Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

5 Phút cho Lời Chúa ngày 17/1/2018

Filled under:

LUẬT BÁC ÁI LÀ TRÊN HẾT
“Ngày sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (Mc 3,4)
Suy niệm: Vào thế kỷ thứ II trước công nguyên, người Hy Lạp cai trị nước Do Thái; vua An-ti-ô-khô Ê-pi-phan theo đuổi chính sách Hy Lạp hoá dân bị trị, do đó du nhập lối sống truỵ lạc và thờ ngẫu tượng vào xã hội Do Thái. Ông gặp sự chống đối mãnh liệt của những người Do Thái trung thành với lề luật và giao ước mà Gia-vê đã ký kết với cha ông họ. Những người Do Thái nhiệt thành này đã hình thành nhóm Ha-si-đim – nghĩa là những người đạo đức – là tiền thân của nhóm Biệt Phái vào thời Chúa Giê-su; gọi thế vì họ có một lối sống hết sức khác biệt: rất thông thạo Thánh Kinh và giữ luật hết sức tỉ mỉ. Họ đã khởi đầu với những ý hướng rất tốt đẹp, nhưng tiếc thay họ đã đi quá xa: giữ luật cách cứng nhắc đến nỗi vì thế mà đang tâm không giúp đỡ anh chị em trong những cơn bệnh hoạn tật nguyền!
Mời Bạn: Ngày Chúa Nhật, chúng ta nghỉ ngơi nhưng không phải để “sa đà,” “xả láng” trong đủ mọi thứ vui chơi giải trí. Trái lại chúng ta được mời gọi thánh hoá ngày Chúa Nhật theo ý Chúa muốn qua việc tham dự thánh lễ cách trọn vẹn và sốt sắng, dành thì giờ để chia sẻ tình bác ái với anh chị em đang sống chung quanh mình.
Chia sẻ: Bạn đang tham gia công tác tông đồ nào trong ngày Chúa Nhật?
Sống Lời Chúa: Rủ một người bạn cùng đi tham dự thánh lễ hoặc cùng tham gia một hoạt động tông đồ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, suốt tuần lễ con lam lũ với bao lo toan của cuộc sống, xin cho con biết thánh hóa ngày Chúa nhật bằng việc thờ phượng Chúa và sống trọn đức ái để làm cho tình yêu Chúa luôn sống trong anh chị em con.


THÁNH ANTÔN
ẨN TU
(251-357)
Đời sống thánh Antôn là tấm gương chiến đấu liên lỉ và can đảm với thù tặc Satan, xứng đáng cho mọi người công giáo noi theo.
Antôn chào đời vào năm 251, tại làng Cosma thơ mộng, một làng đẹp nhất miền Ai Cập thượng. Cha mẹ ngài thuộc dòng tộc quý phái; lại giầu lòng đạo đức. Cả hai kiên tâm giáo hoá con cái về học vấn lẫn tu đức. Mà vì nền giáo dục quá nghiêm khắc, cậu Antôn ít được ra khỏi nhà hay chơi đùa với các bạn đồng tuổi. Suốt đời niên thiếu hầu như cậu chỉ biết có dinh thự gia đình và nhà nguyện của làng.
Năm 18 tuổi, sau khi cha mẹ từ trần, Antôn ở với em gái. Hai anh em theo gương cha mẹ, hết lòng yêu thương nhau, và giúp nhau sống đạo đức. Cũng vào kỳ này, Antôn nghĩ nhiều đến việc dâng mình cho Chúa. Một hôm đi dự lễ, Antôn nghe đọc lời Phúc Âm Chúa phán với người giầu có: "Nếu con muốn nên trọn lành, con hãy trở về bán hết gia tài, đem tiền cho kẻ khó rồi đến đây theo Cha, con sẽ được kho tàng trên trời". Tưởng như Chúa nói với mình, Antôn nhất định áp dụng đến triệt để, và nhất quyết theo Chúa. Thánh nhân về nhà chia vườn đất cho người nghèo trong làng, bán đồ đạc lấy tiền bố thí cho người túng bấn. Ban đầu ngài còn để lại chút ít lấy cái độ thân và nuôi em, nhưng khi suy đến lời Chúa: "Con đừng bận tâm đến ngày mai". Ngài lại đem bán tất cả những cái còn lại lấy tiền cho kẻ khó. Xong việc, ngài dâng cô em vào một cộng đồng Trinh nữ, và quyết chí bỏ thế gian.
Thời ấy ở Ai Cập chưa có mấy nhà dòng sống kiểu cộng đồng, vì những nhà đầu tiên đã bị phân tán trước ngọn gió bách hại. Đàng khác, đời sống ẩn tu dường như ít ai nghĩ đến. Sau nhiều ngày lang thang, Antôn tình cờ gặp một vị ẩn sĩ tuổi tác, Antôn liền xin dựng lều gần ông để tập sống đời ẩn tu. Đầu tiên vị ẩn sĩ trẻ tuổi này phân phối thời gian để học Thánh kinh, cầu nguyện và làm việc tay chân hầu phát triển cả thể xác lẫn tinh thần. Ngài không quên tìm cách ăn chay hãm mình, và dành thời giờ viếng thăm các đồng bạn chung quanh. Với ơn Chúa và thiện chí, không bao lâu ẩn sĩ trẻ tuổi ấy đã nên gương mẫu cho anh em cùng lý tưởng. Cảm phục nhân đức và đời sống khắc khổ của Antôn, các tu sĩ đã tặng người một tên đệm: "Đêicôla" nghĩa là kẻ thờ phượng Chúa.
Ngài đã chiến đấu, nhưng từ nay ngài càng phải chiến đấu hơn nữa với trăm ngàn cám dỗ của Satan. Chúng chịu làm sao được khi nhìn thấy tâm hồn thánh thiện của đầy tớ Thiên Chúa. Nhất nữa vì thánh nhân là người đã phát động phong trào tu hành phồn thịnh tại Ai Cập; Palestina và Arập. Sức chiến đấu can đảm của thánh nhân trong 25 năm trời, chứng minh đầy đủ câu châm ngôn: "Chúa không bao giờ để chúng ta bị cám dỗ quá sức chúng ta ".
Quả vậy, ma quỷ dùng chiến lược tấn công ngài như xưa chúng đã tấn công Chúa. Chiến lược thứ nhất chúng dùng vinh hoa thế gian và đau khổ đời tu hành. Chiến lược thứ hai là lạc thú tình dục với mọi hình thức khêu gợi. Và chiến lược thứ ba là lòng kiêu ngạo, coi mình như đã vượt mức thánh thiện. Và đây là chiến thuật đối phó của thánh nhân.
Sẵn sàng nghênh chiến với Satan bằng tinh thần suy niệm và cầu nguyện liên lỉ, bằng hy sinh và đánh tội. Chính vì thế, ngài cầu nguyện và đọc sách thâu đêm, ăn chay đánh tội hằng ngày. Mỗi ngày ngài chỉ ăn một tấm bánh nhỏ với muối và nước lạnh sau khi mặt trời đã lặn. Chiến đấu với cám dỗ này thánh nhân lại chuẩn bị chống lại mưu độc khác.
Chưa lấy thế làm đủ, thánh Antôn còn muốn sống đời khổ hạnh hơn: ngài bỏ lều, xuống một hầm kín và chật chội. Không muốn một ai viếng thăm, trừ một thầy bạn, thỉnh thoảng tiếp tế đồ ăn cho ngài. Thánh nhân trốn xa người thế nhưng không thoát khỏi quyến rũ, hành hạ của Satan. Quả thế, trong hầm tối tăm này, thánh nhân có khi phải nhức óc vì những tiếng gầm thét, tru tréo của Satan mặc hình thức thú vật hoặc phải chết lử vì những trận đòn hung ác.
Nhưng thánh Antôn vẫn kiên tâm, vì tin rằng Chúa hằng ở với ngài. Lần kia, sau trận đòn nhừ tử, thánh nhân tỉnh dậy thưa với Chúa: " Lạy Chúa, vừa rồi Chúa ở đâu. Tại sao Chúa không giúp con ngay phút đầu ?". Lập tức có tiếng phán: "Cha vẫn ở đây, để chứng kiến con chiến đấu. Cha thấy con chiến đấu dũng cảm lắm, con hãy tin vào Cha, Cha sẵn sàng tiếp ứng con !"
Năm 35 tuổi, thánh nhân muốn rút lui vào hẳn sa mạc, với một số lương thực vừa đủ sáu tháng. Không một chút do dự trước những khối bạc lượng vàng ma quỉ bầy ra để quyến rũ, thánh nhân băng qua sông Nil, trèo lên một ngọn núi cao gần Atphite Ngài ở đó suốt 20 năm, không tiếp đón ai, trừ mấy người bạn hằng năm hai lần đem của ăn tới cho ngài.
Nhưng "hữu xạ tự nhiên hương", dù thánh Antôn có ý tránh xa thế tục, thì hương thơm nhân đức lại lôi kéo nhiều khách thập phương đến thăm ngài. Ban đầu thánh nhân còn tìm lẽ nọ bầy kế kia để thoái thác, nhưng được ít lâu vì số người đến mỗi ngày một đông, lại nhất định tìm mọi cách để gặp mặt, nên thánh Antôn buộc lòng phải ra đón tiếp họ. Mục đích đoàn khách thập phương là đến thăm viếng và xin ngài dậy đường nhân đức. Và ngài cứ ở đây đón tiếp họ cho đến năm 305 mới nhận rõ ý Chúa là muốn ngài bỏ đời ẩn tu, đi lập các tu viện. Ngài lập nhiều tu viện, thu nhận nhiều môn đệ. Hằng năm ngài lần lượt đi thăm các cộng đồng tu sĩ và huấn dụ về đời sống thiêng liêng. Ngài theo kinh nghiệm bản thân, bầy tỏ cho các tu sĩ những mưu mô xảo quyệt của Satan. Và, theo ngài, khí giới chiến đấu hữu hiệu hơn cả là cầu nguyện, ăn chay, làm dấu thánh giá và thái độ coi khinh chúng.
Thêm vào đời sống tu hành khắc khổ, thánh Antôn còn mong mỏi được phúc tử đạo. Vậy năm 327, khi được tin Hoàng đế Maximinô Daia ra chỉ bách hại công giáo, và tại Alexanđria sắp có cuộc xử tử một số tín hữu kiên trung, thánh nhân liền nhất định xuống khích lệ anh em đồng đạo và mong được cùng chết vì Chúa Kitô. Vì thế, ngài cùng với một số tu sĩ xuôi dòng sông Nil, đáp thuyền vào tận thành phố. Rồi ngài ngang nhiên tiến thẳng vào toà án, khuyến khích tín hữu giữ vững đức tin, không kể gì đến các quan và dân ngoại. Ngài can đảm sống gần các vị tử đạo cho đến phút cuối cùng trên đấu trường. Nhưng ý Chúa không muốn ban cho thánh Antôn triều thiên tử đạo, Chúa muốn ngài thành một tấm gương can đảm chiến đấu và cầu nguyện ăn chay cho đại gia đình tu trì. Tuy nhiên thánh nhân vẫn lưu lại đô thị cho đến khi ngọn lửa bách hại tắt hẳn mới trở gót về cộng đồng tu sĩ.
Và từ đấy cho đến cuối đời, thánh Antôn không được sống an tịnh như ý muốn. Ngài dựng lều trên sườn núi Gôtzin (Gokzin) và suốt ngày tiếp đón mọi thứ người: các tu sĩ, các tín hữu và cả lương dân. Năm 342, ngài đến thăm thánh Phaolô Thêbê và tận tình giúp đỡ trong an táng thánh Phaolô. Bấy giờ tiếng khôn ngoan và nhân đức thánh Antôn vang lừng khắp kinh thành nên đã được thánh tổ phụ Athanasiô mời về thành để cùng chung lực chống lại các tà giáo, nhất là bè rối Ariô. Cũng thời này, thánh Antôn được Chúa cho phép làm phép lạ: Ngài chữa nhiều bệnh nhân, trừ người bị quỷ ám và biết trước số phận nhiều linh hồn bên kia thế giới. Ngoài ra, thánh Antôn còn được ơn nói tiên tri như lời thánh tổ phụ Gioan Christon làm chứng.
Sống được 105 tuổi, thánh Antôn biết mình kiệt sức và giờ về thiên quốc sắp tới, ngài liền hội các tu sĩ lại quanh giường, khuyên bảo lần sau cùng. Ngài cũng dậy các môn đệ đừng ướp xác và làm ma chay theo kiểu người Ai Cập. Sau cùng thánh nhân giơ tay chúc lành cho tất cả các tu sĩ và phó linh hồn trong tình yêu vô biên của Chúa ngày 17-1 năm 356.
Đến năm 561 dưới triều Hoàng đế Justiliô, người ta đem xác ngài về táng trong nhà thờ thánh Gioan Tẩy giả thành Alexanđria. Lòng sùng kính đối với thánh nhân bắt đầu từ các giáo đoàn Trung Đông và Tiểu Á. Phong trào tốt lành ấy mỗi ngày một lan rộng sang các nước Âu châu, và càng phổ cập hơn trong thế giới công giáo khi Giáo hội chính thức tôn phong ngài lên bậc Hiển thánh.

Cứ Ðể Yên Như Thế

Trong một tác phẩm có tựa đề "Quyển Phúc Âm thứ 5", một tác giả người Italia là ông Mario Pomilio có tưởng tượng ra một mẩu chuyện như sau: Sau thời kỳ bách hại tại Roma, các tín hữu bắt đầu xây cất nhà thờ. Ðâu đâu người ta cũng thấy mọc lên nhà thờ. Tên của Ðức Mẹ và các Thánh được đặt cho các nhà thờ. Nhưng người ta vẫn chưa thấy có nhà thờ nào mang tên của Ngôi Lờị Thấy thế thánh Gioan mới đến báo cáo với Chúa Giêsụ Chúa Giêsu bèn ra lệnh cho thánh Phêrô khởi công xây cất một nhà thờ dâng kính cho Ngôi Lời.
 Con người đã có một thời được mệnh danh là người xây dựng vĩ đại của Giáo Hội mới đi rảo khắp nơi để thu tập vật tư. Thánh Mathêô đã cung cấp đá. Thánh Marcô mang vôi đến. Thánh Luca tặng những cây trụ lớn. Còn Thánh Gioan thì cúng đá cẩm thạch để làm bàn thờ và vàng để làm nhà tạm..
 Với tất cả những vật liệu cần thiết, Thánh Phêrô hớn hở bắt tay vào việc xây cất. Nhưng thời gian trôi qua, công sức đã tiêu hao quá nhiều mà người thợ xây Phêrô mới chỉ hoàn tất được việc đặt nền móng cho ngôi nhà thờ. Thấm mệt, vị thủ lãnh các tông đồ mới cầu xin Chúa: "Lạy Chúa, xin ban thêm cho con đủ sức để hoàn thành ngôi Nhà Thờ".
 Chúa Giêsu mới trả lời: "Cứ để yên như thế. Ngươi hãy nhớ rằng cứ mỗi người đi ngang qua công trình này đều có thể mang đến một viên gạch, một ít vôi để xây tường và thế hệ này qua thế hệ khác, những cột trụ Ðền Thờ sẽ được dựng lên".
 Có hai sự kiện xem ra tương phản nhau: tại Tây Phương, nhiều nhà thờ bị đóng cửa hoặc đem ra bán đấu giá, vì giáo dân không đủ cấp số hoặc không còn người lui tới nhà thờ. Trong khi đó thì tại Việt Nam, nhu cầu sửa chữa hoặc xây nhà thờ mới mỗi ngày một gia tăng.
 Có thể có hai quan niệm sống đạo đằng sau hai sự kiện ấy. Nhiều người Tây Phương cho rằng sống đạo là sống Công Bình và Bác Aùi, chứ không nhất thiết phải đến nhà thờ. Trong khi đó thì có người lại trách cứ rằng nhiều người Việt Nam chỉ giữ đạo hình thức, họ thích biểu dương tôn giáo, họ thích rước sách, họ đọc kinh làu làu, họ siêng năng đến nhà thờ, nhưng họ xem thường những đòi hỏi của Công Bình và Bác Aùi.
 Kỳ thực, giữ đạo trong nhà thờ mà không sống đạo bên ngoài nhà thờ là một thiếu sót, nếu không muốn nói là một thái độ giả hình mà Chúa Giêsu đã lên án gắt gaọ Nhưng sống Công Bình và Bác Aùi mà không múc lấy sức sống từ việc gặp gỡ Chúa nơi nhà thờ cũng là một thiếu sót. Người Kitô đích thực múc lấy sức sống từ Ðức Kitô và diễn đạt sức sống ấy qua cuộc sống thường ngày. Có nhà thờ để cầu nguyện nhưng cũng có chợ đời để gặp gỡ Chúạ Người Kitô hướng về Trời cao, nhưng vẫn còn bám lấy cõi Ðất. Người Kitô đến nhà thờ, mà để quay trở lại cuộc sống. Và cuộc sống cũng sẽ trở nên cằn cỗi, nếu nó không được nuôi dưỡng bằng lương thực Thần Linh.
 "Hãy trở nên những viên đá sống động". Ðó là ơn gọi của người Kitô chúng tạ Hãy trở thành những viên đá sống động không chỉ để xây dựng ngôi nhà thờ bằng gỗ đá, nhưng là để xây ngôi Ðền Thờ của cuộc sống. Cuộc sống có trở thành Ðền Thờ để gặp gỡ Chúa qua những gặp gỡ với tha nhân, qua những xây dựng Hòa Bình và yêu Thương, thì Ðền Thờ gỗ đá mới sống động.