Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 28/2/2019

Filled under:

Lời Chúa: Mc 9, 41-50
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Ðấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục, Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt. Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau”.
Suy nim 1
Khi nghe một người chịu tháo khớp vì mắc bệnh tiểu đường, 
chúng ta chẳng ngạc nhiên mấy. 
Mất đi bàn chân mà kéo dài được sự sống 
thì còn hơn là giữ lại mà phải chết. 
Có bao nhiêu người chịu giải phẫu mỗi ngày. 
Họ chấp nhận cắt bỏ một phần thân thể bị hư hoại, 
để mong giữ lại được cả mạng sống. 
Tuy việc cắt bỏ luôn đi kèm với đau đớn và mất mát suốt đời, 
nhưng người ta vẫn vui vì thấy mình còn sống. 
Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm ta ngạc nhiên và không vui. 
Bài này có nhiều câu được lặp lại như một điệp khúc. 
“Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì anh hãy chặt nó đi… 
Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì anh hãy chặt nó đi… 
nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã thì anh hãy móc nó đi…” 
Có cần phải chặt tay, chặt chân hay móc mắt không ? 
Có cần phải hiểu các câu này của Chúa theo nghĩa đen không? 
Nếu hiểu theo nghĩa đen, chắc khó mà có một kitô hữu lành lặn. 
Bởi vậy chúng ta thường dễ bỏ qua hay hiểu theo nghĩa bóng, 
và có nguy cơ làm yếu đi sứ điệp mà Đức Giêsu muốn chuyển tải. 
Giá Trị tối hậu mà Đức Giêsu muốn chúng ta coi trọng 
đó là Sự Sống vĩnh hằng, là Nước Thiên Chúa (cc. 43-47). 
Để có được Giá Trị này, ta phải chấp nhận hy sinh nhiều giá trị khác. 
Hơn nữa, chúng ta lại càng phải từ bỏ hy sinh 
những gì cản trở khiến ta không thể đạt tới mục đích mình theo đuổi. 
Tay, chân, mắt là những bộ phận rất quan trọng trong cơ thể. 
Chúng là những chi thể không thể thiếu để có một đời sống bình thường. 
Tuy nhiên, chúng có thể trở thành duyên cớ khiến ta vấp phạm, sa ngã. 
Sa ngã ở đây là thứ sa ngã đưa chúng ta vào cõi chết đời đời, 
nơi toàn bộ cuộc đời chúng ta bị đổ vỡ nát tan không sao hàn gắn. 
Vì cuộc đời của chúng ta là vô giá, 
một cuộc đời đã được chuộc bằng chính Máu Con Thiên Chúa, 
một cuộc đời mà chính chúng ta đã dày công xây đắp, 
nên việc cắt bỏ những điều phá hoại cuộc đời ấy là chuyện tự nhiên. 
Chặt tay, chặt chân hay móc mắt là những điều kinh khủng, gây đau đớn. 
Bị què tay, què chân hay chột mắt ở đời này là điều chẳng ai mong. 
Nhưng Đức Giêsu mời chúng ta nghĩ đến giá trị của đời sống vĩnh cửu, 
để có can đảm cắt đứt với những thụ tạo đang làm hư hỏng đời ta. 
Cắt đứt với một thói quen xấu lâu năm, 
hay cắt đứt tương quan tội lỗi với một người, 
những điều ấy nhiều khi còn khó hơn việc móc mắt hay chặt tay. 
Chúng ta chỉ có thể sống Lời Chúa hôm nay 
nếu chúng ta không bị hút bởi khoái lạc trần gian ngay trước mắt. 
Xin Chúa giúp ta thực hiện những cuộc giải phẫu mỗi ngày, 
để đau đớn của đoạn tuyệt hôm nay đem lại hạnh phúc trọn vẹn mãi mãi.
Cầu nguyn 2
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SUY NIỆM 2

Tại Palestin có hai loại cối: cối đá xay bằng tay mà phụ nữ dùng trong nhà và loại cối đá lớn đến nỗi phải cột một con lừa mới kéo nổi. Loại cối đá nói ở đây là loại lớn. Bị ném xuống biển với một thớt cối như thế cột vào người, chắc chắn không hi vọng trở về. Thật ra, đây là cách xử tử tại Lamã lẫn Palestin. Sử gia Josephus kể rằng: lúc một số người Galilê thành công trong cuộc nổi dậy, họ bắt những người thuộc đảng Hêrôđê và ném họ xuống biển hồ. Suetonius, sử gia Lamã, kể lại về Augustus rằng "vì ông thày dạy học và bọn người hầu hạ hoàng tử là Gaius lợi dụng căn bệnh của chủ để lạm quyền và tham nhũng trong tỉnh, nên hoàng đế truyền cột vật nặng vào cổ và ném họ xuống sông". 

Tự mình phạm tội đã là chuyện khủng khiếp rồi, nhưng dạy kẻ khác phạm tội, lại càng vô cùng tệ hại hơn. O. Henry, nhà văn Mỹ lừng danh về truyện ngắn đã sáng tác câu truyện về một em bé gái mồ côi mẹ. Cha cô bé có thói quen đi làm về là ngồi ngay xuống ghế, mở cặp, lôi giấy tờ ra, đốt ống điếu và gác chân lên ngăn kệ đặt gần lò sưởi. Cô bé vào, xin cho chơi đùa với mình một lát vì em rất cô đơn. Nhưng người cha bảo ông mệt lắm, hãy để cho ông yên. Ông bảo cô bé hãy ra đường mà chơi. Thế là cô đi ra chơi ngoài đường, và chuyện không tránh được đã xảy ra, cô trở thành người sống ngoài đường phố. Thời gian trôi qua, cô gái chết. Linh hồn cô gái đến thiên đàng, thánh Phêrô trông thấy cô ta liền thưa với Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, đây là cô gái số phận xấu. Con nghĩ phải đưa thẳng cô xuống hỏa ngục". Nhưng Chúa Giêsu ôn tồn đáp: "Không, hãy cho cô ấy vào". Rồi đôi mắt ngài trở nên nghiêm nghị "nhưng hãy tìm con người đã từ chối không chịu chơi đùa với con gái nhỏ của mình, đuổi con ra đường và đưa xuống hỏa ngục". Thiên Chúa không nghiêm khắc đối với tội nhân, nhưng sẽ hết sức nghiêm khắc đối với những kẻ đã khiến cho người khác dễ dàng sa vào tội lỗi, kẻ mà vô tình hay cố ý, đã đặt một tảng đá vấp chân trên lối đi của một người anh em yếu đuối hơn mình. 

Lạy Chúa, chúng con ít nhiều đã trở thành gương xấu cho những người chung quanh, xin Chúa cho chúng con biết nhận ra thực sự và quyết tâm sống triệt để theo Tin Mừng của Chúa. Xin Chúa thêm sức cho chúng con. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:43

Sứ điệp Mùa Chay 2019 của Ðức Thánh Cha Phanxicô.

Filled under:

Sứ điệp Mùa Chay 2019 của Ðức Thánh Cha Phanxicô.
J.B. Ðặng Minh An dịch
Vatican (VietCatholic News 26-02-2019) - Như thông lệ trước Mùa Chay hàng năm, sáng thứ Ba 26 tháng Hai năm 2019, Ðức Hồng Y Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ Dịch vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện, và các phụ tá của ngài đã tổ chức một cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh để công bố sứ điệp Mùa Chay 2019 của Ðức Thánh Cha Phanxicô.
Chủ đề của sứ điệp Mùa Chay năm 2019 lấy từ thư của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Rôma: "Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người ." (Rm 8,19).
Dưới đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn sứ điệp này:

"Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người ." (Rm 8: 19)
Anh chị em thân mến,
Mỗi năm, thông qua Giáo Hội Mẹ, Thiên Chúa "ban cho chúng ta mùa hân hoan này khi chúng ta chuẩn bị mừng đón mầu nhiệm Vượt Qua với lòng trí được đổi mới# khi chúng ta nhớ lại những sự kiện vĩ đại đã mang đến cho chúng ta cuộc sống mới trong Chúa Kitô (Kinh Tiền Tụng Mùa Chay I). Do đó, chúng ta có thể hành trình từ mùa Phục Sinh này đến mùa Phục Sinh khác hướng đến sự viên mãn của ơn cứu độ chúng ta đã được nhận lãnh nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô - "vì trong hy vọng chúng ta đã được cứu" (Rm 8:24). Mầu nhiệm cứu độ này, đã hoạt động nơi chúng ta trong cuộc sống dương thế, là một quá trình năng động cũng bao trùm lịch sử và tất cả muôn loài thọ tạo. Như Thánh Phaolô nói: "muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người" (Rm 8:19). Trong viễn cảnh này, tôi muốn đưa ra một vài suy tư để đồng hành cùng hành trình hoán cải của chúng ta trong Mùa Chay sắp tới.
1. Ơn cứu chuộc của muôn loài thọ tạo
Cử hành Tam nhật Vượt qua kính nhớ cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, là đỉnh cao của năm Phụng Vụ, kêu gọi chúng ta hàng năm thực hiện một hành trình chuẩn bị, với nhận thức rằng được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô (xem Rôma 8:29) là một món quà vô giá của lòng thương xót Chúa.
Khi chúng ta sống như con cái Chúa, như những người được cứu chuộc, được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần (xem Rôma 8:14) và có khả năng nhìn nhận và tuân thủ luật pháp Chúa, bắt đầu với lề luật được ghi khắc trong tâm hồn và trong tự nhiên, chúng ta cũng mang lại lợi ích cho sáng tạo bằng cách hợp tác trong công trình cứu độ của tất cả tạo vật. Ðó là lý do tại sao Thánh Phaolô nói rằng muôn loài thọ tạo háo hức đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người; nói cách khác, tất cả những ai được hưởng ân sủng của mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu có thể trải nghiệm sự viên mãn trong ơn cứu chuộc của chính thân xác con người. Khi tình yêu của Chúa Kitô biến đổi cuộc sống của các thánh trong tinh thần, thể xác và linh hồn, các ngài ca khen tán tụng Thiên Chúa. Thông qua cầu nguyện, chiêm niệm và nghệ thuật, các ngài cũng bao gồm các thụ tạo khác trong lời tụng ca đó, như chúng ta thấy được thể hiện một cách đáng ngưỡng mộ trong "Bài ca Tạo vật", của Thánh Phanxicô thành Assisi (x. Laudato Si, 87). Tuy nhiên, trong thế giới này, sự hài hòa được hình thành bởi ơn cứu độ liên tục bị đe dọa bởi sức mạnh tiêu cực của tội lỗi và sự chết.
2. Sức mạnh hủy diệt của tội lỗi
Thật vậy, khi chúng ta không sống như con cái Chúa, chúng ta thường cư xử theo chiều hướng hủy diệt đối với người lân cận và các thụ tạo khác - cũng như chính chúng ta - vì chúng ta bắt đầu nghĩ, một cách có ý thức hay vô thức, rằng chúng ta có thể sử dụng chúng theo ý chúng ta muốn. Khi đó, sự quá độ chiếm ưu thế: chúng ta bắt đầu sống một cuộc sống vượt quá những giới hạn được áp đặt bởi chính tình trạng con người và bản chất của chúng ta. Chúng ta chiều theo những mong muốn vô độ mà Sách Khôn ngoan coi là điển hình của kẻ vô đạo, là những người hành động mà không nghĩ gì đến Chúa cũng chẳng có chút hy vọng cho tương lai (xem 2: 1-11). Trừ khi chúng ta giữ khuynh hướng liên tục hướng tới lễ Phục sinh, hướng về phía chân trời Phục sinh, não trạng được thể hiện trong các khẩu hiệu "Tôi muốn tất cả và tôi muốn ngay bây giờ!" và "Quá nhiều chẳng bao giờ là đủ" sẽ dành được thế thượng phong.
Căn nguyên của mọi sự ác, như chúng ta biết, là tội lỗi, mà từ lần xuất hiện đầu tiên, nó đã phá vỡ sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa, với những người khác và với chính thiên nhiên, mà chúng ta được liên kết một cách đặc biệt qua cơ thể của chúng ta. Sự rạn nứt trong tình hiệp thông với Thiên Chúa cũng làm suy yếu mối quan hệ hài hòa của chúng ta với môi trường mà chúng ta được kêu gọi để sống, đến nỗi vườn địa đàng đã trở thành một nơi hoang dã (x. Stk 3: 17-18). Tội lỗi dẫn con người đến chỗ coi mình là thần minh của thiên nhiên, coi mình là chủ nhân tuyệt đối của nó và sử dụng nó, không phải cho những mục đích phù hợp với thánh ý của Ðấng Tạo Hóa, mà vì tư lợi của chính mình, gây phương hại cho các tạo vật khác.
Một khi luật Thiên Chúa, luật tình yêu, bị từ bỏ, thì luật mạnh được yếu thua sẽ thắng thế. Tội lỗi ẩn giấu trong lòng con người (x. Mc 7: 20-23) mang hình dạng của sự tham lam và theo đuổi lạc thú vô độ, thiếu quan tâm đến thiện ích của người khác và thậm chí của chính mình. Nó dẫn đến việc khai thác sáng tạo, cả con người lẫn môi trường, do sự thèm muốn không kềm chế, trong đó coi mọi ham muốn như một quyền [đáng được hưởng], và sớm hay muộn sẽ hủy diệt tất cả những gì trong tầm tay của nó.
3. Sức mạnh chữa lành của sự ăn năn và tha thứ
Muôn loài thọ tạo đang cần một cách cấp thiết sự mặc khải vinh quang của con cái Thiên Chúa, là những người đã được tạo ra như "một thọ tạo mới". Vì "ai ở trong Ðức Kitô thì đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi ."(2 Cr 5:17). Thật vậy, khi được mặc khải, bản thân tạo vật có thể đón mừng một cuộc Vượt Qua, mở chính mình ra trước một trời mới và một đất mới (x. Kh 21: 1). Con đường đến với lễ Phục sinh đòi hỏi chúng ta phải canh tân diện mạo và tâm hồn mình như các Kitô hữu thông qua sự ăn năn, hoán cải và tha thứ, để sống trọn vẹn ân sủng dồi dào của mầu nhiệm Phục sinh.
Sự "trông mong háo hức" này, sự mong đợi của mọi loài thụ tạo này, sẽ được viên mãn trong sự mặc khải con cái Thiên Chúa, nghĩa là khi các Kitô hữu và tất cả mọi người bước một cách dứt khoát vào "cuộc hành trình" đòi hỏi sự hoán cải. Mọi loài thụ tạo được kêu gọi, cùng với chúng ta, "thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang ." (Rm 8:21). Mùa Chay là một dấu hiệu bí tích của sự chuyển hoá này. Mùa Chay mời gọi các Kitô hữu thể hiện mầu nhiệm Vượt qua sâu sắc và cụ thể hơn trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội của họ, trên hết qua việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí.
Chay tịnh, nghĩa là học cách thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác và tất cả những loài thọ tạo, học cách từ bỏ cám dỗ "nuốt chửng" mọi thứ để thỏa mãn lòng khao khát tham lam của chúng ta và sẵn sàng chịu đựng cho tình yêu, là điều có thể lấp đầy sự trống rỗng trong con tim chúng ta. Lời cầu nguyện dạy chúng ta từ bỏ thói thờ ngẫu tượng và sự tự mãn của bản ngã, giúp ta nhìn ra rằng chúng ta cần đến Chúa và lòng thương xót của Ngài. Việc bố thí, nhờ đó chúng ta thoát khỏi sự điên rồ của việc tích trữ mọi thứ cho bản thân với niềm tin viễn vông rằng chúng ta có thể bảo đảm cho mình một tương lai không hề thuộc về chúng ta. Và như thế, chúng ta có thể tái khám phá niềm vui trong chương trình của Chúa dành cho sáng tạo và cho mỗi người chúng ta, đó là yêu mến Người, anh chị em của chúng ta, và toàn bộ thế giới, và tìm thấy nơi tình yêu này hạnh phúc đích thực của chúng ta.
Anh chị em thân mến, thời kỳ "mùa chay" trong bốn mươi ngày của Con Thiên Chúa trong sa mạc thiên nhiên là nhằm biến nó một lần nữa trở thành khu vườn hiệp thông với Thiên Chúa như trước khi xảy ra tội nguyên tổ (x. Mc 1: 12-13; là 51: 3). Cầu xin Mùa Chay năm nay của chúng ta là một hành trình trên cùng con đường đó, mang lại niềm hy vọng của Chúa Kitô cho sáng tạo, để thiên nhiên có thể "được giải thoát khỏi sự lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang ." (Rm 8:21). Chúng ta đừng để mùa hồng ân này trôi qua vô ích! Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta cất bước trên con đường hoán cải thực sự. Chúng ta hãy bỏ lại sau lưng tính ích kỷ và sự tự hấp thụ vào chính mình, nhưng hướng đến sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy đứng bên cạnh những anh chị em đang túng thiếu của chúng ta, chia sẻ những của cải tinh thần và vật chất của chúng ta với họ. Nhờ thế, khi chào đón vào cuộc sống của chúng ta một cách cụ thể chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi và cái chết, chúng ta cũng sẽ phản chiếu ánh quang rạng rỡ quyền năng biến đổi của chiến thắng ấy cho tất cả các tạo vật.
+ Ðức Thánh Cha Phanxicô
Từ Vatican ngày 4 tháng 10 năm 2018
Lễ Thánh Phanxicô thành Assisi
Công bố: ngày 26 tháng Hai năm 2019
(Source: Libreria Editrice Vaticana MESSAGE OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS FOR LENT 2019)

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:35

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 28/2/2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 28/2/2019
“Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục”. (Mc 9,46-47).
Có người soi mói, cố tìm ra cho được khuyết điểm của Thiên Chúa trong việc tạo dựng ra con người. Họ đã tìm ra khúc ruột nhỏ xíu ở cuối đường ruột và gọi đó là: Ruột thừa. Thực ra không phải vậy, mà là chưa tìm ra công dụng của khúc ruột thừa đó.
Chi thể của con người được Thiên Chúa tạo dựng nên quá hoàn hảo. Vì một lý do gì mà chúng không tồn tại (Què chân, cụt tay, mù mắt...) thị cuộc sống của ai đó thật là khó khăn, vất vả.
Lạy Chúa. Chúa đã ban cho chúng con những chi thể tốt lành đễ phục vụ sự sống: sự sống đời này, sự sống đời sau. Xin cho chúng con biết giữ gìn thân xác luôn trong sáng, để không phải cắt, gọt bỏ đi những u thối, để chúng con hoàn thiện trước mặt Chúa cả đời này và đời sau trên Nước Thiên Đàng. Amen.


Nụ Cười Của Bà Sarah

Kinh thánh thuật lại rằng, khi bà Sarah, vợ của tổ phụ Abraham, một lão bà gần đất xa trời, được Chúa cho biết là sẽ cưu mang và sinh con, bà đã có một phản ứng thật là người và cũng thật là kỳ diệu: bà đã cười!
Phải, bà cụ già Sarah có lẽ đã cười nắc nẻ khi đứng trước một hoàn cảnh xem ra trớ trêu như thế: một người đàn bà trên 70 tuổi mà còn được Thiên Chúa cho có con!... Thiên Chúa xem ra thích khôi hài!
Và khi Thiên Chúa hỏi tại sao cười, Sarah lại chối rằng mình đã không hề cườị Có lẽ do sợ hãi mà Sarah đã nín cườị Sự sợ hãi có lẽ không còn cho con người được nhìn thấy khía cạnh đáng cười, đáng vui trong cuộc sống... Nhưng liền sau khi sinh con, bà Sarah đã tìm lại được óc khôi hài cho nên bà đã đặt cho đứa con một cái tên khá ngộ nghĩnh là Issac; Issac theo tiếng Do Thái có nghĩa là được sinh từ một người đã cườõ.
Cười, cười một cách lạc quan: có lẽ đó là một trong những nét nổi bật của người có niềm tin. Người ta thường định nghĩa rằng: một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn... Tất cả các vị thánh đều là những người có óc khôi hàị Các ngài là những con người đã từng biết cười với cuộc sống với tha nhân. 
Thánh Phanxicô thành Assisi, vị sứ giả của Hòa Bình, đã có lần tuyên bố: "Hãy trả lại sự buồn phiền cho ma quỷ, bởi vì chỉ có ma quỷ mới có đủ lý do để buồn phiền".
Cha sở họ Ars, là thánh Gioan Maria Vianey, mặc dù thường được người ta tạc tượng như một con người buồn bã, ảo não, nhưng kỳ thực không ai có tâm hồn vui tươi lạc quan như Ngàị Thánh nhân đã nói: "Linh hồn của những ai phục vụ Chúa đều được tràn ngập vui mừng, họ luôn luôn sống như nghỉ ngơi và luôn luôn sẵn sàng để ca hát..."
Thánh Thomas Moore khi bị đưa lên máy chém, đã nói đùa với người lý hình rằng hãy để cho ngài được giúp một tay, cho việc hành quyết được dễ dàng. Ngài còn nói thêm rằng, sau khi đã chém đầu ngài, chớ đụng đến bộ râu vì bộ râu của ngài không hề phản bội một aõ.
Một vị tu sĩ nào đó vào thời Trung Cổ đã viết như sau: "Một nụ cười và óc khôi hài thu hút được nhiều người đến với tôn giáo hơn là những khuôn mặt dài vì ủ dột".
Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng: khi ăn chay hãm mình hãy xức dầu thơm vào người.
Còn thứ dầu thơm nào quý giá hơn để tô thắm cho gương mặt của chúng ta cho bằng niềm vui.
Cuộc sống dù có trăm nghìn vất vả, đau thương vẫn là cuộc sống đã được Chúa trao ban như một kho tàng cao quý nhất.
Tình đời có đen bạc, nhân nghĩa có phôi pha: những con người đang sống với chúng ta vẫn là những người con cái Chúa và là anh em của chúng ta.
Hãy cười với cuộc sống, hãy cười với người anh em của chúng ta: đó là sứ điệp của Kitô Giáo mà trọng tâm chính là Mầu Nhiệm Phục Sinh. Qua Mầu Nhiệm ấy, Thiên Chúa đã cười cợt, thách thức tội lỗi và sự chết. Sự Sống và Niềm Hy Vọng đã phát sinh từ cái chết của Ðức Kitô.

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:32

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

70 Câu Trắc Nghiệm MÙA CHAY NĂM C

Filled under:

VUI HỌC THÁNH KINH
70 Câu Trắc Nghiệm MÙA CHAY NĂM C
 
 



Thứ Tư Lễ Tro C : Tin Mừng thánh Mátthêu 6,1-6.16-18
Chúa Nhật 1 Mùa Chay C :Tin Mừng thánh Luca 4,1-13
Chúa Nhật 2 Mùa Chay C : Tin Mừng thánh Luca  9,28b-36
Chúa Nhật 3 Mùa Chay C : Tin Mừng thánh Luca 13,1-9
Chúa Nhật 4 Mùa Chay C : Tin Mừng thánh Luca 15,1-3.11-32
Chúa Nhật 5 Mùa Chay C : Tin Mừng thánh Gioan 8,1-11
Chúa Nhật Lễ Lá (Kiệu Lá) : Tin Mừng thánh Luca 19,28-40
Thứ Năm Tuần Thánh : Tin Mừng thánh Gioan 13,1-15
Thứ Sáu Tuần Thánh : Tin Mừng thánh Gioan 18,1-19,42
 
Lời Chúa được trích từ 
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
 
 
++++++++++++++++
 
01. Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ làm điều gì ? (Mt 6,1)
a. Chớ có phô trương cho thiên hạ thấy.
b. Chớ kêu gọi mọi người tung hô.
c. Chớ làm việc quá sức.
d. Chớ âu sầu, khổ não.
 
02. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để làm gì ? (Mt 6,2)
a. Khoe mình là người giàu có.
b. Coi mình là người công chính.
c. Người ta khen.
d. Chứng tỏ mình được Thiên Chúa yêu mến.
 
03. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn ở đâu cốt để người ta khen ? (Mt 6,2)
a. Trong Đền Thờ.
b. Trong hội đường.
c. Ngoài phố xá.
d. Chỉ có b và c đúng. 
 
04. Còn anh, khi bố thí, thì làm gì ? (Mt 6,3)
a. Bàn bạc với gia đình.
b. Kêu gọi mọi người chung sức.
c. Khua chiêng đánh trống.
d. Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm.
 
05. Còn khi ăn chay, anh em chớ làm gì ? (Mt 6,16)
a. Làm tiệc tưng bừng
b. Làm bộ rầu rĩ.
c. Làm vì vinh Danh Chúa.
d. Cả a, b và c đúng. 
 
06. Khi làm gì, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy? (Mt 6,5)
a. Ăn chay.
b. Cầu nguyện.
c. Bố thí. 
d. Dự tiệc.  
 
07. Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong đâu ? (Mt 6,5)  
a. Hội đường. 
b. Hoặc ngoài các ngã ba ngã tư. 
c. Trong Đền thờ Giêrusalem. 
d. Chỉ có a và b đúng.    
 
08. Khi anh ăn chay, nên làm gì cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo? (Mt 6,17-18)
a.  Rửa tay chân.
b.  Rửa mặt.  
c.  Tắm rửa thân thể.
d. Cả a, b và c đúng.   
 
09. Ai đã dẫn Đức Giêsu đi vào hoang địa? (Lc 4, 2)
a. Chúa Cha.
b. Thánh Thần.
c. Ông Gioan tẩy giả.
d. Ma quỷ.
 
10. Chúa Giêsu làm gì trong hoang địa? (Lc 4,2)
a. Tìm nơi thanh vắng nghỉ ngơi.
b. Chịu ma quỷ cám dỗ.
c. Sám hối.
d. Cả a, b và c đúng.
 
11. Trước cám dỗ làm cho hòn đá hóa bánh, Đức Giêsu đã nói gì? (Lc 4,4)
a. Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh
b. Người ta sống nhờ bánh bởi trời
c. Phải tín thác vào Thiên Chúa
d. Chúa yêu thương hết mọi người
 
12. Ở đâu quỷ nói với Đức Giêsu: nếu ông là con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi ? (Lc 4,9)
a. Trên ngọn núi cao.
b. Trên đỉnh tháp chuông.
c. Trên nóc đền thờ.
d. Trên sườn núi.
 
13. Ở đâu, Đức Giêsu nói với quỷ: ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của người? (Lc 4,12)
a. Trên ngọn núi cao.
b. Trong sa mạc.
c. Trên nóc Đền thờ.
d. Trong đền thờ Giêrusalem.
 
14. Trước lời cám dỗ, Đức Giêsu nói: ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của người và phải có hành động gì với một mình Người mà thôi? (Lc 4,8) 
a.  Thờ phượng.
b.  Yêu mến.
c.  Vâng phục.
d.  Tín thác. 
 
15. Quỷ nói với Đức Giêsu: Nếu ông là ai thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!? (Lc 4,3)
a. Đấng Cứu Thế. 
b. Con Thiên Chúa.  
c. Thiên Chúa. 
d. Ngôi Hai Thiên Chúa.  
 
16. Đức Giêsu ở trong hoanag địa bao nhiêu ngày ?(Lc 4,2)
a. Ba ngày.   
b. Ba mươi ngày.     
c. Bốn mươi ngày.    
d. Bảy mươi ngày.  
 
17. Đây là những môn đệ đã chứng kiến việc Đức Giêsu hiển dung? (Lc 4,28)
a. Ông Phêrô.
b. Ông Giacôbê.
c. Ông Gioan. 
d. Cả a, b và c đúng.
 
18. Đang khi Đức Giêsu cầu nguyện, y phục người thế nào? (Lc 4,29)
a. Ánh vàng rực rỡ.
b. Trắng tinh chói lòa.
c. Đỏ hồng chói lọi.
d. Cả a, b và c đúng.
 
19. Những ai hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu? (Lc 4,30)
a. Ông Adam và Êlia.
b. Ông Môsê và Ápraham.
c. Ông Êlia và Môsê.
d. Ông Môsê và Nôê.
 
20. Ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu về việc gì? (Lc 4,31)
a. Sự vinh quang tỏ hiện của con Thiên Chúa.
b. Ngày giải thoát dân tộc Ítraen đã đến.
c. Về cuộc xuất hành của Đức Giêsu sắp hoàn thành tại Giêrusalem. 
d. Về các phép lạ của Đức Giêsu.
 
21. Tiếng phán từ đám mây thế nào? (Lc 4,35)
a. Đây là con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta mọi đàng.
b. Đây là con Ta yêu dấu, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người.
c. Người là Đức Chúa, hãy thờ phượng Người.
d. Người là Đấng cứu độ, các ngươi hãy theo Người.
 
22. Ai đã nói : "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia." ? (Lc 4,33)
a. Ông Tôma.
b. Ông Gioan.
c.  Ông Giacôbê.
d. Ông Phêrô.  
 
23.  Đang lúc hai vị này và Đức Giêsu làm gì, ông Phêrô thưa với Người rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia."  (Lc 4,33)
a. Từ biệt. 
b. Cầu nguyện.
c.  Đàm đạo.
d.  Dâng lễ vật. 
 
24. Trên núi cao, đang lúc cầu nguyện, dung mạo Đức Giêsu bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Còn ông Phêrô và đồng bạn thì thế nào?(Lc 4,29-32) 
a. Cầu nguyện.
b. Ngủ mê mệt.
c. Chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa. 
d. Từ biệt.
 
25. Những người Galilê bị ai giết chết? (Lc 13,1)
a. Tổng trấn Quiriniô. 
b. Tổng trấn Philatô.
c. Vua Hêrôđê.
d. Những người cuồng tín.
 
26. Khi chết máu họ hòa lẫn với điều gì? (Lc 13,1)
a. Nước hồ Silôác.
b. Máu tế vật họ đang dâng.
c. Chiên vượt qua.
d. Chỉ b và c đúng.
 
27. Trước sự việc những người Galilê bị giết, Đức Giêsu nói các ông phải làm gì nếu không cũng sẽ chết hết như vậy? (Lc 13,3)
a. Cầu nguyện
b. Tỉnh thức.
c. Sẵn sàng.
d. Sám hối.
 
28. Những người ở Giêrusalem đã bị chết bởi điều gì? (Lc 13,4)
a. Tường thành đè chết họ.
b. Tháp Silôác đổ xuống đè chết họ.
c. Bị quân La mã chém đầu.
d. Bị chết thiêu.
 
29. Đã bao nhiêu năm người chủ vườn ra tìm trái cây vả mà không có? (Lc 13,6)
a. 1 năm
b. 2 năm.
c. 3 năm.
d. 7 năm.
 
30. Người ta kể cho ai nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết?(Lc 13,1) 
a. Vua Hêrôđê. 
b. Thượng tế Caipha.
c. Đức Giêsu.
d. Ông Phêrô. 
 
31. Bao  nhiêu người bị tháp Silôác đổ xuống đè chết?(Lc 13,4)    
a. Bảy người.   
b. Tám người.   
c. Mười tám người.
d. Bốn mươi tám người.  
 
32. Người kia trồng trong vườn nho mình cây gì?(Lc 13,6)
a. Cây dâu. 
b. Cây vả.
c. Cây cải. 
d. Cây lúa. 
 
33. Những người hay lui tới để nghe Đức Giêsu giảng? (Lc 15,1)
a. Người ngoại kiều.
b. Người tội lỗi.
c. Người thu thuế.
d. Chỉ b và c đúng.
 
34. Sau khi phung phí tài sản, anh lâm vào cảnh túng thiếu, phải đi ở đợ, người này sai anh làm gì? (Lc 15,16)
a. Ra vườn hái nho.
b. Ra đồng chăn heo.
c. Lên thuyền đánh cá.
d. Ra ruộng gieo giống.
 
35. Tại nơi chăn heo, anh ta hồi tâm và tự nhủ điều gì? (Lc 15,17)
a. Người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa.
b. Ta đứng lên, đi về cùng cha.
c. Xin được coi như 1 người làm công cho cha.
d. Cả a, b và c đúng.
 
36. Đâu là những thứ người cha trao cho người con ngày ngày con trở về? (Lc 15,20)
a. Áo đẹp.
b. Nhẫn.
c. Dép.
d. Cả a, b và c đúng.
 
37. Đây là lời người cha lúc người con hoang trở về: (Lc 15,22-24)
a. Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu.
b. Xỏ nhẫn vào ngón tay.
c. Con ta đã chết mà nay sống lại.
d. Cả a, b và c đúng.
 
38. Ai xầm xì khi Đức Giêsu đón tiếp những người tội lỗi?(Lc 15,2) 
a. Người Pharisêu. 
b. Các kinh sư.
c. Người Xađốc. 
d. Chỉ có a và b đúng.   
 
39. Người con thứ nghĩ mình thế nào đối với Trời và với cha?(Lc 15,18) 
a. Con xin phần gia sản của con. 
b. Con thật đáng xấu hổ.
c. Con không muốn làm con cha nữa.
d. Con thật đắc tội.  
 
40. Khi mở tiệc ăn mừng người con thứ trở về, người con cả đang ở đâu ? (Lc 15,18)
a. Đang ở ngoài đồng. 
b. Đang ở trong hội đường. 
c.  Đang ở ngoài vườn nho.
d.  Đang đi đánh cá.
 
41. Những ai dẫn người phụ nữ tội lỗi đến với Đức Giêsu? (Ga 8,3)
a. Người chồng.
b. Các kinh sư.
c. Người Pharisêu.
d. Chỉ b và c đúng.
 
42. Người phụ nữ này bị bắt vì tội gì? (Ga 8,4)
a. Ăn cắp.
b. Nói phạm thượng.
c. Thề gian.
d. Ngoại tình.
 
43. Theo luật Môsê, người phụ nữ này sẽ bị hình phạt gì? (Ga 8, 5)
a. Chém đầu.
b. Bỏ ngục.
c. Ném đá.
d. Đóng đinh.
 
44. Trước sự kiện này, Đức Giêsu nói gì với họ? (Ga 8,7)
a. Các ông hãy ném đá người này đi.
b. Các ông hãy xử theo luật của các ông.
c. Ai Trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.
d. Các ông hãy tha cho người này.
 
45. Đức Giêsu đã nói gì với người phụ nữ này? (Ga 8,11)
a. Đức tin của con đã cứu con.
b. Con đã được bình an.
c. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.
d. Thầy thương xót con, con đi bình an.
 
46. Trong sách Luật, ai truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà ngoại tình ? (Ga 8,5) 
a.  Ông Aharon.
b.  Ông Môsê.  
c.  Ông Giôsuê.
d.  Vua Đavít. 
 
47. Các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình khi Người đang ở đâu ?(Ga 8,3)  
a. Núi Ô liu. 
b. Hồ Silôác.
c. Đền thờ. 
d. Làng Bêtania.  
 
48. Vào lúc nào các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình? (Ga 11,2-3)
a. Vừa tảng sáng. 
b. Lúc xế trưa.
c. Giữa trưa. 
d. Lúc ba giờ chiều.  
 
49. Con vật Đức Giêsu đã cỡi khi Người vào thành Giêrusalem là con gì ? (Lc 19,35)
a. Con ngựa.
b. Con lừa.
c. Con lạc đà.
d. Con chiên.
 
50. Đức Giêsu sai bao nhiêu môn đệ vào làng tìm phương tiện cho người cỡi? (Lc 19,29)
a. 1 môn đệ. 
b. 2 môn đệ. 
c. 3 môn đệ. 
d. 7 môn đệ. 
 
51. Khi Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem, dân chúng đã làm gì? (Lc 19,36-37)
a. Lấy áo choàng trải trên đường .
b. Lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa.
c. Im lặng lắng nghe lời Thiên Chúa.
d. Chỉ có a và b đúng.
 
52. Câu người ta ca tụng Thiên Chúa khi Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem là gì? (Lc 19,38)
a. Vinh danh Thiên Chúa trên trời.
b. Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa!
c. Lạy Đức Vua, xin cứu vớt chúng tôi.
d. Hoan hô Đức Vua chiến thắng.
 
53. Những người nào đã trách Đức Giêsu khi thấy các môn đệ hoan hô Người? (Lc 19,39)
a. Các thượng tế.
b. Người Pharisêu.
c. Quân lính La mã.
d. Khách ngoại kiều.
 
54. Ngôi làng gần bên triền núi Ô liu tên là gì? (Lc 19,29)
a. Làng Bếtphaghê. 
b. Làng Bêtania.
c. Làng Mácđala.  
d. Chỉ có a và b đúng.   
 
55. Câu trả lời của hai môn đệ cho những người chủ con lừa là gì ?(Lc 19,34)
a. Chúa dùng xong sẽ trả lại. 
b. Chúc lành cho người chủ con lừa Chúa cần dùng.
c. Chúa có việc cần dùng. 
d. Cầu chúc phúc lành xuống trên các ông.  
 
56. Câu mọi người tung hô khi Đức Giêsu đến gần chỗ dốc xuống núi Ô liu là gì? (Lc 19,38)
a. Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! 
b. Bình an trên cõi trời cao.  
c. Vinh quang trên các tầng trời!
d. Cả a, b và c đúng.  
 
57. Trình thuật Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ do thánh sử nào ghi lại? (Ga 13,1-15)
a. Thánh sử Mátthêu
a. Thánh sử Máccô
a. Thánh sử Luca.
a. Thánh sử Gioan.
 
58. Ai đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simon Ítcariốt, ý định nộp Đức Giêsu? (Ga 13, 2)
a. Các thượng tế.
b. Dân Do thái.
c. Quân La mã.
d. Ma quỷ.
 
59. Ai đã rửa chân cho ông Phêrô và các môn đệ? (Ga 13, 1-15)
a. ông Giu đa Ítcariốt.
b. Ông Simon, người mời Đức Giêsu và các môn đệ dùng cơm.
c. Đức Giêsu.
d. Ông chủ nhà tiệc ly.
 
60. Ai đã phản ứng khi Đức Giêsu đến rửa chân cho ông? (Ga 13,6)
a. Ông Giuđa.
b. Ông Simon Phêrô.
c. Ông Tôma.
d. Ông Giacôbê.
 
61. Khi rửa chân cho các môn đệ Đức Giêsu đã nói gì? (Ga 13,15)
a. Các anh hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.
b. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
c. Điều này sẽ được lưu truyền mãi.
d. Mọi người sẽ nhớ đến việc này.
 
62. Trước lễ gì, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha?(Ga 13,1)  
a.  Lễ Vượt Qua.
b.  Lễ Ngũ Tuần.
c.  Lễ Đền Tội.
d.  Lễ Lều.
 
63. Đối với những kẻ còn thuộc về mình, còn ở thế gian, Đức Giêsu đã làm gì cho họ đến cùng? (Ga 13,1) 
a. Cầu nguyện.  
b.  Che chở.
c.  Yêu thương.
d.  Bảo trợ.
 
64. Ai xin ông Philatô cho phép hạ thi hài Đức Giêsu xuống? (Ga 18,38)
a. Ông Nicôđêmô.
b. Ông Giôxếp Ariamathê.
c. Ông Tôma.
d. Ông Giuđa.
 
65. Những người đã an táng Đức Giêsu? (Ga 18,38-42
a. Ông Nicôđêmô.
b. Ông Giôxếp Arimathê.
c. Ông Phêrô.
d. Chỉ a và b đúng.
 
66. Khi thấy Đức Giêsu đã chết, quân lính đã làm gì? (Ga 18,31-34)
a. Không đánh dập ống chân Người.
b. Lấy đòng đâm vào cạnh sườn người.
c. Đưa rượu cho Đức Giêsu uống.
d. Chỉ a và c đúng.
 
67. Khi người lính lấy đòng đâm cạnh sườn Đức Giêsu, thì điều gì đã xảy ra? (Ga 18,31)
a. Bức màn Đền thờ bị xé ra làm 2.
b. Mồ mả bật tung.
c. Bầu trời mây đen vần vũ.
d. Máu và nước chảy ra.
 
68. Những người hiện diện dưới chân thập giá là ai? (Ga 18, 25-27)
a. Ông Gioan.
b. Mẹ Maria.
c. Ông Phêrô.
d. Chỉ a và b đúng.
 
69. Ai đã mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương để quấn xác Đức Giêsu? (Ga 18,39)
a.  Ông Giôxếp Arimathê.
b. Ông Nicôđêmô.
c. Ông Gioan.
d. Bà Maria Mácđala. 
 
70. Người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh nào? (Ga 18,34-37)
a. Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. 
b. Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.
c. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy. 
d. Chỉ có a và b đúng.   

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:59