Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

SUY NIỆM TIN MỪNG - NGÀY 31/03/2019

Filled under:


Người Cha và Hai Người Con(Lc 15, 1-3. 11-32)
1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.”3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:
11 Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai.12 Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con.13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu,15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo.16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha,19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
21 Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. ..22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu,23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.
25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa,26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì.27 Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ.29 Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!
31 “Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con.32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
Trong chương 15 của Tin Mừng theo thánh Luca, Đức Giê-su kể một lúc tới 3 dụ ngôn (Lc 15, 1-32), để giải thích tại sao Ngài không chỉ tiếp đón những người tội lỗi, mà con ăn uống với họ nữa, nghĩa là Người còn kết bạn với họ. Nhưng trên Thập Giá, Người còn đi xa hơn, khi để mình bị bắt và bị lên án như là tội nhân và chịu chết chung với các tội nhân.
Ba dụ ngôn có một thứ tự đặc biệt khiến chúng ta phải chú ý : 100 con chiên trong đó có một con bị mất ; 10 đồng quan, có một đồng bị mất, và 2 người con, một người bị hư mất. Như thế, xét trên bình diện số học, sự mất mát càng lúc càng lớn : một trên một trăm, một trên mười và một trên hai ; hơn nữa, xét về bản chất của điều bị mất, ban đầu là con vật, sau đó là đồng tiền, và trường hợp thứ ba là một người con, mà người con thì vô giá.
Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này, giá trị mất mát cảng lớn, thì niềm vui sẽ càng lớn, khi tìm lại được. Chính vì thế, người cha, khi mở rộng vòng tay đón nhận người con hư mất trở về, đã mở tiệc ăn mừng ; trong khi với trường hợp con chiên và đồng tiền tìm lại được, người ta chỉ chia sẻ tin vui thôi, với bạn bè và hàng xóm.
1. Một người có hai người con (c. 11-12)
Chúng ta hãy nhìn ngắm ba cha con, đặc biệt là con thứ. Hẳn cha yêu anh đặc biệt. Về người con lớn trình thuật lúc này chưa nói gì về anh.
Chúng ta hãy nghe anh nói với Cha và quan sát việc anh làm, để cảm được sự nghiêm trọng của lời anh nói với cha và hành động của anh : cha chưa chết mà đã đòi chia gia tài ! Và hành động của anh là có kế hoạch : bước một, xin chia gia tài ; bước hai, để đó ít ngày ; và bước ba, ôm gia tài đi xa. Vậy là, bao nhiêu ơn huệ cha ban anh quên hết ; tình yêu của cha và chính con người cha, anh cũng quên luôn ; anh chỉ tìm cách thỏa mãn lòng ham muốn của mình mà thôi. Chúng ta có thể nhận ra nơi anh, bản chất của Tội, được mặc khải bởi sách Sáng Thế : quên ơn huệ, quên Đấng ban ơn huệ và chiều theo lòng ham muốn của mình ; ở đây là ham muốn có, ham muốn sở hữu, chiếm hữu bất chấp tương quan con thảo với cha. Chiều theo lòng ham muốn, anh sẽ đánh mất chính điều anh tìm cách chiếm hữu và đánh mất luôn tất cả, tất cả ; tất cả trong đó có chính anh !
Hãy chiêm ngắm người cha, một người cha lạ lùng, vì có tình yêu của mẹ hiền[1] : cha chẳng nói gì, cũng chẳng tìm cách giữ chân anh, cha chiều theo ý muốn của anh. Tại sao vậy ? Cha chẳng nói gì, nhưng trong lòng cha có nhiều « chuyển động nội tâm », nhiều cảm xúc, hẳn là quặn đau, nhưng cũng thương cảm. Chúng ta có bao giờ đặt mình vào tâm tình của cha mẹ chưa, của những người có trách nhiệm chưa, và của chính Chúa chưa ?
2. Người con thứ và người cha (c. 13-24)
a. Đi xa (c. 13-16)
Chúng ta hãy nhìn, nghe và quan sát người con thứ : anh hí hửng thu góp bỏ nhà bỏ cha ra đi để sống điều mà anh nghĩ là « một cuộc sống tự do, hưởng thụ, vui vẻ ». Thật ra anh đang là nô lệ, nô lệ cho lòng ham muốn, cho thú tính, cho đam mê chiếm hữu của anh. Vì thế, chỉ ít lâu sau, anh trở thành nạn nhân, thay vì làm chủ được đời mình : điều anh muốn sở hữu, làm chủ, rốt cuộc rồi sẽ tiêu tán tất cả, không chỉ tiêu tán những gì anh có, nhưng tiêu tán cả chính bản thân anh, chính nhân phẩm của anh, thậm chí chính nhân tính của anh.
Thật vậy, gặp cơn khốn khó, là điều không thể tránh được trong cuộc đời ; và khi đó, anh bị hạ thấp xuống hàng tôi tớ, và tệ hơn nữa, hàng súc vật ; trong khi đó, trong nhà cha, anh được sinh ra là con và mãi mãi là con. Đoạn tuyệt tương quan với cha, thì tất yếu rơi vào tình cảnh như thế. Bởi vì chỉ ở nơi Cha, ở nhà cha, mới có sự sống, ánh sáng, nhân tính được thăng hoa, mới có tình yêu nhưng không ; ở ngoài cha và « nhà của người », chỉ là sự chết, bóng tối, mất nhân tính và ghen ghét, thiếu tôn trọng, bạc đãi…
Chúng ta cũng trở nên người con hoang đàng khi tự biến mình thành chủ nhân những gì mình có và mình là, coi những gì mình là và mình có là « quyền phải có », là « gia tài » Thiên Chúa buộc phải cho phải chia, và sử dụng và phung phí theo ý mình. Xin cho chúng ta nhận ra hậu quả tồi tệ của thái độ này : đánh mất, trở thành nô lệ, mất nhân tính…
b. Hồi tâm (c. 17-24)
Chính tình cảnh đánh mất nhân tính, đánh mất phẩm giá làm con, mà việc thiếu ăn thiếu uống chỉ là biểu hiện, làm cho người con thứ hồi tâm : « Thôi ta đứng lên đi trở về cùng Cha ». Chúng ta hãy hình dung ra hình ảnh : người con đứng thẳng lên, bước đi hướng về nhà Cha, về ngôi vị của Cha ; hình ảnh thật đẹp và đầy ý nghĩa, vì đã diễn tả sự tái sinh mà con tim của người Cha hằng mong chờ.
Hơn nữa, anh được thúc đẩy thân thưa với cha, và chúng ta có thể coi đó như « bản xưng tội » : “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. Chúng ta nên bắt chước xưng tội như người con thứ : thay vì cố gắng làm bản thống kê : làm gì, chi bao nhiêu, cho ai, bao nhiêu lần, ở đâu. Một bản thống kê như thế, dù có đúng và đủ, nhưng làm sao đúng và đủ được, xem ra không có ích lợi thiêng liêng gì, và chắc chắn, đó cũng không phải là điều người cha muốn nghe, là điều Chúa muốn nghe. Vấn để là nhận ra gốc rễ, nhận ra thái độ vô ơn, nhận ra những hình ảnh những ý nghĩ sai lầm… đã dẫn đến những hành vi như thế. Thay vì, làm bản thông kê, chúng ta hãy để cho Lòng Thương Xót lôi cuốn chúng ta, làm cho trái tim chúng ta bừng cháy lửa yêu mến Chúa, tái sinh chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi sự dữ và thay đổi tương quan của chúng ta đối với mọi sự, trong đó có chính bản thân chúng ta, như trường hợp người phụ nữ tội lỗi, trong Tin Mừng theo thánh Luca : tội nhiều, được tha nhiều, nên yêu mến nhiều (x. Lc 7, 36-50).
Anh hồi tâm ; anh nhớ nhà ; anh tự xét mình và ra án cho mình : mình chỉ có thể là tôi tớ thôi. Đó là bản án tất yếu, nếu mình là quan tòa của mình. « Thế rồi anh đứng lên đi về cùng cha ». Điều gì đã làm cho anh có can đảm trở về, nếu không phải là « khuôn mặt nhân hậu », mà người cha đã từng ngày và bất chấp tất cả, kiên trì ghi khắc trong tim anh ?
c. Trở về (c. 20-24)
Nhưng rồi khi về, anh đã được cha nhận ra từ xa, khi anh chưa nói gì, vì cha chỉ cần anh « đứng lên trở về » thôi ; và lòng cha rộn lên thay vì quặn đau như lúc anh ra đi; lòng cha rộn lên và bùng phát thành những cử chỉ thật âu ếm : người cha đã không ngại mùi hôi của người con trở về, khi « ôm cổ anh và hôn lấy hôn để », và thành những lời nói vui mừng, mời gọi cả nhà, và chắc chắc cả hàng xóm nữa. Lời cha lấn ắt cả lời tự thú của anh. Anh chửng hửng trước cử chỉ, thái độ và con tim của cha ; chúng ta hãy lưu lại để cảm nếm sự chửng hửng của anh.
Cha đã chờ đợi từng ngày, ngày này qua ngày kia ; cha không trói anh lại, cha không sai người đi bắt anh về ; vì cha là tình yêu ; tình yêu chỉ biết chờ đợi lời đáp tự do mà thôi, và chờ đợi đến tận cùng.
Hơn nữa, đó là « sức mạnh và khôn ngoan » của người cha : cha không chỉ tha thứ, nhưng con muốn chữa lành, giải thoát anh khỏi Sự Dữ, nhưng không phải bằng kết án, hình phạt và bạo lực, nhưng bằng « tình yêu đến cùng ». Sức mạnh và khôn ngoan của người cha nhân hậu trong dụ ngôn, trở thành hiện thực nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Chúng ta được mời gọi xác tín điều này : Thiên Chúa, Người Cha nhân hậu của chúng ta, không muốn kết án chúng ta, vì hành vi này không phù với bản chất của Người, là tình yêu và chỉ là tình yêu. Thật vậy, « kết án », kết án mình và kết án nhau, là hành vi thuộc về ma quỉ và của ma quỉ : « Vì Satan, kẻ tố cáo anh em của Ta… » (Kh 12, 10). Nhưng Thiên Chúa muốn « tái sinh » chúng ta trong niềm vui khôn tả : « chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy ».
Chúng ta hãy chiêm ngắm thật lâu cách cha đón nhận anh, vượt xa vô hạn những gì anh chờ đợi : anh đã chết đối với cha, cha cho anh tái sinh trong mắt cha, trong lòng cha, trong nhà cha, và tái sinh trong lòng tất cả mọi người khác trong nhà nữa. Chúng ta hãy nhìn, nghe và quan sát mọi người trong nhà để cảm nếm bầu khí vui mừng lễ hội.
Nhưng có một người không vui ! Và người đó lại là ông anh, là người thân trong nhà. Đáng lẽ ra, anh phải là người vui nhất sau cha. Hiện tượng này thật là kì dị ! Nhưng lại không hiếm thấy, ở mọi nơi và mọi thời.
3. Người con lớn và người cha (c. 25-32)
Chúng ta hãy nhìn, nghe và quan sát thái độ và cử chỉ của người con lớn. Anh làm việc chăm chỉ tận tụy vất vả, nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài, lòng anh đầy bất ổn, ấm ức và bực tức : anh là con, nhưng lại sống như người tôi tớ, sống tương quan chủ tớ với cha ; anh ghen tức với em, không nhìn nhận em, muốn loại trừ em, thay vì nhìn nhận con của cha là em mình, thay vì chúc mừng em « đã chết, nay sống lại », « đã mất, này tìm thấy », « đã không xứng là con, nay được cha phục hồi ». Bản chất của tội mà St 2-3 diễn tả cũng hoành hành ở trong anh nặng nề không kém, và còn hơn nơi người em. Như thế, lòng anh cũng « xa » cha không kém : anh là con nhưng anh tự coi mình là tôi tớ có nhiệm vụ « hầu hạ » và vâng lệnh cha tuyệt đối ; anh nhìn cha như ông chủ ; vì thế đòi trả công và ghen tị với em : anh so sánh rất « cụ thể và chính xác » : dê con (c. 29), bê béo (c. 30) ; anh nổi giận, không chịu vào nhà, nhà của cha, nhà của anh.
Người con này đã trở về nhà, nhưng người con kia lại lựa chọn đứng ở bên ngoài. Tương quan giữa hai anh em tượng trưng cho tương quan giữa chúng ta. Tương quan này có vấn đề vì tương quan gốc có vấn đề, nghĩa là tương quan của từng người con với người cha. Vì vậy, người cha đã kiên nhẫn nhắc lại ân huệ cha dành cho anh, vượt xa vô hạn nhưng gì anh « thèm muốn » : « Con ơi, con của cha, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con » ; sau đó cha mới mời gọi anh nhìn nhận em mình, vui với em, với cha và với cả nhà : « Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (c. 31-32)
* * *
Cha muốn trao ban hết, nhưng những người con của cha lại tính toán : chia chắc, tính công, so đo…. Cha vẫn còn đau khổ chờ đợi, vì người con lớn vẫn chưa trả lời. Và có lẽ, lời nói mà Cha chờ đợi nơi anh là : « tất cả những gì của con là của Cha ». Còn về người con thứ, Cha vẫn sẽ kiên nhẫn đồng hành với hành trình « tái sinh », chắc chắn là lâu dài và không dễ dàng của người con út. Và với chúng ta cũng vậy, Cha vẫn đợi, vẫn kiên nhẫn và bao dung đợi từng người chúng ta.
Dụ ngôn nói về tương quan của từng người chúng ta với Chúa, và tương quan của chúng ta với nhau, tương quan nào cũng bị tổn thương, sứt mẻ, cần được hàn gán, phục hồi, hòa giải. Đó chính là sứ mạng của Đức Giê-su, Ngài lấy lời, hành động và chính thân mình để hòa giải từng người chúng ta với Chúa Cha, và từng người chúng ta với nhau.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] “Chúa là hơi ấm mẹ hiền, trọn đời con nương thân, trọn đời con nương thân” (bài hát Bao La Tình Chúa).

Suy niệm 2

“Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con”. Qua những lời này, Chúa Giêsu tha thiết mời gọi mỗi chúng ta hãy tín thác rằng Thiên Chúa luôn dành cho mỗi một vị trí đặc biệt trong trái tim Chúa và tha thiết mời gọi chúng ta hãy đón nhận nhau trong tình huynh đệ chân thành. Chính hai hình ảnh tương phản của hai người con trong dụ ngôn hôm nay cho chúng ta nhận ra bài học cao quý ấy. 

Quả thế, cả hai người con đều là những người con đáng chê đáng trách. Người con thứ đáng trách vì anh là người con lêu lỏng, phung phí của cải của cha mẹ mình trong lối sống phóng đãng. Người con cả bị xem là đáng chê, vì anh sống trong nhà với cha mẹ nhưng chưa bao giờ anh ý thức mình là con, để yêu thương, để cộng tác và để hiểu cha mẹ mình. Anh chỉ sống nhưng một người đầy tớ, dửng dưng và bàng quang trước tình thương cha mẹ danh cho mình. 

Hình ảnh người cha phúc hậu, nhân ái và rộng lượng, phản ảnh một Thiên Chúa bao dung đầy lòng thương xót. Ngài luôn quan tâm đến từng người chúng ta. Trong trái tim Ngài, Ngài dành cho mỗi chúng ta một tình yêu rất đặc biệt, một tình yêu vượt qua lý trí tự nhiên của con người, để biến đổi để hoàn thiện những yếu đuối của chúng ta. 

Lạy Chúa, mỗi khi Mùa Chay về, chúng con được lắng nghe, được chiêm ngắm tình yêu không mệt mỏi của Chúa dành cho chúng con. Tình yêu này mời gọi và thúc đẩy chúng con hoán cải, mời gọi chúng con thay đổi và mời gọi chúng con sống tình huynh đệ yêu thương nhau như Chúa hằng mong muốn. Amen. 

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:33

Một bản Tân Ước do các học giả Do Thái chú giải tặng cho Đức Giáo hoàng

Filled under:

Một bản Tân Ước do các học giả Do Thái chú giải tặng cho Đức Giáo hoàng
cath.ch, 2019-03-27
Bản Tân Ước được người Do Thái chú giải.
Ngày 27 tháng 3-2019, các tác giả chú giải bản Tân Ước đã tặng Đức Phanxicô mó quà này.
Tìm cách để người do thái và kitô giáo gần nhau, nhà chú giải do thái người Mỹ  Marc Zvi Bretler cùng hợp tác với chuyên gia Tân Ước Amy Jill-Levine để chỉ đạo xuất bản quyển Tân Ước được người Do Thái chú giải (The Jewish Annotated New Testament). Dự án này là thành quả của ba năm làm việc với hơn ba mươi chuyên gia do thái được Nhà xuất bản Đại học Oxford (Oxford University Press) tài trợ.
Đối thoại do thái giáo-kitô giáo
Ông Marc Zvi Bretler giải thích trên nhật báo L’Osservatore Romano số ra ngày 27 tháng 3, tác phẩm cung cấp các chú giải của từng sách Tân Ước, đặc biệt chú ý đến bối cảnh do thái. Quyển sách nhắm đến hai loại độc giả: các tín hữu kitô mong muốn tìm hiểu bối cảnh này và các độc giả do thái ít quen thuộc với Tân ước và vai trò của nó trong đối thoại do thái giáo-kitô giáo. Quyển sách này có thể “là cầu nối giữa do thái giáo và công giáo .”
Ngoài các chú giải về bối cảnh lịch sử, quyển sách còn gồm năm mươi bài viết ngắn về thời kỳ Tân Ước cũng như các hiểu biết của người do thái về Chúa Giêsu, Thánh Phaolô và Mẹ Maria, phép rửa tội và Phép Thánh Thể, và cách chú giải Kinh Thánh của Israel về các Tin Mừng và tình trạng quan hệ giữa người do thái và tín hữu kitô. Họ viết: “Một số độc giả kitô giáo xem người Do thái là những người tham lam, trọng luật, bài ngoại, ghét phụ nữ và xem Chúa Giêsu như người sáng tạo ra ân sủng và lòng trắc ẩn. Thay vì đó, chúng tôi đưa ra cho thấy Chúa Giêsu và Thánh Phaolô nói theo truyền thống do thái chứ không chống lại. Ngay cả người do thái cũng nên đọc lại Tân Ước để bổ sung một số lỗ hổng trong giáo dục do thái .”
Báo L'Osservatore Romano cho biết, một ấn bản của tác phẩm này đã được tặng cho Đức Phanxicô vào cuối buổi tiếp kiến chung ngày 27-3-2019.
Ông Marc Zvi Bretler giải thích tiếp, dự án sẽ không ra đời nếu không có giáo huấn của Giáo hội và rất nhiều lời tuyên bố của Tòa Thánh về các quan hệ với do thái giáo. Nhà học giả cho biết, theo nghĩa này, Bản Tân Ước được người Do Thái chú giải đáp ứng cho “các lời tuyên bố tích cực này .” Ngày 28 tháng 3, ông Marc Zvi Bretler và bà Amy-Jill Levine trình bày quyển sách của họ tại Giáo hoàng Học viện Gregorian được Trung tâm hồng y Bea mời nói chuyện về các nghiên cứu do thái.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch


Vì sao vua Jordania nhận giải “Nobel” công giáo hòa bình?
fr.aleteia.org, Ban biên tập Aleteia, 2019-03-28
Đức vua Jordania Abdallah II và hoàng hậu Rania tiếp Đức Phanxicô ở hoàng cung Amman ngày 24 tháng 5 – 2014.
Được mệnh danh là “Nobel” công giáo hòa bình, từ năm 1981, ngọn đèn Thánh Phanxicô Axixi là giải thưởng cao quý hàng năm được Dòng Phanxicô trao cho một nhân vật toàn cầu dấn thân vì hòa bình. Năm nay các tu sĩ Dòng Phanxicô trao cho đức vua Jordania Abdallah II.
800 năm sau khi Thánh Phanxicô Axixi gặp vua hồi giáo Malik al-Kamil ở Damiette (năm 1219), bây giờ đến lượt quốc vương Jordania Abdallah II đến thăm Thánh Phanxicô vào ngày 29 tháng 3 này. Đầu tháng 3, Linh mục Enzo Fortunatode, giám đốc văn phòng báo chí của đền thánh Axixi thông báo, Đức vua Abdallah II và hoàng hậu Rania sẽ đến đền thánh Thánh Phanxicô Axixi để nhận ngọn đèn hòa bình của Thánh Phanxicô.
1,3 triệu người tị nạn được Jordania đón nhận
Tưởng thưởng một nhân vật thế giới dấn thân cho hòa bình hay “mạnh mẽ cổ động để mang lại một khát vọng hy vọng và nhân đạo”, ngọn đèn Thánh Phanxicô còn được gọi là ngọn đèn của hòa bình hay “Nobel“ công giáo hòa bình, năm nay giải này được trao cho vua Jordania. Đức vua được tưởng thưởng vì “dấn thân cổ động cho nhân quyền, hòa hợp giữa các tôn giáo và đón nhận người tị nạn”. Nước Jordania hiện nay đón nhận gần 1,3 triệu người tị nạn.
Linh mục Enzo Fortunatode, phát ngôn viên của đền thánh Axixi nhấn mạnh: “Ngày nay, giữa sự sợ hãi và tin tưởng vào người khác, chúng tôi chọn tin tưởng”. Về phần mình, ông Fayiz Khouri, đại sứ  Jordania tại Rôma cho biết: “Cố gắng của vua Jordania để hỗ trợ cho hòa bình và hòa hợp trong thế giới là điều thiết yếu trong việc đấu tranh chống sự truyền bá các ý thức hệ có hại”.
Khi đến Axixi, nhà vua sẽ được Thủ tướng Ý Giuseppe Conte tháp tùng. Sẽ có một giây phút cầu nguyện ở mộ Thánh Phanxicô. Theo dự trù bà Angela Merkel, thủ tướng Đức người nhận giải này năm 2018 sẽ có mặt ở sân trước vương cung thánh đường nơi diễn ra lễ trao giải.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Bà Angela Merkel nhận ngọn đèn Thánh Phanxicô Axixi, giải “Nobel” công giáo

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:27

Phút cảm nhận Tin Mừng CN IV Mùa Chay.

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng CN IV Mùa Chay.
"Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy"(Lc 15, 1-3. 11-32).
Đây là dụ ngôn có ảnh hưởng nhiều nhất đối với giới trẻ. Hình ảnh người cha nhân hậu, yêu thương và trân trọng các con. Ông yêu thương mỗi người mỗi cách và dù mỗi người con có xử thế nào, cha vẫn ân cần biểu lộ tình yêu thương và muốn dùng tình yêu thương để cảm hóa họ. Chính nhờ tình yêu thương, người con hoang đàng mới trở về thực sự.
Với phong trào Cursillo, dụ ngôn được chuyển thể thành kịch bản và đã lấy đi bao nước mắt của các tham dự viên. Chính tôi đã phải rơi lệ bởi các anh chị em trợ tá, đó là các diễn viên không chuyên nhưng nhập vai quá thật. Không biết do đâu mà cảm xúc cứ dâng trào, mặc dù tôi đã nghe và đọc rất nhiều lần dụ ngôn này.
Lạy Chúa, hình ảnh người con thứ, người con cả cho chúng con thấy: chúng con chỉ là con người nhỏ mọn, tội lỗi. Thiên Chúa là người cha tuyệt vời. Cha yêu từng người con, và muốn những người con của Cha biết yêu nhau, biết cảm thông với nhau. Xin Cha dạy chúng con bài học yêu thương, bao dung của Cha để chúng con biết sống chan hòa với Cha và với nhau. Amen.


THÁNH GUIĐÔ
TU VIỆN TRƯỞNG

(+1046)
Casêma một làng quê nhỏ bé thuộc tỉnh Ravenna bên Ý, là nơi đây Guiđô đã chào đời. Sinh ra trong gia đình đạo hạnh, Guiđô được lãnh nhận một nền giáo dục rất chu đáo; nền giáo dục đó đã tạo cho cậu một tư cách nết na nhu mì và một tâm hồn yêu thích làm điều thiện.
Ngay từ buổi thiếu thời, người ta đã thấy cậu rất chăm chỉ học hành, có một trí nhớ dẻo dai, nhưng nhất là có tính tình chín chắn không khác chi một người đã đứng tuổi. Nhưng cậu lại có khuyết điểm là thích ăn mặc chải chuốt và thích làm đỏm để được người ta chú ý. Nhưng rồi với ơn Chúa tác động, cậu nhìn nhận đó là một khuyết điểm và quyết định từ bỏ cái tính háo danh giả trá đó. Để thực hiện ý chí cương quyết ấy cậu đã đi dự lễ thánh Apolinariô tại Ravenna với bộ đồ rách rưới và bẩn thỉu, còn áo quý của mình thì cởi cho người nghèo khó hết. Vẫn giữ bộ quần áo "tang thương" đó, Guiđôâ còn ngang nhiên đi Rôma viếng mộ các thánh Tông đồ. Và với ý chí tận hiến cuộc đời cho Chúa, Guiđôâ đã xin chịu chức cắt tóc gia nhập hàng giáo sĩ mà không cho cha mẹ hay biết chút nào. Cậu còn định tâm sẽ đi viếng Đất Thánh và không trở về quê hương nữa.
Đang lúc ôm ấp hoài vọng tốt đẹp kia, Thiên Chúa lại muốn cho người thanh niên có thiện chí ấy đến với Người bằng một đường lối khác. Người muốn cho Guiđôâ trở về Ravenna ngay để hấp thụ giáo huấn của một vị ẩn tu thánh thiện và đầy kinh nghiệm đang sống trên một cù lao nhỏ giữa giòng sông Pô. Vị ẩn tu đó chính là Mactinô, người đang gián tiếp coi sóc tu viện Pompose. Sau ba năm tập luyện và thực hành đức vâng lời, Guiđôâ được vị ẩn tu đưa về tu viện giới thiệu với các tu sĩ và cho mặc áo dòng. Nhờ những công trình tập luyện trước Guiđôâ làm quen được với nếp sống khắc khổ và đạo đức của tu viện một cách dễ dàng.
Chưa được bao lâu tiếng nhân đức của thầy Guiđôâ đã vang đồn khắp nơi trong dòng đến nỗi tuy còn trẻ tuổi, thầy cũng đã được ủy thác trông coi tu viện thánh Sêvêriô ở Ravenna. Dù đổi nơi đổi nhà, ở đâu thầy cũng vẫn tỏ ra hết lòng mến Chúa và bác ái đối với anh em.
Đã đến lúc Thiên Chúa muốn dùng người tôi tớ trung thành để đảm đang những công việc trọng đại. Vào năm 998, tu viện trưởng Mactinô và cả cha phụ tá cùng tạ thế, mọi người trong dòng đều đồng thanh bầu thầy Guiđô làm tu viện trưởng Pômposa. Thầy khiêm nhường lãnh nhận trọng trách Chúa gửi đến và nỗ lực chu toàn sứ mệnh để đem lại cho tu viện những ngày sống hưng thịnh và sốt sắng.
Nhân đức vị tu viện trưởng mới vang lừng khắp nơi, thu hút một số đông những người đến xin thụ giáo. Tu viện không còn đủ sức chứa, cha bề trên phải vội xây cất thêm nhà. Công việc thật bề bộn, phần thì thiếu tiền của, phần thì ngài còn "chân ướt chân ráo" đã phải lo những công việc lớn lao, song ngài hoàn toàn phó thác và tin tưởng ở Chúa quan phòng. Trong dịp này lời cầu nguyện của ngài tỏ ra thế lực lạ lùng đến nỗi cứu sống được bọn thợ xây bị đè bẹp dưới đống gạch vụn vì một bức tường bỗng đổ xuống; lần khác trong lúc kho hết sạch cả lương thực và quỹ không còn một xu để trả công thợ, bỗng nhiên Chúa quan phòng gửi đến cho ngài hai thuyền chở đầy lúa và rượu.
Công việc xây cất hoàn tất, ngài liền trao quyền tạm cho mấy tu sĩ khôn ngoan thay ngài lãnh đạo tu viện; còn ngài lại muốn được rảnh tâm chăm lo phụng sự Chúa hơn hầu lãnh nhận thêm nhiều nghị lực mới. Theo gương cựu tu viện trưởng Mactinô, ngài ẩn mình một thời gian khá lâu trong nơi xa vắng để hoàn toàn thanh thản trong sự chiêm niệm và sống khắc khổ.
Khi đã dư dật của ăn tinh thần, ngài trở về tu viện hăng hái hoạt động không còn biết mỏi mệt. Càng nghiêm khắc với bản thân bao nhiêu ngài càng hiền từ và bác ái với các tu sĩ bấy nhiêu, vì thế hết mọi người đều yêu mến ngài như cha vậy.
Tuy người tôi tớ Chúa đã sống cuộc đời thánh thiện và đức hạnh phi thường, song Chúa còn muốn tinh luyện nhân đức ngài bằng một cơn thử thách vĩ đại làm chấn động cả tu viện. Ma quỷ thấy ngài hăng hái hoạt động tông đồ, liền xui khiến nhiều người bá cáo lên Đức Tổng Giám mục Ravenna, những điều xấu xa không thể có nơi ngài. Đức Tổng Giám mục tin lời và muốn bắt chính các tu sĩ trong tu viện phải trục xuất bề trên Guiđôâ khỏi tu viện.
Tin bất ngờ đó làm cho cả nhà hồi hộp lo sợ. Toàn thể tu sĩ sốt sắng gia tăng lời cầu nguyện và hãm mình ăn chay phạt xác, để xin Chúa rủ lòng thương ngăn cản cơn khốn khó sắp đổ xuống trên tu viện. Chúa đã nhận lời cầu nguyện tha thiết của những tâm hồn đầy tin tưởng: chính ngày Đức Tổng Giám mục thân hành đến tu viện để truất chức tu viện trưởng Guiđôâ, ngài mới hay mình đã bị người ta lừa dối, lập tức ngài đổi lòng và hứa sẽ bênh vực tu viện trưởng và bảo trợ cả nhà dòng.
Tu viện trưởng Guiđôâ luôn luôn tỏ ra sáng suốt và hoạt động không ngừng trong việc điều khiển tu viện Pompose. Thấm thoát đã được 48 năm, bỗng có lệnh vua Henricô III triệu ngài về Placentia, ngài vâng lệnh ra đi. Đường dài sức yếu, càng đi ngài càng cảm thấy kiệt sức. Nhưng ngài vẫn gượng đi tới ấp thánh Domnin, tới đây ngài trút hơi thở cuối cùng để về chầu Chúa ngày 31.03.1046. Mọi người được chứng kiến sự lạ lùng khi một người mù chạm tới xác thánh nhân liền được sáng. Tin lạ ấy truyền đi nhanh chóng và người ta lũ lượt kéo đến kính viếng xác thánh nhân. Dân tỉnh Parma muốn được mai táng xác thánh nhân ngay ở tỉnh mình vì ngài đã từ trần tại đó; nhưng vua Henricô III truyền đem di hài đấng thánh về tỉnh Spirê bên Đức và an táng tại giáo đường thánh Gioan Tẩy giả sau được cải tên là nhà thờ thánh Guiđôâ.
Đèn sáng không ai đem để dưới thùng, vì thế Giáo hội đã muốn truy phong ngài lên bậc hiển thánh để treo cao gương sáng đời của một người đã tận tụy với nghĩa vụ: điều khiển tu viện và dẫn dắt những tâm hồn thiện chí trên con đường thánh thiện.

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:20

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Jim Caviezel có bài diễn văn Công giáo có thể coi là tuyệt vời nhất của thế kỷ 21

Filled under:

Jim Caviezel có bài diễn văn Công giáo có thể coi là tuyệt vời nhất của thế kỷ 21
Diễn viên lừng danh Jim Caviezel 
20 tháng Ba, 2019
Diễn viên lừng danh của bộ phim ‘Cuộc Khổ Nạn của Đức Ki-tô’ kêu gọi thế hệ tiếp nối hãy “tống Lucifer trở lại hỏa ngục.”
Jim Caviezel chuẩn bị cho ra mắt bộ phim mới nhất về chủ điểm đức tin, Phaolô, Tông đồ của Đức Ki-tô — đã ra mắt mùa xuân năm ngoái — trong đó anh thủ vai Lu-ca Thánh sử. Như thông lệ đối với ngôi sao lừng danh nhất tham gia một bộ phim, anh đến hội nghị thượng đỉnh vai trò lãnh đạo của FOCUS (hội nghị SLS) để quảng bá cho bộ phim mới.
Có lẽ các sinh viên đại học đang mong chờ một diễn văn về bộ phim mới, nhưng những gì họ nhận được lại là một tiếng gọi phi thường đối với hành động làm chúng ta kinh hoàng.
Đám đông xúc động khi nhìn thấy khuôn mặt rất dễ mến, rậm râu của Caviezel, tới mức dường như họ không thể giữ bình tĩnh được. Anh nhẹ nhàng đưa một ngón tay lên và cả khán phòng im lặng đủ để nghe thấy tiếng chiếc kim rơi xuống. Và Caviezel bắt đầu, phát biểu một cách nhẹ nhàng và đọc trong văn bản soạn sẵn của anh, có hơi vụng về một chút:
“Tên Sao-lô (Saul) có nghĩa là ‘Người Vĩ đại.” Tên Phao-lô (Phaolo) có nghĩa là ‘Người Nhỏ Bé.’ Khi làm bộ phim này tôi nghiệm ra rằng việc thay đổi một ký tự nhỏ bé mà chúng ta có thể làm lại trở thành vĩ đại trước mặt Chúa. Nó đòi hỏi chúng ta phải trở nên nhỏ bé nếu chúng ta muốn trở nên vĩ đại. Đây là con đường của các thánh. Đây là con đường nên thánh và đây là con đường Sao-lô trở thành Thánh Phao-lô.”
Anh tiếp tục nói về những ơn gọi và cách thức để chúng ta mở lòng phân định tiếng gọi. Anh nói đến việc anh hiểu được ý muốn của mình trở thành một diễn viên, khoảng thời gian căng thẳng trong vai diễn Edmond Dantes trong bộ phim The Count of Monte Cristo, cũng như những hy sinh của anh trong thời gian anh đóng vai Chúa Giê-su trong bộ phim The Passion of the Christ (Cuộc Khổ Nạn của Đức Ki-tô). Anh nói:
“Khi tôi bị treo lên Thập giá ở đó, tôi hiểu được rằng sự đau khổ của Người là ơn cứu độ của chúng ta. Hãy nhớ rằng người hầu không bao giờ lớn hơn ông chủ. Mỗi người chúng ta phải mang thập giá riêng của mình. Đây là cái giá của đức tin chúng ta, cho sự tự do của chúng ta. Tôi đã thật sự bị trừng phạt theo nghĩa đen, bị đánh bằng roi da, bị đóng đinh, bị sét đánh, vâng, mổ tim hở — đó là những gì xảy ra sau năm tháng rưỡi bị hạ thân nhiệt (hypothermia).”
Anh thuật lại một thời điểm khi đang quay bộ phim Cuộc Khổ Nạn, lúc anh bị đè bên dưới thập giá và có ai đó lôi nó đi lệch hướng, làm cho anh bị trật khớp vai. Anh nói rằng đoạn phim này vẫn còn trong bản cắt cuối cùng của bộ phim và bình luận rằng sản phẩm diễn ra trong một phim trường, nhưng có thể chúng ta không bao giờ nhìn thấy một diễn xuất chân thực đến vậy. “Sự đau đớn làm cho diễn xuất của tôi nên thật, cũng như nó có trong cuộc sống của chúng ta.”
“Có rất nhiều đau đớn và đau khổ trước khi phục sinh và con đường của các bạn cũng sẽ như vậy. Vì thế hãy mang lấy thập giá của mình và chạy đua về đích. Tôi muốn các bạn hãy bước vào thế giới vô thần này và tuyên xưng mạnh mẽ niềm tin của mình giữa mọi người. Thế giới đang cần những chiến binh kiêu hùng, làm chứng bằng niềm tin của họ. Những chiến binh như Thánh Phao-lô và Thánh Lu-ca là những người đã liều lĩnh với tên gọi và danh tiếng của mình để giữ đức tin, đem tình yêu của họ với Chúa Giê-su vào trong thế giới này.”
Anh nói về dân chủ và sự khác nhau giữa tự do làm những gì bạn muốn và tự do làm những gì bạn phải làm. Anh trích dẫn câu nói nổi tiếng của Cha Maximilian Kolbe, “Sự thờ ơ là tội lớn nhất của thế kỷ 20,” và anh nói thêm, “Thưa anh chị em của tôi, nó cũng là tội lớn nhất của thế kỷ 21.”
Anh tóm tắt toàn bộ diễn văn bằng đoạn trích dẫn bài diễn thuyết nổi tiếng trước khi lâm trận trong bộ phim Braveheart (Trái tim dũng cảm) trong đó hiệp sĩ William Wallace đẩy tinh thần hào hùng của quân đội ông bằng cách nói về sự tự do và điều chúng ta phải sẵn sàng làm để đạt được nó. Anh cắt ra một đoạn trích, nói với sự tự tin và bỏ sang một bên bài diễn văn soạn sẵn của mình:
“Mọi người đều phải chết. Không phải mọi người đều thật sự sống. Bạn, bạn, bạn. Các bạn của tôi, tất cả chúng ta phải chiến đấu cho sự tự do đích thực đó và sống. Lạy Chúa, chúng ta phải sống! Và với Thánh Thần như là tấm khiên cho các bạn và Đức Ki-tô là lưỡi gươm của bạn, các bạn hãy cùng với Thánh Mi-ca-e và tất cả các Thiên Thần tống Lu-xi-phe và tất cả bè lũ của hắn trở lại địa ngục là nơi thuộc về chúng!”
Thật thú vị khi theo dõi sự thay đổi nơi Caviezel khi anh thay đổi giữa văn bản soạn trước và phát biểu ứng khẩu. Dường như nó là sự minh họa trực tiếp cho sự khác nhau giữa “Người Nhỏ Bé” và “Người Vĩ Đại,” khi giây phút thể hiện sự xuất thần của anh qua đi, anh tựa vào bục phát biểu và nở nụ cười ngượng ngùng vì anh đã làm hỏng đoạn cuối của bài phát biểu soạn trước của mình.
Đọc văn bản của bài diễn thuyết cũng có chút công bằng; thật đáng xem toàn bộ video. Nó có thể khiến bạn xem bộ phim Paul, Apostle of Christ (Phaolô, Tông đồ của Đức Ki-tô) — hoặc thậm chí làm bạn nao lòng trước tinh thần quyết tâm của quân đội của Wallace trên một chiến trường nơi mà lợi thế chống lại họ.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/3/2019]

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:54

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 30-03-2019

Filled under:

« Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi »(Lc 18, 9-14)

9 Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác.
10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.
14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
  1. Người Pha-ri-sêu « công chính »
Chúng ta hãy nghe lại một lần nữa lời nguyện của người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, trong dụ ngôn của Đức Giê-su :
Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.
(c. 11-12)
Và theo Đức Giê-su, một lời nguyện như thế sẽ không làm cho một người sống rất công chính trước mặt mọi người, như là ông Pha-ri-sêu, trở nên không công chính trước mặt Thiên Chúa. Trong khi đó, người làm nghề thu thuế đã thưa với Chúa một lời nguyện rất ngắn :
Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.
Nhưng lời nguyện này đã làm cho một người tội lỗi, đáng bị khinh chê trước mặt mọi người, trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Vậy điều gì trong lời nguyện của người Pha-ri-sêu, vốn là người sống rất tốt về mọi mặt, làm cho Chúa không vui lòng, làm cho ông không còn đáng yêu trước mặt Chúa ?
Chắc chắn đó không phải là vì ông đã kể ra tất cả những gì mình đã làm trước mặt Chúa. Một em bé, sau khi đi học cả ngày, tối về kể lại một cách đơn sơ tất cả những gì mình đã làm cho bố mẹ nghe, sẽ làm cho bố mẹ rất vui thích. Khi đến với Chúa, chúng ta cũng được mời gọi trở nên đơn sơ như em bé, kể lại tất cả những gì mình đã làm ; và chắc chắn, điều này cũng sẽ làm cho Chúa vui thích. Và đó chính là điều chính các Tông Đồ đã làm : « Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy » (Mc 6, 30).
Và lí do cũng không phải là vì ông nói dối trước mặt Chúa, nghĩa là kể sai sự thật ; bởi vì, với tư cách là một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, chắc chắn ông đã kể lại một cách chính xác những gì ông làm, không thêm thắt điều gì. Nếu thế, ông có một cuộc sống rất đáng cho chúng ta khâm phục, thậm chí đáng bắt chước nữa ; và ngày nay, các mục tử vẫn khuyên bảo như thế :
  • Về phương diện luân lí, ông không tham lam, không ăn trộm, không làm điều bất chính, nhất là không ngoại tình. Rất ít người, kể cả chúng ta nữa, có thể sống như ông.
  • Về phương diện đạo đức, ông là người rất sốt sắng, bởi vì ông ăn chay mỗi tuần hai lần ! Về chuyện ăn chay, chắc chắn ông sốt sắng hơn chúng ta, bởi vì chúng ta cũng ăn chay hai lần, nhưng là cho cả năm !
  • Hơn nữa, ông còn đóng góp vào việc thờ phượng Thiên Chúa trong Đền Thờ. Về điều này, ông lại càng làm cho chúng ta phải khâm phục hơn, bởi vì ông không phải lâu lâu mới đóng góp, lúc có lúc không, nhưng ông đã đóng góp đều đặn, theo kế hoạch chi thu đã định sẵn, như ông thưa với Chúa : « Con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con ». Một phần mười thu nhập là nhiều lắm : chúng ta hãy tính thử : cứ một triệu, thì dâng cho Chúa một trăm ngàn ! Chắc chắn, ít ai trong chúng ta, thậm chí ít người trên đời này, đã quảng đại như vậy.

  1. 2. Người Pha-ri-sêu và « Kẻ Tố Cáo »
Một lời nguyện nói lên một cuộc sống rất tốt như thế, nhưng tại sao lại không làm cho người Pha-ri-sêu nên công chính, hay nói cách khác, không làm cho Chúa vui, không làm đẹp lòng Chúa, không hợp với Chúa, làm cho Chúa ngoảnh mặt đi ? Đó là vì, cũng trong lời nguyện này, ông so sánh mình với người khác ; hơn thế nữa, ông còn « chỉ điểm » cho Chúa một người cụ thể, mang tội đầy mình, đó người thu thuế đứng bên cạnh ông : « Con không như bao kẻ khác… hoặc như tên thu thuế kia ».
Thế mà, tố cáo người khác trước mặt Thiên Chúa, lại là hành động mà Satan thích làm nhất, thích đến độ Satan có một tên gọi khác, theo sách Khải Huyền, là « Kẻ Tố Cáo » :
Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ,
giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền,
và Đức Ki-tô của Người
giờ đây cũng biểu dương quyền bính,
vì Kẻ Tố Cáo 
(Satan, là danh từ trong tiếng Hi-lạp) anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa,
nay bị tống ra ngoài.
(Kh 12, 10)
Như thế, lý do làm ông Pha-ri-sêu trở nên không công chính trước mặt Chúa, đó là vì, trong lời nguyện của ông, ông hành xử giống như Satan, ông đóng vai trò của Satan, hay nói mạnh hơn, ông tự biến mình thành Satan, khi ngay trong lời nguyện của mình, ông thích nghĩ đến tội của người khác và tố cáo họ trước mặt Thiên Chúa. Trong khi người thu thuế kia chỉ nghĩ đến tội của mình trước mặt Chúa một cách khiêm tốn và xin Ngài thương xót : « Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi ».

  1. Trong Đức Ki-tô không còn lên án
Chúng ta thường hình dung sự thiện buộc tội sự dữ, sự dữ buộc tội sự thiện. Chúng ta thường nghĩ một cách tự phát rằng người công chính và người tội lỗi buộc tội lẫn nhau[1]. Hơn thế nữa, chúng ta còn duy trì hình ảnh về một Thiên Chúa, Đấng Công Chính tuyệt đối, buộc tội con người vốn « tội lỗi bẩm sinh ».
Thay vì sự thiện và sự dữ buộc tội lẫn nhau, thì chính hành vi buộc tội là một điều dữ. Miệng khô đi vì buộc tội liên tục, điều đó không phù hợp với sự thiện. Sự thiện thể hiện mình bằng cách đi qua hành vi buộc tội, chắc chắn là điều không thể tránh khỏi; và trong Kinh Thánh, không thiếu những bản luận tội thốt ra từ miệng các ngôn sứ, các tác giả Thánh Vịnh và cả Đức Giê-su nữa. Nhưng đó không phải là chỗ đứng đích thực của sự thiện, không phải là chỗ đứng sau cùng của sự thiện. Ngược lại, chỗ của kẻ buộc tội rốt cuộc được dựng lên là để cho sự dữ đứng vào. Chúng ta nói « rốt cuộc » vì chính trong sách Khải Huyền, sách cuối cùng của bộ Kinh Thánh, mà chúng ta đọc được những lời chúng ta vừa trích dẫn ở trên : « Vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước tòa Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài » (Kh 12, 10).
Khác hẳn với ông Pha-ri-sêu, Đức Ki-tô vốn là Đấng công chính tuyệt đối và hoàn hảo, nhưng Ngài không khinh chê những người tội lỗi là chính chúng ta, như chính Ngài đã nói :
  • Thiên Chúa sai con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ » (Ga 3, 17).
  • « Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi. » (Mt 9, 13)
  • Và nhất là trên Thập Giá, « Đức Ki-tô chịu đóng đinh, Đối Tượng Duy Nhất của lòng trí chúng ta », đã tự nguyện bị đối xử như là một tội nhân, bị lên án như một tội nhận và ở giữa các tội nhân, để bày tỏ cho chúng ta lòng bao dung vô hạn của Thiên Chúa đối với mọi tội nhân thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta.
Và chính lòng thương xót là động lực mạnh mẽ và bền vững tái sinh chúng ta và biến đổi con tim chúng ta biết sống cho Chúa và qui hướng mọi sự về việc ca tụng Chúa, chứ không phải là những lời xếp bậc, xếp loại, lên án (tự lên án mình và lên án nhau), đe dọa và ra án phạt (có khi tự mình ra án và thi hành án).
* * *
Thập Giá mời gọi chúng ta không kết tội Đức Ki-tô (dưới hình thức gánh chịu hình phạt vì tội lỗi chúng ta), cho dù Sự Dữ ngang qua những con người cụ thể kết tội Người, vì Chúa vô tội. Và chúng ta cũng không kết tội mình và người khác, và không kết tội cả Chúa nữa (dưới hình thức kêu trách, chất vấn). Bởi vì :
  • Kết tội tự nó là điều dữ. Khi kết tội Đức Ki-tô, Sự Dữ bị lộ nguyên hình, trong mức độ nó tự cho thấy kết tội là điều dữ ; tội ở nơi người kết tội, chứ không phải nơi người bị kết tội.
  • Và cho dù mình và người khác đáng bị kết tội, thì Chúa đã mang hết tội lỗi của chúng ta vào mình rồi với lòng bao dung, và Người ban sự công chính của Người cho chúng ta, để chúng ta đừng kết tội mình và kết tội nhau, như thánh Phao-lo xác tín :
Trong Đức Ki-tô, không còn lên án nữa.
(Rm 8, 1)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

SUY NIỆM 2

  Sống đạo không phải là tự hào về những điều chúng ta làm được, nhưng sống đạo là để nhận ra chúng ta là con người yếu hèn cần Chúa xót thương để nên hoàn hiện. Đó chính là mong ước mà Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta qua Lời Chúa hôm nay: “Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên". 

Quả thế, “Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ”. Chúng ta đừng bao giờ tìm kiếm những hư danh bên ngoài khi tự mãn về những điều chúng ta đã làm cho Chúa, cho Giáo Hội, để rồi bắt Chúa và Giáo Hội phải biết ơn chúng ta. Và tệ hơn nữa, chúng ta đừng bao giờ lấy những công trạng mình đã đóng góp cho Chúa cho Giáo Hội, để so đo và phê bình người khác là kém cỏi, là thiếu tinh thần phục vụ Chúa và Giáo Hội. 

Mùa Chay, Giáo Hội luôn gọi mời chúng ta thực hành những việc làm đạo đức truyền thống: Ăn chay, bố thí và cầu nguyện. Đây là những thực hành để giúp chúng ta biến đổi cuộc sống hơn là nhằm để tự mãn. Có ăn chay, chúng ta mới cảm thông những thiếu thốn của những người thiếu của ăn hằng ngày. Có bố thí, chúng ta mới ra khởi con người của mình để quan tâm và yêu thương người anh chị em của chúng ta đang cần đến sự giúp đỡ. Và có cầu nguyện, chúng ta mới thấy rằng chúng ta mỏng manh, yếu đuối và cần đến sự đỡ nâng của Chúa. 

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết ý thức rằng chúng con chẳng là gì trước nhan thánh Chúa. Những việc chúng con làm được chẳng đáng chi với biết bao điều tốt đẹp mà Chúa hằng thi ân giáng phúc trên chúng con. Và nếu con có tụ hào, thì xin cho con tự hào vì luôn được làm con Chúa. Amen.



GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:40