Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 28/02/2018

Filled under:

Lời Chúa: Mt 20, 17-28

17
 Lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông:18 “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người,19 sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy.”
20 Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều.21 Người hỏi bà: “Bà muốn gì? ” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.”22 Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? ” Họ đáp: “Thưa uống nổi.”23 Đức Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”
24 Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó.25 Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.26 Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” 
Suy niệm 1
Ghế tượng trưng cho chức vụ và chức vị. 
Chính vì thế bình thường người ta ai cũng thích ghế. 
Ghế trong tôn giáo cũng như ghế ngoài đời. 
Tìm cách có ghế, giữ ghế hay tìm cách lên một ghế cao hơn, 
đó vẫn là điều khiến nhiều người vất vả, 
và đó cũng là điều khiến thế giới loạn lạc và xung đột.
Bài Tin Mừng kể cho chúng ta chuyện tranh cãi giữa nhóm Mười Hai. 
Vẫn là chuyện những cái ghế. 
Quan trọng nhất là hai ghế nằm hai bên tả hữu của Thầy 
khi Thầy vào vinh quang trong Nước Thiên Chúa. 
Chỉ tiếc là chuyện tranh cãi này lại xảy ra ngay sau khi 
Thầy Giêsu tâm sự riêng với các môn đệ về cuộc Khổ Nạn của mình. 
Chẳng rõ có phải Gioan và Giacôbê đã nhờ mẹ mình xin giùm không. 
Từ chối lời xin ngây thơ của một người mẹ thương con là điều không dễ. 
Thầy Giêsu có bực mình không khi phải chịu một áp lực như thế?
Các người không biết các người xin gì!” 
Điều các người xin xa lạ với con đường Thầy sắp đi. 
Điều các người mơ ước lại là điều Thầy sắp phải quyết liệt từ bỏ: 
quyền lực, tiếng tăm, vinh dự… 
Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”Như thế Thầy Giêsu thách đố nhóm Mười Hai 
về khả năng chia sẻ cuộc Khổ Nạn với Ngài, 
khả năng dám uống chung một chén đắng mà Ngài sắp uống. 
Chỉ những ai dám cùng chịu đau khổ mới được chung phần vinh quang. 
Chẳng rõ các môn đệ có lường được cái giá phải trả không, 
nhưng họ đã vội trả lời là uống nổi. 
Thầy Giêsu xác nhận chọn lựa của họ, 
nhưng Ngài lại không hứa cho họ ngồi hai bên tả hữu của mình, 
đơn giản là vì điều đó thuộc quyền của Cha.
Chuyện tranh cãi giữa các môn đệ là cơ hội để Thầy Giêsu vạch ra 
cách hành xử cho những nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội. 
Chắc chắn nó khác với lối lãnh đạo ngoài đời, 
khi người ta dùng quyền uy để thống trị và làm bá chủ (c. 25). 
Giữa anh em thì không được như vậy,” anh em không được theo thói đời. 
Thầy Giêsu dạy các môn đệ điều ngược đời: 
kẻ làm lớn, làm đầu phải làm đầy tớ phục vụ cho anh em mình (cc. 26-27). 
Tấm gương lớn nhất là tấm gương Thầy phục vụ (c. 28). 
Cuộc Khổ nạn sắp đến là việc phục vụ khiêm hạ nhất của Thầy. 
Lần đầu tiên Đức Giêsu cho biết ý nghĩa cái chết sắp đến của mình, 
cái chết như giá chuộc để cứu độ muôn người (c. 28).
Mười môn đệ khác có còn ghen tức hai anh em con ông Dêbêđê nữa không 
nếu họ biết rằng ngồi ghế cao chính là để thấy rõ mà dễ phục vụ hơn?
Cầu nguyện:  
Lạy Thầy Giêsu,Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con
những điều riêng tư thầm kín nhất
trong tương quan giữa Thầy với Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng đầu một đoàn em đông đúc.
Xin cho chúng conluôn thi hành ý muốn của Cha
để trở nên những người em
cùng huyết nhục với Thầy.
Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lênlàm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn Thầy lại hạ mình xuống
phục vụ chúng con như người tôi tớ,
rửa chân cho chúng con như một nô lệ
và chết thay cho chúng con trên thập giá.
Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầyvà sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SUY NIỆM 2

Alexandre Thompson năm nay 74 tuổi, hiện đang sống tại Thụy Sĩ. Mới đây ông đã viết thư cho toà đô chính Copenhague để báo tin ông sẵn sàng tặng thành phố 40 triệu Mỹ kim để làm bất cứ dự án nào, với điều kiện tên tuổi ông phải được đặt cho một con đường ở thủ đô nơi ông đã sinh trưởng. Nhưng đề nghị của ông đã bị từ chối và dĩ nhiên số tiền ông hứa tặng vẫn còn giữ chặt trong tay ông.

Cho đi để được cho lại, đó là tính toán thường tình của con người. Người ta làm ơn làm phúc để được đền đáp, người ta hy sinh phục vụ đã tên tuổi của mình được nhắc đến. Tiền tài, quyền bính, danh vọng là ẩn số luôn ẩn núp sau những công việc mà con người gọi là phục vụ. Tựu trung, điều con người tìm kiếm trong mọi phục vụ vẫn là cái tôi của mình. Chúa Giêsu đã mang lại cho hai chữ "phục vụ" ý nghĩa đích thực của nó: phục vụ như Chúa Giêsu đã sống là sống như một người tôi tớ. Phục vụ đích thực chính là sống trọn vẹn cho tha nhân, vì tha nhân, chứ không vì bất cứ một tính toán lợi lộc nào. Phục vụ như thế cũng đồng nghĩa với quên mình và quên mình cho đến chết. Xét cho cùng, theo mẫu gương của Chúa Giêsu, phục vụ cũng đồng nghĩa với chết đi. Đó là bài học mà Chúa Giêsu đã muốn lặp lại khi cho chúng ta lắng nghe trong Tin Mừng hôm nay.

Những dân chài Galilêa đã bỏ mọi sự theo Chúa Giêsu, nhưng các ông từ bỏ mọi sự với một tính toán, đó là trở thành công hầu khanh tướng trong vương quốc tương lai của Người. Các ông cũng không thoát khỏi cái lý luận thường tình của con người: "Tôi cho đi để được lấy lại", "tôi từ bỏ mọi sự để được giầu sang hơn", "tôi phục vụ để được phục vụ lại". Quyền bính, danh vọng vẫn luôn là cám dỗ đối với Giáo Hội qua mọi thời đại. Gồm những con người yếu hèn, tội lỗi, Giáo Hội Chúa Kitô luôn cần được thanh luyện trong ý tưởng, cũng như trong thể hiện của mình. Trong cuộc trở về chung của toàn Giáo Hội, mọi Kitô hữu đều được mời gọi để không ngừng hoán cải. Hoán cải là quay về với Chúa, là chỉ tìm kiếm và yêu mến một mình Ngài, là tham dự vào cuộc Tử nạn của Chúa Kitô bằng những hy sinh và từ bỏ chính mình mỗi ngày.

Ước gì cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá mà chúng ta suy niệm trong Mùa Chay này luôn nhắc nhở chúng ta về ơn gọi của người môn đệ, đó là phục vụ, quên mình, và ý thức mình chỉ là đầy tớ vô dụng, chỉ làm những gì phải làm mà thôi.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:10

Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B

Filled under:


Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B
 Bài Ðọc I: Xh 20, 1-17
"Luật do Môsê đã ban ra".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta, đừng chạm trổ tượng gỗ, hay vẽ hình các vật trên trời, dưới đất, trong nước, dưới lòng đất. Ðừng thờ lạy và phụng sự các hình tượng ấy, vì Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi, Chúa hùng mạnh, Chúa ganh tị, trừng phạt con vì tội lỗi cha, cho đến ba bốn đời, những kẻ ghét Ta; Ta tỏ lòng nhân lành đến ngàn đời đối với những ai kính mến Ta và tuân giữ các giới răn Ta.
Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt.
Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat. Ngươi làm lụng và làm tất cả mọi việc trong sáu ngày, còn ngày thứ bảy là ngày Sabbat, thì thuộc về Chúa, Thiên Chúa ngươi; trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi tớ nam nữ, súc vật, ngoại kiều trọ trong nhà ngươi, tất cả không được làm việc gì. Vì trong sáu ngày, Chúa đã tạo dựng trời, đất, biển, và tất cả mọi vật trong đó, rồi Người nghỉ trong ngày thứ bảy: cho nên Chúa chúc phúc và thánh hoá ngày Sabbat.
Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người, chớ phạm tội ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối hại anh em mình, chớ tham lam nhà của kẻ khác, chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu.   Ðó là lời Chúa.
 Hoặc đọc bài vắn này: Xh 20, 1-3. 7-8. 12-17
"Luật do Môsê đã ban ra".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta. Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt. Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat.
Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người; chớ phạm tội ngoại tình; chớ trộm cắp; chớ làm chứng dối hại anh em mình; chớ tham lam nhà của kẻ khác; chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu.   Ðó là lời Chúa.
 Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 11
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời (Ga 6, 69).
Xướng: 1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. - Ðáp.
2) Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. - Ðáp.
3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy. - Ðáp.
4) Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng, ngọt hơn mật và hơn cả mật tàng ong. - Ðáp.
 Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 22-25
"Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho nhiều người, nhưng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đối với những người được gọi".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Ðức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Chúa Cha, vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người.    Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 4, 4b
Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.
 Phúc Âm: Ga 2, 13-25
"Các ngươi cứ phá huỷ đền thờ này, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêru-salem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán". Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: "Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi".
Bầy giờ người Do-thái bảo Người rằng: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy". Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại". Người Do-thái đáp lại: "Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?" Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.
Trong thời gian Người ở lại Giêrusalem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta.   Ðó là lời Chúa.
 Suy Niệm:
Với những lời giảng dạy kèm theo những phép lạ Ðức Giêsu đã làm, nhiều người muốn tin vào Ngài. Nhưng bên cạnh đó lại có những người đòi hỏi nơi Chúa một dấu lạ nào đó để chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa thì họ mới tin. Họ không vì thiện chí kiếm tìm chân lý, mà chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ. Lòng họ đã ra chai đá.
 Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, qua những phép lạ Chúa đã làm, có những người tin tưởng và yêu mến Chúa hơn, và cũng có những người bị vấp phạm. Họ vấp phạm vì họ quá đề cao ý riêng của mình.
Xin Chúa ban cho chúng con biết nhận ra ý Chúa trong những phép lạ của cuộc đời. Ước gì qua đó niềm tin yêu, phó thác của chúng con nơi Chúa sẽ được thăng tiến mãi mãi. Amen.

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU CHÚA NHẬT III MÙA CHAY (B)

Chủ tế: Anh chị em thân mến, nhà thờ là nhà cầu nguyện, là nơi người Kitô hữu tụ họp để thờ phượng Chúa, là nơi Chúa Giêsu luôn hiện diện trong Nhà Tạm để lắng nghe ta tâm sự, để chia sẻ mọi vui buồn với ta, và đây cũng là nơi thể hiện rõ nhất sự bình đẳng của cộng đoàn Dân Chúa. Với tâm tình mến yêu Nhà Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện:
1.   Hội Thánh là Đền Thờ mới của Thiên Chúa / nơi các tín hữu thuộc mọi chủng tộc / mọi ngôn ngữ hiệp thông với nhau trong việc thờ phượng Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho nhân loại nhận thấy Hội Thánh là một cộng đoàn hiệp nhất trong yêu thương.
2.   Nhà thờ là nơi tôn nghiêm / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu biết ăn mặc xứng hợp và có thái độ tôn kính mỗi khi đến nhà thờ tham dự thánh lễ.
3.   Nhà thờ là nơi hết sức thân thiết với người Kitô hữu vì đây là nơi họ lãnh nhận các bí tích / hội họp để cầu nguyện / lắng nghe lời Chúa / biết ý thức trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn Nhà Chúa luôn khang trang đẹp đẽ.
4.   Thánh Phaolô nói: / Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa sao? / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ Sơn Lộc chúng ta biết luôn sống trong sạch / ngay thẳng để xứng đáng là đền thờ của Chúa Thánh Thần.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha nhân hậu, Ngài đã làm cho chúng con trở thành chi thể của Đức Kitô, Con Chúa. Xin loại bỏ khỏi tâm hồn chúng con những gì cản trở chúng con trở nên đền thờ của Chúa giữa nhân loại. Chúng con cầu xin…

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:55

Xin ơn biết xấu hổ và không đi xét đoán người khác

Filled under:

Xin ơn biết xấu hổ và không đi xét đoán người khác

Chúng ta hãy xin ơn biết hổ thẹn và không đi xét đoán người khác. Xin ơn biết tha thứ! Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Xu hướng chung là dễ xét đoán người khác
Đúng là chúng ta có xu hướng rất dễ xét đoán và lên án người khác. Đừng làm như thế! Tốt hơn là hãy tha thứ! Chúng ta có thể tự nhủ lòng rằng, tôi đâu có xét đoán lên án ai. Nhưng kỳ thực, cứ thử nghĩ lại thái độ của bản thân mà xem. Biết bao lần trong các cuộc nói chuyện, chúng ta đi xét đoán phán xử người khác! Chú ý rằng, chỉ có Chúa mới có quyền phán xét xem ai là xấu, điều gì là xấu. Nhưng chúng ta biết rồi đó, xu hướng của con người là dễ xét đoán người khác.
Trong những lần hội họp, bữa ăn trưa chẳng hạn, hoặc một dịp nào đó, trong suốt thời gian nói chuyện qua lại, ví dụ kéo dài 2 tiếng đồng hồ. Trong thời gian 2 tiếng ấy, chúng ta dành bao nhiêu phút để xét đoán đánh giá người khác? Có điều đồng ý, có điều thì không. Nhưng chúng ta hãy có lòng nhân từ, lòng thương xót. Chúng ta hãy có lòng thương xót, như Cha chúng ta là Đấng hay xót thương. Hãy sống quảng đại! Hãy cho đi, chúng ta sẽ được nhận lại. Nhưng chúng ta sẽ nhận lại cái gì đây? Đó là đấu đầy tràn. Đó là lòng quảng đại của Chúa. Khi chúng ta đầy tràn lòng quảng đại, đầy tràn lòng thương xót của Chúa, chúng ta sẽ không còn xét đoán nữa. Chúng ta cần thương xót người khác, bởi vì Chúa đã xót thương chúng ta trước.
Cần khiêm tốn nhận biết thân phận tội lỗi của mình
Hội Thánh mời gọi chúng ta có thái độ khiêm tốn trước mặt Chúa. Khiêm tốn có nghĩa là nhận biết thân phận tội lỗi của chính bản thân.
Chúng ta biết rằng, sự công bằng của Thiên Chúa chính là lòng thương xót. Cần thân thưa thế này: Ôi lạy Chúa, Ngài thật công chính, còn con đáng xấu hổ! Khi chúng ta thực thi đức công bằng của Chúa, chúng ta đồng thời phải xấu hổ, nhưng ở đó chúng ta gặp được ơn tha thứ. Tôi có tin rằng, tôi đã phạm tội đã xúc phạm Chúa hay không? Tôi có tin rằng Chúa là Đấng công chính? Tôi có tin rằng Ngài là Đấng xót thương? Tôi có biết hổ thẹn trước mặt Chúa vì mình đã phạm tội không? Nếu thế, hãy đơn sơ thân thưa với Chúa: Lạy Chúa là Đấng công chính, xin cho con biết xấu hổ vì tội con đã phạm.
Xin ơn biết hổ thẹn
Chúng ta cần biết xấu hổ, cần biết giữ liêm sỉ, cần xin ơn biết xấu hổ khi đứng trước mặt Chúa.
Ơn biết xấu hổ, ơn biết hổ thẹn, ơn biết thẹn thùng, đó là một ơn rất lớn. Vì thế, chúng ta hãy nhớ lại thái độ mà chúng ta đối xử với những người thân cận, với làng xóm láng giềng. Hãy nhớ lại những kiểu cách mà ta đánh giá người khác. Nếu ta xét đoán và lên án người khác, thì đến lượt mình, chính chúng ta cũng sẽ bị xét đoán và bị lên án. Như thế, hãy đối xử rộng lượng với mọi người, đừng xét đoán. Hãy sống hãy hành xử với tình yêu thương. Còn trước mặt Chúa, hãy đơn sơ chân thành thân thưa rằng: Lạy Chúa, Ngài là Đấng công chính, còn con thật đáng xấu hổ vì những gì con đã làm!


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:50

Chữ “Amen” có nghĩa là gì?

Filled under:

Ý nghĩa chữ Amen thì rất cụ thể, rất đặc biệt mà không một ngôn ngữ có từ tương đương. Amen là tiếng hêbrơ được dùng từ rất xưa. Về mặt ngôn từ học, amen đến từ chữ aman mà người ta dùng để làm mạnh lên hay để xác nhận các lời nói. Ý nghĩa của nó có thể diễn tả là “sự thật là như vậy” hay “được ghi nhận như vậy”.
Chữ amen không có chữ tương đương trong các ngôn ngữ tây phương. Vì thế không nên dịch theo nghĩa, nhưng nên hiểu đây là câu trả lời khẳng định cho một lời nói chắc chắn, ổn định và bất biến. Chính vì lý do này mà trong truyền thống do thái-kitô, chữ này được dùng nguyên trạng, không dịch ra, vì tất cả các bản dịch đều làm nghèo đi ý nghĩa nguyên gốc của chữ, theo sát nghĩa của chữ amen, người ta chỉ có thể dùng chữ này theo nghĩa thiêng liêng và như thế chỉ dùng chữ ”amen” khi nói về Chúa.
Amen là đặc ngữ xêmita được dùng rộng ra trong thế giới kitô giáo
Chắc chắn chữ này có nguồn gốc xêmita và với thời gian, việc dùng chữ này trải rộng ra trong giới kitô giáo; vì thế chữ “amen” được dùng rất nhiều trong Thánh Kinh. Amen được dùng để chứng nhận các lời như: “chính vì vậy”, hay để diễn tả một lệnh: “phải được như vậy”. Đây là một trong các thán từ phụng vụ được dùng nhiều nhất vì nó được dùng như một công thức để kết thúc lời cầu nguyện.
Khi dùng chữ này, chúng ta tuyên xưng câu vừa đọc là thật, trong mục đích khẳng định một câu, làm câu đó thành của mình hay để đưa đến một lời cầu nguyện. Vì thế, khi chữ này được cộng đoàn dùng trong khuôn khổ của một nghi thức phụng vụ tôn giáo thì nó có nghĩa là toàn thể cộng đoàn đồng ý những lời vừa đọc.
Chữ “amen” được Chúa Giêsu dùng trong các Tin Mừng để bắt đầu một bài giảng, mang tầm mức vững chắc và kiên nghị cho bài giảng. Chính vì vậy Chúa Giêsu nói: “Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch



Abraham

Trong phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay, có một khuôn mặt nổi bật, đáng cho chúng ta suy nghĩ đó là khuôn mặt của Abraham.
Thực vậy, vâng lệnh Thiên Chúa, ông dẫn con lên núi để sát tế dâng kính Ngài. Ông chấp nhận hy sinh cả cái viễn tượng tương lai của lời hứa, không chút thắc mắc trước đòi hỏi xem ra tự mâu thuẫn với chính mình của Thiên Chúa, Đấng đã hứa cho ông một dòng dõi đông đúc như sao trời cát biển, nhưng lại đòi ông phải hy sinh người con duy nhất, giữa lúc ông và bạn ông đã già cả không còn hy vọng sinh nở được nữa. Abraham đã biểu lộ một niềm tin yêu tuyệt đối nơi Thiên Chúa.

Quả thực, cử chỉ của Abraham chỉ có thể hiểu nổi khi chúng ta thấy được rằng nơi Abraham còn có một sự lựa chọn quan trọng hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy điều đòi hỏi nơi Abraham mới chỉ là một thử thách của Thiên Chúa đối với ông là người được Thiên Chúa yêu thương. Cử chỉ của Abraham mới chỉ là một hình ảnh để chuẩn bị đón nhận điều Thiên Chúa thực hiện nơi chính mình Ngài. Điều Abraham đã chỉ thực hiện trong ý chí, nghĩa là chấp nhận thực hiện, nhưng trong thực tế đã không thực hiện vì không cần thiết nơi Thiên Chúa, lại đã trở thành thực tế. Đức Kitô người sẽ bị đau khổ và chết trên thập giá, chính là người con yêu dấu của Thiên Chúa. Nói cách khác, Thiên Chúa là một người Cha đã yêu thương con người đến độ không dung tha chính con mình, nhưng lại phó thác con mình vì tất cả chúng ta. Đức Kitô đã thực hiện tất cả những gì mà Abraham và Isaac ngày xưa đã tượng trưng.

Còn chúng ta ngày hôm nay thì sao? Nhìn vào đời sống đức tin, chúng ta thấy không phải lúc nào chúng ta cũng cảm thấy sốt sắng, không phải lúc nào chúng ta cũng cảm thấy được ủi an, không phải lúc nào chúng ta cũng cảm thấy Chúa thật gần gũi, trái lại nhiều khi đức tin của chúng ta cũng đã bị thử thách. Vì trung thành với lệnh truyền của Thiên Chúa mà Abraham đã xứng đáng trở thành cha của những người có đức tin. Vì vâng phục thánh ý Chúa Cha, chấp nhận cái chết trên thập giá, mà Chúa Giêsu đã đem lại cho chúng ta nguồn suối ơn cứu độ. Với chúng ta cũng thế. Giữa những gian nguy thử thách gặp phải, noi gương bắt chước Abraham, chúng ta hãy vững tin nơi tình thương của Chúa. Đồng thời noi gương bắt chước Chúa Giêsu, chúng ta dám chấp nhận những hy sinh gian khổ vì đức tin. Bây giờ không còn phải là thời dám can đảm chịu chết vì đạo, mà là thời dám can đảm sống đạo, sống niềm tin của mình. Chính nhờ những hy sinh trong cuộc sống thường ngày, mà đức tin của chúng ta sẽ trở nên kiên vững, và hơn thế nữa, chúng ta sẽ góp được cái phần nhỏ bé của chúng ta vào thập giá Đức Kitô, để nhờ đó mà chúng ta sẽ lãnh nhận được ơn Chúa cứu độ.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:37

5 Phút cho Lời Chúa ngày 28/2/2018

Filled under:

“Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ ” (Mt20, 28)

2. Suy niệm: Con người sống trên dương gian dễ bị lôi kéo vào ba khuynh hướng: danh, lợi và thú. Các môn đệ ban đầu theo Chúa Giêsu ắt hẳn không khỏi những khuynh hướng này. Rõ hơn hết là khuynh hướng hám danh.
Đang khi nghe Chúa Giêsu tiên báo cuộc thương khó của Ngài đáng lý ra các ông phải đồng cảm với Thầy mình trong cuộc thương khó. Đàng này họ lại nghĩ khác, họ mong Thầy mình sớm chiến thắng theo như cách nghĩ của họ để họ được hưởng vinh quang, để được sung sướng có kẻ hầu người hạ. Chúa Giêsu đã sửa lại lối suy nghĩ của họ. Theo Chúa, được trao quyền chính là để dùng nó mà phục vụ chứ không phải dùng quyền đó đê thị uy, để phục vụ chính mình hay để người ta phục vụ mình. Chúa Giêsu đã sống cuộc đời phục vụ như Ngài đã dạy đó là Ngài phó dâng mạng sống để phục vụ cho sự sống nhân loại.
3. Sống Lời Chúa: Đặt sự khốn khó của ta với cuộc Thương Khó Chúa.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong những lúc Chúa mong muốn chúng con đồng cảm với Chúa thì chúng con chỉ lo cho riêng mình, cho danh lợi của mình. xin Chúa cho mỗi người chúng con được biết rằng sự vinh quang của con chính là đặt sự vinh quang trong sự thương khó Chúa. Amen.


LÊANĐÊ GIÁM MỤC THÀNH SÊVILLA
(+ 992)
Thánh Âuvanđôâ (Oswald) thuộc dòng dõi người Đan Mạch, cha ngài là cháu Đức Tổng Giám mục Ôđôn, thành Cantôbêri, và bà con với Đức Âukinh (Oskyll), Tổng Giám mục thành York. Được cậu chăm lo giáo dục, Âuvanđôâ sớm được nhận các chức thánh và trở thành linh mục ưu thế trong cộng đồng Winchester. Nhưng sau mấy năm chịu chức, ngài không muốn sống đời linh mục triều, bèn trình bày ước nguyện thầm kín với Đức Tổng Giám mục Ôđôn, xin phép xuất ngoại và tìm đến gõ cửa một tu viện theo luật thánh Biển đức. Được cậu chấp nhận, ngài đến xin nhập dòng miền Fleury sur Loire bên Pháp và sống một đời hoàn toàn khiêm tốn và theo quy luật nhà dòng.
Ít lâu sau, Đức Tổng Giám mục Ôđôn, vì biết giờ mệnh chung của mình đã gần điểm, liền biên thư vời cha Âuvanđôâ về giúp mình trong giờ sau hết. Nhưng khi tầu vừa ghé lại Đuvơ, cha dòng được tin ông cậu đã từ trần. Vì thế ngài đến York thăm Đức Tổng giám mục Âukinh. Đức Tổng giám mục đón tiếp ngài niềm nở, và còn cho ngài đi tháp tùng sang Rôma. Trong cuộc du lịch này, thánh nhân kết thân với một thanh niên trẻ tuổi tên Germanô, và khi trở về, chàng thanh niên này cũng xin nhập dòng với cha Âuvanđôâ. Tình bạn, nhờ đó, càng thêm khăng khít… Nhưng chẳng bao lâu, Đức Tổng giám mục Âukinh lại đòi cha Âuvanđôâ về giúp việc tại giáo phận. Vì thế hai người bạn bó buộc phải chia ly…
Năm sau Đức tân Tổng giám mục thành Cantôbêri tên là Đơntan (Dunstan), vì biết nhân đức và sự nghiệp truyền giáo của cha Âuvanđôâ, làm đơn đệ xin Toà thánh đặt ngài lên làm giám mục Worcester. Với nhiệm vụ mới, đức cha Âuvanđôâ càng cố sống đời nhân đức và nhiệt thành hơn với việc truyền giáo, tận tâm huấn dụ hàng giáo sĩ giáo phận, nỗ lực thể hiện nhiều công việc bác ái và xã hội…
Cộng tác với Đức Tổng giám mục Đơntan và Đức giám mục giáo phận Winchester, ngài soạn thảo một luật dòng, dành riêng cho những linh mục có đôi bạn sống thành các cộng đồng tu viện. Vì yêu thích luật dòng Biển đức, ngài đã đến Fơrixuya Loa xin ông bạn cố hữu, cha Germanô, về đảm nhiệm việc lập dòng. Thế là trong giáo phận nhiều nhà dòng được thiết lập, hoặc được cải tổ cho hợp với thời đại…
Theo ý kiến của Đức Tổng giám mục Đơntan, vua Ítga (Eadgar) đề cử Đức giám mục Âuvanđôâ làm Tổng giám mục thành York năm 972. cũng theo lời yêu cầu của vua, Đức giám mục Âuvanđôâ trẩy đi Rôma nhận quyền Tổng giám mục. Được Đức Giáo Hoàng ân cần tiếp nhận, Đức tân Tổng giám mục hân hoan trở về với phép lành Toà thánh. Nhằm ngày lễ hiện xuống năm 973, ngài cùng với Đức Tổng giám mục Đơntan cử hành lễ nghi đăng quang cho nhà vua tại Bát (Bath). Thể theo ý nguyện của Đức Tổng giám mục Đơntan, dù làm Tổng giám mục thành York, thánh nhân vẫn kiêm nhận giáo phận Vorceter với chủ đích trùng tu các nhà dòng. Mặc dầu gặp nhiều khó khăn, Đức Tổng giám mục đã đạt được nhiều kết quả. Một số đông các cha dòng Biển đức ở Flơri là những cánh tay phải giúp việc Đức giám mục… Ngài làm việc cho đến cuối đời. Chứng cớ là dù đã già cả và ốm yếu, vừa nghe tin tháp nhà thờ họ Ramxây bị sụp đổ, ngài đã thân hành đến tại chỗ xem xét và tìm phương thế kiến thiết lại. Xong việc, ngài mới trở về Vorceter.
Mùa đông năm ấy, ngài ngã bệnh… nhưng dù chịu bệnh, mùa chay năm 992, thánh Âuvanđôâ ngày ngày vẫn cố gắng rửa chân cho dân nghèo và các bệnh nhân. Cho tới ngày 29-02, đang khi cử hành lễ nghi, ngài đã êm ái lịm đi trong tình yêu Chúa… chứng tỏ một đời sống kết hợp hoàn hảo…
Xác ngài được mai táng tại nhà thờ chính toà Vơséttơ. Mười năm sau, Đức Giám mục Andulphô kế vị ngài, đã cải táng và đem hài cốt về York. Nhiều phép lạ xẩy ra trên mộ, chứng tỏ quyền thế của vị thánh, đồng thời bảo đảm việc Giáo hội đặt ngài lên bàn thờ, và ghi tên ngài vào sổ bộ các thánh.
Thánh Âuvanđôâ quả là một chúa chiên hiền từ, phản ảnh trung thành tinh thần Chúa Kitô. Nơi ngài, nổi bật nhiều đức tính cao quý: hoạt động, cương trực, dịu hiền, thông thái, và thạo tâm lý. Vì thế không lạ gì người ta, nhất là các cha dòng Biển đức, đã khen tặng ngài là "Sứ giả của Chúa Quan phòng"



Nụ Cười Của Bà Sarah

Kinh thánh thuật lại rằng, khi bà Sarah, vợ của tổ phụ Abraham, một lão bà gần đất xa trời, được Chúa cho biết là sẽ cưu mang và sinh con, bà đã có một phản ứng thật là người và cũng thật là kỳ diệu: bà đã cười!
Phải, bà cụ già Sarah có lẽ đã cười nắc nẻ khi đứng trước một hoàn cảnh xem ra trớ trêu như thế: một người đàn bà trên 70 tuổi mà còn được Thiên Chúa cho có con!... Thiên Chúa xem ra thích khôi hài!
Và khi Thiên Chúa hỏi tại sao cười, Sarah lại chối rằng mình đã không hề cườị Có lẽ do sợ hãi mà Sarah đã nín cườị Sự sợ hãi có lẽ không còn cho con người được nhìn thấy khía cạnh đáng cười, đáng vui trong cuộc sống... Nhưng liền sau khi sinh con, bà Sarah đã tìm lại được óc khôi hài cho nên bà đã đặt cho đứa con một cái tên khá ngộ nghĩnh là Issac; Issac theo tiếng Do Thái có nghĩa là được sinh từ một người đã cườõ.
Cười, cười một cách lạc quan: có lẽ đó là một trong những nét nổi bật của người có niềm tin. Người ta thường định nghĩa rằng: một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn... Tất cả các vị thánh đều là những người có óc khôi hàị Các ngài là những con người đã từng biết cười với cuộc sống với tha nhân. 
Thánh Phanxicô thành Assisi, vị sứ giả của Hòa Bình, đã có lần tuyên bố: "Hãy trả lại sự buồn phiền cho ma quỷ, bởi vì chỉ có ma quỷ mới có đủ lý do để buồn phiền".
Cha sở họ Ars, là thánh Gioan Maria Vianey, mặc dù thường được người ta tạc tượng như một con người buồn bã, ảo não, nhưng kỳ thực không ai có tâm hồn vui tươi lạc quan như Ngàị Thánh nhân đã nói: "Linh hồn của những ai phục vụ Chúa đều được tràn ngập vui mừng, họ luôn luôn sống như nghỉ ngơi và luôn luôn sẵn sàng để ca hát..."
Thánh Thomas Moore khi bị đưa lên máy chém, đã nói đùa với người lý hình rằng hãy để cho ngài được giúp một tay, cho việc hành quyết được dễ dàng. Ngài còn nói thêm rằng, sau khi đã chém đầu ngài, chớ đụng đến bộ râu vì bộ râu của ngài không hề phản bội một naõ.
Một vị tu sĩ nào đó vào thời Trung Cổ đã viết như sau: "Một nụ cười và óc khôi hài thu hút được nhiều người đến với tôn giáo hơn là những khuôn mặt dài vì ủ dột".
Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng: khi ăn chay hãm mình hãy xức dầu thơm vào người.
Còn thứ dầu thơm nào quý giá hơn để tô thắm cho gương mặt của chúng ta cho bằng niềm vui.
Cuộc sống dù có trăm nghìn vất vả, đau thương vẫn là cuộc sống đã được Chúa trao ban như một kho tàng cao quý nhất.
Tình đời có đen bạc, nhân nghĩa có phôi pha: những con người đang sống với chúng ta vẫn là những người con cái Chúa và là anh em của chúng ta.
Hãy cười với cuộc sống, hãy cười với người anh em của chúng ta: đó là sứ điệp của Kitô Giáo mà trọng tâm chính là Mầu Nhiệm Phục Sinh. Qua Mầu Nhiệm ấy, Thiên Chúa đã cười cợt, thách thức tội lỗi và sự chết. Sự Sống và Niềm Hy Vọng đã phát sinh từ cái chết của Ðức Kitô.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:32

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Trung Quốc: Gần 50.000 người được rửa tội trong năm 2017

Filled under:

Trung Quốc: Gần 50.000 người được rửa tội trong năm 2017

WHĐ / Catholic Herald (25.02.2018) – Năm 2017, Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc có thêm 48.556 người nhập đạo, theo thống kê của Sổ Rửa tội; con số này phản ánh sức sống và sức mạnh truyền giáo của các cộng đoàn Công giáo ở Trung Quốc, theo tường thuật của Fides, cơ quan truyền thông của Bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc.
Tuy nhiên, con số trên có thể không đầy đủ, do những khó khăn trong việc thu thập dữ liệu từ các cộng đồng Công giáo ở các vùng nông thôn của Trung Quốc.
Dù vậy, cơ quan tiến hành khảo sát hằng năm là Viện Nghiên cứu Văn hoá Faith – một tổ chức của Giáo hội có trụ sở tại Thạch Gia Trang –, cho biết con số thống kê vẫn “cho thấy sức sống và sự năng động truyền giáo của một cộng đoàn sống đức Tin hết mình”. Fides đã công bố lại các kết quả khảo sát của cơ quan này vào ngày 15 tháng Hai vừa qua.
Tỉnh Hà Bắc – nơi hằng năm vẫn luôn có số người được rửa tội cao nhất trong tất cả các tỉnh của Trung Quốc – đứng đầu danh sách với 11.899 người. Tổng giáo phận Bắc Kinh có 1.099 người, trong khi giáo phận Ninh Hạ có thêm 128 tín hữu Công giáo mới. Khu tự trị Tân Cương ở Tây Bắc Trung Quốc, nơi mà phần lớn dân số là Hồi giáo, có 66 người. Tỉnh Thanh Hải có 54 người, và các cộng đồng biệt lập như đảo Hải Nam ở miền nam Trung Quốc có 38 người và Tây Tạng có 11 người.
Viện Nghiên cứu Văn hoá Faith nói thêm: “Mặc dù những con số trên đây thật khích lệ và nỗ lực truyền giáo trong các cộng đồng địa phương trên khắp Trung Quốc rất lớn, chúng ta phải luôn cảm thấy mình được kêu gọi canh tân nhiệt tình truyền giáo”.
“Phúc âm hóa ở Trung Quốc là một con đường dài và đầy khó khăn”. Viện Faith cũng chỉ ra rằng các con số thống kê “là một lời kêu mời và là một tiếng gọi vì chúng ta phải củng cố đức tin của mình và luôn tiến bước trong hành trình đến với Chúa Kitô”.
Viện Faith khuyến khích tất cả các cộng đoàn Công giáo tại Trung Quốc gìn giữ và không ngừng cải thiện văn khố và sổ sách của giáo xứ để có thể thu thập nhiều dữ liệu hơn trong tương lai. Cuối cùng, đi đến kết luận rằng các con số thống kê là một phương cách “để thấy được sự tăng triển của Giáo hội và công cuộc Phúc âm hoá được Chúa Kitô hoàn tất”.
(Nguồn: WHĐ)





&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&
Học hỏi Phúc âm
Chúa nhật 3 Mùa Chay - Năm B

(Ga 2,13-22)
Lời Chúa
Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Ðức Giêsu lên thành Giêrusalem. Người thấy trong Ðền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Ðền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Ðem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nhà buôn bán". Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh:
Lòng nhiệt thành lo việc nhà Ngài sẽ nghiền nát tôi.
Người Dothái trả lời và nói với Ðức Giêsu: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ chúng tôi thấy là ông có quyền làm những điều ấy?" Ðức Giêsu trả lời và nói: "Các ông cứ phá hủy Ðền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ nâng dậy". Người Dothái nói: "Ðền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông nâng dậy được sao?" Nhưng Ðền Thờ Ðức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người được nâng dậy từ cõi chết, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Ðức Giêsu đã nói.
Học hỏi
1. Trong Phúc âm thứ tư, Đức Giêsu có hay lên Giêrusalem vào các dịp lễ lớn không? Dịp lễ nào? Xem Gioan 2,13; 5,1; 7,14; 10,22-23; 11,55; 12,12.
2. Các Phúc âm nhất lãm đặt chuyện Đức Giêsu thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem vào khung cảnh những ngày cuối đời của Ngài (Mc 11,15-18; Mt 21,12-13; Lc 19,45-46). Còn Phúc âm thứ tư lại đặt ngay ở đầu sứ vụ của Đức Giêsu. Theo ý bạn, trong thực tế, chuyện này đã xảy ra ở đầu hay cuối ? Tại sao Phúc âm thứ tư lại đặt lên đầu?
3. Đọc kỹ bài Phúc âm này. Hãy cho thấy ở đây có sự căng thẳng, xung đột giữa Đức Giêsu với "người Do-thái". "Người Do-thái" để chỉ ai vậy?
4. "Nhà của Cha tôi" (câu 16) nghĩa là gì? "Nhà của Cha tôi" trong Gioan 14,2 nghĩa là gì ? Trong Phúc âm thứ tư, đây có phải là lần đầu tiên Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là "Cha tôi" không? Xem thêm Ga 5,18.
5. Đọc câu 17: "Lòng nhiệt thành đối với nhà Ngài sẽ ngấu nghiến (nghiền nát) tôi". Theo bạn, khi nào các môn đệ mới NHỚ câu Kinh Thánh (Tv 69,10) này vậy?
6. Trong câu 18, "người Do-thái" đòi một dấu chỉ. Đức Giê su có cho họ dấu chỉ nào không? Sau khi Đức Giê su phục sinh, các môn đệ đã hiểu câu 19 như thế nào?
7. Đọc câu 19. Câu này có dễ gây hiểu lầm không? Đức Giêsu có đòi phá Đền thờ Giêrusalem không? Đọc Mt 26,61 và Mc 14,58.
8. Tìm hai câu trong bài Phúc âm này ám chỉ đến cái chết của Đức Giêsu?
9. Trong bài Phúc âm này Đức Giêsu đã nói hai câu quan trọng, hãy cho biết đó là những câu nào?
10. Trong bài Phúc âm này, các môn đệ nhớ mấy lần? Khi nào họ mới nhớ?

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:14

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 27-02-2018

Filled under:

Lời Chúa: Mt 23, 1-12
1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng:2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường,7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”.
8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên. 
Suy niệm 1 
Bài Tin Mừng hôm nay được đọc trong Mùa Chay 
không phải để chúng ta nghiền ngẫm thói hư của một số người Pharisêu, 
nhưng để chúng ta soi gương họ mà nhận ra mình. 
Chẳng có thói đạo đức giả nào của họ mà ta được miễn nhiễm.
Đạo đức giả đơn giản là một sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất nơi lòng người. 
Nói rất hay, giảng rất đúng, nhưng lại chẳng sống điều mình nói hay giảng. 
Có một khoảng cách thật xa giữa ngôn và hành. 
Chất trên vai người khác gánh nặng của luật lệ với những đòi hỏi chi li, 
nhưng chính mình lại không muốn chia sẻ chút nào gánh nặng đó. 
Vẫn là khoảng cách giữa nói và làm, giữa mình với người khác. 
Đeo trên trán hay cánh tay những hộp kinh thật to, đính những tua áo thật dài : 
các cử chỉ này lẽ ra để bày tỏ tình yêu đối với Lời Chúa, qui hướng về Chúa, 
thì lại trở nên những cử chỉ qui về mình, 
nhằm làm cho người ta thấy mình, thấy sự đạo hạnh của mình, để tìm tiếng khen. 
Người đạo đức giả không thực sự tìm Chúa. 
Chúa chỉ là phương tiện để họ tự đánh bóng mình trước mặt người đời. 
Háo danh là điều họ khó dứt bỏ trong cuộc sống : 
ưa ngồi chỗ nhất, ưa chiếm ghế đầu, thích được chào là rabbi…
Cộng đoàn Kitô hữu của Matthêu là một cộng đoàn huynh đệ. 
Trong cộng đoàn ấy hẳn có những vị thầy dạy. 
Có những bậc thầy cao niên được gọi một cách trân trọng là rabbi. 
Có những đấng sáng lập cộng đoàn được gọi một cách kính cẩn là cha. 
Nhưng bất chấp điều đó, Đức Giêsu khẳng định : 
Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (c.8). 
Mọi thành viên trong cộng đoàn đều lệ thuộc như nhau 
vào một vị Thầy duy nhất là Đức Giêsu Kitô, 
vào một người Cha duy nhất là Cha trên trời. 
Các Kitô hữu gọi nhau là anh, là chị, là em, 
và đối xử với nhau như anh chị em, con một Cha, học trò một Thầy. 
Đừng để ai gọi mình là thầy, đừng gọi ai là cha…” 
Lời của Đức Giêsu vẫn là một lời cảnh giác cho Giáo hội mọi thời.
Càng lớn mạnh theo thời gian, Giáo hội càng cần một cơ cấu tổ chức, 
bao gồm nhiều chức vụ lãnh đạo có uy quyền. 
Làm sao để tinh thần phục vụ khiêm hạ của Đức Kitô thấm vào mọi cơ cấu? 
Làm sao để mọi vị thầy của Giáo hội không che khuất Đấng là vị Thầy duy nhất? 
Làm sao để các người cha thiêng liêng múc được tình phụ tử dịu hiền 
từ Người Cha duy nhất là chính Thiên Chúa?
Cầu nguyện:  
Lạy Chúa Giêsu,khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.
Khi đến với Chúa,chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu,chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,để chúng con được lớn lên trong bình an.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SUY NIỆM 2
 
Người kia kể lại giấc mơ khủng khiếp như sau: Tôi thấy mình đứng trước một biệt thự nguy nga. Bước vào trong tôi thấy hai hành lang với hai hàng chữ “Bên phải dành cho người Công giáo; bên trái dành cho kẻ ngoại”. Tôi đi theo hàng lang bên phải. 

Đi được một lúc tôi tới ngã rẽ khác, lần này tôi đọc thấy bảng chỉ dẫn như sau: “Bên phải dành cho người có đức tin vững mạnh, bên trái dành cho kẻ có đức tin yếu kém”. Tôi lại đi theo bên phải. 

Đến một ngã rẽ khác, tôi loại thấy bảng chỉ dẫn “Bên phải dành cho những người có lòng bác ái, bên trái dành cho những kẻ ích kỷ”. Tôi lại chạy qua bên phải. 

Cuối cùng tôi gặp bảng chỉ dẫn “Bên phải dành cho những ai có đời sống thánh thiện, bên trái dành cho những kẻ tội lỗi”. Một lần nữa, tôi chọn bên phải. 

Tôi đang hân hoan rảo bước thì bỗng một cảnh tượng hãi hùng khủng khiếp hiện ra ở cuối hành lang ấy: cảnh hoả ngục với muôn vàn hình khổ không lời nào tả xiết. Tôi hoảng hốt kêu rú lên và giật mình thức dậy. Sau một phút, tôi tự hỏi: “Phải chăng cuộc sống đạo của tôi toàn là giả hình như giấc mơ hãi hùng ấy?”  

Giả hình là cơn cám dỗ triền miên trong đời sống của Giáo Hội và ai ai cũng có thể rơi vào cơn cám dỗ này. Và khi đã trở thành giả hình rồi, thì tất cả những lời nói cũng như việc làm của chúng ta sẽ không có tác dụng tốt nữa, mà trái lại sẽ trở nên những phản chứng.

Mùa Chay là mùa của hoán cải. Mà hoán cải bao giờ cũng khởi đầu bằng ý thức về tình trạng tội lỗi, thiếu sót của mình. Khiêm nhường nhìn nhận và can đảm thay đổi đời sống nhờ ơn Chúa giúp, với sự nỗ lực của con người, là điều quan trọng và khẩn thiết của đời sống mỗi người chúng ta. 

Chúng ta hãy cầu xin cho mọi Kitô hữu hôm nay luôn sống chân thành với Chúa, với chính mình và với tha nhân. Nhất là có đời sống cầu nguyện, có những việc làm cụ thể biểu lộ đức công bình và bác ái. Chỉ có như thế chúng ta mới hy vọng thoát được cơn cám dỗ giả hình, một cơn cám dỗ luôn bám sát chúng ta.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:01