Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Tin Mừng Chúa Nhật 22 Quanh Năm Năm B

Filled under:


Tin Mừng Chúa Nhật 22 Quanh Năm Năm B
Bài Ðọc I: Ðnl 4, 1-2. 6-8
"Các ngươi hãy tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm".
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Môsê nói với dân chúng rằng: "Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi. Các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước một dân khôn ngoan và sáng suốt'. Không một dân tộc nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta, ở bên cạnh chúng ta, khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như ta trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?"
"Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy". Ðó là lời Chúa.
 Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 4c-5
Ðáp: Lạy Chúa, ai sẽ được ở trong đền tạm Chúa? (c. 1a)
Xướng: 1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống. - Ðáp.
2) Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa. - Ðáp.
3) Người dẫu thề điều chi bất lợi, cũng không thay đổi, không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay. - Ðáp.
 Bài Ðọc II: Gc 1, 17-18. 21b-22. 27
"Anh em hãy thực thi lời đã nghe".
Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi. Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật.
Cho nên anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác, anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.
Lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền đối với Thiên Chúa Cha là: thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách, và giữ mình khỏi mọi ô uế đời này.Ðó là lời Chúa.
 Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.
 Phúc Âm: Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23
"Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: "Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?" Người đáp: "Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: 'Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người'. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người".
Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: "Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế". Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Người biệt phái và ký lục chất vấn Ðức Giêsu vì các môn đệ của Ngài không rửa tay trước khi ăn theo lệ truyền. Ðức Giêsu thẳng thắn vạch rõ cho họ từng vấn đề: Nếu so sánh luật Chúa và lệ truyền của tiền nhân, luật Chúa quan trọng và buộc phải giữ cặn kẽ hơn.
Hơn nữa, trong cách giữ luật Chúa, chỉ giữ theo hình thức chưa phải là đã giữ trọn luật. Giữ luật vì tinh thần luật - cách giữ luật đó mới hoàn chỉnh. Thiên Chúa thấu suốt tận đáy tâm hồn chúng ta. Chỉ Thiên Chúa đánh giá mới chân thật, công bình.
 Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, ở đời chúng con thường đóng kịch với nhau. Chúng con thường tô son đánh phấn khi đến với nhau. Chúng con sống hình thức, giả tạo với nhau và ngay cả với Cha. Cha là chân lý, là sự thật chắc chắn Cha không thể chấp nhận được cách sống của chúng con. Xin Cha sửa lại con người chúng con. Xin giúp chúng con biết sống chân thành với Cha, với chính chúng con và với anh chị em chúng con. Chỉ khi nào chúng con biết sống theo sự thật, chúng con mới xứng đáng là con của Cha. Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Giêsu, Chúa chúng con. Amen.







Chủ tế: Anh chị em thân mến,       muốn        đứng vững trước mọi thử thách, muốn khỏi phải mất đức tin, người Kitô hữu cần tuân giữ trọn vẹn lề luật của Chúa. Với tâm tình yêu mến luật Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
1.  Hội Thánh luôn khuyên nhủ con cái mình triệt để tuân giữ luật bác ái của Đức Kitô / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho luật bác ái của Chúa tác động đến mọi thành viên trong đại gia đình Hội Thánh.
2.  Nhiều người cho rằng luật Chúa là một gánh nặng làm mất tự do của con người / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu hiểu rằng / luật Chúa luôn là ách êm ái và là gánh nhẹ nhàng đối với những ai thật lòng yêu mến Người.
3.  Trong đời sống thường ngày nếu luật bác ái của Đức Kitô không được tuân giữ thì lúc nào cũng có nhiều người là nạn nhân của những lời vu khống / cũng như của những hành động kỳ thị / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người biết tôn trọng và yêu thương nhau.
4.  Đức Giêsu đã nói: / Nếu anh em yêu mến Thầy / anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ Sơn Lộc chúng ta biết biểu lộ lòng mến Chúa của mình / bằng việc tuân giữ trọn vẹn lề luật của Người.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha nhân ái, xin giúp chúng con đừng bao giờ lãng quên luật Ngài, vì luật ấy làm cho chúng con được sống muôn đời. Chúng con cầu xin…


Posted By Đỗ Lộc Sơn21:09

Suy niệm Tin Mừng CN 22 Thường niên B - LM. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:


Suy niệm Tin Mừng CN 22 Thường niên B - LM. Giuse Đỗ Văn Thụy

Hãy tẩy rửa tâm hồn (Mc 7,1-8.14-15.21-23)

Nhà thần học William Barclay kể lại một câu chuyện như sau: Có một Rabbi (tiến sĩ Luật Do Thái giáo) lão thành bị tù ở Rôma. Ông chỉ được ăn uống tối thiểu nhằm mục đích kéo dài cuộc sống. Thời gian trôi qua, vị Rabbi này ngày càng yếu dần. Cuối cùng người ta buộc phải mời một y sĩ đến khám bệnh. Y sĩ bảo rằng cơ thể ông ta bị thiếu nước.
Báo cáo của y sĩ khiến các viên cai ngục bối rối. Họ không hiểu tại sao vị Rabbi ấy lại có thể thiếu nước, bởi vì khẩu phần nước mỗi ngày tuy là tối thiểu, song vẫn tương đối đủ cho mỗi người. Thế là đám lính gác liền chú ý quan sát vị Rabbi ấy một cách kỹ lưỡng hơn để thử xem ông ta làm gì với số nước ấy. Cuối cùng người ta đã khám phá ra một điều bí mật. Vị Rabbi ấy đã sử dụng phần lớn số nước để rửa tay trước khi cầu nguyện và ăn cơm.
Câu chuyện trên giúp chúng ta hiểu được bài Phúc Âm hôm nay. Nó giúp ta hiểu rõ hơn các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái đã cảm thấy chướng tai gai mắt và bực bội thế nào khi nhìn thấy các môn đệ Chúa Giêsu ăn uống mà không chịu rửa tay theo đúng nghi thức.
Đấy chính là điểm quan trọng của bài Phúc Âm hôm nay.
Điểm quan trọng này được biểu lộ trong một tranh luận sôi nổi giữa Chúa Giêsu và những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái. Chúng ta biết đối với dân Do Thái có hai bộ luật: Luật thành văn và luật truyền khẩu. Luật thành văn căn cứ trên sách Torah (Ngũ Thư) nghĩa là 5 quyển sách đầu của Cựu Ước, đôi khi còn gọi là luật Môisê.
Tới thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên, có một nhóm chuyên nghiên cứu về Luật đã tạo được một ảnh hưởng mạnh mẽ trong dân chúng Israel. Họ thấy những điều luật tổng quát trong bộ luật ấy quá mơ hồ, thiếu tính rõ ràng, cần phải được soạn thảo lại cho rõ ràng, với nhiều chi tiết hơn. Từ đó phát sinh ra bộ luật thứ hai, đó là bộ luật truyền khẩu.
Trong thời gian này, nơi dân chúng Do Thái, có rất nhiều người muốn bắt chước các tư tế của họ về sự thánh thiện bề ngoài có tính cách nghi thức. Chẳng hạn theo luật thành văn, mọi tư tế đều phải rửa tay trước khi vào nơi thánh trong đền thờ. Mục đích của luật này là tẩy rửa tất cả những gì là ô uế về mặt tôn giáo để các tư tế xứng đáng thờ phượng trước nhan Chúa hơn. Dần dần, dân chúng cũng bắt chước các tư tế rửa tay trước khi cầu nguyện. Và bằng những suy nghĩ tương tự như thế, họ cũng rửa tay trước khi dùng bữa nữa.[1]
Rửa tay trước khi ăn, đối với người Do thái là một quốc tục, một thánh lệ. Các người Biệt PháiKinh Sư nói riêng và dân Do Thái nói chung, thường rất khắt khe với tục lệ này. Họ cho đó là một nghi thức truyền thống quan trọng phải tuân giữ nghiêm ngặt, để tỏ ra mình thanh sạch trước mọi người.
Tục lệ rửa tay của họ rất phức tạp chứ không đơn giản như kiểu chúng ta rửa tay để ăn uống: rửa ngón tay, bàn tay, cổ tay. Phải đổ nước từ từ cẩn thận từng chút, từng chỗ… thật cầu kỳ, thật  phức tạp. Khi rửa tay như vậy, họ nghĩ rằng họ đã làm đẹp lòng Thiên Chúa vì đã làm đúng luật lệ và họ tin rằng một nghi thức bên ngoài như vậy có sức làm cho họ được thanh sạch.
Ý tưởng hàm chứa đàng sau việc tuân giữ này quả thực cao đẹp, bởi nó nhằm mục đích làm cho tôn giáo thấm nhập vào mỗi hành vi của cuộc sống. Nhưng trong quá trình thực thi luật này, một điều bi đát đã xảy ra vì tôn giáo đã dần dần thoái hoá thành một hoạt động chỉ đơn thuần là chu toàn những nghi thức bên ngoài: tuân giữ những nghi thức này thì được kể là đạo đức, là thánh thiện.
Lại thêm một câu chuyện nữa để chúng ta suy nghĩ về vấn đề vụ hình thức, chỉ chú tâm tới bề mặt bên ngoài như sau: Khoảng 2 giờ, một buổi sáng lạnh và gió lớn, chuông điện thoại nhà xứ reo: Có người sắp chết, xin cha đi xức dầu.
Khi cha Murray đi qua một ngõ hẻm, chợt xuất hiện một bóng đen với cây súng la to: “Đưa tiền đây!”.
Vị linh mục đáp lại: “Ví của tôi để ở trong túi áo khoác”.
Khi ngài mở áo khoác thì chiếc cổ côn trắng lộ ra.
Kẻ cướp ấp úng: “Ôi con không biết cha là linh mục, con xin lỗi, cha cất tiền đi”.
Bình tĩnh lại vị linh mục đưa cho y một điếu thuốc xì gà, nhưng y lắc đầu: “Không, cám ơn cha, trong mùa chay con không hút thuốc”.
Coi trọng việc không hút thuốc trong mùa chay quan trọng hơn việc đi ăn cướp. Qủa thật, kẻ cướp đường đã hành động như một người Biệt Phái. Người Biệt Phái giữ hết sức chi tiết những điều lệ nhỏ nhặt của luật Do Thái, trong khi đó lại bỏ bê những giới răn quan trọng. Đó là lý do Đức Giêsu khiển trách họ.
Trong cuộc sống, có lẽ nhiều lần Chúa cũng quở trách chúng ta như đã quở trách những Luật Sĩ và Biệt Phái trong bài Tin Mừng hôm nay: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”(Mc 7,6). Ước chi chúng ta ghi nhớ lời cảnh báo của Chúa Giêsu để mau chỉnh đốn lại đời sống tâm linh của chúng ta để luôn sống chân tình với Chúa như một người con thảo. Amen


[1] Lm. Mark Link, CN 22B TN


Posted By Đỗ Lộc Sơn21:07

Điều quan trọng về lá thư có nội dung cáo buộc chống lại ĐGH Phanxicô

Filled under:


Phân tích bức thư gây tranh cãi chống lại Đức Giáo hoàng được viết bởi cựu Sứ thần Tòa thánh Hoa Kỳ, người ta phải ghi nhớ nhiều sự việc.

Tài liệu được phát hành trong khi Đức Thánh Cha đang tông du Ái Nhĩ Lan, một đất nước đặc biệt bị tàn phá bởi sự ngược đãi của các linh mục và các giáo sĩ khác.

Ở đó, Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu tha thứ cho tai họa này trong hầu như tất cả các bài phát biểu của ngài ...

Đức Thánh Cha Phanxicô:
“Chúng tôi xin tha thứ về tất cả những hành vi lạm dụng đã vi phạm bằng nhiều loại hình của những tổ chức khác nhau do những nam hoặc nữ tu sỹ và các thành viên khác của Giáo Hội điều hành.”

Đức Thánh Cha cũng cam kết xóa bỏ sự lạm dụng bằng bất cứ giá nào.

Đức Thánh Cha Phanxicô:
“Tôi đã nhắc lại cam kết của mình, hay đúng hơn là, một cam kết quan trọng hơn để loại bỏ tai họa này trong Giáo Hội, bằng bất cứ giá nào của đạo đức hay đau khổ.”

Đúng thời gian đó, những trang web phê bình về phương diện lịch sử quan trọng của Đức Thánh Cha đã phát hành một lá thư dài được viết bởi Đức Tổng Giám mục Carlo Maria Viganò, trong đó ông kêu gọi Đức Thánh Cha từ chức vô điều kiện.

Viganò báo cáo rằng ông đã thông báo cho Đức Thánh Cha Phanxicô về sự vi phạm lạm dụng của cựu Hồng y McCarrick, ông nói Đức Benedicto đã chuẩn bị những biện pháp trừng phạt chưa bao giờ được đưa vào thực tế và rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đang gây rắc rối cho mọi người.

Đức Thánh Cha phản hồi điều này.

Đức Thánh Cha Phanxicô:
“Hãy đọc kỹ và bạn tự rút ra kết luận. Tôi miễn bàn về lá thư này. Tôi nghĩ rằng tuyên bố chính nó đã nói lên và bạn với khả năng báo chí rút ra kết luận của riêng bạn.”

Trước khi nhận định lời khuyên của Đức Thánh Cha và đọc lá thư này, điều quan trọng là phải nhận biết những nhân vật chủ chốt trong câu chuyện này.

Hồng y McCarrick là ai?
Vào tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thu hồi tước hiệu hồng y của McCarrick 88 tuổi sau một cuộc điều tra độc lập bởi Tổng Giáo Phận New York, đã xác định một tuyên bố lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên là đáng tin cậy. Kể từ đó, các linh mục và chủng sinh đã bảo đảm cựu hồng y này đã sử dụng quyền hạn của mình để tận dụng lợi thế của họ.

Carlo Maria Vigano là ai?
Ông là một quan chức cao cấp quan trọng của Vatican, người mà được Đức Benedicto bổ nhiệm là nhân vật số 2 trong chính phủ Vatican, nơi mà thái độ khắc nghiệt của ông về giảm chi phí gây ra một tình huống sợ hãi trong những nhân viên của ông.

Đức Benedict cảm thấy bắt buộc phải có nghĩa vụ giải quyết vấn đề này và khiến ông trở thành sứ thần ở Hoa Kỳ.

Viganò không đồng ý với biện pháp này và nói dối với Đức Giáo hoàng nhằm cản trở vấn đề này, ông nói với Đức Benedicto rằng ông phải chăm sóc cho anh trai của mình, điều đó hoàn toàn không đúng sự thật.

Viganò rời Vatican vì bị cáo buộc tham nhũng và thất vọng vì không được làm hồng y.

Ông vẫn ở Hoa Kỳ cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2016.

Cựu sứ thần này gần đây đã tham gia vào một cuộc gặp gỡ ở Rôma đã lôi kéo tụ tập những đối thủ của Đức Thánh Cha Phanxicô và giải thích lý do không vâng phục Đức Thánh Cha.

Lá thư nói gì?
Bức thư nói:
- Hai người tiền nhiệm của ông tại tòa khâm sứ đã cảnh báo Vatican vào đầu năm 2000 “về hành vi vô đạo đức nghiêm trọng của Hồng Y McCarrick,” lúc đó 70 tuổi.
- Không ai trong số ba quốc vụ khanh cuối cùng là (Sodano, Bertone và Parolin) hành động.
- Trong năm 2009 hoặc 2010, Đức Benedicto quyết định ra lệnh trừng phạt đối với McCarrick, được thông tri nhưng không bao giờ được thực hiện.
- Chính cá nhân Viganò thông báo cho Đức Thánh Cha Phanxicô rằng Hồng y McCarrick, lúc đó 82 tuổi và không có chức vụ cao, “những thế hệ chủng sinh và linh mục bị hư hỏng, và Đức Giáo hoàng Benedict ra lệnh cho ông sống ẩn dật cầu nguyện và sám hối.”
- Ngoài ra, ông cáo buộc Đức Thánh Cha Phanxicô đã loại bỏ vị hồng y này chỉ sau khi cáo buộc lạm dụng trẻ vị thành niên bị lộ tẩy.

Những cáo buộc có đáng tin cậy không?
Đó là lời cáo buộc nghiêm trọng nhất của một quan chức cao cấp Vatican chống lại Đức Giáo hoàng, nhưng hầu hết các tuyên bố của lá thư đều dựa trên các giả định, không được chứng minh, không đúng sự thật. Nhiều đoạn văn cho thấy ấn tượng của nó là một lá thư trả thù bởi một nhân viên giận dữ. Văn bản gồm những cáo buộc gay gắt chống lại 32 quan chức cấp cao khác mà Viganò đã làm việc.

Có lẽ vì lý do này, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên đọc kỹ lá thư, cho phép những tuyên bố đã nói lên chính nó.

Jos. Tú Nạc, Nguyễn Minh Sơn

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:55

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 30/08/2018

Filled under:

“Con Người sẽ đến”(Mt 24, 42-51)

42 “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.43 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu.44 Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.
45 “Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc?46 Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy.47 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.
48 Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng: “Còn lâu chủ ta mới về”,49 thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa,50 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết,51 và ông sẽ loại hắn ra, bắt chung số phận với những tên giả hình: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nói cho chúng ta về ngày của Con Người :
Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.
(c. 42)
Lời của Đức Giêsu nói về “Ngày của Con người” có thể làm cho chúng ta khiếp sợ, bởi vì Người so sánh ngày này với Trận Đại Lụt thời ông Nôe: khi đó một cách bất ngờ, cả nhân loại bị hủy diệt, đúng hơn là sự sống trên mặt đất bị hủy diệt (x. Mt 24, 37-41). Khi Thiên Chúa sáng tạo, Ngài đã tách nước ra, ở trên và ở dưới để cho sự sống phát sinh. Tuy nhiên, nước phía trên và nước phía dưới cứ chực ập lại để phá hủy sự sống; cũng vậy, khi tạo dựng trời đất, Thiên Chúa đã tách đất ra khỏi nước phía dưới, nhưng biển cả cứ muốn trào lên nuốt trửng mặt đất. Khối nước hung dữ, chính là hình ảnh của sự dữ, nói về những gì con người đã và đang làm cho con người.
Ngày tận của mọi sự cùng chắc chắn sẽ đến và làm chúng ta sợ hãi, nhưng đó lại là con đường tất yếu của sự sống mới và sáng tạo mới, như hạt lúa mì, như chính thân xác của chúng ta: sáng tạo này phải tan rã, thân xác chúng ta phải qua đi, để nhường chỗ cho trời mới đất mới và cho sự sống mới. Đó còn là cuộc Vượt Qua, từ sự chết sang sự sống, của toàn thể nhân loại và vũ trụ, theo khuôn mẫu mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ.
Hiểu như thế, cả loài người và từng người chúng ta, cùng muôn loài muôn vật được mời gọi trông chờ trong bình an và hi vọng Ngày Cánh Chung và cầu nguyện xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mau ngự đến.

  1. “Anh em hãy canh thức”
Vì thế, Đức Giê-su nhắc nhớ chúng ta: “Anh em hãy canh thức”, vì chúng ta không biết ngày nào Chúa của chúng ta sẽ đến. Ngày Chúa của chúng ta sẽ đến là ngày Quang Lâm, nghĩa là thời điểm tận cùng của thời gian và của lịch sử loài người; ngày này chắc chắn sẽ đến, vì chúng ta không sống trong vĩnh cửu, nhưng đang sống trong thời gian có thủy có chung; nhưng thời điểm tận cùng của thời gian chắc là còn lâu.
Nhưng nếu chúng ta hiểu ngày của Chúa chúng ta sẽ đến là thời điểm tận cùng, không phải của loài người, nhưng của chính mỗi người chúng ta, thì thời điểm này có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, dù chúng ta ở trong độ tuổi nào. Ai còn trẻ, thì người đó hi vọng sống được nhiều năm nữa; nhưng đâu có chắc chắn, chỉ hi vọng thôi. Hơn nữa, trong môi trường chúng ta đang sống, có quá nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe và cả tính mạng nữa.
Vì thế, lời Chúa nhắc nhớ chúng ta hãy canh thức, là đưa chúng ta trở về với sự thật của cuộc sống, đó là chúng ta phải luôn sẵn sàng, để trả lại cho Chúa sự sống của chúng ta. Đó là một sự thật hay bị quên lãng, vì chúng ta quá bận rộn, quá bận tâm và quá gắn bó với những gì trong cuộc đời này. Tuy nhiên, mọi sự không tồn tại mãi, nhưng sẽ qua đi, chúng ta cũng không tồn tại mãi, nhưng có một ngày chúng ta sẽ qua đi, và có thể qua đi bất cứ lúc nào!

  1. Bóng tối và ánh sáng
Lời của Đức Giêsu mời gọi các môn đệ “hãy coi chừng, hãy ở trong tình trạng tỉnh thức”, trong bối cảnh của Tin Mừng, chính là để chuẩn bị các môn đệ bước vào cuộc Thương Khó (x. Mt 26). Và thương khó là giờ của bóng tối, của sự dữ; nhưng đồng thời cũng là giờ của ánh sáng, giờ của sự thiện.
Thời đại chúng ta đang sống cũng có nhiều dấu chỉ nói về giờ của bóng tối: núi lửa hoạt động, những đợt sóng thần, những cơn động đất, nước từ trời trút xuống, nước từ sông biển dâng lên, gió bão hung hãn… Những gì xẩy ra trong thiên nhiên hoàn toàn khớp với những gì con người đang làm cho con người: đó là khủng bố, đó là thống trị và chiếm đoạt bằng vũ khí giết người, đó là đấu tranh cho quyền lợi của mình bằng bạo động, đó là giết hại mầm sống và chính sự sống nhân linh từ trong giai đoạn hình thành kì diệu nhất, đó là làm thiệt hại và hãm hại người khác vì lòng ham muốn, đó là dò xét và lên án, đó là cấm cản giam hãm, đó là áp đặt bằng quyền bính bất chấp ngôi vị, đó là nghi ngờ, không tin tưởng và thiếu tôn trọng người khác. Xét cho cùng, như ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, những thái độ và cách hành xử như thế, cho dù là nhân danh sự sống, nhân danh lợi ích của tập thể, nhưng thực ra là phá hủy sự sống một cách nghiệm trọng nhất, bởi lẽ đó là cách hành xử của chính Sự Dữ.
Khởi đi từ hồng ân lớn lao Chúa đã đến, Lời Chúa mời gọi chúng ta hướng đến biến cố Chúa sẽ đến. Trong thời gian chờ đợi, tất yếu chúng ta sẽ phải đối diện với bóng tối, không chỉ là bóng tối của thiên nhiên, nhưng nhất là bóng tối của sự dữ ở trong chúng ta và ở giữa chúng ta. Và chúng ta được Đức Giê-su mời gọi: “Hãy canh chừng và tỉnh thức” để có thể nhận ra Chúa hiện diện và đang đến, để sống theo Sự Thiện và Ánh Sáng và tín thác vào sức mạnh của Sự Thiện và Ánh Sáng và chính Chúa.
Và để có thể nhận ra Chúa đến và hiện diện, chúng ta được mời gọi cầu nguyện liên lỉ như chính Chúa mời gọi các môn đệ trong cuộc Thương Khó: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện” (Mt 26, 41; Mc 14, 38); cầu nguyện với Lời Chúa và cầu nguyện với ngày sống hay một giai đoạn sống của chúng ta.
  • Cầu nguyện trong những giờ dành riêng cho việc cầu nguyện.
  • Và chúng ta cũng được mời gọi sống ngày sống của chúng ta như là một lời cầu nguyện.
Nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm gặp nhiều khó khăn trong đời sống cầu nguyện hằng ngày. Không có cách nào khác, là chính chúng ta phải tự tìm ra cho riêng mình những phương cách để vượt qua khó khăn và duy trì đời sống cầu nguyện.
Có hai tâm tình có thể giúp chúng ta vượt qua khó khăn trong việc cầu nguyện: Cầu nguyện là dâng lại cho Chúa một ít thời gian của chúng ta một cách nhưng không; và cầu nguyện là lời tạ ơn và ca tụng Chúa, về “những điều cao cả” Chúa làm cho chúng ta trong cuộc đời, trong hành trình ơn gọi và trong từng ngày sống; và điều cao cả nhất là tình yêu Thiên Chúa để thể hiện đến cùng cho chúng ta nơi Đức Giê-su Ki-tô.

  1. Người đầy tớ trung tín và khôn ngoan
Và trong khi chờ đợi và canh thức, Đức Giê-su mời gọi chúng ta sống như người tôi tớ trung tín và khôn ngoan: người tôi tớ khôn ngoan là người hiểu ra rằng Chúa có thể đến bất cứ lúc nào; và vì thế, người này lúc nào cũng trung tín với Chúa, ngang qua việc khiêm tốn và kiên nhẫn “đúng giờ và đúng lúc”, thi hành sứ mạng được giao.
Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc? Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy.
(c. 45-47)
Và như thế, Chúa có thể đến bất cứ lúc nào và ban phúc cho người tôi tớ. Và lời Chúa cũng mời gọi chúng ta đừng trở thành người tôi tớ bất trung và ngu dại: đó là người tôi tớ nghĩ trong lòng một cách sai lầm rằng: còn lâu chủ ta mới về! Và vì thế, anh ta tự biến mình thành chủ nhân, chiều theo lòng ham muốn, sống một cuộc sống bạo lực, lệch lạc và bê tha.
Vậy, chúng ta được mời gọi canh thức, để chờ đợi ngày Chúa đến. Nhưng thực ra Chúa vẫn đến với chúng ta mỗi ngày trong Thánh Lễ, qua những ân huệ và biến cố của từng ngày sống. Do đó, chúng ta có thể thực tập đón Chúa đến mỗi ngày, để cho lúc Chúa thực sự đến, chúng ta không còn bị bất chợt và sợ hãi; nhưng chúng ta đón mừng Chúa đến trong niềm vui của đợi chờ, giống như niềm vui được đón mừng Chúa đến lần thứ nhất, trong đêm Giáng Sinh.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Suy niệm 2

Đoạn lời Chúa mà chúng ta suy niệm hôm nay là lời mời gọi của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ của Người khi xưa, cũng như dành cho chúng ta hôm nay: các con hãy canh thức, hãy sẵn sàng!

Và để minh chứng cho thái độ tỉnh thức và sẵn sàng, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn người đầy tớ trung tín: đó là người luôn chu toàn bổn phận của mình. Bất kể người chủ trở về nhà lúc nào, giờ nào, anh ta vẫn luôn hoàn thành những công việc được giao. Trái lại, người đầy tớ bất trung, xấu xa là người sống bê tha, chểnh mảng công việc của mình vì nghĩ rằng: “Còn lâu chủ ta mới về”. Để rồi, số phận chung cuộc của anh ta là sẽ bị loại ra ngoài vào chốn “khóc lóc nghiến răng” muôn đời.

Mỗi người chúng ta khi bước vào cõi nhân sinh này đều là những đầy tớ được Chúa trao cho những sứ vụ khác nhau. Dù sống ở lứa tuổi nào, dù bước đi theo ơn gọi hay bậc sống nào, chúng ta cũng được mời gọi hãy luôn tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách chu toàn tất cả những bổn phận và trách nhiệm của mình với niềm tin yêu và phó thác vào Chúa. Có như vậy, chúng ta sẽ không lo lắng về việc giờ nào, ngày nào Chúa đến, nhưng luôn bình an và hân hoan vui mừng nghe Chúa nói: Hãy đầy tớ tài giỏi và trung tín, hãy vào hưởng gia nghiệp dành cho ngươi!

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân ái, chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương tin tưởng trao cho chúng con những nhiệm vụ khác nhau, hầu góp phần vào chương trình cứu độ của Chúa. Xin cho mỗi người chúng con luôn trung thành và nhiệt tâm chu toàn phận vụ của mình trong mọi hoàn cảnh và môi trường sinh hoạt, hầu đáng được hưởng sự sống muôn đời Chúa hứa ban. Amen.



GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:52

Chuyến tông du Ireland của Đức Giáo Hoàng

Filled under:


  •  
  •  
  •  
Chuyến tông du Ireland của Đức Giáo Hoàng
Chiều tối 26.8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên máy bay quay về Rome, kết thúc chuyến thăm gần 2 ngày tại Ireland nhân Đại hội Gia đình Thế giới 2018 (WMOF2018).
Ngày 25.8, hàng chục ngàn gia đình đã có mặt tại sân vận động Croke với sức chứa gần 80.000 người từ rất sớm để dự lễ hội của WMOF2018 và chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô. Chương trình mở màn bằng điệu nhảy của các em nhỏ chào mừng Đức Thánh Cha. Sau đó, các gia đình đến từ khắp nơi trên thế giới, Ireland, Ấn Độ, Iraq, Burkina Faso… đã đưa ra những chứng từ về tình yêu gia đình đã thay đổi cuộc sống họ như thế nào.
Ca sĩ khiếm thị nổi tiếng Andrea Bocelli đã hát bài “Ave Maria” của Schubert đầy cảm xúc. Sau đó, Đức Thánh Cha đã có bài huấn dụ, ngài nói rằng cuộc sống gia đình là nguồn gốc của sự thánh thiện, và kêu gọi mọi người cùng tham gia vào niềm vui trong cuộc sống với những người thân thương của mình, mặc dù điều đó đôi khi không dễ dàng thực hiện.
Ngài đưa ra lời khuyên: “Điều quan trọng nhất cho sự tồn tại của gia đình chính là sự tha thứ”. Kết thúc lễ hội tại sân vận động Croke, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu về vai trò căn bản của họ trong thế giới và trong Giáo hội.
Sáng 26.8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng Đền thánh Đức Mẹ Knock. Ngài cùng cầu nguyện với các tín hữu trong thinh lặng trước tượng Đức Maria, thánh Giuse và thánh Gioan. Sau đó ngài chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin trước khi quay trở lại Dublin để dâng thánh lễ bế mạc WMOF2018 tại công viên Phoenix.


Tổng thống Indonesia mời gọi bảo vệ sự đa dạng tôn giáo

  •  
  •  
  •  
Tổng thống Indonesia mời gọi bảo vệ sự đa dạng tôn giáo
INDONESIA - Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã viếng thăm trụ sở Hội đồng Giám mục nước này ở thủ đô Jakarta vào ngày 24.8.2018 nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa chính phủ với Giáo hội.
Ông Widodo kêu gọi các tín hữu Công giáo chung tay bảo vệ sự đa dạng về tôn giáo và tinh thần đoàn kết của quốc gia. Vị nguyên thủ được Chủ tịch Hội đồng Giám mục Indonesia, Đức cha Ignatius Suharyo - Tổng Giám mục Jakarta, và Tổng thư ký Hội đồng Giam mục, Đức cha Antonius Subianto Bunjamin - Giám mục Bangdung, cùng 8 vị giám mục khác chào đón.
Trong suốt buổi gặp mặt, các Đức giám mục đã chia sẻ với ông Widodo về tình hình của các giáo phận. Vị tổng thống cũng bày tỏ mong muốn viếng thăm Vatican.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Widodo đến thăm Hội đồng Giám mục với tư cách là nguyên thủ quốc gia. Ông đã từng thực hiện việc này hai lần khi còn làm thống đốc Jakarta từ năm 2012 đến 2014. Vào Quốc khánh Indonesia (17.8), Tổng thống Widodo kêu gọi người dân hãy mở rộng tấm lòng với người khác, chấp nhận những khác biệt về tôn giáo, quan điểm chính trị.
Ngày 18.8 vừa qua, ông đã khai mạc Á Vận Hội lần thứ 18 được tổ chức tại Jakarta và Palembang. Hội đồng Giám mục Indonesia cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với sự kiện thể thao hàng đầu châu lục và đánh giá đây là dịp để xây dựng hòa bình.
Vatican News, 27.8.2018

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:46

NGÀY ÔNG BÀ

Filled under:

NGÀY ÔNG BÀ
Ngày Ông Bà (Grandparents' Day), cũng gọi là Ngày Liên Thế Hệ (Intergenerational Day), là ngày lễ được cử hành tại Hoa Kỳ từ năm 1978 và chính thức được công nhận tại nhiều quốc gia khác – ngày lễ thay đổi tùy năm (năm 2018 là ngày 9-9, năm 2019 là ngày 8-9, năm 2020 là ngày 13-9). Ngày Ông Bà cử hành vào Tháng Chín vì là Mùa Thu, với ý nghĩa “tuổi già là Mùa Thu của đời người”. Dĩ nhiên Ngày Ông Bà là ngày của cả ông bà Nội và ông bà Ngoại.
LỊCH SỬ
Nhiều người kính trọng ông bà bằng nhiều hoạt động như tặng quà, tặng thiệp, ... Các cháu có thể mời ông bà tới trường học vào ngày đặc biệt nào đó. Nhiều trường có các hoạt động liên quan ông bà, chẳng hạn thi kể chuyện về ông bà.
Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 4 triệu tấm thiệp được tiêu thụ vào dịp cử hành Ngày Ông Bà. Đây là dịp tốt để giới trẻ bày tỏ lòng yêu thương đối với ông bà qua các hoạt động như gọi điện thăm hỏi hoặc mời ông bà đi ăn uống. Những người sống ở các nhà hưu dưỡng có thể được cháu chắt và người thân đến thăm.
Ngày Ông Bà có nguồn gốc khác nhau. Một số người cho rằng ngày đó do đề nghị của Michael Goldgar hồi thập niên 1970, sau khi ông thăm người dì ở nhà dưỡng lão Atlanta, ông dùng 11.000 USD để vận động cho Ngày Ông Bà được công nhận chính thức, ông tới Washington DC 17 lần trong vòng 7 năm để gặp các nhà lập hiến.
Một số người khác lại cho rằng Marian Lucille Herndon McQuade (1917-2008), một bà nội trợ ở miền Tây Virginia, là người khởi xướng Ngày Ông Bà. Thập niên 1970, McQuade cố gắng cho người ta biết về sự đóng góp quan trọng của người dân, sự đóng góp mà họ sẵn sàng làm nếu được yêu cầu. Bà cũng thúc giục người ta phụng dưỡng ông bà, không chỉ trong ngày này mà suốt cả đời.
Năm 1978, Tổng thống Jimmy Carter đã ký luật công nhận Ngày Ông Bà là ngày lễ quốc gia. Marian McQuade đã nhận được điện thoại từ Tòa Bạch Ốc đề cập sự kiện quan trọng này. Nhiều người tin rằng Ngày Ông Bà được gợi hứng từ nỗ lực của bà. Tổng thống tuyên bố ngày 6-9-1979 là ngày chính thức, và ấn định Ngày Ông Bà vào Chúa Nhật, 9-9-1979, Chúa Nhật đầu tiên của Tháng Chín sau Ngày Lao Động (Labor Day).
Ca khúc chính thức của Ngày Ông Bà là bài “A Song for Grandma And Grandpa” của Johnny Prill (*), và biểu tượng là hoa “forget-me-not” (hoa lưu ly). Tương tự các dịp lễ khác, mỗi dịp đều có những bài hát ngắn đặc trưng – chẳng hạn dịp Năm Mới có bài “Auld Lang Syne” hoặc dịp Giáng Sinh có bài “Grandma Got Run Over By a Reindeer”.
Tại Australia, bang Queensland cử hành Ngày Ông Bà vào Chúa Nhật thứ nhất trong Tháng Mười. Tại New South Wales, Ngày Ông Bà được cử hành lần đầu tiên vào Chúa Nhật 30-10-2011, và được cử hành hàng năm vào Chúa Nhật cuối cùng trong Tháng Mười. Còn tại Australian Capital Territory và Western Australia cử hành Ngày Ông Bà lần đầu tiên vào năm 2012.
Tại Canada, Ngày Ông Bà được cử hành lần đầu tiên năm 1995, nhưng bị gián đoạn tới năm 2014 mới được cử hành lại. Theo ý kiến của nhiều người, Ngày Ông Bà nên được cử hành vào Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Chín để giáo dục ý thức về gia đình trong việc phụng dưỡng ông bà, đồng thời cũng giáo dục về việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái.
Tại Estonia, Ngày Ông Bà (Vanavanemate Päev) được cử hành vào Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Chín. Tại Pháp, Ngày Ông Bà (La Fête des Grands-Mères) được cử hành lần đầu tiên vào năm 1987 với nhãn hiệu cà phê Grand'Mère, và ấn định là Chúa Nhật thứ nhất trong Tháng Ba. Tại Anh, Ngày Ông Bà được cử hành vào năm 1990, và từ năm 2008 ấn định là Chúa Nhật thứ nhất trong Tháng Mười.
Tại Đức, Ngày Ông Bà được cử hành lần đầu tiên vào năm 2010, và ấn định là Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Mười. Tại Tây Ban Nha, Ngày Ông Bà (Día del Abuelo) được cử hành vào ngày 26-7, lễ Thánh Gioakim và Thánh Anna – song thân của Đức Mẹ, ông bà ngoại của Chúa Giêsu. Tại Ý, Ngày Ông Bà (Festa Nazionale dei Nonni) được cử hành lần đầu tiên vào năm 2005, và ấn định là ngày 2-10, lễ Các Thiên Thần Bản Mệnh theo lịch Công giáo Rôma.
Tại Mexico, Ngày Ông Bà (tiếng Tây Ban Nha: Día del Abuelo) được cử hành vào ngày 28-8. Tại Ba Lan, Ngày của Bà (Dzień Babci) được tạp chí Kobieta i Życie giới thiệu vào năm 1964, và từ năm 1965, Ngày của Bà được cử hành vào ngày 21-1, và sau đó là Ngày của Ông (Dzień Dziadka) được cử hành vào ngày 22-1. Tại Nam Sudan, Ngày Ông Bà được cử hành lần đầu tiên vào năm 2013, và ấn định là Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Mười Một.
Tại Singapore, Ngày Ông Bà được cử hành lần đầu tiên vào năm 1979, và được ấn định là Chúa Nhật thứ tư trong Tháng Mười Một. Tại Hong Kong, Ngày Ông Bà được cử hành lần đầu tiên vào năm 1990, và ấn định là Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Mười. Tại Đài Loan, Ngày Ông Bà (祖父母節, Zǔfùmǔ Jié) được cử hành lần đầu tiên vào ngày 29-8-2010, và ấn định là Chúa Nhật cuối cùng trong Tháng Tám, ngay trước khi các cháu bắt đầu học kỳ mới.
MỤC ĐÍCH
Tại Hoa Kỳ, Ngày Ông Bà là Chúa Nhật thứ nhất trong Tháng Chín – sau Ngày Lao Động. Ngày này được thành lập không phải để bán thiệp và hoa, mà là để khơi dậy lòng kính trọng và yêu mến ông bà – cha mẹ của cha mẹ mình. Người đề xướng là bà Marian Lucille Herndon McQuade. Chồng bà là ông Joseph L. McQuade cũng ủng hộ bà. Họ có 15 người con, 43 người cháu, 10 người chắt, và 1 người chút. Bà McQuade qua đời ngày 26-9-2008, sau 60 năm hôn nhân.
Có ba mục đích đối với Ngày Ông Bà:
1. Thể hiện lòng kính trọng ông bà.
2. Tạo cơ hội để ông bà thể hiện yêu thương với cháu chắt.
3. Giúp cháu chắt nhận biết sức mạnh, thông tin và sự hướng dẫn quý báu từ những người lớn tuổi.
Bà McQuade muốn rằng Ngày Ông Bà là ngày của các gia đình. Bà nghĩ tới các gia đình tận hưởng những cuộc họp mặt, đoàn tụ, hoặc cùng nhau tham gia các sự kiện của cộng đồng.
Về phương diện xã hội, Ngày Ông Bà cho chúng ta cơ hội xác định sự đồng nhất và tầm quan trọng của ông bà, những người giữ vai trò chính trong gia đình. Đó cũng là ngày dấn thân, quên mình, chia sẻ niềm hy vọng, ước mơ, và các giá trị khác, đồng thời cũng nêu gương và tư vấn cho thế hệ tương lai.
Bà McQuade khiêm nhường nhận mình chỉ là người nội trợ, nhưng công việc của bà đáng trân trọng vì đã không ngừng nỗ lực làm cho Ngày Ông Bà được xã hội công nhận. Bà dành nhiều thời gian tư vấn cho những người lớn tuổi. Năm 1971, bà được bầu làm phó chủ tịch Ủy Ban Người Già của vùng Tây Virginia, và được ủy thác làm người đại diện tại Hội Nghị về Người Già của Tòa Bạch Ốc. Năm 1972, nỗ lực của bà McQuade được Tổng thống Richard Nixon tuyên bố là Ngày Ở Nhà Toàn Quốc (National Shut-in Day). Bà còn là chủ tịch Tổ chức Phục hồi Hướng nghiệp, phó chủ tịch Cơ quan Y tế Tây Virginia, thành viên lãnh đạo Nhà Dưỡng Lão, và liên quan nhiều hoạt động khác.
Lailah Rice, một người cháu của bà McQuade, nhắn nhủ trẻ em ngày nay: “Các cháu có thể học hỏi nhiều từ ông bà hơn mình tưởng – đó không chỉ là công việc trong gia đình”.
Ngày Ông Bà là “gạch nối” quan trọng trong gia đình, với mối quan hệ liên thế hệ. Ngày nay, nhiều trường học và các nhóm cộng đồng cử hành Ngày Ông Bà vào bất cứ thời gian nào trong năm, với minh định là liên kết gia đình và cộng đồng. Cháu chắt có cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà – những người đã sinh ra cha mẹ mình, đồng thời cũng là dịp để ông bà cảm thấy cuộc đời của mình không vô nghĩa và được quý mến.
Tuổi già bắt đầu từ tuổi trẻ. Hỡi các cháu chắt, hãy luôn chân thành yêu quý ông bà, đặc biệt là Ngày Ông Bà!

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:43