Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Suy niệm CN III Thường niên B - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:

Những môn đệ đầu tiên (Mc 1,14-20)

            Khi bắt đầu thời kỳ công khai lên đường thi hành sứ vụ, việc đầu tiên Chúa Giêsu làm là tuyển chọn một số môn đệ nòng cốt để tiếp tay và nối gót Người rao giảng Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh.
Đây là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng nhưng cũng đầy gian nan thử thách, nên cần phải tuyển cho được những ứng viên phù hợp.
- Trong các thành phần Dân Chúa, chúng ta thấy nổi bật nhất là các Tư Tế ở Đền Thờ Giêrusalem. Họ là những người ngày đêm ứng trực trong đền thờ lo việc tế lễ thờ phượng Thiên Chúa. Xem ra họ là những ứng viên sáng giá nhất cho công cuộc loan báo Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh. Thế nhưng Chúa Giêsu đã không chọn bất cứ ai trong số các vị ấy làm tông đồ xây dựng Hội Thánh Người.
- Kế đó, thành phần Luật Sĩ là những người học rộng và thông thạo Thánh Kinh. Có ai xứng đáng hơn họ trong việc giải thích và loan truyền Lời Chúa? Có ai giàu kiến thức về đạo lý bằng họ? Thế nhưng Chúa Giêsu cũng không chọn một ai trong số các vị ấy làm tông đồ của Người.
- Thành phần thứ ba cũng rất sáng giá là các người Biệt Phái. Họ giữ luật rất nhiệm nhặt, có đời sống đạo rất nghiêm túc. Những người như thế rất xứng đáng đứng vào hàng ngũ lãnh đạo Dân Chúa. Thế nhưng Chúa Giêsu cũng không chọn bất cứ người Biệt Phái nào làm tông đồ cho Người.
Như vậy, Chúa Giêsu đã không chọn những người có địa vị trong xã hội, những người giàu sang quyền quý hay những bậc trí thức làm môn đệ đầu tiên của Người, nhưng lại chọn gọi những người chài lưới.
Tại sao Chúa Giêsu lại chọn các ngư phủ làm môn đệ đầu tiên?
Các ngư phủ là những người dạn dày sương gió. Họ quen chịu giá lạnh giữa biển khơi; từng trải qua những đêm tối giữa sóng gió trập trùng; không sợ đói, không sợ khát; không sợ bão tố cuồng phong, không sợ cảnh chơi vơi giữa ba đào sóng gió. Nói chung, họ có khả năng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để đạt cho bằng được nguyện vọng của mình.[1] Chính vì thế nhiều học giả đã nêu lên những đức tính của người ngư phủ:
1.Nhẫn nại
Kiên nhẫn chờ cá cắn; không kiên nhẫn chờ đợi, hay thay đổi, không bao giờ bắt được cá. Chài lưới cá đã khó, mà chài lưới người còn khó hơn. Việc rao giảng, dạy dỗ thường không có kết quả ngay. Phải kiên nhẫn chờ đợi, không bao giờ được nản chí.
2.Can đảm
Như một bô lão Hy Lạp xưa đã cầu xin để các thần linh phù trợ: “Thuyền của tôi thì nhỏ bé quá mà đại dương lại mênh mông vô bờ”. Phải sẵn sàng đối diện với sóng gió bão táp hiểm nguy của đại dương.
3.Tinh ý
Người chài lưới khôn ngoan biết khi nào quăng câu thả lưới, khi nào không. Người giảng, dạy dỗ cũng phải tinh ý, tinh mắt, khi nào người ta sẵn sàng nghe, khi nào họ tỏ dấu mệt mỏi; khi nào sự thật có thể đánh động lòng họ, khi nào sự thật chỉ làm họ chai đá hơn; khi nào phải nói khi nào không.
4.Dùng đúng mồi
Mỗi thứ cá phải có những loại mồi khác nhau. Cá này thích mồi này, cá khác thích mồi khác. Người ngư phủ kinh nghiệm biết dùng thứ mồi nào để bắt cho được cá. Ông cũng biết sự hạn hẹp của mình, lãnh vực mình có thể làm, lãnh vực mình không thể làm.
6.Ấn mặt
Câu cá, thả lưới mà chường mặt ra, ngay cả bóng dáng, cũng khó lòng bắt được cá. Người rao giảng, dạy dỗ khôn ngoan, không được nói về mình mà phải nói về Chúa Giêsu. Mục đích không phải là hướng dẫn người khác nhìn vào mình mà nhìn vào Đấng Trên Cao.[2]
Chúng ta nhìn vào các môn đệ đầu tiên. Các ngài chỉ là những người bình thường, không thuộc hàng quí tộc, không có học thức cũng không giàu có. Các ngài chỉ là ngư dân, nghĩa là những con người tầm thường, bình dị. Chưa hề có ai tin tưởng vào những con người bình thường như Chúa Giêsu. George Bernard Shaw lần nói “Tôi chưa hề nghĩ gì về giai cấp công nhân, ngoại trmuốn xóa bỏ nó đi để thay vào bằng những người nhạy cảm”. Trong quuyển “The patrician", John Galsworthy ký thác lời cho một nhân vật của ông: “Quần chúng, tôi không ưa họ, tôi ghét sự ngu xuẩn đê tiện của họ, tôi ghét tiếng ồn ào của họ, ghét nhìn thẳng gương mặt họ, nó nhỏ mọn xấu xí làm sao ấy”. Chúa Giêsu không như vậy. Lincoln đã từng nói: “Đức Chúa Trời yêu thương giới bình dân, Ngài đã tạo ra họ thật đông đảo”. Dường như Chúa Giêsu muốn mời gọi “hãy giao cho tôi mười hai người tầm thường, và với chừng ấy, nếu họ tự hiến thân cho tôi, tôi sẽ thay đổi cả thế giới này."
Đừng bao giờ chúng ta nghĩ quá nhiều về mình, nhưng hãy nghĩ đến những gì Chúa sẽ biến đổi chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, qua bí tích Rửa Tội, chúng con được trở thành con cái của Chúa và Chúa cũng mời gọi chúng con làm tông đồ cho Chúa trong xã hội hôm nay. Xin ban ơn giúp chúng con sẵn sàng vượt khó, dám đương đầu với mọi thách thức và sóng gió như các môn đệ đầu tiên hầu có thể chu toàn trọng trách mà Chúa và Hội Thánh trao phó cho chúng con. Amen.




[1] Lm. Ignatiô Trần Ngà, CN 3B TN

[2] Lm. Giuse Phạm văn Tuynh,O.P,Theo Chúa Khitô (Quyển 2 (tập I) trg.190-191





SÁM HỐI LÀ
Sám hối là điều kiện cần thiết để được tha thứ tội lỗi và để được vào Nước Trời. Vì thế, sám hối là chủ đề xuyên suốt Kinh Thánh và cũng là chủ đề chính mà Lời Chúa hôm nay đề cập tới.

Bài đọc I, Thiên Chúa mời gọi tiên tri Giona rao giảng về sự sám hối cho thành Ninivê: “Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi.”(Gn 3,2). Giona đã làm theo lời Chúa dạy, tới Ninivê và rao giảng rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ.”(Gn 3,4). Nghe lời Giona rao giảng, dân thành Ninivê đã tin tưởng vào Thiên Chúa và quyết tâm sám hối bằng cách: “Công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ.” (Gn 3,5). Thấy được sự sám hối chân thành của họ, vì họ bỏ đời sống xấu xa, nên Thiên Chúa đã bỏ ý định phạt họ (x. Gn 3,10).

Bài đọc II, Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Conrintô phải có thái độ sống siêu thoát, không dính líu với những của cải vật chất và những thực tại trần gian. Ngài nói:“những ai có vợ, hãy ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng” (1Cr 7,29-31). Lời mời gọi này xem ra nghịch lý với cuộc sống thông thường nhưng đó lại là sự thật. Bởi vì, mọi sự thuộc thế gian này rồi sẽ qua đi, chỉ có Thiên Chúa và những gì thuộc về Ngài mới tồn tại.

Bài Tin mừng được Thánh Marcô ghi lại về những hoạt động của Đức Giêsu trong thời gian khởi đầu sứ vụ công khai của Ngài. Đề tài rao giảng của Ngài là mời gọi mọi người sám hối. Ngài nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; Hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15). Đề tài này được Ngài lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt thời gian hoạt động công khai. Tiếp nối sứ mạng của Ngài, suốt hai ngàn năm qua, Giáo hội cũng không ngừng rao giảng và kêu gọi con cái mình thực hành sám hối.

Vậy, sám hối là gì? Công đồng Trentô định nghĩa: “Sám hối là cảm thấy đau buồn, gớm ghét tội đã phạm và quyết chí chừa cải”(DZ.1676). Theo ý công đồng, sám hối không chỉ là thái độ đau buồn, gớm ghét vì tội lỗi đã phạm trong quá khứ, mà còn phải có tâm tình hướng tới tương lai để quyết tâm chừa bỏ tội lỗi, đồng thời phải ra sức làm nhiều việc lành phúc đức. Việc làm này tương tự như người nông dân sau khi làm cỏ ruộng mình. Để cỏ không mọc trở lại, họ cần phải trồng cây khác thế vào đó.

Ai cần phải sám hối ? Tất cả mọi người, vì đã là con người thì ai cũng có tội. Ngạn ngữ La tinh có câu : “errare humanum est”, nghĩa là : con người là sai lầm. Thánh Gioan Tông Đồ thì nói: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta.”(1Ga 1,8). Vì thế, để được tha tội, để được vào Nước trời thì cần phải sám hối. Một hôm Satan kêu trách Chúa rằng : “Chúa thật là bất công ! Cụ thể là có rất nhiều kẻ phạm đủ thứ tội ác, thế mà Ngài vẫn hay tha tội cho chúng. Có nhiều kẻ sa đi ngã lại nhiều lần cùng một thứ tội, mà khi chúng ăn năn sám hối thì Ngài vẫn tha thứ cho chúng. Còn tôi, tôi chỉ phạm tội không vâng lời Ngài duy chỉ một lần, thế mà Ngài kết án phạt tôi phải hoả ngục đời đời, và không bao giờ tha thứ cho tôi.” Bấy giờ Thiên Chúa ôn tồn nói với Satan rằng : “Sở dĩ Ta tha tội cho con cái loài người tội lỗi vì chúng khiêm tốn nhận mình là kẻ có tội, và hồi tâm sám hối, quyết tâm canh tân đời sống. Còn ngươi, từ ngày ngươi phạm tội kiêu ngạo bất tuân lời Ta và bị phạt trong hoả ngục đến nay, đã có bao giờ ngươi khiêm nhường nhận lỗi và hồi tâm sám hối để xin Ta tha thứ cho ngươi hay chưa?”

Để sám hối cần phải nhận ra tội lỗi của mình : Tội là sự xấu xa làm cho ta mất liên lạc với Chúa và tha nhân. Tội có thể trong tử tưởng, lời nói hoặc việc làm. Để sám hối, hối nhân phải ý thức và chấp nhận mình có tội như nội dung Kinh Thú Nhận :“lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.” Nhưng trong thực tế, để nhận ra tội lỗi của mình không phải là chuyện dễ dàng. Con người thường có khuynh hướng đổ lỗi cho kẻ khác. Ngày xưa, ông Adong đã đổ tội cho bà Evà. Bà Evà lại đổ tội cho con rắn. Ngày hôm nay, cha mẹ - con cái, vợ - chồng, cấp trên – cấp dưới, ngày này – người khác…thường đổ lỗi cho nhau. Ít khi người ta can đảm để nhận trách nhiệm về mình. Vì cái tôi của người ta lớn quá. Vì người ta mất ý thức về tội. Vì vậy, người ta khó thực hành việc sám hối ăn năn.

Để nhận ra tội lỗi của mình cần phải biết sống khiêm nhường : Khiêm nhường như người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, ông đứng xa xa, đấm ngực ăn năn và thưa với Chúa : “Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”(x. Lc 18,13) ; Khiêm nhường như ông Giakêu : đường đường là một thủ lĩnh thu thuế, nhưng ông không ngại “trèo lên” cây sung để được nhìn thấy Đức Giêsu và ông cũng không ngại “tụt xuống” để mong muốn được gặp Ngài. Khi gặp được Đức Giêsu thì ông đã quyết tâm từ bỏ nghề cũ, thực thi bác ái bằng cách chia nữa tài sản của mình cho người nghèo và đền trả gấp bốn những gì ông làm thiệt hại cho kẻ khác (x. Lc 14,1-10) ; Khiêm nhường như Phêrô, sau khi chối Chúa, nghe tiếng gà gáy, nhớ lại lời Chúa, ông đã ra ngoài khóc lóc thảm thiết (x. Lc 22,60-62). Khiêm nhường như kẻ trộm lành đã nhận ra tội lỗi của mình và xin Chúa thứ tha (x. Lc 23, 40-43) ; Khiêm nhường như Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Ngài luôn xác nhận rằng: “Tôi là người tội lỗi.”

Vâng, chúng ta là người tội lỗi, nên chúng ta cần phải sám hối để được Chúa tha tội và được vào Thiên đàng. Đồng thời chúng ta cũng được mời gọi tiếp tục đi rao truyền Lời Chúa để cho mọi người được sám hối như lời mời gọi của Đức Giêsu đối với bốn môn đệ đầu tiên: “Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ chài lưới người”(Mc 1,17).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con biết khiêm nhường nhận ra tội lỗi của mình và hết lòng sám hối ăn năn. Đồng thời, xin Chúa cho chúng con biết noi gương các Tông đồ tiếp tục ra đi rao giảng sự sám hối cho muôn dân. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành