Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 19/01/2018

Filled under:

Ở với Người
và được Người sai đi
(Mc 3, 13-19)
13 Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người.
14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng,15 với quyền trừ quỷ.
16 Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô,17 rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-,18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích,19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.
Suy niệm 1 
Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay kể lại cách Đức Giê-su kêu gọi các tông đồ. Chiêm ngắm ơn gọi của các ngài, sẽ làm cho chúng ta hiểu sâu xa hơn ơn gọi của chính chúng ta, bởi vì ơn gọi của các Tông Đồ là khuôn mẫu của mọi ơn gọi.
 Người gọi những kẻ Người muốn
Trước hết, chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, ơn gọi của các tông đồ phát xuất từ chính ý muốn của Đức Giê-su:
Khi ấy, Đức Giêsu lên núi và gọi những ai Người muốn. Các ông đến với Người.
(Mc 3, 13)
Cũng thế, ơn gọi của chúng ta đến từ chính ý muốn của Chúa: Chúa gọi đích danh từng người chúng ta và chúng ta tự nguyện đáp lại. Cho dù khi đến với Chúa trong một ơn gọi, chúng ta có nhiều động lực hay lí do khác nhau. Nhưng với thời gian, nhất là trong thời gian chuẩn bị hay thời gian huấn luyện trong sống Thánh Hiến, chúng ta được mời gọi đặt cuộc đời của mình trên nền tảng tận cùng là “Ơn Được Gọi”, nghĩa là chính ý muốn của Chúa. Nếu ơn gọi của chúng ta đặt trên một nền tảng khác, thì chắc chắn sẽ sụp đỗ, không sớm thì muộn; và sụp đổ ngay từ bên trong.
Nhưng Chúa muốn gọi chúng ta từ khi nào? Chúng ta nghe được tiếng gọi của Chúa vào một lúc nào đó trong cuộc đời, nhưng theo Thánh Phaolô, Chúa đã gọi và chọn chúng ta ngay từ trong bụng mẹ và từ trước muôn đời (x. Gl 1, 15 và Eph 1, 4). Xác tín được Chúa gọi, không chỉ một lần là xong, nhưng phải được xác tín lại hằng ngày; chúng ta cần làm mới lại ơn được gọi mỗi ngày, như thể ngày nào chúng ta cũng nghe được tiếng Chúa gọi.
 Người gọi những ai?
Bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô nêu đích danh từng người được Đức Giê-su kêu gọi:
Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô, rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-, rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.
(c. 16-19)
Như thế, Chúa gọi đích danh từng người: Phêrô, Giacôbê, Gioan… Cũng vậy, Chúa cũng đã gọi tên từng người chúng ta một cách đích danh. Và các môn đệ được Chúa gọi, khi các ông vẫn như các ông là, nghĩa là vẫn còn đầy giới hạn, còn bất toàn như chính chúng ta. Vì thế, như các tông đồ và nhất là như tông đồ Phê-rô, ơn gọi của chúng ta đặt nền tảng trên tình yêu nhưng không và lòng thương xót của Chúa:
Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi… Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ!”
(Lc 5, 8 và 10)
Và con số được gọi là Mười Hai. Điều này có nghĩa là số người được gọi là xác định, không có may rủi. Mỗi lớp tập hay mỗi lớp khấn, chúng ta thường so sánh hơn kém, nhiều ít. Nhưng trong Chúa, số người được gọi là xác định từ trước muôn đời.
 Người gọi để làm gì?
Nhưng Đức Giê-su gọi những kẻ Người muốn để làm gì? Như bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô kể lại:
Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỉ.
(c. 14-15)
Ở lại với Đức Giê-su và sau đó, được Ngài sai đi, làm nên hai chiều kích căn bản của đời sống chúng ta, đó là cầu nguyện và hoạt động. Hai chiều kích này đan xen vào nhau trong mỗi ngày sống của chúng ta (cầu nguyện hằng ngày), trong tháng sống (tĩnh tâm tháng), trong năm sống (tĩnh tâm năm) hay trong một giai đoạn huấn luyện hay hành trình ơn gọi đặc biệt.
Chúng ta vẫn sống hai chiều kích này mỗi ngày, hay nói đúng hơn, hai chiều kích này vẫn được ban cho chúng ta mỗi ngày, nhưng dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta được mời gọi nhận ra đó là những điều Chúa muốn, và rằng đó là những điều làm cho chúng ta trở nên giống Chúa, vì đời sống của Chúa cũng được dệt nên bởi hai chiều kích này: “Khi ấy, Đức Giê-su lên núi”; và Ngài lên núi chính là để cầu nguyện, như lời tường thuật của thánh Luca: “Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6, 12).
Và để đời sống của chúng ta là một lời rao giảng có năng lực trừ quỉ, và những năng động ma quỉ hủy hoại sự sống của con người (quên ơn, nghi ngờ, ham muốn, ghen tị, bạo lực, tố cáo, lên án, gian dối, cố chấp, không khoan nhượng…), chúng ta được mời gọi ở lại với Đức Giê-su lâu giờ, để lắng nghe Ngài, học với Ngài, hiểu biết Ngài và yêu mến Ngài. Và hơn thế nữa, trở nên một với Ngài, như Ngài trở nên một với chúng ta mỗi ngày qua bí tích Thánh Thể.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Suy niệm 2

Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật không làm cho con người hạnh phúc hơn, trái lại, xã hội loài người vẫn không khác xưa, vẫn đầy dẫy những bất công và bạo lực, thất nghiệp và đói nghèo, bệnh tật và chết chóc. Điều đó càng làm cho niềm khao khát nơi người Kitô hữu về một trời mới đất mới do Chúa Giêsu thống trị càng thêm mãnh liệt, nghĩa là niềm khao khát một sự đổi thay.

Chúa Giêsu đã đến trần gian để thực hiện cuộc đổi thay đó. Người đã không làm một mình, nhưng Người đã dùng một vài người trong đám thính giả của Người, để cùng với Người, đổi thay thế giới. Đó là những con người được Đức Kitô chọn lựa để cận kề với Người và là những con người sẵn lòng chết cho những điều họ tin. Những con người này quả là đặc biệt, vì họ được trực tiếp thụ giáo từ Chúa Giêsu; Người chuyển giao Tin Mừng về Nước Thiên Chúa cho họ và sai họ đi rao giảng. Họ được gọi là các Tông đồ.

Nhưng sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho thế giới không giới hạn ở các Tông đồ, nó còn được một nhóm lớn những người mà Tân Ước gọi là môn đệ, đảm nhiệm. Họ trong số những thính giả đi theo Chúa Giêsu và lấy làm vui sướng khi nghe Chúa Giêsu nói. Họ gồm cả đàn ông và đàn bà. Không như những thính giả khác nghe cho vui rồi bỏ hay chỉ đi theo Chúa Giêsu một khoảng thời gian nào đó, họ đón nhận giáo huấn của Người và đem ra thực hành cũng như sống chết với điều họ tin. Những con người đó cùng với các Tông đồ làm thành nhóm những người mà Chúa Giêsu dùng để biến đổi thế giới.

Phương pháp của Thiên Chúa dùng để biến đổi thế giới vẫn là tiếp tục sử dụng con người – những con người sẵn lòng làm khí cụ cho Ngài và để Ngài sử dụng tùy thích. Chúng ta có ở trong số những con người đó không? Chúng ta có để cho Thiên Chúa sử dụng, hay ta sử dụng Ngài để đáp ứng những nhu cầu riêng tư của mình, kể cả nhu cầu được cứu độ?

Lạy Chúa, xin cho con đừng chỉ biết nghĩ đến mình, nhưng biết quảng đại dấn thân cho hạnh phúc của anh chị em đồng loại. Xin Chúa biến đổi con và sử dụng con như khí cụ ngoan ngùy trong tay Chúa để biến đổi thế giới, một thế giới còn đầy dẫy khổ đau, bất công và tội lỗi. Amen. 




GKGĐ Giáo Phận Phú Cường