Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 31/12/2020

Filled under:

 



Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 31/12/2020
" Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi" (Ga 1, 1-18).
Hôm nay là ngày lễ Giáng Sinh, những người chăn chiên đã được ông chủ cho về nhà vui đón Giáng sinh với gia đình. Vì thế ông chủ phải tự dắt đàn chiên đi ăn. Thấy người lạ, đàn chiên hoảng loạn chạy tứ tán. Thấy vậy, ông chủ liền mặc lấy chiếc áo rách, chiếc nón cũ của người chăn, đàn chiên lập tức đi theo ông.
Ngôi Hai Thiên Chúa đã trở thành một con người thật sự. Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa phàm nhân.
Theo bản tính nhân loại: Chúa Giêsu đã được sinh ra ở làng quê Belem bé nhỏ, nước Do Thái do một Trinh Nữ tên là Maria và một dưỡng phụ là Giuse. Chúa Giêsu đã sống ẩn dật ba mươi năm ở Nazareth, ba năm đi rao giảng nước Thiên Chúa rồi cũng bị bắt bớ, đánh đập và chết trên Thập Giá, an táng trong huyệt đá.
Cảm nhận tin mừng: Thánh sử Gioan đã giúp chúng con thêm niềm tin vào Ðức Kitô là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến làm người để đem ơn cứu rỗi đến cho chúng con là kẻ tội lỗi.
Lạy Chúa Giesu Thánh Thể. Năm cũ đã qua và năm mới đang đến. Chúng con xin tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho chúng con. Xin cho chúng con đức tin mạnh mẽ hơn. Chính Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể đem tình thương tha thứ vô biên đến cho mỗi người chúng con. Amen.

31 Tháng Mười Hai

Lẽ Sống

 

Ngày xưa có một ông vua, tuổi đã quá ngũ tuần mà vẫn chưa xem được một quyển sách nào. Bộ sách mà ông thèm khát được đọc nhất là bộ "Lịch sử loài người". Nhưng khốn nỗi, cuộc đời của ông, từ mái đầu xanh cho đến tóc điểm bạc, không lúc nào được rảnh rang. Ðời ông luôn luôn sống trên lưng ngựa, nằm sương, gối tuyết trên bãi chiến trường. Nay chinh phục nước này, mai ngăn chặn nước kia xâm lăng. Mắt ông chỉ thấy có gươm giáo và máu lửa. Ông rất ân hận vì chưa đọc được một trang sách của thánh hiền... Nay nước nhà đã hòa bình, ông muốn dành thời giờ còn lại để đọc cho kỳ được bộ lịch sử loài người, để xem con người xưa nay sống để làm gì? Nhưng tuổi ông đã cao, mà bộ sách lại quá dày. Biết sức mình không thể đọc hết bộ sách, cho nên nhà vua mới ra lệnh cho viên sử thần làm hộ cho mình công việc ấy. Với sự giúp đỡ của một ban gồm 50 người, viên sử thần mới bắt tay ngày đêm miệt mài đọc sách.

 

Sau 10 năm cắm cúi đọc sách, viên sử thần đã có thể tóm tắt bộ lịch sử loài người thành 10 quyển sách, và cho mang vào trình lên nhà vua. Nhưng vừa nhìn thấy 10 quyển sách và đo lường tuổi tác của mình, nhà vua lại cảm thấy không đủ sức để đọc hết bộ sách đã được rút ngắn. Nhà vua mới đề nghị cho ủy ban làm việc thêm một thời gian nữa. Sau 5 năm làm việc thêm, ủy ban đã có thể tóm lược lịch sử loài người thành 5 quyển. Nhưng khi ủy ban mang 5 quyển sách vào ra mắt nhà vua, thì cũng chính là lúc nhà vua đang hấp hối trên giường bệnh. Biết mình không thể đọc được dù một trang, nhà vua mới thều thào nói với viên trưởng ban tu sử hãy tóm tắt bộ lịch sử loài người thành một câu mà thôi. Vị trưởng ban tu sử mới tâu với nhà vua như sau: "Hạ thần xin vâng mạng. Lịch sử loài người từ khai thiên lập địa đến giờ là: loài người sinh ra để khổ rồi chết". Nhà vua gật đầu. Ðôi môi khô héo của nhà vua bỗng nở nụ cười mãn nguyện... rồi tắt thở. Và giữa lúc ấy, vị trưởng ban tu sử cũng nấc lên mấy tiếng rồi trút hơi thở cuối cùng.

 

Hôm nay là ngày cuối năm. Nhìn lại một năm qua với không biết bao đói khổ, chiến tranh, chết chóc cho nhân loại cũng như cho chính bản thân, có lẽ cũng có nhiều người đi đến kết luận bi quan như viên trưởng ban tu sử trong câu chuyện trên đây: "Loài người sinh ra để khổ rồi chết".

 

Ði qua một đoạn đường trong cuộc lữ hành trần gian, Giáo Hội muốn chúng ta mặc lấy thái độ hân hoan và lạc quan. Bài ca trên môi miệng của chúng ta trong ngày hôm nay không phải là bài ca bi ai, tả oán, mà phải là bài ca "Te Deum", ngợi khen Chúa, cảm tạ Chúa. Ngợi khen Chúa, cảm tạ Chúa bởi vì vinh quang của Ngài là con người được sống. Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải của người chết.

 

Không chối bỏ thực tại của khổ đau, chết chóc, nhưng chúng ta luôn được mời gọi để không nhìn vào đó như tiếng nói cuối cùng, như ngõ cụt. Bởi vì vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống, cho nên hướng đi của lịch sử loài người không phải là ngõ cụt của sự chết, mà là Sự Sống. Bên kia khổ đau, chết chóc, cuộc sống vẫn còn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.

 

Còn tâm tình nào xứng hợp trong ngày cuối năm cho bằng cảm tạ và phó thác. Cảm tạ và phó thác cho Chúa bởi vì Ngài vẫn luôn là Thiên Chúa của Tình Yêu, Thiên Chúa của Sự Sống. Cảm tạ và phó thác cho Chúa bởi vì Ngài là Ðường, là Sự Thật và là Lẽ Sống của chúng ta. Cảm tạ và phó thác cho Chúa vì cuộc sống này vẫn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.

Trích sách Lẽ Sống


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:26

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 30/12/2020.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 30/12/2020.
"Bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel" (Lc 2, 36-40).
Hang đá giáng sinh ở giáo xứ chúng tôi năm nay làm rất đơn sơ, khung cảnh chỉ một mái tranh, một máng cỏ, một bò một lừa. Nhưng tượng Đức Maria, thánh Giuse, Đức Giesu hài đồng phải thật lớn và nổi bật lên trong ánh sáng chiếu tỏa của ngôi sao dẫn lối.
Không ai là người không có tội, và chỉ cần phạm một tội thôi, là đã đủ xa cách Chúa vĩnh viễn. Nếu thế, cả nhân loại này sẽ ra vô dụng, đem đi tiêu hủy cho rồi.
Thiên Chúa đã trao cho nhân loại một viên ngọc vô cùng quí giá, là Chúa Giêsu, để nhờ Ngài mà nhân loại được sống. Thật tiếc thay! Có mấy ai tìm được Ngài.
Ông Simêon và bà Anna luôn phụng sự Thiên Chúa trong đền thờ. Ðược thấy Chúa, được ẳm Chúa, đã làm cho họ hoàn toàn no thỏa. Cả cuộc đời hai ông bà đã nhận lấy Chúa làm lẽ sống cho cuộc đời mình, mọi lời ăn tiếng nói đều quy vể Chúa. Để được như thế, ông bà phải có tình yêu thật.
Cảm nhận tin mừng: Nhìn lên máng cỏ Chúa, chúng con cảm thấy mình thật bất xứng với tình thương của Người. Chúng con cần có tâm tình đơn sơ như bà Anna. Sống đơn sơ, phó thác để nhận ra tình yêu của Chúa, qua việc trao ban Đức Giêsu. Ngài là quà tặng vô giá cho chúng con.
Lạy Chúa Giesu Thánh Thể. Xin ban cho chúng con biết noi gương bà Anna, biết kết hợp mật thiết với Chúa, để chúng con nhận ra Chúa chính là lẽ sống, và để cuộc đời chúng con không trở nên vô nghĩa trước mặt Chúa. Amen.

30 Tháng Mười Hai

Thánh Anysia
(c. 304)

 

Thánh Anysia sống ở Thessalonica vào cuối thế kỷ thứ hai. Thessalonica là một thành phố cổ mà chính Thánh Phaolô là người đầu tiên đem tin mừng Chúa Giêsu đến đây. Anysia là một tín hữu Kitô và sau khi cha mẹ ngài từ trần, ngài đã dùng tài sản để giúp đỡ người nghèo. Vào thời ấy, có sự bách hại người Kitô Giáo ở Thessalonica. Nhà cầm quyền nhất định ngăn chặn mọi tín hữu không cho tụ tập cử hành Thánh Lễ. Một ngày kia Anysia tìm cách đến nơi tụ họp. Khi đi qua cửa thành Cassandra, ngài bị người lính canh để ý. Hắn bước ra chặn đường, hỏi ngài đi đâu. Vì sợ hãi, Anysia bước lùi lại và làm dấu trên trán. Lúc ấy, tên lính túm lấy ngài và lay mạnh. Hắn la lớn, "Mày là ai? Ði đâu vậy?" Anysia hít một hơi dài và trả lời, "Tôi là tôi tớ của Ðức Giêsu Kitô. Tôi đến nơi hội họp của Chúa."

 

Tên lính mỉa mai: "Vậy hả? Vậy tao sẽ bắt mày để tế thần. Hôm nay chúng tao thờ thần mặt trời." Cùng lúc ấy, hắn xé áo của Anysia. Ngài càng chống cự bao nhiêu, tên lính càng điên cuồng bấy nhiêu. Sau cùng, trong cơn tức giận, hắn rút gươm đâm thâu qua người Anysia. Thánh nữ gục chết trên vũng máu. Khi cuộc bách hại chấm dứt, các tín hữu thành Thessalonica đã xây một nhà thờ ngay trên chỗ ngài tử đạo. Thánh Anysia từ trần khoảng năm 304.

 

Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:50

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 29/12/2020.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 29/12/2020.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn dân…” (Lc 2,30-31).
Người già như ông Simêon quả là hiếm. Hiếm ở đây không có nghĩa là ít, mà là già công chính, già đạo đức.
Được Chúa Thánh Thần soi sáng nên ông nhận biết hài nhi Giêsu và cất tiếng khen ngợi. Ông nhận ra Ngài chính là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại là vinh quang của dân tộc Israel”.
Ông thật có phúc vì bao nhiêu năm qua, ông hằng mơ ước được nhìn thấy Ơn Cứu Chuộc đến từ một hài nhi, và giờ đây ông đã tận mắt nhìn thấy ơn cứu độ ấy. Giờ đây, ông hoàn toàn mãn nguyện cho ngày sau hết. Người hằng khao khát gặp Chúa, ăn ở ngay lành và sống công chính thánh thiện, được Chúa thương biết bao.
Cảm nhận tin mừng: Noi gương các thánh, chúng con cần phải sống cuộc đời công chính, ước ao được gặp Chúa, lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, biết mở lòng mình ra, để nhận ra ánh sáng của ơn cứu độ.
Lạy Chúa, con cầu xin ơn mạnh mẽ để thành đạt, thì Chúa làm cho con ra yếu ớt để biết vâng lời, khiêm hạ.
Con cầu xin có sức khỏe để thực hiện những công trình lớn lao, thì Chúa lại bắt con bị tàn tật và chỉ làm được những việc tốt nho nhỏ.
Con cầu xin được giầu sang để sống một cuộc đời sung sướng, thì Chúa lại bắt con nghèo nàn để học biết thế nào là khôn ngoan.
Con cầu xin có được uy quyền để mọi người phải kính nể, thì Chúa lại cho con sự thấp hèn để con biết cần đến Chúa.
Con cầu xin cho có được tất cả để tận hưởng cuộc đời, thì Chúa lại cho con cả một cuộc đời để được hưởng mọi sự.
Con xin gì cũng chẳng được theo ý con muốn, nhưng những điều con đáng phải mơ ước mà con không hề biết thốt lên lời cầu xin, thì Chúa lại đã ban cho con thật dư đầy từ lâu.
Lạy Chúa, hóa ra con lại là người có phúc hơn hết trên đời này. Bởi con đã nhận được ơn phúc Chúa vô vàn.

29 Tháng Mười Hai

Thánh Tôma Becket
(1118 - 1170)

 

Là một người kiên quyết dù có đôi lúc giao động, nhưng sau đó biết rằng không thể hòa giải với tội lỗi, ngài trở nên một giáo sĩ hăng say, bị tử đạo và được tuyên xưng là thánh -- đó là cuộc đời Thánh Tôma Becket, Tổng Giám Mục của Canterbury, bị giết ngay trong vương cung thánh đường của ngài vào ngày 29-12-1170.

 

 Thánh Tôma sinh ở Luân Ðôn. Ngài theo học ở cả hai trường đại học Luân Ðôn và Ba lê. Sau cái chết của người cha, ngài bị khánh tận, Ðức Tổng Giám Mục Canterbury, là người đã từng sai ngài đến Rôma một vài lần, đã cấp dưỡng và cho ngài theo học giáo luật.

 

Trong khi làm tổng phó tế cho giáo phận Canterbury, vào lúc 36 tuổi ngài được Vua Henry II, là bạn của ngài, chọn làm thủ tướng Anh, là nhân vật quyền thế thứ nhì trong nước, chỉ sau vua. Ngài nổi tiếng vì lối sống xa hoa và phung phí, nhưng khi Vua Henry chọn ngài làm giám mục chính tòa Canterbury thì cuộc đời ngài thay đổi hoàn toàn. Ngài được thụ phong linh mục chỉ một ngày trước khi được tấn phong giám mục. Và ngài quyết liệt thay đổi đời sống bằng sự khổ hạnh. Không bao lâu, ngài đụng độ với vua về vấn đề quyền lợi của Giáo Hội và hàng giáo sĩ.

 

Vua Henry nhất quyết nắm lấy quyền điều khiển Giáo Hội. Có khi, vì cố giữ hòa khí, Ðức Tổng Tôma phải nhượng bộ. Ngài tạm thời chấp nhận Hiến Chương Clarendon, không cho phép giáo sĩ được xét xử bởi một toà án của Giáo Hội và ngăn cản họ không được trực tiếp kháng án lên Rôma. Nhưng sau cùng Ðức Tổng Giám Mục Tôma tẩy chay Hiến Chương này, ngài trốn sang Pháp và sống ở đó trong bảy năm. Khi trở về Anh ngài biết mình sẽ bị chết. Vì ngài từ chối không miễn tội cho các giám mục được vua sủng ái, vua Henry đã tức giận kêu lên, "Không có ai đưa tên giáo sĩ rắc rối này khuất mắt ta hay sao!" Bốn hiệp sĩ đã thể hiện lời nguyện ước của vua, và đã hạ sát Ðức Tổng Giám Mục Tôma ngay trong vương cung thánh đường Canterbury.

 

Chỉ trong vòng ba năm sau, Ðức Tôma được phong thánh và ngôi mộ của ngài trở nên nơi hành hương. Chính Vua Henry II đã ăn năn sám hối tại ngôi mộ Thánh Tôma, nhưng người kế vị là Henry VIII đã chiếm đoạt ngôi mộ ấy và tẩu tán các thánh tích của ngài. Tuy nhiên, Ðức Tôma Becket vẫn là một thánh nhân anh hùng trong lịch sử Giáo Hội cho đến ngày nay.

 

Lời Bàn

Không ai có thể trở nên thánh mà không phải chiến đấu, nhất là với chính bản thân. Thánh Tôma biết ngài phải giữ vững lập trường khi bảo vệ đức tin và quyền lợi Giáo Hội, dù có phải hy sinh mạng sống. Chúng ta cũng phải giữ vững lập trường khi đối diện với những áp lực -- chống với sự bất lương, gian dối, hủy diệt sự sống -- mà hy sinh tham vọng muốn nổi tiếng, muốn đầy đủ tiện nghi, muốn được thăng quan tiến chức và ngay cả muốn giầu của cải.

 

Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn04:32

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 28/12/2020 Các thánh anh hài tử đạo.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 28/12/2020
Các thánh anh hài tử đạo.
"Tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa” (Mt 2,18).
Việc ông Giuse đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm, là được thiên thần báo với ông trong lúc ngủ. Ông thức dậy ngay, không một chút đắn đo, vì mọi việc ông tin vào Thiên Chúa. Đường dài hàng trăm cây số, khó khăn chồng chất khó khăn. Một lần nữa, ông Giuse tỏ ra là người được Thiên Chúa tin tưởng. Ngài thật không lầm.
Theo thống kê, ngày nay có hàng triệu triệu trẻ em chết vì chiến tranh, tật nguyền. Biết bao trẻ đói ăn, không được đến trường. Tệ hơn nữa là có quá nhiều trẻ em chết dưới bàn tay của chính các bậc làm cha mẹ khi họ quyết định phá thai...!
Đã có khoảng 2000 trẻ em dưới 2 tuổi bị giết chết theo lệnh của vua Herôđê. Các em đã dùng cái chết để đáp lại tình yêu cao cả của Đấng Tạo Dựng. Chúa đã cho các em góp tay vào công việc cứu thế của Người.
Máu các em đổ ra hôm nay báo trước máu của Vua dân Do Thái, Đấng mới sinh,cũng sẽ đổ ra trên cây thập giá để đem lại ơn cứu độ cho muôn người.
Cảm nhận tin mừng. Hình ảnh thánh Giuse và Đức Maria vội vã trong đêm đem Hài Nhi trốn sang Aicập đã cho chúng con thấy trách nhiệm của các ngài với Đức Giêsu.
Nhìn lại; Chúng con cần có trách nhiệm với nhau giữa cha mẹ, anh chị em, và đặc biệt là giữa vợ chồng, con cái...
Lạy Chúa Giesu Thánh Thể: xin cho chúng con biết quý trọng con người của mình, quý trọng sự sống đang hình thành trong mình như một món quà của Tình yêu.
Xin cho có nhiều tấm lòng quảng đại ra tay cứu giúp các em, nhằm xoa dịu những đau thương mà các em phải gánh chịu trong xã hội hiện nay. Amen.


28 Tháng Mười Hai

Lễ Các Thánh Anh Hài

 

Hêrôđê "Ðại Ðế", là vua xứ Giuđêa nhưng không được dân chúng mến chuộng vì ông làm việc cho đế quốc La Mã và ông rất dửng dưng đối với tôn giáo. Vì lý do đó ông luôn cảm thấy bất an và lo sợ bất cứ đe dọa nào đối với ngai vàng của ông. Ông là một chính trị gia giỏi và là một bạo chúa dám thi hành những việc tàn bạo. Ông giết chính vợ ông, anh của ông và hai người chồng của cô em, đó chỉ là sơ khởi.

 

 Phúc Âm theo Thánh Mátthêu 2:1-18 kể cho chúng ta câu chuyện sau: Hêrôđê "thật bối rối" khi các nhà chiêm tinh đến từ đông phương hỏi về "vị vua mới sinh của người Do Thái," mà họ đã thấy ngôi sao của người. Và các vị chiêm tinh được cho biết trong Sách Thánh Do Thái có đề cập đến Bêlem, là nơi Ðấng Cứu Tinh sẽ chào đời. Một cách xảo quyệt, Hêrôđê dặn họ là hãy báo cho ông biết sau khi tìm thấy vị vua ấy để ông cũng "đến thần phục." Các nhà chiêm tinh đã tìm thấy Hài Nhi Giêsu, họ dâng Ngài các lễ vật, và được thiên thần báo mộng về ý định thâm độc của Hêrôđê và khuyên họ hãy thay đổi lộ trình trên đường về. Sau đó Thánh Gia trốn sang Ai Cập.

 

Hêrôđê vô cùng tức giận và "ra lệnh tàn sát tất cả các con trai từ hai tuổi trở xuống ở Bêlem và vùng phụ cận." Vì Bêlem là một thành phố nhỏ, số trẻ bị giết có lẽ khoảng 20 hay 25. Sự kinh hoàng của việc thảm sát và sự tuyệt vọng của các cha mẹ đã khiến Thánh Mátthêu trích dẫn lời tiên tri Giêrêmia: "Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Raken khóc thương con mình..." (Mt 2:18). Bà Raken là vợ của ông Giacóp. Bà than khóc ở Rama là nơi người Do Thái bị tập trung lại sau khi bị người Assyria bắt làm tù binh.

 

Lời Bàn

Hai mươi trẻ em thì chỉ là số ít, so với sự diệt chủng và sự phá thai trong thời đại chúng ta. Nhưng dù đó chỉ là một người, chúng ta cũng phải nhớ đến tạo vật quý trọng nhất mà Thiên Chúa đã dựng trên mặt đất -- đó là con người, được tiền định để sống đời đời và được chúc phúc nhờ sự chết và sự sống lại của Ðức Giêsu.

 

Lời Trích

"Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự sống ngay cả trước khi chúng con có thể hiểu biết" (Lời Nguyện Trên Lễ Vật, Lễ Các Thánh Anh Hài).

 

Trích từ NguoiTinHuu.com

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:11

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 27/12/2020 Chúa Nhật Thánh Gia Thất năm B.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 27/12/2020
Chúa Nhật Thánh Gia Thất năm B.
Khi hai ông bà hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-gia-rét. (Lc 2,39).
Thiên Chúa đã tạo dựng và đặt con người sống trong một cái nôi gọi là gia đình. Khi vừa sinh ra đứa trẻ nhận được một tình thương dồi dào, vô điều kiện và vô vị lợi của cha mẹ. Ngược lại, đứa trẻ lại là dây ràng buộc giữa cha mẹ lại với nhau. Đây là thứ tình yêu nhận nhiều hơn cho. Ngoài cha mẹ, đứa trẻ còn có các người thân khác là các anh chị em, tạo thành một gia đình lớn hơn và tình thương yêu cũng lớn hơn.
Đức Giesu khi xuống thế làm người, Ngài cũng phải xuất phát từ một gia đình, dĩ nhiên phải là một gia đình đạo hạnh. Gia đình Nadazet không có những bất hòa, không có những tính toán hơn thua...nhưng chung quanh gia đình ấy, Đức Giesu đã chứng kiến bao la giận hờn nghen ghét, bao la hơn thua...
Cảm nhận tin mừng. Gia đình là nền tảng đã được Chúa thiết lập từ đầu khi dựng lên ông Adong và bà Eva. Cũng như bao tội lỗi khác, chúng con dễ thường bỏ bê gia đình, mặc cho đói khổ cùng những đam mê kéo dài thân phận hèn yếu, rơi xuống thẳm sâu.
Lạy Chúa Giesu Thánh thể. Gia đình Nadazet xưa là một gia đình gương mẫu vì mọi trong đó đều yêu thương nhau. Xin cho gia đình chúng con thực tập từ bỏ tính ích kỷ để biết yêu thương nhiều hơn, hy sinh cho nhau nhiều hơn, để nên thánh thiện hơn. Amen.

27 Tháng Mười Hai

Thánh Gioan Tông Ðồ

 

Chính Thiên Chúa là người mời gọi, và nhân loại đáp lời. Trong Phúc Âm, lời mời gọi ông Gioan và ông Giacôbê (James), người anh của ông, được bắt đầu rất đơn giản, cũng như lời mời gọi ông Phêrô và Anrê: Ðức Giêsu gọi họ; và họ theo Ngài. Sự đáp ứng mau mắn được miêu tả rõ ràng. Các ông Giacôbê và Gioan "đang ở trên thuyền, cùng với người cha là ông Zêbêđê vá lưới. Ðức Kitô gọi họ, và ngay lập tức họ bỏ thuyền và từ giã người cha mà theo Ngài" (Mátthêu 4:21b-22).

 

 Ðức tin của ba ngư dân -- Phêrô, Giacôbê và Gioan -- đã được phần thưởng, đó là được làm bạn với Ðức Giêsu. Chỉ ba vị này được đặc ân là chứng kiến sự Biến Hình, sự sống lại của con gái ông Giairút, và sự thống khổ trong vườn Giệtsimani của Ðức Giêsu. Nhưng tình bằng hữu của ông Gioan còn đặc biệt hơn nữa. Truyền thống coi ngài là tác giả cuốn Phúc Âm Thứ Tư, dù rằng hầu hết các học giả Kinh Thánh thời nay không cho rằng vị thánh sử và tông đồ này là một.

 

Phúc Âm Thánh Gioan đề cập đến ngài như "người môn đệ được Ðức Giêsu yêu quý" (x. Gioan 13:23; 19:26; 20:2), là người được ngồi cạnh Ðức Giêsu trong bữa Tiệc Ly, và là người được Ðức Giêsu ban cho một vinh dự độc đáo khi đứng dưới chân thánh giá, là được chăm sóc mẹ của Ngài. "Thưa bà, đây là con bà... Ðây là mẹ con" (Gioan 19:26b, 27b).

 

Vì ý tưởng thâm thuý trong Phúc Âm của ngài, Thánh Gioan thường được coi như con đại bàng thần học, cất cánh bay cao trong một vùng mà các thánh sử khác không đề cập đến. Nhưng các cuốn Phúc Âm thật bộc trực ấy cũng tiết lộ một vài nét rất nhân bản. Ðức Giêsu đặt biệt hiệu cho ông Gioan và Giacôbê là "con của sấm sét." Thật khó để hiểu được ý nghĩa chính xác của biệt hiệu này, nhưng chúng ta có thể tìm thấy chút manh mối trong hai biến cố sau.

 

Biến cố thứ nhất, như được Thánh Mátthêu kể lại, bà mẹ của hai ông Giacôbê và Gioan xin cho hai con của bà được ngồi chỗ danh dự trong vương quốc của Ðức Giêsu -- một người bên trái, một người bên phải. Khi Ðức Giêsu hỏi họ có uống được chén mà Ngài sẽ uống và chịu thanh tẩy trong sự đau khổ mà Ngài sẽ phải chịu không, cả hai ông đều vô tư trả lời, "Thưa có!" Ðức Giêsu nói quả thật họ sẽ được chia sẻ chén của Ngài, nhưng việc ngồi bên tả hay bên hữu thì Ngài không có quyền. Ðó là chỗ của những người đã được Chúa Cha dành cho. Các tông đồ khác đã phẫn nộ trước tham vọng sai lầm của người anh em, và trong một dịp khác Ðức Giêsu đã dạy họ về bản chất thực sự của thẩm quyền: "Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người" (Mt 20:27-28).

 

Một dịp khác, những "người con của sấm sét" hỏi Ðức Giêsu rằng họ có thể khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt những người Samaritan lạnh nhạt không, vì họ không đón tiếp Ðức Giêsu đang trên đường đến Giêrusalem. Nhưng Ðức Giêsu đã "quay lại và khiển trách họ" (x. Luca 9:51-55).

 

Vào ngày đầu tiên của biến cố Phục Sinh, bà Mađalêna "chạy đến ông Simon Phêrô và người môn đệ mà Ðức Giêsu yêu dấu, và bà bảo họ, 'Người ta đã đem Chúa ra khỏi trong mộ; và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu?" (Gioan 20:2). Gioan nhớ rằng, chính ngài và Phêrô cùng đi cạnh nhau, nhưng "người môn đệ kia chạy nhanh hơn ông Phêrô nên đến mộ trước nhất" (Gioan 20:4b). Ông không bước vào mộ, nhưng đợi ông Phêrô và để ông này vào trước. "Sau đó người môn đệ kia mới bước vào, và ông đã thấy và đã tin" (Gioan 20:8).

 

Sau biến cố Sống Lại, ông Gioan đang ở với ông Phêrô thì phép lạ đầu tiên xảy ra -- chữa một người bị tật từ bẩm sinh -- và việc đó đã khiến hai ông bị cầm tù. Cảm nghiệm kỳ diệu của biến cố Sống Lại có lẽ được diễn tả hay nhất trong sách Công Vụ Tông Ðồ: "Nhận thấy sự dũng cảm của ông Phê-rô và ông Gio-an và biết rằng hai ông là những người bình dân, không có học thức, nên họ rất ngạc nhiên, và họ nhận ra rằng hai ông là những người theo Ðức Giêsu" (CVTÐ 4:13).

 

Thánh Sử Gioan đã viết cuốn Phúc Âm vĩ đại, cũng như các lá thư và Sách Khải Huyền. Cuốn Phúc Âm của ngài là một công trình độc đáo. Ngài nhìn thấy sự vinh hiển và thần thánh của Ðức Giêsu ngay trong các biến cố ở trần gian. Trong bữa Tiệc Ly, ngài diễn tả Ðức Giêsu với những lời phát biểu như thể Ðức Giêsu đã ở thiên đàng. Ðó là cuốn Phúc Âm về sự vinh hiển của Ðức Giêsu.

 

Lời Bàn

Quả thật, đó là một hành trình thật dài để thay đổi từ một người khao khát muốn có uy quyền và muốn sai lửa từ trời xuống thiêu đốt, cho đến một người đã viết những dòng chữ sau: "Phương cách để chúng ta biết được tình yêu là Ngài đã hy sinh mạng sống vì chúng ta; do đó, chúng ta cũng phải hy sinh mạng sống mình vì anh em" (1 Gioan 3:16).

 

Lời Trích

Có câu chuyện người ta thường kể, là "các giáo dân" của Thánh Gioan quá chán chường với bài giảng của ngài vì ngài luôn luôn nhấn mạnh rằng: "Hãy yêu thương nhau." Dù câu chuyện này có thật hay không, đó là nền tảng của văn bút Thánh Gioan. Những gì ngài viết có thể được coi là tóm lược của Phúc Âm: "Chúng ta đã biết và đã tin vào tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu, và ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong họ" (1 Gioan 4:16).

 

Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn06:41

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 26/12/2020. THÁNH TÊPHANÔ TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI. Lễ kính

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 26/12/2020.
THÁNH TÊPHANÔ TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI. Lễ kính.
"Không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha" (Mt 10,17-22).
Thánh Stêphanô, là vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội.
Đức Giêsu đã báo trước cho các môn đệ : các ông sẽ bị người ta ganh ghét, bách hại. Họ sẽ tố cáo và sẽ nộp các ông cho vua quan. Tin vào Thiên Chúa, tin vào các tiên tri xưa đã tiên báo và nhất là tin vào lời Đức Giesu giảng dạy, các môn đệ đã không nao núng khi người đời do không biết đã tìm cách ngăn cản, bắt bớ và cả giết chết.
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dặn dò các môn đệ:
Những người theo Chúa là chịu bắt bớ như Ngài. Chúa Thánh Thần sẽ đồng hành với họ trong những cuộc bắt bớ và sẽ dạy họ phải nói gì trước những kẻ bắt bớ. Nhiều khi chính những người thân thuộc sẽ bắt bớ họ, cũng như Chúa Giêsu đã chịu đồng bào mình lên án chết.
Cảm nhận tin mừng. Chúa đã chỉ cho các môn đệ từ hai ngàn năm trước, đến hôm nay đây chúng con vẫn thấy như Chúa đang nói với mỗi người chúng con. Chúng con lo sợ phải đương đầu với những khó khăn làm ảnh hưởng đến cuộc sống đang yên ổn. Chúng con lo sợ phải đối đáp thế nào khi bị người đời ngăn cản. Với người thân, chúng con yếu lòng, chiều theo tình cảm mau qua chóng dứt.
Lạy Chúa Giesu Thánh Thể. Theo Chúa chúng con được sảng khái trong tâm hồn, được hòa mình vào cộng đoàn dân Chúa với tình yêu thương chân thật, chúng con hy vọng được chung hưởng với các thánh, trong đó có thánh Stephano. Amen.

26 Tháng Mười Hai

Thánh Stêphanô
(c. 36?)

 

Những gì chúng ta biết về Thánh Stêphanô thì được viết trong sách Công Vụ Tông Ðồ 6 và 7. Ðiều đó đã đủ để biết về con người của ngài.

 

"Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: 'Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy thần khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.' Ðề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Stêphanô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần,..." (CVTÐ 6:1-5)

 

Sách Công Vụ kể tiếp Stêphanô là một người đầy ơn sủng và sức mạnh, đã làm nhiều việc phi thường trong dân chúng. Một vài người Do Thái thời ấy, là thành viên của hội đường nhóm nô lệ được giải phóng, tranh luận với Stêphanô nhưng không thể địch nổi sự khôn ngoan và thần khí của ngài. Họ xúi giục người khác lên án ngài là lộng ngôn, xúc phạm đến Thiên Chúa. Ngài bị bắt và bị đưa ra trước Thượng Hội Ðồng.

 

Trong phần trình bày, ngài nhắc lại sự dẫn dắt của Thiên Chúa trong lịch sử dân Do Thái, cũng như việc thờ tà thần và bất tuân phục Thiên Chúa của dân này. Sau đó ngài cho rằng những người bách hại ngài cũng giống như vậy. "Cha ông các ông thế nào, thì các ông cũng vậy" (CVTÐ 7:51b).

 

Lời ngài nói đã làm họ tức giận. "Nhưng [Stêphanô], tràn đầy Thánh Thần, đăm đăm nhìn lên trời và thấy vinh hiển của Thiên Chúa và Ðức Giêsu Kitô đứng bên hữu Thiên Chúa, và thánh nhân nói, 'Kìa, tôi nhìn thấy thiên đàng mở ra và Con Người đang đứng bên hữu Thiên Chúa.'... Họ đưa ngài ra ngoài thành và bắt đầu ném đá ngài... Trong khi họ ném đá ngài, thánh nhân kêu lớn, 'Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con... Lạy Chúa, xin đừng nhớ tội của họ'" (CVTÐ 7:55-56, 58a, 59, 60b).

 

Lời Bàn

Thánh Stêphanô đã chết như Ðức Kitô: bị kết tội cách sai lầm, bị kết án cách bất công vì ngài dám nói lên sự thật. Ngài chết trong khi mắt nhìn lên Thiên Chúa, và với lời xin tha thứ cho kẻ xúc phạm. Một cái chết "sung sướng" lúc nào cũng giống nhau, dù chết âm thầm như Thánh Giuse hay chết đau khổ như Thánh Stêphanô, đó là cái chết với sự can đảm, sự tín thác hoàn toàn và với tình yêu tha thứ.

 

Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn06:07

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 24/12/2020.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 24/12/2020.
Giacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: "Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người" (Lc 1, 67-79).
Khi Gioan được sinh ra, thì Giacaria đã già, ông rất rất vui, không phải vì ông được sáng mắt trở lại, nhưng là ông đã chứng kiến việc Thiên Chúa thương đến dân Người. Được Thánh Thần soi sáng, ông cất tiếng cảm ta ngợi khen Chúa. Ông cũng nói trước về sứ mạng của Gioan là Tiền Hô, được Chúa sai đến dọn đường cho Đấng Cứu Thế.
Quả vậy. Thiên Chúa đã thực hiện Lời hứa ơn cứu độ mà Ngài đã hứa từ ngàn xưa với các tổ phụ và qua miệng các tiên tri, và giờ đây là qua Gioan là người cuối cùng được Thiên Chúa giao cho don đường để tiếp rước Đấng Cứu Thế đến.
Cảm nhận tin mừng. Theo thánh Benedictus: Thiên Chúa giáng trần, việc đầu tiên là Ngài đem ơn tha thứ và bình an xuống cho muôn loài. Chúng con luôn tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa vì Người hằng yêu thương chăm sóc chúng con như xưa Người đã từng chăm sóc dân Israel.
Lạy Chúa Giesu Thánh Thể. Vì yêu thương, Chúa đã xóa hết mọi lỗi lầm ngăn cách chúng con đến với Chúa. Xin ban cho chúng con sống sứng đáng là con Chúa. Amen.

24 Tháng Mười Hai

Cặp Kính Lão

 

Tại một viện dưỡng lão nọ, ai ai cũng cảm thấy vui, vì ngày Giáng Sinh sắp đến. Lễ Giáng Sinh không những là lễ của nhận quà, mà còn là của tặng quà nữa. Cho nên, dù không dư dả, các lão ông lão bà cũng cặm cụi suốt ngày để chuẩn bị một món quà gửi tặng cho thân nhân, người quen.

 

Duy chỉ có một bà lão xem chừng như dửng dưng trước những rộn rịp xung quanh. Bà ngồi trong một góc nhà, gặm nhấm từng nỗi cô đơn của mình. Bà không còn một người thân nào trên trần gian này. Kỳ thực, bà còn một người con trai, nhưng người con ấy kể như đã chết với bà. Từ lâu, anh đã bị giam trong một trại khổ sai chung thân.

 

Dù vậy, đối với trái tim của một người mẹ, một đứa con, cho dù có đốn mạt đến đâu, vẫn là một người con. Cũng như những lão ông lão bà khác, người đàn bà đáng thương cũng đã có ý nghĩ gửi một món quà cho đứa con bạc phước của mình. Nhưng bà không có một đồng xu dính túi. Tất cả tài sản của bà chỉ là cặp kính lão còn đeo trên mắt... Người đàn bà ước ao được gửi cho người con của mình một gói thuốc lá. Một gói thuốc không là bao, nhưng gói trọn tình thương mà bà vẫn dành cho anh.

 

Bà đi trao đổi với các cụ già, nhưng không ai có gì để trao tặng bà. Cuối cùng, có một ông lão còn một gói thuốc lá, loại thuốc mà có lẽ con trai bà ưa thích. Nhưng trong viện dưỡng lão này, dường như ai cũng sống theo nguyên tắc "có qua có lại". Lão ông chỉ trao cho bà gói thuốc với điều kiện bà cũng trao tặng cho ông một món quà nào đó.

 

Người đàn bà đành lấy cặp kính khỏi đôi mắt và trao cho ông lão. Gương mặt người đàn ông sáng rỡ lên vì ông đã có thể đọc được tỏ tường. Cuộc trao đổi chấm dứt. Người đàn bà gói bao thuốc lá lại thành một món quà Giáng Sinh quý giá để gửi tặng cho con.

 

Trở lại góc phòng của mình, người đàn bà làm một cử chỉ máy móc: bà đưa tay lên mắt để để sửa lại cặp kính lão. Nhưng cặp kính không còn nữa. Dù vậy, người đàn bà cảm thấy vui hơn bao giờ hết: bởi vì người con trai của bà nơi trại khổ sai sẽ vui vì nhận được quà Giáng Sinh, bởi vì lão ông trong viện dưỡng lão sẽ đọc được báo trong những ngày Giáng Sinh.

 

Quà tặng chỉ có ý nghĩa khi nó là biểu tượng của người tặng. Người tặng quà không chỉ gửi đi một cánh thiệp, một cái áo, một chiếc bánh, một món đồ chơi, mà gói ghém tất cả tình cảm, sự biết ơn, lòng ngưỡng mộ, tâm tình thương mến của mình. Một cách nào đó, khi tặng quà, chúng ta muốn trao tặng chính bản thân mình.

 

Do đó, sự trao tặng nào cũng là một mất mát: mất mát một chút tiền của, mất mát một ít thì giờ. Sự mất mát càng lớn, thì quà tặng càng có giá trị. Bà cụ trong viện dưỡng lão trên đây quả thực đã mất mát nhiều: bà đã mất đi một phần ánh sáng của mình. Nhưng bù lại, niềm vui của người con và niềm vui của người đồng viện của bà sẽ lớn hơn. Mất đi một chút ánh sáng để cho người khác được thấy, chấp nhận một chút đau khổ để cho người khác được vui, thua thiệt một phần để cho người khác được cười: đó là tất cả ý nghĩa của sự tặng quà đích thực.

 

Nhưng đó cũng là niềm vui đích thực, bởi vì niềm vui của người chính là niềm vui của ta. Mục đích của quà tặng là làm cho người khác được vui. Do đó, niềm vui của người khác phải là quà tặng đích thực mang lại niềm vui cho ta.

 

Ðó chính là nghịch lý của Kitô Giáo chúng ta. Càng trao ban, càng mất mát, chúng ta càng được nhận lãnh.

 

Chúng ta sẽ khám phá được nghịch lý ấy trong những ngày mừng lễ Giáng Sinh. Niềm vui của Thiên Chúa, Vinh Danh của Ngài, quà tặng cao cả nhất mà Ngài đã trao tặng cho chúng ta: đó là Người Con Một của Ngài. Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài.

 

Chúng ta đón nhận qùa tặng của Thiên Chúa với tất cả cảm mến tri ân. Nhưng mùa Giáng Sinh không chỉ là mùa của nhận quà, mà còn là mùa của tặng quà nữa. Chúng ta hãy dâng tặng Thiên Chúa tất cả con người của chúng ta.

Trích sách Lẽ Sống


Posted By Đỗ Lộc Sơn06:06

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 23/12/2020.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 23/12/2020.
"Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó" (Lc 1, 66).
Gioan có nghĩa là “Chúa thương”, là một tên gọi thật lạ. (vì theo phong tục phải đặt tên cha hay ít ra một người trong họ). Tên Gioan được Thiên Chúa đặt cho qua lời Sứ thần khi báo tin cho ông Giacaria (Lc 1,13).
Ông Giacaria bị câm, nên khi được hỏi đặt tên con trẻ, ông đã viết lên; Tên là Gioan. tức khắc miệng lưỡi ông được mở ra, ông hết câm, nói được, Ông và mọi người kinh ngạc, bèn cất tiếng ca tụng Thiên Chúa (Lc 1 67-79).
Thiên Chúa quan phòng đã sửa soạn cho Gioan vào đời với đầy đủ hành trang và ý nghĩa (Mặc dù ông chỉ ăn châu chấu và mật ong rừng). Việc hô vang báo trước Con Thiên Chúa xuống thế làm người đã được Gioan chu toàn trách nhiệm. Cuối đời ông đã hy sinh mạng sống mình, để làm chứng cho lẽ phải.
Cảm nhận tin mừng. Chúng con tin chắc được Thiên Chúa tiền định cho ngay khi được sinh ra. Ngài giao cho mỗi người mỗi việc; Người thì văn hay chữ tốt làm công việc văn phòng, người khỏe mạnh lo những việc nặng nhọc, người hát hay, người vẽ giỏi ... Chúng con không tự ti mặc cảm cho rằng không có giá trị gì mà buông lơi tình Chúa, hoặc kiêu căng xua đuổi Chúa.
Lạy Chúa Giesu Thánh Thể. Chúng con được Chúa tạo dựng nên để tôn thờ Chúa, đồng hành với người anh em. Xin cho chúng con can đảm sửa mình, can đảm sống gương mẫu, theo lời mời gọi của Thánh Gioan Tẩy giả năm xưa. Amen.


23 Tháng Mười Hai

Thánh Gioan ở Kanty
(1390 - 1473)

 

Thánh Gioan là một người sinh trưởng ở thôn quê nhưng biết lợi dụng thị thành cũng như Ðại Học Krakow ở Ba Lan để trau dồi thêm kiến thức. Sau khi hoàn tất việc học, ngài được thụ phong linh mục và là giáo sư thần học. Không may, vấn đề phe cánh thời ấy còn rất nặng nề nên những người ganh tị sự nổi tiếng của ngài đã lập mưu để đẩy ngài ra khỏi chức giáo sư. Ngay cả ngài không được phép lên tiếng và dẫn chứng để bào chữa. Bởi thế, vào lúc 41 tuổi, ngài bị đẩy về giáo xứ Olkusz, để học làm cha xứ.

 

Người dân ở Olkusz, Bohemia có đủ lý do để nghi ngờ vị cha xứ mới. Họ biết một giáo sư đại học nghĩ gì về cái thành phố quê mùa nhỏ bé của họ. Tệ hơn nữa, thành phố của họ đã từng được coi là nơi chứa chấp các linh mục bị "thất sủng."

 

Chắc chắn rằng nếu ngài nổi cơn thịnh nộ trước sự bất công ấy, có lẽ không một người giáo dân nào đổ lỗi cho ngài. Nhưng vì không muốn họ phải gánh chịu những hậu quả của hành động mình nên ngài đã im lặng.

 

Cuộc sống ở Olkusz cũng không dễ dàng gì. Ngài lo sợ trách nhiệm của một cha xứ. Bất kể ngài có cố gắng đến đâu, giáo dân vẫn giữ một thái độ lạnh lùng, xa cách. Nhưng hoạch định của Cha Gioan rất đơn giản, và hoạch định ấy xuất phát từ con tim chứ không phải trí óc. Trong bất cứ chương trình nào thực hiện, ngài đều cho họ thấy ngài thực sự lưu tâm đến người dân. Mặc dù sau nhiều năm vẫn chưa thấy dấu hiệu của sự thành công, ngài thận trọng không lộ vẻ tức giận hay thiếu kiên nhẫn. Ngài biết, người ta không thể bị ép buộc sống bác ái, bởi thế ngài đã cho họ những gì tốt đẹp nhất mà ngài hy vọng một ngày nào đó họ sẽ tìm thấy.

 

Sau tám năm trường, ngài được miễn tội và được trở về Krakow. Lúc ấy, ngài đã thu phục được lòng dân ở Olkusz, nên những người từng là thù nghịch trước đây đã tiễn chân ngài đến vài dặm để năn nỉ xin ngài ở lại với họ.

 

Trong quãng đời còn lại, ngài là giáo sư Kinh Thánh của trường đại học. Ngài được người ta mến chuộng đến nỗi thường được giới quý tộc mời ăn uống. Có lần, ngài bị người gác cửa từ chối không cho vào dự tiệc chỉ vì chiếc áo chùng thâm bạc phếch của ngài. Cha Gioan cũng không cãi lại mà trở về nhà, thay chiếc áo mới rồi trở lại. Trong bữa tiệc, người hầu bàn sơ ý làm đổ thức ăn trên chiếc áo mới của ngài. Thay vì khó chịu, ngài lại pha trò, "Không có gì. Chiếc áo của tôi cũng được ăn uống chứ. Nếu không vì lý do đó thì tôi đâu có đến đây."

 

Có lần Cha Gioan đang ngồi ăn và thấy người ăn xin đi qua trước cửa, ngài đứng dậy, đi theo, và cho họ tất cả những thức ăn ngài có. Không hỏi một lời, cũng không yêu cầu gì, khi nhận thấy nhu cầu của người khác ngài lập tức giúp đỡ họ với bất cứ gì ngài có.

 

Cha Gioan luôn lập đi lập lại cho các sinh viên về triết lý này, "Chiến đấu với mọi sai lầm, nhưng hãy thi hành với sự vui vẻ, kiên nhẫn, ân cần, và bác ái. Sự khắc nghiệt chỉ làm hại chính linh hồn bạn và phá đổ mục đích tốt đẹp nhất."

 

Lời Bàn

Thánh Gioan ở Kanty là một vị thánh tiêu biểu: nhân từ, khiêm tốn và độ lượng; bị chống đối và sống kham khổ để ăn năn đền tội. Hầu hết mọi Kitô Hữu trong một xã hội giầu sang có thể hiểu được tất cả những đức tính trên, ngoại trừ đức tính sau cùng: bất cứ điều gì đòi hỏi sự rèn luyện dường như người ta cho rằng chỉ dành cho các lực sĩ. Giáng Sinh là thời gian tốt để bỏ bớt những đam mê vật chất.

 

Trích từ NguoiTinHuu.com

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:52