Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Vũ công truyền thống Croatia trình diễn và hát một bài hát thác loạn tại Công trường Thánh Phêrô

Filled under:

Vũ công truyền thống Croatia trình diễn và hát một bài hát thác loạn tại Công trường Thánh Phêrô


Các nhóm khiêu vũ Izvor Donja Motiina và Biseri Slovenije gây sự chú ý của hàng trăm khách hành hương ở trung tâm Vatican sau buổi triều yết chung.

Các vũ công Đông Croatia nhận lời mời của Đại sứ quán Croatia trình diễn bài hát và điệu nhảy theo phong tục của họ cho Đức Thánh Cha Phanxicô.

Daniel Martin, nhà tổ chức thăm viếng:
“Chúng tôi đã có cơ hội để nhảy và hát gần Đức Thánh Cha. Chúng tôi đã có cơ hội để hầu chuyện với Đức Thánh Cha. Họ đã biếu ĐứcThánh Cha một món quà.   

Nhóm này đã biếu Đức Thánh Cha bộ trang phục truyền thống Croatia của họ, mà thông thường được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Daniel Martin: 
“Đức Thánh Cha đã rất tự hào và ngài nói nói với những người này cầu nguyện cho ngài và nói với ông bà cầu nguyện cho ngài. Thật tế nhị.”

Sau khi tiếp chuyện với Đức Thánh Cha Phanxicô, họ đi khắp Công trường Thánh Phêrô, biểu diễn ở nhiều điểm khác nhau. Khách hành hương Croatia và không phải người Croatia cũng theo họ, vây quanh họ thu video bằng điện thoại của họ.

Họ dừng lại để trình diên ngay dưới lá cờ của Croatia tại Đại sứ quán, khi các nhân viên theo dõi từ bên trong cửa sổ. Cùng lúc, nhóm này đã cầm một lá cờ Croatia của riêng mình phía trước các vũ công ca hát.

Trang phục đặc trưng của họ là trang phục của những người dân trong làng Croatia mặc vào lễ hội và ngày lễ nghỉ, với chiếc khăn và mũ hoa hòe dành cho phụ nữ và nhiều mẫu đơn giản cho nam giới. Họ nói rằng vũ điệu của họ tiếp tục cử hành vào mùa Phục Sinh.

Theo Martin, ca khúc này mô tả một khía cạnh thác loạn của nhiều người Croatia, vì nó mô tả uống rượu với bạn bè, tiệc tùng và tận hưởng cuộc sống.

Daniel Martin: 
“Có một chút thác loạn nào đó. Bạn biết đấy, một số người đàn ông tận hưởng cuộc sống, uống quá nhiều đồ uống như một kiểu của Ý, tên của nó là rakija, và họ rất lạc quan.”

Những người đàn ông chơi những nhạc cụ dây khác nhau, trong khi phụ nữ và nam thiếu niên đã nhảy và hát thành một vòng tròn. Nhóm biểu diễn Croatia kolo, hoặc nhảy vòng tròn, và thậm chí còn mời một số khách hành hương Vatican đứng ngoài cũng tham gia khiêu vũ, và hõ sẵn sang tham gia.  

Sau khi trình diễn, nhóm trao đổi quà tặng với Đại sứ quán Croatia ở Roma và sẽ viếng thăm Đức Thánh Cha Phanxicô, chụp ảnh với ngài trước khi về nhà.

Jos. Tú Nạc, NMS

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:24

Công Giáo Thế Giới Ngày 25.4.2016

Filled under:


Đức Thánh Cha bất ngờ tham dự một sự kiện nhân ngày Trái Đất



Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự một sự kiện tại làng Borghese ở Rôma tối Chúa Nhật 24 tháng Tư để đánh dấu Ngày Trái Đất.

Sáng kiến mang tên “Làng Trái đất. Sống cùng nhau trong thành phố. Rôma tại Mariapolis”, được tài trợ bởi Ngày Trái đất Italia, tổ chức Connect 4 Climate và phong trào Focolare của Rôma.

Theo phong trào Focolare, hay còn gọi là tổ ấm, “ý tưởng chính là tạo ra một ngôi làng tạm thời trong thành phố Rôma, với sự tham gia của nhiều sáng kiến hoạt động hàng ngày để biến thủ đô thành một nơi tốt hơn để sống, nơi mà mỗi công dân và các khách du lịch, bất kể tuổi tác, tầng lớp xã hội hay văn hóa, có thể trải nghiệm những đóng góp không thể thay thế của chính họ vào cuộc sống của thành phố”.

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra thông điệp Laudato Si trong đó ngài kêu gọi mọi người “chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta”.

Sự kiện tại Rôma diễn ra chỉ vài ngày sau khi các nhà lãnh đạo thế giới đã chính thức ký Hiệp định Paris về khí hậu, COP21.

Đặng Tự Do

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:04

5 Phút cho Lời Chúa 26/4/2016

Filled under:


BÌNH AN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.” (Lc 24,5-6)
Suy niệm: Trong đêm Con Thiên Chúa giáng trần, các thiên thần hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Bình an kiểu “Chúa Ban” không phải thứ bình an kiểu “Thế Gian” mà là bình an của Lòng Thương Xót. Ngay trong ngày phục sinh, Chúa Giê-su hiện ra và ban cho các môn đệ bình an đó: “Bình an cho các con. Thầy ban bình an của Thầy cho các con.” Đó là bình an của Người Con đã vâng phục thánh ý Chúa Cha để chịu khổ nạn, chịu chết đền tội thay cho nhân loại. Ngày nay trong mỗi thánh lễ chúng ta đón nhận từ lời chúc của chủ tế: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” để đến lượt chúng ta, chúng ta cũng chúc bình an đó cho nhau. 
Mời Bạn: Bao lâu chúng ta còn sống trong tội lỗi, bao lâu chúng ta còn hờn ghen, giận ghét tha nhân, chúng ta không có bình an nơi mình. Vì chưa có bình an nên lòng chúng ta vẫn bất an, căng thẳng, mặc cảm… Bạn hãy để Chúa đong đầy lòng bạn bằng bình an của Chúa khi bạn thực thi lời Ngài: đó là hy sinh quên mình, nhẫn nại bao dung và phục vụ anh chị em mình trong tinh thần khiêm tốn và vui tươi
Sống Lời Chúa: Sau khi rước lễ, bạn thinh lặng trong tâm tình cầu nguyện để cảm nghiệm sâu xa bình an của Lòng Thương Xót đang tràn ngập tâm hồn bạn. Và ngày hôm nay bạn sẽ chia sẻ bình an ấy cho người khác bằng những hành động bác ái.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con bình an của Chúa, để con sẵn sàng làm chứng tá của Chúa trên trần gian. Hoặc hát: “Biết lấy gì cảm mến”.

THÁNH CLÊTÔ VÀ MACCELLINÔ, GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO
THÁNH CLÊTÔ
(+88)
Thánh Clêtô (+88) Rất tiếc rằng lịch sử đã ghi lại rất ít về đời sống cũng như cuộc tử đạo của hai vị Giáo hoàng Clêtô và Marcellinô mà quý danh của các ngài vẫn còn ghi trong phần lễ quy của chúng ta ngày nay. Riêng về Đức Giáo Hoàng Clêtô, lịch sử chỉ để lại mấy dòng sơ lược như sau: Đức Clêtô (còn gọi là Đức Anaclêtô) là một trong những vị Giáo Hoàng của thời Giáo hội sơ khai (thế kỷ I). Ngài thuộc dòng giống người Rôma chính cống. Thân phụ ngài là ông Emilianô cũng là một nhân vâït có thế giá trong xã hội. Đức Clêtô sinh trưởng tại khu phố quý tộc ở Rôma, gần với tư dinh của thượng nghị sĩ Pudentê; đó là nơi mà thánh Tông đồ cả Phêrô xưa đã lưu trú ở đấy ít bữa.
Đức Clêtô cầm quyền cai trị Giáo hội được sáu năm, một tháng và 11 ngày, dưới đời các vua Vespasianô và Titô rồi được phúc tử đạo. Tuân theo lệnh truyền của thánh Phêrô, trong khoảng tháng 12, Đức Clêtô đã truyền chức cho 25 linh mục để bổ nhiệm trông coi địa sở trong thành Rôma. Ngày 26-4 thi hài ngài được mai táng gần bên mộ vị Giáo Hoàng tiên khởi, trong khu Vaticanô. Sau khi ngài từ trần, ngai toà thánh Phêrô phải bỏ trống trong thời gian 20 ngày mới lại có Giáo Hoàng lên thế vị. Đó là mấy dòng rất vắn tắt về tiểu sử của Đức Giáo Hoàng Clêtô. Mong rằng thời gian và những công cuộc khảo cứu sẽ đem lại cho chúng ta nhiều chi tiết mới mẻ và xác thực hơn về đời sống vị thánh Giáo Hoàng.
-o0o-
THÁNH MÁCCELLINÔ
(+304)
Căn cứ vào tài liệu của bộ Giáo Hoàng thư (Liber pontificalis) người ta được biết : Đức Giáo Hoàng Maccenlinô cũng đã mang trong mình huyết thống của người Rôma. Thân phụ ngài là ông Projectô. Ngày 30-6-296, ngài lên ngôi Giáo Hoàng  kế vị Đức Caiô băng hà ngày 22-4 năm đó. Những bia tích cổ xưa nhất, mà gần đây các nhà khảo cổ học đã khám phá  được, còn cho biết : Đức Máccllinô cai trị Giáo hội được 8 năm, 3 tháng 25 ngày. Trong cuốn lịch sử Giáo hội VII, XXXII, sử gia Êusêbiô cũng đồng ý với ông Têôđôrê (lịch sử Giáo hội I,II), mà công nhận rằng một cơn bách hại đạo đã xẩy ra dưới đời Đức Máccellinô làm Giáo hoàng; và trong những ngày đen tối đó, Đức Máccellinô đã tỏ ra những tư cách xứng đáng của một vị chúa chiên. Ý kiến chung đều công nhận rằng ngài có tử đạo thật, nhưng bằng cách nào, như bị tra tấn, hành hình mà chết, hay chết mòn mỏi vì khổ cực trong lao tù thì không rõ. Các giáo hữu đã xin được xác ngài và mai táng ở chính nơi mà khi còn sinh thời ngài đã sửa soạn dành để cho mình, tức là một nơi thuộc tầng dưới hang toại đạo Priscilla. Ngài được an nghỉ trong một hầm mộ sáng sủa liền với phần mộ của vị tử đạo Crescentiô. Ba lần phong chức cử hành vào tháng 12, ngài đã đặt tay tấn phong cho bốn vị linh mục, hai thầy phụ tế và năm Giám mục để bổ nhiệm coi giữ các giáo đoàn, các địa sở mới thành lập. Trên đây là theo tài liệu trong cuốn Giáo hoàng thư. Thực ra về cuộc tử đạo của Đức Máccellinô, trải qua dòng lịch sử, người ta đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau. Thế kỷ thứ V, những người theo phái Donatô vì muốn giảm giá vị Giáo Hoàng, nên đã tố cáo ngài một cách gắt gao. Chẳng hạn như Pêtilianô, Giám mục thuộc phái Đônatô ở Côntantinôpôli đã quyết rằng Đức Máccllinô và các linh mục của ngài là Mintiađê, Marcelô. Sylvestrê, trong thời buổi bách đạo đã vứt bỏ Sách Thánh và đốt hương tế thần. Nhưng lời quyết đoán của ông không có những bằng chứng cụ thể và chắc chắn, nên thánh Âutinh đã bác bẻ lại một cách dễ dàng. Tuy nhiên người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy có hai câu chuyện đã dựa theo những điều Pêtiliên đã khởi xuớng mà cho rằng Đức Máccellinô có sa ngã, nhưng ngay sau đó ngài hối hận; ngài đến trình diện trước một cộng đồng có đông các Giám mục, nhưng cộng đồng không muốn xét xử ngài, vì rằng không ai có quyền xét xử ngai Toà thánh Phêrô. Sách Giáo hoàng thư có lẽ cũng chịu ảnh hưởng của những câu chuyện trên đây, nên đã kể lại hai việc sa ngã nhưng lại đã nhấn mạnh nhiều đến sự hối lỗi và đền tội của Đức Giáo Hoàng Máccllinô. Vì thế, các tác giả đã bất đồng ý kiến: có người chủ trương Đức Giáo Hoàng đã sa ngã, kẻ khác lại phản đối và phủ nhận ý kiến trên. Những tác giả gần đây nhận có sự kiện sa ngã, nhưng lại giải thích theo một phương diện khác.
Trước dư luận khác nhau và tương phản ấy, Đức Giáo Hoàng Biển đức XIV nhận thấy cần phải hủy bỏ câu chuyện hoang đường trên, và điều đó Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã thực hiện năm 1883. Vì thế các sử gia hiện thời không còn ngần ngại theo chân tác giả Tillemon mà gạt bỏ ý kiến cho rằng Đức Giáo Hoàng Maccellinô đã sa ngã.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:00

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Ai yêu thương đều là Kitô hữu

Filled under:

Một buổi tối nọ, Mẹ Têrêsa thành Calcutta tiến lại gần một người, người ta vừa mang vào căn nhà dành cho những người hấp hối. Đó là một bà lão. Mình phủ đầy những mảnh giẻ rách, nước da đen đầy những vết thương hôi thối. Mẹ Têrêsa đã chùi rửa các vết thương và chăm sóc để ngừa bị nhiễm trùng. Nhưng người đàn bà đáng thương nầy đang hấp hối … có lẽ khó mà qua khỏi, do đó tốt hơn là nên tìm cách an ủi lần cuối cùng bằng một chén xúp nóng và tràn đầy tình thương yêu.
Người đàn bàn đáng thương ấy sững sờ nhìn và hỏi Mẹ Têrêsa bằng một giọng thều thào: “Tại sao bà lại làm như thế?”
Mẹ Têrêsa trả lời:
- “Bởi vì tôi rất yêu mến bà …”.
Một tia sáng hạnh phúc, dù vẫn còn pha chút nghi ngờ, phát xuất tận đáy lòng đã ngời lên khuôn mặt gầy gò của người đàn bà, nơi dấu ấn của tử thần đã bắt đầu xuất hiện.
- Ôi, bà hãy nhắc lại một lần nữa đi!
- Tôi rất yêu mến bà, Mẹ Têrêsa lập lại bằng một giọng điệu rất dịu dàng.
- Hãy nhắc lại, hãy nhắc lại đi bà!
Người đàn bà đang bước vào cõi chết xiết chặt tay Mẹ Têrêsa và kéo về phía bà ta, như muốn lắng nghe rõ hơn, nghe với niềm hạnh phúc tràn trề những lời lẽ tuyệt vời nhất trên cõi đời nầy …
Bằng chính tình yêu của mình, Mẹ Têrêsa đã làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta – “Yêu thương anh em như Chúa đã yêu thương chúng ta” – Và đó cũng là điều răn mới của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu, trong nỗi bồi hồi xúc động của giây phút chia ly, đã dốc hết lòng mình với các môn đệ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau”. Lời di chúc của người sắp ra đi thật là trang trọng và thâm sâu! Trước đó, Thầy đã khẳng định đây là mệnh lệnh, là giới răn của Thầy!
Vì là giới răn, là mệnh lệnh của Thầy, nên tình yêu thương huynh đệ của người môn đệ phải mang chiều kích của Thầy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Vì là giới răn của Thầy, nên từ nay yêu thương sẽ là dấu ấn, là bằng chứng, là danh hiệu của người môn đệ: mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy khi anh em yêu thương nhau.
Nhưng, thưa anh chị em, yêu thương nhau, đâu phải chỉ có kitô giáo mới giảng dạy. Văn hoá Á Đông đã từng nêu châm ngôi: “Tứ hải giai huynh đệ”: bốn biển là anh em. Đạo lý cha ông ta cũng đã răn dạy: thương người như thể thương thân, để nói lên tấm lòng thương yêu rộng mở của người đối với người trong một xã hội.
Vậy thì giới răn yêu thương của Kitô giáo có đem đến cái gì mới mẻ hơn chăng?
Chỉ dựa vào lời di chúc của Chúa Giêsu trước giờ tử nạn, chúng ta đã tìm ra được nét độc đáo và đặc thù của tình yêu Kitô giáo. Đó là yêu thương anh em như Chúa Giêsu đã yêu thương và yêu thương anh em là dấu chứng thuộc về Chúa Giêsu.
Nét mới mẻ của tình yêu Kitô giáo là ở chỗ: mẫu mực, thước đo tình yêu đối với tha nhân không còn là “tình anh em máu mủ”, cũng không còn là “bản thân mình” nữa. Mẫu mực, thước đo của tình yêu Kitô giáo là chính tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa là tình yêu trao ban, là tình yêu dâng hiến. Chúa Giêsu khi nói về tình yêu của Thiên Chúa và cũng là tình yêu của chính mình, Ngài đã khéo so sánh: “Không ai có tình yêu lớn hơn người hy sinh mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13).
Đó là bản đúc kết, là bản tóm tắt nội dung cuộc sống và cái chết của Đấng bị đóng đinh thập giá để nói lên tình yêu của Chúa Cha dành cho loài người. Một Thiên Chúa đầy lòng nhân ái, đầy tình thứ tha đối với hết mọi người không trừ ai. Tình yêu thương vô bờ bến đó phải là mẫu mực để chúng ta noi theo.
Chúa Giêsu không đòi các môn đệ của Ngài phải thông thái như các thầy kinh sư và ký lục. Ngài cũng không bắt họ phải sống nhiệm nhặt, gò bó như nhóm người Biệt phái Pharisêu trong việc tuân giữ các giới luật. Điều Ngài đòi nơi các môn đệ, chỉ một điều duy nhất mà thôi, là phải yêu thương anh em, yêu thương người khác như chính Ngài đã yêu thương mọi người đến tột cùng, đến hết khả năng yêu thương của Thiên Chúa.
Chính tình yêu thương vô vị lợi, phổ quát, bao dung nầy sẽ là dấu chứng của những người tin theo và tuân giữ Lời Chúa. Người môn đệ Chúa Giêsu là người biết yêu thương tha nhân và ngược lại. Ngay từ cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi, dấu chứng tình yêu đã trở thành chứng tá của Chúa Kitô Phục Sinh. Trong suốt lịch sử Giáo Hội, các người bên ngoài Giáo Hội cũng vẫn nhận ra Chúa là tình yêu xuyên qua những chứng từ sống động của một tấm lòng vị tha, bác ái của người tín hữu.
Thưa anh chị em,
Trong cuộc sống hằng ngày, không phải chúng ta không biết đến đòi hỏi căn bản nhất của Tin Mừng là yêu thương tha nhân như Chúa đã yêu thương họ. Chúng ta cũng vẫn được giảng dạy: Tình yêu là dấu chứng thuộc về Chúa. Thế nhưng, từ chỗ biết đến chỗ sống, luôn luôn vẫn có một khoảng cách: chúng ta vẫn thích lấy lòng mình làm thước đo tình yêu dành cho tha nhân. Chúng ta vẫn muốn giới hạn tình yêu tha nhân trong một mức độ nào đó để khỏi phải quá thiệt thòi cho mình. Chúng ta vẫn muốn dựa vào tấm áo hay một danh xưng để xác định chúng ta thuộc về Chúa, chứ chúng ta chưa dám “liều mạng” để chỉ khẳng định chân tính Kitô hữu của mình bằng ý nghĩa và hành động yêu thương chân thật. Vì thế mà ngay đối với người bên cạnh, có thể là linh mục chánh hay phó xứ, có thể là một anh chị em trong cộng đoàn, có thể là cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi cái lý luận trần tục: người ta đối xử với tôi thế nào, tôi đối xử lại như thế ấy! Quan hệ của chúng ta với tha nhân còn mang nặng tính vụ lợi, đổi chác, mua bán. Và cách sống thấp hèn như vậy chẳng nói được với ai điều gì về niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa Tình Yêu cả! Trái lại, cách sống ấy là một phản chứng về Thiên Chúa, không làm cho ai tin được Thiên Chúa của chúng ta. Bởi vì “người ta cứ dấu nầy mà nhận ra anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau”. “Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng hãy yêu thương nhau”. Vậy, ai không yêu thương nhau, người ấy không phải là Kitô hữu, hay đúng hơn, đó là kẻ chối đạo. Thiên Chúa là tình yêu. Đạo Thiên Chúa là đạo yêu thương nhau. Không yêu thương nhau là không biết Thiên Chúa, là chối đạo.
Hôm nay chúng ta hãy tiếp tục làm chứng bằng cuộc sống Kitô hữu của chúng ta rằng: Đạo Thiên Chúa là đạo yêu thương nhau. Hãy để cho lòng mình lắng đọng để ân sủng Chúa giúp chúng ta thấy hết tầm mức của giới răn mới và những khoảng cách xa vời trong cuộc sống chúng ta, để chúng ta quyết tâm sống giới răn yêu thương của Chúa như chính Chúa đã sống và truyền dạy chúng ta.

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:01

70 ngàn thiếu niên về Rome hành hương Năm Thánh

Filled under:

Hôm thứ Bảy 23.04 là ngày đầu tiên dành riêng cho các thiếu niên trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Chủ đề trong ba ngày này là “Lớn lên trong lòng thương xót như Thiên Chúa Cha là Đấng giàu lòng xót thương”. Sự kiện đã quy tụ khoảng 70.000 thanh thiếu niên trên toàn thế giới.

Từng đoàn người là những các thiếu niên về Rome hành hương Năm Thánh: RV
Sự kiện bắt đầu với một cuộc hành hương bước qua Cửa Thánh, sau đó là các cô cậu đến với Bí tích Giao hòa do chính Đức Thánh Cha ban và cùngvới ngài có 150 cha ngồi giải tội tại các hàng cột ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

ĐTC Phanxicô và 150 linh ngồi tòa cho các em
Sau đó các cô cậu sẽ đến sân vận động Olympic ở Rome giao lưu, học hỏi và sẽ nghe những lời giáo huấn của Đức Thánh Cha được gởi đến qua một đoạn video.

Là một dịp để các em được hỏi hỏi về Giáo lý và Giáo hội
Vào sáng Chúa Nhật 24.04 các cô cậu (tuổi từ 13-16) sẽ quay trở lại quảng trường Thánh Phêrô tham dự Thánh Lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô Chủ sự.
Trong số những người hành hương về Rome tham dự sự kiện này có gia đình Sullivan đến từ Bắc Carolina, Hoa Kỳ.
Hai bé Ryan và Emily Sullivan và cha mẹ mình là Susan và Matt chia sẻ rằng: “Thật thú vị khi chúng con được về đây để tham dự dịp này”.
Cha mẹ hai bé là anh chị Matt và Susan hy vọng rằng đây trải nghiệm quý giá sẽ tác động đến các con cái của họ và sẽ là một cơ hội cho các con họ “khám phá đức tin”.
Với Susan một bé gái khác thì nói rằng: “là dịp đặc biệt để con hiểu về Giáo Hội của chúng con.”
Ba ngày dành cho các cô cậu thiếu niên sẽ bế mạc vào thứ Hai ngày 25 tháng Tư.
GNsP (theo news.va)


ĐTC: các con hãy “bắt sóng” với Chúa Kitô như dùng sóng điện thoại

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những thách đố cho các bạn thiếu niên để cam kết thực hành các việc lành phúc đức nhằm giúp nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu nơi tha nhân.
ĐTC đã nói trong một đoạn video ngắn gửi đến các thanh thiếu niên dịp các cô cậu này quy tụ tại Sân vận động Olympic ở Rome: “Như các con đã biết, công việc của lòng thương xót là những cử chỉ đơn giản ngay trong đờisống mỗi ngày, sẽ giúp các con nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu nơi tha nhân.”
“Chúa Giêsu trong mọi người như trong những người trẻ của các con, nơi những người đói, người khát; là người tị nạn, ngoài ngoại kiều, kẻ ốm đau, và khẩn xin sự giúp đỡ của các con, tình bạn của con”.
Sứ điệp qua video này được gởi đi hôm thứ Bảy 23.04 nhân dịp ngày dành riêng cho các thiếu niên trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Các cô cậu từ khắp nơi trên thế giới đã hành hương về Roma đến với Cửa Thánh tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô để nhận ơn Toàn Xá. Cũng dịp này chính Đức Thánh Cha Phanxicô ngồi tòa giải tội cho các cô cậu tại quảng trường thánh Phêrô và cùng với ngài có 150 cha giải tội khác.
Trong sứ điệp qua video, Đức Thánh Cha nói lòng thương xót đòi hỏi phải tha thứ và ngài thừa nhận công việc này không không dễ dàng chút nào.
“Có những lúc, trong gia đình, ở trường, trong giáo xứ, tại các phòng tập thể dục, hoặc ở những nơi vui chơi, có những người đã xúc phạm đến ta; hoặc chúng ta đã cảm thấy rất khó chịu về ai đó và tha thứ không phải dễ dàng”.
Nhưng cho dù có những người xúc phạm đến mình thì việc trả thù là “một con sâu gặm nhấm linh hồn mình và làm cho chúng ta không hạnh phúc.”
“Các con đừng mang oán hận trong lòng và có ý định trả thù. Các con hãy tha thứ! Chúng ta hãy tha thứ và quên đi những lỗi người khác phạm đến mình … nhờ đó chúng ta mới học được những Lời dạy của Chúa Giêsu và trở thành môn đệ của Người, và nên chứng nhân của lòng thương xót.”
Đức Thánh Cha cũng bày tỏ sự tiếc nuối vì không thể tham dự được với các thanh thiếu niên tại sân vận động Olympic. Nhưng ngài sẽ cử hành thánh lễ cho các cô cậu thiếu niên vào ngày Chúa nhật tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.
“các con đã được tham dự ngày dành riêng cho các con với niềm vui vào sáng nay tại quảng trường Thánh Phêrô và đã nhận Bí tích Giao Hòa, và sau đó các con đã bước qua Cửa Thánh.”
“Đừng quên rằng Cửa Thánh là nơi các con gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng đem chúng ta đến với tình yêu của Chúa Cha, và Ngài mời gọi chúng tôi hãy có lòng thương xót như Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương.”
Đức Thánh Cha cũng khuyến khích các thanh thiếu niên hãy thiết lập một mối liên hệ cá nhân với Chúa Giêsu. Ngài đã so sánh cần có một mối liên hệ với Chúa Kitô liên tục như việc bắt sóng điện thoại.
“Hãy nhớ rằng … khi Chúa Giêsu không ở trong lòng mình thì cuộc sống của các con mất tín hiệu!”
GNsP (theo CNA)

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:43

5 Phút cho Lời Chúa 25.1.2016

Filled under:


TRỞ THÀNH CHỨNG NHÂN
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,16) 
Suy niệm: Không phải ngẫu nhiên mà cả bốn sách Tin Mừng đều kết thúc bằng lời mời gọi làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh. Còn nhớ tối hôm ấy sau bữa Tiệc Ly, các môn đệ đều hoảng loạn khi Thầy bị bắt. Một bóng đen sợ hãi đã bao trùm trên họ khi Chúa Giê-su bị kết án tử hình; hòn đá lấp cửa mồ cũng khép lại nơi họ mọi hy vọng. Họ đứng trước một tương lai vô định. Thế rồi điều họ không mong đợi lại xảy đến: Đức Giê-su phục sinh. Chính Ngài đã hiện đến với các ông và truyền lệnh cho các ông “đi khắp tứ phương thiên hạ” để loan báo Tin Mừng vĩ đại này. Họ trở thành chứng nhân bởi vì họ “không thể nào không nói lên những gì mắt thấy tai nghe” (x. Cv 4,20).
Mời Bạn: Cuộc gặp gỡ Đức Ki-tô “chỗi dậy từ cõi chết” khiến các môn đệ đầy xác tín loan báo Tin Mừng với tư cách là chứng nhân, dám đem mạng sống mình làm bảo chứng cho lời mình rao giảng. Như thế lệnh truyền của Đức Ki-tô “Hãy đi loan báo Tin Mừng” không phải là mệnh lệnh áp đặt từ bên ngoài mà là lẽ sống còn của người ki-tô hữu. Đã tin vào Chúa Ki-tô phục sinh thì không thể không loan báo tin vui Ngài sống lại.
Chia sẻ: Truyền giáo là lệnh truyền của Chúa. Hôm nay bạn phải thực hiện lệnh truyền đó thế nào?
Sống Lời Chúa: Sống trung thực hoặc thực hiện một lời Phúc Âm với ý hướng loan báo sứ điệp đó cho lương dân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, là nguồn mạch và là nội dung niềm tin của chúng con - xin biến đổi chúng con trở nên chứng nhân Tin Mừng trong đời sống mỗi ngày. Amen.

THÁNH MÁCCÔ THÁNH SỬ
(+ 64)
Phúc âm là cuốn sách gối đầu giường của hàng ngàn, triệu, người Kitô giáo, một cuốn sách chiếm kỷ lục về số xuất bản, số sách in cũng như số lượng người đọc; một cuốn sách đã được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới; một cuốn sách cần thiết và am hợp với hết mọi hạng người sang cũng như hèn, trí thức cũng như ngu dốt. Nói tóm lại Phúc âm là một cuốn Sách Thánh, một cuốn sách chứa đựng Lời Hằng Sống của Thiên Chúa và chính Thiên Chúa là tác giả thứ nhất.
Nhưng sở dĩ chúng ta có được bộ sách quý giá đó, một phần lớn là nhờ ở công lao sưu tầm và ghi chép lại của bốn vị thánh sử thời danh sống đồng thời với Chúa Giêsu. Một trong bốn thánh sử đó là thánh Máccô, tác giả Phúc âm thứ hai, và có lẽ cũng là chàng thanh niên đã chạy trốn bỏ mất cả quần áo trong khi Chúa bị bắt ở Vườn Dầu (Mc.14,51). Người ta quen vẽ hình ngài với tượng trưng sư tử là một trong bốn con vật tiên tri Êzêkiên đã xem thấy trong thị kiến mà các giáo phụ giải thích là tượng trưng bốn vị chép Phúc âm. Thánh nhân là người Do Thái thuộc dòng họ Lêvi. Sau khi Chúa về trời, thánh Máccô đã cùng với thánh Phêrô qua giảng Phúc âm tại Rôma và đã chép Phúc âm tại đó.
Ngài luôn theo sát thánh Phêrô trên mọi nẻo đường, nên đã được vị Giáo Hoàng tiên khởi yêu quý cách riêng. Quyết đoán trên được minh chứng đầy đủ trong thư thứ nhất của thánh Phêrô khi ngài viết: "Giáo hội đã được kén chọn ở Babilon (ám chỉ Rôma) và Máccô con ta gởi lời chào kính anh em". Với tài lợi khẩu, lại có trí thông minh hơn người, thánh Máccô đã được vị Giáo Hoàng tiên khởi chọn làm tổng bí thư tại giáo đô Rôma.
Số người trở lại Rôma quá đông, không có tài liệu để họ học hỏi. Đồng thời họ ước ao có một bản chép đầy đủ về cuộc đời Chúa Cứu Thế mà thánh Phêrô đã dầy công giảng dạy. Họ yêu cầu thánh Máccô chép lại thành chương mục mạch lạc về cuộc đời Chúa Giêsu. Để làm thỏa mãn nhu cầu cấp bách của các Kitô hữu ấy, thánh Máccô đã chép lại thành sách tất cả những điều ngài đã được hân hạnh nghe thánh Phêrô rao giảng về cuộc đời Chúa Cứu Thế. Chính thánh Phêrô đã duyệt y và ban phép cho các giáo đoàn xem.
Vì nhu cầu truyền giáo cấp bách, thánh Máccô phải bỏ Rôma, từ biệt thầy quý mến để lên đường qua Ai Cập mang theo cả cuốn Phúc âm ngài đã dầy công sưu tầm và ghi chép. Ngài sung sướng đưa ánh sáng Phúc âm soi chiếu cho những người còn đang lần mò trong bóng tối sự chết, chưa nhận biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa chân thật. Thánh nhân rao giảng Phúc âm tại Cirêna, Pentapôli và nhiều thành khác. Nơi đây hạt giống Phúc âm do tay ngài gieo vãi cũng sinh rất nhiều hoa trái ngoài dự đoán của mọi người. Sau đó, thánh nhân qua giảng Phúc âm tại thành Alêxanđria và làm Giám mục tiên khởi của thành này. Ngài là vị sáng lập giáo đoàn Alêxanđria. Nhờ tài lợi khẩu, trí thông minh và cuộc sống thánh thiện, thánh nhân đã lôi kéo được một số đông vô kể theo gương Chúa Giêsu. Họ sống một cuộc sống thánh thiện gương mẫu. Họ từ bỏ mọi của cải trần tục, góp chung lại để mọi người đều sẵn sàng cung cấp cho nhau những nhu cầu cần thiết. Cũng không ai giầu có phú quý, vì ai dư tiền của đều đem san sẻ cho người túng quẫn.
Nhờ gương sáng và lời giảng của thánh Máccô, các Kitô hữu thuộc giáo đoàn Alêxanđria tuy mới được hân hạnh nghe giảng về Chúa Kitô, nhưng họ đã biết sống cuộc sống của một người công giáo gương mẫu, hay nói đúng hơn, của một vị thánh. Họ say mê đọc kinh cầu nguyện và chiêm ngắm Chúa Kitô. Họ say mê đến nỗi có ngày họ quên cả ăn uống cho tới khi mặt trời lặn mới ăn. Hoặc giả có ăn thì chỉ ăn bánh với muối và nước lã. Lối ăn mặc phục sức hết sức giản dị, đơn sơ, không trau chuốt như những người đương thời.
Theo lệ thường, những người đau mắt thường ghét ánh sáng, vì họ sợ ánh sáng làm mờ mắt họ. Cũng thế, những người lương dân sợ ánh sáng chói loà của đạo công giáo làm quáng mắt họ, thành thử họ tìm hết cách tiêu diệt nguồn phát sinh ánh sáng đó. Họ muốn giết thánh Máccô. Thánh nhân biết trước tất cả những gì sắp xẩy đến. Để đoàn chiên không lúc nào thiếu chủ chăn, ngài đã tuyển chọn Anian làm Giám mục kế vị ngài. Đồng thời thánh nhân cũng tuyển chọn một số linh mục và bẩy vị phụ tế để lo giúp việc Giáo đoàn. Cắt đặt xong đâu đấy, thánh Máccô bỏ Alêxanđria trở về Pentapôli thăm con chiên cũ. Thánh nhân lưu trú tại đây hai năm để củng cố đức tin các Kitô hữu, tuyển trạch nhiều linh mục, Giám mục để cai trị và săn sóc giáo đoàn. Xong việc, ngài lại trở về Alêxanđria. Nơi đây ngài được một niềm an ủi lớn lao vì ngài nhận thấy số Kitô hữu mỗi ngày một tăng.
Biết trước ngày giờ thánh Máccô trở về Alêxanđria, những lương dân xấu bụng quyết định thi hành thủ đoạn đã định trước. Ngày 24-4 nhằm ngày chủ nhật, ngày các Kitô hữu tụ tập đông đủ để tham dự thánh lễ do chính thánh Máccô cử hành. Hôm đó cũng là ngày lễ lương dân mừng thần Sêrapis rất trọng thể. Họ kéo tới thánh đường, nơi thánh Máccô đang hành lễ, và xông vào bắt thánh nhân. Họ tròng dây vào cổ ngài điệu đi kháp phố xá với mục đích bêu xấu thánh nhân.
Tuy nhiên, thánh Máccô vẫn tỏ mặt vui vẻ hớn hở, ngài lớn tiếng tạ ơn Thiên Chúa. Đến khi họ điệu ngài vào ngục thất, ban đêm, bỗng nhà tù tự nhiên rung chuyển, thiên thần Chúa hiện xuống nói: "Bạn Máccô thân mến, tên bạn đã được ghi vào sổ đời đời. Bạn đã được nhận vào sổ các vị tông đồ Chúa Giêsu, và muôn đời sẽ ghi nhớ công ơn bạn. Các thiên thần sẽ tiếp rước linh hồn bạn trên Thiên quốc, và xác bạn sẽ được tôn kính trên trái đất".
Quá sung sướng, Máccô giơ hai tay lên trời lớn tiếng cảm tạ Thiên Chúa và khẩn khoản xin Chúa chấp nhận linh hồn ngài. Chính Chúa Giêsu đích thân hiện đến với thánh nhân và nói: "Máccô con thân mến, bằng yên cho con". Thánh Máccô trả lời: "Lạy Chúa Giêsu Kitô yêu dấu của con, con yêu mến Chúa".
Sáng hôm sau, bọn lý hình điệu thánh Máccô ra pháp trường. Chúng kéo lê thánh nhân trên đường đá gồ ghề cho tới khi tắt thở. Các Kitô hữu kín đáo đem xác thánh nhân đưa về an táng tại đại giáo đường thành Venitia. Thánh Máccô thánh sử được phúc tử đạo ngày 25-4-67.
Trước đây, trong ngày lễ kính thánh Máccô thánh sử, Giáo hội quen tổ chức cuộc kiệu cầu mùa, để xin cho khỏi ôn dịch, mất mùa, giặc giã, và cho mọi người được khỏe mạnh. Đồng thời cũng để cảm tạ Chúa vì những hồng ân Chúa đã ban cho Giáo hội. Theo gương thánh Máccô trong những cơn gian nan khốn khó, chúng ta hãy chạy đến cùng Thiên Chúa với một lòng tin tưởng, vì Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ kẻ cậy trông Người.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:23

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Thị kiến thần nghiệm đã biến đổi Blaise Pascal

Filled under:

Blaise Pascal là một trong những học giả quan trọng nhất của thế kỷ XVII. Ông là nhà khoa học, toán học, nhà phát minh, nổi tiếng vì nhiều đột phá. Ông cũng là người Công giáo sốt sắng và đã viết một trong những tác phẩm biện giáo lớn nhất của thời đại mình.
Nhưng không phải lúc nào ông cũng có đức tin mạnh, và có lúc còn không có đức tin. Sau khi dành gần như cả đời vào kiểu lòng đạo trên danh nghĩa, ông có được một cảm nghiệm biến đổi sâu sắc, một thần nghiệm.
Blaise Pascal
Pascal sinh tại Pháp vào năm 1623. Ông là con thứ hai trong ba người con, mẹ ông mất khi ông mới 3 tuổi. Vài năm sau, cha ông dời cả nhà đến Paris.
Sự thông minh của Pascal đã lộ rõ từ lúc còn nhỏ, nên cha ông quyết định dạy riêng cho ông ở nhà. Và việc này đã sinh hoa kết trái, khi mới 16 tuổi, Pascal đã có những bước đột phá trong toán học và còn tranh luận hàn lâm với các nhà toán học chuyên ngành. Đến năm 19 tuổi, ông đã phát minh ra máy tính tự động, và bán cho nhiều gia đình giàu có trên khắp châu Âu. Những năm 20 và 30 tuổi, Pascal có thành tựu quan trọng trong toán học thống kê, và có những khám phá quan trọng về chất lỏng và áp lực.
Năm 1656, cha ông bị ngã gãy xương hông, một chấn thương kinh khủng vào thời đó. Hai bác sỹ chăm sóc cho cha ông trong suốt vài tháng trời, là những người Công giáo sốt sắng. Qua tình bạn và những lần trao đổi với họ, Pascal bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn về tôn giáo.
Nhiều nhà viết tiểu sử gọi đây là ‘hoán cải đầu tiên’ của ông. Nhưng sự biến đổi này hầu như chỉ mang tính tri thức và không kéo dài được lâu. Khi cha ông mất vào năm 1651, ông rời bỏ tôn giáo và đi vào ‘giai đoạn trần tục.’ Không lâu sau, em gái của ông quyết định vào tu viện, và như thế là một cho đi một phần ba gia sản của cha ông. Chị gái của ông cũng đã dùng phần thừa kế của mình làm của hồi môn, nên bây giờ Pascal chỉ còn lại một mình, với một phần ba tài sản của cha, nhưng lại không có cha mẹ, còn chị em thì đã hoàn theo những hướng khác.
Có thể nói, ông nghèo và cô đơn. Đó là lúc Chúa đi vào cuộc đời ông thật kinh ngạc.
Ngày 23-11-1654, Pascal đang ở nhà một mình. Mặt trời đã lặn và màn đêm bao phủ. Ông đang chuẩn bị đi ngủ, thì khoảng 10h30, bất thình một chuyện gì đó siêu nhiên xảy đến. Không rõ là thấy gì, nhưng thị kiến thần nghiệm kinh ngạc kéo dài trong ông suốt hai tiếng đồng hồ. Ngay khi thị kiến vừa qua, ông chụp lấy giấy và viết ra những gì vừa cuồn cuộn trong đầu mình.
Đây là những dòng của ông:
Năm ân sủng 1654,
Ngày thứ hai, 23 tháng mười một, lễ thánh Clemente, giáo hoàng tử đạo, và các bạn tử đạo. Đêm trước lễ thánh Chrysogonus, tử đạo và các bạn. Từ lúc khoảng mười giờ rưỡi đến khoảng mười hai giờ rưỡi đêm.

LỬA

THIÊN CHÚA của Abraham, THIÊN CHÚA của Issac, THIÊN CHÚA của Giacóp,
không phải của những triết gia và học giả.
Tin chắc. Tin chắc. Cảm giác. Vui mừng. Bình an.
THIÊN CHÚA của Chúa Giêsu Kitô.
Chúa của tôi và Chúa của bạn.
CHÚA của bạn sẽ là Chúa của tôi.
Thế giới và mọi sự sẽ bị lãng quên, ngoại trừ CHÚA.
Chỉ tìm thấy được Ngài bằng con đường mà Tin mừng dạy.
Linh hồn con người cao cả thay.
Cha Công chính, thế giới không biết Cha, nhưng con biết Cha.
Vui, vui, vui, những giọt nước mắt của niềm vui.
Con đã bỏ Ngài.
Họ đã bỏ con, nguồn suối nước hằng sống.
Lạy Chúa con, Chúa có bỏ con?
Xin đừng để con xa Ngài mãi mãi.
Đây là sự sống bất diệt, là họ biết Ngài, Đấng là Thiên Chúa thật, Đấng mà Cha đã sai đến, Chúa Giêsu Kitô.
Chúa Giêsu Kitô.
Chúa Giêsu Kitô.
Con đã bỏ Ngài, con đã trốn Ngài, khi Ngài bị lên án, bị đóng đinh.
Xin đừng để con mãi mãi xa Ngài.
Chỉ tìm thấy được Ngài bằng con đường mà Tin mừng dạy.
Từ bỏ, hoàn toàn và ngọt ngào.
Hoàn toàn quy phục Chúa Giêsu Kitô Đấng chỉ lối cho con.
Xin cho con đừng quên lời Ngài.
Amen.
Rồi ông gấp mảnh giấy và để trong túi áo, mảnh giấy này theo ông đến suốt đời. Và chỉ sau khi ông chết, người ta mới khám phá ra.
Không như sự hoán cải mang tính tri thức ban đầu, sự hoán cải lần này là ở trong tim. Ông hầu như bỏ công việc toán học và tận hiến cho thần học và biện giáo. Vài năm sau, ông cho xuất bản Các Lá Thư Tỉnh Hạt, một cuộc tấn công những ngụy biện luân lý, một tác phẩm nhanh chóng nổi tiếng không chỉ vì các lý lẽ mà còn vì giọng văn trào phúng hài hước.
Khoảng 35 tuổi, ông viết một tác phẩm biện giáo toàn diện với tựa đề ‘Biện hộ Kitô giáo.’ Nhưng ông lâm bệnh và không thể hoàn tất nó. Ngài 18-08-1662, ông lên cơn co giật và lãnh nhận các Bí tích sau cùng. Sáng hôm sau, ông qua đời ở tuổi 39. Những lời cuối đời của ông là gì?

‘Xin Chúa đừng bao giờ bỏ con.’

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:40

Suy niệm CN V MÙA PHỤC SINH C (Ga 13,31-35)

Filled under:

1. Bài Đọc
        “Khi Giuđa đi rồi (1), Chúa Giêsu nói: ‘Giờ đây Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.
        “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do Thái: ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. Thầy ban cho anh em một điều răn mới (2) là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng thương yêu nhau”.

2. Chú Thích
        (1) Giuđa đi rồi: Đang khi bữa tiệc ly diễn ra, Chúa Giêsu biết lòng dạ Giuđa, nên Người đã nói với y để y ra đi khỏi bữa tiệc. Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu nói những lời di ngôn như là những lời thắm thiết từ biệt các môn đệ.
        (2) Điều răn mới: Lệnh và luật của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là tình thương, ai học cho biết và thực hiện việc yêu thương là nên giống như Thiên Chúa, là tuân giữ lệnh và luật của Thiên Chúa, thì trở nên môn đệ của Người.

3. Suy Niệm
        (1) Cần phải xác tín rằng, bao giờ Chúa Giêsu, cũng như Thiên Chúa, vẫn vinh quang. Tại sao trong lúc này, Chúa Giêsu lại nói đến điều ấy? Có lẽ vì Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ đừng hiểu sai lầm. Đừng tưởng những việc xúc phạm đến Thiên Chúa, như ông Giuđa phản bội ra đi nộp Chúa Cứu Thế, rồi đây người Do Thái sẽ bắt Chúa Cứu Thế và giết Chúa Cứu Thế, như kiểu người ta thường nói là ô danh Thiên Chúa, thì Thiên Chúa không vinh quang. Nhiều người ngày nay, cũng như nhiều người Do Thái ngày xưa, vẫn tưởng Thiên Chúa cũng như người ta. Vinh quang của mình tùy theo người khác có thể làm vinh hay làm nhục cho mình. Họ đã quên ý nghĩa chính của vinh quang là có những điều chân chính xứng đáng. Bao giờ Thiên Chúa cũng có những điều này một cách tuyệt đối vô cùng, thì Thiên Chúa vẫn hoàn toàn vinh quang. Sau nữa, luật Thiên Chúa vẫn chân chính xứng đáng, càng được thi hành chừng nào, thì Thiên Chúa càng vinh quang chừng ấy. Không phải là thêm gì nơi Thiên Chúa, nhưng thêm trong ý tưởng của người hiểu biết. Vậy dù khi có người phạm tội, một phần lỗi luật Thiên Chúa, thì gọi là ô danh Thiên Chúa. Nhưng đó cũng là theo ý tưởng người ta, vì người có tội trở nên xấu. Còn tự nơi Thiên Chúa, tội lỗi của người ta chẳng hề thay đổi thêm bớt gì. Một phần khác, cũng là thực hiện luật Thiên Chúa, hễ không theo đường lối của Thiên Chúa, là mến Thiên Chúa yêu thương người ta, thì tất nhiên vào con đường tội lỗi, thiệt hại cho mình và nhiều người khác; không chọn mặt phải thì nhận lấy mặt trái, không theo bên này thì theo bên kia. Việc của người ta vẫn xấu, nhưng ai hiểu biết, cũng thấy là thực hiện luật Thiên Chúa; không nói được những người làm việc đó, không tuân luật Thiên Chúa là làm vinh danh Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn vinh quang. Thành thử mỗi lần cầu chúc vinh danh Thiên Chúa, là cầu mong cho chính mình và người khác đều tuân theo luật Thiên Chúa, nhất là ai nấy đều mến Thiên Chúa và yêu thương người ta.

        (2) Có lẽ Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại mấy điều này để nhắn nhủ các môn đệ thương yêu nhau. Yêu thương người là lệnh và luật của Thiên Chúa, từ khi Thiên Chúa sáng tạo nhân loại. Vì tin Thiên Chúa là Tình Thương, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, để thương yêu giúp đỡ nhau, đó chính là điều kiện hạnh phúc dưới đất và trên trời. Tại sao lần này Chúa Giêsu lại dạy là một lệnh mới. Không biết có phải tại xưa nay người ta đã không yêu thương nhau chăng? Như Giuđa đã chứng minh tỏ tường điều này. Môn đệ phản thầy, hại thầy, thì đâu còn có gì là yêu thương! Vì có người không giữ luật thương yêu, Chúa Giêsu nhắc lại cho người ta biết phải giữ. Chúa Giêsu lại dạy là lệnh mới. Không phải là trước kia chưa có. Nhưng người ta không biết, hay là đã quên. Chúa Giêsu dạy một cách nghiêm trang và quan trọng, với những lời tha thiết, để cho các môn đệ ghi nhớ sâu xa rõ ràng. Hay là Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ các môn đệ đã cùng sống một đoàn thể, cùng học một thầy, thì càng phải yêu thương nhau. Không những có luật dạy rõ ràng, trong tất cả các nền luân lý và tôn giáo, lại là điều in khắc trong bản tính con người. Chúa Giêsu đã dạy là lệnh mới, có lẽ vì Chúa Giêsu nhấn mạnh tính cách đặc thù của đạo Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa biết có nhiều người, càng ở với nhau, càng ở gần nhau, càng chung một nhà, một trường, một tập thể, cạnh tranh nhau; càng biết rõ nhau, càng thấy khác tính nhau, tính vị kỷ càng giết tính vị tha.

        (3) Chúa Giêsu lại dạy rõ: Phải thương yêu nhau như Thiên Chúa đã yêu thương mình. Dĩ nhiên, không ai có thể làm hoàn toàn giống như Thiên Chúa. Nhưng ai cũng phải nhận Thiên Chúa là gương mẫu lý tưởng. Phải làm thế nào cho càng ngày càng giống Thiên Chúa. Phải nhìn vào thái độ, cử chỉ, hành vi của Thiên Chúa, để học cho biết yêu thương. Không nên đem những việc kém cỏi, sai lầm, hung dữ của người ta mà gán cho Thiên Chúa, để cho có người hiểu lầm về thương yêu. Nhân bài Phúc Âm hôm nay, nhìn xem thái độ của Thiên Chúa đối với Giuđa, để tìm hiểu Thiên Chúa yêu thương thế nào, một bài học cho muôn người và cho muôn đời. Đứng trước một người môn đệ phản phúc, toan làm một việc ác độc quái gở hại mình, nhưng tuyệt nhiên Chúa Giêsu không hề có một lời trách mắng trực tiếp, rõ ràng. Thiên Chúa vẫn tôn trọng lý trí và tự do của người ta. Thiên Chúa chỉ đem những lời xa gần khuyên bảo, dường như năn nỉ Giuđa nghĩ lại, đừng có làm việc hại người, dù chưa tin là Thiên Chúa, dù không nhận là thầy, dù quên hết tất cả các việc Thiên Chúa đã thương yêu giúp đỡ mình; ít nữa cũng nhận và cũng nhớ đây là một con người, là Con của Thiên Chúa trên trời và anh em của mình. Chúa Giêsu lại còn dạy môn đệ, thương yêu nhau là dấu hiệu cho mọi người nhận biết là môn đệ của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa và đạo của Thiên Chúa là thương yêu. Theo lời Chúa Giêsu dạy, ai không thương yêu anh em mình, dù có tên tuổi, chức vị nào chăng nữa, dù bên ngoài có những dấu hiệu làm sao, cũng không nhận họ là môn đệ của Thiên Chúa; nếu họ có nói hay làm điều gì thiệt hại đau khổ cho anh em, tuy họ còn ở trong nhân loại, cũng khó nhận họ là con người theo hình ảnh của Thiên Chúa. Và ai không có tên tuổi gì, chức vị nào, nhưng có thương yêu kẻ khác, vẫn có thể nhận họ là môn đệ của Thiên Chúa. Hiểu rộng nghĩa thêm nữa, mọi người đều là con cái Thiên Chúa, cũng phải là môn đệ của Thiên Chúa; còn nếu không phải là con cái Thiên Chúa, tất cũng không phải là con người./-
        @Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:35

Hành Trình Ơn Gọi Của Nữ Tu Clare Crockett

Filled under:

Trận động đất 7,8 độ Richter xảy ra tại Ecuador hôm thứ 7, 16/4 vừa qua làm cho hơn 400 người chết, khoảng 3000 người bị thương và 1700 người bị mất tích. Trong số những người thiệt mạng có nữ tu Clare Crockett, 33 tuổi và 5 em thỉnh sinh thuộc Hội dòng Nữ Tỳ Gia đình của Mẹ ở Playa Prieta.
Clare Crockett là cư dân của thành phố Derry, Bắc Ái nhĩ lan, gia nhập dòng Nữ Tỳ Gia đình của Mẹ ngày 11 tháng 8 năm 2001, khi được 18 tuổi và được diễm phúc khấn trọn đời ngày 8 tháng 9 năm 2010. Chị là người đã lồng tiếng cho nhân vật Lucy trong loạt phim thiếu nhi “Hi Lucy” được chiếu trên mạng truyền hình Lời Vĩnh cửu từ nhiều năm nay. Chị được miêu tả như siêu sao, là viên kim cương của gia đình và là người có khả năng làm cho gian phòng sáng lên với những năng khiếu Chúa ban. Chị có khả năng hài hước mang đến nụ cười cho nhiều người. Chị đã sáng tác nhiều bài hát và xem đây là cách giúp đem nhiều người đến với Chúa, giúp cho họ gặp được Chúa.
Chị đã dâng hiến đời mình để đến với các trẻ em và những người trẻ. Chị đã chết như cách chị sống: quên mình giúp đỡ người khác. Vào ngày Chúa nhật vừa qua, khi chị đang dạy đàn guitar cho các trẻ em thì trận động đất xảy ra. Chị cố gắng đưa các em đến nơi trú ẩn nhưng tòa nhà đã sập đè trên chị và các em. Sau đây là chứng từ của chị về hành trình ơn gọi của mình.
“Tôi lớn lên trong một gia đình Công giáo. Tôi từ một phần nhỏ của cái thế giơi được gọi là Derry nằm ở Bắc Ái nhĩ lan. Nơi tôi lớn lên, “Công giáo” và “Tin lành” là những từ ngữ chính trị. Lớn lên trong một gia đình Công giáo không nhất thiết là bạn tham dự Thánh lễ hàng ngày hay có những đào tạo về đức tin Công giáo. Những người Công giáo muốn xây dựng một Ái nhĩ lan thống nhất thì giết những người Tin lành và ngược lại, những người Tin lành không muốn một Ái nhĩ lan thống nhất thì giết những người Công giáo. Công giáo đối với tôi nghĩa là những điều này. Thiên Chúa không có vai trò gì trong cuộc sống của tôi. Trong một xã hội mà sự thù ghét thống trị thì không có chỗ cho Thiên Chúa.
Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã muốn trở thành diễn viên. Khi tôi khoảng 15 tuổi, tôi đã tham gia vào một công ty diễn xuất và có người quản lý. Tôi là người giới thiệu cho một vài chương trình truyền hình, tôi viết kịch bản, diễn xuất trong nhiều vở kịch, đạt các giải thưởng, và khi lên 18 tôi đã có một vai nhỏ trong một cuốn phim. Tôi rất thích hội hè. Các ngày cuối tuần, kể từ khi tôi 16, 17 tuổi, là những ngày say sưa với bạn bè. Tôi tiêu tốn nhiều tiền vào rượu chè và thuốc lá.
Một ngày kia, một người bạn gọi tôi: “Clare, bạn có muốn đi Tây ban nha không?” Tôi nghĩ: một chuyến đi không mất tiền đến Tây ban nha, 10 ngày hội hè dưới ánh mặt trời ở Tây ban nha, dĩ nhiên là tôi muốn đi. Bạn tôi nói với tôi là các người tham dự sẽ gặp nhau vào tuần sau đó. Ngày hẹn găp đến và tôi đã đi đến nơi hẹn. Đi vào phòng, tôi thấy toàn những người khoảng 40 và 50 tuổi, trên tay đang cầm chuỗi Mân côi. Tôi hỏi họ: “Các cô sẽ đi Tây ban nha à?” Tôi hỏi họ và sợ là họ sẽ trả lời điều mà chỉ sau 3 giây tất cả trả lời một cách nhiệt tình: “đúng vậy, chúng tôi sẽ đi hành hương”. Tôi muốn trốn khỏi họ nhưng vì tên tôi đã có trên vé nên tôi phải đi. Bây giờ tôi nhận thấy cách mà Đức Mẹ dùng để mang tôi trở về nhà, về với Mẹ và con của Mẹ.
Cuộc hành hương rơi vào Tuần Thánh, được tổ chức trong một đan viện thế kỷ 16, không hoàn toàn như những điều tôi nghĩ về Tây ban nha. Chúng tôi đã tham dự cuộc gặp gỡ Tuần Thánh với một nhóm gọi là “Gia đình của Mẹ” và tôi không thích thú lắm. Tuy nhiên, chính trong cuộc hành hương này mà Thiên Chúa ban cho tôi ơn nhận ra là Người đã chết cho tôi trên Thánh giá. Sau khi nhận ơn này, tôi biết là mình phải thay đổi. Tôi tự hỏi mình: “Nếu Người đã làm điều này cho tôi, tôi phải làm gì cho Người?”
Thật là dễ dàng để nói với Thiên Chúa: “con sẽ làm bất cứ điều gì Chúa muốn con làm” khi bạn đang tĩnh tâm hay đang cảm thấy tình yêu của Thiên Chúa, nhưng khi bạn “xuống núi” thì điều này không còn dễ dàng nữa. Các nữ tu đã mời tôi cùng với họ và các bạn nữ khác đi hành hương đến Ý. Tôi đã tham gia và dù cho thái độ hời hợt bên ngoài của tôi, Thiên Chúa đã nói với tôi rõ ràng: Người muốn tôi sống như các nữ tu trong sự khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Tôi đã trả lời Người một cách ngay lập tức: “Con không thể là một nữ tu. Con không thể bỏ uống rượu, hút thuốc, hội hè, nghề nghiệp và gia đình của con”. Một điều không thể nghi ngờ là nếu Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta làm điều gì, Người sẽ ban cho chúng ta sức mạnh và ân sủng để thực hiện. Không có sự trợ giúp của Người tôi không thể làm những điều phải làm để đáp lại lời mời gọi của Người và theo Người.
Sau khi tôi nhận ra điều Chúa đang gọi tôi làm, Người đã ban cho tôi một ơn lớn lao khi tôi đang tham gia một cuốn phim ở Anh. Tôi thấy rằng dù dường như tôi có mọi thứ, trong thực tế tôi chẳng cò gì. Tôi cảm thấy một sự trống rỗng to lớn khi tôi ngồi trên giường ngủ của khách sạn. Những điều tôi muôn tôi đã đạt được nhưng tôi vẫn không hạnh phúc. Tôi biết tôi chỉ thực sự hạnh phúc khi làm điều Chúa muốn tôi làm. Tôi biết là tôi phải bỏ mọi sự và theo Người. Tôi biết rõ ràng là Người đang yêu cầu tôi tín thác vào Người, đặt cuộc sống của tôi ở trong tay Người và tin.
Tôi bây giờ rất hạnh phúc được thánh hiến trong dòng các nữ tu Nữ Tỳ Gia đình của Mẹ. Tôi không bao giờ thôi ngạc nhiên về cách Chúa hoạt động trong các linh hồn, cách Người biến đổi cuộc sống của một người và làm chủ trái tim người ấy. Tôi cám ơn Chúa đã kiên nhẫn đối với tôi và vẫn tiếp tục thêm nữa. Tôi không hỏi Người tại sao Người đã chọn tôi, tôi chỉ đón nhận nó. Tôi hoàn toàn tùy thuộc vào Người và Mẹ Rất Thánh của chúng ta và tôi xin Người và Mẹ ban cho tôi được ơn trở thành bất cứ điều gì các Ngài muốn tôi là .” (EWTN, CNA 19/4)
Hồng Thủy OP


Một Kitô hữu không thể câm nín về tin mừng

Các Kitô hữu phải có can đảm tuyên xưng tin mừng về Chúa Giêsu, như các tông đồ đã làm chứng Chúa Phục Sinh, ngay cả khi phải đánh đổi mạng sống mình. Đây là những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ sáu 22-04, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta. Ngày hôm nay cũng là kỷ niệm 43 năm Đức Jorge Mario Bergoglio tuyên vĩnh khấn (1973).
Casa Marta 160422
“Có 3 đặc tính quan thiết của đời sống một tín hữu, đó là loan báo tin mừng, chuyển cầu và hi vọng. Tâm điểm của một Kitô hữu là việc Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại từ cái chết để cứu chuộc chúng ta. Đây là những gì mà các tông đồ đã làm trước mặt những người Do Thái và dân ngoại, các ngài làm chứng dù phải đổ máu, dù phải trả giá bằng mạng sống của mình.
Khi thánh Gioan và Phêrô bị điệu đến trước Thượng Hội đồng vì đã chữa lành cho người què ở Cửa Đẹp, và các tư tế cấm hai ngài không được nhắc đến danh Chúa Giêsu, nhắc đến Phục Sinh, nhưng hai vị đã can đảm mà nói rằng: ‘Chúng tôi không thể ngừng tuyên xưng những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe.’ Và các Kitô hữu chúng ta, có Thần Khí trong mình, cho chúng ta thấy và nghe sự thật về Chúa Giêsu, Đấng đã chết vì tội của chúng ta, và đã sống lại.  Đây là tuyên bố của đời sống Kitô hữu.  Chúa Kitô đang sống. Chúa Kitô sống lại. Chúa Kitô ở giữa chúng ta và đồng hành với chúng ta.
Và còn chuyển cầu, như Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ trong bữa tiệc ly, Ngài cầu nguyện cho chúng ta và chuẩn bị cho chúng ta một nơi trong nhà Ngài. Như thế nghĩa là gì?  Chúa Giêsu chuẩn bị cách nào? Bằng cách cầu nguyện cho chúng ta, từng người chúng ta.  Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta và đó là lời chuyển cầu của Ngài.  Như khi Chúa nói với Phêrô trước giờ chịu nạn, ‘Phêrô, Thầy cầu nguyện cho con.’  Cũng như thế, bây giờ Chúa Giêsu cũng đang chuyển cầu giữa Chúa Cha và chúng ta. Ngài chuyển cầu bằng những vết thương sau khi Phục Sinh, và nhớ đến tên của từng người chúng ta.
Và chiều kích thứ ba của đời sống Kitô là đức cậy hay hi vọng.  Một Kitô hữu là một người có đức cậy hi vọng rằng Chúa sẽ trở lại. Toàn thể giáo hội đang chờ đợi Chúa Giêsu lai đến, và đây là đức cậy Kitô.
Mỗi một người chúng ta, hãy tự hỏi mình. Tôi tuyên xưng Chúa Giêsu thế nào trong đời mình?  Mối liên hệ giữa tôi với Chúa Giêsu Đấng chuyển cầu cho tôi, như thế nào?  Và đức cậy của tôi thế nào?  Tôi có thực sự tin rằng Chúa phục sinh? Tôi có tin rằng Ngài cầu nguyện với Chúa Cha cho tôi?  Mỗi lúc tôi gọi là Ngài đang cầu nguyện cho tôi, chuyển cầu cho tôi. Tôi có thực sự tin rằng Ngài sẽ trở lại, Ngài sẽ đến hay không?  Thật tốt khi chúng ta biết tự hỏi mình những câu hỏi đức tin này .”
J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio Engm nín về tin mừng

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:30

Đức Giáo hoàng bất ngờ xuất hiện giải tội ngoài trời ở Quảng trường thánh Phêrô

Filled under:

Đức Giáo hoàng giải tội ngoài trời 160423
Sáng ngày thứ bảy 23-04, Đức Giáo hoàng Phanxicô bất ngờ xuất hiện ở Quảng trường thánh Phêrô, để giải tội cho các thiếu niên nam nữ tham dự Năm Thánh cho Thiếu niên. Đức Giáo hoàng ngồi gần hàng cột và giải tội cho các thiếu niên khoảng từ 13 đến 16 tuổi.
150 linh mục cùng hiện diện trong buổi xưng tội ngoài trời này ở Quảng trường thánh Phêrô, nhân dịp Năm Thánh cho Thiếu niên. Khoảng 70.000 thiếu niên ở Ý và từ khắp thế giới dự sự kiện này.
Đức Giáo hoàng đến Quảng trường thánh Phêrô lúc 11h30, trước sự ngạc nhiên vui sướng của mọi người.
Mặc áo chùng trắng và dây stola tím, Đức Phanxicô ngồi ở một ghế bình thường và giải tội ngoài trời cho các thiếu niên, không khác gì 150 linh mục quanh cha.
Hôm nay là ngày lễ thánh George, cũng là bổn mạng của Jorge Mario Bergoglio. Nhân dịp này, Nhà khách Marta đã nhận được một chiếc bánh lớn tặng Đức Giáo hoàng và các vị khách. Chiếc bánh với hình thánh George, hiệp sỹ tử đạo thế kỷ III, người chiến đấu với con rồng, ngài là biểu tượng cho đức tin can trường chiến thắng ma quỷ. Tiệm bánh đã chuẩn bị đặc biệt chiếc bánh ít đường bởi Đức Phanxicô phải theo chế độ ăn kiêng chặt chẽ.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch

ĐTC khích lệ phong trào Canh Tân Đắc Sủng Thánh Linh mừng 39 năm thành lập

VATICĂNG: ĐTC Phanxicô khích lệ các thành viên phong trào Canh tân đặc sủng Thánh Linh dấn thân làm chứng cho Lòng Thương Xót Chúa qua các hoạt động hòa giải và phục vụ tha nhân.
PopeFrancis-23Apr2016-02.jpg

ĐTC đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong điện tín, do ĐHY Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Toà Thánh ký, gửi ĐC Francesco Lambiasi GM Rimini, nơi Phong trào tổ chức mừng kỷ niệm 39 năm thành lập. ĐTC cầu mong cuộc gặp gỡ kỷ niệm này khơi dậy nơi các thành viên phong trào các quyết tâm phục vụ và làm chứng cho tình yêu cứu rỗi và sự dịu hiền của Chúa Kitô đối với mọi người. Ngài cũng ca ngợi sáng kiến của phong trào có khẩu hiệu là “Các căn lều của lòng thương xót” nhằm mục thực hiện các mục đích này.

ĐHY Rylko, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh về giáo dân cũng gửi sứ điệp chúc mừng và cầu mong phong trào tiếp tục loan báo Tin Mừng Lòng Thương Xót Chúa cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ và dân nghèo còn chưa biết tới sự dịu hiền của Thiên Chúa. ĐHY Angelo Bagnasco, Chủ tịch HĐGM Italia, cũng gửi sứ điệp chúc mừng phong trào. Ngài khẳng định rằng trong thế giới hiện nay khao khát sự thật và hiệp thông, trong bối cảnh xã hội đề cao dáng vẻ bề ngoài và cá nhân, không tin tưởng nhau và thiếu chiều kích cộng đoàn, linh đạo của phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh chứng minh cho thấy chỉ khi nắm tay nhau tiến bước, con người mới lớn lên trong lòng tin và xây dựng một xã hội công bằng và nhân bản hơn. Các điều này hướng chúng ta tới giá trị của gia đình, là cộng đoàn đầu tiên của con người và là Giáo Hội tại gia, có giá trị vô cùng quan trọng đối với cộng đoàn kitô và toàn xã hội.

Trong sứ điệp của mình ĐTGM Rino Fisichella,  Chủ tịch Hội Đồng  Toà Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, cũng khích lệ các thành viên phong trào tiếp tục lộ trình của họ không luôn đuợc hiểu biết, nhưng là con đường nên thánh, mà mọi kitô hữu đều được mời gọi tiến bước, để làm chứng cho Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh công giáo nảy sinh tại Pittsburg bên Hoà Kỳ năm 1967, hiện nay lan tràn khắp nơi và có hàng chục triệu thành viên trên thế giới (SD 22-4-2016)


Đức Thánh Cha giải tội cho 16 thiếu niên

Roma – Bầu không khí lễ hội đang diễn ra tại Roma, đặc biệt là đường Hòa giải với 72 ngàn thiếu niên từ 13 đến 16 tuổi, trong đó có khoảng 1000 em ngoài nước Ý, về Roma để tham dự cuộc hành hương quốc tế nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương xót.
Các em được các giáo xứ vùng Roma và hơn 200 cộng đoàn đáp lời kêu gọi của Ủy ban Giới trẻ giáo phận Roma tiếp đón.

PopeFrancis-23Apr2016-01.jpg

Trong chương trình sáng thứ bảy hôm nay 23/4, các em đã tham gia cuộc rước thống hối từ đền thờ Thiên thần, qua đường Hòa giải và đi qua cửa Thánh đền thờ Thánh Phê-rô. Trong ngày hôm nay các Linh mục cũng giải tội cho các em như một phần của chương trình cử hành Năm Thánh.

Một tòa giải tội đặc biệt, rộng lớn, được tổ chức dưới bầu trời mát mẻ của Roma. Đã có khoảng 150 Linh mục giải tội tại các địa điểm ở quảng trường Thánh Phê-rô và các khu vực xung quanh. Các Linh mục và các người xưng tôi ngồi trên những chiếc ghế được đặt cạnh nhau dọc theo các hàng cột của quảng trường.

Trong ngày lễ thánh George, bổn mạng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng cho các em một món qua đặc biệt. Đó là sự xuất hiện bất ngờ của ngài để giải tội cho một số em. Ngài đã giải tội cho 16 bạn trẻ từ lúc 11.30 đến 12.45.

Trong sứ điệp đăng trên Twitter sáng nay, Đức Thánh Cha đã viết: “Các thiếu niên nam nữ yêu quý, tên của các con được viết trên trời, trong trái tim yêu thương của Chúa Cha. Các con hãy can đảm lội ngược dòng!”

Chiều tối nay các em sẽ tham dự lễ hội tại sân vận động Olympic của thành phố Roma với các ca sĩ và nghe các chứng từ. Sáng Chúa nhật ngày mai, các em sẽ tham dự Thánh lễ do  Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế. (Sedoc 23/4/2016)



(Hồng Thủy OP, RadioVaticana 23.04.2016)

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:22