Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Hàng trăm người Hồi giáo ở Áo gia nhập Kitô giáo

Filled under:

Hàng trăm người Hồi giáo ở Áo gia nhập Kitô giáo.
Áo (MattersIndia 16-01-2018) - Với làn sóng người tị nạn gia tăng, số người Hồi giáo trở lại Kitô giáo ở Áo cũng gia tăng đáng kể.
Theo phát ngôn viên của tổng giáo phận Viên, 3/4 số người lớn được rửa tội trong năm 2017 là người nhập cư đến từ các nước Hồi giáo. Chỉ riêng tại thủ đô đã có 260 người thuộc 15 quốc gia khác nhau được lãnh nhận bí tích rửa tội.
Fredericke Dostal, người phụ trách về bí tích rửa tội cho người lớn của tổng giáo phận nói rằng những tuyên bố cho rằng người di dân cải đạo là để gia tăng cơ hội được tị nạn là không có căn cứ. Bà Dostal giải thích: "Vì Giáo hội Công giáo tại Áo không muốn nhận những Kitô hữu giả danh, nên chúng tôi rất kỹ càng trong việc chọn các ứng viên và cho phép lãnh nhận bí tích rửa tội ."
Việc chuẩn bị cho các dự tòng nhận bí tích rửa tội kéo dài ít nhất một năm, bao gồm việc tham dự các lớp giáo lý và các nghi lễ tại nhà thờ, theo các luật sống Kitô giáo và tham gia vào các hoạt động bác ái.
Theo Eurostat, trong năm 2016, có 1.2 triệu người tị nạn đến châu âu. Áo là nước đứng thứ 5 trong việc tiếp đón người tị nạn, với 39,860 người, sau Italia, Pháp, Ðức và Hy lạp. Phần lớn người tị nạn ở Áo là người Afganistan, kế đến là người Syria và Iraq. (MattersIndia 16/01/2018)

Hồng Thủy
(Radio Vatican)

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tại Lobito, Iquique 18/1/2018
Sáng thứ Năm, 18 tháng Giêng, lúc 8h sáng, Ðức Thánh Cha đã giã từ Santiago để bay tới phi trường quốc tế của thành phố cảng Iquique ở mạn cực bắc Chí Lợi và cử hành thánh lễ tại công viên Lobito lúc 11h30. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê” (Ga 2:11).

Đây là những lời cuối cùng trong bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe, mô tả sự xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên của Chúa Giêsu: đó là tại một bữa tiệc, không hơn không kém. Không thể khác được, vì Phúc Âm là lời mời gọi vui lên. Ngay từ đầu thiên sứ đã nói với Đức Maria: “Mừng vui lên!” (Lc 1:28). Thiên sứ cũng nói với các mục đồng “hãy vui lên”; và cũng nói với Elizabeth, một người đàn bà già nua và son sẻ “vui lên”, Chúa Giêsu đã phán cùng kẻ trộm hãy vui lên, vì hôm nay anh sẽ ở với ta trên nước thiên đàng (xem Lc 23:43).

Thông điệp Tin Mừng là một suối nguồn hạnh phúc: “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.” (Ga 15:11). Đó là một niềm vui lây lan, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, một niềm vui mà chúng ta đã được thừa hưởng.

Anh chị em biết rõ điều này biết bao, hỡi anh chị em thân mến của miền bắc Chí Lợi! Anh chị em biết rất rõ về cách sống đức tin và cuộc sống mình trong một tinh thần lễ hội! Tôi đã đến như một người hành hương để tham gia cùng anh chị em trong việc cử mừng cách sống đức tin thật đẹp này. Các ngày lễ bổn mạng, các điệu múa tôn giáo của anh chị em - đôi khi kéo dài cả một tuần - âm nhạc của anh chị em, quần áo của anh chị em, tất cả đều làm cho khu vực này trở thành một đền thờ của lòng đạo đức bình dân. Bởi vì bữa tiệc không chỉ giới hạn trong bốn bức tường nhà thờ, nhưng anh chị em biến toàn bộ thành phố này thành một bữa tiệc. Anh chị em biết cách cử hành qua những lời ca và điệu múa về “tình phụ tử, sự quan phòng, và sự hiện diện liên tục và từ ái” của Thiên Chúa, và điều đó tạo ra những “thái độ nội tâm hiếm khi thấy được như thế ở nơi khác như sự kiên nhẫn, dấu thánh giá trong cuộc sống hàng ngày, không bo thiết của cải, sự cởi mở với những người khác, và lòng mộ đạo”. [1] Những lời của tiên tri Isaia thành hiện thực: “Sa mạc sẽ trở nên vườn cây ăn trái, và vườn cây ăn trái sẽ được coi như một cánh rừng.” (Is 32:15). Miền đất này dù bao quanh bởi sa mạc khô cằn nhất thế giới vẫn có thể diện được trang phục hội hè.

Trong bầu không khí lễ hội này, Tin Mừng cho chúng ta thấy Đức Maria hành động như thế nào để làm cho niềm vui đó tiếp tục. Mẹ chú ý tới mọi thứ đang diễn ra xung quanh Mẹ; giống như một hiền mẫu, Mẹ không ngồi yên. Vì thế, Mẹ để ý, giữa bữa tiệc hân hoan vui vầy, có một chuyện sắp xảy ra có thể “làm hỏng” nó. Mẹ đến bên Con mình và nói với Người một cách đơn sơ rằng: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2: 3).

Cũng thế, Đức Maria đi qua các thị trấn, đường phố, quảng trường, nhà cửa và bệnh viện của chúng ta. Đức Maria là Trinh Nữ của La Tirana; Trinh Nữ Ayquina ở Calama; Dức Nữ Đồng Trinh của rặng núi Arica. Mẹ để ý tất cả những vấn đề đang đè nặng trong lòng chúng ta, rồi thủ thỉ bên tai Chúa Giêsu: Hãy nhìn xem “họ hết rượu rồi”.

Đức Maria không đứng yên. Mẹ đến bên các đầy tớ và nói với họ: “Hãy làm bất cứ điều gì Người nói cùng anh em” (Ga 2,5). Đức Maria, một phụ nữ kín tiếng nhưng có những lời rất sâu sắc, cũng đến với mỗi người chúng ta và nói một cách đơn sơ rằng: “Hãy làm bất cứ điều gì Người nói cùng bạn”. Như thế, Mẹ gợi lên phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu: đó là làm cho những bạn bè của Con Mẹ cảm thấy rằng họ cũng là một phần của phép lạ. Bởi vì Chúa Kitô “đã đến thế gian này không phải để chính Ngài thực hiện một sứ mạng, nhưng là cùng với tất cả chúng ta, để Ngài trở thành đầu của một thân thể vĩ đại, trong đó chúng ta là những tế bào sống động, tự do và tích cực” [2].

Phép lạ bắt đầu ngay khi các đầy tớ đến bên những chiếc chum nước dùng để thanh tẩy. Cũng vậy, mỗi người chúng ta đều có thể khởi đầu phép lạ; hơn nữa, mỗi người trong chúng ta đều được mời gọi trở nên một phần trong phép lạ cho những người khác.

Anh chị em, Iquique là một vùng đất của những giấc mơ (đó là ý nghĩa của danh xưng này trong ngôn ngữ Aymara). Đó là một vùng đất đã cung cấp chỗ nương thân cho những người nam nữ của các dân tộc và nền văn hoá khác, là những người bị buộc phải để lại sau lưng mọi thứ và ra đi. Cất bước ra đi luôn luôn kèm theo hy vọng có được một cuộc sống tốt hơn, nhưng, như chúng ta biết, bước chân ra đi cũng luôn luôn đi kèm với những bao bị chất đầy những sợ hãi và sự bất định về tương lai. Iquique, là một miền đất của những người nhập cư, nhắc nhở chúng ta về sự vĩ đại của những người nam nữ, và toàn thể các gia đình, khi đối diện với nghịch cảnh, đã không cam chịu và ra đi tìm kiếm cuộc sống. Để tìm kiếm cuộc sống, họ - đặc biệt là những người phải rời quê hương vì thiếu những thứ cần thiết cho cuộc sống - là một hình ảnh về Thánh Gia đã phải vượt qua những sa mạc để sống còn.

Miền đất này là miền mơ ước, nhưng chúng ta cũng phải làm sao để bảo đảm rằng nó tiếp tục là một miền đất hiếu khách. Một lòng hiếu khách hân hoan tưng bừng lễ hội, vì chúng ta biết rõ rằng không có niềm vui Kitô khi các cánh cửa đóng kín; không có niềm vui Kitô khi ta làm cho người khác thấy rằng họ không được mong muốn, hoặc không có chỗ cho họ nơi chúng ta (x. Lc 16:19-31).

Như Mẹ Maria ở tiệc cưới Cana, chúng ta hãy cố gắng để biết quan tâm hơn nơi các quảng trường, và trong các làng mạc chúng ta, và để ý đến những ai cuộc đời đã bị “nhạt phai”, lạc lối, hay bị cướp mất những lý do để hân hoan. Và chúng ta đừng sợ lên tiếng nói rằng “Họ hết rượu rồi”. Tiếng kêu của dân Chúa, tiếng kêu của người nghèo, là một hình thức cầu nguyện; nó mở rộng con tim chúng ta, và dạy chúng ta biết quan tâm nhiều hơn. Chúng ta hãy chú ý tới mọi tình huống bất công và những hình thức bóc lột mới có nguy cơ làm cho bao nhiêu anh chị em chúng ta bị cướp mất niềm vui lễ hội. Chúng ta hãy quan tâm trước những tình trạng công ăn việc làm bấp bênh, phá hủy những cuộc đời và các gia đình. Chúng ta hãy chú ý đến những kẻ lợi dụng tình trạng bất hợp lệ của nhiều người di dân, là những người không biết ngôn ngữ, hoặc không có giấy tờ hợp pháp. Chúng ta hãy quan tâm tới tình trạng thiếu nhà ở, đất đai, công ăn việc làm của bao nhiêu gia đình. Và như Mẹ Maria, với đức tin, chúng ta hãy lên tiếng: “Họ hết rượu rồi”.

Giống như những người hầu tại bữa tiệc Cana, chúng ta hãy dâng những gì chúng ta có, cho dù có vẻ ít ỏi. Giống như họ, chúng ta đừng e ngại “chìa ra một bàn tay”. Xin cho tình liên đới của chúng ta trong việc dấn thân cho công lý là một phần của điệu múa hoặc bài hát mà chúng ta có thể dâng lên Chúa chúng ta. Chúng ta hãy tận dụng cơ hội để học hỏi và biến những giá trị, sự khôn ngoan và đức tin mà người di dân đem theo với họ thành những thứ của chúng ta. Đừng đóng kín trước những “cái chum” đầy trí tuệ và lịch sử của những người di dân đang tiếp tục đổ xô đến vùng đất này. Chúng ta đừng để mất đi mọi thứ tốt lành mà họ có thể cống hiến.

Và chúng ta hãy để Chúa Giêsu có thể thực hiện phép lạ bằng cách biến các cộng đoàn và tâm hồn chúng ta thành những dấu chỉ sinh động về sự hiện diện của Ngài, một sự hiện diện hân hoan và tưng bừng, vì chúng ta cảm nghiệm rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta, vì chúng ta có chỗ cho Ngài giữa chúng ta. Đó là một niềm hân hoan lây lan khiến chúng ta không miễn trừ một ai khỏi sứ mệnh loan báo Tin Mừng này.

Xin Đức Maria, dưới những tước hiệu khác nhau ở vùng đất miền bắc được chúc phúc này, tiếp tục thì thầm bên tai Chúa Giêsu, là Con Mẹ: “Họ hết rượu rồi”, và xin cho lời Mẹ vẫn tiếp tục tìm được một chỗ nơi chúng ta: “Hãy làm bất cứ điều gì Người nói với bạn”.

[1] Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (Phúc Âm Hóa trong Thế Giới Hiện Đại), 48.
[2] Thánh Alberto Hurtado, Meditación Semana Santa para jóvenes (Suy niệm Phục sinh cho người trẻ)(1946).



Đức Giáo Hoàng nói chuyện với tuổi trẻ Chile

‘Hãy là những người Samaritanô, những người không bao giờ bước qua một ai đó đang nằm bên lề đường.’

Ngày 17 tháng 1, gặp tuổi trẻ Chile tại Đền Thờ Maipú ở Santiago sau khi từ Temuco trở về, Đức Giáo Hoàng đặt với họ câu hỏi đơn giản này: “Chúa Giêsu sẽ làm gì nếu ở vị trí của tôi?” vốn được coi như “khuôn vàng thước ngọc” của Thánh Alberto Hurtado, vị thánh được Đức Phanxicô viếng mộ hôm trước. 

Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài với giới trẻ Chile:

Này Ariel, cha cũng rất vui được hiện diện với con. Cám ơn con đã ngỏ lời chào mừng nhân danh mọi người có mặt. Cha là người biết ơn vì được chia sẻ lúc này với các con. Đối với cha, điều rất quan trọng là chúng ta gặp gỡ và cùng bước bên nhau một lúc. Chúng ta hãy giúp nhau nhìn về phía trước!

Cha vui mừng vì cuộc gặp gỡ này diễn ra ở đây, ở Maipú. Ở vùng đất này, nơi lịch sử của Chile bắt đầu bằng một cái ôm hôn âu yếm, trong ngôi đền này vốn vươn lên ở giao điểm bắc nam, nối liền tuyết và biển và là nhà của cả trời lẫn đất. Một ngôi nhà cho Chile, ngôi nhà cho các con, những người trẻ thân yêu, nơi Đức Mẹ Carmel đang đợi các con và chào đón các con với một trái tim rộng mở. Đức Mẹ đã cùng đồng hành với sự ra đời của quốc gia này và đã cùng đồng hành với rất nhiều người Chile trong suốt hai trăm năm nay như thế nào, ngài cũng muốn tiếp tục đồng hành với những giấc mơ mà Thiên Chúa đã đặt trong trái tim các con như thế: giấc mơ tự do, giấc mơ niềm vui, giấc mơ một tương lai tốt đẹp hơn: mong muốn, như con nói, Ariel, "làm những người chủ đạo của thay đổi". Làm những người chủ đạo. Đức Mẹ Núi Carmel đồng hành với các con để các con có thể là những người chủ đạo cho Chile mà trái tim các con hằng mơ ước. Cha biết rằng tâm điểm ước mơ của người trẻ Chile, và họ mơ những ước mơ lớn, là những vùng đất này làm nảy sinh những trải nghiệm lan rộng và nhân rộng khắp các quốc gia khác nhau trong lục địa của chúng ta. Ai đã gợi hứng cho những giấc mơ này? Đó là những người trẻ giống như các con, những người được gợi hứng để trải nghiệm cuộc phiêu lưu của đức tin. Vì đức tin kích thích nơi người trẻ các tâm tình phiêu lưu, một cuộc phiêu lưu mời gọi họ vượt qua những cảnh quan không thể nào tin được, những địa hình khắc nghiệt, hiểm trở. .. nhưng, lại một lần nữa, các con thích các phiêu lưu và thách thức! Dù sao, các con sẽ cảm thấy chán khi không có những thách thức để phấn khích các con. Chúng ta thấy điều này rõ ràng, ví dụ, bất cứ khi nào có thiên tai. Các con có một khả năng tuyệt vời trong việc huy động, đây là một dấu hiệu chắc chắn cho thấy lòng đại lượng của trái tim các con.

Trong thừa tác vụ giám mục của cha, cha đã được thấy không biết bao nhiêu ý tưởng tốt đẹp nơi những người trẻ, trong tâm trí họ. Những người trẻ rất bồn chồn; họ là những người tìm kiếm và duy lý tưởng. Vấn đề mà người lớn chúng ta có là, như thể mình biết hết, nên hay nói thế này: "Chúng nghĩ như vậy vì chúng còn trẻ; chúng vẫn còn cần phải lớn thêm". Như thể lớn thêm có nghĩa là chấp nhận sự bất công, là tin rằng không có gì có thể làm được, tin rằng đây là cách mọi việc luôn luôn diễn ra.

Vì hiểu ra tầm quan trọng xiết bao của người trẻ và các trải nghiệm của họ, nên năm nay cha muốn triệu tập một Thượng Hội Đồng, và trước hội đồng này, là cuộc họp mặt của người trẻ, để các con có thể cảm thấy, và thực sự là những người chủ đạo giữa lòng Giáo Hội. Để giúp gương mặt Giáo Hội được trẻ trung, không phải bằng cách sử dụng mỹ phẩm mà bằng cách để Giáo Hội được thách thức sâu xa bởi các con trai và con gái của mình, giúp Giáo Hội hàng ngày trung thành hơn với Tin Mừng. Giáo hội ở Chile cần các con xiết bao để "rung chuyển đất dưới chân chúng ta" và giúp chúng ta đến gần Chúa Giêsu hơn! Các câu hỏi của các con, các ước muốn hiểu biết của các con, các ước nguyện trở thành rộng lượng của các con, tất cả đều cần thiết để chúng ta đến gần Chúa Giêsu hơn. Tất cả chúng ta đều được mời gọi, một lần nữa, đến gần Chúa Giêsu.

Hãy để cha chia sẻ một câu chuyện với các con. Một ngày kia, chuyện vãn với một người đàn ông trẻ tuổi, cha hỏi anh ta loại sự vật nào làm anh ta bất hạnh. Anh ta nói với cha: "Khi điện thoại di động của con hết pin hoặc con bị mất nối kết với liên mạng". Cha hỏi anh ta: "Tại sao?" Anh ta trả lời: "thưa cha, thật đơn giản; con bỏ lỡ tất cả những gì đang diễn ra, con bị khóa kín khỏi thế giới, bị mắc kẹt. Trong những khoảnh khắc đó, con nhảy bổ, chạy đi tìm bộ sạc điện hoặc mạng Wi-Fi và mật khẩu để nối kết lại".

Điều này khiến cha nghĩ rằng cùng một điều có thể xảy ra với đức tin của chúng ta. Sau một thời gian rong ruổi cuộc hành trình hoặc sau nước rút lúc ban đầu, có những khoảnh khắc, dù không hay, "dãy sóng" của chúng ta bắt đầu loãng dần rồi chúng ta mất nối kết, mất điện; lúc ấy, chúng ta trở nên bất hạnh và mất đức tin, chúng ta cảm thấy chán nản và bơ phờ, và bắt đầu nhìn mọi thứ dưới một ánh sáng xấu. Khi chúng ta thiếu “nối kết” để sạc điện cho các ước mơ của mình, trái tim chúng ta bắt đầu nao núng. Khi pin của mình hết điện, chúng ta cảm thấy như bài hát vốn mô tả - "Tiếng ồn đàng sau và sự cô đơn của thành phố cắt chúng ta khỏi tất cả mọi thứ. Thế giới lùi lại, cố gắng lấn áp tôi và dìm chết mọi suy nghĩ và ý tưởng của tôi". [1]

Không có nối kết, với Chúa Giêsu, kết cục, chúng ta sẽ dìm chết các suy nghĩ và ý tưởng của chúng ta, các giấc mơ và đức tin của chúng ta, và như thế chúng ta sẽ trở nên nản lòng và bực bội. Là những người chủ đạo, mà chúng ta vốn là và muốn là - chúng ta có thể tiến tới chỗ cảm thấy rằng làm hay không làm bất cứ điều gì đều không có gì khác nhau. Chúng ta bắt đầu cảm thấy chúng ta "bị khóa kín khỏi thế giới", như người trẻ tuổi kia nói với cha. Điều làm cha lo lắng là, khi mất "nối kết", nhiều người nghĩ rằng họ không có gì để cung hiến; họ cảm thấy mất hết. Các con đừng bao giờ nghĩ rằng các con không có gì để cung hiến hoặc không ai quan tâm đến các con.

Đừng bao giờ! Ý nghĩ đó, như Alberto Hurtado thường nói, "là tiếng nói của ma quỷ", kẻ muốn làm cho các con cảm thấy các con vô giá trị. .. và duy trì mọi thứ như chúng hiện là. Tất cả chúng ta đều cần thiết và quan trọng; tất cả chúng ta đều có điều gì đó để cung hiến.

Người trẻ tuổi trong Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay muốn có sự "nối kết" đó để giúp họ duy trì ngọn lửa trong trái tim họ sống động. Họ muốn biết cách sạc điện cho các ổ điện trong trái tim họ. Thánh Anrê và người đệ tử kia – tên không được cung cấp, để chúng ta có thể tưởng tượng mỗi người chúng ta là người "đệ tử" ấy - đang tìm kiếm mật khẩu để nối kết với Đấng vốn là "đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14: 6). Chính Thánh Gioan Tẩy Giả đã chỉ cho họ thấy đường đi. Cha tin rằng các con cũng có một vị thánh vĩ đại có thể là người hướng dẫn của các con, một vị thánh đã biến đời mình thành một bài ca: "Lạy Chúa, con hạnh phúc, con hạnh phúc". Alberto Hurtado đã có một luật vàng, một luật làm cho trái tim của ngài sáng rực ngọn lửa giữ cho niềm vui luôn sống động. Vì Chúa Giêsu là lửa đó; tất cả những ai tiến lại gần nó đều được bừng cháy lên.

Mật khẩu của Hurtado khá đơn giản - nếu điện thoại của các con đã bật lên, cha muốn các con ghi mật khẩu này vào. Ngài hỏi: "Chúa Kitô sẽ làm gì nếu ở vị trí của tôi?" Ở trường học, ở đại học, khi ở ngoài trời, khi ở nhà, giữa các bạn bè, khi làm việc, khi bị chế giễu: "Chúa Kitô sẽ làm gì nếu ở vị trí của tôi?" Khi các con nhảy múa, khi các con đang chơi hoặc xem thể thao: "Chúa Kitô sẽ làm gì nếu ở vị trí của tôi?"

Người là mật khẩu, nguồn năng lượng sạc điện cho trái tim chúng ta, đốt cháy niềm tin của chúng ta và làm cho đôi mắt của chúng ta sáng ngời. Đó là ý nghĩa của việc trở thành người chủ đạo trong lịch sử. Mắt của chúng ta sáng ngời, vì chúng ta đã khám phá ra rằng Chúa Giêsu là nguồn sự sống và sự vui mừng. Các người chủ đạo của lịch sử, vì chúng ta muốn truyền lại sự sáng ngời kia cho những trái tim đã trở nên lạnh giá và ảm đạm đến nỗi họ đã quên mất thế nào là hy vọng, cho tất cả những trái tim "đã hóa ra chết" và chờ đợi ai đó đến và thách thức họ bằng một điều gì đó đáng giá. Là người chủ đạo có nghĩa là làm những gì Chúa Giêsu đã làm.

Dù các con ở bất cứ đâu, ở với bất cứ ai, và bất cứ khi nào các con gặp nhau: "Chúa Giêsu sẽ làm gì?" Cách duy nhất không quên mật khẩu là sử dụng nó đi và sử dụng nó lại nhiều lần. Ngày qua ngày. Sẽ đến lúc các con thuộc lòng nó, và có ngày, dù không nhận ra, trái tim các con sẽ đập như trái tim Chúa Giêsu.

Nghe một bài giảng hay học hỏi một câu trả lời từ sách giáo lý là điều không đủ; chúng ta muốn sống theo cách Chúa Giêsu đã sống. Để làm điều đó, người trẻ trong Tin Mừng hỏi: "Lạy Chúa, Chúa ở đâu?" (Ga 1:38). Chúa sống thế nào? Chúng ta muốn sống như Chúa Giêsu, với tiếng "xin vâng" khiến lòng chúng ta rung động ấy. Để đặt mình lên tuyến đầu, để chấp nhận rủi ro. Các bạn trẻ thân mến, hãy can đảm lên, hãy ra đi gặp gỡ bạn bè, những người các con không biết, hoặc những người đang gặp rắc rối.

Hãy ra đi với lời hứa duy nhất chúng ta hiện có: bất cứ nơi nào các con ở - trong sa mạc, đang hành trình, giữa sự phấn khích, các con sẽ luôn luôn được "nối kết"; sẽ luôn có một "nguồn điện lực". Chúng ta sẽ không bao giờ cô đơn. Chúng ta sẽ luôn luôn hưởng được tình đồng hành của Chúa Giêsu, của Mẹ Người, và của cộng đồng. Chắc chắn, cộng đồng không hoàn hảo, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không có bao nhiêu để yêu thương và để hiến tặng người khác.

Các bạn thân yêu, những người trẻ thân yêu: "Hãy là những Samaritanô trẻ tuổi, những người không bao giờ bước qua một ai đó đang nằm bên lề đường. Hãy là những Simon Cyrênê trẻ tuổi, những người giúp Chúa Kito vác thập giá của Người và giúp làm giảm các đau khổ của các anh chị em mình. Hãy như Giakêu, người đã chuyển hướng trái tim mình từ chủ nghĩa duy vật qua tình yêu liên đới. Hãy như Mary Mađalêna trẻ tuổi, tìm kiếm yêu thương một cách say mê, người chỉ tìm thấy nơi Chúa Giêsu những câu giải đáp mình cần. Hãy có trái tim của Thánh Phêrô, để các con có thể bỏ lưới của mình lại bên hồ. Hãy có tình yêu của Thánh Gioan, để các con có thể đặt mọi ưu tư của các con ở nơi Người. Hãy có sự cởi mở của Đức Maria, để các con có thể hát vì vui và làm theo ý Chúa. [2]

Các bạn thân mến, cha muốn ở lại lâu hơn. Cảm ơn các con vì buổi gặp gỡ này và vì sự vui vẻ của các con. Cha xin các con một điều: vui lòng nhớ cầu nguyện cho cha.

__________________

[1] LA LEY, Aquí. 

[2] Đức Hồng Y RAÚL SILVA HENRÍQUEZ, Mensaje a los jóvenes (7 October 1979). [00058-EN.01] 

[Nguyên bản: Tiếng Tây Ban Nha]

© Libreria Editrice Vatican