Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại TIỂU SỬ THÁNH PHAOLÔ

Filled under:

1. SINH QUÁN VÀ GIA THẾ:
Thánh Phaolô có tên là Saolô, sinh vào thập niên đầu của công nguyên, tức là cùng thời với Chúa Giêsu. Tuy là người Do thái, thuộc chi họ Benjamin, nhưng Saolô sinh ra và lớn lên ở Tarsus, thủ phủ của tỉnh Cicilia, nay là miền nam Thổ nhĩ kỳ. Ngài vóc dáng thấp bé, nhưng thông minh vượt xa những người cùng lứa tuổi. Lúc nhỏ được giáo dục ở Tarsus là một trung tâm nổi tiếng về văn hoá và triết học. Lớn lên, Saolô được gởi lên Giêrusalem, học với Thầy Gamaliel Cả, theo những tiêu chuẩn khắt khe nhất của nhóm Biệt phái. Saolô là một người lỗi lạc trong lãnh vực văn chương và triết học của cả ba nền văn hóa chính thời đó là Hy lạp, La tinh và Do thái. Ngài thuộc lòng Kinh Thánh của người Do thái, tức là bộ Cựu Ước. Saolô hết sức nhiệt thành đối với truyền thống của cha ông (x. Gal 1:14; Phil 3:5-6; Cv 22:3; 23:6; 26:5).
2. CUỘC TRỞ LẠI:
Do sống cùng thời với Đức Giêsu và là ngôi sao đang lên của trường phái Pha-ri-sêu, chắc chắn Saolô phải biết những gì xãy ra ở Giê-ru-sa-lem. Có thể ông đã nhìn thấy và rất có thể ông đã nghe biết những bài giảng của Đức Giêsu. Và chắc chắn, Saolô rất ghét Ngài vì Ngài đang phá đổ những gì mà ông nhiệt thành tin tưởng. Sau cái chết của Đức Giêsu, ông tưởng đâu phong trào “lạc giáo” đó cũng tan theo. Nhưng ngược lại, những kẻ theo “con đường” (The Way) càng ngày càng đông. Saolô phải điên lên. Ông xin trát để lùng bắt tất cả những người theo “Đạo” và đưa về Giê-ru-sa-lem trừng phạt. Nhưng một biến cố xãy ra. Vào khoảng năm 33-35, trên đường từ Giê-ru-sa-lem tới Đa-mát để bắt bớ người theo Đạo, Saolô đã bị quật ngã và từ đó ông đã hoàn toàn thay đổi. Chính Chúa Kitô Phục sinh đã đích thân chọn ông làm tông đồ của Ngài. Chúng ta hãy đọc lại biến cố này qua lời tường thuật của thánh Luca (Cv 9:1-19).
3. HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO:
Sau cuộc trở lại, Sao-lô bắt đầu hoạt động tông đồ ngay tại Đa-mát (Cv 9:20-22). Sau đó Ngài lên Giê-ru-sa-lem gặp các tông đồ qua sự giới thiệu của Ba-na-ba rồi trở về Tác-xô (35-43 AD). Khoảng năm 43, Ba-na-ba đến tìm Sao-lô. Hai ông đã rao giảng và thành lập giáo đoàn tại An-ti-ô-khi-a. Từ khoảng năm 46 cho đến hết đời, Sao-lô còn gọi là Phao-lô, đã đặt bước chân truyền giáo của Ngài trên khắp các thành thị và hải cảng thuộc đế quốc La mã. Có thể chia những chuyến đi của Ngài làm ba cuộc hành trình truyền giáo chính:
Hành trình thứ nhất từ năm 46 đến năm 49. Xuất phát từ An-ti-ô-khi-a thuộc miền Sy-ri-a, Phao-lô và Ba-na-ba đã đi nhiều nơi thuộc đảo Sýp và miền Pi-xi-đi-a. Đến đâu các ngài cũng bắt đầu rao giảng cho người Do thái tại các hội đường, nhưng phần đông không đón nhận Tin Mừng, do đó các ngài đã quay sang rao giảng cho dân ngoại. Nhiều người không phải Do thái đã nhiệt liệt đón nhận Lời Chúa. Điều này khiến người Do thái đâm ra ghen tức và xúi giục dân chúng nổi lên đánh đuổi các ngài.
Trong giai đoạn này, một biến cố xãy ra do sự xung đột giữa các Kitô-hữu gốc Do thái và các Kitô-hữu gốc dân ngoại khiến đưa đến “công đồng chung” Giê-ru-sa-lem năm 49. Chúng ta sẽ tìm hiểu cặn kẽ biến cố này ở một bài khác.
Hành trình thứ nhì từ khoảng năm 50 đến năm 52. Cũng xuất phát từ An-ti-ô-khi-a thuộc miền Sy-ri-a, lần này Phao-lô không đi với Ba-na-ba mà đi với Xi-la và Ti-mô-thê. Các ông đi lên hướng bắc thuộc miền Ga-lát và Phy-ghi-a, rồi vượt biển đến Phi-líp-phê thuộc tỉnh Ma-kê-đô-ni-a, sau đó đến Thê-xa-lô-ni-ca. Bị xua đuổi, một mình Phao-lô phải ra đi đến A-thê-na, thủ phủ của Hy lạp, tại đây Phao-lô đã giảng cho hội đồng A-rê-ô-ga-pô (Cv 17:16-34) là nơi quy tụ các triết gia nổi tiếng nhất Hy lạp. Sau đó ngài rời đến Cô-rin-tô rao giảng và thành lập giáo đoàn tại đó. Cũng tại đây, Phao-lô đã viết bức tông thư đầu tiên gởi cho tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca (1 Tx) vào năm 51. Đây cũng là thư tịch tiên khởi cho cả Tân Ước. Tiếp theo là thư thứ hai 2 Tx.
Hành trình thứ ba từ khoảng năm 52 đến năm 56. Cũng xuất phát từ An-ti-ô-khi-a, Phao-lô đi qua miền thượng du đến Ê-phê-xô (Cv 19:1) rao giảng và thành lập giáo đoàn tại đó. Thời gian này, Phao-lô đã viết hai thư 1 và 2 Cô-rin-tô (khoảng năm 54,55) và thư Rô-ma (khoảng năm 55).
Hành trình cuối cùng (56-64). Vì sự ghen ghét của người Do Thái, khoảng năm 56 Phao-lô đã bị bắt, bị xét xử và bị cầm tù nhiều nơi. Ngài khiếu nại lên hoàng đế với tư cách là công dân La mã, do đó được giải qua La mã và bị giam lỏng tại đó. Trong thời gian này, ngài được tự do tiếp xúc với mọi người, đã “rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giê-su Ki-tô một cách mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào” (Cv 28:31). Khoảng thời gian này, ngài đã viết thư cho Phi-lê-môn, thư cho các tín hữu Cô-lô-xê, thư cho các tín hữu Ê-phê-xô (năm 60), thư cho các tín hữu Phi-líp-phê (năm 61), thư thứ nhất cho Ti-mô-thê, thư gởi Ti-tô (năm 62), thư thứ hai cho Ti-mô-thê (năm 63).
4. TỬ ĐẠO:
Chúng ta không có sử liệu chắc chắn về cái chết của thánh Phao-lô. Tương truyền rằng, khoảng năm 64 Ngài bị chém đầu dưới thời hoàng đế Nê-rô. Sau đó, Ngài được an táng gần địa điểm hiện nay là Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao-lô Ngoại Thành.
CÂU HỎI GỢI Ý
1) Qua phần tiểu sử tóm gọn về Thánh Phaolô trên, quý ông bà anh chị thấy điểm nào hoặc giai đoạn nào của cuộc đời Ngài gây ấn tượng sâu sắc nhất cho mình?
2) Thánh Phaolô đã sống và chết với ơn gọi của mình, còn đời sống đức tin của qúy ông bà anh chị thì sao?

Thánh Phaolô có vợ con gì không?LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.
Gia đình của thánh Phaolô như thế nào?Trong Thánh kinh và cả những sử liệu bên ngoài không thấy nói đến vợ và con của thánh Phaolô. Có người cho là Phaolô đã có gia đình nhưng có thể vợ chết, hoặc li dị vợ nên sống đời độc thân. Không có tài liệu chính xác nào nói đến những đồn đãi này, ngoại trừ người ta biết chắc là sau khi trở lại, Phaolô sống như một người độc thân.
Căn cứ vào những thư thánh Phaolô viết, lời giải thích rằng Phaolô không có vợ-con đáng tin cậy hơn là những giải thích ngược lại.
Có nhiều lí do để ta tin là Phaolô không có gia đình. Trước hết, trong những thư gởi tín hữu Roma, Galata, Ephêsô và nhất là Corintô, thánh Phaolô nói đến vai trò phụ nữ nhiều lần nên không thể nào không nhắc đến vợ con, nếu có.
Thứ hai, khi nói đến đời sống gia đình, Phaolô nhấn mạnh đến sự trung thành vợ chồng “… tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng… và chồng cũng không được rẫy vợ” (1 Cor 7: 10-12). Vì thế, không có lí do gì để ta tin rằng Phaolô li dị vợ hay bỏ gia đình để đi làm việc mục vụ cho Giáo hội vì nghịch lại những gì Ngài dạy.
Thứ ba, trong thư thứ nhất Corintô Phaolô nói: “Tôi ước muốn mọi người đều như tôi; nhưng mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác. Với những người độc thân và quả phụ, tôi nói thế này: họ cứ ở vậy như tôi thì tốt cho họ” (1 Cor 7:7-8). Đoạn kinh thánh này thuyết phục nhiều người tin rằng Phaolô là một người độc thân, không lập gia đình.
Với những người tin rằng Phaolô đã có gia đình, họ căn cứ vào thư thứ nhất Corintô: “Phải chăng tôi không có quyền ăn uống, không có quyền đem theo một người chị em tín hữu như các tông đồ khác, như các anh em của Chúa và như ông Kêpha?” (1 Cor 9:4-5). Thật ra, đây không là một bằng chứng rõ đủ để nói lên Phaolô là người có gia đình. Có thể câu này được dùng để biện minh về quyền có gia đình thì đúng hơn, nghĩa là, Phaolô cũng như bao người khác có quyền lập gia đình, và nếu có gia đình thì họ có quyền đem theo vợ trong khi làm công việc mục vụ như Phêrô hay các tông đồ khác.
Thứ hai, những người này cho rằng việc Phaolô không có vợ là một chuyện lạ trong xã hội Do Thái thời bấy giờ, vì người Do Thái xem việc lập gia đình và có con cái như một ơn lành của Thiên Chúa ban thưởng, ngay cả đây là mệnh lệnh Thiên Chúa yêu cầu ông bà Adong Evà trong đời sống: “hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất…” (Sáng Thế 1:28). Tuy nhiên, họ quên rằng chuyện lạ không có nghĩa là không xảy ra (như Chúa Giêsu cũng không lập gia đình).
Cuối cùng một số Kitô hữu vào thế kỉ 3-4 tin là Phaolô đã có gia đình, vì họ căn cứ vào câu nói trong thư gởi tín hữu Philiphê “Tôi xin cả anh Xidigot nữa, người bạn chân thành đã đồng lao cộng khổ với tôi, xin anh giúp đỡ các chị ấy. Các chị đã giúp tôi chiến đấu cho Tin Mừng, cũng như anh Clementê và các cộng sự viên khác mà tên tuổi đã được ghi trong Sổ Trường Sinh” (Phil 4:3). Thật ra, đây là bằng chứng yếu kém nhất trong việc thuyết phục để tin là Phaolô có vợ.
Dù không biết chắc chắn về vợ con thánh nhân, ta biết thánh nhân nhắc đến bà con Ngài một vài lần, có người trở thành Kitô hữu trưóc Ngài, và có người ở trong tù với Ngài (Rom 16:7).
Sách Công Vụ Tông Đô nhắc đến một người chị của thánh Phaolô ở Jerusalem, và con trai của bà. Người cháu này có lẽ có chức vị trong xã hội nên đã có điều kiện biết chuyện nội bộ và báo tin cho Phaolô hay rằng các vị trong Thượng Hội Đồng đang lập mưu để giết Phaolô: “Nhưng người con trai của bà chị ông Phaolô nghe biết âm mưu đó, liền đến đồn và vào báo tin cho ông Phaolô (Cvtđ 23:16).


Sự Trở Lại của Thánh Phaolôsưu tầm
Toàn thể cuộc đời của Thánh Phaolô có thể nói hệ tại ở một biến cố -- ngài được gặp Ðức Giêsu trên đường đi Damascus. Ngay khoảng khắc đó, mọi sự hăng say của một người nhiệt huyết như ngài đều trở nên vô ích, như quả đấm ngàn cân của một tay quyền anh bị hụt hẫng. Có lẽ ngài chưa bao giờ được gặp Ðức Giêsu, mặc dù chỉ lớn hơn Ðức Giêsu vài tuổi. Nhưng ngài ghét cay ghét đắng những gì Ðức Giêsu chủ trương khi ngài bắt đầu bắt bớ Giáo Hội: "... đi vào từng nhà và bắt bỏ tù những người đàn ông cũng như đàn bà" (CVTÐ 8:3b). Bây giờ, chính ngài được "đi vào", được chiếm ngự, mọi năng lực của ngài được khai thác cho một mục đích -- trở nên một nô lệ cho Ðức Kitô trong sứ vụ hòa giải, thành một khí cụ giúp người khác cảm nhận được Ðấng Cứu Thế.
Câu nói sau đã xác định lập trường đức tin của ngài: "Ta là Giêsu, người mà ngươi đang bách hại" (CVTÐ 9:5b). Một cách huyền nhiệm Ðức Giêsu đã đồng hóa với dân của Người -- là những người mà Thánh Phaolô trước đây đã từng săn đuổi như các tội nhân. Ngài nhìn thấy nơi Ðức Giêsu, sự hoàn tất một cách huyền nhiệm những gì ngài đang theo đuổi cách mù quáng.
Từ đó trở đi, công việc của ngài là "giúp mỗi người trở nên hoàn thiện trong Ðức Ki-tô. Vì đó mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi" (Colossê 1:28b-29). "Vì tin mừng được loan báo cho anh chị em không chỉ bằng lời nói, mà còn trong quyền năng và trong Thánh Thần và với niềm xác tín sâu xa" (1 Thess. 1-5a).
Cuộc đời Thánh Phaolô trở nên sự rao truyền không mệt mỏi và ngài sống sứ điệp thập giá: qua sự rửa tội, người Kitô chết cho tội lỗi và được mai táng với Ðức Kitô; họ là người chết đối với những gì sai trái và không giúp đưa đến sự cứu chuộc thế gian. Họ được tạo thành một tạo vật mới, được chia sẻ vinh quang của Ðức Kitô và một ngày nào đó họ sẽ được sống lại từ cõi chết như Người. Qua Ðức Kitô phục sinh, Thiên Chúa Cha tuôn đổ Thánh Thần trên họ, biến họ trở nên hoàn toàn mới.
Do đó thông điệp vĩ đại cho thế giới của Thánh Phaolô là: Bạn đã được Thiên Chúa cứu chuộc, không do bởi bất cứ gì bạn thi hành. Ðức tin cứu độ là quà tặng cho những ai tận hiến cho Ðức Kitô một cách tuyệt đối, tự nguyện và cá biệt, mà sự tận hiến ấy mang lại kết quả trong "việc làm" nhiều hơn là những gì Luật Lệ mơ tưởng.

Lời Bàn

Quả thật Thánh Phaolô là người khó hiểu. Lối văn của ngài phản ảnh kiểu cách tranh luận của một giáo sĩ Do Thái trong thời ấy, và tư tưởng của ngài đã vượt đến đỉnh núi trong khi chúng ta còn lẽo đẽo ở bên dưới. Nhưng có lẽ, sự khó khăn của chúng ta sẽ vơi bớt đi nếu chúng ta áp dụng lời khuyên của ngài vào đời sống hàng ngày.

Lời Trích

"Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả" (1 Côrintô 13:4-7).


CON ĐƯỜNG TRỞ LẠI CỦA VỊ THÁNH VĨ ĐẠI Nữ tu Mai An Tâm Linh
1.  Con đường nào ?      
Trong tuần cầu nguyện cho Sự Hiệp Nhất của Giáo Hội, ký ức của chúng ta đã nhớ đến những cuộc tách ly đớn đau của Hội Thánh Công giáo để sinh ra các giáo phái khác là "đạo": Tin lành, Chính thống giáo và Anh giáo... và chúng ta rất đau buồn vì chiếc áo là Giáo hội, Thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô bị chia ra thành nhiều mảnh, thân thể ấy vẫn tiếp tục rướm máu từ những vết thương bên ngoài lẫn bên trong !
Tôi đã nghe nhiều người ngoài tôn giáo hỏi tôi: Tại sao có nhiều đạo thế ? Và bên các chị, nhiều người, nhiều đạo tin vào Đức Kitô, tin vào Thiên Chúa (như Hồi Giáo), nhưng lại chia rẽ lẫn nhau, thậm chí đã đi đến chiến tranh, đổ máu... điều nầy thật mâu thuẩn cho ĐẠO và chúng tôi cũng cảm thấy quá khó hiểu về tôn giáo !
Thưa thật, nói về đạo thì tôi cũng chẳng rành; nhưng  từ nhỏ tôi đã học được chân lý nầy: "Đạo là đường; và có một đường rất chính rất thật là đạo Thánh Đức Chúa Trời ". Và tôi tin vào chân lý như đinh đóng cột ấy. Tôi sung sướng vì tôi đang đi trên chính lộ ấy...  Đạo là con đường dẫn đến Thiên Chúa. Nhưng thú thật,  càng nói về Đạo, tôi càng thấy mình còn  đang xa Đạo đây !
Vậy, thưa Đạo là gì ? Ai trong chúng ta cũng biết Đạo là đường, nhưng đường thì rất nhiều, để đến với Thiên Chúa con người phải tìm cho mình một đường đi, con đường đó chính là chân lý. Trên hết, con đường đó chính là Đức Kitô, Ngài đã khẳng định :" Chính Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự  Sống, không ai đến  được với Cha mà không qua Thầy"(Ga14,6)
Cuối tuần cầu nguyện cho Sự Hiệp Nhất nầy, Phụng vụ của Hội Thánh lại mừng lễ Thánh Phaolô Tông Đồ trở lại, điều nầy muốn nói lên điều gì ?
2.  Biến cố " ngã ngựa"
Thánh Tông Đồ dân ngoại đã tìm cho mình con đường chân lý, con đường này trứơc biến cố " ngã ngựa" là một con đường lạc lối và mù tối. Vì thế, hơn ai hết, với kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục sinh sau biến cố " ngã ngựa", Ngài đã vạch cho chúng ta con đường dẫn đến TC đồng thời chỉ cho chúng ta Con Đường, cách sống Đạo trong "đời thường" giữa cuộc sống nhiều thách đốhôm nay.
Hết lòng nhiệt thành bênh vực cho đạo Do thái, Saolô nổi tiếng là người hung ác, bạo tàn, nhưng bản chất ông có hung ác không ? - Xin thưa là không - Mà chỉ do lòng nhiệt thành ! Một khi làm thì làm cho tới cùng, không làm đại khái hay làm cho có. Đối với Saolô, Đức Giêsu và các môn đệ  của ông ấy là những kẻ nguy hiểm, kẻ phá hoại đức tin chân chính của cha ông, cần phải diệt trừ. Saolô nghĩ làm vậy là tôn vinh Thiên Chúa, nên ông hùng hổ đi bắt những người theo " tà đạo" này.
Trên đường đi, bỗng một quầng sáng quật Saolô ngã ngựa (Cv 9, 3-9). Luồng ánh sáng bao phủ, gây kinh hoàng cho ông, ánh sáng làm cho đôi mắt ông bị mù, Saolô mù đôi mắt thân xác nhưng lại mở cho ông cặp mắt tâm linh ( Cv9,8 ). Một tiếng gọi vọng xuống từ trời. Gọi là dấu chỉ còn ở xa, gọi là mong ước được ở gần, Chúa gọi đích danh, tức là Ngài muốn thiết lập một tương quan cá vị với Saolô:"Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta" (Cv 22, 7tt)  - Đức Giêsu đồng hoá Ngài với các tín hữu (sơ khai), cho hay khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa là yêu thương anh chị em vì họ là hình ảnh sống động của Thiên Chúa. Người ta cầm tay dắt ông vào Đamas ( Cv9,8 ): Saolô đi vào Đamas với sự biến đổi thật sâu xa; vì ngay từ đầu ông định đến đây với quyền lực trong tay để phá hoại Hội Thánh, nhưng giờ đây ông rơi vào tình trạng mù loà, bất lực, cần có người cầm tay dắt ông mới vào Đamas được. Trước mắt người đời Saolô gặp tai hoạ, nhưng đối với Saolô đó lại là hồng ân. Ông ngỡ ngàng xúc động vì không ngờ Thiên Chúa đã đoái đến ông như thế, đang khi ông là kẻ thù không đội trời chung, tìm cách bắt bớ Ngài, thì Ngài lại đón đường chộp lấy Saolô với tình yêu mãnh liệt, Chúa Kitô, Ngài vẫn thương ông và gọi chính tên ông.
Cảm nghiệm của những ai nhận biết Thiên Chúa, được gặp chính Đấng là Tình Yêu, Thiên Chúa luôn đi bước trước, một kinh nghiệm của chính Phaolô đã cảm được, đã chạm được  Đức Giêsu-Đấng Phục Sinh, chính vì lẽ đó Phaolô vẫn nhắc đi nhắc lại biến cố này trong suốt cuộc đời (Cv9; 22;26, 1Cr 9,1; Gal1,11...). Phaolô đã nói lên kinh nghiệm gặp gỡ Đức Giêsu. Chinh Người đã can thiệp làm đảo lộn dự tính của ông. Đức  Giêsu đã tự đồng hoá mình với những tín hữu bị bách hại. Như thế, Người không hiện diện ở ngoài, nhưng ở trong Hội Thánh, gắn bó với từng tín hữu...
Sự hồi tưởng lại biến cố nầy nhiều lần trong đời, Phaolô cho ta thấy tình thương bao la của Thiên Chúa đối với ông, không những chỉ nhắc lại kinh nghiệm thiêng liêng mà Ngài còn khẳng định : " Sự sống hay sự chết..... không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúatrong Đức Kitô" ( Rm8,38 tt). 
Sự hồi tưởng này còn dẫn Phaolô trở về ngay giây phút đầu tiên của cuộc đời mình. Thực vậy ngay từ trong lòng thân mẫu, Thiên Chúa đã gọi, thánh hiến và mặc khải Con của Người và sai Phaolô Loan báo Tin Mừng cho muôn dân.
Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. 
Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. (Gl 1:15-16)
Hơn thế nữa, Phalô còn dẫn chúng ta trở về tới vùng trời xa xôi, thăm thẳm của thời gian: trước cả khi tạo thành vũ trụ, Chúa đã gọi chúng ta, gọi từng người. vấn đề còn lại là: Ta có chịu mở mắt để nhận ra hay không mà thôi:
Trong Đức Ki-tô,
Người đã chọn ta
trước cả khi tạo thành vũ trụ,
để trước thánh nhan Người,
ta trở nên tinh tuyền thánh thiện,
nhờ tình thương của Người. (Ep 1:4)
Trong cuộc đời chúng ta cũng vậy, một biến cố nào đó, một dấu chỉ nào đó dù trước mắt người đời thấy khó chịu, thất bại, nhưng lắm khi đó chính là cơ hội để thử thách lòng trung tín và là khởi điểm cho một hồng ân, một sứ mạng mới mà lắm lúc chúng ta không ngờ!
3.  Ẩn mình vào Sa mạc 
Để chiếm được Thiên Chúa cũng như muốn có động lực cho hoạt động loan báo Tin Mừng. Thánh Tông đồ đã lánh đi vào cô tịch một thời gian, đối với con người khi chiêm ngưỡng Thiên Chúa, con người cần trở về với chính mình để lắng nghe Chúa nói: " Hãy cho người khác những gì bạn đã chiêm niệm" (Thánh Thomas Aquino ). Với một Saolô nhiệt thành trở thành một Phaolô hăng say vì Đức Kitô, khi đề cập đến vấn đề này sử gia A. Salvini đã nói: " Người ta không thể hồ nghi Saolô đã sống tĩnh tâm tại sa mạc Ả rập, nơi đây Ngài thu toàn tâm lực để nghiền ngẫm chân lý làm động lực cho nội dung giáo thuyết sau này". Đúng thế, cuộc đời Thánh Tông đồ đã nói lên điều đó. Triết gia Niezsche có nói một câu rất chí lý:" Phàm ai muốn trở nên sứ giả đem lại một mệnh lệnh quan trọng cần phải biết thinh lặng". Dựa vào tư tưởng này giám mục  J.Holzner OP quả quyết rằng: " Chốn rừng xanh thanh vắng thường là nơi đào tạo các nhà tiên tri và những người hùng biện". Suốt thời gian gần ba năm dài ẩn dật từ mùa thu năm 36 đến mùa xuân năm 38,  dưới tác động của Thánh Thần Thiên Chúa, một biến trạng dần dần thay đổi cuộc đời Saolô để từ nay không còn là con người "nói về Chúa mà là người Chúa dùng để nói".  Đúng thế, Chúa nói qua ngôn ngữ con người, Ngài đã dùng Phaolô làm lợi khí ưu tuyển để mang danh của Ngài đến với muôn dân.
Thời gian ẩn dật của Thánh Tông đồ chính là thời gian bí nhiệm, được Chúa chiếm đoạt trọn vẹn con người như chính Ngài đang là. Một Saolô trở thành nét son chấm phá cuộc đời chúng ta hôm nay, vì đang khi mãi chạy theo những ham muốn lợi lộc, tiền tài, hư danh, tham vọng, kiêu hãnh dựa cho những cái đang có (mà cũng là chính là ân huệ Chúa ban!), chúng ta không thanh thoát và khiêm tốn để cho Thiên Chúa "chen chân" vào tận cõi thăm thẳm của lòng mình.
Cách sống của chúng ta kitô hữu, tu sĩ, linh mục có phản ánh được một Đức Kitô đang sống hay không? Và tuỳ thuộc vào đời sống cầu nguyện của chúng ta có  để cho Thiên Chúa chiếm hữu không ? Đời sống bác ái huynh đệ đối với người ở cạnh ta, anh chị em ta, ta có mở lòng ? Hằng năm, hằng tháng, hằng ngày người tông đồ đều có những phút giây "cô tịch" bên Chúa Thánh Thể, chúng ta đã để Chúa chiếm hay chúng ta chiếm mất chỗ Chúa ? vì  có thể lắm khi vào giờ cầu nguyện chúng ta đã thưa chuyện với Chúa như cách của người Pharisiêu kia, khoe khoang mình và khinh dễ kẻ khác, lấy mình làm tiêu chuẩn và khó lòng đón nhận sự thua thiệt, yếu kém, nhỏ bé của người anh chị em... Cách sống thiết thực nhất của Thánh Tông đồ là để Thần Linh Chúa tác động và chiếm hữu, " Tôi sống nhưng không phải là tôi sống  mà là chính Đức Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20). Vì thế Ngài dám nói một câu bất hũ, không tìm thấy một vị thánh nào nói được như thế : " Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi đã bắt chước Đức Kitô" (Rm8,28-39) .
4. Hình ảnh Phaolô trong con người chúng ta.              
Thánh Phaolô trên con đường được mời gọi " trở lại " là một cuộc đổi đời180 độ. Để có thể nắm bắt được ý nghĩa lời mời gọi nầy, Phaolô đã ẩn mình vào sa mạc Ả rập trong 3 năm (Gal 1,17), nơi thanh vắng cô tịch nầy, ông đã nghiền ngẫm lại những trang Kinh Thánh  mà trước đây, ông đã thụ giáo dưới chân  vị thầy tài ba Gamaliel, nhưng bây giờ thì không; ơ đây, Thánh Thần của Thiên Chúa dạy dỗ ông, ông chỉ còn chiêm ngắm Đức Giêsu và Tin Mừng của Người. Trong sự thinh lặng vĩ đại nầy, ông làm điều duy nhất là: "Quên chặng đường đã qua, để lao mình tới phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Giêsu Kitô." (Gal 3,13-14).
Thế nhưng, không phải thiện chí và lòng nhiệt thành của Ngài được Giáo Hội sơ khai đón nhận đâu ! Bao nhiêu người nghi ngờ về sứ mệnh của Ngài, người ta dè dặt đối với con người khó hiểu nầy, người trước kia là hùm xám bây giờ lại trở nên chiên hiền lành, mà lại còn đi rao giảng về Con Người Giêsu và Tin mừng trước đây mà Saolô ra tay bách hại ! Chính vì thế mà người Do thái đã căm thù bàn kế giết ông; canh gác các cửa thành Đa-mát, nên ban đêm ông được các môn đệ đưa qua tường thành mà trốn.(Cv 9, 20tt). Đó là giá ông Phaolô phải trả khi ông " trở lại" theo Đức Kitô.
Thiên Chúa mời gọi và chờ đợi ta từ bỏ mọi điều mình mong ước, lắm khi Ngài đòi phải trắng tay, trống không, chính lúc ấy Ngài mới ban nó cho ta. Vấn đề là chúng ta có nhạy cảm để đón nhận ân huệ,  và đọc ra dấu chỉ Chúa muốn tỏ bày không ? - Thời gian ẩn dật để thinh lặng cầu nguyện, đó là thời gian Thánh Phaolô suy tư, nghiền ngẫm về Kinh Thánh, về Đức Giêsu Kitô và cây đời của Ngài đã chín mùi, để từ một tư tưởng gia Pharisiêu nhiệt thành Ngài trở thành thần học gia đầu tiên của Kitô giáo.- Cuộc đời chúng ta khi sống trong hoàn cảnh của mỗi người cũng thế, những thử thách lâu dài có thể làm cho ta bị tổn thương, thất vọng và mất niềm tin..., nhưng thời gian và vơí sự kiên trì cầu nguyện sẽ giúp ta nhận ra kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa đặt để nơi ta, trong cuộc đời ta, trong công việc phục vụ của ta. 
5.  Con đường trở lại :  
Tuần cầu nguyện cho sự Hiệp Nhất của Giáo Hội rồi sẽ lặng lẽ qua đi, không để lại trong ta dấu ấn gì nếu ta không thấy vấn đề của chính mình. Chúng ta hiệp nhất với người khác làm sao được khi trong ta hồn và xác không cùng đi đôi, không hiệp nhất với nhau; lời rao giảng và hành động của chúng ta gây mâu thuẩn ? Hơn thế nữa, nếu tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa quá lõng lẽo, lắm khi lại cố tình giải thích để cho ý mình thành ý Chúa, mọi sự được dễ dãi theo "đường" của ta. Bậc phụ huynh, bề trên hay người có địa vị, lại thể hiện quyền hành theo đường lối của mình mà cũng chẳng hay ! Nếu mối tương quan cá vị với Thiên Chúa bình an, đầy ắp tình yêu mến sẽ dẫn đến một tương quan liên vị rộng lớn Trời - Đất - Tạo vật - Con người - Thiên Chúa, thiết lập trong ta một thế giới bình an, trật tự, hạnh phúc, yêu thương, con đường ấy chính là Đạo vậy !
"Con đường trở lại " diễn ra mọi ngày nơi chính bản thân chúng ta, điều nầy đòi hỏi một sự lột xác đau đớn, có khi phải trở thành  mù loà, bất lực, trước ý muốn của Thiên Chúa... hầu Ngài có thể thay đổi chúng ta tận căn trong Sự Chết và Sự Sống Lại của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tuyên bố: " TA LÀ ĐƯỜNG LÀ SỰ THẬT VÀ SỰ SỐNG " (Ga 6,14). Và suốt đời Thánh Phaolô đã sống cho  Con Người và Tin Mừng ấy. Đức tin mà ông lãnh nhận, đã cảm nghiệm sâu xa thì ông cũng loan báo " Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô Chịu Đóng Đinh" (1Cor 1,23) và Đấng đã Phục sinh là tất cả niềm tin và Lời chứng của ông."Nếu Đức Kitô không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi thật hư không và cũng hư không việc anh em tin... "(1 Cor 15, 14...) Và trong niềm xác tín đó Ngài nói với chúng ta như đã nói với môn đệ Timôtê, người con quí mến của Ngài: " Cha đã đấu trong cuộc đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường và đã giữ vững niềm tin" (2Tm 4,7). 
Nhân ngày lễ Thánh Tông đồ Phaolô trở lại, chúng ta  lắng nghe lời tuyên thú khiêm tốn  và đầy xác tín vào ơn gọi của Ngài trong thư  Ngài gởi tín hữu Corintô : 
" Tôi là người hèn mọn nhất trong các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là tông đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu, trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả các vị khác, nhưng thật ra không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa nơi tôi." (1Cor 15, 9-10) 
Lạy Chúa, hôm nay mừng kỷ niệm ngày thánh nhân trở lại tin theo Đức Kitô, xin cho chúng con biết noi gương ngài để lại, mau mắn nghe lời mời gọi của Chúa, cho chúng con có đủ ý chí và nghị lực, biết cậy trông vào ơn Chúa mà trở lại mỗi ngày hầu tiến đến gần Chúa và trở nên chứng nhân của Tin Mừng Tình yêu.
Xin cho lời cầu của Chúa Giêsu  trong đêm Tử nạn được thành sự nơi chúng con:
"Lạy Cha Chí Thánh, xin gìn giữ các môn đệ, trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ NÊN MỘT NHƯ CHÚNG TA" Amen. (Ga 17,11)

LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA NGÀY LỄ
LM. THÊÔPHILÊ
Nguồn gốc lễ này đến từ xứ Gaule (Pháp) ở thế kỷ thứ VI, và xuất hiện tại thành Rôma vào thế kỷ thứ XI. Trước đây trong lịch Phụng vụ ngày 25 tháng 1 là lễ lập Tông tòa Thánh Phêrô, và lễ này hôm nay được đặt vào ngày 22 tháng 2. Việc thay đổi ngày lễ không quan trọng lắm, nhưng cả hai ý lễ đều được giữ lại trong lịch Phụng vụ Công giáo: Phaolô được xem như thầy dạy các dân ngoại về đức tin và chân lý, còn Phêrô là đá tảng cho Giáo hội.
Sau đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa ngày lễ Thánh Phaolô Tông đồ trở lại đến từ biến cố xảy ra trên đường Đa mát. Chúng ta đọc chuyện xảy ra được kể tất cả 3 lần trong sách Công vụ tông đồ nơi các chương 9,1-30; 22,3-21 và 26,9-20.
1. BIẾN CỐ TRÊN ĐƯỜNG ĐA MÁT: PHAOLÔ ĐƯỢC ƠN TRỞ LẠI!
Đó là điều chúng ta thường nghe nói; Một tác giả cuốn sách viết bằng tiếng Việt có tựa đề: «Thánh Phaolô trên đường truyền giáo», đặt tựa cho chương nói về đoạn đời này của thánh Phaolô như sau: «chó sói trở nên chiên lành «. Trước đó, tác giả lại ghi việc Phaolô đi bắt người Kitô hữu bằng cụm từ «con chó sói đói tìm mồi». Tác giả lấy lại những từ này trong các bài giảng về thánh Phaolô của thánh Augustinô. Ở đây, chúng ta cùng nhau suy tư xem Phaolô thực sự trở lại bằng cách nào, có đúng với hình chó sói trở nên chiên lành hay không?
Người nào trung thành theo lề Luật biết rằng họ sống trong tình thương Thiên Chúa. Tình thương này được trao ban cho người công chính, nếu như họ sống trung thành cho tới chết. Thánh Phaolô sẽ thay đổi niềm tin trên nguồn gốc ơn huệ đến từ Thiên Chúa, nhưng ngài không hề thay đổi về vấn đề Lề Luật: một là tuân giữ trọn Lề luật hay là không (Ga lát 5,3): «một lần nữa, tôi xin khẳng định với bất cứ ai chịu phép cắt bì là: người ấy buộc phải giữ trọn vẹn Lề Luật». Thánh Phaolô đã giữ vững niềm xác tín này là ngày sau cùng mỗi người sẽ phải bị ra trước tòa Thiên Chúa: «công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người» (1 Cr 3,13).
Trên một số điều khác, thánh Phaolô lại cắt đứt với phái Pharisêu, như việc chỉ cần kêu gọi ý chí cá nhân để họ có thể từ bỏ tội lỗi. (Ý chí cá nhân: đúng! nhưng cũng phải được ơn thánh nữa, chứ chỉ duy ý chí cá nhân thôi cũng chưa đủ). Thánh Phaolô đã thay đổi tư tưởng trên không theo ý nhóm Pharisêu, khi bàn về vấn đề tội lỗi, nhất là sau khi trải qua biến cố trên đường Đa mát vào khoảng năm 32.
Biến cố này thường được nhiều tác giả thần học, tu đức gọi là trở lại hay hoán cải. Thế nhưng, khi nói hoán cải hay trở lại, bình thường chúng ta kể lại việc một người nào đó đi từ cái xấu qua cái tốt, hay một người nào đó từ bỏ một tôn giáo để vào một tôn giáo khác. Tất cả điều này không đúng lắm áp dụng cho trường hợp thánh Phaolô. Ngược lại, cuộc đời Phaolô cho đến giai đoạn này là một cuộc sống thành công. Ngài là một công dân thế giới, hội nhập đúng theo nền văn hóa đế quốc. Phaolô lại còn là mẫu gương lý tưởng một người Pharisêu: ngài tranh luận rất giỏi, dẫn chứng rõ ràng bằng ký ức Lề Luật Torah, và chú giải Kinh Thánh như một vị rabbi. Chính Phaolô cũng tự nói nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi (Pl 3,6). Đúng vậy, cuộc đời đó không ai có thể trách được. Và hình ảnh một Phaolô thất bại, bị dằn vặt cho mình thiếu thốn và thất bại trước lý tưởng trong sạch đến do lịch sử sau này, với hai nhân vật nổi tiếng là thánh Augustinô vào thế kỷ thứ IV, và ông Martin Luther với Phong trào cải cách Tin Lành ở thế kỷ thứ XVI.
Phaolô không ngần ngại nhận mình đã đạt đến mức cao nhất theo lòng đạo đức Pharisêu, và vì thế ngài đã bách hại Kitô hữu. Kitô giáo thời đó chỉ là một giáo phái bị gạt bỏ bên lề Do thái giáo. Vì vậy, Phaolô đi thành Đa mát để chống lại tư tưởng những người nhận Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai. Và trên đường Đa mát, Phaolô đã bị rớt từ trên cao xuống đất, nhưng không phải rớt từ trên ngựa xuống đất. Trong một số bức họa, chúng ta đã thấy được vẽ như thế. Điều chắc chắn là trong văn bản không nói đến ngựa, nên không có chuyện bị té ngựa! Những bức họa cho thấy việc té ngựa chỉ xuất hiện ở thế kỷ thứ XII, trong thời đại cổ võ các chàng hiệp sĩ. Ở đây, câu chuyện chỉ ghi, bỗng nhiên, giữa giờ ngọ, Phaolô nhận được mạc khải, thật nhanh chóng và toàn diện. Một luồng ánh sáng từ trời bao phủ; một luồng ánh sáng làm ngài mù mắt và mặc lấy hình một tiếng gọi trong tâm hồn. Phaolô ngã xuống đất, nhìn ánh sáng, nghe một tiếng nói bằng tiếng Híp ri: «Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ ta?» (Cv 9,4).
Tất cả bắt đầu với luồng ánh sáng và tiếng nói đó. Luồng ánh sáng làm Phaolô mù mắt, giúp ngài nhìn vào trong tâm hồn, đưa ngài mượn con đường «của Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Kitô» (2 Cr 4,6). Tiếng nói mạnh mẽ hơn lề luật cha ông, cũng như những khí giới của người đi bách hại. Một tiếng nói «sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi» (Dt 4,12).
Tiếng gọi vang dội trong thân thể Phaolô ngả nghiêng, một tiếng gọi nhưng không và chính Thiên Chúa là tác giả. Phaolô cảm nhận từ giây phút đó một sự hiện diện không diễn đạt được, thấy ẩn hiện hình hài một khuôn mặt tranh tối tranh sáng. Phaolô đáp lại tiếng nói bằng câu trả lời: «Thưa Ngài, ngài là ai?». Và tiếng Nói đáp trả: «Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ» (9,5). Tất cả đã được nói lên. Đức Giêsu bị đóng đinh vẫn còn sống động trong con người của Têphanô, trong những người Kitô hữu đang rao giảng về sự sống lại. Và Phaolô nhận thức mình đã bách hại Người khi mình đi bách hại những người đó. Tâm hồn Phaolô tỉnh thức về Đức Kitôâ. Và giờ đây cả hai chỉ còn là một trong cùng một tình yêu: «Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người» (1 Cr 6,17).
Qua dấu chỉ ánh sáng và tiếng nói, Phaolô đi từ đêm tối về tới ánh sáng. Toàn thân ngài nhảy mừng và cảm nhận Thiên Chúa hành động trong mình. Phaolô bị Đức Giêsu, Đức Kitô, Đấng Thiên Sai, Đấng được xức dầu, Đấng là lẽ Sống và là Con Thiên Chúa nắm lấy, và từ đó Phaolô quả quyết: «vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi» (Ph 1,21). Phaolô sẽ yêu Đức Kitô Giêsu hết tâm hồn, và phục vụ cho Người. Giờ đây Phaolô gắn bó vào Đức Kitô như thể gắn bó vào một cuộc hôn nhân thiêng liêng cho đến ngày Phaolô được nhìn thấy Người tận mắt: «mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi» (1 Cr 13,12).
Tất cả những niềm tin Phaolô mang trong lòng bị vất rơi rụng từ trên cao xuống đất. Phaolô phải kết tụ lại và phải xây dựng lại tất cả. Ngài phải định lượng lại một các khác hẳn. Giờ đây, Phaolô nói về Thiên Chúa không phải học từ kẻ khác, nhưng Thiên Chúa đã thuộc cho riêng ngài.
2. PHAOLÔ: NGƯỜI CHỨNG PHỤC SINH.
Phaolô con người mang hai nền văn hóa trong mình. Phaolô người con Ítraen, Pharisêu toàn thiện, người yêu chuộng, si tình Lề Luật và tự cho mình như người giữ cửa cái trong sạch cho dân chúng. Phaolô người dân thành Tác xô, được dạy để tranh luận và đọc diễn từ, một nhà trí thức cao rộng. Thế nhưng, con người đó một ngày đã bị Chúa Kitô bắt giữ.
Như chúng ta lược sơ qua phần trên, chưa bao giờ Phaolô nói ngài bị thất bại vì lòng đạo đức theo Pharisêu. Trong thư gửi Ga lát, Phaolô còn khẳng định: «Trong việc giữ đạo Do thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông» (Gl 1,14). Vì vậy, nếu sự hoán cải chỉ là trở lại từ cái xấu qua cái tốt, từ cái thất bại đi đến thành công, thì điều đó không đúng với trường hợp Phaolô. Ngài không thất bại. Phaolô trên đường đi Đa mát chỉ để đánh đuổi những kẻ mang danh Kitô hữu, nhưng chính Phaolô cũng nhận định việc đó như sau: «nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi, vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô» (Pl 3,7-8). Vậy nghĩa là làm sao: Phaolô khám phá ra sự thành công xưa nay đưa ngài rời xa Thiên Chúa thay vì kéo ngài về gần đến bên ngài hơn.
Đó là sự Phaolô trở lại ly kỳ, sự cắt đứt trong cuộc sống làm đảo lộn những giá trị. Vì vậy, nếu nói hoán cải thì chính Thiên Chúa đã hoán cải Phaolô. Hoán cải không vì Phaolô chán chường với lối sống đạo đức Pharisêu hay chối bỏ Lề Luật Thánh Do thái giáo, nhưng điều làm cho Phaolô trở lại chính là Thiên Chúa. Từ đây, Phaolô được hướng dẫn một cách khó khăn, để mở rộng cái nhìn mới về Thiên Chúa. Điều gì trước đây đúùng trở thành sai, và xưa kia sai nay là đúng. Những lá thư Phaolô viết tiềm ẩn câu chuyện thiêng liêng bị gãy đôi. Và trước khi viết hay nói ra những lời đó, Phaolô đã ghi khắc vào da thịt mình.
Cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu trên đường Đa mát ghi lại trong người Phaolôâ như một biến cố chỉ đạo. Phaolôâ được soi sáng, và biến hình mãi mãi. Phaolôâ múc lấy từ nơi biến cố đó như múc nguồn suối làm vang lên trong tâm hồn nước hằng sống hy vọng. Đó là một kinh nghiệm huyền bí gợi lại những biến cố thần hiện đã xảy ra trong Cựu ước, như Thiên Chúa mạc khải cho tổ phụ Ápraham, Môsê, cho ngôn sứ Samuel, và Elia bằng cách gọi tên từng người một. Phaolô đặt cuộc gặp gỡ này trong những lần Đấng Sống Lại đã hiện ra cho các môn đệ. Phaolô tự cho mình là người chứng cuối cùng của biến cố Phục Sinh. Ngài truyền đạt lại những gì đã lãnh nhận, những gì đã thấy tức là Đức Kitô «đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các tông đồ. Sau hết, Người cũng hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non» (1 Cr15,6-8).
Biến cố trên đường Đa mát là một cuộc gặp gỡ cá nhân với Đấng Sống Lại, một kết hiệp huyền bí với Đức Kitô được biểu lộ bằng sự thay đổi cuộc sống hơn là một lật đổ những giá trị. Kinh nghiệm này tựa như cuộc kết hợp biến đổi trong Đức Kitô, cho nên từ giờ trở đi mọi sự trước mặt Phaolô dường như đều mất lợi «vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô» (Pl 3,8). Điên dại vì Đức Kitô, Phaolô xác định với người Côrintô: «tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa» (1 Cr 3,22-23).
Biến cố trên đường Đa mát là kinh nghiệm mầu nhiệm Phục sinh. Qua đó, Phaolôâ khám phá những hiệu quả hành động Thiên Chúa trong ngài. Phaolô tự mình truất quyền sở hữu để chỉ nhắm vào Đức Kitô. Ngài chấp nhận mất tất cả hầu được Đức Kitô. Phaolôâ, con người hoàn toàn trong việc thực thi lề luật, vững vàng trong sự thật, đã trở lại bằng ân sủng mầu nhiệm Phục sinh. Phaolô hoàn toàn buông xuôi vào Đức Kitô, muốn trở nên giống như Người: «vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết» (Ph 3,10-11).
Bị chói lòa trước vẻ đẹp Đấng Sống lại, Phaolô không còn mang cùng cái nhìn về chính mình, về thế giới, về sự thánh thiện và về Thiên Chúa. Phaolôâ chấp nhận vì danh Đức Giêsu trở nên nhỏ bé, nghèo hèn, mong manh, khiêm nhường, không hoàn hảo, lấy làm vinh dự không ngừng trong những yếu đuối «vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh» (2 Cr 12,10). Nơi đây Phaolô đi đúng trung tâm điểm Tin Mừng, với lời Đức Giêsu kêu gọi những người tội lỗi như Maria Mađalêna, như ông Da Kêu, như người trộm lành, «vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất» (Lc 19,10).
Khi nhận ơn Phục sinh trở lại, Phaolô được dẫn đi trên con đường Đức Kitô và loài người: «Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu» (Pl 3,13-14). Phaolô trở thành vị tông đồ hăng say về mầu nhiệm Thánh giá Đức Kitô, và từ đó kéo theo biết bao nhiêu chứng nhân theo ngài. Đức Hồng Y Carlo Maria Martini, Tổng giám mục thành Milan nói như sau: «Trong Tân ước, tôi rất thích thánh Phaolô bởi vì ngài có tính năng đi đến tận cùng của vấn đề, về cái triệt để của ngài, đã đảo lộn và đốt cháy tôi».
Lễ Thánh Phaolô, tông đồ trở lại được đặt kính sau lễ Hiển Linh, có ý giúp chúng ta hiểu rõ thêm mầu nhiệm Chúa Kitô hiện diện và sống động trong lòng Giáo hội. Chính Đức Giêsu mạc khải Qua Giáo hội. Trên đường Đa màt, Người không nói «Saul Saul, tại sao ngươi bắt bớ các môn đệ ta? nhưng lại nói: Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ ta?. Điều đầu tiên Phaolô khám phá trên đường Đa mát là Chúa Kitô hiện diện trong Giáo hội.