Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

Đức Thánh Cha: Nền văn hoá mà người ta gọi là Kitô giáo rốt cuộc lại là ngoại giáo

Filled under:

Đức Thánh Cha: Nền văn hoá mà người ta gọi là Kitô giáo rốt cuộc lại là ngoại giáo


 Trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta hôm 29/11/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô suy niệm về sự huỷ diệt và niềm tin, thất bại và chiến thắng. Đức Thánh Cha cũng cảnh báo chúng ta không thể thoả hiệp giữa lối sống Kitô hữu với lối sống thế gian.
Chung cục của thế giới và chung cục của mỗi chúng ta sẽ xảy ra vào một ngày: đó là chủ đề của phụng vụ Lời Chúa tuần này nói với chúng ta và hai bài đọc hôm nay cũng thế. Bài đọc thứ nhất trích sách Khải Huyền của thánh Gioan tông đồ, miêu tả sự sụp đổ của thành Babilon, thành phố tráng lệ – biểu tượng của thế gian, của xa hoa, của tự đủ, của sức mạnh thế giới này. Bài đọc thứ hai trích từ Tin Mừng theo thánh Luca tường thuật về ngày tàn của thành Giêrusalem – biểu tượng của thánh đô.
Thành Babilon sụp đổ, mục nát
Trong ngày phán xét, thành Babilon sẽ bị tiêu diệt cùng với một tiếng hô vang chiến thắng. Đức Chúa xử phạt rằng “Con điếm cầm đầu” sẽ sụp đổ và người ta sẽ nhìn thấy bộ mặt thật của nó: “sào huyệt của ma quỷ, hang ổ của mọi thứ thần ô uế”. Đằng sau vẻ tráng lệ của mình nó hiện rõ sự thối nát, những lễ hội của nó chỉ là thứ hạnh phúc giả tạo, lừa lọc. Nó sẽ bị trừng phạt thẳng tay và “không ai còn tìm thấy nó nữa”.
Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn nghe tiếng nhạc sĩ gảy đàn, ca hát, thổi sáo và thổi kèn, – chẳng còn tiệc tùng hoành tráng, không còn nữa… Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn thấy thợ thủ công thuộc mọi ngành nghề – bởi vì ngươi không phải là thành phố của dựng xây, mà là thối nát. Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn nghe tiếng cối xay bột nữa. Ngươi sẽ là một thành được chiếu sáng nhưng lại không có ánh sáng. Thành ấy là thành thối nát. Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn nghe tiếng cô dâu chú rể. Có rất nhiều cặp đôi, có rất nhiều  người, nhưng lại chẳng có tình yêu. Sự sụp đổ ấy bắt đầu từ bên trong nó và sẽ kết thúc khi Đức Chúa nói: “Đủ rồi”. Và sẽ đến ngày Đức Chúa nói: “Đủ rồi đối với bộ mặt, với bề nổi của thế gian này”. Đó sẽ là cuộc khủng hoảng của một nền văn hoá mà người ta vẫn tin với sự tự hào, sung túc, chuyên quyền. Và kết thúc thế thôi.
Giêrusalem đã mở cửa cho những thứ ngoại bang
Giêrusalem sẽ nhìn thấy mình sụp đổ vì một loại sa đoạ khác: “sự mục nát do bội tín trong tình yêu, nó không có khả năng nhận biết tình yêu Thiên Chúa nơi Người Con Chí Ái”. Đức Chúa sẽ trừng phạt, sẽ để cho Thánh đô “bị những kẻ dân ngoại giày xéo, giẫm đạp” bởi vì nó đã mở con tim của mình cho những thứ ngoại bang.
Có những thứ ngoại bang hoá, tà giáo hoá trong đời sống, trong hoàn cảnh Kitô giáo chúng ta. Chúng ta sống như những Kitô hữu ư? Xem ra là thế. Nhưng sự thật thì sao, chúng ta sống như dân ngoại tà đạo khi chúng ta theo đuổi những thứ này, khi chúng ta bước vào sự quyến rũ của Babilon và rốt cuộc, Giêrusalem sống như Babilon. Bạn muốn làm cho những thứ không thể dung hợp kết hoà với nhau. Và cả hai sẽ bị xét xử, kết án. Bạn là Kitô hữu ư? Hãy sống như một Kitô hữu. Bạn không thể trộn nước lã với dầu ô-liu được. Chúng luôn khác nhau. Rốt cục, có một nền văn hoá đối chọi nhau ngay trong chính mình: người ta nói mình là Kitô hữu và sống như thể người ngoại.
Ơn cứu độ dành cho những ai hy vọng nơi Thiên Chúa
Trong hai bài đọc hôm nay, sau lời phán xử hai thành phố ấy, người ta sẽ lắng nghe lời Thiên Chúa, sau sự phá huỷ ấy sẽ là ơn cứu độ: “Và Thiên thần bảo: ‘Hãy đến đây: Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên!’. Một đại lễ, đại lễ thực sự!”
Có rất nhiều đau khổ, bi thương trong cuộc đời của chúng ta, nhưng hãy vượt lên những điều này, hãy nhìn đến những chân trời, bởi chúng ta được cứu độ và Thiên Chúa sẽ đến và cứu thoát chúng ta. Điều này dạy chúng ta sống những thử thách gian nan của thế gian này nhưng không thoả hiệp với tính thế gian, với tính ngoại bang tà giáo. Thoả hiệp chỉ đưa tới diệt vong thôi. Nhưng hãy sống trong hy vọng, đừng dính bén với cám dỗ thế gian và ngoại giáo, hãy nhìn về phía chân trời, hãy đặt hy vọng nơi Chúa Kitô, Thiên Chúa của chúng ta. Hy vọng là sức mạnh của chúng ta: hãy tiến bước. Nhưng chúng ta cần phải xin ơn Chúa Thánh Thần.
Tất cả sẽ sụp đổ: chỉ những ai khiêm nhường còn ở lại
Chúng ta hãy suy nghĩ về những thành Babilon của thời đại này, về những đế quốc hùng mạnh, như một Babilon ở thế kỷ trước đã sụp đổ. Và cũng thế những thành phố tráng lệ ngày nay sẽ tàn lụi. Và cuộc sống của chúng ta cũng suy tàn, nếu chúng ta tiếp tục đi theo con đường tà giáo hoá, dân ngoại hoá.
Chỉ những ai đặt hy vọng nơi Thiên Chúa còn ở lại. Vì thế, chúng ta hãy mở con tim của mình với đức cậy và hãy tránh xa những hình thức dân ngoại hoá trong thế giới này.
Trần Đỉnh, SJ

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:43

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - LỄ KÍNH THÁNH ANRÊ – TÔNG ĐỒ

Filled under:

“Các anh hãy theo tôi”(Mt 4, 18-22)

18 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá.19 Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.”20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông.22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

  1. Sự đột ngột của tiếng gọi
Theo lời kể của thánh Mát-thêu, cách Đức Giê-su kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên, trong đó có thánh An-rê mà chúng ta mừng kính hôm nay, và cách đáp lại lời mời gọi đi theo Ngài của họ thật là quá đột ngột, đến độ chúng ta có thể so sánh với « tiếng sét ». Và thực sự đó là « tiếng sét », bởi vì thánh sử Mát-thêu, và thánh sử Mác-cô cũng vậy, đã không kể lại bất cứ một biến cố nào hay một tiếp xúc nào có trước, nhằm chuẩn bị cho ơn gọi của bốn môn đệ đầu tiên.
Người ta thường cho rằng, Tin Mừng chỉ kể tóm tắt thôi, nhưng trong thực tế cần có sự quen biết và nhất là tìm hiểu trong một thời gian nào đó, để Đức Giêsu đi đến quyết định gọi bốn môn đệ đầu tiên, và để cho hai cặp anh em này, trong đó có thánh An-rê mà chúng ta mừng kính hôm nay, đi đến quyết định bỏ tất cả đi theo Đức Giêsu. Chẳng hạn, các bộ phim về cuộc đời Đức Giêsu thường tưởng tượng thêm giai đoạn tìm hiều giữa Đức Giê-su và những người được gọi đầu tiên. Nhưng tại sao Tin Mừng theo thánh Mat-thêu không kể rõ ra ? Chắc chắn là có sứ điệp gì đặc biệt muốn nói với chúng ta.

  1. Sự nhưng không của tiếng gọi
Trước hết, chúng ta được mời gọi nhận ra tính nhưng không của ơn gọi. Thật vậy, Đức Giêsu gọi hai anh em Phêrô và Anrê, hai anh em Giacôbê và Gioan, như các ông đang là, đang lay hoay với công việc, với những bận tâm của riêng mình, đang bân rộn với lưới với thuyền cùng với những người thân, khi họ đang bận tâm với những vấn đề của cuộc sống. Ngài dường như không cần chuẩn bị lâu dài các ông rồi mới gọi; tiếng gọi của Đức Giêsu thật nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người nghe.
Tiếng gọi của Đức Giê-su dành cho mỗi người chúng ta cũng nhưng không như thế, dù trong thực tế đã diễn ra như thế nào và đã trải qua những thăng trầm nào. Bởi vì, tiếng gọi của Chúa tự bản chất là nhưng không. Chúng ta đừng bao giờ để phai nhạt đi sự ngỡ ngàng đối với tiếng gọi nhưng không của Đức Giê-su: tại sao Chúa lại gọi con? Tại sao Chúa lại chọn con? Tại sao lại dẫn con đi trên con đường này? Tại sao Chúa lại sai con? Tại sao Chúa lại trao cho con sứ mạng này? Tại sao Chúa lại trao cho cho “chén” này?… Chúng ta hãy làm mới lại sự ngỡ ngàng đối với tiếng gọi của Đức Giê-su, vì đó là động lực giúp chúng ta làm mới lại lời đáp của chúng ta.

  1. Sức mạnh của tiếng gọi
Tiếp đến chúng ta được mời gọi chiêm ngắm sức mạnh của tiếng gọi. Thật vậy, tiếng gọi của Đức Giê-su mạnh đến độ làm bật tung « lập tức » (c. 20 và 22) các môn đệ đầu tiên ngay tại nơi các ông đang làm việc cùng với những người thân yêu, nơi ông gắn bó, nơi nuôi sống các ông và gia đình, nơi là sự nghiệp của ông, là cuộc đời của ông.
Chúng ta còn chậm chạp và dây dưa trong cách đáp lại, chính là vì chúng ta chưa thực sự nghe được tiếng Chúa. Vì thế, chúng ta hãy ước ao và xin đích thân nghe được tiếng Chúa gọi với tất cả sức mạnh của Lời Chúa, không chỉ một lần, nhưng hằng ngày và suốt đời. Lời Chúa sẽ đụng chạm đến chốn sâu thẳm nhất nơi con người của chúng ta, sẽ lôi kéo và biến đổi chúng ta, vì Lời Chúa là Lời tạo dựng nên chúng ta.
Ơn gọi thiết yếu là một tương quan: Chúa gọi và chúng ta đáp lại, nhưng thánh An-rê và các anh em khác « lập tức bỏ chài, bò thuyền, bỏ cha mà theo Người”. Vì đây là ơn gọi đầu tiên của mọi ơn gọi trong Giáo Hội mà Đức Giê-su sẽ thiết lập, nên cách Ngài gọi các môn đệ đầu tiên chính là nền tảng của mọi ơn gọi; và nền tảng thì luôn luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, trong mỗi ngày sống và nhất là mỗi khi chúng ta lựa chọn. Ơn gọi hiểu như thế, thì không thể chỉ là một biến cố đã qua, nhưng phải được sống và hiện tại hóa hằng ngày, thậm chí phải diễn ra hằng ngày.
Ngài đi ngang qua đời ta mỗi ngày, và lúc nào ngài cũng thấy chúng ta đang loay hoay làm cái gì đó, bận tâm chuyện gì đó. Ngài gọi chúng ta thật nhưng không, bao dung và quảng đại; và chúng ta được mời gọi đáp lại cách nhưng không, bao dung và quảng đại như lời đáp đầu tiên của chúng ta trong bước đường tìm hiểu và sống ơn gọi dâng hiến, theo gương của thánh An-rê Tông đồ.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Suy niệm 2

Trình thuật Tin Mừng mà chúng ta suy gẫm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên đi theo Người. Họ là: Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan. Khi gặp họ đang làm nghề chài lưới, Người bảo: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4, 19).

Lời kêu gọi của Chúa Giêsu cho thấy điều cốt lõi của người môn đệ là bước theo và ở lại với Người. Chính sự gắn kết mật thiết với Chúa, người môn đệ của Đức Kitô sẽ cảm thấu được tình yêu và thông hiểu được giáo huấn của Người. Nhờ đó, họ mới có thể trở nên “những kẻ lưới người”, rao giảng Tin Mừng tình yêu và mang nhiều người đến với ơn cứu độ của Chúa. 

Thánh Anrê mà Giáo Hội mừng kính hôm nay là một trong những môn đệ như thế. Sau khi ở lại với Chúa, nhận biết Người là Đấng Messia, học hỏi giáo huấn của Người, thánh nhân đã tín thác trọn vẹn cuộc đời mình cho Chúa và nhiệt thành cộng tác vào sự vụ cứu độ của Người.

Là Kitô hữu, chúng ta cũng được mời gọi bước theo Chúa Giêsu. Nhưng tâm thế của người môn đệ đích thực không chỉ là bước theo Chúa như những người đồng hành, mà còn là gắn bó mật thiết và chung phần chia sẻ sứ vụ với Người. Mỗi người chúng ta đều là “ngư phủ” bằng cách trở nên là chứng tá, là người loan báo Tin Mừng, là người an ủi, chữa lành những tổn thương nơi tha nhân, là khí cụ mang tình yêu Chúa đến cho người khác, nhất là những anh chị em đang gặp đau khổ, bất hạnh.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã thương chọn gọi chúng con làm môn đệ Chúa. Xin cho chúng con biết tận dụng mọi cơ hội để được gần Chúa, để được Chúa yêu thương, hướng dẫn và biến đổi chúng con thành những khí cụ hữu dụng để loan báo tình yêu cứu độ của Chúa đến cho muôn người. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:32

Mười Giới Răn giúp sống cuộc sống nhân bản đích thực.

Filled under:

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Mười Giới Răn giúp sống cuộc sống nhân bản đích thực.
Hồng Thủy
Vatican (Vat. 28-11-2018) - Dưới ánh sáng mạc khải của Chúa Kitô, Mười Giới răn không được hiểu như là một loạt các quy luật nhưng là hướng dẫn đến một cuộc sống nhân bản đích thực được hoàn thiện trong tình yêu, niềm vui và hòa bình, được nảy sinh từ lòng vâng phục thánh ý Chúa Cha. Mười Giới răn trước hết mời gọi chúng ta đi vào tương quan trung thành và yêu thương với Thiên Chúa bằng cách chối từ các ngẫu tượng, và sau đó dạy chúng ta sống cuộc sống được cứu độ, được ghi dấu bởi sự trung thành, lương thiện và chân thật với tha nhân.
Trong bài giáo lý trước 10 ngàn tín hữu hiện diện trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 28 tháng 11 năm 2018, Ðức Thánh Cha Phanxicô kết thúc loạt bài về Mười Giới răn với từ khóa là "các ước muốn", được nhìn dưới ánh sáng mạc khải trọn vẹn nơi Chúa Kitô. Ðức Thánh Cha mời gọi các tín hữu suy tư đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát chương 5, nói đến các hoa quả của Thần khí như mến yêu, vui mừng, bình an, rộng rãi, tốt lành, lương thiện, tín trực, hiền từ, tiết độ.
Vâng phục Thiên Chúa để được tự do khỏi các ngẫu tượng
Trước hết, Ðức Thánh Cha nhắc lại với các tín hữu rằng từ đầu hành trình Mười Giới răn, chúng ta đã bắt đầu từ "lòng biết ơn", như là nền tảng của mối quan hệ tin tưởng và vâng phục. ÐTC giải thích như sau: Thiên Chúa không yêu cầu điều gì trước khi ban cho chúng ta nhiều hơn điều chúng ta cầu xin. Ngài mời gọi chúng ta vâng phục để giải thoát chúng ta khỏi sự lừa dối của các ngẫu tượng, là những thứ có quyền lực rất mạnh trên chúng ta. Thực tế là việc tìm kiếm thực hiện mong ước của mình nhờ các thần tượng của thế giới này sẽ làm cho chúng ta trở nên trống rỗng và khiến chúng ta trở thành nô lệ, trong khi điều mang lại sự mạnh mẽ kiên cường chính là tương quan với Thiên Chúa, qua Chúa Kitô, làm cho chúng ta trở nên con cái nhờ tình phụ tử của Thiên Chúa (Ep 3,14-16). Ðiều này ám chỉ một tiến trình chúc lành và giải phóng, là sự nghỉ ngơi đích thực. Như Tv 62,2 nói: "Chỉ trong Thiên Chúa linh hồn tôi mới nghỉ yên: ơn cứu độ của tôi ở nơi Người".
Cuộc sống tự do đích thực dẫn đến tương quan với tha nhân
Cuộc sống được giải phóng này trở thành sự đón nhận lịch sử cá nhân của chúng ta và hòa giải chúng ta với những gì chúng ta đã sống, từ thơ bé cho đến hiện nay, khi làm cho chúng ta trở nên người trưởng thành và có khả năng đóng góp đúng mức cho thực tế và cho con người trong cuộc sống chúng ta. Nhờ con đường này, chúng ta đi vào trong tương quan với tha nhân. Tương quan này, bắt đầu từ tình yêu mà Thiên Chúa tỏ ra nơi Chúa Giêsu Kitô, là lời mời gọi đến với vẻ đẹp của sự trung thành, của lòng quảng đại và của sự đích thật.
Chúa Thánh Thần biến đổi con tim cũ thành con tim mới với ước muốn thánh thiện
Nhưng để sống như thế, nghĩa là trong vẻ đẹp của sự trung thành, của lòng quảng đại và của sự đích thật, chúng ta cần một trái tim mới, được Chúa Thánh Thần cư ngụ trong đó (x. Ed 11,19; 33,26). Việc thay trái tim cũ thành quả tim mới đó được làm như thế nào? Qua món quà của những ước muốn mới (x. Rm 8,6), được gieo trồng trong chúng ta bởi ân sủng của Thiên Chúa, cách đặc biệt qua Mười Giới răn mà Chúa Giêsu đã làm cho nên trọn vẹn như Người dạy trong "bài giảng trên núi" (x. Mt 5,17-48).
Bản chụp quang tuyến của Chúa Kitô
Thật ra, khi suy gẫm về cuộc sống được miêu tả trong Mười Giới răn, đó là một sự hiện hữu biết ơn, tự do, đích thực, được chúc phúc, trưởng thành, gìn giữ và yêu thương cuộc sống, trung thành, quảng đại và chân thành, mà chúng ta, hầu như không ý thức về nó, thấy mình đứng trước Chúa Kitô. Mười Giới răn là bản chụp quang tuyến của Người, như một âm bản cho thấy gương mặt của Người - như trên Tấm Khăn liệm. Và như thế Chúa Thánh Thần làm trái tim chúng ta phong phú khi đặt vào chúng những ước muốn là quà tặng của Người, các ước muốn của Thần Khí. Ao ước sống theo Thần Khí, ao ước sống theo nhịp điệu của Thần Khí, ao ước với âm nhạc của Thần Khí.
Chiêm ngắm Chúa Kitô chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp, sự thiện hảo, chân lý. Và Chúa Thánh Thần tạo nên một sự sống, theo các ước muốn này của Người, làm nảy sinh trong chúng ta lòng tin, cậy và mến.
Trong Chúa Kitô, Mười Giới răn không còn là sự kết án
Như thế chúng ta khám phá tốt hơn ý nghĩa của câu nói Chúa Giêsu không đến để hủy bỏ lề luật nhưng để kiện toàn nó, và trong khi luật của xác thịt là một loạt những quy định và cấm buộc thì theo Thần khí, những điều luật này lại trở thành sự sống (x. Ga 6,63; Ep 2,15), bởi vì nó không còn là một quy luật nhưng là chính xác thịt của Chúa Kitô, Ðấng yêu thương, tìm kiếm, tha thứ, an ủi chúng ta và trong chính Thân xác Người, Người tái tạo lại sự hiệp thông với Chúa Cha, điều đã bị mất bởi sự bất tuân của tội lỗi. Như vậy, những từ ngữ phủ định, các thành ngữ phủ định của Mười Giới răn như "chớ trộm cắp", "chớ sỉ nhục, "chớ giết người", từ "không" đó được biến thành thái độ tích cực: yêu thương, để người khác trong tim mình, tất cả các ước muốn gieo mầm tích cực. Và điều này là sự hoàn thiện tràn đầy của luật mà Chúa Giêsu đến để mang lại cho chúng ta.
Trong Chúa Kitô và chỉ trong Người, Mười Giới răn không còn là sự kết án (x. Rm 8,1) nhưng trở thành chân lý đích thật của cuộc sống con người, nghĩa là ước muốn yêu thương, ước muốn điều thiện, vui mừng, hòa bình, cao thượng, thiện tâm, tốt bụng, trung thành, hiền hòa, làm chủ chính mình. Từ không người ta chuyển sang có: thái độ tích cực của con tim mở ra cho Chúa Thánh Thần hoạt động.
Mở cánh cửa cho ơn cứu độ
Tìm kiếm Thiên Chúa trong Mười Giới răn thì có ích gì: nó làm phong phú con tim chúng ta để nó tràn đầy tình yêu và mở ra cho hoạt động của Thiên Chúa. Khi con người yêu thích ý muốn sống theo Chúa Kitô thì họ mở cánh cửa cho ơn cứu độ, nơi mà họ chỉ có thể đến, bởi vì Chúa Cha quảng đại và như Giáo lý dạy "Thiên Chúa khao khát rằng chúng ta khao khát Người" (số 2560).
Nếu các ham muốn xấu hủy hoại con người (x. Mt 15,18-20), Chúa Thánh Thần đặt trong trái tim chúng ta những ý muốn thánh thiện, là mầm sống của sự sống mới (x. 1Ga 3,9). Cuộc sống mới thật ra không phải là sự nỗ lực to lớn để theo đúng một quy tắc, nhưng sự sống mới là chính Thánh Thần của Thiên Chúa Ðấng bắt đầu hướng dẫn chúng ta cho đến khi đạt được kết quả, trong một sức mạnh tổng hợp hạnh phúc giữa niềm vui được yêu thương của chúng ta và niềm vui yêu thương của Người. Hai niềm vui gặp nhau: niềm vui yêu thương chúng ta của Thiên Chúa và niềm vui được yêu thương của chúng ta.
Ðây là ý nghĩa của Mười Giới răn đối với Kitô hữu chúng ta: chiêm ngắm Chúa Kitô để mở lòng chúng ta đón nhận trái tim của Người, đón nhận các ước muốn của Người, đón nhận Thần Khí của Người.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:15

Phút suy niệm ngày 30/11/2018

Filled under:

Phút suy niệm ngày 30/11/2018
Lập tức họ bỏ mọi sự mà đi theo Người. (Mt 4,20).
Được Gioan giới thiệu, Anrê đã đến mà xem và khi đã thấy Thầy, ông đã từ bỏ mọi sự mà theo Thầy.
Đi theo Đức Giêsu, thánh Anrê được gì?. Thưa: Được học nơi Thầy chân lý sống, được yêu thương, công bằng, được thông phần đau khổ với Thầy mình, được đóng đinh trên thân cây hình chữ X (Thay vì chữ + giống Thầy mình) và nhất là được ở bên Thầy mãi mãi.
Qua gương thánh Anrê chúng con cũng mau mắn từ bỏ những tham lam, những đam mê xác thịt cùng những thú chơi vô bổ khác. Theo Chúa đến cùng và chấp nhận chết trên thập giá để làm chứng cho Tin Mừng.
Lạy Chúa. "Đến mà xem" là lời giới thiệu của Gioan cho bạn mình là Anrê và Anrê đã nhật ra Đức Giêsu đích thực chính là Thầy mình. xin cho chúng con cũng biết giới thiệu Chúa cho những người chung quanh, để chúng con là anh em cùng một nhà, con cùng một Cha. Amen.



THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ
Andreas mà tiếng Việt Nam phiên âm là Anrê là một danh từ ít dùng trong tiếng Hy lạp. Tuy nhiên nó mang một ý nghĩa rất thi vị: Anrê nghĩa là trượng phu, thanh nhã.
Đọc Tân ước, chúng ta chỉ thấy một ít đoạn sau đây nói về thánh Anrê, hoặc nói đến tên ngài.
Lần trước hết: hôm ấy thánh Gioan Tẩy giả đứng với hai môn đệ tại Bêthania, bên kia sông Giođanô. Nhìn thấy Chúa Giêsu đi qua, ngài nói với hai môn đệ: "Kìa Con Chiên Thiên Chúa". Nghe nói như thế, hai môn đệ vội rảo theo Chúa Giêsu, Chúa Giêsu bảo họ:
- Các người tìm ai ?
- Thưa Thầy, Thầy đi đâu bây giờ ?
- Cứ đến mà xem.
Lúc đó là bốn giờ chiều và hai môn đệ đi theo Chúa suốt buổi hôm ấy. Hai môn đệ đó là Anrê; em ông Simon Phêrô, và một người khác có lẽ là Gioan. Lúc về nhà gặp Phêrô, Anrê kể lại cho em nghe: "Ồ, chúng tôi đã tìm thấy Đấng Mesia, rồi Anrê dẫn em đến gặp Chúa Giêsu. Hôm sau, Chúa Giêsu trẩy đi Galilêa còn Anrê và Phêrô ở lại Bétsaiđa mạn bắc hồ Tibêria.
Nhưng lần khác, đi trên bờ hồ Chúa Giêsu thấy Anrê và Phêrô đang thả lưới vì các ông là những dân chài, Chúa liền bảo họ:
- Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi nên kẻ đánh lưới người!
Lập tức họ bỏ lưới và theo Chúa. Lại một lần sau khi giảng ở nhà hội Caphanaum ra, Chúa vào nhà ông Phêrô và Anrê chữa khỏi bệnh cho bà mẹ vợ ông Phêrô.
Còn lần trên núi, bên kia biển Galilêa, dân chúng vây quanh Chúa Giêsu. Thấy họ đói, Chúa Giêsu lại hỏi:
- Làm sao kiếm của ăn cho họ được ?
Thánh Anrê thưa:
- Đằng kia có đứa trẻ mang năm chiếc bánh mạch nha và hai con cá nhỏ, nhưng bấy nhiêu thấm vào đâu với số người đông đảo này!
Chúa Giêsu nói:
- Cứ bảo họ ngồi xuống. Rồi Người làm phép lạ nhân bánh ra nhiều và phân phát cho mỗi người được ăn no nê. Cũng chính Anrê lúc ở Giêrusalem vì thánh Philipphê xúi giục đã trình bày cho Chúa biết có một số dân ngoại nói tiếng Hy lạp muốn xin gặp Chúa. Lần nữa, khi Chúa Giêsu ở đền thờ đi ra và nói cho các môn đệ biết ngày "tàn" của đền thánh, thì thánh Anrê cùng với thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan, đã lợi dụng lúc Chúa ngồi trên núi cây dầu nhìn về thánh đường đến hỏi riêng Chúa:
- Xin Thầy hãy nói cho chúng con biêt khi nào việc ấy xảy đến, và có dấu hiệu gì báo trước!
Sau cùng thánh Anrê là một trong lớp mười hai tông đồ được Chúa sai đi giảng đạo. Trong số mười hai tông đồ, thánh Matthêu và thánh Luca kể thánh Anrê sau thánh Phêrô, thánh Máccô lại kể ngài sau ba thánh Phêrô; Giacôbê và Gioan.
Tuy nhiên các sách Hy lạp vẫn chủ trương thánh Anrê được Chúa gọi đầu tiên.
Tài liệu Phúc âm chỉ cho chúng ta biết như vậy về thánh Anrê. Còn riêng về quãng đời truyền giáo của thánh nhân, chúng ta không có một văn liệu nào xác đáng. Trừ một đoạn văn rất đẹp ghi lại rất vắn tắt cuộc tử đạo của ngài như sau:
Quan lãnh sự xứ Akhaia truyền trói thánh Anrê vào cây thập giá để ngài chết dần mòn. Dân chúng nhất định không chịu, họ bảo: người này là đấng công chính, là bạn của Thiên Chúa, và là bậc thầy nhân hậu mà phải điệu đi giết à! Nhưng đứng trước thánh giá, thánh nhân kêu lên:
"Ôi! Thánh giá! Ôi sự rỗi từ lâu bạn đã mệt mỏi chờ tôi! Tôi tin tưởng rằng bạn sẵn sàng đón nhận người đầy tớ của Đấng đã chịu treo trên bạn, và tôi sung sướng bước đi theo bạn. Tại sao bạn được dựng lên ở đây, tôi đã nhận biết tất cả bí nhiệm của bạn rồi. Xin bạn hãy nhận lấy kẻ bạn mong chờ, để chính tôi, kẻ ngày đêm thầm ước vẻ đẹp của bạn cũng tìm thấy bạn. Nơi bạn tôi tìm được phần thưởng Thiên Chúa hứa cho tôi. Ôi Thánh giá dịu hiền! Hãy đưa kẻ hèn này về với Thiên Chúa Đấng Cứu chuộc tôi".
Dân chúng lặp lại những lời ấy cho quan phó lãnh sự nghe và kêu nài:
"Xin ông hãy trả lại cho chúng tôi người công chính, người thánh của Thiên Chúa. Xin đừng đang tâm giết người đẹp lòng Thiên Chúa. Đừng động đến con người hiền lành và đạo đức dường ấy. Đã hai ngày chịu treo nhưng ông ấy vẫn còn sống và luôn thốt ra những lời thánh thiện. Xin quan hãy trả lại chúng tôi con người thánh này để chúng tôi được sống với ông. Xin quan cởi trói người trinh khiết này để mọi gia đình được an hòa, hãy buông tha người hiền nhân này để khắp xứ Akhaia được hưởng nguồn cứu độ. Còn thánh Anrê ngài kêu cả tiếng:
"Lạy Chúa Kitô, xin đừng để đầy tớ Chúa đã được treo lên cây gỗ này vì danh Chúa bị tháo gỡ xuống. Xin chớ để kẻ được diễm phúc thấu hiểu huyền nhiệm thánh giá bị rơi vào mưu gian loài người... Nhưng lạy Chúa Giêsu, Đấng con yêu mến, tin nhận và ao ước được hưởng kiến, xin hãy đón nhận con, vì linh hồn con sắp được giải thoát. Amen". Theo sử gia Êusêbiô, thánh Anrê giảng đạo tại Scythia, nhưng theo nhiều tác giả khác, thánh tông đồ lại giảng đạo tại Êthiôpia, mấy xứ về phía nam Hắc hải và Patras thuộc Akhaia.
Nhưng điều phức tạp hơn cả có lẽ là nơi để thi hài thánh nhân. Thánh Gioan Kim khẩu nói rõ rằng không biết. Trái lại, sách tử đạo thư dòng thánh Giêrônimô lại chép ngài làm Giám mục tại Patras và chết ngày 30 tháng 11 mà không rõ thánh nhân chết năm nào. Nhưng năm 357, giáo chủ thành Alexanđria đem hài cốt ngài về Constantinôpôli. Ngoài ra còn rất nhiều nơi tự xưng là giữ được hài cốt thánh Anrê, như miền Fênicia, miền Basilicate, miền Concordia và đảo Chyprô. Vì thế, ngay từ mấy thế kỷ đầu tiên, rất nhiều nhà thờ mang tên thánh Anrê. Ngay ở Rôma năm 475, Đức Giáo Hoàng Simpliciô đã xây và thánh hiến một thánh đường kính thánh Anrê gần đại giáo đường Đức Bà Cả. Và cho đến thời Trung cổ, tại Rôma có hơn 30 nhà thờ dâng kính thánh Anrê. Phá kỷ lục hơn hết là tại nước Anh có hơn 700 thánh đường hay nguyện đường nhận thánh Anrê làm bổn mạng. Riêng tại nước Pháp, cũng như tại Việt Nam, sau thánh Phêrô, thánh Anrê rất được giáo dân tôn sùng và nhận làm bổn mạng.
Giáo hội kính lễ thánh Anrê vào ngày 30 tháng 11 hằng năm.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:13

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Suy niệm Tin mừng CN thứ I Mùa Vọng C - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:

Suy niệm Tin mừng CN thứ I Mùa Vọng C - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy


hãy tỉnh thức và ngẩng cao đầu (Lc 21,25-27.34-36)

Trong cuốn "Giai thoại về những cái chuông" (The legend of the Bells) John Shea có kể một câu chuyện như sau:                                                                                   
Khi Thiên Chúa dựng nên cây cối, Người ban cho mỗi loài cây một ân huệ. Nhưng ban đầu, khi Người đưa ra một cuộc tranh luận, để xác định xem ân huệ nào có lợi ích nhất. Người nói với chúng: “Ta muốn các ngươi phải thức tỉnh và tiếp tục coi sóc cả mặt đất trong vòng bảy đêm”.
Những thân cây còn non rất phấn khởi, vì được Người tin tưởng giao phó cho một công việc quan trọng như vậy, đến nỗi trong đêm đầu tiên, chúng nhận thấy việc canh thức không có gì là khó khăn cả. Tuy nhiên, trong đêm thứ hai, thì việc đó không còn dễ dàng nữa, và trước khi đến lúc rạng đông, một số cây đã lăn ra ngủ. Trong đêm thứ ba, các thân cây thì thầm nhắc nhở nhau cố gắng giữ mình, để khỏi bị cám dỗ của cơn ngủ. Mặc dù vậy, điều này chứng tỏ là quá sức đối với một số cây. Trong đêm thứ tư, lại có thêm vài cây ngã gục.                                         
Đến đêm thứ bảy, những thân cây duy nhất còn tỉnh thức là cây tuyết tùng, cây thông, cây vân sam, cây linh sam, cây nhựa ruồi và cây nguyệt quế.
Thiên Chúa nói với chúng: “sức chịu đựng của các ngươi thật tuyệt vời! Các ngươi sẽ được ban cho một ân huệ là giữ được mầu xanh tươi mãi mãi. Các ngươi sẽ trở thành những kẻ canh gác khu rừng. Ngay cả trong mùa đông dường như mang lại cảnh chết chóc, thì các ngươi vẫn bảo vệ được sự sống trên những cành cây của các ngươi. Kể từ đó, tất cả các cây cối và thực vật đều bị rụng lá và ngủ trong suốt mùa đông, trong khi đó các cây kể trên vẫn thường xanh tươi ngay cả trong mùa đông.
Kính thưa cộn đoàn phụng vụ,                 
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta hai điều: hãy tỉnh thức và ngẩng cao đầu
1.Hãy tỉnh thức
Thế giới chung quanh có thể ngủ mê hoặc cằn cỗi, nhưng những thân cây xanh vẫn tiếp tục mang lại lời chứng. Chúng chỉ ra cho chúng ta thấy rằng, trong tư cách là người Kitô hữu là phải tỉnh thức giữa những kẻ ngủ mê, phải xanh tươi giữa những kẻ cằn cỗi.
Tỉnh thức trái với ngủ quên, trái với tình trạng mê mải, bị thu hút bởi một sự việc gì, khiến ta quên mất điều ta phải nhớ, điều chúng ta phải làm.
Chúng ta có thể trở nên «mê ngủ», mất tỉnh thức khi ta bị cuốn hút bởi danh, lợi, thú vui trần tục. Nhiều người mê mải tìm kiếm tiền bạc, quyền lực… đến nỗi chẳng những quên đi bổn phận mình phải làm cho tha nhân mà có khi còn làm những điều bất lợi cho tha nhân.     
Bất cứ điều gì có thể làm chúng ta say mê trong cuộc đời, thậm chí là những điều tốt như công việc, chuyện làm ăn...cũng có thể làm ta mất tỉnh thức. Ngay cả việc thờ phượng Chúa như dâng lễ, đọc kinh, cầu nguyện…cũng có thể ru ngủ ta, làm ta quên cả bổn phận mình phải làm cho tha nhân. Đáng lẽ việc thờ phượng Thiên Chúa đích thực phải giúp ta ý thức đến bổn phận của ta đối với tha nhân một cách hữu hiệu. Vậy, một cách cụ thể, tỉnh thức chính là luôn thờ phượng Thiên Chúa và đồng thời cũng phải quan tâm đến tha nhân, những người anh chị em của chúng ta.
2.Ngẩng cao đầu
Ngày tận thế và ngày mỗi người phải ra đi khỏi trần thế này là một điều chắc chắn. Ngày đó là ngày đáng sợ cho mọi người, nhưng Chúa bảo chúng ta đừng sợ vì ơn cứu rỗi đã đến gần. Chính vì thế chúng ta phải phấn khởi và chờ đợi trong tư thế đứng thẳng và ngẩng cao đầu.
Hãy đứng thẳng là tư thế của con người can đảm. Can đảm là một điều kiện cần thiết để có sức mạnh mà đối phó với mọi nghịch cảnh, khó khăn và quyết liệt dứt khoát từ bỏ mọi quyến rũ bất chính.
Chúa dạy chúng ta:”các con hãy giữ mình kẻo lòng chúng con ra nặng nề”. Chúa nhắc nhở chúng ta phải canh chừng và đề phòng những lôi cuốn của thế gian làm cản trở tâm hồn bay lên cao. Ba điều cản trở được nhắc ở đây là: ăn uống thái quá, chè chén say sưa, lo lắng sự đời quá mức.
Hãy ngẩng đầu để nhìn lên chớ không cắm mặt xuống đất. Khi  lòng trí đã ra nặng nề chỉ thấy những sự trên mặt đất thì làm sao chúng ta có thể thấy được những sự trên trời cao như câu chuyện ngụ ngôn kể về một con chim ưng: ang khi đói bụng, nó bay qua một nông trại, nhìn xuống thấy biết bao nhiêu giun dế. Nó thèm lắm, nhưng lại sợ chết nên nó phải hạ cánh bay xuống sát mặt đất của nông trại để thương lượng với bác nông dân. Con chim ưng sẵn sàng đổi cho ông, cứ mỗi cái lông lấy một con giun. Vì háu ăn, con chim đã ăn quá nhiều giun, và như thế nó cũng mất đi rất nhiều lông cánh tới độ nó không còn có thể bay lên cao được nữa. Dù nó biết rằng thân phận của nó là phải bay trên bầu trời cao, nhưng những con giun đã làm cho nó mê muội rồi quên đi khung trời cao xanh, mà chỉ biết tới những con giun dưới đất."
Tỉnh thức theo bài Tin Mừng hôm nay là luôn ý thức được mục đích cuộc đời mình là sống xứng với phẩm giá cao cả của mình là hình ảnh của Thiên Chúa. Lạy Chúa, có rất nhiều điều có thể làm chúng con mê ngủ, không tỉnh thức. Xin cho chúng con biết tỉnh thức cũng như biết ngẩng đầu lên để nhìn lên trời cao, ở đó Thiên Chúa luôn mời gọi chúng con ý thức mình là những người con của Cha trên Trời và sống xứng đáng là những người con của Thiên Chúa. Amen     



Posted By Đỗ Lộc Sơn20:13

SUY NIỆM TIN MỪNG - NGÀY 29/11/2018

Filled under:

Lời Chúa: Lc 21, 20-28
20 “Khi anh em thấy thành Giê-ru-sa-lem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành.21Bấy giờ, ai ở miền Giu-đê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành.22 Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm. 23Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó! “Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng xuống dân này. 24 Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại. 25 “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét.26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.28Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”
Suy nim 1
Theo Josephus, một sử gia người Do Thái đáng tin cậy, 
bốn quân đoàn của vị tướng Rôma là Titus 
đã vây hãm thành phố Giêrusalem vào lễ Vượt Qua năm 70, 
khiến người dân trong thành rơi vào cảnh đói khát cùng cực. 
Ông kể chuyện một phụ nữ quê ở Pêrêa vì quá đói 
đã túm lấy đứa con còn thơ dại, giết con và nướng để ăn. 
Cũng theo sử gia này, quân Rôma đã dùng gươm 
để giết hơn một triệu người ở Giêrusalem và Giuđê. 
Những người Do Thái bị bắt làm tù binh là gần một trăm ngàn.
Ai có thể tưởng được điều khủng khiếp như vậy đã xảy ra 
chỉ bốn mươi năm, sau khi Đức Giêsu nói những lời tiên báo. 
Giêrusalem là thành trì vững chắc, nơi trú ẩn an toàn, 
bây giờ lại là nơi nguy hiểm, cần phải tránh xa (c. 21). 
Tai họa ập xuống trên phụ nữ mang thai và cho con bú (c. 23). 
trên cả tội nhân lẫn trẻ thơ vô tội. 
Thành đô đã bị bao vây, bị thiêu rụi, bị quân Rôma giày xéo. 
Dân thành bị ngã gục, bị đi đày, phải tản mác khắp nơi.
Sự sụp đổ của thành đô đã là một biến cố trên đất Ítraen. 
Nhưng trước khi Đức Giêsu ngự đến trên mây trời 
như Con Người đầy quyền năng và vinh hiển (c. 27), 
sẽ có những dấu lạ đáng sợ khác trên bầu trời và ngoài biển cả (c. 25). 
Thánh Máccô nói đến hiện tượng mặt trời, mặt trăng mất sáng, 
và các vì sao sa xuống từ trời (Mc 13, 24-25). 
Thánh Luca nói đến cảnh biển gào, sóng thét. 
Những điều đó làm muôn dân hoang mang, hồn xiêu phách lạc, 
nhưng không làm các môn đệ hoảng hốt, âu lo. 
Ngược lại họ mừng vui vì Đấng họ chờ đợi từ lâu nay đã đến. 
“Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (c. 28). 
Đứng thẳng để đón Đấng mà họ đã suốt đời thắp đèn chờ đợi. 
Ngẩng đầu để mừng giây phút ơn cứu chuộc đã đến gần. 
Chỉ khi Đức Giêsu phục sinh trở lại như Đấng xét xử quyền năng, 
Ngài mới trọn vẹn hoàn thành Nước Thiên Chúa trên mặt đất.
Vào cuối năm phụng vụ, Lời Chúa nói với chúng ta về ngày tận thế. 
Đó là ngày vừa đáng sợ, vừa chan chứa niềm vui, 
ngày được gặp mặt Đấng chúng ta đã tin tưởng, mến yêu và hy vọng. 
Người ta vẫn hay đoán già đoán non về ngày tận thế. 
Nhiều người tưởng là năm 2000, gần đây có người lại nói là 2012. 
Điều quan trọng là làm sao tôi có thể đứng thẳng, ngẩng đầu khi Ngài đến, 
làm sao nhân loại trên trái đất này sẵn sàng ra nghênh đón Ngài 
như đón Đấng Cứu Tinh mà họ nóng lòng chờ đợi. 
Nếu ngày mai Ngài đến với cả thế giới hay đến với riêng mình tôi, 
tôi có sẵn sàng chưa hay còn bị còng lưng, cúi đầu vì bao gánh nặng? 
Mỗi người đều có ngày tận thế của mình. |
Xin cho tôi được bình an khi ngày ấy đến mà không có điềm lạ nào báo trước.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào…
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Suy niệm 2

Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu tiên báo về ngày cánh chung, ngày Chúa quang lâm để thực hiện cuộc phán xét cuối cùng.

Nói về ngày tận thế, Chúa Giêsu cho biết sẽ có những biến cố và điềm lạ xảy ra. Những biến cố và điềm lạ này có thể mang lại những nỗi hoang mang, khốn khó, sợ hãi khủng khiếp đến cho con người, nhất là những người chưa sẵn sàng, những người đang sống trong đam mê lầm lạc, đang chìm đắm trong vũng lầy tội lỗi. Tuy nhiên, đối với những người môn đệ tín trung, những Kitô đích thực thì đây lại là ngày hồng phúc. Nói như Chúa Giêsu, họ sẽ hân hoan trong ngày ấy vì đó là thời họ sẽ đón nhận ơn cứu độ, được hưởng vinh phúc Nước Trời mà Đức Kitô đã dành sẵn cho họ: “anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu độ.” (Lc 21, 28)

Đoạn Tin Mừng hôm này cũng là một lời nhắc nhở mỗi người chúng ta, đặc biệt khi chúng ta đang sống những ngày cuối cùng của Năm Phụng vụ 2018, về thái độ của chúng ta khi chuẩn bị cho ngày cánh chung. Chúng ta có luôn sống thái độ tỉnh thức và sẵn sàng để hân hoan đón chờ ngày Chúa đến; hay chúng ta vẫn còn để cho những vướng bận của thế gian này là danh, lợi, thú làm chúng ta lơ đễnh, mê lầm, và rồi trở nên run khiếp và sợ hãi vì ngày chung cuộc như là một ngày “báo oán”, ngày đại hoạ cho chính mình.

Lạy Thiên Chúa là Cha từ nhân, chúng con cảm tạ Chúa vì muôn ơn lành Cha đã dành ban cho chúng con trong suốt Năm Phụng vụ vừa qua. Xin cho mỗi người trong gia đình, trong cộng đoàn chúng con luôn biết sử dụng hồng ân Chúa ban một cách thật xứng đáng, nhằm mưu ích cho phần rỗi của mình và tha nhân, ngõ hầu chúng con có thể hân hoan và vui mừng đón Chúa đến trong ngày cánh chung. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:31