Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

Ngày thứ hai chuyến tông du của Đức Phanxicô tại Chile

Filled under:

Hãng Associated Press cung cấp bản tin hàng giờ ngày thứ hai của Đức Phanxicô tại Chile mà điểm nổi bật là ngài lên tiếng xin lỗi về tệ nạn một số linh mục lạm dụng tình dục trẻ em, một cuộc lạm dụng, theo ngài, gây nhiều âm hưởng tiêu cực nhất tại Chile hơn ở bất cứ nơi nào khác. 

6.00 giờ sáng

Vào thứ Ba hôm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ bị áp lực phải trực diện với tai tiếng giáo sĩ lạm dụng tình dục tại Chile, một quốc gia đa số dân theo Công Giáo Rôma nhưng hiện nay niềm hoài nghi và thậm chí khinh thường Giáo Hội mỗi ngày mỗi gia tăng. 

Nhiều người Chile rất bất bình trước quyết định năm 2015 của ngài bổ nhiệm một vị giám mục thân thiết với cha Fernando Karadima, một linh mục bị Vatican kết tội lạm dụng hàng chục vị thành niên trong nhiều thập niên.

Đức Cha Juan Barros của giáo phận Osorno luôn bác bỏ việc ngài biết những gì cha Karadima làm khi ngài còn ở dưới sự dìu dắt của cha, nhưng nhiều người Chile không tin như thế.

Massimo Faggioli, một chuyên viên về Vatican và là giáo sư thần học tại Đại Học Villanova ở Philadelphia, cho hay: “Lạm dụng tình dục là điểm yếu nhất của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về phương diện khả tín tính của ngài. Thật ngạc nhiên nếu Đức Giáo Hoàng và đoàn tùy tùng của ngài không hiểu rằng các ngài cần phải nói rõ hơn về vấn đề này”. 

9.00 giờ sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang khẩn khoản xin người Chile tha thứ cho “sự thiệt hại không thể sửa chữa” gây ra cho các trẻ em từng bị một số linh mục lạm dụng tình dục. 

Đức Phanxicô mở đầu chuyến viếng thăm Chile hôm thứ Ba bằng cách trực tiếp nhắc đến việc lạm dụng tình dục trong bài diễn văn trước Tổng Thống Michelle Bachelet, các nhà lập pháp, các chánh án và nhiều giới chức Chile khác. Vụ tai tiếng này đã xói mòn tính khả tín của Giáo Hội Công Giáo tại đây và phủ một bóng đen lên chuyến viếng thăm của ngài, chuyến viếng thăm đầu tiên của 1 vị giáo hoàng trong 3 thập niên qua.

Đức Phanxicô nói rằng ngài cảm thấy “có bổn phận phải nói lên nỗi đau đớn và xấu hổ của tôi trước sự thiệt hại không thể nào sửa chữa được gây ra cho các trẻ em bởi một số thừa tác viên của Giáo Hội.” Ngài nói ngài tham gia với các vị giám mục anh em trong việc xin tha thứ, hỗ trợ các nạn nhân và bảo đảm việc lạm dụng sẽ không xẩy ra nữa. 

Giáo Hội Công Giáo ở Chile bắt đầu bị mất uy tín từ năm 2010, khi người ta thấy giáo hội này che đậy một linh mục nổi tiếng và có ảnh hưởng mạnh nhưng đã lạm dụng tình dục các vị thành niên tại giáo xứ nổi danh Santiago của ngài. Cuối cùng, vào năm 2011, Vatican đã trừng phạt vị linh mục này là cha Fernando Karadima, nhưng Giáo Hội vẫn bị tai tiếng.

9:10 giờ sáng

Ba nhà thờ đã bị bom lửa ở Chile trong ngày đầy đủ đầu tiên của Đức Phanxicô tại Chile. 

Các nhà cầm quyền cho biết hai nhà thờ bị cháy sáng sớm ngày thứ Ba tại vùng Araucania ở phía nam. Đức Giáo Hoàng sẽ tới thăm người bản địa Mapuches vào hôm thứ Tư tại Temuca, thù phủ của vùng Araucania. Nhà thờ thứ ba bị tấn công tọa lạc tại Puento Alto, phía nam Santiago.

Chín nhà thờ, kể cả ba nhà thờ trên, đã bị tấn công tại Chile kể từ thứ Sáu vừa rồi. 

Trong các năm gần đây, người Mapuche đã đốt nhiều nhà thờ để khuấy động việc đòi lại đất đai của tổ tiên và ngôn ngữ của họ được thừa nhận. Hiện không rõ ai đứng đàng sau ba vụ cháy vừa xẩy ra.

11:05 giờ sáng

Cảnh sát ở thủ đô Chile đang bắt hàng chục người biểu tình gần công viên nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành Thánh Lễ. 

Một nhiếp ảnh viên của A.P. có mặt tại hiện trường thấy cảnh sát bắt giữ hàng chục người đang diễn hành về phía Plaza O’Higgins.

Thoạt đầu, cảnh sát bắn hơi cay vào một nhóm khoảng 100 người, lúc họ đang cách công viên chừng mấy dẫy phố. Các nhà chức trách ước lượng có khoảng 400,000 người tham dự Thánh Lễ. 

Sau khi bắn hơi cay, các viên chức đã ùa vào và thực hiện các cuộc bắt giữ. 

Các người biểu tình mang các biểu ngữ viết những câu như “Hãy đốt, giáo hoàng!” và “chúng tôi bất cần giáo hoàng!”

Hôm thứ Hai, một vài nhóm nói rằng họ dự tính diễn hành và phản đối trong Thánh Lễ. 

12:45 giờ trưa

Ít nhất một số người Chile hoan nghinh lời xin lỗi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về việc một số linh mục lạm dụng tình dục các vị thành niên.

Cụ Cecilia Briseno Pizarro, 88 tuổi, tham dự Thánh Lễ trong đó Đức Giáo Hoàng đưa ra lời xin lỗi. Cụ nói rằng nhiều người Chile mong Đức Giáo Hoàng nói điều ngài vừa nói.

Nữ trợ tá 55 tuổi, Monica Reyes, thì cho rằng Đức Phanxicô làm một việc đúng. Lời bà: “Khi người ta mắc lỗi, điều cần là họ xin sự tha thứ.”

Một số tờ báo đặt lời xin lỗi của Đức Giáo Hoàng lên trang đầu. 

Đức Phanxicô từng làm nhiều người Chile phẫn nộ khi ngài bổ nhiệm một vị giám mục có liên hệ thân thiết với cha Fernando Karadima, người lạm dụng tình dục trẻ em tai tiếng nhất Chile. 

Đức Phanxicô không nhắc gì tới việc bổ nhiệm Đức Cha Juan Barros, người cũng tham dự Thánh Lễ do Đức Phanxicô cử hành vào buổi sáng. 

3:35 giờ chiều

Vị giám mục ở tâm điểm cuộc tranh cãi có ảnh hưởng tới vị thế của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ở Chile đang lên tiếng tự bênh vực mình. 

Đức Cha Juan Barros tham dự Thánh Lễ do Đức Phanxicô cử hành hôm thứ Ba tại Santiago, thủ đô Chile. Trên đường rời khỏi lễ đài, Đức Cha nói với các phương tiện truyền thông địa phương rằng “Nhiều lời dối trá đã được đưa ra về tôi.”

Cũng như trong quá khứ, Đức Cha Barros nói rằng ngài không mục kích bất cứ sự lạm dụng nào của cha Fernando Karadima cả. Đức Cha Barros là một trong ít linh mục được cha Karadima huấn luyện.

Năm 2011, cha Karadima bị Vatican kết tội lạm dụng tình dục hàng chục vị thành niên trong nhiều thập niên.

Năm 2015, Đức Phanxicô làm nhiều người Chile ngạc nhiên và nổi giận khi ngài bổ nhiệm Đức Cha Barros làm giám mục Osorno, một thành phố ở phía nam. Vị giám mục này luôn cho rằng ngài không biết các hành vi của cha Karadima. 

4:40 giờ chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang nói với các tù nhân ở nhà tù phụ nữ rằng họ không nên mất hy vọng hay phẩm giá của mình chỉ vì họ mất tự do.

Đức Phanxicô nói với các nữ tù nhân trong cuộc viếng thăm hôm thứ Ba rằng ai cũng là người có tội cả, và thay đổi là điều luôn có thể làm được. Ngài nói: “không ai có thể lấy mất phẩm giá của các con.” Ngài kêu gọi không nên sử dụng án tù chỉ như một hình phạt, mà là cơ hội để tù nhân học các nghề nghiệp mới để họ có thể tái gia nhập xã hội khi họ mãn án tù. 

Đức Phanxicô năng viếng các trại giam khi tông du ngoại quốc, coi như thành phần của thừa tác vụ đối với những người bị đẩy ra lề xã hội nhiều hơn cả. Cuộc viếng thăm này là cuộc viếng thăm một cơ sở phụ nữ đầu tiên của ngài và là một cộc viếng thăm đầy xúc động. Nhiều phụ nữ khóc nức nở, và chính Đức Phanxicô cũng nghẹn lời khi các phụ nữ này hát một ca khúc chính họ sáng tác cho ngài.

Một đại diện nữ tù nhân, Janeth Zurita Interna, nói rằng chị muốn công khai xin lỗi về các tội chị phạm và xin dành cho các trẻ em đang lớn lên trong nhà tù với các người mẹ của các em được hưởng lòng thương xót. Chị nói: “chúng con biết Thiên Chúa tha thứ cho chúng con, nhưng chúng con xin xã hội cũng làm như thế nữa”. 

5:40 giờ chiều

Đức Giáo Hoàng đang nói với các linh mục của Chile rằng việc lạm dụng tình dục trẻ em không những gây đau đớn cho các nạn nhân mà thôi, còn gây đau đớn cho chính các linh mục những người chịu trách nhiệm tập thể đối với tội ác của một thiểu số.

Trong cuộc gặp gỡ hôm thứ Ba tại Nhà Thờ Chính Tòa Santiago, Đức Phanxicô thúc giục các linh mục và nữ tu can đảm xin tha thứ về việc lạm dụng và “sự sáng suốt để gọi thực tại bằng chính tên của nó.”

Đức Phanxicô kết án “cỏ lùng sự ác” đang mọc lên do kết quả vụ tai tiếng, và ngài đánh giá cao cung cách giáo hội đáp ứng hiện tượng này. Ngài nói tai tiếng này đặc biệt gây đau đớn “vì sự thiệt hại và các đau đớn của các nạn nhân và gia đình họ; những người này thấy niềm tin tưởng họ đặt nơi các thừa tác viên của Giáo Hội bị phản bội. Cũng đau đớn vì sự đau đớn của các cộng đồng giáo hội, và đau đớn cho anh chị em, những người, sau khi làm việc vất vả, thấy sự thiệt hại này dẫn tới việc hoài nghi và thắc mắc; nơi nhiều người trong anh chị em, điều này từng là nguồn hoài nghi, sợ sệt và thiếu tự tin.”

Ngài nói có lúc, một số vị còn bị làm nhục ngay tại hệ thống xe điện ngầm và mang áo dòng, các vị “phải trả một giá đắt”. Nhưng ngài thúc giục các vị tiếp tục tiến bước.


Hàng trăm ngàn người Á Căn Đình qua Chí Lợi gặp Đức Thánh Cha
Hàng trăm ngàn người Á Căn Đình đã và đang vượt qua biên giới Chí Lợi để gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nguyên Tổng Giám Mục Buenos Aires, vì ngài vẫn chưa trở về cố hương mặc dù đã ghé thăm nhiều nước Mỹ Latinh kể từ khi được bầu làm Giáo Hoàng cách đây gần 5 năm.

Đức Giáo Hoàng đầu tiên của Mỹ Châu Latinh đã thực hiện chuyến tông du đầu tiên bên ngoài Italia bốn tháng sau cuộc bầu cử Giáo Hoàng. Đó là chuyến đi đến Ba Tây từ ngày 22 đến ngày 29 tháng 7, năm 2013. Ngài đã đến thăm Bolivia, Ecuador, Paraguay, Mễ Tây Cơ, Cuba và Colombia, và sẽ đến Peru sau khi thăm Chí Lợi.

Để không bị lôi kéo vào thứ chính trị rất nhạy cảm của Á Căn Đình, ngài vẫn chưa sắp xếp một chuyến trở về cố hương của ngài, là nước có nền kinh tế lớn thứ ba của châu Mỹ Latinh và là đất nước lớn thứ tư về dân số tại đại lục này.

Hôm thứ Năm 12 tháng Giêng, khi được hỏi lý do tại sao Đức Giáo Hoàng vẫn chưa đến thăm Á Căn Đình, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, nói rằng Đức Giáo Hoàng sẽ bay qua Á Căn Đình trên đường tới Chí Lợi và theo thông lệ, ngài sẽ gửi một thông điệp từ máy bay đến nhà lãnh đạo quốc gia. Ông Burke nói: “Đó sẽ là một bức điện tín thú vị.”

Đức Giáo Hoàng đã từng gặp tổng thống Á Căn Đình Mauricio Macri tại Vatican. Nhưng là một người phê bình mạnh mẽ chủ nghĩa tư bản toàn cầu, Đức Giáo Hoàng giữ một khoảng cách trong mối quan hệ với Macri, là người thuộc một dòng họ giàu có nhất Á Căn Đình.

Cô Mariano Garcia, 36 tuổi, điều phối viên quốc gia về thanh thiếu niên của Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình, cho thông tấn xã Reuters biết ít nhất 40,000 người trẻ Á Căn Đình đã ghi danh tham dự các chuyến đi sang Chí Lợi tại các thành phố mà Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm.

“Cuộc viếng thăm này rất quan trọng đối với giới trẻ Á Căn Đình”, Garcia nói. “Đức Thánh Cha Phanxicô là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại, không chỉ dành cho những người trẻ trong Giáo Hội Công Giáo mà còn cho tất cả những người trẻ tuổi.”

Ông Sergio Rubin, một ký giả Á Căn Đình của tờ Diario Clarín, ở thủ đô Buenos Aires, là người đã từng tường thuật các chuyến tông du tại châu Mỹ Latinh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và đặc biệt là các chuyến tông du của Ðức Thánh Cha Phanxicô tại các nước Mỹ Latinh, nói:

“Chúng tôi có 5,300 km đường biên giới với Chí Lợi dọc theo hầu hết chiều dài của quốc gia này. Đây là đường biên giới dài thứ ba trên thế giới chỉ sau đường biên giới dài nhất là giữa Hoa Kỳ và Canada, và thứ nhì là đường biên giới giữa Nga và Kazakhstan. Cho nên, hàng trăm ngàn người sẽ vượt qua biên giới để gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô. Đó là chưa kể những người đi máy bay từ Buenos Aires.”

Khi được hỏi về các cuộc biểu tình tại Santiago chống lại chuyến tông du của Đức Thánh Cha với lý do là chi phí tổ chức quá cao, ông Sergio cho biết:

“Đó là thứ chính trị bẩn thỉu của đảng Xã Hội Chí Lợi đang cầm quyền. Trong 5 chuyến tông du của Đức Thánh Cha tới Mỹ Châu Latinh trước đây, chính phủ của bà Michelle Bachelet liên tục nhắc với các Giám Mục là chưa thuận lợi cho một chuyến thăm của ngài. Thế rồi thì tháng 11 năm ngoái có tổng tuyển cử, bầu cả tổng thống lẫn lưỡng viện Quốc Hội, cho nên tháng 6 họ lại gởi giấy mời sang Vatican, để mua phiếu người Công Giáo. Rồi cuối cùng họ lại xì ra chi phí tổ chức để đánh gục đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo.”

Ông Sergio cho biết thêm: “Tất cả 31 nước Đức Thánh Cha đã từng đi thăm đều tốn một số chi phí gần như nhau. Tại sao ngay cả ở Miến Điện, nơi đa số dân theo Phật Giáo, và tại Bangladesh nơi hầu hết người dân theo Hồi Giáo, dân chúng không kêu ca? Chí Lợi là một quốc gia rất giàu có, 2 phần 3 dân chúng là người Công Giáo, thu nhập bình quân đầu người của họ lại cao hơn ở Miến Điện đến 6 lần. Tại sao họ chỉ nghĩ đến chi phí phải bỏ ra mà không tính đến khoản thu nhập từ hàng trăm ngàn người Á Căn Đình đổ vào Chí Lợi trong những ngày này? Ở Miến Điện và Bangladesh, chắc chắn người ta không có được những khoản thu như thế này đâu.”


Bài giảng của Đức Thánh Cha tại công viên O'Higgins thứ Ba 16/1/2018


Sáng ngày thứ Ba 16 tháng Giêng, sau thánh lễ sáng tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn tại Dinh Moneda vào lúc 8h20. Lúc 10h30, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ tại công viên O'Higgins với sự tham dự của hơn nửa triệu người.


Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


“Khi Chúa Giêsu nhìn thấy đám đông dân chúng...” (Mt 5, 1). Trong những lời đầu tiên này của bài Phúc Âm ngày hôm nay, chúng ta khám phá ra cách thế Chúa Giêsu muốn gặp gỡ chúng ta, đường lối Thiên Chúa luôn luôn gây bất ngờ cho dân Ngài (xem Ex 3: 7). Điều đầu tiên Chúa Giêsu làm là nhìn ra và thấy khuôn mặt dân Người. Những khuôn mặt đánh thức tình yêu nội tâm của Thiên Chúa. Trái tim của Chúa Giêsu không rung động bởi các ý tưởng hay những khái niệm, nhưng bởi những khuôn mặt, những con người đang khát khao sự sống mà Chúa Cha muốn ban cho chúng ta.

Khi Chúa Giêsu nhìn thấy đám đông dân chúng, Ngài nhìn đến khuôn mặt của những môn đệ Người, và điều nổi bật nhất là các ngài, về phần mình, thấy được trong ánh mắt của Chúa Giêsu tiếng vang những ước vọng của họ. Cuộc gặp gỡ này làm phát sinh danh sách các Mối Phúc Thật, là chân trời mà chúng ta được mời gọi và thách thức để vươn tới. Các Mối Phúc không phải là thành quả của một thái độ thụ động đứng trước thực tại, hay đơn thuần là kết quả thu hoạch được của một người quan sát, đang góp nhặt các thống kê buồn thảm về những gì đang xảy ra. Các Mối Phúc cũng không phải là thành quả của những tiên tri loan báo tai ương, là những kẻ chỉ hài lòng với việc gieo vãi những thất vọng. Các Mối Phúc ấy cũng không nảy sinh từ những ảo ảnh hứa hẹn hạnh phúc mà chỉ cần nhấn một cái trong nháy mắt là có ngay. Trái lại các Mối Phúc Thật nảy sinh từ tâm hồn cảm thương của Chúa Giêsu, đang gặp gỡ tâm hồn những người nam nữ tìm kiếm và khát khao một đời sống hạnh phúc; những người biết đau khổ là gì, những người ngỡ ngàng và đau đớn khi mặt đất dưới chân họ rung chuyển, hay khi những giấc mơ của họ bị cuốn trôi đi, khi những chắt chiu trọn cuộc sống của họ bất chợt tan biến; và cả từ những người biết kiên trì và chiến đấu để tiếp tục tiến bước, biết tái thiết và bắt đầu lại.

Cơ man con tim của người dân Chí Lợi biết xây dựng lại và bắt đầu lại! Cơ man những anh chị em biết đứng dậy sau nhiều lần vấp ngã! Đó là những trái tim mà Chúa Giêsu đang ngỏ lời; đó chính là trái tim mà các Mối Phúc Thật muốn nói đến!

Các Mối Phúc Thật không phải là kết quả của một thái độ quá khích hoặc những lời “rẻ tiền” của những người tưởng là biết hết mọi sự nhưng lại không muốn dấn thân làm gì hoặc với một ai, và chung cuộc họ ngăn cản mọi cơ may tạo nên những tiến trình biến đổi và tái thiết trong các cộng đoàn và trong đời sống chúng ta. Các Mối Phúc Thật phát sinh từ trái tim từ bi, không ngừng hy vọng, một con tim cảm thấy rằng hy vọng chính là ngày mới, là sự xua đi thái độ bất động, rũ bỏ thái độ cam chịu tiêu cực. (Pablo Neruda, El habitante y su esperanza, 5).

Chúa Giêsu, khi tuyên bố phúc cho những người nghèo, người đau khổ, bị thương tổn, bệnh nhân, người có lòng thương xót. .. muốn xua tan quán tính đang làm tê liệt những người không còn niềm tin nào nơi quyền năng biến đổi của Thiên Chúa Cha chúng ta, và cũng chẳng còn tin vào những anh chị em của họ, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất và bị bỏ rơi. Chúa Giêsu, khi công bố các Mối Phúc Thật, muốn xua tan nơi chúng ta thái độ tiêu cực đó, là cảm thức cam chịu khiến chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn nếu chúng ta thoát khỏi những vấn đề của chúng ta, tránh xa người khác, ẩn náu trong cuộc sống thoải mái của chúng ta, và làm lu mờ các cảm thức của chúng ta bằng chủ nghĩa tiêu thụ (x. Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 2). Ý thức trùm chăn có khuynh hướng cô lập chúng ta khỏi những người khác, phân chia và tách biệt chúng ta, làm chúng ta đui mù với cuộc sống quanh mình và những đau khổ của người khác.

Các Mối Phúc Thật là ngày mới cho tất cả những ai nhìn về tương lai, những ai tiếp tục mơ ước, những ai để cho mình được cảm động và được sai đi bởi Thánh Linh của Thiên Chúa.

Thật tốt là dường nào nếu chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa Giêsu đang đến từ núi Cierro Renca hay Puntilla để nói với chúng ta rằng phúc cho anh, cho chị, cho em. ... Phúc cho các ngươi, nếu được Thần Khí của Thiên Chúa thúc đẩy, các ngươi biết tranh đấu và làm việc cho ngày mới đó, cho một Chí Lợi mới, vì nước các ngươi sẽ là nước thiên đàng. “Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5,9).

Hãy chống lại thái độ cam chịu giống như một dòng nước ngầm làm tiêu tan những mối quan hệ sâu xa nhất của chúng ta và chia rẽ chúng ta, Chúa Giêsu nói với chúng ta: Phúc cho những ai hoạt động cho sự hòa giải. Phúc cho những người sẵn sàng xắn tay áo hoạt động để những người khác được sống trong an bình. Phúc cho những người cố gắng không gieo rắc chia rẽ. Đó là cách mà các Mối Phúc Thật dạy chúng ta trở thành những người xây dựng hòa bình; mời gọi chúng ta dấn thân để mở rộng hơn bao giờ tinh thần hòa giải giữa chúng ta. Anh chị em có muốn được chúc phúc không? Anh chị em có muốn được hạnh phúc không? Phúc cho những ai hoạt động để người khác có thể được hạnh phúc. Anh chị em có muốn hòa bình? Nếu muốn hãy nỗ lực cho hòa bình.

Ở đây tôi không thể không đề cập đến một vị giám mục lớn của Santiago, là người mà trong một buổi kinh chiều tạ ơn Te Deum đã từng nói: “Nếu bạn muốn hòa bình, hãy hoạt động cho công lý. .. Và nếu ai đó hỏi chúng ta: ‘công lý là gì?’ Hoặc phải chăng công lý chỉ là chuyện ‘Đừng trộm cắp’, chúng ta sẽ nói với họ rằng còn có một loại công lý khác: đó là công lý đòi hỏi mọi người nam nữ phải được đối xử bình đẳng như vậy” (Đức Hồng Y Rausl Silva Henríquez, Bài giảng tại buổi kinh chiều tạ ơn Te Deum, ngày 18 tháng 9 năm 1977).

Hãy gieo trồng hòa bình bằng sự gần gũi, bằng việc đi ra khỏi nhà, để quan sát các khuôn mặt, gặp gỡ những người đang khó khăn, những ai không được đối xử như con người, như một người con xứng đáng của đất nước này. Đó là cách thức duy nhất chúng ta có để dệt lên một tương lai hòa bình, một kiến trúc không bao giờ tan rã. Người kiến tạo hòa bình biết rằng quá thường khi cần phải vượt qua được những lỗi lầm lớn nhỏ hay những tham vọng xuất phát từ lòng khao khát quyền lực hay thói háo danh “lấy tiếng cho riêng mình”, hay do mong muốn trở nên quan trọng với giá mà người khác phải trả. Người kiến tạo hòa bình biết rằng thật không dễ để nói: “Tôi không làm tổn thương bất cứ ai”. Như Thánh Alberto Hurtado đã từng nói: “Rất tốt để không làm sai, nhưng rất xấu nếu không làm điều tốt” (Meditación radial, April 1944).

Xây dựng hòa bình là một tiến trình liên kết chúng ta và kích thích tinh thần sáng tạo của chúng ta để tạo nên những tương quan có khả năng nhìn người láng giềng không phải như một người xa lạ, vô danh, nhưng như là một người con của đất nước này.

Chúng ta hãy phó dâng cho Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, là Đấng từ đỉnh Cerro San Cristóbal đang theo dõi và đồng hành cùng với thành phố này. Cầu xin Mẹ giúp chúng ta sống và khát khao tinh thần của các Mối Phúc Thật, để từ mọi góc của thành phố này chúng ta sẽ nghe, giống như một lời thì thầm nhẹ nhàng: “Phúc cho những người kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt. 5: 9).