Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Kinh Mai Côi cứu thoát thế giới

Filled under:

Khi lần Chuỗi Mai Côi, tôi bắt đầu hiểu rằng lòng sùng kính này rất mạnh mẽ. Tôi cũng hiểu rằng Kinh Mai Côi có thể chữa lành các bệnh tật và chữa lành cả thế giới.
Để hiểu chữa lành như thế nào, trước tiên chúng ta phải biết bệnh của mình như thế nào.
Tôi gọi bệnh tật là “vết thương lớn”. Mỗi chúng ta đến thế gian này đều được “lập trình” để cần có và mong đợi một tình yêu trọn vẹn vô điều kiện. Đó là cách chúng ta được dựng nên, được nối kết. Chúng ta khao khát tình yêu. Chúng ta cần được ấp ủ trong tình yêu trọn vẹn và hoàn hảo.
Ngay từ khi chúng ta còn trong lòng mẹ, đó là tình yêu chúng ta khao khát và là sự âu yếm chúng ta cần thiết. Về lý tưởng, đứa bé được thai nghén trong sự nồng ấm, tình yêu thương, sự an toàn và ân sủng của cuộc hôn nhân thuần túy và được thánh hóa bằng bí tích. Người chồng và người vợ gặp nhau trong hôn nhân và nhờ ơn Chúa mà nảy sinh sự sống của đứa bé.
Trong chín tháng, đứa bé được nuôi dưỡng trong bụng mẹ. Đây là thời gian trải nghiệm tình yêu thương của người mẹ mà không thể nói bằng ngôn từ. Người mẹ cảm thấy tự tin và hạnh phúc khi mang thai. Người mẹ nên tập trung vào sự chú ý và chăm sóc cho đứa bé phát triển trong bụng mình. Đây là chín tháng nghỉ ngơi, phát triển, nuôi dưỡng và chín muồi trong tình yêu thương.
Đứa bé sinh ra liền nối kết với nhũ hoa của người mẹ. Mẹ nhìn con và con nhìn mẹ khi con bú sữa mẹ, tiếp nhận dinh dưỡng từ mẹ, nối kết với tình yêu thương trọn vẹn và vô điều kiện của người mẹ.
Rất dễ thương. Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Đứa con có thể được thai nghén khi cha mẹ say rượu hoặc “phê” ma túy, qua tình trạng gian dâm hoặc thông dâm, thậm chí là tình trạng bị hãm hiếp. Khoảnh khắc đầu đời của đứa bé ở trong hoàn cảnh của bạo lực, hãm hiếp hoặc nghiện ngập. Chín tháng thai nghén có thể là thời gian người mẹ đầy nỗi lo sợ, ghét bào thai, muốn phá thai, và muốn chối bỏ đứa con. Điều này có thể có sự từ chối theo sau đó, không còn nuôi dưỡng bằng sữa mẹ, làm ngơ đứa con và làm ngơ tiếng khóc của nó. Tuổi thơ có thể chịu sự ghét bỏ, bị bạo lực, bị lạm dụng, sợ hãi và bị khước từ.
Các áp lực xã hội khác cũng xen vào. Phụ nữ được biết rằng đứa con là gánh nặng. Họ trở nên chai sạn đối với những đứa con qua việc sử dụng biện pháp tránh thai nhân tạo và sự phá thai. Họ không muốn chăm sóc đứa trẻ, họ giao con cho người khác chăm sóc vì hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn,… hoặc vì lý do nào đó.
Các vấn đề này rất phức tạp, dẫn tới tình trạng sa sút làm mẹ trong xã hội. Ở đâu có sự sa sút này thì ở đó có sự khao khát tình mẫu tử và tạo nên “vết thương người mẹ” trong tâm hồn nhiều người – nhiều đến nỗi ngày nay xuất hiện “đại dịch” trong xã hội toàn cầu.
Như vậy điều gì xảy ra khi đứa trẻ không được hưởng tình mẫu tử trọn vẹn? Họ có vấn đề trong việc nhận biết tình yêu thực sự là gì. Họ không bao giờ có nền tảng về kinh nghiệm sống và không biết cách yêu thương. Họ không biết cách liên hệ với người khác. Khi không biết cách yêu thương, người ta như người muốn đọc truyện của văn hào Shakespeare mà lại không hề biết mẫu tự nào.
Do đó, ở mức độ rộng lớn trong xã hội của chúng ta, người ta phải biết cách yêu thương sâu sắc, thuần túy và thực tế. Người ta phải mày mò tìm cách yêu thương ngay trong hoàn cảnh khó khăn. Khi yêu thương không đúng thì chuyện ân ái cũng sai trái. Như vậy, họ hiểu lầm nhiều về hôn nhân, về tình dục, về giới tính, về nam giới và nữ giới là gì. Hãy nhìn xung quanh sẽ thấy: thanh niên không biết cách hò hẹn với bạn gái, phụ nữ trẻ trở nên phức tạp và hỗn tạp, cả nam và nữ tuyên bố rằng họ là người đồng giới hoặc chuyển giới tính, nam và nữ ly hôn, tái hôn, rồi lại ly hôn, xem phim ảnh “đen”, đĩ điếm, buôn người,... Và còn nhiều tình trạng phức tạp khác nữa.
Vì người ta không biết đánh vần chữ yêu thương, tình trạng gia đình sa sút trở nên sự tan rã của tình mẫu tử, sự tan rã này làm cho người ta mất khả năng yêu thương theo cách tự nhiên, chín chắn và vui mừng.
Như vậy chúng ta bị bỏ rơi với sự xuyên tạc. Sự xuyên tạc và hiểu lầm giới tính dẫn tới nơi đâu? Chắc chắn dẫn tới bạo lực, bạo lực dẫn tới tình trạng ác-thống dâm (sado-masochism – sự kết hợp giữa tính ác dâm và thống dâm trong con người, mỗi kiểu biểu lộ ở một thời điểm khác nhau). Tại sao người ta cảm thấy kích thích khi bị đánh đập hoặc đánh đập người khác? Vì họ lầm lẫn về tình yêu nne6 cho rằng tình yêu tương đương với bạo lực. Có thể chính họ đã đã từng bị lạm dụng tình dục hồi nhỏ ngay tại gia đình họ. Hệ lụy rất đơn giản, như một nạn nhân cho biết: “Cha tôi đánh đập tôi và lạm dụng tình dục tôi, bảo rằng yêu thương tôi. Do đó, sự đánh đập và lạm dụng tình dục là tình yêu chứ còn gì nữa”. Thật là khủng khiếp quá!
Sự hiểu sai về tình dục chắc chắn dẫn tới bạo lực. Tại sao? Vì người ta tự hỏi: “Điều gì xảy ra khi người ta không yêu thương?”. Khả năng yêu thương của họ bị thay thế bằng nỗi sợ hãi, nỗi sợ hãi dẫn tới lòng ghen ghét, lòng ghen ghét khiến người ta bạo lực. Tình yêu đã chết, sự thù hận và bạo lực sẽ chiếm vị trí của tình yêu.
Đây là cách chữa lành thế giới nhờ Kinh Mai Côi:
Kinh Mai Côi mở rộng tâm hồn và tâm trí của chúng ta tới tình yêu thương của người mẹ. Nếu thiếu tình yêu thương của người mẹ, Kinh Mai Côi sẽ thay thế trong cuộc đời chúng ta. Ki chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Mai Côi, ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ thấm dần vào cuộc đời chúng ta. Khi chúng ta cầu nguyện bằng mầu nhiệm Mùa Vui, tình mẫu tử hoàn hảo của Đức Mẹ sẽ thấm dần và lấp đầy khoảng trống vắng vì thiếu tình mẫu tử của người mẹ trần gian. Người mẹ của chúng ta có lạm dụng, khinh suất, bệnh tật, tức giận hoặc thiếu khả năng trao tặng tình yêu thương mà chúng ta cần hay không? Qua Kinh Mai Côi, tình yêu thương của Đức Maria có thể bù đắp những gì chúng ta thiếu thốn.
Cầu nguyện bằng Kinh Mai Côi rất đơn giản. Chúng ta đọc Kinh Mai Côi cho chính chúng ta, nhưng chúng ta cũng cầu nguyện cho người khác và cho cả thế giới. Chúng ta cầu xin tình mẫu tử của Đức Mẹ cho mọi thành viên trong gia đình, trong giáo xứ, trong cộng đoàn, và trên cả thế giới này.
Nếu chúng ta thiếu tình mẹ, Kinh Mai Côi có thể chữa lành và hòa giải chúng ta với nhau. Hãy cố gắng cầu nguyện bằng Kinh Mai Côi hằng ngày, vì chính bạn sẽ được chữa lành và cả thế giới cũng được chữa lành.
Lm DWIGHT LONGENECKER
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Patheos.com)

(Đã đăng báo Trái Tim Đức Mẹ, số tháng 9 và 10-2015, Dòng Đồng Công xuất bản tại Hoa Kỳ)

Posted By Đỗ Lộc Sơn15:55

Tin Mừng gày 1-2 tháng 10 Lễ Thánh Têrêxa Hài Ðồng Giêsu, Tiến Sĩ Lễ Nhớ

Filled under:


Bài Ðọc I: Is 66, 10-14c
"Ðây Ta khiến sông bình an chảy vào nó".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: "Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nảy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 130, 1. 2. 3
Ðáp: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.
Xướng: 1) Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn. - Ðáp.
2) Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con. - Ðáp.
3) Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời. - Ðáp.

Alleluia: x. Mt 11, 25
Alleluia, alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời đất, chúc tụng Cha, vì Cha đã mạc khải các mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 18, 1-4
"Nếu không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời".
Ðó là lời Chúa.
Ngày 2 tháng 10
Lễ Các Thiên Thần Hộ Thủ
Lễ Nhớ

Bài Ðọc I: Xh 23, 20-23a
"Thiên thần của Ta đi trước mặt ngươi".
Trích sách Xuất Hành.
Ðây Chúa phán: "Này Ta sẽ sai thiên thần Ta đi trước mặt ngươi, gìn giữ ngươi khi đi đàng, và dẫn đưa ngươi đến nơi Ta đã dọn sẵn cho ngươi. Ngươi hãy ăn ở cẩn thận trước mặt người, hãy nghe lời người, và chớ cả lòng khi dể người: vì người sẽ không tha thứ cho ngươi khi ngươi phạm lỗi, bởi người mang lấy danh Ta trong người. Nếu ngươi nghe lời người, và tuân giữ tất cả những gì Ta truyền dạy, thì Ta sẽ là địch thù của những kẻ thù nghịch ngươi, và Ta sẽ trừng phạt những kẻ uy hiếp ngươi. Thiên thần Ta sẽ đi trước mặt ngươi".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 90, 1-2. 3-4. 5-6. 10-11
Ðáp: Chúa đã lệnh cho các thiên thần săn sóc bạn, để chư vị đó gìn giữ bạn trên khắp nẻo đường (c. 11).
Xướng: 1) Bạn sống trong sự che chở của Ðấng Tối Cao; bạn cư ngụ dưới bóng của Ðấng Toàn Năng. Hãy thưa cùng Chúa: "Chúa là chiến luỹ nơi con nương náu; lạy Chúa con, con tin cậy ở Ngài". - Ðáp.
2) Vì Chính Người sẽ cứu bạn thoát lưới dò của kẻ bẫy chim, và thoát khỏi quan ôn tác hại. Người sẽ che chở bạn trong bóng cánh của Người, và dưới cánh Người, bạn sẽ nương thân: lòng trung tín của Người là mã giáp và khiên thuẫn. - Ðáp.
3) Bạn không còn sợ hãi cảnh kinh dị ban đêm, cũng không còn e ngại mũi tên ban ngày bay tới; không còn sợ quan ôn trong bóng tối lang thang, cũng không còn lo dịch tễ vào buổi trưa sát hại. - Ðáp.
4) Tai nạn không đến gần được bạn, và oan ương không bén bảng tới nhà bạn ở. Vì Chúa đã lệnh cho thiên thần Người săn sóc bạn, để chư vị đó gìn giữ bạn trên khắp nẻo đường. - Ðáp.

Alleluia: Tv 102, 21
Alleluia, alleluia! - Hãy chúc tụng Chúa đi, chư binh toàn thể, chư vị thần hạ thừa hành ý muốn của Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 18, 1-5. 10
"Các thiên thần của họ trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời. Và kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy. Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời".
Ðó là lời Chúa


Posted By Đỗ Lộc Sơn15:43

Nền Tảng Kinh Thánh của Kinh Mân Côi

Filled under:

“Hail Mary, full of grace, the Lord is with thee… Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng bà…”. Hằng ngày, chúng ta nhiều lần chúc tụng Đức Maria như vậy. Thật là hạnh phúc, nhất là khi Tháng Mười về, tháng biệt kính Đức Mẹ Mai Côi…
Vài năm trước, tạp chí TIME đã in hình Đức Mẹ trên bìa và có câu chuyện về cách mà nhiều người Thệ phản đã tái khám phá Đức Mẹ. Đây không phải là lần đầu tiên Đức Mẹ xuất hiện trên một bìa báo đời. Thật vậy, Đức Mẹ đã xuất hiện trên bìa tạp chí TIME nhiều lần. Nhưng đó là lần đầu tiên một tờ báo đời cho người ta thêm nhận thức về Đức Mẹ và phát triển Thánh Mẫu học trong hậu duệ của Thời Cải cách, những người đã coi Kinh Thánh là sức mạnh duy nhất của họ.
Martin Luther đã làm căng thẳng mối quan hệ với Rôma và chỉ đặt đức tin của mình vào Kinh Thánh, từ chối 15 thế kỷ về giáo quyền dưới sự lãnh đạo của Đức giáo hoàng đối với giáo lý mới của chủ trương Sola Scriptura (Chỉ Có Kinh Thánh). Kitô giáo giữa thế kỷ XVI bị tách thành Công giáo và Tin lành. Việc phân rẽ giáo lý sớm phát triển trong các nhà cải cách mà các vị lãnh đạo của họ, cho rằng đó là cẩn trọng để đoàn kết ổn định, nhóm họp tại Marlburg (Đức) năm 1529. Trong cuộc họp sôi nổi tiếp theo, họ không đạt được mục đích của họ nhưng lại phân thành bốn giáo phái chính của Luther, Zwingli, Calvin và những người rửa tội lại (Anabaptists), và họ lại tách với chủ trương “Chỉ Có Kinh Thánh”.
Khi Luther qua đời, cuộc cải cách đã tách thành 75 nhóm khác nhau. Các nhóm lại tiếp tục phân chia; ngày nay Tin lành có tới 35.000 giáo phái và phi giáo phái tự phát. Hậu duệ xa rời Tông truyền, xa rời cách hiểu Kinh Thánh và tước quyền phong phú của di sản Kitô giáo từ xưa và qua nhiều thế kỷ. Chiều kích Thánh Mẫu học cũng bị mất.
Cũng nên lưu ý rằng các nhà cải cách bám vào giáo lý về Đức Mẹ và vẫn là những người sùng kính Đức Mẹ cho tới lúc chết mặc dù họ không vâng phục giáo hoàng và khác với nhau. Thật vậy, Luther, Zwingli và Calvin vẫn là những người đáng tin cậy trong việc bảo vệ Tín điều Đức Mẹ Trọn Đời Đồng Trinh mà họ lý luận từ Kinh Thánh. Hơn nữa, họ cũng viết những lời cầu nguyện với Đức Mẹ. Nhưng ngày nay, người ta có thể gặp các Kitô hữu ly khai vẫn sùng kính và chân thành nhưng cho rằng việc sùng kính Đức Mẹ là cách sáng tạo dư thừa của Công giáo hồi cuối thời Trung cổ. Một số người thậm chí còn không thân thiện; đặc biệt là Chuỗi Mai Côi khiến những người theo trào lưu chính thống đã nổi giận, họ coi đó là sự phạm thánh. Đâu là những trang Kinh Thánh về Chuỗi Mai Côi? Không có gì không thấy trong Kinh Thánh đều không là Kinh Thánh.
Các tín đồ Tân giáo đã tái khám phá Đức Mẹ và Chuỗi Mai Côi. Nhóm chủ trương “chỉ có Kinh Thánh” cũng đã chợt nhận ra rằng Chuỗi Mai Côi chứa đựng Kinh Thánh – Kinh Thánh trong Chuỗi Mai Côi và Chuỗi Mai Côi trong Kinh Thánh. Hết khuynh hướng chống Công giáo, họ phát hiện Chuỗi Mai Côi là lời cầu nguyện theo Kinh Thánh nhiều nhất, chân nhận giá trị trong Chuỗi Mai Côi theo Kinh Thánh, và bắt đầu hiểu tại sao người Công giáo cầu nguyện bằng Chuỗi Mai Côi.
Chân phước GH Phaolô VI đã gọi Kinh Mai Côi là “Bản Tóm Lược Phúc Âm” (Compendium of the Gospels). Chúng ta suy niệm về Đức Kitô qua các mầu nhiệm khi chúng ta lần hạt và đọc Kinh Kính Mừng, lặp đi lặp lại lời chào của Sứ thần Gabriel và Thánh Elizabeth, đồng thời suy niệm theo Kinh Thánh. Mỗi chục được mở đầu bằng Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện chính Chúa Giêsu dạy chúng ta, và kết bằng Kinh Sáng Danh là lời các Thiên Thần tôn vinh Chúa Ba Ngôi.
Suy niệm là linh hồn của Kinh Mai Côi. Chúng ta không bị hạn chế bởi ngôn từ chúng ta đọc mà là Phúc Âm sống động trong từng lời suy niệm.
Đức Kitô là trung tâm của Kinh Thánh và Kinh Mai Côi. Trong giai đoạn phát triển hồi đầu, phần thứ nhất kết bằng một giai đoạn nào đó trong Tân ước, như thế này: …và phúc cho Con lòng Mẹ là Đấng đã cho Ladarô sống lại, hoặc Đấng đã xua đuổi ma quỷ ra khỏi những người bị ám ở Gadarenes – hoặc …chữa người cùi ở hồ Bethsaida – hoặc tha thứ cho người đàn bà ngoại tình... v.v..., với các đoạn Kinh Thánh được gắn vào xuyên suốt 150 Kinh Kính Mừng. Tại một số nơi ở Đức, Kinh Mai Côi vẫn được cầu nguyện như vậy. Qua thời gian, Kinh Mai Côi được phát triển thành 5 mầu nhiệm Vui, 5 mầu nhiệm Thương, và 5 mầu nhiệm Mừng. Và rồi Thánh GH Gioan Phaolô II đã thêm 5 Mầu Nhiệm Sáng để tập trung vào “sứ vụ công khai” của Đức Kitô.
Mỗi phần Phúc Âm được suy niệm. Thánh Gioan Phaolô II nói: “Đọc Kinh Mai Côi là cùng với Đức Mẹ chiêm ngắm khuôn mặt Đức Kitô”. Việc suy niệm Phúc Âm mở ra cho chúng ta cách hiểu đúng về Cựu ước. Thánh Augustinô nhấn mạnh: “Tân ước ẩn giấu trong Cựu ước, và Cựu ước được mặc khải trong Tân ước”.
Chúa Giêsu, cũng như nhân loại và các sự kiện kết hợp với Ngài, có những kiểu được mô tả trước trong Cựu ước. Các Giáo phụ đã nhận thấy và hiểu Lời Chúa được Chúa Thánh Thần linh hứng tập trung vào Đức Kitô. Ví dụ: Isaac, con trai duy nhất [của lời hứa] đem bó củi lên Núi Mô-ri-gia (Muriah) để hiến tế, tiên báo Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, vác Thập giá lên đồi Can-vê để hiến tế. Tổ phụ Abraham, khi bằng lòng hiến tế con trai, là hình bóng của Chúa Cha Hằng Sinh vui lòng để Con Một Giêsu làm hiến lễ cứu độ.
Theo tự nhiên, điều này có nghĩa là chúng ta nên biết Kinh Thánh. Việc thực hành tốt là đặt ra thời gian cầu nguyện bằng cách đọc Kinh Thánh hằng ngày, suy niệm bằng cách đọc một, hai hoặc năm mầu nhiệm theo Kinh Mai Côi. Việc suy niệm theo Lịch sử Cứu độ được làm nổi bật bằng các sự kiện chính và Ngôi nhà Vĩnh cửu được hứa ban cho những người thi hành Thánh Ý Chúa Cha. Chúa Thánh Thần sẽ thúc đẩy chúng ta suy niệm các mầu nhiệm theo Kinh Mai Côi với cách thức phù hợp.
Thánh Tiến Sĩ Giêrônimô (347-420) nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”. Như vậy, hãy đọc Kinh Thánh và cùng với Đức Mẹ cầu nguyện bằng Kinh Thánh qua Kinh Mai Côi, vì Thánh Augustinô gọi Đức Mẹ là khuôn đúc của Thiên Chúa. Chính nơi Mẹ mà Con Một Yêu Dấu của Chúa Cha đã xuống thế làm người nhờ quyền phép Chúa Thánh Thần, nhờ Mẹ mà chúng ta được đúc khuôn theo lời cầu nguyện bằng Kinh Thánh. Bậc Đáng Kính TGM Fulton Sheen (1895-1979) nói: “Đức Mẹ đã hình thành Chúa Giêsu trong cung lòng nên Đức Mẹ cũng hình thành Chúa Giêsu trong linh hồn chúng ta”.
JOSE MARIA FERNANDEZ

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ all-about-the-virgin-mary.com)
Phép Mầu Mai Côi
Immaculee Ilibagiza (hình) là người sống sót trong vụ thảm sát tàn nhẫn đã xảy ra năm 1994 tại đất nước Rwanda, thuộc Đông Âu. Cô viết: “Tận dụng những khoảnh khắc quý giá, tôi cố gắng lần chuỗi Mai Côi hằng ngày, không gì hạnh phúc hơn là bàn luận về vẻ đẹp và sức mạnh mà tôi có thể đưa vào cuộc sống khi chúng ta lần những hạt thánh này và hướng lòng về trời cao”.
Tổ chức Nhân quyền ước tính: Qua gần 100 ngày, hơn 500.000 người bị giết chết – chiếm khoảng 20% dân số nước này. Đó là cực điểm của sự căng thẳng dân tộc từ lâu giữa dân tộc thiểu số Tutsi và dân tộc Hutu. Dân tộc Tutsi đã bị dân tộc Hutu thống trị vài thế kỷ rồi.
Trong cuốn “The Rosary: The Prayer That Saved My Life” (Chuỗi Mai Côi: Lời Kinh Cứu Sống Đời Tôi), Ilibagiza cho biết nhiều điều kỳ lạ. Đây là một số điều điển hình:
– Sức mạnh của Kinh Mai Côi đem lại vô số ơn phúc cho cuộc đời của chúng ta. Kinh Mai Côi làm cho tư tưởng mạch lạc, loại bỏ những khó khăn, giải quyết các vấn đề làm khổ chúng ta, làm cho chúng ta lành mạnh, làm cho chúng ta tràn đầy niềm hạnh phúc và hy vọng.
– Đối với những người không biết tôi sống sót trong vụ diệt chủng năm 1994, vụ này đã làm tan nát quê hương Rwanda của tôi ở Phi châu. Hầu như không lúc nào tôi quên cảnh gia đình tôi bị giết chết trong vụ thảm sát đó, kể cả những người tôi yêu thương và những người bạn của tôi.
– Tôi sống sót nhờ lòng tốt của một linh mục thương xót tôi và bảy phụ nữ Tutsi khác. Linh mục này giấu chúng tôi trong nhà tắm suốt ba tháng. Lòng tốt của linh mục này đã cứu sống tôi, nhưng chính Kinh Mai Côi đã thực sự cứu thoát tôi và linh hồn tôi.
– Tôi biết sức mạnh của Kinh Mai Côi trong một đêm kinh khủng mà tôi không muốn xảy ra với bất kỳ ai, tôi biết chúng tôi không phải đối mặt với sự nguy hiểm hoặc sự chết vì Đức Mẹ đã lắng nghe lời cầu xin của chúng tôi, vì Chúa Giêsu đã đến cứu chúng tôi, vì Thiên Chúa đã nhậm lời cầu của chúng tôi.
– Chúa và Mẹ luôn sẵn sàng cứu giúp chúng ta, nhưng nhờ đến với Chúa và Mẹ qua việc cầu nguyện tập trung và sâu sắc, chúng ta có thể gặp được các Ngài từ sâu thẳm tâm hồn. Đó là nơi mà phần thưởng của lời cầu nguyện trở nên vô hạn trong cuộc đời chúng ta.
– Một trong những vẻ đẹp bền vững của Kinh Mai Côi là sức mạnh làm chúng ta chú ý các lĩnh vực của cuộc sống cần được giúp đỡ, an ủi, hoặc hướng dẫn. Mỗi khi chúng ta suy niệm một mầu nhiệm, hoặc đọc một đoạn Kinh Thánh, các từ ngữ hoặc ý tưởng sẽ đến với chúng ta – có thể vì chúng lóe sáng lên trong ký ức về gia đình hạnh phúc hoặc soi sáng cho chúng ta biết cách xử lý các thử thách gay go nhất.
– Vấn đề là khi chúng ta lần Chuỗi Mai Côi, sự ngọt ngào thấm vào huyết quản của chúng ta và dần dần tác động tới cả cơ thể. Nhiều lần tôi lần Chuỗi Mai Côi mà tôi không nhận ra, mãi lâu sau tôi mới nhận ra, và chỉ khi đó tôi mới cảm thấy tinh thần tôi thanh thản, nụ cười như nở trên môi, rồi có vẻ như sự khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua kia lại chợt tan biến.
– Tín thác vào Chúa là sức mạnh kiên cường nhất để chúng ta có niềm hy vọng bảo vệ, không có khí cụ nào tốt hơn để tự vệ bằng Kinh Mai Côi. Những món quà quý giá nhất mà Kinh Mai Côi đem lại cho chúng ta là những món quà mà chúng ta chưa từng biết...
– Các phép lạ có thật của Kinh Mai Côi là các phép lạ của lời cầu nguyện và suy niệm tác động trong tâm hồn và linh hồn của chúng ta. Khi chúng ta để Thiên Chúa ở trong lòng chúng ta khi cầu nguyện bằng Kinh Mai Côi, chúng ta có được kinh nghiệm tuyệt vời về các phép lạ, và mọi thứ khác sẽ xảy ra.
Lạy Đức Mẹ Mai Côi, Nữ vương ban sự bình an, là Đức Nữ cực mầu cực nhiệm, luôn trung tín thật thà, là gương nhân đức, và là tòa Đấng khôn ngoan, xin thương cầu thay nguyện giúp chúng con, bây giờ và trong giờ lâm tử. Amen.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ beliefnet.com)

Tại sao thế giới cần Chuỗi Mai côi ?

Trước khi ĐHY Karol Wojtyla là giáo hoàng Gioan Phaolô II, tại Công nghị Thánh Thể ở Philadelphia ngày 13-8-1976, ngài đã tuyên bố: “Hiện nay chúng ta đang đối diện với sự đối đầu mang tính lịch sử nhất mà nhân loại đã đi qua. Chúng ta đang đối mặt với sự đối đầu cuối cùng giữa Giáo hội và chống Giáo hội, giữa Phúc Âm và chống Phúc Âm”.
Điều đó vẫn đúng với ngày nay.
Rồi tại Fatima ngày 13-5-1982, một năm sau khi ngài bị ám sát tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐGH Gioan Phaolô II đã đọc “lời kêu gọi tha thiết của Trái Tim Đức Mẹ đã nói tại Fatima năm 1917” vì ngài thấy “nhiều người – kể cả các Kitô hữu – đã đối nghịch với điều đã được nói tới trong Sứ điệp Fatima”.
Thánh GH Gioan Phaolô II nói: “Tội lỗi đang tự xác định trên thế giới, và việc từ chối Thiên Chúa đã lan rộng trong ý thức hệ, tư tưởng và kế hoạch của con người. Ngày nay, lời kêu gọi của Phúc Âm là sám hối và hoán cải, cũng được nói trong Sứ điệp của Đức Mẹ, vẫn thích hợp. Lời đó còn thích hợp với ngày nay hơn cả năm 1917. Lời đó càng cấp bách hơn”.
Ngày 13-5-2010, cũng tại Fatima ở Bồ Đào Nha, ĐGH Biển Đức XVI lại nhắc nhở: “Chúng ta đã sai lầm khi nghĩ rằng sứ vụ tiên tri của Fatima đã hoàn tất”.
Nhiều người vẫn tìm cách giải quyết ở khắp nơi trừ Fatima, nơi Đức Mẹ đã nói rõ cách đơn giản để chiến thắng ma quỷ và được bình an là lần Chuỗi Mân Côi. Năm nay, 2012, chúng ta kỷ niệm 95 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, không có lý do nào để nghi ngờ việc chúng ta phải lưu ý sứ điệp của Đức Mẹ hơn bao giờ hết.
Năm 1982, Thánh GH Gioan Phaolô II đã nói: “Sứ điệp của Đức Mẹ có vẻ được đọc bằng sự thấu hiểu đặc biệt là ‘dấu chỉ thời đại’ – dấu chỉ của thời đại chúng ta. Khi Sứ điệp của Đức Mẹ Fatima là Sứ điệp của Người Mẹ, sứ điệp đó mạnh mẽ và dứt khoát, có vẻ nghiêm trọng. Sứ điệp kêu gọi sự ăn năn, kêu gọi cầu nguyện, và đưa ra lời cảnh báo. Sứ điệp kêu gọi lần Chuỗi Mai Côi”.
Trong lần hiện ra thứ 3, ngày 13-5-1917, Đức Mẹ đã kêu gọi: “Hãy lần Chuỗi Mai Côi hằng ngày để cầu bình an cho thế giới và xin chấm dứt chiến tranh, vì chỉ có Mẹ có thể giúp đỡ các con”.
Trong lần hiện ra thứ 6, ngày 13-10-1917, Đức Mẹ yêu cầu ba trẻ: “Ta là Mẹ Mai Côi. Hằng ngày hãy tiếp tục cầu nguyện bằng Chuỗi Mai Côi”.
Hãy nhớ rằng những lần Đức Mẹ hiện ra tại Fatima đã được Giáo hội chuẩn nhận, và Fatima là nơi được thế giới biết đến nhiều nhất. Trong hơn 31 năm, Thomas McKenna, giám đốc Tổ chức Tượng Đức Mẹ Hành hương Quốc tế (website PilgrimVirginStatue.com), đã thúc giục và loan truyền Sứ điệp Fatima khắp quốc gia và quốc tế.
Từ năm 1947, bức tượng do ĐGM GP Fatima làm phép đã liên tục công du khắp nước từ thời cố GM John Haffert, đồng sáng lập viên Đạo Binh Xanh Đức Mẹ Fatima, và bức tượng này đã được đưa tới Hoa Kỳ.
McKenna nói: “Điều Đức Mẹ nói rất đơn giản. Điều Đức Mẹ yêu cầu mọi người rất đơn giản, nhưng điều đó đã không được thực hiện. Đức Mẹ nói: Hãy lần Chuỗi Mai Côi. Đó là điều quá đơn giản mà mỗi người Công giáo đều có thể làm. Hãy lần Chuỗi Mai Côi, hãy đền tội, hãy mặc Áo Đức Bà (màu nâu), và hãy làm việc tôn sùng Đức Mẹ vào các thứ Bảy đầu tháng”.
McKenna nói rõ: “Đây không chỉ là lời của Đức Mẹ Fatima – Đức Mẹ đến với cương vị là phái viên mật (emissary) của Thiên Chúa. Ngài đã phái Đức Mẹ làm đại biểu bác ái sống động để yêu cầu mọi người trên thế giới trở lạitập trung vào đức tin.
Đức Mẹ cho biết rằng luân lý thế giới đang trật đường – và nhiều linh hồn sẽ sa hỏa ngục vì tội xác thịt. Tình trạng vô luân ngày nay vượt xa năm 1917.
McKenna nói thêm: “Tại Hoa Kỳ, người ta sống trong tình trạng hôn nhân đồng giới được pháp luật công nhận. Ai có thể tưởng tượng sự hủy diệt khủng khiếp nhất mà con người sẽ phải gánh chịu vì phá thai – vì được chính phủ chấp nhận? Hằng năm, công nghệ phim ảnh đồi trụy thu lợi nhuận cao hơn lợi nhuận của các loại thể thao cộng lại”.
LM Gary Selin, nhà tư vấn đào tạo và giáo sư phụ giảng khoa thần học tại Đại chủng viện Thần học Thánh Gioan Vianney ở Denver, đã từng hành hương nhiều lần tới Fatima, cũng nhấn mạnh: “Rõ ràng những gì Đức Mẹ nói với ba trẻ năm 1917 càng ngày càng đúng với thế giới ngày nay vì lan tràn bạo lực, phá thai, an tử”.
McKenna xác định: “Điều đó liên quan Sứ điệp Fatima. Nếu chúng ta không trở lại nền tảng tôn giáo và luân lý, chúng ta sẽ không có hòa bình. Đức Mẹ đã trao kế hoạch hòa bình cho chúng ta. Làm sao chúng ta có thể mong đợi hòa bình nếu chúng ta không theo kế hoạch hòa bình của Đức Mẹ?”.
Trong Tông thư “Rosarium Virginis Mariae” (nói về Đức Mẹ Mai Côi) năm 2002, Thánh GH Gioan Phaolô nhấn mạnh: “Chỉ có sự can thiệp từ trên cao mới có thể hướng dẫn những người sống trong tình trạng đối lập và những người điều hành vận mệnh các quốc gia, và mới có thể tạo niềm hy vọng về tương lai tươi sáng hơn”.
LM Selin nói: “Kinh Mai Côi là lời cầu nguyện mà chúng ta cầu xin Đức Mẹ đạp nát đầu con rắn. Đức Mẹ đã được Chúa Con trao cho đặc ân đó”.
Cùng với việc lần Chuỗi Mai Côi hằng ngày, Sứ điệp Fatima bao gồm yêu cầu của Đức Mẹ về việc tôn sùng Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ mỗi thứ Bảy đầu tháng để chấn chỉnh những tội phỉ báng Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ, và dâng các nhiệm vụ hằng ngày, những đau khổ của đời sống cho Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ để hy sinh đền tội cầu cho các tội nhân trở lại.
Trong Tông thư về Chuỗi Mai Côi, Thánh GH Gioan Phaolô nói: “Về bản chất, Chuỗi Mân Côi là lời cầu nguyện cho hòa bình, vì Chuỗi Mai Côi chứa đựng chiêm ngưỡng Chúa Kitô, Hoàng tử Hòa bình, Đấng chính là hòa-bình-của-chúng-ta”. Ngài nói: “Nhờ tập trung chiêm ngưỡng Đức Kitô, Chuỗi Mai Côi cũng làm cho chúng ta trở thành những người kiến tạo hòa bình thế giới. Chuỗi Mai Côi cho phép chúng ta hy vọng ngay hôm nay rằng cuộc chiến đấu cam go dành hòa bình có thể chiến thắng”.
Thánh Padre Piô (Thánh LM Piô Năm Dấu) biết điều gì cần thiết: “Chuỗi Mai Côi là vũ khí”.
Trong cuốn “Fatima for Today” (Fatima Đối Với Ngày Nay), Lm. Andrew Apostoli, chuyên gia Dòng Phanxicô về Canh Tân và Fatima, viết: “Chuỗi Mai Côi hẳn phải là lời cầu nguyện mạnh mẽ biết bao nếu nếu Chuỗi Mai Côi có thể dành lại hòa bình thế giới. Chúng ta cũng cần thực hành yêu cầu của Đức Mẹ là lần Chuỗi Mai Côi hằng ngày để cầu xin hòa bình thế giới trong thời đại chúng ta và chấm dứt văn hóa sự chết đang phổ biến ngày nay”.
Chân phước Giaxinta, một trong ba trẻ được Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, đã cầu xin: “Thiên Chúa đã đặt sự hòa bình trong tay Đức Mẹ, và loài người phải cầu xin Đức Mẹ ban cho sự hòa bình đó”.
Hãy bắt đầu ngay bây giờ, trong tháng Mười là tháng Mân Côi này, hãy cho Đức Mẹ Fatima, Trái tim Vô nhiễm, thấy Chuỗi Mai Côi nơi đôi tay của chúng ta khi chúng ta cầu xin hòa bìnhvăn hóa sự sống.

JOSEPH PRONECHEN

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ NCRegister.com)

Posted By Đỗ Lộc Sơn15:34

Tin Mừng Lễ Ðức Mẹ Mân Côi Lễ Kính

Filled under:

Bài Ðọc I: St 3, 9-15. 20
"Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ".
Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: "Ngươi đang ở đâu?" Ông đã thưa: "Con đã nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp".
Chúa phán bảo ông rằng: "Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi không được ăn ư?" Ađam thưa lại:"Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn". Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: "Tại sao ngươi đã làm điều đó?" Người phụ nữ thưa:"Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn".
Thiên Chúa phán bảo con rắn rằng: "Bởi vì mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người".
Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: 1 Sm 2, 1. 4-5. 6-7. 8
Ðáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Ðấng Cứu độ tôi (c. 1a).
Xướng: 1) Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi. - Ðáp.
2) Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn. - Ðáp.
3) Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao. - Ðáp.
4) Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 5, 12. 17-19
"Nơi nào tội lỗi đầy tràn, thì Người ban ơn thánh dư dật".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Ðức Giêsu Kitô. Do đó, tội của một người truyền đến mọi người đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 1, 28
Alleluia, alleluia! - Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ; Trinh Nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 26-38
"Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ". Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.
Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"
Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.
Ðó là lời Chúa.

Posted By Đỗ Lộc Sơn15:29

Lần Chuỗi Mỗi Ngày: Thứ Tư, 30.09.2015

Filled under:

“Còn anh, anh hãy đi loan báo
Triều Đại Thiên Chúa” (Lc 9,60).
Như Mẹ: Chúa Giêsu đến trần gian là để loan báo cho con người biết về Triều Đại Thiên Chúa, triều đại của công lý và hoà bình, chân lý và tình thương. Hôm nay, Chúa mời gọi người môn đệ tiếp tục công việc mà Chúa đã làm, đó là đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.
Với Mẹ: Theo Chúa là một lời mời gọi khẩn thiết. Loan báo Triều Đại Thiên Chúa cũng là lời mời gọi tha thiết mà Chúa muốn gửi đến những người đã tin theo Chúa. Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa thôi thúc chúng con xác tín hơn vào Chúa, và hăng say trong sứ vụ cao quý này.
Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là Mẹ Giáo Hội, Mẹ không phải là một người thừa sai, nhưng Mẹ là mẫu gương của những người loan báo Tin Mừng. Xin Mẹ hướng tâm hồn chúng con nhiệt tình hơn trong việc làm cho nhiều người biết Chúa.
Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.
 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

57 Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.”58 Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” 59 Đức Giê-su nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi! ” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.”60 Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” 61 Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.”62 Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”  
Suy Niệm

Theo một tôn giáo thường được gọi là theo đạo.
 Theo đạo là theo một con đường.
 Ðiều này đặc biệt đúng đối với Kitô giáo (x. Cv 9,2).
 Làm môn đệ Ðức Kitô là theo Ngài trên con đường Ngài đi,
 con đường đất quanh co trong xứ Palestine
 hay con đường đầy chông gai nhọc nhằn của sứ vụ.
 Ðức Kitô chẳng những dạy Ðạo, Ngài còn là Ðạo (x. Ga 14,6).
 Theo đạo là theo một ngôi vị hơn là theo một giáo lý.
 Sống đạo là sống như Ngài, với Ngài, cho Ngài và trong Ngài.

Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện ba người muốn theo Chúa.
 Chúng ta chẳng biết họ là ai,
 cũng chẳng rõ cuối cùng họ có theo Chúa hay không,
 nên mỗi người chúng ta dễ thấy mình nơi hình ảnh họ,
 để rồi chúng ta phải đưa ra lời đáp trả riêng của mình.

Người thứ nhất hăng hái xin theo Ngài đi bất cứ nơi đâu.
 Ðức Giêsu không giấu anh hoàn cảnh bấp bênh của mình.
 Ngài sống cuộc đời phiêu bạt, không mái nhà để trú,
 lúc nào cũng ở trong tư thế lên đường.
 Chấp nhận theo Ngài là chịu bỏ mọi an toàn, ổn định,
 là sống thân phận lữ khách trên mặt đất (x. 1Pr 2,11).
 Theo Ngài là theo Ðấng có chỗ tựa đầu,
 chỗ tựa đầu tiên là máng cỏ, chỗ tựa cuối là thập giá.
 Cuộc sống nghèo làm Ngài tự do hơn, sẵn sàng hơn
 trước những đòi hỏi bất ngờ của Cha và nhân loại.

Người thứ hai chấp nhận theo Chúa với điều kiện
 cho anh về chôn cất người cha mới qua đời trước đã.
 Anh muốn chu toàn bổn phận thiêng liêng của người con.
 Ðức Giêsu coi trọng việc hiếu kính mẹ cha (x. Mt 15,3-9),
 nhưng Ngài đòi anh dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng.
 Câu trả lời của Ngài làm chúng ta bị sốc.
 Loan báo Tin Mừng ư? Cần gì phải vội vàng đến thế!
 Dầu sao cái sốc giúp ta nhận ra mình vẫn quen thờ ơ
 trước một bổn phận thiêng liêng và hết sức cấp bách.
 Người chết nằm xuống thật đáng kính trọng.
 nhưng có bao người sống đang cần phục vụ khẩn trương.

Người thứ ba xin về từ giã gia đình trước đã.
 Ðức Giêsu đòi anh dứt khoát thẳng tiến như người cầm cày,
 không quay lại với những kỷ niệm quá khứ,
 cũng không bị cản trở bởi những ràng buộc gia đình,
 để tận tâm tận lực lo cho Nước Thiên Chúa.

Trong đời sống, nhiều lúc ta phải chọn lựa.
 Chọn lựa là chấp nhận hy sinh, bỏ một trong hai.
 Ðức Giêsu không dạy ta sống vô cảm hay bất hiếu…
 Ngài dạy ta can đảm tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã.
 Có bao nhiêu cái trước đã chi phối đời ta?
 Ðâu là lựa chọn ưu tiên một?
 Chúng ta cần sắp xếp lại thứ tự các ưu tiên cho đúng.
 Nếu Ðức Giêsu gặp tôi hôm nay và mời tôi theo Ngài,
 tôi có xin phép Ngài để làm cái gì đó trước đã không?
Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
 giàu sang, danh vọng, khoái lạc
 là những điều hấp dẫn chúng con.
 Chúng trói buộc chúng con
 và không cho chúng con tự do ngước lên cao
 để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con
 khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
 nhờ cảm nghiệm được phần nào
 sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
 bán tất cả những gì chúng con có,
 để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
 trước những lời mời gọi của Chúa,
 không bao giờ ngoảnh mặt
 để tránh cái nhìn yêu thương
 Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.


Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:55