Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

LƯƠNG THỰC, VỚI ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI

Filled under:



Vật chất và tinh thần.

Bình thường, thân xác (vật chất) và tinh thần luôn hiện hữu trong mỗi con người chúng ta. Có người thì đề cao tinh thần, coi nhẹ vật chất (phái duy lý); ngược lại, có người thì coi trọng vật chất, nhưng chưa thấy hết giá trị của tinh thần (phái duy vật). Cơm áo gạo tiền… được coi thuộc về vật chất. Sự tin tưởng, đức tin, lòng yêu nước, hoài bão… thuộc về tinh thần.

Lịch sử nhân loại từ thời tiền sử cho tới ngày nay cho ta thấy đã có biết bao cuộc chiến tranh khốc liệt, với mục đích chiếm đoạt “cơm áo gạo tiền” cho bộ tộc mình,phe mình, nhóm mình, nước mình; và cũng có biết bao cuộc chiến bảo vệ nền độc lập, dân chủ, nhân quyền cho con người…

Trong phạm vi của bài viết, ta chỉ tìm hiểu hạn hẹp:

Lương thực, hay “cơm áo gạo tiền” với đời sống con người

Sự cần thiết của lương thực “cơm áo gạo tiền” đối với đời sống con người.

Lương thực là điều rất cần thiết cho sự sống của con người. Lương thực một khi được chuyển vào trong cơ thể con người qua việc ăn uống, với sự hoạt động diệu kỳ của bộ máy tiêu hóa thì một phần được đồng hóa thành máu và xương thịt. Nhờ đó,con người được lớn lên, lúc ta còn trẻ. Một phần khác của lương thực được biến thành năng lượng giúp ta sống, và hoạt động (trung bình 2200 calories/người/ ngày). Điều này thì tồn tại mãi trong suốt đời sống của chúng ta. Lương thực quan trọng đến độ nhà văn hiện sinh Jean Paul Sartre (1905-1980) của Pháp, nhà văn được giải thưởng Nobel văn học năm 1964 đã nói: “Trước một người đang đói, thì những tác phẩm của tôi không có giá trị bằng một ổ bánh mì”. Và cũng chính vì thế, ta thấy trong kinh Lạy Cha, Chúa đã dạy: “Xin Cha cho chúng con, hôm nay lương thực hàng ngày”.

Lương thực ngày xưa.

Trở về thuở tạo thiên lập địa, Thuở đó con người còn “ăn hang ở lỗ”, sống trong các hang động, đâu có nhà cao cửa rộng, cao lương mỹ vị như ngày nay. Thời đó, lương thực của con người, chính là hoa trái, cỏ cây quanh nơi ở, cùng với “chim trời cá biển”, thú rừng, thật đơn sơ và giản dị, chả cần tích góp, nấu nướng (khi chưacó lửa) như ngày nay. Vùng này hoa trái, chim cá hiếm, người ta lại di chuyển đến vùng khác. Thời đó thì: “Của đời muôn sự của chung”…

Người ta gọi, đó là thời kỳ công xã nguyên thủy.

Tiếp đến là thời nô lệ, phong kiến.

Thế rồi, con người ngày một đông, hoa trái tự nhiên ngày một ít đi. Vì thế, con người chiếm đất để trồng trọt cây lúa, cây bắp, cây sắn…(thời có lửa) để có của ăn, của để, và chiếm hữu nô lệ. Người ta đã biết biến chế gạo, đậu, bắp thành các loại bánh; chế biến các loại thịt cá thành những món ăn thơm ngon hơn là “ăn sống nuốt tươi”. Các vua chúa thường dùng “cao lương mỹ vị” để tẩm bổ: “Bát chân”, tám món ăn quí hiếm, bổ dưỡng: Nem công, chả phượng, da tây ngưu, bàn tay gấu, môi đười ươi, thịt chân voi, yến sào, gân nai. Nhìn chung, lương thực thời nay phong phú và đa dạng.

Còn ở Việt Nam thời vua Hùng Vương thứ VI thì bánh dày (tròn), bánh chưng (vuông) được chọn là lương thực có ý nghĩa, vì hàm chứa lòng biết ơn trời đất và công ơn mẹ cha (Tiết Liêu, hay Lang Liêu con trai thứ 18 của vua Hùng đã dâng vua cha bánh dầy bánh chưng, và được chọn nối ngôi).

Lương thực thời nay

Lương thực thời nay phong phú, đa dạng, bổ dưỡng, ngon miệng và được chế biến rất khoa học hơn nhiều so với trước đây. Khắp nơi đều có lớp dạy “nghệ thuật nấu ăn”; tuyển chọn các đầu bếp nổi tiếng… Từ đó, ta thấy những bữa tiệc do Trung Quốc khoản đãi các nguyên thủ quốc gia thường trên 100 món ngon vật lạ. Lương thực tựu trung gồm 4 loại:      Top of Form

Chất bột đường (Gluxit): có trong các loại ngũ cốc, chiếm 60-65% tổng năng lượng hoạt động.

Chất đạm (protein): có trong thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, đậu xanh, đậu nành...Chất đạm chiếm 14 - 16%.

Chất béo (lipit): chiếm 20 - 25% tổng năng lượng khẩu phần ăn, và có nhiều trong dầu, mỡ…

Vitamin và khoáng chất có trong rau, trái cây… (phỏng theo báo sức khỏe và đời sống).


Hệ quả của việc thiếu lương thực

Thông tin từ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam ngày 19 tháng 03 năm 2017: “Theo ước tính của các cơ quan Liên Hiệp Quốc, hiện nay trên thế giới có khoảng 800 triệu người bị đói hoặc thiếu dinh dưỡng. Trong khi hai phần ba tổng số đó thuộc về châu Á (với tỉ lệ cứ 9 người thì có một người bị đói).  Tiểu vùng Sahara châu Phi là vùng có tỉ lệ người dân bị đói cao nhất (cứ 4 người thì có 1 người đói). 

 Dựa theo báo cáo của FAO (Food and Agriculture Organisation), tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc thì mỗi ngày trên thế giới bình quân có 25.000 người bị chết đói, trong đó có 6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị chết đói mỗi năm.

Còn tại Việt Nam thì nạn đói năm Ất Dậu 1945, đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người Việt ở phía Bắc Việt Nam. Nhiều làng xã ở đồng bằng sông Hồng đã chết đến 80% dân số trong làng. Trong 32 tỉnh có người chết tính từ tỉnh Quảng Trị trở ra, thì tỉnh Thái Bình có số người chết nhiều nhất với 280.000 người” (theo Wikipedi A).

Một thảm họa thật đau lòng trong lịch sử dân tộc Việt Nam!

Những cố gắng cứu đói của con người

Trước một thực trạng của nhân loại với hơn 7 tỉ người, mà có cả một tỉ người bị đói, và từng ngày từ 25.000 đến 30.000 người bị chết đói. Nhân loại đã có nhiều phương cách trợ giúp. Các giải pháp đó rất đa dạng, đến từ các cá nhân thiện chí; các tổ chức có chức năng quyền hạn nơi mỗi quốc gia, thế giới; các hội từ thiện của các tôn giáo…Ta cùng điểm qua một số phương cách cứu đói:

Liên Hiệp Quốc

Sau thế chiến thứ II (1939-1945), nhân loại đã hình thành một tổ chức gọi là Liên Hiệp Quốc (24-10-1945). Hiện Liên Hiệp Quốc có 193 nước tham gia cùng ký kết thực hiện bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền ngày 10 tháng 12 năm 1948 tại Paris (Pháp) với 30 điều ràng buộc. VN tham gia năm 1977.

Điều I đã qui định “Mọi người sinh ra đề được bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi người đều được phú bẩm về lý trí và lương tâm và vì thế phải đối xử với nhau trên tinh thần bác ái”.

Chính nhờ Liên Hiệp Quốc, cùng các tổ chức trực thuộc, mà gần một thế kỷ qua (2018-1945) nhân loại không xẩy ra thế chiến thứ III, trong lúc ta thấy chỉ nửa đầu thế kỷ thứ XX thế giới đã xẩy ra hai thế chiến (1914-1919) và (1939-1945) cướp đi sự sống của cả trăm triệu người. Xin nêu một vài tổ chức hoạt động hiệu quả trợ giúp đói nghèo trực thuộc LHQ:

Tổ chức UNICEF (The United Nations Children’s Fund), Quĩ Nhi Đồng LHQ;

Tổ chức FAO (Food and Agriculture Organization of United Nations): Tổ chức lương thực và nông nghiệp LHQ;

Tổ chức IFAD (International Fund for Agricultural Development): Quĩ quốc tế về phát triển nông nghiệp;

Tổ chức WFP (World Food Programme): Chương trình lương thực thế giới;

Tổ chức WHO (World Health Organization): Tổ chức y tế thế giới.


Tổ chức Caritas Quốc tế và Caritas từng quốc gia

Đây là một tổ chức của Giáo Hội Công Giáo Rôma. Dưới tổ chức Caritas Quốc tế tại Rôma thì mỗi Giáo Hội ở mỗi quốc gia lại có tổ chức Caritas của quốc gia đó. Giáo Hội mỗi quốc gia lại có tổ chức Caritas của từng giáo phận và có nơi đã tổ chúc tới từng giáo hạt, giáo xứ… Tổ chức này hình thành đầu tiên năm 1897 tại Đức; Hoa Kỳ năm 1910, và toàn thế giới năm 1950. Hiện có trên 200 quốc gia có tổ chức Caritas.

Mục đích của Caritas là: “Cứu trợ, giúp đỡ các người nghèo khổ và bị áp bức, để xây dựng một thế giới tốt hơn.”

Tại Việt Nam, tổ chức Caritas được thành lập năm 1965 tại miền Nam Việt Nam, và hoạt động tích cực, hiệu quả đến năm 1975 thì ngưng. Và từ ngày 02 tháng 07 năm 2008 được hoạt động trở lại cho đến nay. Việt Nam hiện có 26 hiệp hội Caritas cấp giáo phận/ 26 giáo phận

Sự tích cực trợ giúp của cá nhân

Theo Báo Mới ngày 16-01-2017 thì 8 người giầu nhất trên thế giới sở hữu tài sản bằng 3, 6 tỉ người. Và 1% nhân loại nắm tài sản bằng 1/2 số tài sản của loài người (TSCNL: 255 ngàn tỉ USD).

Theo báo Kinh Doanh ngày 30-10-2016 thì Tỉ phú Bill Gates dành 70 tỉ USD/81, 8 tỉ ông có để làm việc từ thiệnTỉ phú cho biết từ khi thành lập quĩ năm 2000, họ đã chi 30 tỉ USD  cho việc làm từ thiện, giúp giảm số trẻ tử vong vì đói từ 12 triệu xuống còn 6 triệu em mỗi nam. Ông kỳ vọng đến năm 2030 số này giảm còn 3 triệu.

Ngoài ra, trên thế giới còn biết bao người đã thật tích cực giúp đỡ người nghèo đói, hoạn nạn.

Thật đáng trên trọng những con người, những tổ chức vì sự sống của con người biết bao!

Phần Kết

Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga, chủ tịch Caritas Quốc tế trong bài tham luận trước 700 đại diện Caritas các nước vào ngày 01và 02 tháng 06 năm 2012 tại Vienne, thủ đô nước Áo đã khẳng định:

 “Nạn đói trên thế giới không phải là một định mệnh, đó là một thảm kịch có thể tránh được”.

Tôi suy nghĩ, nạn đói có thể do hai nguyên nhân chính:

Nguyên nhân chủ quan, do chính con người gây ra như: Chiến tranh, tham nhũng, bất công, dân trí thấp, chính sách, chủ trương về đất đai không họp lý…Điều nay, nếu đủ thiện chí, con người có thể khắc phục…

Nguyên nhân khách quan như: Hạn hán, thiên tai, sâu bệnh… con người cũng có thể khác phục từng phần. Và trên hết con người phải biết nhận ra Đấng Tối Cao để tôn thờ.,.

Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh 



NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN

Từ năm 1992, lễ Đức Mẹ Lộ Đức đã trở thành ngày thế giới cầu cho các bệnh nhân. Biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức đã khơi dậy lòng nhiệt thành cầu nguyện và sống bác ái, nhất là việc phục vụ bệnh nhân và chăm sóc người nghèo của Đức Kitô như lời Mẹ nhắn nhủ: “Hãy cầu nguyện, hãy ăn năn sám hối, hãy hãm mình đền tội, hãy cải thiện chính mình”, để luôn biết mình và tuân phục Ý Chúa trong sự khiêm nhường.

Thông phần đau khổ với Đức Kitô qua việc chia sẻ, chăm sóc và an ủi các bệnh nhân, chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa đích thực của việc tông đồ đầy tính nhân bản và bác ái Kitô giáo nhân dịp Ngày Thế giới Bệnh nhân năm nay – 2018. Thánh GH Gioan Phaolô đã chọn ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức làm Ngày Thế Giới Bệnh nhân. Đức Mẹ đã và đang chữa lành nhiều người bị bệnh – cả tâm bệnh và thể bệnh.

1. Ý NGHĨA CỦA NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN

Ngày này đối với các bệnh nhân, các nhân viên y tế, các Kitô hữu và mọi người thiện chí là “thời điểm ưu tiên để cầu nguyện, chia sẻ, dâng các hy sinh đau khổ để mưu ích cho Giáo Hội, đồng thời nhắc nhở tất cả mọi người cần nhận ra Thánh Nhan Đức Kitô nơi khuôn mặt của bệnh nhân, để nhận ra Đấng cứu độ nhân loại qua cuộc khổ nạn, chịu chết và sống lại” (Gioan Phaolô II, thư thành lập Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, 13-5-1992, số 3).

2. HIỆN THÂN ĐỨC KITÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH

Ngài là những người đang sống trong thử thách gian nan vì bệnh bật và đau khổ tại các bệnh viện, nhà từ thiện, dưỡng đường hoặc tư gia. Những con người đau khổ đó chính là hiện thân của Đức-Kitô-chịu-đóng-đinh. Các Nghị Phụ Công đồng Vatican II đã động viên các bệnh nhân: “Anh chị em không bị bỏ rơi, cũng chẳng phải là vô dụng, anh chị em được Chúa Kitô kêu gọi, và là hình ảnh trong sáng của Chúa” (Sứ điệp gửi người nghèo, các bệnh nhân và người đau khổ).

3. THIÊN CHÚA HÀNH ĐỘNG

Nhiều Giáo Phụ đã nhìn thấy chính Chúa Giêsu nơi hình ảnh người Samaritano Nhân Lành, và các vị nhìn thấy nơi người bị cướp đả thương, Adam, nhân loại bị hư mất và bị thương vì tội lỗi của mình (x. Origne, Bài giảng về Tin Mừng Luca XXXIV, 1-9; Ambrogio, Chú giải Tin Mừng Thánh Luca, 71-84; Augustino, Bài giảng 171). Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng làm cho tình thương của Chúa Cha hiện diện, tình thương trung tín và vĩnh cửu, không có hàng rào chắn, cũng chẳng có biên độ. Nhưng Chúa Giêsu cũng là Đấng “tự cởi bỏ chiếc áo thần linh của Ngài”, hạ mình xuống từ thân phận thần linh, để mặc lấy hình người (Pl 2:6-8), và đến gần đau khổ của con người, đến độ xuống ngục tổ tông, như chúng ta đọc trong Kinh Tin Kính, và mang lại hy vọng và ánh sáng. Ngài không coi sự đồng hàng với Thiên Chúa, địa vị là Thiên Chúa của Ngài như một kho báu riêng (x. Pl 2,6), nhưng cúi mình xuống, đầy lòng từ bi, trên vực thẳm đau khổ của con người, để đổ dầu an ủi và rượu hy vọng.

4. ĐỨC TIN và ĐỨC ÁI

Đức tin và đức ái liên quan lẫn nhau. Kinh Thánh cho biết: “Nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi. Ra-kháp, cô gái điếm cũng vậy: há chẳng phải nhờ hành động mà đã được nên công chính, vì đã đón tiếp các sứ giả và đưa họ đi lối khác sao? Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2:24-26). Thời gian chúng ta đang sống là cơ hội thuận tiện để tăng cường việc phục vụ bác ái trong các cộng đoàn Giáo Hội của chúng ta, để mỗi người trở thành người Samari Nhân Lành đối với tha nhân, trở thành người như Tông đồ Gioan đón Đức Mẹ về nhà mình, thể hiện lòng thương xót với những người đang ở xung quanh chúng ta.

5. CHỨNG CỚ CỤ THỂ

Một trong các nhân chứng là Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Chị thánh đã biết sống kết hiệp sâu xa với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, và căn bệnh đã đưa thánh nữ đến cái chết qua đau khổ lớn lao.

Còn nữa, Đấng Đáng Kính Lm Luigi Novarese được nhiều người còn giữ các kỷ niệm sống động. Khi thi hành sứ vụ, ngài đặc biệt cảm thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho và với các bệnh nhân và những người đau khổ, ngài thường tháp tùng đến các trung tâm Thánh Mẫu, nhất là tới Hang Đá Lộ Đức. Hoặc như ông Raoul Follereau, được đức bác ái thúc đẩy, đã dâng hiến trọn cuộc đời để săn sóc những người bị bệnh phong cùi nơi vùng xa xăm hẻo lánh nhất trên trái đất. Ông đã cổ võ Ngày Thế Giới Chống Bệnh Phong Cùi. Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta luôn bắt đầu mỗi ngày bằng cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể, luôn ra đường với xâu chuỗi Mân Côi trong tay, để gặp gỡ và phụng sự Chúa nơi những người đau khổ, nhất là nơi những người “không được yêu thương, không được chăm sóc”.

Thánh nữ Anna Schaeffer ở làng Mindelstetten (Đức) cũng biết kết hiệp những đau khổ của chị với khổ đau của Chúa Kitô: “Chiếc giường đau khổ trở thành căn phòng tu viện, và đau khổ trở thành công tác phục vụ truyền giáo. Được củng cố nhờ Rước lễ hằng ngày, Chị trở thành dụng cụ chuyển cầu không biết mệt mỏi trong kinh nguyện và phản ánh tình thương của Thiên Chúa đối với nhiều người đến tìm lời khuyên của Chị” (Bài giảng lễ phong thánh, 21-10-2012).

Hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria nổi bật trong Phúc Âm, Mẹ đã theo Con chịu đau khổ đến tột cùng là hy tế trên đồi Golgotha. Mẹ không bao giờ mất niềm hy vọng nơi chiến thắng của Thiên Chúa trên sự ác, đau khổ và sự chết; và Mẹ biết đón nhận với vòng tay tin yêu cả khi Con Thiên Chúa sinh ra trong khó nghèo nơi hang đá Belem và khi Con Chúa chết nhục nhã trên Thập Giá. Mẹ tín thác mạnh mẽ nơi quyền năng của Thiên Chúa được chiếu sáng nhờ sự sống lại của Đức Kitô, Đấng ban niềm hy vọng cho những ai sống trong đau khổ, và Mẹ canh tân niềm xác tín qua sự gần gũi và an ủi của Con Chúa.

6. THAY ĐỔI Ý THỨC HỆ

Rất cần thay đổi ý thức hệ. Ước gì tất cả đều gia tăng ý thức rằng “khi quảng đại và yêu thương tiếp đón mỗi sự sống con người, nhất là những người yếu thế và bệnh tật, Giáo hội ngày nay đang sống một thời điểm căn bản trong sứ vụ của mình” (Gioan Phaolô II, Tông Huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục “Người Tín Hữu Giáo Dân”, số 38).

7. CHỦ ĐỀ NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN NĂM 2018

ĐGH Phanxicô chọn chủ đề cho năm nay là: “Mẹ Giáo Hội: ‘Đây là con của Mẹ, đây là Mẹ của con’. Từ lúc ấy môn đệ đón Mẹ về nhà mình” (Ga 19:26-27).

Lời đó là nguồn gốc sứ mạng của Đức Mẹ – Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại, săn sóc nhân loại như người con và cũng là nguồn gốc ơn gọi làm mẹ của Giáo Hội đối với những người túng thiếu và các bệnh nhân. Ơn gọi đó được cụ thể hóa qua dòng lịch sử, qua nhiều sáng kiến giúp đỡ các bệnh nhân. Không thể quên lịch sử của sự tận tụy đó, lòng tận tụy còn được tiếp tục trên thế giới cho tới ngày nay. ĐGH Phanxicô cho biết: “Tại những nước có hệ thống y tế công cộng đủ, công việc của các dòng tu Công Giáo, các giáo phận và các nhà thương Công Giáo, không những cung cấp sự chăm sóc sức khỏe có chất lượng, nhưng còn tìm cách đặt con người ở trung tâm tiến trình trị liệu và thi hành việc nghiên cứu khoa trọng trong niềm tôn trọng sự sống và cá giá trị luân lý Kitô”.

Lạy Thiên Chúa nhân hậu, chúng con xin dâng các bệnh nhân đang từng giờ, từng phút phải chiến đấu với bệnh tật của mình, có những người mắc bệnh hiểm nghèo mà không có tiền chạy chữa, họ đang đau khổ, chán nản, thất vọng, niềm tin có thể bị lung lay, có thể mất lòng tin cậy nơi Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng chịu đau khổ vì chúng con, xin thương chữa lành các bệnh nhân đang ngày đêm kêu cầu Ngài, xin thương ban nhiều tâm hồn quảng đại biết xả thân phục vụ những con người đau khổ. Lạy Đấng Cứu Độ, xin cho các bệnh nhân biết ngước nhìn Thánh Giá để được thêm sức mạnh vượt qua những đau đớn thể xác và tâm hồn được bình an.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã nhiều lần hiện ra tại Lộ Đức và các nơi khác, nhờ tình yêu và lời cầu nguyện của Mẹ, xin giúp chúng con được kết hiệp mật thiết với Con Mẹ là Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ chúng con. Mẹ của nguồn cậy trông, xin Mẹ nâng đỡ và chữa lành tất cả những ai chạy đến kêu xin Mẹ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người và cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU (tổng hợp và chuyển ngữ)