Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2018

Quyết tâm cho năm 2018: Ngừng la hét trên con cái!

Filled under:

Quyết tâm cho năm 2018: Ngừng la hét trên con cái!
la-croix.com, Paula Pinto Gomes, 2018-01-02

Cha mẹ nào mà không mơ nuôi dạy con mà không phải la hét, không buộc phải lên giọng? Nhưng đã đến lúc chúng ta phải có quyết tâm để thực hiện chuyện này, bà Nathalie de Boisgrollier, mẹ gia đình và là tác giả của nhiều sách nói về đề tài này, bà đưa ra vài lời khuyên để hạn chế các xung đột trong gia đình.
1. Gậy nói chuyện
Đây là truyền thống rất đẹp của người thổ dân Mỹ (a-mê-rin-điên), họ dùng một dụng cụ để điều hành buổi nói chuyện nhóm. Bà Nathalie de Boisgrollier giải thích, chúng ta có thể dùng bất cứ dụng cụ nào, “trong gia đình tôi, tôi dùng cái muỗng bằng gỗ, khi hai đứa con của tôi còn nhỏ, gần như tuần nào tôi cũng dùng. Chúng hay cãi nhau, tôi cầm cái muỗng lên và nói: ‘Bắt đầu ngày chúng con chơi vui vẻ với nhau, rồi sau đó chúng con cãi nhau, Pierre khóc và mọi người buồn. Mẹ biết các con thương nhau, mẹ biết ở tuổi các con, cãi nhau là chuyện thường, nhưng bây giờ mình làm sao để các con ngừng cãi nhau? Mẹ có thể làm được gì bây giờ?’. Điều quan trọng là trẻ con phải biết các giới hạn của chúng, phải biết nói không. Và điều này không đến một cách tự nhiên nếu không có cha mẹ can thiệp vào”. Bà Nathalie là huấn luyện viên trong lãnh vực gia đình.
Bà nói thêm: “Khi các con còn nhỏ, cha mẹ là người dùng ‘gậy nói chuyện’ để điều hành, nhưng khi các em lên 7-8 tuổi, các em có thể tự làm. Đây là phương pháp giúp mỗi người diễn tả và giải tỏa các căng thẳng bực bội. Và đây cũng là một cách để cả nhà cùng hợp tác tìm giải pháp chung, ấn định các giới hạn và phương pháp này thường mang lại kết quả, hơn là khi cha mẹ đơn phương quyết định từ trên cao”.
Bà Nathalie khuyên: “Trong các buổi họp gia đình, phải luôn nói ở ngôi thứ nhất, không chỉ trích, không lên án ai. Mới đầu mỗi tuần một lần, nhưng khi các con lớn lên thì mỗi tháng một lần hoặc mỗi ba tháng một lần”.
2. Dùng chuông khi đến giờ ăn
Cha mẹ nào rồi cũng có khi phải hét lên để kêu con cái vào bàn. Bà Nathalie de Boisgrollier dùng một mẹo rất hiệu quả cho việc này: “Chúng tôi cùng quyết định dùng chuông để làm việc này, chuông sẽ reo hai lần, 15 phút trước khi ăn và đến giờ vào bàn thì rung thêm một lần. Cách này rất hiệu quả khi trẻ con còn nhỏ và bây giờ vẫn còn hiệu quả khi các con đã 16 và 19 tuổi! Nếu ngay từ sớm, chúng ta đã có khuôn khổ thì mọi sự sẽ vào nếp, cả đến khi con cái ở tuổi vị thành niên.
3. Các cuối tuần với gia đình
Một nền giáo dục tốt có vẻ đơn giản trên giấy tờ hơn là trong đời sống thật. Khi cha mẹ đi làm về trễ, khi con cái quá mệt vì ngày dài, thì đôi khi giữ bình tĩnh, giữ đối thoại cũng khó.
Bà Nathalie de Boisgrollier đề nghị làm chậm lại lịch làm việc, “làm nhẹ công việc của mỗi người. Vào đầu năm, khi mọi người mệt mỏi vì các chứng bệnh mùa đông thì cha mẹ nên tổ chức các buổi đi chơi cuối tuần, hôm đó dậy trễ, mặc pyjama, chuẩn bị ăn trưa chung … Cố gắng bớt đi chợ, bớt làm các việc khác. Quan trọng là biết buông bỏ, bớt đi nhịp sống quay cuồng hàng ngày”.
4. Mùa đông nên cho trẻ con đi ngủ sớm
Bà Nathalie khuyên mùa đông nên cho trẻ con đi ngủ sớm, tránh các căng thẳng vô ích: “Trong tháng một, hai và ba, nên cho trẻ con đi ngủ sớm trước 15-20 phút. Một em bé ngủ ngon sẽ học hành tập trung hơn, ít bức rức ở nhà. Và điều này quan trọng cho sức khỏe trẻ con cũng như cho sự yên lặng của cả nhà”.
5. Bớt dùng máy
Thì giờ trẻ con ngồi trước màn hình là một trong các nguồn gây căng thẳng trong gia đình. Để không phải la hét nhiều, cha mẹ phải làm gương trước. Bà Nathalie khuyên: “Phải có lúc cho máy nghỉ, nhất là trong giờ ăn. Đây là lúc không ai được trả lời điện thoại, trả lời tin nhắn. Tôi biết chuyện này không dễ, nhưng cần thiết để tạo một khuôn khổ cho trẻ con”.
Truyền hình, máy tính, điện thoại thông minh không được để trong phòng ngủ, “tránh trẻ em bật máy lúc 1 giờ sáng. Tôi không có giải pháp nào để giảm bớt thì giờ trước màn hình, thêm nữa, bây giờ càng ngày trẻ con càng có điện thoại rất sớm. Cha mẹ phải cương quyết và chấp nhận để trẻ con chống lại. Nhưng chính trẻ con sẽ biết cái gì tốt cho chúng”.
6. Sự hợp tác trong gia đình
Đây là một sự việc: các bà mẹ thường la hét con nhiều hơn các ông bố. Lý do: chung chung các bà là người một ngày làm hai việc, ở sở và ở nhà! Để làm nhẹ gánh, để bớt stress, bà Nathalie khuyên phải có sự hợp tác của cả nhà: “Nếu tất cả mọi người đều chia việc làm, thì sẽ bớt căng thẳng. Khi trẻ con ở độ tuổi 3 đến 6, chúng rất thích làm việc nhà. Giữa 8 đến 10 vẫn còn thích. Sau đó thì khó hơn, ngoại trừ đã có luật lệ đặt ra từ trước. Như thế là để tránh cãi nhau khi đứa bé tuổi vị thành niên ngồi trên ghế sô-fa hỏi có gì ăn tối nay không”.
Sự hợp tác này có lợi cho cả nhà: “Nó mang lại niềm vui cho trẻ con khi chúng biết đặt bàn, trải khăn bàn hay biết nấu ăn một mình. Nó cũng mang lại bình đẳng cho con trai con gái, điều mà cho đến bây giờ cũng chưa thực hiện được”.
Bà Nathalie giải thích: “Dù có lợi, nhưng tôi biết, đây là một công việc khó khăn cho nhiều phụ nữ, họ khó chấp nhận mọi sự không như ý mình muốn. Trong nhà tôi, chúng tôi đặt ra một quy tắc: ai làm thì người đó có lý. Và người còn lại không chỉ trích. Đối với tôi, nó cũng không đơn giản gì hơn, nhưng tôi phải nhường việc, nếu không tôi bị tràn ngập! Đó là cách tốt nhất để tránh la hét”.
Marta An Nguyễn dịch

Chồng tôi lầu bầu càu nhàu, tôi phải làm gì?

fr.aleteia.org, Luz Ivonne Ream, 2018-01-02
Chồng của bạn khi về nhà bức rức bực rực, tạo bầu khí xám xịt trong nhà. Tuy nhiên thỉnh thoảng sau đó anh tỉnh người lại. Khi đó bạn phải làm gì? Có thể nào thay đổi cá tính của một người phức tạp như vậy không?
Rõ ràng là khó khăn để yêu những người bức rức bực rực, rắc rối như vậy, nhưng sẽ dễ “để yêu hơn” khi chúng ta biết đàng sau mỗi “càu nhàu” là ẩn giấu một lời than tuyệt vọng: “Yêu anh đi, dù anh không xứng đáng, vì chính điều này là điều anh cần nhất”.
Chắc chắn bạn đã từng nghe một cô bạn nói: “Chồng tôi xấu tính lắm, chuyện gì anh cũng càu nhàu, lúc nào cũng càu nhàu”. Nhưng xét cho kỹ thì người đàn ông này không xấu tính, cá tính của họ không vững, thế thôi! Bởi vì nếu họ có bản lĩnh thì họ đã kiềm chế được mình, không để thốt ra các lời càu nhàu kỉnh nhỉnh ...
Có thể nào anh ở một trong các mẫu người này chăng: giận dữ, đam mê, nóng tính, dễ bị kích thích, không cá tính, điềm tĩnh, vô cảm chăng? Chúng ta có thể nói hàng giờ về các cá tính, về khí chất, về tư cách ... Bởi vì chúng ta tất cả đều sinh ra với một khí chất định hình, đưa đến việc tôi rèn con người chúng ta. Đó là khí chất bẩm sinh, di truyền và không thay đổi được. Khí chất chịu trách nhiệm trên xúc cảm ngẫu phát và trên phản ứng quen thuộc của chúng ta mà chúng ta phải đối phó với các kích thích từ bên ngoài.
Còn về cá tính, đó là cách mỗi người thể hiện chính mình. Và đó là các nét, các đặc tính mà chúng ta định hình trong suốt cuộc đời mình và làm cho chúng ta trở thành nhân vật duy nhất.
Ngược với khí chất, cá tính có thể hình thành và phát triển, có nghĩa là nó có thể thay đổi theo nhiều yếu tố, theo môi trường sống, theo giáo dục nhận được, theo kinh nghiệm sống và theo sức mạnh của trí thông minh xúc cảm. Vì thế chúng ta không thể thay đổi khí chất, nhưng cá tính thì có thể rèn luyện để có thể có một nhân cách đáng yêu.
Nếu người bạn đời của bạn bức rức, nóng nảy, tạo bầu khí khó chịu trong nhà thì bạn nên theo các lời khuyên sau:
Thông hiểu
Lời khuyên thứ nhất và cũng là lời khuyên quan trọng nhất, với quả tim rộng mở và với lòng thương xót, bạn tìm cách để hiểu ông chồng càu nhàu của mình. Đúng vậy, sẽ rất mệt mỏi khi đối diện với một nhân vật như vậy, và cũng rất uẩn ức nếu chúng ta biết mình không có cách nào để thay đổi họ. Ngược lại, chúng ta có thể chọn thái độ, chọn cách phản ứng khi chúng ta đối diện với nhân vật này, khi họ tạo bầu khí khó chịu trong nhà.
Thánh Phaolô đã nói, tình yêu là kiên nhẫn. Khi chồng bạn về nhà với gương mặt bí xị, bạn có nghĩ là anh ấy đang giận không? Chồng của bạn có cảm thấy buồn, lo lắng, thất vọng, sợ hãi hay bất mãn gì không? Các bạn suy nghĩ chuyện này … Và nếu các bạn hiểu được những gì ẩn giấu đàng sau bộ mặt bi thảm này, thì bạn sẽ dễ dàng không để ý đến thái độ đưa đám ma này.
Không chê bai chồng
Dù bạn rất muốn quát lại, nhưng đừng bao giờ buông ra những câu như “anh cộc cằn quá”, “anh điên rồi, không ai thích anh là vì vậy”, “mẹ anh còn không chịu đựng anh được nữa là.. .” hoặc “anh giống mẹ anh”, chồng của bạn sẽ quát tháo lại. Và như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề.
Nơi nào thiếu tình yêu, bạn gieo tình yêu, bạn sẽ gặt được tình yêu
Dù lúc đó, không dễ để yêu, bạn cũng không muốn thương, thì bạn cũng nên thương người càu nhàu này! Làm sao được? Đơn giản bạn nên có một thái độ khác, mềm mỏng và không ăn miếng trả miếng. Bạn làm cho anh hiểu, trong ngôi nhà này, anh được yêu và được chấp nhận. Cho anh biết, với tình yêu mà bạn còn ở đây, một cách không điều kiện, để cùng nhau tìm đâu là gốc rễ của cơn giận này. Bạn biết rằng, sống với người hay càu nhàu thì thật là khó, nhưng còn người càu nhàu thì chính họ, họ còn khó sống biết bao.
Tạo ra những chuyện cùng đồng ý
Trong những lúc “sáng suốt”, khi mọi sự lắng dịu, bạn ngồi lại nói chuyện với nhau, nói lên cảm nghĩ của mình khi thấy chồng mất kiểm soát. Hai người cùng lên chiến thuật và làm các thỏa hiệp với nhau. Chẳng hạn, khi bạn thấy chồng bắt đầu càu nhàu, bắt đầu gây bầu khí khó chịu trong nhà, bạn đi ra khỏi phòng, một mình hoặc với con cái, tránh không để cho chồng làm mình bị tổn thương. Đó là dấu hiệu buộc anh phải dịu xuống lại.
Đã là người thì không ai hoàn hảo, nhưng chúng ta có thể hoàn thiện. Vậy, một nhân cách phức tạp luôn có khả năng cải thiện, nếu họ có thiện chí. Chuyện này không phải dễ, nhưng không phải là không làm được. Người này có thể cần một chuyên gia giúp họ khám phá các vết thương xúc cảm và các lý do thúc đẩy họ đã phản ứng như vậy. Đối với người có lòng tin, sự giúp đỡ của Chúa luôn quan trọng để chữa lành mọi vết thương bên trong và để thay đổi được con người mình.
Marta An Nguyễn dịch