Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

Ngày 30 Tháng 04, Kính Thánh Giuse Trần Văn Tuân - Linh Mục, Tử Đạo

Filled under:

Ngày 30 Tháng 04, Kính Thánh Giuse Trần Văn Tuân - Linh Mục, Tử Đạo


Hân hoan với diễm phúc tử đạp sắp được lãnh nhận, bất chấp những đau đớn và khổ hình trong tù, cha vẫn tiếp tục rao giảng tình thương vô biên của Thiên Chúa. Cha khích lệ, nâng đỡ tinh thần những anh em giáo hữu đang bị giam cầm, an ủi những anh em giáo hữu âm thầm đến thăm cha và ban bí tích cho họ.
Thánh Giuse Trần Văn Tuân
(1821-1861)
 
Giuse Tuân, Sinh năm 1821 tại Trần Xá, Hưng Yên, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 30/04/1861 tại Hưng Yên dưới đời vua Tự Ðức. Ngày 29.04.1951, Đức Thánh cha Pio XII suy tôn linh mục Giuse Tuân lên bậc chân phước cùng với 24 vị tử đạo khác trên đất Việt. Ngày 19.06.1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nâng ngài lên bậc Hiển thánh Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 30/04.

Chứng nhân tình thương.
“Thiên Chúa vẫn luôn luôn tác tạo những mùa xuân tươi đẹp. Ngài ban cho mùa màng tiếp tục sinh hoa kết trái. Cũng thế, do bàn tay uy quyền và rộng rãi của Ngài, Thiên Chúa sẽ gieo vãi trên mỗi thế hệ đang lên đầy đủ những đức tính dịu hiền nhân ái, để nâng đỡ những người buồn thảm, hỗ trợ những kẻ lâm nguy. Tương lai sẽ do tình thương, vì không sớm thì muộn, tình thương sẽ thắng sự oán thù. (Fx Ronsin)
Linh mục Giuse Tuân đã sống và chết hiên ngang để làm chứng cho Thiên Chúa, Đấng sáng tạo muôn loài, mà con người là thụ tạo được Ngài yêu thương hơn cả, đễn nỗi ban chính Con Một Ngài là Đức Giêsu Kitô, để cho thế gian được ơn tái sinh và sự sống viên mãn cùng Ngài (Ga 10,10)
Giuse Tuân chào đời khoảng năm 1811 tại họ Trần Xa, xứ Cao Xá, tỉnh Hưng Yên (nay là Hải Hưng). Tuy là gia đình nông dân nghèo, nhưng cha mẹ cậu là người đạo đức và tận tâm giáo dục con cái. Tứ cái nôi ấm cúng đó, Giuse Tuân đã lớn lên trong chân lý đức tin và trong tình thương của Thiên Chúa, của cha mẹ và của mọi người.
Từ thiếu niên, câu Tuân đã được nhận vào nhà Đức Chúa Trời học tập và sống tinh thần phúc âm. Sau đó cậu được chọn và học chủng viện, rồi thụ phong linh mục, trở thành người phục vụ Tin mừng trong thời bách hại tàn khốc nhất dưới triều đại vua Tự Đức, với những cuộc bắt bớ nhằm tiêu diệt các giáo sĩ và giáo dân trên đất Việt. Để có cơ hội cộng tác chặt chẽ hơn với các thừa sai Đaminh trong công cuộc truyền giáo, năm 1857 cha Giuse Tuân xin vào dòng anh em Thuyết giáo (trong dòng tên gọi cha là Hoan). Năm 1858, cha được tuyên khấn trong dòng và trở thành một tu sĩ gương mẫu đạo đức.

Truyền bá tình thương.
Trước cơn bách hại tàn bạo của vua tự đức, vì lo lắng cho đoàn chiên bơ vơ, cha Tuân phải lãnh trốn để có thể âm thầm phục vụ cho con cái trong hoàn cảnh khó khăn này.
Đầu năm 1861, khi cha đang giúp ở xứ Ngọc Đồng, một bà già bị bệnh nặng sai con trai đi mời cha Tuân về ban bí tích sau cùng cho bà. Không ngờ người con ngỗ nghịch này vì ham lợi lộc đã trở thành kẻ phản bội. Hắn đi tố giác với quan huyện để lấy tiền thưởng. Quan liền bắt cha giải lên tỉnh Hưng Yên nộp cho quan Tổng đốc.
Tại công đường, dù cha Tuân bị hành hạ, tra tấn, gông cùm… vẫn hiên ngang trung thành với Thầy chí thánh. Cha một mực làm chứng cho niềm tin của mình vào Đức Giêsu, dù phải hy sinh cả mạng sống. Hân hoan với diễm phúc tử đạp sắp được lãnh nhận, bất chấp những đau đớn và khổ hình trong tù, cha vẫn tiếp tục rao giảng tình thương vô biên của Thiên Chúa. Cha khích lệ, nâng đỡ tinh thần những anh em giáo hữu đang bị giam cầm, an ủi những anh em giáo hữu âm thầm đến thăm cha và ban bí tích cho họ.

Trong tình yêu Thiên Chúa.
Cuối cùng người chiến sĩ anh dũng đã chạy tới đích. Sau nhiều cực hình trong mấy tháng trời, án trảm quyết cha Tuân được vua Tự Đức châu phê.
Ngày 29.04.1861, cha bị đem ra pháp trường Hưng Yên xử. Tại pháp trường, một giáo hữu chứng kiến vụ hành quyết cha, bà Anna Bình, đã làm chứng trong hồ sơ phong thánh như sau:
“Tôi đã thấy người tôi tá Chúa (cha Tuân) đi lãnh án tử với thái độ trang nghiêm, dũng cảm và hân hoan. Cha phải bước đi khó khăn, chậm chạp vì hai chân bị xiềng xích nặng nề. Khi tới nơi xử, cha quỳ gối xuống, kêu tên cực thánh Giêsu, biiểu lộ lòng tin yêu và phó thác, rồi bình thản đón chờ cái chết. Có nhiều người đã chứng kiến cái chết oai hùng của cha. Tôi đến gần và lấy vải thấm máu cha vừa đổ xuống”.
 
Trường thi tử Đạo

Linh mục Tuân quê hương Trần Xá
Sinh Tân Mùi (1811) ba má nhà nông
Cảnh nhà nghèo lại con đông
Gia đình đạo đức cộng đồng Thánh gia
 
Giuse Tuân mẹ cha giáo dục
Cả gia đình ơn phúc Kitô
Ðức tin vững mạnh tung hô
Phượng thờ Thiên Chúa điểm tô rạng ngời
 
Tuân được chọn từ thời niên thiếu
Vào chủng viện năng khiếu triển khai
Thông minh đạo đức hiền tài
Sau về thần học, Ðức Ngài tấn phong
 
Chức Linh Mục quan phòng ơn Chúa
Ít lâu sau tuyên hứa nhập dòng
Ðaminh lễ khấn đã xong
Lên đường rao giảng cầu mong ơn lành
 
Thời bách hại Cha đành lẩn trốn
Thăm đoàn chiên khắp chốn bơ vơ
Âm thầm phục vụ đón chờ
Biết bao nguy hiểm bất ngờ xảy ra
 
Xứ Ngọc Ðồng bà già bệnh nặng
Sai con đi để đặng đón Cha
Xức dầu giải tội cho bà
Người con bất hiếu nó đà tố quan
 
Ham tiền thưởng sẵn sàng phản bội
Quan cho vây để về bắt Cha
Ngài đang xức dầu bà già
Lính liền trói bắt giải tòa Hưng Yên
 
Chúng nộp Ngài quan trên tuần phủ
Tại nơi đây lãnh đủ khổ hình
Hù Cha nhìn thấy thất kinh
Sau quan dụ dỗ chưa trình Vua phê
 
Hãy quá khóa ra về thoải mái
Còn quyền ta trở ngại gì đâu
Cha Tuân cương quyết khởi đầu
Tôi đây Linh Mục cho dầu khó nguy
 
Ðường lối Chúa sẵn đi tới đích
Về nước Trời giải thích quan hay
Giàu sang phú quý đời này
Như cơn gió thoảng cuốn bay còn gì
 
Tình yêu Chúa mới thì bền vững
Trước giáo gươm ta đứng hiên ngang
Ðầu rơi tử đạo sẵn sàng
Nhờ quan chuyển án lên đàng cho Vua
 
Người chiến sĩ chạy đua tới đích
Ra pháp trường mục kích Sông Hồng
Nhiều người trong đám dân đông
Nhìn Cha thọ án mà lòng thương riêng
 
Ngài bước chậm bị xiềng quá nặng
Cha kêu tên nghe đặng Giêsu
Hồng ân tử đạo hộ phù
Linh hồn Chúa thưởng thiên thu Nước Trời
 
Thi hài được về nơi an táng
Chết oai hùng xứng đáng con Cha
Máu đào tử đạo chan hòa
Nảy sinh hạt giống quê ta rạng ngời
 
Phúc tử đạo đẹp ơi Tân Dậu (1861)
Bỏ thế gian để tậu Nước Trời
Gan vàng, dạ sắt tên người
Suy tôn Tân Mão (1951) tuyệt vời thánh nhân
 
Lời bất hủ: Dù cha bị hành hạ tra tấn gông cùm vẫn hiên ngang trung thành với Thầy Chí Thánh Giêsu, bất chấp những đau đớn và khổ hình trong tù, cha vẫn tiếp tục rao giảng tình thương vô biên của Thiên Chúa, cha khích lệ, nâng đỡ tinh thần những anh em giáo hữu đang bị giam cầm, an ủi những anh em giáo hữu âm thầm đến thăm cha và ban Bí tích cho họ.

 
tinmung.net

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:04

PHÁ THAI VÀ BẢN ÁN LƯƠNG TÂM

Filled under:

PHÁ THAI VÀ BẢN ÁN LƯƠNG TÂM
Có lẽ, nói đến vấn nạn phá thai chẳng khác nào “múc nước biển đổ vào hang còng”. Tất cả đều đã rõ ràng: sự lan tràn của nạn phá thai, và quan điểm của Giáo hội về vấn đề này cũng đã minh định. Tuy nhiên, qua một sự kiện mắt thấy tai nghe, người viết xin được nói lên những ý nghĩ, thao thức bản thân, cũng như nhắc lại các lập trường của Giáo hội về phá thai.
Với quan điểm: tình yêu là tính dục, nhiều ban trẻ đã sẵn sàng dâng cái “ngàn vàng” để chứng tỏ mình là “gái ngoan”, thể hiện đẳng cấp và khả năng thích ứng tốt cuộc sống. Họ đề cao hưởng thụ và sự tự do vượt rào, nên việc phá thai được coi như chuyện bình thường: đã yêu thì phải thế. Do đó, bạn trẻ nào chưa ăn “trái cấm” hay “cầm chuông đi bêu đất người”, thì bị xem là người thượng cổ hay bà già khó tính của thời đại.
Tuy nhiên, đàng sau bức màn của sĩ diện và hưởng thụ là sự dày vò lương tâm của những ai đã một lầm “đứt gánh giữa đường”.Nỗi ám ảnh của những người phá thai là luôn cho mình đã giết đứa con vô tội. Nó tựa như tảng đá đè nặng cõi lòng và biến tâm hồn thành bãi chiến trường tha ma vì luôn bị xâu xé và căng thẳng. Dao kéo đã giết chết đứa con vô tội, đồng thời cũng tạo nên một vết thương nơi tâm hồn người mẹ làm nhói đau ngày đêm. Có thể nói, qua hành vi phá thai, người mẹ đã tự đưa ra bản án “tử hình” cho lương tâm bằng chính nỗi nhớ thương và mặc cảm tội lỗi.
1  Sự Kiện
Trong chuyến xe Bus Hàm Tân- Đà lạt, khi trò chuyện với người bên cạnh, một người phụ nữ đã kể về câu chuyện đời mình như sau: cách đây 12 năm, lúc mối tình đầu dang dỡ, cô đã đành tâm phá bỏ cái thai đã 5 tháng của mình, vì sợ gia đình và bạn bè biết. Cô nghĩ rằng làm như vậy sẽ có tương lai. Vã lại, thời nay phá thai là chuyện bình thường, ngay cả bạn bè mình cũng có đôi người làm như thế.
Nhưng sau biến cố này, người phụ nữ chưa một ngày nào được an vui thực sự. Mỗi khi màn đêm buông xuống là lúc những giọt nước mắt lại trào dâng. Câu hỏi mà lương tâm thường đặt ra cho cô: Tại sao lại làm như thế? Đôi lúc như nghe tiếng đứa con về chất vấn mẹ: Tại sao mẹ lại giết con? Mặc dầu đã có chồng và sinh được hai người con, nhưng vẫn không vơi đi nỗi nhớ thương đứa con mà mình đành tâm dứt bỏ. Đàng khác, lúc chăn sóc hai đứa con, thì trong lòng lại ước muốn chăm sóc đứa con chưa một lần gặp mẹ. Chính quyết đinh thiếu sáng suốt ấy đã làm tâm hồn cô héo mòn từng ngày vì nỗi ân hận và thương tiếc.
2  Vấn Nạn Phá Thai Ở Việt Nam
Tại Hội nghị thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên và nhi đồng của Quốc hội do Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tổ chức ngày 27/8/2014 cho biết: Mỗi năm Việt Nam có hơn 300.000 vị thành niên phá thai. Riêng tại bệnh viện Từ Dũ, hằng năm có khoảng 26. 655 trường hợp phá thai, trong đó tuổi vị thành niên chiếm 6, 05%. Bên cạnh đó, tại buổi Mít tinh kỷ niệm ngày Dân số Thế giới diễn ra ngày 8/7/2914, một báo cào của Quỹ Dân số Thế giới chứng minh Việt Nam là một trong năm nước có phụ nữ phá thai cao nhất thế giới và đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á.
Dĩ nhiên, đây chỉ là mặt nỗi của tảng băng. Bên cạnh những bệnh viện và trung tâm phá thai được Nhà nước công nhận, còn có vô số những nơi thực hiện hành vi này cách lén lút và nhiều bạn trẻ tìm đến đó để giải quyết sự việc cách nhanh gọn. Họ không cần đến sự an toàn mà cần “bịt đầu mối” để khỏi mất thanh danh cùng bạn bè, hang xóm và người thân. Họ thích hưởng thụ nhưng không muốn lãnh nhận trách nhiệm hay chân thành đối diện với sự thật. Cuộc đời của họ bị các cơn sóng dễ dãi chôn vùi trong ích kỷ và gian dối. Họ chạy trốn cuộc sống thật để lui vào khung trời ảo tưởng bởi lối sống “mì ăn liền”.
Chắc hẳn với con số phá thai vừa nêu trên, mỗi người cần thành tâm nhìn lại lối sống, cách hành xử, quan niệm, xu hướng và phương pháp giáo dục: Đâu là nguyên nhân dẫn các bạn trẻ vào vực thẳm phá thai này? Có nên đỗ lỗi hết cho họ không hay những bậc cha mẹ và những người đảm nhận việc giáo dục cũng có phần trách nhiệm? Chúng ta coi chuyện này là bình thường, hay nó đã như con đập tan vỡ không có khả năng chống cự? Phá thai là một tội ác hay việc làm nhân đạo, một lối thoát cho các bạn trẻ? Đâu là cách thức giúp các bạn trẻ nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống?
Chắc hẳn, phá thai không phải là một lối thoát tối ưu cho các bạn trẻ. Trong thực tế, nó là một ngõ cụt, là vực thẳm chôn vùi các bạn trong u mê hờn oán. Các bạn trẻ mất hết phương hướng và ở trong vòng tròn khép kín của hối hận và hưởng thụ. Họ muốn tìm một lối thoát, nhưng chính những người dẫn lối đưa đường lại đẩy họ vào vòng lao lý của bất an và khổ đau.
Chúng ta cùng đưa ra một vài nguyên  nhân dẫn đến phá thai
* Thiếu Suy Nghĩ Chín Chắn
 Các bạn trẻ thường thích đua đòi, chạy theo thời cuộc nên thiếu cân nhắc lựa chọn và không quân bình trong cuộc sống. Họ thích sống với cái ảo của một tình yêu dâng hiến mà ít quan tâm hậu quả của nó sẽ ra sao.Như vậy, cuộc đời nhiều bạn trẻ đặt nền móng trên cảm tính, xung năng dục vọng và được bao bọc bởi sự đua đòi.Họ quyên rằng giá trị cuộc sống không khởi đi từ sự dễ dãi, nhưng bằng những nỗ lực bản thân và thậm chí cả những giọt nước mắt.Bởi vì, sự dễ dải làm cho chúng ta thoãi mái nhưng không làm cho chúng ta lớn lên.
* Chứng Tỏ Tình Yêu Cho Bạn Đời
Yêu mà không “trao gửi” tất cả là chưa yêu thật.Tình yêu phải được chứng minh cụ thể bằng hành động trao hiến bản thân.Tuy nhiên, đàng sau sự trao tặng là một nỗi sợ hãi dồn dập khi “có chuyện không may” xảy ra. Nhiều bạn không biết phải làm gì với bạn bè, gia đình khi biết mình “gái chưa chồng mà chữa”. Do đó, họ tìm đến phá thai như một sự lối thoát.
            *  Nền Giáo Dục Gia Đình
Có lẽ, chúng ta không nên đổ hết lỗi lên các bạn trẻ, nhưng cũng có một phần do đời sống và giáo dục gia đình. Với lối sống hưởng thụ và tranh đua đã làm cho nhiều gia đình đổ vỡ. Người ta lo kiếm tiền để ăn chơi mà không lo trồng “Đức” để đời cháu con. Vã lại, do công việc đòi buộc, nhiều cha mẹ giao khoán mọi sự cho Ô sin và nhà trường. Họ có thời gian cho công việc, bạn bè, du lịch, mà thiếu thời gian dành cho con cái. Bởi đó, các bạn trẻ này có tiền mà không có tình, nên nhiều bạn lấy tiền cha mẹ để “mua” những tình cảm hời hợt và chóng qua bên ngoài gia đình.
Có thể nói, không ai khi thực hiện phá thai mà tâm hồn cảm thấy bình an. Nếu mang thai là bước đường cùng, thì việc phá thai là một vực thẳm chôn vùi các bạn trẻ. Người ta có thể dấu sự việc với người khác, nhưng không thể che lấp được tiếng nói lương tâm. Hơn bất cứ ai, tiếng nói lương tâm là một quan tòa công minh, dám nói thật và tố cáo những hành vi hèn nhát của bản thân. Lương tâm không có chỗ cho sự dễ dãi và lừa dối. Các bạn trẻ có thể giết chết đứa con vô tội, song khó bóp nghẹt tiếng nói lương tâm. Đó là lý do khiến cho cuộc đời nhiều bạn trẻ đan dệt bởi những âu lo, mặc cảm tội lỗi và thiếu bình an nội tâm. Vậy đâu là cái nhìn của Giáo hội về vấn đề phá thai?
3  Quan Điểm Của Giáo hội Về Phá thai.
Trong Thông điệp Humanae, đức giáo hoànPhaolô VI khẳng định: “Không thể nào chấp nhận- vì việc đó bất hợp pháp- việc điều hòa sinh sản bằng cách trực tiếp ngăn chặn sự diễn biến đã khởi sự một mầm sống, và nhất là việc cố ý phá thai dù với lý do y tế cũng vậy[1]. Các nghị phụ của Công đồng Vaticanô II cũng đã mạnh mẽ nói lên quan điểm này: “Thiên Chúa là sự sống, đã trao cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo tồn sự sống, và họ phải chu toàn bổn phận ấy cách xứng hợp với con người. Do đó, sự sống này từ lúc thụ thai đã phải được giữ gìn hết sức cẩn thận; phá thai và sát nhi là một tội ác ghê tởm[2]. Không chỉ những người thực hiện phá thai mà ngay cả những ai cộng tác vào việc này cũng bị mang trọng tội. Chiếu theo Giáo luật sẽ bị vạ tuyệt thông: “Người nào thi hành việc phá thai, và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết[3], nghĩa là “tức khắc do chính sự kiện phạm tội[4].
Quyền được sống và được toàn vẹn thân thể mà mỗi thụ tạo nhân linh được hưởng từ lúc thụ thai đến khi chết là quyền bất khả nhượng phải được xã hội dân sự công nhận và tôn trọng. Những người này không tùy thuộc vào cá nhân, gia đình hay xã hội, nhưng nó gắn liền với bản tính và nguồn gốc con người[5]. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo đã nói: “Vì phải được đối xử như một nhân vị từ lúc tượng thai, nên phôi thai phải được bảo vệ, chăm sóc và chữa trị trong sự toàn vẹn của nó[6]. Ý hướng này chúng ta cũng gặp thấy nôi Huấn thị Dignitas Personae: “Thực tại con người, trong suốt cuộc sống của nó, cả trước và sau khi sinh, không cho phép ta khẳng định một sự thay đổi bản tính, cũng không cho phép khẳng định một sự biến thiên dần về giá trị luân lý, vì nó có một phẩm chất nhân học và luân lý đầy đủ. Bởi thế, phôi thai người, có một phẩm giá riêng của nhân vị[7].
Trong Tông Huấn Evangelii Gaudium, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xác định lại lập trường của Giáo hội: “Trong số những người yếu đuối ấy mà Hội thánh muốn yêu thương chăm sóc có những thai nhi… Người ta thường chế diễu những nỗ lực của Hội thánh nhằm bảo vệ mạng sống các thai nhi… nhưng việc bảo vệ sự sống chưa được sinh ra này gắn liền với việc bảo vệ tất cả các quyền của con người… Chính vì đây là một nhất quán nội tại của sứ điệp của chúng ta về gái trị của nhân vị, đừng mong Hội thánh thay đổi lập trường của mình về vấn đề này[8]. Nơi diễn văn đọc trước các đại sứ quán cạnh Tòa thánh ngày 13/01/2014, Đức Giáo Hoàng đã nhắc đến văn hóa loại bỏ của xã hội thời nay: “Tiếc thay không chỉ có lương thực hay những của cải dư thừa mới bị loại bỏ, nhưng cả đến chính con người cũng thường bị loại bỏ như thể họ là những món đồ không cần thiết. Chẳng hạn, chỉ cần nghỉ đến những trẻ em không bao giờ được chào đời, những nạn nhân của phôi thai… một tội ác chống lại nhân loại; những điều ấy làm chúng ta kinh hoàng”. Đức Giáo Hoàng còn nhấn mạnh điều này trong buổi nói chuyện các nhà phụ khoa công giáo ngày 20/9/2013: “Một đứa trẻ không được sinh ra, nhưng bị kết án phá thai một cách bất công, đều mang khuôn mặt của Chúa, là Đấng đã cảm nghiệm bị thế gian từ khước ngay cả trước khi sinh ra cũng như khi mới sinh ra”.
Dĩ nhiên, Giáo hội không cố ý đặt giới hạn cho lòng thương xót, nhưng muốn nói rõ tính nghiêm trọng của tội ác đã phạm, sự thiệt hại không thể sửa chữa được mà hành vi phá thai đã gây ra cho những người vô tội bị giết chết, cho cha mẹ và cả xã hội. Vã lại, chúng ta là những người quản lý, chứ không phải cầm quyền sinh tử trên người khác. Đi quá giới hạn này, chúng ta là những người thay thế Chúa, chứ không phải là người thay mặt Chúa. Đây là một hệ luận tai hại mà con người thời nay đã gây ra cho chính mình. Họ cứ tưởng con người là “chúa”, thay trời hành đạo nên có quyền định đoạt những gì mình muốn và có lợi. Họ nghĩ đến lợi tức kinh tế mà không quan tâm đến nỗi đau của những ai đã một lần phá thai. Họ quan niệm phá thai tự do là một lối thoát cho những ai gặp phải khốn cùng, song trong thực tế, nó là hàng rào thép gai đang vây hãm và làm nhói đau tâm hồn.
Giáo hội không đặt quyền sống con người dưới cái nhìn lợi tức kinh tế, nhưng nhìn trong chính bản tính của nó: được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1, 27). Hơn nữa, qua những quy luật có vẽ khắt khe và khô cứng của Giáo hội về phá thai lại là những bậc thang giá tri để xây dựng cuộc sống vững bền và ý nghĩa. Nó có khả năng giải gỡ con người khỏi nỗi bất an, mặc cảm tội lỗi hầu mang lại nét tươi vui và an hòa trong cuộc sống.
   Montfort Nguyễn Xuân Pháp CT




[1]Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông Điệp Humanae, ban hành ngày 25/7/1968, sớ 14.
[2] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium Et Spes, Học viện Piô X dịch năm 1972, số 51.
[3] Bộ Giáo luật 1983, số 1398
[4]Sđd , số 1314.
[5]X. Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Donum Vitae, ban hành 1988, số 98- 99.
[6]Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2274.
[7]Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Dignitas Personae, ban hành ngày 8/9/2008, số 5.
[8]Đức Giáo hoàng Phanxicô, Thông Điệp Evangelii Gaudium, ban hành ngày 24/11/ 2013, số 213.

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:00

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 30/04/2018

Filled under:

Lời Chúa: Ga 14, 21-26
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” Ông Giuđa, không phải Giuđa Ítcariốt, nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Đức Giêsu đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”.
Suy nim 1
“…Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn.
Linh hồn phải giữ linh hồn, đến khi gần chết được lên thiên đàng”.
Đó là phần cuối của một bài đồng dao quen thuộc cách đây mấy chục năm.
Bài hát này đi kèm với trò chơi thiên đàng hỏa ngục hai bên của trẻ nhỏ.
Thiên đàng là điểm đến tối hậu của đời người kitô hữu.
Nhưng mô tả thiên đàng lại là điều vượt sức con người.
Thánh Phaolô đã được nghe những lời khôn tả ở đó,
nhưng tiếc là ngài không được phép nói lại (2 Cr 12, 4).
Đức Giêsu đã dùng hình ảnh bữa tiệc để nói lên bầu khí thiên đàng,
nơi có niềm vui, hạnh phúc và sự hiệp thông 
giữa Thiên Chúa và những người từ bốn phương thiên hạ (Mt 8, 11).
Nếu coi thiên đàng là nơi con người được hạnh phúc bên Thiên Chúa,
trong một tương quan tình yêu, diện đối diện và vĩnh viễn,
thì thiên đàng ấy đã chớm nở ngay từ đời này rồi.
Khi yêu Thầy Giêsu, người môn đệ sẽ được Thầy yêu lại.
Hơn nữa, chính Chúa Cha cũng yêu mến người ấy (c. 21).
Và điều con người không dám mong sẽ xảy ra sau Phục sinh :
“Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy và sẽ ở lại với người ấy” (c. 23).
Thiên đàng bắt đầu với sự trao đổi tình yêu qua lại 
giữa người môn đệ với Cha và Con.
Nơi nào có Thiên Chúa cư ngụ, nơi đó là thiên đàng.
Khi Cha và Con đến dựng nhà nơi người môn đệ trung tín,
tâm hồn người ấy trở thành thiên đàng.
Hạnh phúc đã được nếm cảm trong giây phút hiện tại rồi 
trước khi được hưởng trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.
Nhưng không phải chỉ có sự hiện diện của Cha và Con,
Người môn đệ còn có Thánh Thần ở với và ở trong mình (Ga 14, 16-17).
Như Cha đã sai Con, nay Cha lại sai Thánh Thần (c. 26).
Thánh Thần sẽ là thầy dạy và là người gợi cho các môn đệ 
nhớ lại và hiểu thấu những gì Đức Giêsu đã làm (x. Ga 2, 22; 12,16).
Vậy nơi tâm hồn người môn đệ, có sự hiện diện của cả Ba Ngôi Thiên Chúa.
Một thiên đàng nho nhỏ ngay ở đời này!
Muốn cho thiên đàng ấy tồn tại, 
cần giữ các điều răn của Thầy Giêsu với rất nhiều tình yêu.
Hãy yêu bằng hành động hơn là bằng cảm xúc.
và để cho tình yêu Giêsu chi phối mọi chi tiết của đời ta.
Cầu nguyn:
Ngài đã xuống tận đáy lòng con,
xin cho con chỉ tập trung
vào tận đáy lòng con.
Ngài là thượng khách của lòng con,
xin cho con bước vào nhà
là chính đáy lòng con.
Ngài chọn cư ngụ trong lòng con,
xin cho con biết ngồi yên
ngay tại đáy lòng con.
Duy Ngài ở lại trong con,
xin cho con biết chìm sâu
xuống tận đáy lòng con.
Duy Ngài hiện diện trong lòng con,
xin cho con biết xóa mình
khi Ngài ở bên con.
Khi con đã gặp Ngài,
không còn con và Ngài nữa.
Con chẳng là gì cả,
và Ngài là tất cả.
(Theo Swami Abhisiktananda)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
SUY NIỆM 2       
                                                  

Điểm nổi bật trong trình thuật của thánh Gioan về những giờ sau cùng của Chúa Giêsu trước cuộc thương khó, chịu chết và phục sinh là lặp đi lặp lại động từ “yêu mến”. Quả thật, Người yêu các môn đệ của mình cho đến cùng (x. Ga 13, 1).

Điều này càng được củng cố trong ‘diễn từ ly biệt’ khi Chúa Giêsu minh chứng cho tình yêu đó bằng việc cam đoan sẽ luôn luôn hiện diện với các môn đệ qua hoạt động của Chúa Thánh Thần. “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14, 16). Chính sự hiện diện của Chúa Thánh Thần sẽ nhắc nhớ và làm cho người môn đệ cảm nhận sâu xa hơn tình yêu của Thầy chí thánh Giêsu. “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 26).

Quả thật, nhờ ơn Chúa Thánh Thần các môn đệ từ những người nhát đảm, yếu hèn trở nên những chứng nhân kiên trung làm chứng về một Đức Giêsu Kitô đã chết và phục sinh, cũng như hăng say loan báo Tin Mừng tình yêu cứu độ của Người cho khắp muôn dân. 

Lời cam đoan của Chúa Giêsu hôm nay cũng khơi lên trong lòng mỗi người chúng ta niềm an ủi và sự nâng đỡ. Chúa không bao giờ để chúng ta đơn độc trên đường đời. Trái lại, Người luôn ở kề bên chúng ta, luôn quan phòng yêu thương và ban Thánh Thần của Người để soi sáng, hướng dẫn, ngõ hầu chúng ta mãi trung thành sống đức tin và vững bước trên hành trình về quê hương thiên quốc hưởng sự sống vĩnh cửu với Người. 

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin luôn đồng hành và giúp chúng con nhận ra sự hiện diện yêu thương của Chúa trong cuộc đời chúng con, nhất là khi chúng con đối diện với những khó khăn, thử thách. Xin ban Thánh Thần của Chúa để Ngài giúp chúng con cảm nhận được sâu xa hơn tình yêu Chúa và nhiệt tâm mang tình yêu đó đến cho anh chị em mình. Amen.



GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn03:58

Theo phúc trình của Hoa Kỳ: Tự do tôn giáo đang xuống dốc

Filled under:


Theo phúc trình của Hoa Kỳ: Tự do tôn giáo đang xuống dốc

Một tấm áp phích Chúa Giêsu Kitô đổ máu được nhìn thấy bên trong Nhà thờ Cá Thánh Coptic ở thành phố cảng Địa Trung Hải Alexandria

Phúc trình nêu bật Trung quốc và Pakistan là hai quốc gia đặc biệt quan tâm

Một phúc trình của Hoa Kỳ đã cảnh báo về việc tự do tôn giáo đang xuống dốc trên toàn thế giới. Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố báo cáo thường niên vào ngày 25 tháng Tư và tuyên bố sự tự do tôn giáo tồi tệ hơn trên toàn cầu.

Phúc trình nhấn mạnh việc đối xử tồi tệ về tự do tôn giáo ở các nước Á châu: Trung quốc, Iran, Bắc Triều Tiên, Pakistan, Ả Rập Xê Út, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Nga, Sudan và Cộng hòa Trung Phi cũng là những quốc gia mà USCIRF đề nghị Bộ Ngoại giao công nhận những quốc gia quan này là những quốc gia quan tâm đặc biệt (CPC).

Chủ tịch USCIRF Daniel Mark đã trích dẫn những lo ngại đặc biệt về tự do tôn giáo ở Pakistan “Những gì chúng tôi đã nói trong nhiều năm đó là Pakistan là quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới không được chỉ định vào CPC. Pakistan là một quốc gia đứng đầu thế giới trong việc bỏ tù và kết án, truy tố về tội phỉ báng và bội đạo, và những sự việc như thế,” Mark nói với CNA.

Phúc trình nói rằng 40 người đã bị kết án trong năm ngoái theo luật báng bổ hoặc tử hình hoặc án tử hình.

Tình trạng này đã trở nên tồi tệ hơn vào tháng Mười Hai năm 2017 khi những người ôm bom tự sát Nhà nuốc Hồi giáo tấn công một nhà thờ ở Quetta, Pakistan giết chết chín người.

“Do sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan ở Pakistan ... chúng tôi thực sự nghĩ rằng áp lực này phải được duy trì,” Mark nói.

Phúc trình cũng đề cập đến cuộc đàn áp người Công giáo của Trung quốc với Hiệp hội Yêu nước Công giáo Trung quốc đánh dấu kỷ niệm lần thứ 60 vào năm 2017. Hiệp hội này là một phần trong nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm điều hành mọi phương diện của đức tin theo tình xã hội với ‘những đặc thù Trung quốc.’”

Khác với Cuba, tất cả 28 tiểu bang được phân loại là những kẻ phạm tội tồi tệ nhất chống lại quyền tôn giáo nằm ở Đông bán cầu.

USCIRF đề nghị chính phủ Hoa Kỳ tập trung nỗ lực hỗ trợ về việc thả tù nhân lương tâm. Một ví dụ điển hình cho những nỗ lực như vậy là chuyến viếng thăm gần đây của Đại sứ lưu động phụ trách Tự do Tôn giáo Quốc tế Sam Brownback tới Thổ Nhĩ Kỳ để vận động cho việc phóng thích mục sư Andrew Brunson nổi tiếng Mark.

Trên một lưu ý tích cực nữa, Mark cho biết sự kiểm soát suy yếu của ISIS ở Trung Đông đã mang lại một số cải tiến cho khu vực này.

“Sự phản kháng chống lại ISIS ở Iraq và tái chiếm tất cả hoặc gần như hầu hết lãnh thổ là hoàn toàn quan trọng trong việc cứu mạng sống. Và một điều khác được chú ý nhiều hơn là hợp tác quốc tế. Thật tuyệt vời khi thấy rằng vào ngày 1 tháng Giêng, Đan Mạch đã mở một văn phòng mới với một đại sứ đại diện cho vấn đề này và chúng tôi hy vọng sẽ thấy nhiều quốc gia noi theo.”

Jos. Tú Nạc, Nguyễn Minh Sơn

Posted By Đỗ Lộc Sơn03:51

Phút suy niệm ngày 30/4/2018

Filled under:

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.” (Ga 14,23)
 Anh không những được Chúa dựng nên với tay chân mắt mũi lành lặn, Ngài còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, mà anh lại không yêu mến và sống theo lời dạy của Chúa sao?” (Thánh Phanxicô Assisi).
Thánh Phao-lô nói: “Yêu mến là chu toàn lề luật” (Rm 13,16).
 Lạy Chúa Giê-su, xin cho con luôn biết yêu mến Lời Chúa dạy và vâng giữ Lời Ngài, vì đó là Lời mang lại sự sống và hạnh phúc đích thực cho con.


THÁNH PIÔ V GIÁO HOÀNG
(1504 -1572)
"Những gì không thuộc về Thánh giá Chúa Kitô sẽ không làm cho chúng ta được vinh hiển". Đó là lời thánh Giáo Hoàng Piô V đã tuyên bố sau 60 năm tận tụy phụng sự Thiên Chúa, Giáo hội và phần rỗi nhân loại. Lời đó nhắc lại cho chúng ta giá trị đời đau khổ mà Chúa đã thánh hóa bằng Thập giá, nhưng đồng thời cũng tóm tắt đầy đủ đời sống thánh thiện của chính thánh nhân.
Thánh Giáo Hoàng Piô V tên thật là Micae Ghislieri. Ngài sinh ngày 17-01-1504 tại Bosco, một làng nhỏ xinh xinh thuộc địa phận Tortona và không xa thành Alexanđria. Đầu tiên cha mẹ ngài rất giầu sang và có thế lực, nhưng dần dần gia cảnh bị sa sút, ông bà phải tần tảo lắm mới nuôi nổi đàn con đông đúc. Cũng vì thế, Micae vừa lớn lên đã phải đi chăn chiên. Sau ba năm sống lặn lội với đoàn chiên, năm 1517, Micae được cha mẹ cho đi trường học. Còn gì hạnh phúc cho cậu hơn. Cậu coi đó là hồng ân Chúa quan phòng. Vì thế cậu sống ngoan ngoãn với các vị giáo sư, cần mẫn học tập và cố gắng thực hiện bác ái. Lợi dụng những giờ nhàn rỗi, Micae một mình vào nhà thờ cầu nguyện. Chính trong những giờ phút vắn vỏi nhưng quý báu này mà Micae đã được nghe tiếng Chúa gọi sống đời tận hiến. Năm 1518, Micae xin nhập dòng thánh Đaminh, và năm sau được nhận lời khấn trọng thể tại tu viện Vigevanô.
Nhận rõ trí khôn thông minh và nhất là khiếu đặc biệt về khoa thần học của thầy Micae, các bề trên quyết định cho thầy theo học tại đại học Bologne. Mãn học, thầy Micae chịu chức linh mục và được cử giữ chức giáo sư suốt 15 năm. Ngài làm việc tận tụy và gây được nhiều ảnh hưởng nhờ ở đời sống thánh thiện và trí óc uyên thâm. Ngài giữ luật từng chi tiết nhỏ, tuyệt đối vâng phục bề trên và thân mật với mọi anh em. Vì thế đời sống ngài sáng chói nhân đức "vâng lời và bác ái". Hơn thế, cha Micae còn nổi tiếng là một chiến sĩ Phúc âm. Ngài không quản ngại dùng hết trí lực bênh vực chân lý Giáo hội, chống lại với nhiều tà giáo, nhiều bè rối...
Năm 1551, Đức Giáo Hoàng Giuliô III cử ngài làm việc ở Bộ thánh vụ, đến đời Đức Giáo Hoàng Phaolô IV, thì ngài chính thức được thăng làm Bộ trưởng Bộ Thánh vụ. Tiếp đó ngài được Đức Giáo Hoàng tấn phong Giám mục thành Sutri và Nêpi hai địa phận gần Rôma. Hai năm sau, ngài được cử làm Hồng y.
Địa vị cao sang đó không làm giảm đời sống khắc khổ của thánh nhân. Tuy là Hồng y nhưng ngài ăn mặc rất nghèo khó, từ chối mọi phần của cải cha mẹ chia cho. Dưới triều Đức Piô IV, ngài bỏ Rôma đi kinh lược các địa phận với mục đích cảnh tỉnh tinh thần tông đồ của hàng giáo sĩ và kêu gọi sự hợp nhất của giáo dân. Nhờ cuộc kinh lược lâu dài này, Đức Hồng y đã thu được nhiều tài liệu đem trình bày tại công đồng Triđentinộ Đời sống thánh thiện và nhiệt thành làm việc của Đức Hồng y đã khiến cho mọi người phải chú ý. Họ nhìn ngài với một thầm đoán: "Ngài sẽ làm Giáo Hoàng". Dự đoán ấy đã được Chúa Quan phòng chấp nhận và thể hiện. Ngày 07-01-1566, Đức Hồng y đã đắc cử làm Giáo Hoàng với danh hiệu là Piô V.
Lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Piô V để ý ngay đến việc thánh hoá hàng giáo sĩ. Ngài khuyến cáo những vị dù là Hồng y, Giám mục hay Linh mục thiếu tinh thần khó nghèo và chí nguyện tông đồ. Trái lại, ngài khích lệ và nâng đỡ những vị tỏ ra nhiệt thành trong việc vun xới vườn nho Thiên Chúa. Ngài rất khiêm tốn, nhưng cũng rất cương quyết. Hoạt động của Đức Thánh Cha không phải chỉ thu hẹp trong khu Vatican hay trong phạm vi truyền đạo. Nhưng Ngài đã khéo dùng quyền Chúa ban và địa vị của Giáo hội để đem hoà bình cho nhiều chính phủ, nhiều dân tộc, nhiều tổ chức. Ngài đã bận tâm không ít về chiến tranh của người Hồi giáo, đến những phương thế đưa người Do Thái về với đức tin, mặc dầu họ có thái độ kiêu căng. Đức Piô V làm việc như quên mệt, ngài hội kiến với các vị Hồng y ngay từ sáng sớm. Những khi rỗi việc, thay vì đi du ngoạn, Đức Thánh Cha kiên nhẫn ngồi nghe những lời tâm sự của đám dân nghèo. Người ta còn phải cảm phục biết bao khi thấy mỗi chiều thứ năm hằng tuần Ngài rửa chân cho 12 người nghèo và hôn kính họ, không kể chi những ung nhọt thối tha. Ngài đã cho lập hội "Nhân ái" tại Flôrencia với mục đích giúp đỡ và bênh vực những người tù tội, nô lệ, và bị oan ức. Ít lâu sau, Đức Giáo Hoàng lại truyền cho các thầy dòng thánh Gioan Thiên Chúa xây một bệnh viện tại Rôma. Công việc thành tựu, Đức Thánh Cha đến khánh thành và hàng tuần đến yên ủi các bệnh nhân. Ngoài ra Đức Thánh Cha còn trích nhiều số tiền với mục đích xây cất nhà thương và thể hiện những chương trình từ thiện khác. Đi đôi với những hoạt động bác ái, Đức Piô V còn lưu ý cách riêng đời sống thánh thiện của giáo dân. Ngài đã phát động nhiều phong trào ăn chay đền tội trong toàn Giáo hội. Và đó là phương thế Đức Thánh Cha muốn cho mọi người tín hữu cộng tác vào việc đương đầu với bè rối, nhất là các giáo phái thệ phản. Dựa vào quyền thế các Hoàng đế thiếu đức tin, các giáo phái này mỗi ngày một lan rộng và đàn áp giáo hữu tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Pháp, và đặc biệt tại hai nước Anh và Đức.
Đồng thời Đức Thánh Cha ra nhiều sắc lệnh ngăn cản trào lưu tư tưởng ngoại giáo tràn vào các đại học công giáo. Ngài săn sóc cách riêng các đại học Đức quốc. Chính Đức Thánh Cha khuyến khích tu sĩ Carnutô tên là Laurensô Suriô (Lauent Surius) tiếp tục nghiên cứu và viết về "đời sống các thánh Tông phụ" nhằm mục đích ngăn ngừa những luận điệu xuyên tạc của bè rối về tiểu sử các vị thánh. Năm 1576 Đức Piô V cũng ban bố sắc lệnh Ex omnibus affictionibus lên án 80 luận đề sai lạc của nhiều giáo sư đại học Louvain đã quá thiên về tư tưởng ngoại giáo, và thệ phản. Cũng với ý chí sắt đá ấy, Đức Piô V đã bảo vệ đức tin cho giới trí thức và sinh viên tại nước Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hoà Lan, và Thụy Điển...
Ngay trong năm đầu triều đại của Ngài (1566), Đức Piô V đã phải đương đầu với nhiều cuộc xâm lấn của hồi giáo. Thời ấy, quân hồi hồi nổi lên đánh phá khắp nơi. Người công giáo phải trải qua những ngày loạn ly khổ cực. Là người cha, Đức Giáo Hoàng không thể cầm lòng thấy đoàn con tan tác vì đức tin. Vì thế, Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi nhiều vương tước trung thành với đức tin dùng thế lực Chúa ban mà bênh vực Giáo hội. Đó là bước đầu cho phong trào "Đạo binh Thánh giá". Nhưng dầu sao đó chỉ là những phương tiện tùy tòng; đường lối hoạt động chính của Đức Thánh Cha vẫn là đời sống chay tịnh và cầu nguyện. Lời Quận công Soliman làm chứng điều đó: "Tôi sợ những lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha hơn là đoàn quân hùng hậu của Hoàng đế". Phải, chính nhờ sự hợp lực của toàn giáo dân về cả sức tự nhiên và siêu nhiên ấy, Đức Thánh Cha đã giữ vững con thuyền Giáo hội qua bao cơn giông tố và Nghĩa binh Thánh giá đã chiến thắng ở nhiều nơi. Đến nỗi nhiều cuộc thắng trận đã được coi như những phép lạ. Người ta kể: quãng năm giờ chiều ngày 7-10-1571, khi Đức Thánh Cha đang tiếp kiến các vị Giáo chủ, các Quận công thành Bussotti, bỗng nhiên cảm động nhìn qua cửa sổ hướng về miền đông, rồi Ngài quay lại, mặt sáng lên, Ngài nói với các vị: "Chúng ta không còn phải bận tâm nhiều nữa, nhưng chúng ta hãy đi cảm ơn Chúa, vì đạo binh công giáo vừa toàn thắng, kết thúc mọi phá hoại của quân thù". Từ chiều hôm đó, niềm hân hoan tràn ngập lòng mọi người tín hữu.
Cũng chính thời này, lòng thành kính của thánh Piô V đối với Đức Trinh Nữ Maria nổi bật đến tột điểm. Ngài đã sống và làm việc cho Giáo Hội dưới sự phù trợ của Đức Mẹ. Cuộc toàn thắng của nghĩa binh Thánh giá tại hải cảng Lêpangtê xứ Hy lạp được Ngài coi là do quyền phép của Đức Mẹ. Vì thế để ghi ơn Đức Mẹ, Ngài đã truyền thêm vào kinh cầu Đức Mẹ lời: "Đức Bà phù hộ các giáo hữu, cầu cho chúng con". Hơn thế, Ngài còn lập một lễ kính Đức Mẹ vào ngày 7-10 hằng năm với danh hiệu "Lễ Đức Mẹ Toàn Thắng". Lễ này được sửa đổi nhiều lần dưới nhiều triều Giáo Hoàng. Sau cùng Đức Piô VII định vào ngày 24-5 và đổi tên là "Lễ Kính Đức Bà phù hộ các giáo hữu". Còn ngày 7-10 dành kính Đức Mẹ mân Côi.
Nhưng để việc thánh hóa Giáo hội và bảo toàn đức tin được bền vững, Đức Piô V hết sức lưu tâm đến việc hướng dẫn và đào tạo hàng giáo sĩ. Ngài rất thận trọng trong việc cắt cử các vị Giám mục và truyền chức thánh cho các đại chủng sinh. Ngài dùng mọi phương thế giúp họ sống theo tinh thần kỷ luật và bác ái của Phúc âm. Nhưng nhất là Ngài có công nhiều trong Công đồng Triđentinô về việc sửa đổi lễ nghi phụng vụ, sách nguyện cho các linh mục, nhất là việc truyền giáo tại cả Đông Phương (Orient) và Tây Phương (Occident). Ngài lại chủ trương: các đại chủng sinh trước khi chịu chức linh mục phải qua nhiều năm thần học. Chính Ngài làm lễ tuyên phong Thánh Tôma (Thomas) làm tiến sĩ Giáo hội và buộc tất cả chủng sinh phải học khoa thần học của Thánh sư. Viết về những hoạt động và công việc cải cách của Đức Piô V một tác giả kinh nghiệm đã bày tỏ như sau: "Đường lối phục hưng của Đức Thánh Cha đã đưa lại nhiều kết quả tốt đẹp về đức tin, lòng đạo đức và cả về văn hoá, mỹ thuật. Ít có thời đại sung mãn sự thánh thiện như thời Đức Piô V".
Vì quá bận tâm với công việc, Đức Piô V như quên cơn bệnh đang phá hoại sinh lực; Ngài bị chứng sốt kinh niên ngay từ năm 1569. Dầu vậy Ngài vẫn yên lặng chịu bệnh và cứ hăng hái làm việc. Cuối năm 1571 cơn bệnh trở nên trầm trọng và Đức Thánh Cha phải nằm liệt giường. Biết ngày giờ đã gần đến, Đức Thánh Cha Piô V dọn mình sốt sắng và can đảm chịu bệnh hầu phụng sự Giáo hội cách hoàn hảo hơn. Suốt ngày đêm Ngài ôm chặt cây Thánh giá trên ngực và thầm thĩ với Chúa: "Lạy Chúa, xin thêm đau khổ cho con, xin giúp con nhẫn nại theo gương Chúa, xin cho con luôn nhớ rằng chỉ có những cái gì thuộc về Thánh giá Chúa mới làm cho con được vinh hiển".
Sứ mệnh trần gian đã hết, ngày 1-5-1572, Ngài được Chúa gọi về trời.
Xác Ngài được táng trọng thể tại thánh đường Đức Bà Cả (Sainte Marie Majeur). Năm 1671 Đức Giáo Hoàng Clêmentê X cất Ngài lên bậc Chân phước và năm 1710 Ngài lại được Đức Giáo Hoàng Clêmentê XI truy phong bậc Hiển thánh và định lễ kính Ngài hằng năm.
Lạy thánh Piô, người Chúa đã chọn để áp đảo quân thù của Giáo hội và để tu bổ việc tôn thờ Thiên Chúa, xin cho chúng con biết theo gương Ngài trung thành phụng thờ Chúa, để chúng con thắng được mọi mưu mô quân thù và được hưởng phúc thanh nhàn đời đời.

Posted By Đỗ Lộc Sơn03:43

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

SUY NIỆM CHÚA NHẬT NGÀY 29/04/2018

Filled under:

Lời ChúaGa 15, 1-8
    Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin. anh em sẽ được như ý. Ðiều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”
Suy nim 1
Thế giới hôm nay tiến bộ nhanh chóng về nhiều mặt:
nghiên cứu sự sống trên sao Hỏa, nối mạng Internet,
thành công trong phương pháp sinh sản vô tính...
Tưởng như chẳng có gì con người không làm được.
Nhưng thế giới vẫn lo âu vì chất thải ở khắp nơi,
môi trường sống bị hư hoại, chênh lệch giữa giàu nghèo,
nạn tham nhũng ở châu Á, sự hư hỏng của các bạn trẻ.
Cái vòng luẩn quẩn: ma túy, tình dục, AIDS, tội phạm
dẫn đến các chết bi đát cho nhiều thanh thiếu niên.
Con người đủ thông minh để tạo ra sản phẩm
nhưng lại không đủ bản lãnh để làm chủ chúng,
nên chúng quay trở lại làm chủ con người.
Khoa học vừa giải quyết, vừa gây thêm rắc rối.
Con người hôm nay bơ vơ, loay hoay, không cứu nổi mình.
Thế giới bế tắc, cần đến ơn cứu độ.
Ðoạn Tin Mừng mời ta nhìn lại sự cằn cỗi
của mình, của Hội Thánh, của cả thế giới.
Ðức Giêsu phục sinh như cây nho, các Kitô hữu là cành.
Cây và cành có cùng một sự sống, cùng một dòng nhựa.
Sự sống từ cây, làm cho cành sinh trái.
Cụm từ sinh hoa trái được nhắc đến 6 lần.
Cụm từ ở lại trong Thầy được nhắc đến 5 lần.
Không ở lại trong Thầy thì không thể sinh hoa trái.
Cứ nhìn hoa trái thì biết mức độ gắn bó của cành.
Có cành chỉ vờ gắn liền với cây nên không có trái.
Có cành đã sinh trái, nhưng cần sinh hoa trái hơn (c.2),
sinh hoa trái nhiều (c.8), sinh hoa trái bền vững (c.16).
Chúng ta vẫn chưa sinh trái như lòng Chúa mong
vì chúng ta không chịu để Ngài cắt tỉa.
Vinh quang của Thiên Chúa là chúng ta sinh nhiều hoa trái.
Thất bại của Thiên Chúa là sự cằn cỗi của con người.
Hoa trái là ước mơ của người trồng nho,
và cũng là sự triển nở của cây và cành nho.
Chẳng hề có sự xung đột giữa vinh quang Thiên Chúa
và vinh quang đúng nghĩa của con người.
Chỉ trong Chúa, con người mới thực sự triển nở, hạnh phúc.
Một sự độc lập khờ khạo sẽ dẫn đến héo khô.
Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.
Một lời mời gọi gần như là một lời nài van.
Sự ở lại chỉ hoàn hảo khi có đủ hai chiều.
Con người mãi mãi có tự do khước từ nguồn sống.
Ở lại trong Chúa không phải là lối nói văn chương.
Ðể ở lại cần phải trả giá.
Muốn được hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh,
ta cũng phải chia sẻ thập giá của Ngài.
Chính Ðức Giêsu cũng được cắt tỉa qua khổ đau và cái chết.
Hãy đón lấy sự sống của Chúa Phục Sinh,
như dòng nhựa nguyên tươi mới.
Hãy đóng góp những hoa trái tốt lành cho nhân loại,
để nhân loại nhận ra Cây Nho thật là Ðức Kitô,
và Người Trồng Nho là chính Thiên Chúa.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Suy niệm 2

Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa lắng nghe cho thấy Chúa Giêsu tha thiết được gắn bó mật thiết với các môn đệ thân thương của mình: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15, 4a).

Thật ra, việc mong muốn được ở kề bên những người mình thương mến là điều hết sức bình thường. Thế nhưng, lý do chính yếu mà Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ gắn kết với mình là vì Người muốn điều tốt đẹp nhất cho họ. “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15, 4b). Thậm chí, Chúa Giêsu còn khẳng định mạnh mẽ: “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5b). Tách rời khỏi Người là tự đi vào cõi diệt vong, như thể nhành nho bị cắt lìa khỏi thân nho sẽ khô héo, bị quăng ra ngoài và làm mồi cho lửa cháy (x. Ga 15, 6).

Lời mời gọi của Chúa Giêsu vẫn còn nguyên giá trị đối với con người chúng ta ngày nay. Là người Kitô hữu, chúng ta vẫn tin rằng hạnh phúc đích thực và ý nghĩa của cuộc sống con người chỉ có thể tìm được nơi Thiên Chúa. Tuy nhiên, những trào lưu thế tục, những xu hướng của thời đại đang lôi kéo con người dần dần xa rời Thiên Chúa. Và hậu quả là con người ngày càng phải đối diện với những bất ổn, khó khăn do chính mình gây ra: những giá trị nền tảng của gia đình rất dễ bị lung lay, đổ vỡ, những khủng hoảng trong nền đạo đức của xã hội gia tăng từng ngày, những xung đột giữa các dân nước ngày một căng thẳng, v.v. Vì thế, hãy để cho lời Chúa nhắc nhở và soi sáng, đưa mỗi chúng ta trở về sống kết hiệp mật thiết với Người hơn. Hãy tận dụng thời gian để đến với Chúa qua việc tham dự thánh Lễ, qua việc cầu nguyện, qua việc cùng nhau đọc những giờ kinh trong gia đình, v.v. Chỉ nơi Chúa, chúng ta mới có thể kín múc nguồn sức sống dồi dào; chỉ với Chúa, chúng ta mới có thể phát triển và sinh nhiều hoa trái của bình an, yêu thương và hạnh phúc cho mình và cho tha nhân. 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con phải hiệp thông mật thiết với Người để có thể được sống và sống dồi dào. Xin ban ơn giúp chúng con đừng bao giờ lìa xa Chúa hầu cuộc đời chúng con trở nên hữu ích cho phần rỗi của mình và tha nhân. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:17