Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

5 Phút cho Lời Chúa ngày 20/2/2018

Filled under:

NHẪN NẠI VỚI NGƯỜI THÂN
Khi những thân nhân của Ngài nghe biết điều này, họ liền đi bắt Ngài, vì họ nói: “Ngài đã mất trí rồi.” (Mc 3,21)
Suy niệm: Chúa Giê-su đau khổ vì bị chính những người bà con cho là người mất trí! Nhiều ki-tô hữu cũng chia sẻ cùng một nỗi đau với Chúa Giê-su khi vì theo Chúa, họ phải đón nhận những thử thách khó khăn từ chính những người thân của mình. Trong số những tín hữu Việt Nam đầu tiên có một nhân vật quan trọng là bà Minh Đức Vương Thái Phi (1568-1649). Bà là phi của Chúa Nguyễn Hoàng. Bà rất sùng đạo, bà đã làm một nhà nguyện riêng để cùng bổn đạo chung quanh tối sáng tập trung cầu nguyện. Nhưng người con trai độc nhất của bà là Nguyễn Phước Khê vì muốn Chúa Nguyễn Phước Lan khỏi nghi ngờ mẹ con ông có âm mưu lật đổ, nên đã ra lệnh phá bình địa ngôi nhà nguyện này.
Mời Bạn: Không ít những ki-tô hữu  muốn chia sẻ ân huệ đức tin cao quí với những người thân của mình lại bị những người này từ chối. Nhiều gia đình đau khổ vì chồng khô khan, vợ thất trung; nhiều cha mẹ ưu phiền vì con cái nguội lạnh, hư hỏng. Thánh nữ Mô-ni-ca suốt 18 năm trời ròng rã hy sinh, cầu nguyện cho Augustinô, con bà, được ơn trở lại. Chúa đã nhận lời cầu xin tha thiết của bà. Bà để lại cho chúng ta một tấm gương sáng về sự nhẫn nại với những người thân yêu yếu kém về đức tin.
Chia sẻ: Trong giáo xứ của bạn có những tín hữu sống đạo nhưng không được người thân thuận tình, hãy cảm thông, cầu nguyện và nâng đỡ họ.
Sống Lời Chúa: Cảm tạ Chúa vì ơn đức tin được đón nhận và nuôi đưỡng từ trong gia đình - Quan tâm chăm sóc đời sống đạo của mọi người trong nhà.
Cầu nguyện: Đọc “Kinh Gia Đình.”


THÁNH FABIANÔ VÀ THÁNH SÊBASTIANÔ
TỬ ĐẠO
THÁNH FABIANÔ GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO
(+ 250)
Thánh Fabianô kế vị thánh Anthêrô trên ngôi Giáo Hoàng năm 236.
Ngài lên ngôi thánh Phêrô không phải do người ta bầu ra cho bằng do chính sự chọn lựa của Thiên Chúa. Vào lúc dân chúng và hàng giáo sĩ Rôma họp nhau để chọn vị mục tử, thì một cánh chim bồ câu từ trên trời xuống đậu trên đầu Fabianô. Do đó, dầu trước kia không ai ngó tới ngài vì ngài còn là một giáo dân ngoại quốc, bấy giờ người người đều lớn tiếng gọi ngài là người được Chúa chọn. Một cuộc tuyển lựa đặc biệt như vậy vào Giáo hội hàng đầu trong các giáo hội, chắc chắn phải có những biến cố đáng kể tiếp theo. Nhưng lịch sử lại không lưu giữ kỷ niệm nào.
Ngài đã cai quản Giáo Hội trong 14 năm, với lòng nhiệt thành và sự khôn ngoan. Ngài đã gửi nhiều nhà truyền giáo sang xứ Gallia và đã kết án nhiều lầm lạc bị gán ghép cách sai trái cho Ôrigênê. Thánh Cyprianô đã tặng ngài danh hiệu "Một con người khôn sánh".
Ngài đã chịu tử đạo trong thời bách hại của Đêciô khoảng năm 250.

THÁNH SÊBASTIANÔ TỬ ĐẠO (+ 288)
Hai thành phố Narbona và Milanô đã tranh dành nhau vinh dự được nhìn thấy ngày thánh Sêbastinô chào đời. Người ta có thể nói được thánh Sêbastianô là công dân của cả hai thành phố trên vì cha ngài thuộc dòng quý tộc sinh quán tại Nácbôn và mẹ ngài là công dân của thành phố Milanô.
Với gia cảnh sung túc, Sêbastianô được hấp thụ một nền giáo dục chu đáo cả đức dục lẫn trí dục. Năm 283, Sêbastianô gia nhập quân đội và được cấp chỉ huy tín nhiệm vì nhận thấy ngài có đức tính trung thành, trí minh mẫn và lòng can trường đặc biệt. Dưới đời Hoàng đế Điôclêtianô, Sêbastianô được thăng cấp đại úy trong lữ đoàn ngự lâm quân. Hoàng đế cũng rất quí mến Sêbastianô nên đã cho ngài vào ngay trong triều đình, nhưng Hoàng đế không biết đại úy Sêbastianô là người công giáo, vả ngài cũng không muốn tiết lộ với ai, không phải vì hèn nhát nhưng cốt để có thể dễ dàng giúp đỡ những anh em hiện đang bị giam trong tù ngục vì đức tin.
Trong thời kỳ bách hại dữ dội nhất, hai anh em hiệp sĩ Rôma quý danh là Máccô và Macxenlianô con nhà triệu phú Tranquilinô từ khước không chịu tế thần. Hai chàng đã bị kết án tử hình. Cha mẹ hai chàng là người ngoại giáo xin quan gia hạn thêm ba mươi ngày để có thời giờ khuyên hai con đổi ý. Người ta giao hai người cháu cho viên lục sự toà án tên là Niôstratê quản thúc. Cả hai bị gia đình đến quyến rũ và tấn công liên miên. Giữa lúc hai cháu gần nao núng vì những giọt nước mắt đau xót của cha mẹ, vợ con, anh chị em, chính lúc đó, đại úy Sêbastianô đã đến kịp thời để củng cố đức tin hai chàng. Khi Sêbastianô đang khuyên nhủ hai ông, vợ viên lục sự Nicostratê là Đoê chạy tới phủ phục dưới chân thánh Sêbastianô, làm dấu tỏ ý muốn xin thánh nhân cứu chữa vì bà bị câm đã sáu năm nay.
Thánh Sêbastianô làm dấu thánh giá trên miệng bà, tức thì bà liền nói được và lớn tiếng tuyên xưng đức tin. Trước phép lạ đó, viên lục sự chồng bà cũng đến phủ phục dưới chân sĩ quan hoàng gia để tỏ lòng tri ân. Đồng thời ông xin lỗi hai Kitô hữu mà ông có nhiệm vụ quản thúc; rồi ông cởi xích cho hai chàng và tuyên bố mình muốn được diễm phúc chịu tử đạo như các ngài. Còn gia đình hai Kitô hữu Máccô và Macxêlianô, trước đây đã đua nhau quyến rũ hai ông bỏ đạo thì nay, vì thấy phép lạ trên, đều cương quyết không chịu tế thần như trước nữa. Đồng thời họ lớn tiếng cảm tạ Thiên Chúa và thật tình thống hối những lỗi lầm quá khứ.
Viên lục sự Nicostratê thề quyết không ăn uống gì một khi chưa được chịu phép rửa tội. Sau khi đã tháo xích cho các tù nhân công giáo, ông đưa họ về nhà mình. Còn thánh Sêbastianô vội vã đi đón cha Pôlicapô đến khuyên dậy và rửa tội cho một số tân tòng. Viên coi đề lao Clôtiô hết sức kinh ngạc trước sự kiện kỳ lạ mới xẩy ra. Bấy giờ ông có hai đứa con đang ốm nặng, ông liền đưa hai con đến nhà Nicostratê để xin các người tân tòng chữa bệnh cho con ông. Nhưng họ trả lời: "Chỉ có nhiệm tích rửa tội mới có thể làm được công việc kỳ lạ đó ". Được ơn Thiên Chúa thôi thúc, Clôtiô và cả gia đình đều xin gia nhập hàng ngũ các tân tòng.
Cha Pôlycapô cử hành bí tích rửa tội ngay tại nhà ông Nicostratệ Đại úy Sêbastianô nhận đỡ đầu cho tất cả các tân Kitô hữu. Hai con ông Clotiô vừa ra khỏi giếng rửa tội đều được lành mạnh cả hồn lẫn xác.
Ông già Tranquilinô thân phụ hai anh em Máccô và Macxêlianô bị bệnh thống phong đã 11 năm. Lúc cởi áo để rửa tội, ông cụ cảm thấy đau đớn khác thường. Cha Pôlicapô giúp ông lão cởi áo, đồng thời ngài cho ông hay nếu như ông tin tưởng hoàn toàn vào Chúa Kitô, ông sẽ được Chúa cho khỏi bệnh phần xác khi ngài cho ông khỏi bệnh linh hồn. Ông lão trả lời:
"Tôi thâm tín rằng Chúa Kitô có thể cho tôi được khỏi bệnh cả xác lẫn hồn, nhưng tôi chỉ xin Chúa cho tôi khỏi bệnh phần hồn thôi. Tôi rất sung sướng được dâng lên Chúa Kitô những đau khổ của tôi".
Cha Pôlicapô hỏi ông lão một lần cuối cùng:
"Cụ có tin Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không?"
Ông lão thưa: "Con xin tin". Sau khi dìm mình trong giếng rửa tội ông được lành bệnh.
Các tân Kitô hữu còn ở lại nhà ông Nicostratê mười ngày nữa. Dưới sự hướng dẫn khôn ngoan của cha Pôlicapô và đại úy Sêbastianô, mọi người sốt sắng ca hát cảm tạ Thiên Chúa và cùng nhau sửa soạn giao chiến. Ai nấy đều ao ước được diễm phúc chịu chết vì Chúa Kitô.
Thời hạn khoan hồng 30 ngày vừa chấm dứt, quận trưởng Crômaciô cho triệu vời vị lão thành Tranqyuilinô đến. Tới trình diện tỉnh trưởng, nguyên lão nghị viên Traquilinô ung dung đáp: "Thưa quí ngài, thời gian ngài đã đồng ý gia hạn cho tôi như lời tôi xin, để đưa các con về với cha mẹ và để trả lại cha mẹ cho các con, nay đã chấm dứt".
Ông tỉnh trưởng không biết gì về những lời vị lão thành vừa nói. Ông cứ đinh ninh là vị lão thành Tranquilinô đã chiến thắng hai con ông nên ông truyền đưa hương ra để cho Máccô và Macxenlianô dâng cúng các thần minh.
Ngay lúc đó, vị lão thành Tranquilinô đứng phắt dậy tuyên bố ông là Kitô hữu và đồng thời ông kể lại những phép lạ vừa rồi ông được chứng kiến. Tỉnh trưởng Crômaciô cũng bị bệnh thống phong và ông cũng muốn được khỏi như vị lão thành Tranquilinô, ông tuyên bố hoãn phiên toà sang một ngày khác. Chiều tối, ông bí mật cho mời vị lão thành Traquilinô tới tư dinh của ông. Ông khẩn khoản xin ông Tranquilinô mách giùm phương thuốc đã chữa ông khỏi bệnh.
Để trả công, ông hứa sẽ ban tặng nhiều vàng bạc. Nguyên lão nghị viên trả lời: "Chính Đấng Toàn Năng đã chữa tôi và chỉ mình Chúa Kitô mới có quyền lực làm thoả mãn lời yêu cầu của quý ông". Ông tỉnh trưởng xin được gặp vị linh mục đã rửa tội cho Tranquilinô và hy vọng sẽ được khỏi bệnh như các người tân tòng kia. Ông già Tranquilinô vội vã đi mời cha Pôlicapô tới tư dinh tỉnh trưởng. Ông này tỏ bầy nguyện vọng của ông với cha Pôlicapô và hứa hẹn sẽ ban tặng cho vị linh mục nhiều tặng phẩm đặc biệt, một khi ông được khỏi bệnh. Linh mục Pôlicapô trả lời:
"Xin ngài tỉnh trưởng đừng nói đến truyện mặc cả có tính cách buôn bán như thế. Chúa Kitô sẽ soi sáng sự tối tăm của ngài và sẽ chữa ngài lành, đã nếu ngài tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa Kitô.
Sau ba ngày ăn chay cầu nguyện, linh mục Pôlicapô và đại úy Sêbastianô tới thăm ông tỉnh trưởng Crômaciô để nói với ông về những đau khổ mà ông đang chịu và đồng thời hai vị cũng nói với ông về những khổ hình bên kia thế giới.
Nghe những điều đó tỉnh trưởng rất sợ hãi, khẩn khoản xin được ghi tên vào sổ các tân tòng. Trong nhà ông còn đầy những thần tượng. Đại úy Sêbastianô lưu ý ông tỉnh trưởng hay, ông không được vừa theo Chúa vừa tôn thờ ma quỉ.
Thánh nhân yêu cầu ông phải huỷ bỏ các thần tượng. Ông đồng ý và định sai đầy tớ làm. Nhưng đại úy Sêbastianô muốn tự tay mình phá không muốn để cho đầy tớ làm. Đại úy nói với ông tỉnh trưởng: "Các tôi tớ của ngài vì còn sống dưới quyền lực của quỷ thần có thể tác hại họ chăng. Tôi xin ngài giao công việc quỷ thần này cho chúng tôi là những Kitô hữu mới có thể phá huỷ các thần tượng này được. Đại úy Sêbastianô bắt đầu cầu nguyện, lòng đầy ơn Chúa, ngài tiến thẳng vào trong đền phá một lúc hai trăm thần tượng tan tành. Trở ra ngoài đại úy hỏi ông tỉnh trưởng xem còn thần tượng nào cần phải huỷ nữa không. Ông tỉnh trưởng Crômaciô thú thực ông còn một phòng khác đầy thần tượng do cha ông để lại mà ông một mực tôn kính. Đại úy Sêbastianô cực lực phản đối lòng tin dị đoan đó, và ngài quả quyết rằng:
"Nếu tỉnh trưởng muốn được khỏi bệnh, thì ông phải phá huỷ tất cả những thần tượng đó đi ".
Tỉnh trưởng ưng thuận. Ngay lúc đó con trai ông tên là Tiburciô từ trong nhà chạy ra hô lớn một giọng đầy căm hờn:  "Tôi sẽ đốt hai lò lửa để thiêu sinh Sêbastianô và Pôlicapô, nếu cha tôi không được khỏi bệnh".
Hai vị đồng ý nhận lời thách thức đó và tiếp tục phá huỷ những thần tượng còn sót lại. Lúc đó, một Thiên sứ mặc áo trắng như tuyết hiện đến với Crômaciô và nói: "Chúa Kitô sai tôi tới đây để chữa bệnh cho ngài ". Thiên sứ vừa nói dứt lời, ông tỉnh trưởng liền được khỏi bệnh. Ông vội vã chạy lại định ôm chằm lấy chân viên y sĩ kỳ lạ đó, nhưng Thiên sứ phản đối: "Thưa ngài, ngài không xứng đáng chạm tới sứ thần Thiên Chúa, vì lẽ ngài chưa được tái sinh bởi nước rửa tội ".
Nghe nói thế, tỉnh trưởng Crômaciô liền phủ phục dưới chân linh mục Pôlicapô và đại úy Sêbastianô khẩn khoản xin ai vị rửa tội cho ông. Đại úy Sêbastianô tuyên bố: "Nếu ngài muốn lĩnh nhận nhiệm tích cao quý đó, phải ăn chay và cầu nguyện". Sau nhiều ngày ăn chay và cầu nguyện, ông tỉnh trưởng được đón nhận vào hàng ngũ con cái Giáo Hội. Rồi cả nhà ông đều xin chịu phép rửa tội. Ngày đó đại úy Sêbastianô đã làm cha đỡ đầu cho hơn 1.400 tân tòng.
Các cuộc bách hại càng ngày càng dữ dội. Theo sắc lệnh của Hoàng đế, không ai được mua hay bán gì nếu không chịu tế thần. Ông tỉnh trưởng Crômaciôâ đệ đơn xin từ chức. Lâu đài rộng lớn của ông biến thành nơi hội họp của các Kitô hữu. Tiburciô, con trai ông sau cũng trở lại đạo và là một tín hữu rất nhiệt thành, thánh Sêbastianô rất hăng hái hoạt động tông đồ. Ngày ngày thánh nhân đi vào các trại giam khích lệ và khuyên nhủ các chiến sĩ của Chúa Kitô hăng hái chiến đấu tới giọt máu cuối cùng. Trong thời bách hại, các Kitô hữu thường hội họp ở những nơi kín đạo bí mật tránh những con mắt dòm ngó của công an. Nhưng từ ngày tên phản bội Tôquát tới báo cho công an, các cuộc hội họp thường bị phát giác. Nhờ tên phản phúc Tôquát (Torquat) chỉ điểm công an đã bắt được quả tang Castuliô Tiburciô Maccô và Macxêlianô đang hội họp. Họ liền trói cả bốn người dẫn về tống ngục.
Giữa cơn thử thách dữ dội đó, thánh Sêbastianô đem hết nghị lực và thời giờ rảnh để len lỏi vào các trại thăm viếng và khích lệ các anh em.
Những ngày đen tối nhất của Giáo Hội đã tới, cuộc thanh trừng các Kitô hữu đi đến chỗ gắt gao nhất. Hai anh em Maccô và Macxelianô bị trói vào cột đá một ngày một đêm giữa những lời nguyền rủa và chửi bới của đám quần chúng cuồng nhiệt. Cuối cùng lý hình kết liễu đời hai vị bằng một nhát gươm. Đoê, vợ ông Nicostratê bị họ buộc tóc treo lên một cành cây, rồi đốt lửa dưới chân cho tới khi tắt thở. Vị lão thành Tranquilinô cụ thân sinh của hai anh em Maccô và Macxêlianô, bị ném đá chết ngày 6-7-286; Tiburciô bị chém đầu vào mùa thu năm 286; Castuciô bị chôn sống; Nicostratê và Clôtiô bị buông sông; Crômaciôâ bị xử tử; còn lại một mình Sêbastianô. Trong những ngày sống sót thánh nhân chạy rảo khắp kinh thành Rôma để nâng đỡ và khuyến nhủ các chiến sĩ của Chúa Kitô trong những trận chiến ác liệt nhất. Nhưng đã đến giờ Thiên Chúa gọi thánh nhân về lĩnh nhận triều thiên thiên quốc. Bọn công an để mắt theo dõi từng hành động của thánh nhân. Cuối cùng Sêbastianô bị bọn công an tố cáo với Hoàng đế. Hoàng đế Đêôclêtianô từ lâu vẫn có thiện cảm với Sêbastianô, nên đầu tiên không nghe lời bọn công an tố giác, nhưng rồi nhà vua cũng cho đòi thánh nhân đến để điều tra thực hự Đây là cuộc tra vấn của Hoàng đế.
"Trẫm nghe người ta đồn khanh là người công giáo, có phải không?".
Thánh Sêbastianô trả lời: "Muôn tâu bệ hạ, kẻ hạ thần này là người Công giáo như lời thiên hạ đã đồn đại. Hạ thần tin chắc rằng kẻ nào cầu cứu và tin tưởng ở một khối đá bất động, kẻ đó là người điên dại ."
Nghe nói thế Hoàng đế nhẩy bổ ra khỏi ghế, thét lên vì giận dữ: "Trẫm đã biệt đãi và yêu thương nhà ngươi hết lòng, thế mà nhà ngươi lại dám cả gan bất tuân lệnh của trẫm và nguyền rủa các thần minh như thế sao ?"
Thánh Sêbastianô trả lời: "Muôn tâu bệ hạ, kẻ hạ thần này hằng cầu xin Chúa Kitô bảo vệ đế quốc Hoàng đế và ban cho hoàng đế được ơn cứu rỗi. Hạ thần hằng phụng thờ Thiên Chúa ở trên trời ."
Hoàng đế muốn xử tử ngay tức khắc người chiến sĩ can trường có một của Chúa Kitô, nhưng vì sợ quân lính vẫn còn thiện cảm với vị chủ tướng của họ sẽ nổi loạn để bênh vực vị chỉ huy của họ chăng. Bấy giờ ở kinh thành Rôma, sẵn có một tiểu đoàn binh sĩ ở thuộc địa chuyên nghề bắn cung, mới được tuyển mộ nhập quân đội hoàng gia. Hoàng đế giao cho họ việc xử tử thánh Sêbastianô.
Vâng lệnh hoàng đế, chúng trói thánh nhân lại, điệu ra ngoài thành, lột áo ngoài ra, trói vào cột làm như bia để bắn, thánh Sêbastianô đứng thản nhiên ngước mắt nhìn trời, cảm tạ Thiên Chúa và cầu nguyện cho bọn lý hình. Lệnh vừa ban hành, bọn cung thủ thi nhau bắn như mưa vào thánh nhân, những mũi tên ác liệt tưởng đã kết liễu đời người chiến sĩ. Đêm đến, bà Idiêu, vợ ông Castuliô lén đến tháo xác ngài ra đem an táng. Nhưng khi sờ đến xác, thấy xác thánh nhân còn nóng và thoi thóp thở. Bà cõng thánh nhân về nhà bà ở ngay trong khu hoàng cung. Nhờ sự săn sóc cẩn thận của bà, thánh Sêbastianô dần dà bình phục.
Mọi người đều tưởng thánh Sêbastianô đã chết. Nhưng thánh nhân không muốn để mất triều thiên tử đạo. Trong lúc lòng đầy nhiệt thành hăng hái, thánh nhân nẩy ra ý định sẽ đến trách móc Hoàng đế vì đã xử đãi quá tàn ác với người công giáo. Thánh Sêbastianô lẻn vào cung, nấp dưới chân thang chỗ nhà vua thường qua lại. Quá sợ hãi vì cuộc xuất hiện bất ngờ đó, Hoàng đế tưởng rằng Sêbastianô đã hiện về báo thù, nên định chạy trốn. Nhưng ngay sau đó Hoàng đế đã trấn tĩnh lại được và bắt đầu đối thoại với người mà Hoàng đế ngộ nhận là ma quỷ hiện hình.
"Có phải người là Sêbastianô, mà ta đã truyền bắn chết không?" Thánh nhân bình tĩnh trả lời:
"Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi, đã cho hạ thần được bình phục. Và giờ đây, hạ thần đến đây nhân danh Chúa Kitô, cực lực phản đối những hành động dã man mà Hoàng đế đối xử với các tín hữu của Người". Quá tức giận, Hoàng đế Điôclêtianô truyền bắt và điệu Sêbastianô ra ngoài thành chém đầu tức khắc rồi quăng xác xuống hào. Để thưởng công vị tử đạo đã hai lần bị hành hạ vì Đức tin, Chúa Giêsu đã báo mộng cho một tín hữu sốt sắng là bà Lucina biết nơi lý hình đã vứt xác thánh nhân. Bà này đã đưa xác thánh nhân về an táng trong hang toại đạo gần chỗ dành riêng cho các vị Giáo Hoàng. Ngày nay người ta thường gọi với danh hiệu "Hang toại đạo Thánh Sêbastianô".
Danh tiếng Sêbastianô vang lừng khắp thế giới. Người ta thường cầu khẩn thánh nhân với tước hiệu là vị cứu tinh của bệnh dịch. Khoảng thế kỷ IV, trên mộ thánh nhân, người ta xây một thánh đường nguy nga để dâng kính ngài với danh hiệu: đại thánh đường thánh Sêbastianô.
Hằng năm Giáo Hội mừng lễ thánh nhân vào ngày 20 tháng giêng.


Chuyện Một Khu Rừng

Một câu chuyện có thật đã được kể về nguồn gốc của một khu rừng như sau: Một ông lão người Pháp nọ, sau khi vợ qua đời, đã mang đứa con trai duy nhất của ông đến một vùng đất khô cằn nhất của Miền Trung nước Pháp để lập nghiệp. Thật ra, người đàn ông chỉ muốn quên đi cái quá khứ khó khăn vất vả. 
Vùng đất khô cằn nơi ông đặt chân đến chỉ còn vỏn vẹn năm ngôi làng nhỏ với rất ít dân cư sống trong những căn nhà siêu vẹo đổ nát, đa số đã bỏ lên những thành phố lớn để tìm công ăn việc làm. Ông lão trên 60 tuổi đưa mắt nhìn khung cảnh xung quanh và đi đến kết luận: nếu không có cây cối, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, cả vùng này sẽ trở thành sa mạc hoang tàn. Sau khi đã dọn chỗ cho đàn cừu và một số gia súc khác, ông lão bắt đầu đi bộ dọc theo các lối đi và nhặt từng hạt dẻ. Ông chọn những hạt dẻ tốt để riêng và ngâm vào nước. Khi mặt trời vừa lên, ông dùng một thanh sắt nhọn moi những lỗ nhỏ và đặt cứ mỗi lỗ một hạt dẻ.
 Ngày ngày như thế, trong liên tiếp 3 năm, ông lão đã trồng được 100 ngàn cây dẻ con. ông hy vọng rằng ít nhất 10 ngàn cây còn sống sót. ông cũng hy vọng rằng Chúa sẽ cho ông sống được thêm vài năm nữa để làm cho xong công tác trồng cây này. 
Ông qua đời năm 1947, hưởng thọ 89 tuổị Từ những hạt dẻ ông đã cặm cụi moi từng lỗ bỏ vào, nay nước Pháp đã có được một trong những khu rừng đẹp nhất thế giớị Trong ba khóm rừng mỗi khóm dài 11 cây số, những cây dẻ xanh tươi cao lớn đã có mặt để giữ nước mưa, làm cho cây cối xung quanh được xanh tươi và biến khu đồi khô cằn ngày xưa thành những dòng suối róc rách. Chim chóc đã trở lạị Sự sống cũng chớm nở. Dân chúng từ từ trở lại các ngôi làng cũ để xây nhà và làm lại cuộc đời.
 Sự sống của thiên nhiên thường giúp con người bớt cô đơn. Ðồng ruộng, cây cỏ xanh tươi, tiếng chim ca hót thường khơi dậy niềm vui sướng trong lòng ngườị Ðó là lý do khiến cho những người sống ở thôn dã dễ có tâm hồn thanh thản và lạc quan vui sống hơn người thành thị. 
Lớn lên ở thôn dã, chứng kiến cảnh gieo trồng của người nông dân, Chúa Giêsu đã mượn những hình ảnh của những sinh hoạt thôn dã ấy để nói về Nước Trờị Người gieo trồng nào cũng có niềm tin và sự lạc quan. Gieo hạt giống vào lòng đất là đặt tất cả niềm tin tưởng phó thác của mình vào thiên nhiên. Có hạt rơi xuống đất tốt, có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trong bụi gaị Nhưng kết quả cuối cùng vẫn là vụ mùa tươi tốt. Có những hạt rơi vào đất tốt, có những hạt rơi bên vệ đường, có những hạt rơi vào bụi gaị Có những kết quả trông thấy, có những âm thầm đau khổ, có những bách hại dữ dội, nhưng cuối cùng Giáo Hội của Ðức Kitô vẫn tồn tại và sinh ra được nhiều hoa trái của niềm Hy Vọng.