng sở dĩ các vị mục tử và các tín hữu sống tình trạng hầm trú, lén lút như thế, chỉ vì họ muốn bảo tồn trọn vẹn đức tin của mình”.
 ”Tôi muốn tỏ cho anh chị em biết, từ khi tôi được ủy thác sứ vụ của Thánh Phêrô, tôi đã cảm thấy rất được an ủi khi nhận thấy ước muốn chân thành của các tín hữu Công Giáo Trung Quốc được sống đức tin trong sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội hoàn vũ và với Người Kế Vị Thánh Phêrô, vốn là nguyên lý trường tồn và hữu hình và là nền tảng sự hiệp nhất của các GM cũng như của đông đảo các tín hữu (LG 23).
 Giải vạ và nhận cho các GM bất hợp pháp được hiệp thông
 ĐTC cho biết: ”Sau khi cứu xét kỹ lưỡng tình trạng riêng và lắng nghe các ý kiến khác nhau, tôi đã suy nghĩ và cầu nguyện nhiều, tìm kiếm thiện ích đích thực của Giáo Hội tại Trung Quốc, trước mặt Chúa và với phán đoán thanh thản, tiếp tục hướng đi của các vị tiền nhiệm của tôi, tôi đã quyết định ban sự hòa giải cho 7 GM bất hợp pháp còn lại, thụ phong mà không có sự ủy nhiệm của Tòa Thánh, và sau khi loại bỏ mọi hình phạt liên hệ theo giáo luật, tôi đã tái nhận các GM ấy trong niềm hiệp thông trọn vẹn của Giáo Hội. Đồng thời tôi cũng xin các GM ấy bày tỏ, qua những cử chỉ cụ thể và hữu hình, sự hiệp nhất được phục hồi với Tòa Thánh và với các Giáo Hội rải rác trên thế giới, duy trì sự hiệp nhất, mặc dù có những khó khăn”. (n.3)
 Nhắn nhủ các tín hữu Công Giáo Trung Quốc hòa giải
 Trong phần kế tiếp của sứ điệp, ĐTC mời gọi tất cả các tín hữu Công Giáo Trung Hoa hãy trở thành những người xây dựng hòa giải.
 Về mặt mục vụ, Cộng đoàn Công Giáo tại Trung Quốc được kêu gọi hiệp nhất, để vượt thắng những chia rẽ quá khứ đã và đang gây nên bao nhiêu đau khổ cho tâm hồn của nhiều mục tử và các tín hữu. Tất cả các tín hữu Kitô, không phân biệt ai, giờ đây hãy có những cử chỉ hòa giải và hiệp thông.
 Về phương diện dân sự và chính trị, các tín hữu Công Giáo Trung Quốc hãy trở thành những công dân tốt, hoàn toàn yêu mến tổ quốc và phục vụ ích lợi của đất nước mình với lòng quyết tâm và lương thiện, theo khả năng của mình. Về phương diện luân lý đạo đức, họ hãy ý thức rằng nhiều đồng bào của họ đang chờ đợi nơi họ một mức độ cao trong việc phục vụ công ích và phát triển hòa hợp trong toàn thể xã hội.
 Việc bổ nhiệm chung kết GM thuộc quyền Tòa Thánh
 Trong bối cảnh đó, Tòa Thánh muốn thi hành đến cùng phần thuộc quyền mình, và cả anh chị em, các GM, LM, những người thánh hiến và giáo dân, cũng có một vai trò quan trọng, đó là cũng nhau tìm kiếm các ứng viên tốt có khả năng đảm nhận trong Giáo Hội sứ vụ GM tế nhị và quan trọng. Thực vậy, đây không phải là bổ nhiệm các công chức để quản lý các vấn đề tôn giáo, nhưng là có được những mục tử chân chính, theo tâm hồn Chúa Giêsu, dấn thân hoạt động quảng đại phục vụ Dân Chúa, nhất là những người nghèo và người yếu thế nhất.
 Ngỏ lời với chính quyền Trung Quốc
 ”Với lòng trân trọng, tôi ngỏ lời với các vị đang hướng dẫn Cộng hòa nhân dân Trung Quốc và lập lại lời mời gọi: Hãy tiếp tục cuộc đối thoại đã khởi sự từ lâu, với lòng tín nhiệm, can đảm và sáng suốt. Đôi muốn cam đoàn rằng Tòa Thánh sẽ tiếp tục hoạt động chân thành để làm gia tăng tình bạn chân thực với Nhân Dân Trung Quốc.
 ”Những tiếp xúc hiện nay giữa Tòa Thánh và Chính phủ Trung Quốc đang chứng tỏ là hữu ích để vượt thắng những đối nghịch quá khứ, và cả gần đây, và để viết lên một trang thanh quang hơn, và cộng tác cụ thể trong xác tín chung, theo đó ”sự hiểu lầm không có lợi cho chính quyền Trung Quốc cũng như cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc”.

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:08

Phút suy niệm ngày 29/9/2018

Filled under:


Phút suy niệm ngày 29/9/2018
“Thật tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.” (Ga 1,51).
Các Tổng Lãnh Thiên Thần:
Mi-ca-en: “Ai bằng Thiên Chúa” (Đn 10,13-21), 
Gáp-ri-en: sức mạnh của Thiên Chúa (Đn 8,16), 
Ra-pha-en: Thiên Chúa chữa lành (Tb 3,17). Các ngài là những sứ giả của Thiên Chúa.
Khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, mỗi người được một thiên thần bảo hộ gọi là thiên thần bản mệnh. Giờ đây mỗi người cũng được Chúa sai đi làm sứ giả để nói cho những người chung quanh biết,cửa trời sẵn sàng đón nhận những ai “lên xuống qua Đức Ki-tô”.
Chúa Giêsu đã dùng bí tích Rửa Tội để mở cửa thiên đàng cho tất cả. Mời anh và tôi bước qua cánh cửa đó và trung thành với con đường của Đức Ki-tô để thẳng tiến về quê trời.
Lạy Chúa, chúng con là những bệnh nhân thân xác và linh hồn, xin Chúa chữa lành chúng con bằng sức mạnh của Chúa, để chúng con chiến thắng được thân xác, chiến thắng được tội lỗi, chiến thắng được mọi cơn cám dỗ. Amen.



Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Gabriel và Raphael
Các Thiên Thần là những thiên sứ của Chúa xuất hiện nhiều trong Thánh Kinh, nhưng chỉ có thiên thần Micae, Gabriel và Raphael được nhắc đến tên mà thôi.

Thiên thần Micae xuất hiện trong thị kiến của tiên tri Danien như là "đại hoàng tử" để bảo vệ dân Israel khỏi những kẻ thù tấn công. Trong sách Khải Huyền, Thiên thần Micae dẫn đoàn quân của Chúa đến chiến thắng sau cùng trên quyền lực của ma quỷ. Lòng sùng kính thiên thần Micae đã có từ cổ xưa nhất, thịnh hành ở phương Đông vào thế kỷ thứ 4. Giáo hội phương Tây bắt đầu lễ kính quan thầy thiên thần Micae và các thiên thần vào thế kỷ thứ 5.

Thiên thần Gabriel cũng xuất hiện trong thị kiến của tiên tri Danien, để công bố xứ mệnh của thiên thần Micae trong chương trình của Thiên Chúa. Sự xuất hiện nổi bật nhất của Thiên thần Gabriel là cuộc diện đàn với thiếu nữ Dothái tên là Maria (tức Đức Mẹ Maria), Người vâng phục cưu mang Chúa Cứu Thế.

Những hoạt động của Thiên thần Raphael được thu gọn trong Cựu Ước của sách Tôbít. Thiên thần Raphael hiện ra để hướng dẫn con trai của Tôbít là Tôbia qua những đoạn trường mạo hiểm ly kỳ đưa đến kết thúc ba niềm vui, đó là: Tobia thành hôn với Sara, Tobia được chữa khỏi bệnh mù, và phục hồi gia sản của gia đình.

Lễ kính nhớ thiên thần Gabriel là ngày 24 tháng 3, thiên thần Raphael ngày 24 tháng 10 đã được ghi vào lịch Rôma vào năm 1921. Năm 1970, lịch được sửa đổi nhập chung hai ngày lễ kính này với ngày lễ kính thiên thần Micae.

Lời Bàn
Mỗi tổng lãnh thiên thần có những sứ mệnh khác nhau trong Thánh Kinh: thiên thần Micae bảo vệ, thiên thần Gabriel loan báo, thiên thần Raphael hướng dẫn. Ngày xưa người ta tin rằng những biến cố không thể giải thích được là do các việc làm của thần linh để tỏ lối cho cái nhìn của thế giới khoa học về một cảm nhận của nguyên nhân và ảnh hưởng khác. Tuy thế, những người có niềm tin vẫn kinh nghiệm về sự bảo vệ, liên lạc và hướng dẫn của Thiên Chúa trong những cách không diễn tả được. Chúng ta không thể coi nhẹ các thiên thần.

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:02

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 28-09-2018

Filled under:

« Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? »(Lc 9, 18-22)

18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai? “19 Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.”
20 Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.”21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.
22 Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
 1. Đức Giê-su cầu nguyện
« Khi ấy Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người ». Như vậy, chính trong bầu khí cầu nguyện, mà Đức Giê-su hỏi các môn đệ về căn tính của mình : « Dân chúng nói Thầy là ai ? », « Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ? », và loan báo cuộc Thương Khó sẽ đến : « Con Người phải chịu đau khổ nhiều ». Tại sao vậy ? Có lẽ đó là vì, chỉ trong cầu nguyện Đức Giê-su mới từ từ khám phá ra mình là ai, trong tương quan với Thiên Chúa Cha, và trong tương quan với loài người chúng ta ; và cũng chính trong cầu nguyện, mà Ngài khám phá ra con đường Ngài phải đi để bày tỏ căn tính thần linh của mình, theo ý muốn của Chúa Cha. Đó là con đường được bày tỏ trong Kinh Thánh, nghĩa là trong lịch sử cứu độ đầy thử thách, thăng trầm và chi phối nặng nề bởi tội và sự dữ. Con đường Người phải đi là mang lấy mọi « mọi bệnh hoạn tật nguyền » của loài người chúng ta, là « con đường của hạt lúa mì ».
Chúng ta được mời gọi noi theo gương của Đức Giê-su : cầu nguyện thân mật với Chúa, để khám phá ra căn tính của mình, ơn gọi của mình, con đường mình phải đi cho suốt đời, và cho từng giai đoạn và cho từng ngày sống.
2. Đức Giê-su là ai ?
a. « Dân chúng nói Thầy là ai » ?
Với câu hỏi thứ nhất này của Đức Giê-su, các môn đệ đồng thanh trả lời : « Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại». Câu trả lời tuy chưa đúng với điều Người thực sự là trong tương quan với Thiên Chúa và với loài người, nhưng lại diễn tả một cách thật khách quan cách sống của Người, và nhất là phù hợp với con đường qua đó Người bày tỏ căn tính đích thật của mình.
Thật vậy, Đức Giêsu đã chọn lựa ứng xử giống như những người đi trước Ngài, mỗi người một chút : một chút của Gioan, một chút của ngôn sứ Elia hay của một ngôn sứ thời xưa ; Ngài hòa nhập vào một truyền thống, hay đúng hơn, Ngài xuất phát từ một truyền thống, từ lịch sử, văn hóa, tôn giáo của dân tộc Ngài. Ngài không từ trên trời nhảy xuống cách ngoạn mục, để mọi người thán phục, như ma quỉ gợi ý. Nếu làm thế Ngài, chắc hẳn Ngài cũng sẽ được nhìn nhận là Con Thiên Chúa, nhưng là Con Thiên Chúa theo kiểu của ma quỉ. Ngài đến để mang lấy và làm cho hoàn tất, chứ không phải hủy bỏ.
Ngài ứng xử giống với nhiều người đi trước Ngài, như Gioan, như Elia, như Giêrêmia… ; và tất cả đều là ngôn sứ. Như chính Ngài đã nói về mình : « Không một ngôn sứ nào được đón nhận nơi quê của mình ». Số phận của các ngôn sứ loan báo số phận của Đức Giêsu, mà gần Ngài nhất là số phận của Gioan. Và theo mặc khải Cựu Ước, Người Tôi Tớ đau khổ là hình ảnh thâu tóm thân phận của tất các các ngôn sứ thuộc mọi thời đại. Đức Giêsu đến để hoàn tất cách trọn vẹn và duy nhất thân phận của Người Tôi Tớ đau khổ và cả niềm hi vọng được Thiên Chúa tôn vinh nữa, nơi chính cuộc đời hướng tới mầu nhiệm Vượt Qua của mình. Và chỉ một mình Đức Giê-su mới có thể hoàn tất như thế. Chính vì thế, ngay khi ông Phê-rô trả lời đúng về căn tính của Người, Đức Giê-su nói về mầu nhiệm Vượt Qua và mời gọi Phê-rô và tất cả mọi người đi con đường của mầu nhiệm Vượt Qua.
b. « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? »
Tuy nhiên, trong tương quan thiết thân với Người, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ, và đến lượt chúng ta hôm nay, vượt qua điều « người ta » nói về Ngài đến đi đến điều chính « tôi » nói về Ngài. « Người ta » có thể hiểu là những người nói không đúng hay không đủ về Chúa, nhưng cả những người nói đúng nữa. Nghĩa là chúng ta được mời gọi vượt những công thức có sẵn, hay đúng hơn, đi vào kinh nghiệm thiêng liêng và đích thân, từ đó các công thức được phát biểu. Tương tự như khi chúng ta hát bài tán tụng Magnificat, chúng ta được mời gọi có cùng một kinh nghiệm của Đức Maria, người “Nữ Tì hèn mọn”, về Thiên Chúa và về ân huệ lớn lao và nhưng không của Người.
Vì thế, khi Đức Giê-su đặt câu hỏi thứ hai, cũng cho tất cả các môn đệ, nhưng chỉ có một mình Phêrô trả lời : “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Trong khi, với câu hỏi thứ nhất, các môn đệ đã đồng thanh trả lời. Như thế, với câu hỏi này, ai cũng cảm thấy mình phải trả lời một cách đích thân ; mỗi người được mời gọi đến một lúc nào đó, không nói theo người khác (cho dù là rất đúng, rất hay), không nói theo công thức có sẵn (cho dù đó là giáo lý, tín lý, là truyền thống), nhưng đích thân công bố Đức Giê-su là ai đối với mình; và khi công bố bằng lời Đức Giêsu là ai đối với mình, mỗi người được mời gọi cư ngụ trong câu trả lời của mình, dấn thân trong điều mình nói, đến độ mình và điều mình nói là một ; bởi vì câu hỏi của Đức Giê-su không liên quan đến kiến thức chúng ta có về Ngài, nhưng liên quan đến tương quan thuộc về : « Thầy là ai đối với con, đối với con tim con, đối với cuộc đời, đối với ơn gọi của con ? », « Khi trả lời Thầy là ai, con có đi theo Thầy không, có sẵn sàng thuộc về Thầy suốt đời không ? »
Sau bằng đó năm đi theo Chúa, trong ơn gọi Ki-tô hữu hay trong ơn gọi dâng hiến, chúng ta đã nghe Chúa đặt ra câu hỏi này cho mình chưa ? Và tôi đã trả lời thực sự và dứt khoát cho Chúa chưa? Hay tôi mới chỉ nghe và trả lời giống như mọi người mà thôi, chứ chưa đích thân nghe được tiếng Chúa và đích thân trả lời cho Chúa như một người lớn. Và nếu như tôi nghe được tiếng Chúa hỏi hôm nay, ở đây và lúc này, tôi, tôi trả lời làm sao cho Chúa. Hay tôi chưa sẵn sàng, và muốn khất lại sau này? Dĩ nhiên, mỗi người chúng ta có thể trả lời như Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”; nhưng những lời ngày có nghĩa gì đối với tôi? Đâu là cách thức hay con đường Ngài trở nên Đấng Kitô?
 3. « Con Người phải chịu đau khổ nhiều… »
Đấng Ki-tô là ai và đâu là cách thức ngài bày tỏ « căn tính Ki-tô » của Ngài ? Cách Đức Giê-su hiểu và muốn và cách các môn đệ hiểu và muốn, chắc chắn không giống nhau. Và cũng vậy đối với mỗi người chúng ta. Vì thế, ngay sau lời tuyên xưng của Phê-rô, Đức Giê-su nghiêm giọng truyền cho các môn đệ không được nói với ai, và Ngài nói cho các môn đệ biết con đường Ngài phải đi : « Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy ».
Theo Tin Mừng Mác-cô, thì Đức Giêsu dạy các môn đệ: “Con người phải chịu đau khổ…”. Chúng ta hãy dừng lại thật lâu ở động từ « dạy » : Ngài giảng dạy, chứ không chỉ loan báo, hay báo trước. Chúng ta có thể tự hỏi : tại sao Ngài còn giảng dạy, chứ không chỉ loan báo ? Đức Giêsu giảng dạy, điều này có nghĩa là những gì sẽ xẩy ra cho Ngài không chỉ thuộc bình diện số phận phải đón nhận, nhưng còn là một mặc khải tuyệt đỉnh của Thiên Chúa, hoàn tất mọi sự, sáng tạo và lịch sử:
  • Mặc khải sự dữ đang hoành hành nơi con người và cách Thiên Chúa chiến thắng sự dữ.
  • Mặc khải lòng thương cảm của Thiên Chúa đối với thân phận con người và nhất là lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi.
  • Mặc khải thân phận con người, từ thủa tạo thiên lập địa, không phải là hình phạt và cũng không phải là con đường dẫn đến sự chết, nhưng là đến sự sống, ngang qua sự chết.
  • Và mặc khải, vì tình yêu nhưng không, Thiên Chúa muốn thông truyền sự sống cho con người, sự sống giới hạn đời này và sự sống viên mãn đời sau ; và muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, cho dù, trong lịch sử, con người lại phải trải qua đầy thăng trầm, phải sống thân phận chóng qua của mình, số phận bi đát, đầy tai họa, đầy thử thách, tội lỗi, và nhất là một lịch sử bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ.
Xin cho chúng ta, như thánh Phao-lô, nhận ra và cảm nếm sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

SUY NIỆM 2

Sống trong môi trường nào, chúng ta dễ bị ảnh hưởng của môi trường đó. Chính vì thế, hôm nay Chúa Giêsu hỏi các môn đệ môi trường chung quanh cho Người là ai, còn “anh em bảo Thầy là ai?”.

Một người vừa rước lễ xong, ra khỏi nhà thờ, chỉ một trái ý, một va chạm với người để xe bên cạnh, đã nổi nóng cãi vả, xô xát. Chúng ta có thể tin rằng “Đấng Kitô của Thiên Chúa” đang ở trong chúng ta không? Nghĩa là trong môi trường nhà thờ, chúng ta tuyên xưng Chúa, ra ngoài đã từ bỏ Người để chạy theo “môi trường vô thần”. Chúng ta hãy để Chúa hỏi chúng ta mọi lúc, mọi nơi: “Lúc này, trong biến cố, trong câu chuyện này, Thầy là ai với con”.

Một bản báo cáo của một cơ quan tòa án cho biết, tỉ lệ phạm pháp, kiện tụng dân sự giữa những người có đạo và người lương ngang nhau. Xã hội loại trừ Chúa, họ ly thân, ly dị. Còn người Công giáo cũng kéo nhau ra tòa xin ly hôn! Người ngoại kiện tụng nhau vì tranh dành đất đai, của cải. Người Công giáo cũng thưa kiện nhau vì của cải, đất đai! Công an bắt một đám thanh niên nhiễm tệ nạn xã hội, gây rối an ninh trật tự, người Công giáo cũng hiện diện trong nhóm bị bắt!

Như vậy, chúng ta cần phải tự đáy lòng mình mà thưa với Chúa, "Ngài là ai trong con?". Trong từng chuyện buồn vui cuộc đời. Không thể có một câu trả lời êm ả trong nhà thờ, rồi ra ngoài cuộc sống cũng được như thế. “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”, nhưng “Đấng Kitô phải chịu đau khổ nhiều, bi loại bỏ, bị giết chết”. Tuyên xưng Chúa trong lời kinh, nhưng còn phải tuyên xưng Chúa trong đau khổ, trong nước mắt. Tuyên xưng bằng cuộc sống chịu đau khổ vì danh Ngài nữa.

Lạy Chúa, xin đừng để chúng con chỉ tuyên xưng Chúa bằng kiến thức giáo lý, nhưng biết tuyên xưng Chúa trong cả những tình huống bị xúc phạm thiệt thòi. Tuyên xưng Chúa bằng cuộc sống thực hành yêu thương và phục vụ anh chị em. Amen.
 

GKGĐ Giáo phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:38