Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi một sự “chuyển đổi mô hình sâu rộng” và một “cuộc cách mạng văn hoá đậm nét” tại các cơ sở đại học của Giáo Hội, trong một tông hiến được ban hành vào ngày 29 tháng Giêng.

Tông Hiến gồm 87 trang, có tựa đề Veritatis Gaudium (“Niềm vui Chân lý”) thay thế cho Tông hiến Sapientia Christiana, được Thánh Gioan Phaolô II công bố vào năm 1979. Đức Thánh Cha Phanxicô viết rằng tài liệu cũ của vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan cần được “cấp tốc cập nhật dưới ánh sáng của những thay đổi trong xã hội và trong đời sống đại học”.

(Văn kiện giáo hoàng mới chỉ áp dụng cho các trường đại học và các cơ sở giáo dục khác cung cấp các văn bằng và các chứng chỉ do Toà Thánh chấp thuận. Điều này không áp dụng trực tiếp cho hầu hết các trường cao đẳng và đại học Công Giáo, là những cơ sở giáo dục vẫn được quản trị theo những chuẩn mực quy định bởi Tông Hiến Ex Corde Ecclesiae được ban hành vào năm 1990.)

Trong Tông Hiến Veritatis Gaudium, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng các cơ sở giáo dục Đại Học của Giáo Hội phải phục vụ cho nhu cầu chính yếu của Giáo Hội hôm nay, đó là “để Dân Thiên Chúa sẵn sàng bắt tay vào một giai đoạn mới của việc Phúc Âm hóa ‘đầy Thánh Linh’. Ngài viết rằng thách đố này đòi hỏi “một quá trình đầy quyết tâm trong việc phân định, thanh lọc, và cải tổ.”

Theo lời Đức Giáo Hoàng, nhu cầu phải có một cách tiếp cận mới là rõ ràng, dưới ánh sáng của “những thay đổi sâu xa” trong xã hội, được thể hiện rõ trong “cuộc khủng hoảng về nhân học và môi trường.” 

Đức Thánh Cha viết tiếp:

“Trên thực tế, hàng ngày chúng ta thấy những dấu hiệu chỉ ra rằng mọi thứ đang lên đến một điểm đột phá, do tốc độ thay đổi nhanh chóng và sự suy thoái; những điều này hiển nhiên trong các đại thảm hoạ thiên nhiên cũng như những khủng hoảng tài chính và xã hội. Nói cách khác, điều này đòi hỏi phải có sự thay đổi các mô hình phát triển toàn cầu và xác định lại khái niệm tiến bộ của chúng ta. Nhưng, vấn đề là chúng ta vẫn thiếu nền văn hoá cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng này. Chúng ta thiếu hàng lãnh đạo có khả năng vạch ra các con đường mới”.

Để hướng dẫn phương pháp tiếp cận mới trong các cơ sở đại học của Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra bốn tiêu chuẩn:

- Việc trình bày “Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô một cách mới mẻ và thu hút hơn bao giờ”

- Một sự cống hiến cho “cuộc đối thoại rộng khắp” và “nền văn hoá gặp gỡ”;

- Một dấn thân cho các phương pháp học tập bên trong các bộ môn và giữa các bộ môn với nhau.

- Một sự nhấn mạnh vào “mạng lưới” với các tổ chức khác để thúc đẩy các nghiên cứu về lợi ích chung.

Tông Hiến Veritatis Gaudium bao gồm các tiêu chuẩn mới trong việc chỉ đạo các cơ sở Đại Học của Giáo Hội, được thực hiện bởi các Hội Đồng Giám Mục quốc gia dưới sự hướng dẫn của Bộ Giáo dục Công Giáo Tòa Thánh. Các chuẩn mực này đòi hỏi một sự tập trung vào các văn bản huấn quyền, với một sự chú trọng đặc biệt vào các tài liệu của Công Đồng Vatican II. Các giáo sư, Đức Giáo Hoàng nói, phải “ý thức về bổn phận của họ là thực hiện công việc của mình với sự hiệp thông hoàn toàn với Huấn Quyền thực sự của Giáo Hội, nhất là với vị Giám Mục Rôma.”

Các chuẩn định mới sẽ có hiệu lực khi các trường khai giảng năm học mới 2018-2019. Mỗi phân khoa giáo hoàng phải làm sao cho tình trạng và chương trình học của họ phù hợp với tông hiến mới và trình các kế hoạch sửa đổi cho Bộ Giáo dục Công Giáo trước ngày 8 tháng 12 năm 2019.


*******************************************************************************

Con sống khiêm tốn, vâng, nhưng chịu bị sỉ nhục à, không đời nào!

Không thể sống khiêm tốn mà không chịu cảnh bị sỉ nhục. Chúng ta thấy điều ấy nổi bật qua cuộc đời vua Đavit và Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Đavit là vua vĩ đại nhưng cũng là một tội nhân
Đavit là con người vĩ đại vì ông đã đánh thắng quân Philitinh. Đavit cũng được ca ngợi là có tâm hồn cao quý, vì hai lần ông đã có thể giết vua Saun, nhưng ông không làm điều ấy. Tuy nhiên, Đavit cũng là một tội nhân tầm cỡ, vì ông ngoại tình với bà Betsabea là vợ quan tể tướng Uria. Sau đó, Đavit còn chủ mưu giết Uria bằng cách lấy quyền làm vua mà đẩy ông ấy vào chiến tuyến nguy hiểm nhất. Sau tất cả những điều ấy, Đavit được tôn kính như một vị thánh, bởi vì ông đã ăn năn sám hối về tội lỗi của mình. Bởi vì ông nhìn nhận tội lỗi của mình, và cầu xin Thiên Chúa thứ tha. Ông thừa nhận: tôi là kẻ tội lỗi.
Đavit bị hạ gục và bị nhục mạ
Trong bài đọc hôm nay, người con của Đavit là Absalon đã tạo cuộc cách mạng làm phản Đavit. Dân chúng chạy theo Absalon. Trong hoàn cảnh ấy, Đavit không nghĩ đến thể diện của mình, ông không giao chiến, ông nghĩ tới người dân, tới Đền Thờ, tới Hòm Bia Giao Ước. Vì thế, ông quyết định chạy trốn: một cử chỉ có vẻ hèn nhát nhưng kỳ thực là can đảm. Ông Đavit khóc lóc ăn năn bước đi.
Đavit vĩ đại không chỉ bị hạ gục, nhưng còn bị sỉ nhục. Khi đang chạy trốn, một người đàn ông tên là Simei ra sức sỉ nhục vua mà rằng: “Chúa đã đổ trên đầu ngươi tất cả máu của nhà Saun, người mà ngươi tiếm vị. Thiên Chúa đã trao vương quốc vào tay Absalon, con ngươi. Này là tai họa hành hạ người, vì ngươi là tên khát máu”. Trước tình huống đó, cận vệ của Đavit muốn giết kẻ đang ra sức sỉ nhục vua Đavit, nhưng Đavit cho phép anh ta tiếp tục sỉ nhục mình. Đavit đáp lại rằng: “Hãy để nó nguyền rủa ta theo lệnh Chúa. Biết đâu Chúa sẽ nhìn thấy nỗi khổ tâm của ta, và biết đâu Ngài sẽ đổi lời chúc dữ thành lời chúc phúc cho ta”.
Khiêm tốn là cho đi tất cả
Đavit trèo lên cây ôliu, là hình ảnh tiên trưng cho việc Chúa Giêsu leo lên đồi Calvario để hiến dâng mạng sống, để chịu sự xúc phạm, để bị gạt bỏ. Trong bối cảnh này, cách hành xử của Đavit là hình ảnh tiên trưng về sự khiêm tốn của Chúa Giêsu.
Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng, khiêm tốn là ra đi trong lặng lẽ, có lẽ là đi cúi xuống và mắt nhìn xuống sàn nhà… nhưng những con heo cũng đi như thế. Như thế không phải là khiêm tốn. Bởi vì, làm như thế là khiêm tốn giả tạo. Thật là tốt để chúng ta nghĩ về điều này: chẳng có sự khiêm tốn chân thực nếu không chịu đựng bị sỉ nhục. Khiêm tốn chân thực thì cho đi tất cả và không ra sức bao biện này nọ. Nếu không thể chịu đựng bị sỉ nhục, thì có chăng, bạn chỉ giả vờ khiêm tốn mà thôi.
Con đường chịu sỉ nhục
Đavit trở thành thánh nhân, vì biết sám hối tội lỗi của mình. Và khi sám hối, ông sẵn sàng chịu đựng bị sỉ nhục. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng Thánh, Người mang lấy tội lỗi chúng ta. Và khi ấy, Người cũng phải chịu bị sỉ nhục.
Luôn có cám dỗ chống lại những gì vu khống chúng ta, chống lại những kẻ nhục mạ chúng ta, chống lại những gì làm cho chúng ta nhục nhã xấu hổ. Trong thực tế, Đavit đã nói không với cám dỗ ấy, Chúa Giêsu đã nói không với cám dỗ ấy. Các ngài đón lấy con đường bị sỉ nhục. Từ chỗ bị sỉ nhục, Đavit đã nhìn ra hy vọng mà rằng: Có lẽ Chúa sẽ thấy nỗi khổ tâm của tôi, mà chuyển lời chúc dữ thành chúc phúc.
Quy tắc vàng để có đức khiêm tốn
Không hề có sự khiêm tốn bằng cách cố gắng bao biện làm ra vẻ mình tốt. Nếu bạn không thể chịu đựng bị sỉ nhục, thì bạn không thể sống khiêm tốn. Đây là quy tắc vàng.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho ta ơn khiêm tốn, cùng với ơn chịu đựng bị sỉ nhục. Có người nữ tu nói: “Con sống khiêm tốn, vâng, nhưng chịu bị sỉ nhục à, không đời nào!” Không, không! Không thể có sự khiêm tốn nếu không biết chịu đựng bị sỉ nhục. Chúng ta hãy can đảm xin ơn chịu bị sỉ nhục. Chúng ta hãy can đảm theo gương thánh Inhaxio, để xin ơn chịu đựng bị sỉ nhục cùng với Chúa Giêsu bị sỉ nhục, để ngày càng nên giống Chúa hơn.