Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong phụng vụ kính Ðức Mẹ Cửa Khẩu Otuzco 20/1/2018.

Filled under:


Sáng thứ Bẩy, 20 tháng Giêng, lúc 7h40 Ðức Thánh Cha đã đáp máy bay từ thủ đô Lima đến thành phố Trujillo cách đó 490 cây số về hướng bắc để cử hành thánh lễ lúc 10h tại quảng trường Huanchaco cạnh bờ biển.

Ban chiều, lúc 3h, ngài viếng nhà thờ chính tòa địa phương và gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh thuộc giáo tỉnh miền bắc Peru tại Chủng viện thánh Carlo và Marcelo vào lúc 3h30.

Hơn một giờ sau đó, lúc 4h45, Ðức Thánh Cha chủ sự buổi cử hành phụng vụ kính Ðức Mẹ Hải Cảng ở quảng trường quân đội.

Trong bài giảng tại đây, Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến,

Tôi xin cảm tạ Đức Cha Héctor Miguel vì những lời chúc mừng của ngài nhân danh toàn thể dân Chúa hành hương trên những miền đất này.

Trong quảng trường xinh đẹp và lịch sử này của Trujillo, nơi từng đánh thức những giấc mơ tự do cho tất cả người Peru, hôm nay chúng ta tụ họp để gặp “Mẹ thân yêu của Otuzco”. Tôi biết rằng nhiều người trong số anh chị em đã phải đi một quãng đường dài để có mặt ngày hôm nay, tụ tập dưới ánh mắt của Mẹ. Quảng trường này đã trở thành một ngôi đền lộ thiên, nơi tất cả chúng ta muốn để cho Mẹ nhìn chúng ta bằng ánh mắt từ mẫu và dịu dàng. Mẹ là một người mẹ biết rõ con tim của những đứa con Peru của mình từ miền bắc đất nước và từ rất nhiều nơi khác; Mẹ đã nhìn thấy nước mắt của anh chị em, tiếng cười của anh chị em, và những ước vọng của anh chị em. Trong quảng trường này, chúng ta muốn vinh danh ký ức của một dân tộc biết rằng Đức Maria là một người Mẹ không từ bỏ con cái mình.

“Ngôi Nhà” này được trang trí theo một phong cách lễ hội đặc biệt. Chúng ta được bao quanh bởi hình ảnh các linh địa khắp miền này. Tôi nghiêm cẩn kính chào Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Cửa Khẩu Otuzco, cùng với Thánh Giá Rất Thánh Chalpón miền Chiclayo, Chúa Phù Hộ các Tù Nhân miền Ayabaca, Đức Mẹ Giàu Lòng Xót Thương miền Paita, Chúa Giêsu Hài Đồng Ban Phép Lạ miền Eten, Đức Mẹ Sầu Bi miền Cajamarca, Đức Bà Lên Trời miền Cutervo, Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội miền Chota, Đức Bà Đầy Ơn Phúc miền Huamachuco, Thánh Turibius thành Mogrovejo ở miền Tayabamba (Huamachuco), Đức Nữ Đồng Trinh miền Chachapoyas, Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội miền Usquil, Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu miền Huanchoco, và di hài các Thánh Tử Đạo Dòng Anh Em Hèn Mọn miền Chimbote.

Mỗi cộng đồng, mỗi góc nhỏ bé của vùng đất này, đều được đi kèm với gương mặt của một vị thánh, và với tình yêu dành cho Chúa Giêsu Kitô và Mẹ Người. Thật thế, bất cứ nơi nào có một cộng đồng, bất cứ nơi nào có cuộc sống và những con tim mong muốn tìm được những lý do để hy vọng, để hát múa và nhảy mừng, để có một cuộc sống tốt đẹp... thì nơi đó có Chúa, nơi đó chúng ta tìm thấy Mẹ của Người, và ở đó cũng có gương của tất cả những vị thánh giúp chúng ta vui mừng trong hy vọng.

Cùng với anh chị em, tôi xin tán tụng Chúa vì Ngài đã ghé mắt nhìn chúng ta. Ngài tìm cách tốt nhất để lôi kéo đến gần Ngài mỗi người để họ có thể đón nhận Ngài. Đó là nguồn gốc của cơ man những lời cầu và danh xưng đa dạng của Ngài. Những danh xưng này thể hiện mong muốn của Thiên Chúa được gần gũi mỗi con tim, để ngôn ngữ tình yêu của Thiên Chúa luôn được nói bằng tiếng địa phương; không có cách nào khác để làm điều đó, và hơn thế nữa, điều ấy linh hứng cho hy vọng khi thấy Đức Mẹ dùng những đặc điểm của con cái mình, cách ăn mặc và phương ngữ của họ, để làm cho họ cùng chia sẻ trong phúc lành của Mẹ. Đức Maria sẽ luôn là một người Mẹ đa sắc tộc, bởi vì trong trái tim của Mẹ, tất cả các chủng tộc đều tìm thấy một chỗ cho mình, vì tình yêu tìm kiếm mọi cách để có thể yêu và được yêu. Tất cả những hình ảnh này nhắc nhở chúng ta về tình yêu từ ái mà với tình yêu đó Thiên Chúa muốn gần gũi với mọi làng mạc và mọi gia đình, với anh, với chị, với em, với tôi, và tất cả mọi người.

Tôi biết tình yêu mà anh chị em dành cho Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Cửa Khẩu Otuzco. Hôm nay, cùng với các anh chị em, tôi muốn tuyên bố rằng Đức Mẹ Cửa Khẩu là “Mẹ thương xót và hy vọng”. Đức Mẹ, là Đấng trải qua nhiều thế kỷ đã cho thấy tình yêu của Mẹ dành cho những đứa con của mảnh đất này khi Mẹ được đặt tại một cửa ngõ, Mẹ đã bênh vực và bảo vệ họ trước những mối đe dọa, và đánh thức tình yêu của tất cả người Peru cả cho đến thời đại hôm nay của chúng ta.

Đức Maria tiếp tục bảo vệ chúng ta và chỉ ra cánh cổng mở ra cho chúng ta con đường dẫn đến cuộc sống đích thực, đến Sự Sống không qua đi. Mẹ đi bên cạnh mỗi một người con của Mẹ, để dẫn họ về nhà. Mẹ đồng hành cùng chúng ta đến Cửa đem lại Sự Sống, vì Chúa Giêsu không muốn ai đứng ở ngoài, trong giá lạnh. Như thế, Mẹ tháp tùng “khát vọng của đông đảo những người muốn quay trở lại nhà Cha, Đấng đang chờ đợi sự trở lại của họ” [1], nhưng thường thì họ không biết phải làm sao. Như Thánh Bernard đã nói: “Bạn cảm thấy xa đất liền, bị nhận chìm bởi những đợt sóng của thế gian này, giữa chập chùng bão tố: hãy nhìn lên Ngôi sao và kêu khẩn cùng Đức Maria” [2]. Mẹ sẽ cho chúng ta thấy đường về nhà. Mẹ đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu, là Cổng Thương xót.

Năm 2015, chúng ta đã có niềm vui cử mừng Năm Thánh Lòng Thương Xót. Trong năm đó, tôi mời gọi tất cả các tín hữu đi qua Cửa Lòng Thương Xót, “qua đó bất kỳ ai bước vào sẽ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, Đấng an ủi, tha thứ và gieo niềm hy vọng” [3]. Tôi muốn lặp lại với anh chị em lúc này đây cùng một niềm hy vọng ấy: “Tôi mong muốn xiết bao những năm tới sẽ được dâng lên cho lòng thương xót, để chúng ta có thể đi ra đến với mỗi người nam nữ, mang đến cho họ sự thiện hảo và dịu dàng của Thiên Chúa” [4] Tôi ước ao biết bao là mảnh đất này, nơi luôn gắn bó với Mẹ thương xót và hy vọng, có thể được dư dật những sự tốt lành của Thiên Chúa và tình yêu dịu dàng của Người và mang tình yêu ấy đi khắp nơi. Anh chị em thân mến, không có thuốc men nào tốt hơn có thể chữa nhiều vết thương cho bằng một con tim biết thương xót, một con tim từ bi trước những nỗi buồn và bất hạnh, một trái tim đầy thương xót trước những sai lầm của con người và ước vọng muốn thay đổi của họ, mà không biết bắt đầu từ đâu.

Lòng thương xót đang hoạt động, vì “chúng ta đã biết rằng Thiên Chúa cúi xuống vì chúng ta (xem Hôsê 11: 4), để chúng ta có thể bắt chước Người mà cúi xuống anh chị em mình”, [5] trước hết là cho những ai đang đau khổ nhất. Và giống như Đức Maria, chú tâm đến những ai thiếu rượu mừng, như đã xảy ra trong tiệc cưới Cana.

Hướng nhìn lên Đức Maria, tôi không muốn kết thúc ở đây mà không yêu cầu tất cả chúng ta hãy suy nghĩ về những bà mẹ và những bà nội, bà ngoại của đất nước này; họ là động lực thực sự cho cuộc sống và các gia đình Peru. Peru sẽ như thế nào, nếu không có những bà mẹ và những người bà! Cuộc sống của chúng ta sẽ như thế nào nếu không có họ! Tình yêu của chúng ta dành cho Đức Maria phải giúp chúng ta cảm thấy được sự trân trọng và lòng biết ơn đối với những người phụ nữ, những người mẹ và người bà của chúng ta, những người là một pháo đài cho cuộc sống tại các thành phố của chúng ta. Gần như luôn im lặng, họ đưa cuộc sống tiến về phía trước. Đó là sự im lặng và sức mạnh của hy vọng. Cảm ơn chứng tá của các vị. Trân quý và tri ân. Nhưng khi suy nghĩ về những người mẹ và những người bà của chúng ta, tôi muốn mời anh chị em chống lại tai ương đang ảnh hưởng đến lục địa Mỹ Châu của chúng ta: nhiều trường hợp các phụ nữ đã bị giết. Và nhiều tình huống bạo lực được giữ im lặng phía sau rất nhiều những bức tường. Tôi yêu cầu anh chị em chiến đấu chống lại nguồn đau khổ này bằng cách kêu gọi xây dựng pháp luật và một nền văn hoá phản đối mọi hình thức bạo lực.

Anh chị em thân mến, Đức Mẹ Cửa Khẩu, Mẹ Thương Xót và Niềm Hy vọng, chỉ cho chúng ta thấy con đường và chỉ ra cách phòng vệ tốt nhất chống lại cái ác của sự dửng dưng và vô cảm. Mẹ đưa chúng ta đến với Con Mẹ và khuyến khích chúng ta đề cao và truyền bá “một nền văn hoá thương xót dựa trên sự tái khám phá cuộc gặp gỡ với tha nhân, một nền văn hoá mà không ai nhìn vào người khác với sự thờ ơ hoặc quay lưng đi trước những đau khổ của anh chị em mình”. [6] 

[1] Tông Thư Misericordia et Misera (Lòng Thương Xót và Nỗi Khốn Cùng) vào lúc kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót (20 Tháng 11 năm 2016), số 16.
[2] Bài Giảng sau Kinh Truyền Tin 17: PL 183, 70.
[3] Tông Chiếu Misericordiae Vultus (Khuôn Mặt Xót Thương) (ngày 11 tháng 4 năm 2015), số 3.
[4] thượng dẫn., 5.
[5] Tông Thư Misericordia et Misera (Lòng Thương Xót và Nỗi Khốn Cùng) vào lúc kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót (20 Tháng 11 năm 2016), số 16.
[6] thượng dẫn., 20.



 Đức Thánh Cha gặp chính quyền Peru
20/Jan/2018
LIMA. Trong buổi gặp gỡ chính quyền Peru, chiều ngày 19-1-2018, ĐTC tố giác nạn khai thác bóc lột vùng Amazzonia và nạn tham nhũng tại Peru.

Sau khi từ thành Maldonado miền Amazzonia về thủ đô Lima, ĐTC đến trụ sở chính phủ Peru để gặp gỡ tổng thống, chính quyền và 500 người thuộc đoàn ngoại giao, giới lãnh đạo doanh nghiệp, và đại diện giới văn hóa và xã hội.

Lẽ ra cuộc gặp gỡ này diễn ra vào ban sáng, nhưng vì lý do thời tiết ở miền Amazzonia có thể thay đổi bất chợt, nên được dời vào ban chiều cùng ngày. Trên đường từ phi trường Lima về dinh chính phủ, xe ĐGH bị xì lốp nên ngài phải đổi xe.

Đến trụ sở chính phủ vào lúc gần 5 giờ, ĐTC được Tổng thống Peru, ông Pablo Kuczynski và phu nhân tiếp đón và mời ngài tiến lên lễ đài trong khuôn viên tòa nhà, trong khi một ban nhạc thiếu nhi Manchay trình diễn một bài chào mừng.

Diễn văn của ĐTC

Lên tiếng sau lời chào mừng của Tổng thống Peru, ĐTC đã đi từ khẩu hiệu cuộc viếng thăm của ngài tại nước này là ”Đoàn kết để hy vọng” và nói:

”Khi nhìn đất nước này, tự nó, đã là một động lực để hy vọng. Một phần lãnh thổ đất nước quí vị là vùng Amazzonia mà tôi đã viếng thăm sáng nay, và là một rừng nhiệt đới lớn nhất và hệ thống sông ngòi trải rộng nhất thế giới. Buồng phổi này là một trong những vùng có nhiều sinh vật khác nhau nhất thế giới với những giống loại rất khác biệt.. Quí vị cũng có sự đa nguyên rất phong phú về văn hóa, ngày càng ảnh hưởng với nhau.. Giới trẻ tại đây cũng là một thực tại sinh động nhất mà xã hội này sở hữu.. Perù thực là phần đất hy vọng mời gọi hiệp nhất và thách thức dân tộc này hãy đoàn kết với nhau. Dân tộc này có trách nhiệm đoàn kết, hiệp nhất với nhau, để bảo vệ tất cả những động lực hy vọng”.

Tuy nhiên, ĐTC cũng nhắc đến bóng đen đang đe dọa: nhân loại có bao nhiêu quyền lực trên chính mình và không gì có thể bảo đảm nhân loại sẽ dùng quyền lực ấy một cách tốt đẹp, nhất là nếu chúng ta để ý cách thức mà nhân loại đang sử dụng quyền lực ấy. Ngài nói:

”Điều này được biểu lộ rõ ràng qua cách thức chúng ta đang khai thác bóc lột phần đất của các tài nguyên thiên nhiên, nếu không có các tài nguyên này thì không thể có hình thức sự sống nào. Sự đánh mất các rừng già và rừng cây không những có nghĩa là đánh mất đi các loại sinh vật, nhưng còn có thể là đánh mất trong tương lai những tài nguyên hết sức quan trọng, và đánh mất cả những tương quan sinh tử, rốt cuộc khiến cho toàn thể hệ thống môi sinh vị biến thái.

Trong bối cảnh này, ”đoàn kết để bảo vệ hy vọng” có nghĩa là thăng tiến và phát triển một nền sinh thái học toàn diện, thay thế cho kiểu mẫu phát triển tuy đã lỗi thời, nhưng nó còn tiếp tục làm suy thoái con người, xã hội và môi trường. Điều này đòi phải lắng nghe, nhìn nhận và tôn trọng con người và các dân tộc địa phương như những người đối thoại có giá trị. Họ duy trì một mối liên hệ trực tiếp với lãnh thổ, họ biết các mùa và các tiến trình của lãnh thổ, và vì thế, họ biết những hậu quả thê thảm mà nhiều sáng kiến đang gây ra nhân danh sự phát triển. Những sáng kiến ấy làm biến thái các hệ thống sinh tử của quốc gia. Rất tiếc là sự suy thoái môi trường cũng gắn liền với sự sa đọa về luân lý của các cộng đoàn chúng ta. Chúng ta không thể coi hai điều ấy là những vấn đề tách biệt nhau.

ĐTC đặc biệt nêu ví dụ sự khai thác quặng mỏ bất hợp pháp trở thành một nguy cơ hủy hoại sự sống con người; các rừng cây và sông ngòi tị tàn phá cùng với tất cả những phong phú của chúng. Tất cả tiến trình suy thoái này bao hàm và nuôi dưỡng các tổ chức ở ngoài các cơ cấu pháp luật, làm suy thoái bao nhiêu anh chị em chúng ta, biến họ thành những đồ vật buôn bán, một hình thức mới của nạn nô lệ, phải làm việc bất hợp pháp, nạn tội phạm.. và bao nhiêu sự ác khác làm thương tổn trọng trọng cho phẩm gia của họ và phẩm giá của quốc gia”.

Cũng trong diễn văn trước chính quyền Peru, ĐTC cảnh giác về nạn tham nhũng và nói rằng:

”Đoàn kết làm việc để bảo vệ hy vọng đòi phải rất chú ý đến một hình thức tinh vi khác, làm suy thoái môi trường, và dần dần làm ô nhiễm các môi trường sinh tử, đó là nạn tham nhữung. Thứ vi khuẩn xã hội này gây thiệt hại dường nào cho người Mỹ châu la tinh chúng ta và cho các nền dân chủ tại đại lục được chúc phúc này; đó là một hiện tượng làm nhiễm độc mọi sự, và những người nghèo và trái đất là mẹ bị tổn thương nhiều nhất... Chiến đấu chống lại tai ương xã hội này là điều có liên hệ tới tất cả mọi người. ”Đoàn kết để bảo vệ hy vọng” đòi phải có một nền văn hóa minh bạch trong các cơ quan công cộng, trong lãnh vực tư nhân và xã hội dân sự. Không ai có thể ở ngoài tiến trình này; nạn tham nhũng là điều có thể tránh được và đòi sự dấn thân của tất cả mọi người”.

”Tôi khích lệ và nhắn nhủ tất cả những người ở vị thế trách nhiệm, trong bất kỳ lãnh vực nào, hãy dấn thân theo chiều hướng vừa nói, để cống hiến cho dân tộc và đất nước của quí vị sự an ninh, nảy sinh từ xác tín Peru là một môi trường hy vọng và cơ may thích hợp cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ cho một thiểu số. Làm sao để mỗi người dân Peru có thể cảm thấy rằng đất nước này là của họ và có thể thiết lập những tương quan huynh đệ và bình đẳng với tha nhân và giúp đỡ họ khi họ cần..

Sau diễn văn trên đây, ĐTC và Tổng thống Kuczynski đã hội kiến riêng trong dinh chính phủ. Ông năm nay 80 tuổi (1938), con của một bác sĩ người Đức, và đã theo học triết, kinh tế và chính trị tại đại học Oxford bên Anh quốc, rồi đậu tiến sĩ kinh tế và thương mại tại đại học Princeton Hoa kỳ. Ông hoạt động trong ngành ngân hàng trước khi lần lượt làm bộ trưởng năng lượng và khoáng sản, Bộ trưởng kinh tế tài chánh, rồi làm chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Peru. Hồi tháng 6 năm 2016, ông đã được bầu làm tổng thống.

Gặp các cha dòng Tên

Sau khi hội kiến riêng, ĐTC còn gặp gia đình của Tổng thống, trước khi đi bộ, thay vì dùng xe, để đến nhà thờ thánh Phêrô của dòng Tên gần đó để gặp gỡ riêng với các tu sĩ dòng Tên ở Lima vào lúc 6 giờ chiều. Nhà thờ này được các cha dòng kiến thiết từ thế kỷ 16 và cũng là Đền thánh quốc gia kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tham dự cuộc gặp gỡ này có khoảng 100 tu sĩ cùng dòng. Sau đó, ngài về tòa Sứ thần Tòa Thánh để dùng bữa tối và nghỉ đêm.

Khi ngài về tới đây, đã có hàng ngàn người tụ tập trước tòa Sứ Thần, họ đến từ khu phố nghèo nhất ở Lima là Manchay. Nhiều người mang theo các xâu chuỗi xin ĐTC làm phép. Từ trên bao lơn ngài làm phép, chúc lành cho họ, cùng đọc kinh Kính Mừng, mời họ về nhà ngủ và để dân chúng ở các khu láng giềng có thể ngủ. Hôm 18-1 trước đó, tổng thống Peru loan báo chính phủ sẽ dành khoảng 30 triệu mỹ kim (100 triệu đồng soles) để kiến thiết 1 nhà thương ở Manchay và đặt tên là ”ĐGH Phanxicô”.