Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Tháng Hoa Kính Mẹ !

Filled under:

Tháng Hoa về làm thơ kính Mẹ
Đấng nhân từ hạ sinh cứu thế
Đặc ân Vô Nhiễm chỉ duy Mẹ
Lòng Trung Trinh hơn mọi nhân thế
Lời cầu bàu như thể trạng sư
Maria Thánh Mẫu thật nhân từ
Cung chúc Mẹ giữa ngai tòa hồng phúc
Xin Mẹ cầu bàu đức tin thật trung kiên
Noi bước Mẹ, ôi diệu hiền Thánh Mẫu
Mẹ tuyệt thế , không phải sắc – tài
Mẹ tuyệt thế vì Đức Tin tỏa sáng
Ôi , Maria ! Mẹ cung vàng thánh khiết
Mẹ đồng hành cùng sứ vụ Thiên Sai
Mẹ cộng tác không một chút e ngại
Mẹ âm thầm dâng “ CON “của Trời cao
Mẹ nhân ái cùng Đồng Công Cứu Chuộc
Nỗi thương đau , Mẹ cam chịu với “ Con Người ”
Mẹ, kiệt tác Chúa Trời đã ban thưởng
Cho thế trần để làm Mẹ chúng sinh
Ôi , tuyệt diệu thay ! Mẹ, Đấng Đồng Trinh
Xin dâng lên Mẹ lời hợp cùng nhân thế
Xin chúc ngợi Mẹ, Người Nữ Thánh Thể
Đã sinh ra Đấng cứu chuộc loài người
Nhân tháng Hoa về, xin chúc ngợi
Đấng Mẫu Tâm , Mẹ rất đỗi nhân từ
Xin dẫn đường con thơ dại tăm tối
Mẹ sáng soi muôn dặm nẻo con đi
Khi về bến , con sẽ khắc ghi
Lòng lành Mẹ sáng trong hơn ngọc thể
Tháng năm về, con thơ bé
Ngước trông Mẹ, xin tạ ơn Thiên Chúa Tình Yêu
Cùng sớm chiều, xin Mẹ đừng quên nhé./. Amen
Đầu Tháng Hoa 2015
P.Trân Đình Phan Tiến

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:30

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Tình Yêu Là Sứ Mệnh Của Chúng Ta Để Gia Đình Sống Dồi Dào

Filled under:

ĐỂ GIA ĐÌNH SỐNG DỒI DÀO
Giáo lý chuẩn bị Đại Hội các Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia 2015
BÀI SÁU
MỌI TÌNH YÊU ĐỀU MANG LẠI HOA TRÁI
Không phải mọi người đều được ơn gọi tiến đến hôn nhân. Nhưng đời sống nào cũng đều nhắm tới sinh bông kết trái. Đời sống nào cũng đều có năng lực và nhu cầu nuôi dưỡng sự sống mới – nếu không qua sinh sản và nuôi dạy con cái, thì cũng qua các hình thức sinh yếu khác nhằm dâng hiến bản thân, kiến tạo và phục vụ. Hội Thánh là một đại gia đình bao gồm những ơn gọi khác nhau, nhưng tuy khác biệt nhau, các ơn gọi này đều cần đến nhau và cũng đều nâng đỡ nhau.  Đời linh mục, đời tu trì, và cuộc sống độc thân giữa đời đều làm phong phú, và được trở nên phong phú, nhờ chứng tá của đời sống hôn nhân. Những cung cách khác nhau để giữ đức khiết tịnh và đời sống độc thân bên ngoài đời sống hôn nhân đều là những lối tận hiến đời mình cho công cuộc phụng sự Chúa và cho cộng đồng nhân loại.
Sự phong nhiêu thiêng liêng của đời độc thân
91. Hai trong số các bí tích của Hội Thánh đều là độc đáo ở chỗcả hai đều tận tụy phục vụ “sự cứu độ tha nhân”.  Cả bí tích Truyền chức thánh lẫn bí tích Hôn phối đều “ban ân sủng đặc biệt cho một sứ mệnh đặc thù trong Hội Thánh là phục vụ và làm gia tăng dân Chúa ”[1].

92. Nói cách khác, không phải tất cả mọi người nam và người nữ đều cần phải làm cha làm mẹ về mặt sinh học để chiếu tỏa tình yêu Thiên Chúa hay dự phần vào “gia đình của các gia đình” tức là Hội Thánh. Ơn gọi sống đời linh mục, hay đời tu trì đều có tính trọn vẹn và vinh dự riêng của mỗi ơn gọi này. Hội Thánh luôn cần đến linh mục và tu sĩ, và các bậc cha mẹ phải giúp cho con cái mình biết lắng nghe tiếng Chúa có thể mời gọi chúng dâng hiến cuộc đời theo hướng đó.
93. Hơn nữa, có nhiều giáo dân độc thân lại giữ vai trò bất khả thay thế trong Hội Thánh. Hội Thánh cũng nuôi dưỡng nhiều lối sống độc thân khác nhau, nhưng tất cả những lối sống đó, cách này hay cách khác, đều là một lời mời gọi phục vụ Hội Thánh và phát triển sự hiệp thông theo những cung cách tương tự như làm cha làm mẹ.

94. Đời sống độc thân đích thực (dù là người giáo dân, người có chức thánh, hay người góa bụa) tất cả đều phải hướng về đời sống cộng đoàn hay xã hội. Làm một “người cha thiêng liêng” hay “người mẹ thiêng liêng” – chẳng hạn như một linh mục hay một tu sĩ, nhưng cũng có thể như một người cha hay người mẹ đỡ đầu, hay một người cha mẹ nuôi, hay một giáo lý viên hay một thầy cô giáo, hoặc chỉ làm một người dìu dắt hay làm một người bạn – đều là một ơn gọi đáng quý trọng, một điều gì đó thiết yếu cho một cộng đoàn Kitô lành mạnh và phát triển.

95. Thánh Gioan Phaolô II từng suy tư về những phẩm chất người mẹ của Mẹ Têrêsa, và, suy rộng ra, về sự sinh hoa trái và tính phong nhiêu thiêng liêng của đời sống độc thân một cách tổng quát hơn:
Chẳng phải chuyện lạ lùng gì khi gọi một tu sĩ là “mẹ” cả.  Nhưng danh xưng này lại có một cường độ đặc biệt đối với Mẹ Têrêsa.  Một người mẹ được nhìn nhận là mẹ bởi chính khả năng dâng hiến bản thân mình.  Cứ nhìn xem cung cách, thái độ, lối sống của Mẹ Têrêsa là chúng ta hiểu được danh xưng đó có ý nghĩa thế nào đối với vị nữ tu này, ngoài chiều kích thuần túy thể chất, để là một người mẹ.  Chính điều đó làm cho Mẹ đi đến tận cội rễ thiêng liêng của thiên chức người mẹ.
Chắc hẳn ta đã biết rõ đâu là bí quyết của Mẹ: đó là Mẹ đã được tràn đầy Chúa Kitô, và do đó, Mẹ nhìn mọi người bằng đôi mắt và trái tim của Chúa Kitô. Mẹ đã hiểu nghiêm túc lời Chúa phán: “Ta đói, các con đã cho ta ăn .”  Cho nên Mẹ đã không bối rối khi “nhìn nhận ” những người nghèo là con cái Mẹ.
Tình yêu nơi Mẹ rất cụ thể và bạo dạn, thôi thúc Mẹ đi tới những nơi ít ai có can đảm đi tới, những nơi mà sự nghèo khổ khiến người ta phải ghê sợ.
Không lạ gì thiên hạ của thời đại này trở nên mê mẩn vì Mẹ.  Mẹ là hiện thân của tình yêu mà Chúa Giêsu đã chỉ ra như dấu hiệu rõ rệt của môn đệ Người: “Cứ dấu này thiên hạ sẽ biết anh em là môn đệ của Thầy, đó là anh em thương yêu nhau ” [2].

Những cuộc đời rạng ngời, như Chân phước Têrêsa thành Calcutta và Thánh Gioan Phaolô II, cho ta thấy rằng bậc sống độc thân trong tất cả sự đa dạng của nó, có thể là một lối sống đẹp và hấp dẫn.
Cơ sở và các khả năng của bậc độc thân
96. Ở phần đầu của tập giáo lý này, khi trích dẫn Thánh Augustinô, ta đã thấy mục đích của việc sinh con cái không chỉ là để duy trì chủng loại hoặc xây dựng xã hội dân sự mà thôi, nhưng còn là để xây đắp thành đô trên trời với niềm vui của đời sống mới.  Sự phân biệt này (giữa mục đích tự nhiên của việc sinh sản và ơn gọi theo ý định Thiên Chúa để chuẩn bị cho Vương quốc Thiên Chúa sum sê hoa trái) giúp Hội Thánh có thể thực hiện một điểm xa hơn: hoàn thành định mệnh là những người nam và người nữ của mình, tất cả mọi người đều có thể trổ sinh hoa trái, mà không cần hết mọi người đều phải kết hôn.

97. Hội Thánh cho thấy hôn nhân như một ơn gọi, một khả thể.  Do đó, hôn nhân không thể là một điều luật hay một yêu sách phải thực hiện để có được một đời sống Công giáo thăng hoa[3]. Do đó, bậc sống độc thân cần tồn tại trong đời sống cộng đoàn của Hội Thánh, ngõ hầu hôn nhân là một vấn đề tự do hơn là một điều cưỡng bách.  Bậc sống độc thân là một tùy chọn nếu quả thực có hơn một cách để định đoạt đời sống giới tính của mình, tính cách là nam hay là nữ cho Nước Trời. “Đời sống gia đình là ơn gọi Thiên Chúa ghi tạc vào bản tính của người nam và người nữ, và có một ơn gọi khác bổ sung cho hôn nhân: ơn gọi sống độc thân và khiết tịnh vì Nước Trời. Đó là ơn gọi chính Chúa Giêsu đã sống ”[4].

98. Đời độc thân và đời hôn nhân không đua tranh với nhau. Một lần nữa, như Thánh Ambrôsiô đã dạy: “Chúng tôi không tán dương bất cứ bên nào để loại trừ bên nào ….Đây là điều làm nên tính phong phú của kỷ luật Hội Thánh ”[5].  Bậc độc thân và bậc hôn nhân là những ơn gọi bổ sung cho nhau, bởi vì cả hai đều công bố sự ân ái hay thân mật tính dục không thể là một sự gì để thử [6]. Cả người độc thân lẫn người kết hôn nhân đều tôn trọng cấu trúc của tình yêu giao ước và tránh hành vi thân mật có tính cách “thử” hoặc có điều kiện [7].  Cả bậc độc thân lẫn bậc hôn nhân đều bác bỏ tính dục trong bối cảnh của điều Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “nền văn hóa vứt bỏ ”[8].  Cả bậc độc thân lẫn bậc hôn nhân đều từ khước những quan hệ tình dục chỉ nhằm thỏa mãn sự thèm khát mà thôi.

99. Giữ gìn kỷ luật của bậc sống độc thân và bậc sống hôn nhân là hai cung cách để người nam và người nữ liên đới với nhau mà không có sự lợi dụng tình dục.  Độc thân và hôn nhân là hai cung cách sống duy nhất quy về kết luận này: hôn nhân là hình thức nhân bản đầy đủ cho những hành vi hướng tới việc truyền sinh dưới ánh sáng của kế hoạch Thiên Chúa vốn tiềm tàng nơi chúng ta và định hình nên cuộc sống chúng ta. Đời sống độc thân (không phải chỉ gồm các linh mục và tu sĩ có lời khấn hứa, mà bao gồm tất cả những ai sống khiết tịnh bên ngoài hôn nhân) chính là lối sống dành cho những ai không kết hôn mà vẫn tôn trọng các giao ước.

100. Tất cả những gì Hội Thánh đã dạy về sự kiện chúng ta được dựng nên để hưởng niềm vui, được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, về nhu cầu yêu thương và được yêu thương, được áp dụng một cách đồng đều cho cả người độc thân lẫn người có gia đình. Bậc sống độc thân có thể được xác định và bền vững, như trường hợp đời sống tu trì có lời khấn, hoặc trường hợp những người không thể kết hôn do khuyết tật hay có hoàn cảnh đặc biệt, hoặc chỉ độc thân thường xuyên tạm thời thôi, như trường hợp của một người trẻ đang tìm hiểu ơn gọi của mình. Trong tất cả các trường hợp này, người sống độc thân bước theo Chúa Giêsu, được triển nở nhờ dâng hiến bản thân cho Thiên Chúa, tín thác vào kế hoạch của Ngài, và xây dựng một đời sống đặt nền tảng trên tình yêu thương tha nhân với lòng lân tuất, kiên nhẫn, quảng đại, và tinh thần phục vụ.

101. Trong xã hội nào đó, nhiều người sẽ bị gạt ra bên lề nếu người ta nhìn hôn nhân như một điều bắt buộc, như thể người ta cần thiết phải có một đối tác lãng mạn để cho đủ bộ. Đời sống độc thân trong Hội Thánh nhất quyết chống lại tư tưởng lầm lạc này. Chẳng hạn, những người góa bụa thường bị gạt qua một bên trong những xã hội truyền thống, còn những người độc thân trong các đô thị hiện đại lại thường hòa nhập vào xã hội bằng cách tham gia các câu lạc bộ, lui tới các tửu quán, trà đình ở đó sự lang chạ tình dục là chuyện thông thường. Tạo nên một không gian thay thế, trong đó người chưa kết hôn có thể hưởng niềm vui và có một sứ vụ, đó là một sự hiếu khách sâu xa, là điều mà các Kitô hữu cần phải giúp nhau thực hiện như một dạng thức giải phóng và đón tiếp.

102. Một số người, do những hoàn cảnh vượt khỏi tầm kiểm soát của mình, vẫn muốn kết hôn, nhưng lại không thể tìm được người phối ngẫu cho mình. Một đời hi vọng và chờ đợi không có nghĩa là để mình rơi vào tình trạng sống một đời son sẻ.  Khi sống trong tình trạng tích cực sẵn sàng đón nhận Thánh ý Chúa như được biểu lộ ra trong lịch sử riêng của đời mình, bằng cách cũng thưa xin vâng như chính Đức Maria [9],ơn phúc có thể tuôn đổ xuống cho ta. Vì mọi người đều được mời gọi để trao ban và lãnh nhận tình yêu, bởi vì tình yêu Kitô giáo là hướng ra đi tới tha nhân, bậc sống độc thân là một thực hành cho đời sống chung.  Khi chúng ta thương yêu thương nhau một cách trong sạch ngoài hôn nhân, hoa trái sẽ là tình bằng hữu: “Nhân đức khiết tịnh trổ sinh tình bằng hữu …Nhân đức ấy biểu lộ đặc biệt trong tình bằng hữu với người lân cận. Dù nhân đức ấy phát triển giữa những người cùng hay khác giới tính, tình bằng hữu này vẫn là một điều thiện hảo lớn cho tất cả mọi người. Đức khiết tịnh dẫn tới sự hiệp thông tinh thần ”[10].

103. Người độc thân (và trong một mức độ nào đó cũng tương tự, những cặp vợ chồng không con) cũng đều hưởng một sự tự do độc đáo, một thứ tự do hấp dẫn cho một số loại việc phục vụ, tình bằng hữu và cộng đồng.  Người độc thân và người không có con đều tương đối thuận tiện hơn cho những thử nghiệm giữ khiết tịnh trong đời sống cộng đồng, cho những nghề nghiệp đòi hỏi có sự uyển chuyển, cho việc cầu nguyện và chiêm niệm. Người độc thân và vợ chồng không con, và cả những người cao niên mạnh khỏe (có khi con cái đã lớn) đều có được những ơn ban về thời gian theo nhiều cách mà các người làm cha mẹ thường không có được.  Những người như thế có thể say mê với việc dạy giáo lý và những tác vụ khác của giáo xứ, hay cả đến những việc tông đồ và việc làm chứng tá trong những tình huống hiểm nghèo thường là bất khả đối với những gia đình có con cái.  Người không lập gia đình cũng như người không con được hưởng sự rảnh rang cho phép họ có nhiều tự do và sáng tạo hơn về những khả năng thể hiện lòng hiếu khách và tình thân thiện.  Khi Thánh Phaolô khuyên nhủ bậc độc thân, ngài nghĩ ngài đề nghị một khả năng tuy có những thách đố nhưng cũng chứa đựng những lợi ích và tự do: “Nhưng nếu bạn cưới vợ, thì cũng chẳng có tội gì. Và nếu người con gái lấy chồng, thì cũng chẳng có tội gì. Tuy nhiên, những người ấy sẽ tự chuốc lấy những nỗi gian truân khốn khổ, mà tôi thì muốn cho anh em thoát khỏi điều đó …. Tôi muốn anh em không phải bận tâm lo lắng điều gì ” (1Cr 7, 28-32a).
Sự liên kết giữa độc thân và hôn nhân về mặt thiêng liêng và xã hội
104. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy: “Mọi Kitô hữu đều được mời gọi sống khiết tịnh phù hợp với bậc sống riêng của mình. Khi lãnh nhận Phép Rửa, Kitô hữu đã cam kết điều khiển đời sống tình cảm của mình trong đức khiết tịnh”[11].  Do đó, bậc độc thân liên kết với bậc hôn nhân, làm thành một của lễ thiêng liêng của toàn thể con người chúng ta dâng cho Chúa.  Cả người độc thân lẫn người có gia đình đều cam kết hiến đời mình cho giao ước Thiên Chúa đúng theo ơn gọi của bậc sống mình. Có những dị biệt thực tế trong ơn gọi riêng của mỗi người, nhưng động lực bên trong của linh hồn, sự dâng hiến của con tim, chủ yếu là giống nhau.  Những người độc thân và những đôi vợ chồng khôn ngoan, trưởng thành đều quen với những kỹ năng thiêng liêng tương tự.

105. Trong đời hôn nhân, khi người chồng và người vợ tự trao hiến cho nhau, bằng một tình yêu noi gương Chúa Giêsu, sự trao hiến bản thân cho nhau, là một phần của công trình của Đức Kitô, kết hợp trong cùng một tinh thần của Chúa Giêsu trao ban chính mình cho Hội Thánh. Khi đôi phối ngẫu trao cho nhau lời hôn thệcủa họ trong thánh đường lúc cử hành phụng vụ Bí tích Hôn phối, Đức Kitô đón nhận tình yêu hôn nhân của họ và làm cho tình yêu ấy nên một thành phần của tặng phẩm Thánh Thể của chính Người ban cho Hội Thánh, và Chúa Cha, Đấng hài lòng bởi hy tế của Chúa Con, lại ban Chúa Thánh Thần cho đôi phối ngẫu để đóng ấn sự kết hiệp của họ [12]. Sự phong nhiêu của hôn nhân trước hết là tặng phẩm dành cho nhau và nghĩa vụ của dây liên kết bí tích.  Đây chắc chắn là lý do tại sao Thánh Gioan Phaolô II đã nói cách tuyệt vời rằng mối liên kết hôn phối mà đôi phối ngẫu nhận lãnh để hưởng và sống, làm cho họ trở thành “lời nhắc nhở thường xuyên cho Hội Thánh về điều đã diễn ra trên Thập giá. Họ là nhân chứng cho nhau và cho con cái về ơn cứu độmà Bí tích đã làm cho họ được dự phần ”[13].

106. Trong trường hợp bậc độc thân, ta cũng suy ra tương tự. Tình yêu Chúa Kitô là trọn vẹn bởi vì Ngài trao ban trọn mình Ngài, một sự khẳng định vô điều kiện đối với tha nhân: “Người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,26) Tình yêu của Chúa Kitô được biểu lộ trong khát vọng của Người muốn chia sẻ trọn bản thân cho các môn đệ (Lc 22,15), để ban chính mình Người cách trọn vẹn hầu đem hết mọi người về cùng Chúa Cha để chia sẻ vinh quang Thiên Chúa .[14]  Tình yêu hôn nhân là căn bản của giao ước định hình cho việc truyền sinh; còn tình yêu nơi người độc thân là căn bản của giao ước mang đến sự sống trong toàn thể cộng đoàn.

107. Vì đời sống hôn nhân và đời sống độc thân là những ơn gọi bổ sung cho nhau đối với những người Công giáo trưởng thành, ta cần phải dạy cho người trẻ hiểu được rằng một bạn tình lãng mạn không phải là điều thiết yếu cho hạnh phúc con người.  Nếu chính hôn nhân được hình thành từ giao ước của Chúa Giêsu với chúng ta, và nếu cũng chính giao ước đó làm cho bậc độc thân cũng là một chọn lựa đúng đắn có thể thành tựu được, thì cuộc đời của những người trẻ chưa lập gi đình sẽ được hiểu đúng đắn hơn, không cứ sống lao mình vào việc tán tỉnh hay “hẹn hò”, nhưng như một thời kỳ phân định và vun trồng tình bằng hữu. Những tập quán và kỹ năng của tình bằng hữu chân thực là cơ sở cho cả đời sống hôn nhân lẫn đời sống cộng đoàn độc thân. Vấn đề ơn gọi vốn đặt ra cho thanh thiếu niên và những người trẻ khác ngày nay cần thu hút cả tâm trí nhiều hơn là chỉ để ý đến sởthích lãng mạn không thôi.  Người trẻ cần đắc thủ những kỹ năng tinh thần thuộc nội tâm cho dù sau này trong cuộc sống tương lai họ đảm nhiệm việc gì.
108. Bởi thế, giáo xứ cần phải chú ý cẩn thận đến chiều kích xã hội của đức khiết tịnh và đời sống độc thân. Đời sống độc thân đặt ra những thách đố độc đáo, và, như Sách Giáo lý Hội thánh Côn giáo nhận xét, việc học tập sự tự chủ về tính dục có một nét văn hóa: chúng ta là những con người phụ thuộc lẫn nhau, và sự thực hành đức khiết tịnh vừa được giúp đỡ vừa bị ngăn trở bởi chính hoàn cảnh xã hội chúng ta .[15]  Những khả năng trong đời sống mà người trẻ nghĩ tưởng ra được lại tùy thuộc vào những gương mẫu họ thấy và những câu chuyện họ nghe.
109. Vì đời sống độc thân đi ngược lại nếp văn hóa thông thường như thế, nguy cơ có thể xảy ra là ngay trong các giáo xứ người ta cũng có thể không hiểu được hết vấn đề. Người độc thân “đáng được hưởng sự yêu thương đặc biệt và chăm sóc tích cực của Hội Thánh, nhất là các mục tử ”[16].  Không chỉ các mục tử, nhưng chính các gia đình và những người độc thân cũng phải có những bước cụ thể để đảm bảo rằng “độc thân” trong bối cảnh Công giáo rõ ràng không phải là giống như tình trạng bị cô đơn hay cô lập. Người độc thân cần có bạn hữu để sẻ chia những gánh nặng và buồn phiền của họ, cũng như sự khả tín và những cơ hội phục vụ của họ. “Cánh cửa các ngôi nhà, những ‘Hội thánh tại gia ’ của gia đình vĩ đại vốn là Hội Thánh cần phải rộng mở ” cho các người không lập gia đình [17].

110. Lối nhìn này nhắc nhở mọi người cần xem xét lại mình đã đóng góp ra sao cho bầu khí và điều kiện vật chất của đời sống giáo xứ.  Nếu cha mẹ làm nản chí con cái về ơn gọi linh mục, về đời sống tu trì có lời khấn, hoặc những ơn gọi độc thân khác, thì toàn thể cộng đồng cần phải xét lại lương tâm của mình.  Bậc sống độc thân đích thực luôn luôn mang đậm tính xã hội, và nếu bậc sống này bị coi như cô đơn hay gàn dở một cách dị thường, thì một điều gì đó trong cách thực hành hay trong cấu trúc đời sống cộng đồng đã bị lệch lạc.  Người độc thân cần phải có những sáng kiến để phục vụ và dấn thân, và các gia đình cần phải biểu lộ lòng hiếu khách, đón nhận những ‘cô / dì,’ ‘chú / bác,’ và mở rộng tình thân bằng cách kiến tạo những gia đình nới rộng hay những cộng đoàn cùng chung chí hướng.

111. Một đời sống xã hội phong phú khiến cho tất cả mọi kiểu sống độc thân trở nên đáng tin cậy nhiều hơn đối với mọi người, vì nó sẽ làm vơi bớt đi sự chỉ trích cho rằng một đời sống như thế sẽ không tránh khỏi cô đơn.  Để sống theo lối nhìn ấy, để thắng vượt quán tính của lề thói xã hội cứ cô lập người độc thân và coi nhẹ những cơ hội của bậc sống này, đòi hỏi sự dấn thân đầy sáng kiến của giáo dân cũng như hàng giáo sĩ. Đức Giêsu là Chúa chúng ta, và Người đã phán: “Mọi người sẽ biết anh em là môn đệ Thày, nếu anh em yêu thương nhau ” (Ga 13,35). Tình yêu phải làm sinh động đời sống giáo xứ một cách nhãn tiền đối với mọi người.

112. Bậc sống độc thân không phải là son sẻ, cũng chẳng phải là “lẻ loi” theo nghĩa bị cô lập hay tự trị, tự quản. Trong Hội Thánh, tất cả mọi người chúng ta đều tương thuộc, chúng ta được dựng nên để sống hiệp thông, được dựng nên để cho và đón nhân tình yêu.  Lối nhìn này về đời sống con người sản sinh ra những ơn gọi đầy tính sáng tạo và vô cùng đa dạng.  Bậc sống độc thân đặt ra những yêu cầu độc đáo đối với những ai yêu thích bậc sống này. Nhưng người độc thân cũng có những đặc ân và cơ hội độc đáo. Người độc thân tôn trọng tiềm năng sinh lý và tính dục của bậc hôn nhân, và hoạt động do một lý do cơ bản tương tự và linh đạo hiến thân. Người độc thân và các đôi vợ chồng cần có nhau để tồn tại và phát triển “gia đình của các gia đình” được gọi là Hội Thánh.
Câu Hỏi Thảo Luận
a) Bậc sống độc thân và bậc sống hôn nhân có chung những điểm nào?
b) Một số những thử thách và gánh nặng người không lập gia đình gặp phải trong cộng đồng bạn là gì? Bạn hữu, gia đình và giáo xứ có thể giúp đỡnhư thế nào?
Đâu là những lợi ích của bậc sống độc thân? Người không lập gia đình có thể phục vụ cộng đồng ra sao?
c) Trẻ em trong giáo xứ bạn có được gặp gỡ nhiều loại linh mục, tu sĩ dòng, tu sĩ tu hội, nữ tu dòng, và các chị em thuộc các tu hội khác không? Bạn có thể nghĩ ra cách thức để giới thiệu những mẫu gương bậc sống độc thân cho cộng đoàn của bạn không?
Có bao giờ bạn từng khuyến khích trẻ em mà bạn quen biết trởthành linh mục hay tu sĩ không? Tại sao có hoặc tại sao không?
d) Đâu là những lý lẽ hay để chọn đời sống hôn nhân hoặc đời sống tu trì?
Đâu là những lý lẽ không được hay như thế? Làm thế nào để biện phân được ơn gọi của mình?




[1] Tóm lược GLHTCG (2005), 321.
[2] ĐGH Gioan Phaolô II, Diễn văn “Gặp gỡ với các gia đình nhận con nuôi do tổ chức Các Thừa Sai Bác Ái ”, 05.09.2000.
[3] Cf. 1Cr 7, 25-40.
[4] ĐGH Phanxicô, Diễn văn “Gặp gỡ giới trẻ tại Umbria”, Assisi, 04.10.2013.
[5] Cf. GLHTCG, 2349. Cf. St Ambrose, De viduis 4.23. Cũng nen xem số 51 trênđây.
[6] Cf. GLHTCG, 1646. Xem như trên, 58.
[7] Cf. GLHTCG, 2391. Xem như trên, 58.
[8] Xem trên đây, 60.
[9] Cf. Lc 1,38.
[10] Cf. GLHTCG, 2347.
[11] GLHTCG, 2348.
[12] Cf. GLHTCG, 1624.
[13] FC, 13.
[14] Cf. Ga 1,14; 17,24.
[15] Cf. GLHTCG, 2344.
[16] Cf. GLHTCG, 1658.
[17] Cf. GLHTCG, 1658.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:32

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Vấn Đề Vị Tư Tế Nêu "Một Lô" Ý Lễ

Filled under:

Hiện nay, tại nhiều thánh đường của chúng ta, ngay cả trong những ngày thường, có thể đến chục ý lễ đã được xướng lên. Rất tiếc, các vị tư tế lại chọn xướng đọc ý lễ chen vào giữa Kinh Tạ Ơn đến độ hầu như làm cho đông đảo tín hữu nghĩ rằng đây là một điều bình thường, đúng đắn và rất sốt sắng nữa. Thói quen này không biết từ bao giờ đã ăn sâu vào não trạng của nhiều linh mục và giáo dân, chúng phát triển và lan rộng khắp nơi đến độ nếu cha chủ tế nào không xướng đọc ý lễ, cụ thể là không đọc vào thời điểm này (giữa Kinh Tạ Ơn) tên của tín hữu đã qua đời do giáo dân xin lễ hôm ấy thì người ta sẽ cho là một là sự bất thường và khiếm khuyết đáng kể.Bài viết sau đây sẽ cho thấy: 1] Đây là một thực hành cần phải xét lại; 2] Khi cần phải xướng đọc ý lễ thì nên làm như thế nào?

NGUYÊN TẮC CHUNG
Về mặt nguyên tắc, không có luật chung trong toàn Giáo Hội liên quan đến việc đề cập đến ý lễ. Có lẽ chỉ một vài giáo phận đưa ra quy tắc để hướng dẫn các linh mục thuộc giáo phận mình. Chẳng hạn, theo giáo phận Rôma, linh mục không cần nói ra ý lễ trong Thánh lễ.
Tuy linh mục không buộc phải nêu ý lễ một cách tỏ tường và công khai trong khi đang cử hành Thánh lễ, nhưng nếu cá nhân hay gia đình nào thỉnh cầu, ngài có thể thực hiện. Ngoài ý lễ vị chủ tế đã chấp nhận cử hành với bổng lễ, vì Thánh lễ vô giá, nên ngài cũng có thể thêm vào những ý lễ khác nữa mà có thể hay không được phản ánh trong công thức Thánh lễ.[i] Chẳng hạn, một tư tế khi dâng Thánh lễ cầu cho người quá cố, ngài đồng thời có thể mời gọi cộng đoàn cầu cho “các ơn gọi” với ý nguyện của cá nhân mình để xin Thiên Chúa chúc phúc cho Hội Thánh được dồi dào ơn thiên triệu. Nếu vị tư tế quên đọc ý lễ hay đọc sai tên các "linh hồn" cũng không sao, miễn là ngài có ý lễ đó từ trước.

NHỮNG CÁCH THỨC XƯỚNG ĐỌC Ý LỄ
Ở đây, để dễ hiểu và dễ áp dụng, đồng thời căn cứ vào điều 954 của Bộ Giáo luật, tạm thời có thể phân biệt ra hai loại ý lễ sau:
Loại ý lễ thứ nhất: chỉ được xướng lên như một thông tin cho người xin lễ biết là đã nhận được.
Loại ý lễ thứ hai: ý lễ được dâng với bổng lễ theo ý các tín hữu xin trong Thánh lễhôm đó.
Lý do để người xin lễ được biết và hiệp thông trong Thánh lễ (Loại ý lễ thứ hai), như nhiều vị tư tế đã tỏ bày, được coi là hợp lý. Muốn vậy, chúng ta áp dụng những cách thức sau:
1] Đăng tất cả những ý lễ giáo dân xin trên tờ thông tin của giáo xứ.
Tất nhiên, cách này chỉ thích hợp với những ý lễ đã xin từ lâu trước khi phát hành tờ thông tin và thường chỉ áp dụng cho Loại ý lễ thứ hai. Vì thế, đối với những ý lễ xin sau, nếu cần phải nêu ra, chúng ta có thể chọn những thời điểm thích hợp để loan báo. Những thời điểm đó là:
2] Thứ nhất, trước khi Thánh lễ bắt đầu
Không những thời điểm này thích hợp để nêu ra ý lễ cử hành với bổng lễ (Loại ý lễ thứ hai)[ii] mà còn có thể nêu ra tất cả những ý lễ cầu cho người sống cũng như người đã ly trần (có khi lên đến hàng chục) người ta xin trước đó. Mục đích là nhằm nêu ra cho người ta biết đây là những ý lễ người ta xin (Loại ý lễ thứ nhất) chứ không phải chủ tế sẽ cử hành Thánh lễ với những ý chỉ này kèm theo bổng lễ. Những ý lễ còn lại, theo Giáo luật: "Nếu tại những nhà thờ hay nhà nguyện người ta xin cử hành lễ quá số có thể cử hành ở đó, thì có thể cử hành ở nơi khác, trừ khi những người xin lễ minh thị bày tỏ ý định ngược lại."[iii]Phải nói rõ thêm rằng việc "xin cử hành lễ quá số" thường nảy sinh ra lễ gộp vì dù vị chủ tế đã có ý lễ định dâng với bổng lễ trong Thánh lễ sắp cử hành nhưng một số người khác đến sau cũng muốn xin lễ trong cùng Thánh lễ đó. Để không dễ dàng lạm dụng hình thức lễ gộp, Bộ Giáo sĩ đã ban hành Sắc lệnh chỉ dẫn như sau:[iv]
1] Phải cho người xin lễ biết, và được họ đồng ý là lễ họ xin được dâng chung với một ý lễ khác.
2] Thời gian và nơi chốn dâng lễ gộp ở nơi công khai.
3] Không được gộp hơn 2 lần trong một tuần.
4] Bổng lễ theo như Giáo phận chỉ định.

5] Tuân giữ quy định của khoản Giáo luật 951 #1Khi tư tế dâng nhiều Thánh Lễ trong một ngày, có thể áp dụng mỗi Thánh Lễ theo một ý chỉ có bổng lễ dâng. Tuy nhiên, đừng kể ngày lễ Giáng Sinh, tư tế chỉ được hưởng một bổng lễ thôi, còn những bổng lễ khác phải nhường về các mục đích do Bản Quyền quy định, tuy rằng đương sự có thể nhận một phần thù lao vì danh nghĩa ngoại tại.
Cần lưu ý là bản văn chỉ ra việc đọc tên người quá cố, ví dụ, ông Giuse Nguyễn Văn X, anh Giuse Phạm Văn Y, bà Maria Nguyễn thị A, chị Maria  Trần Thị B..., cho nên cần tránh cách đọc: cầu cho linh hồn Giuse, linh hồn Maria... Cách đọc trên phản ánh cả con người của tín hữu đã ly trần đang xin được Thiên Chúa cứu độ. Hơn nữa cách đọc này còn tránh xảy ra sự trùng lặp tên thánh giữa người này với người kia vì người Việt Nam ta thường có tên thánh giống nhau (Giuse hay Maria chẳng hạn hoặc có những giáo xứ hay thôn làng mà tất cả những người đàn ông đều mang một tên thánh là Lôrensô).Cách đọc tên linh hồn có ba nhược điểm. Thứ nhất, linh hồn không phải là toàn thể con người; Thứ hai, sẽ xảy ra tình trạng nêu tổng số linh hồn rất buồn cười (đó là cầu cho 10 linh hồn Giuse, 3 linh hồn Maria, 2 linh hồn Phêrô...); Thứ ba, chẳng ai biết những linh hồn đó là ông nào bà nào.
Như vậy, nếu đọc theo tên đầy đủ chứ không phải tổng gộp các linh hồn (10 linh hồn Giuse, 3 linh hồn Maria, 2 linh hồn Phêrô..) thì việc nêu ra tất cả ý lễ người ta xin chỉ có một chỗ duy nhất thích hợp là ở thời điểm này, tức thời điểm ngoài Thánh lễ. Chắc không một vị tư tế nào dám cả gan xướng đọc mười mấy hay mấy chục tên riêng (ý lễ) như thế vào giữa Kinh Tạ Ơn.
3] Thứ hai, ngay lập tức sau lời chào của chủ tế.
Tức là khi vào đến cung thánh trong phần rước đầu lễ, chủ tế (cùng với các thừa tác viên khác) sẽ chào kính bàn thờ rồi về ghế chủ tọa của mình. Tại đây, ngài làm dấu Thánh giá và chào cộng đoàn bằng một trong 3 công thức lời chào được in trong Sách Lễ Rôma. Sau lời chào này, chủ tế tùy nghi nói một ít lời dẫn nhập trước khi vào nghi thức thống hối. Chính trong lời dẫn nhập này, chủ tế có thể mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho những người xin lễ với chỉ vài ba ý nguyện cụ thể mà thôi. Thời điểm này chỉ thích hợp để nêu Loại ý lễ thứ hai;
4] Thứ ba, trong phần Lời nguyện Tín hữu.
 Thông thường có 4 ý nguyện trong phần Lời nguyện Tín hữu. Sau ý nguyện thứ IV, có thể thêm một ý nguyện cuối cùng để nêu ra những ý lễ của người xin cầu cho người sống và người chết, trong đó có thể nêu cả danh tánh một vài tín hữu đã qua đời theo ý chỉ tương ứng với bổng lễ vị tư tế đã nhận (Loại ý lễ thứ hai). Nếu Loại ý lễ thứ nhất  chỉ có một vài, thì cũng có thể xướng đọc tại thời điềm này luôn.
Tất cả những phương cách trên đây đều được khuyến khích. Thiết nghĩ rằng chúng là một giải pháp tốt cũng như đã quá đủ để cho những người xin lễ cũng như cộng đoàn được biết và hiệp thông cầu nguyện cùng với chủ tế. Cách này còn giúp một số tư tế, theo ý nghĩ chủ quan của các ngài, thoát khỏi e sợ không có người xin lễ nữa.
Còn việc đưa các ý lễ vào giữa Kinh Tạ Ơnmà tiếng chuyên môn gọi là Memento(tức là tưởng nhớ đến và cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ chết) là một vấn đề cần phải làm rõ.
NÊU MỘT LOẠT Ý LỄ GIỮA KINH NGUYỆN THÁNH THỂ???
Trong nghi thức Đông phương, phần Memento nằm bên ngoài Kinh Tạ Ơn, còn bên Tây phương, Memento nằm trong Kinh Tạ Ơn dù rằng chỉ xuất hiện mãi sau này vì như Josef Jungmann cho biết, đến đầu thế kỷ V, một số những phần như Communicantes, Hanc igitur,Memento etiam và Nobis quoque vẫn chưa thấy xuất hiện trong Lễ quy Roma.[v] Cũng theo tác giả Josef Jungmann, kinh tưởng niệm người chết (Memento etiam) có lẽ đã được thêm vào dưới thời Đức Gregôriô Cả (590-604). Thật ra, hồi đầu thế kỷ VIII, người ta vẫn không thấy Memento etiam trong cuốn Sacramentarium Gregorianum (vẫn được gọi là cuốn Hadrianum) ngoại trừ trong những tài liệu khác như cuốn Sách lễ Bobbio (Ái Nhĩ Lan).[vi] Như vậy, không phải mọi cử hành Thánh Thể của Giáo Hội thưở đầu đều có Lời nguyện cho các tín hữu đã qua đời, nhưng nay, đây là một phần thông thường trong các Kinh Tạ Ơn. Các Anaphora đã phát triển việc cầu nguyện cho người sống nhiều hơn.
Tuy nhiên, Memento không đồng nghĩa với đọc hàng loạt ý lễ cụ thể. Thực hành đọc hàng loạt ý lễ cụ thể chen vào trong Kinh Tạ Ơnnhư xuất hiện đây đó tại Việt Nam có thể nảy sinh do những nguyên nhân sau:
- Thứ nhất, hiểu sai Bản vănchữ đỏ của Nghi thức Thánh lễ;
- Thứ hai, có thể do ảnh hưởng của Thánh lễ "đọc" hay Thánh lễ "thing lặng" và Thánh lễ của tư tế từ thời Trung cổ mà trong đó Thánh lễ trở thành cử hành của vị linh mục hơn là hành vi của toàn thể cộng đoàn Dân Chúa. Dân chúng trở thành những quan sát viên hơn là người tham dự Phụng vụ. Hậu quả là, một mặt, dân chúng tập trung hướng đến thống hối, đến ý lễ cá nhân, đến cầu nguyện cho những người thân yêu đã qua đời nhiều hơn...nhằm giảm thiểu thời gian bị trừng phạt nơi luyện ngục trong tương lai; mặt khác, những ngày trong tuần, lễ cầu hồn hầu như lấn át các Thánh lễ khác, Thánh lễ "áo đen" hàng ngày đã trở nên quá quen thuộc đối với nhiều người sống trước Công đồng Vatican II;
[vii]
- Thứ ba, không hiểu thấu đáo tinh thần cũng như ý nghĩa của Kinh Tạ Ơn nói riêng và phụng vụ Thánh lễ nói chungđến độ khi tham dự Thánh lễ, người xin lễ chỉ ngóng đợi trong phần Kinh Tạ Ơn liệu vị tư tế có đọc tên "linh hồn" người thân của mình hay không.

Ý lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời:
Không phải Kinh Tạ Ơn nào cũng có phần dành riêng để tư tế có thể thêm vào ý nguyện cầu cho người quá cố cụ thể. Điều này phản ánh ý định của Giáo Hội là nếu vị tư tế sử dụng thay đổi 13 mẫu Kinh Tạ Ơn được nêu ra trong Sách lễ Roma[viii]. Chắc hẳn, ngài sẽ không có cách chi để ngày nào cũng chen vào Kinh Tạ Ơn ý lễ cầu cho những người đã ly trần. Sách lễ chỉ có sẵn các Bản văn hay công thức để có thể nêu cụ thể tên của những tín hữu đã qua đời trong một số Kinh Tạ Ơn, chẳng hạn như trong Kinh Tạ Ơn I: "Lạy Chúa, xin cũng nhớ đến (những) tôi tớ Chúa là T... (và T...) được ghi dấu đức tin, đã ra đi trước chúng con và đang nghỉ giấc bình an;"[ix] trong Kinh Tạ Ơn II: "Xin nhớ đến tôi tớ Chúa là T... mà (hôm nay) Chúa đã gọi ra khỏi đời này về với Chúa. Xin ban cho kẻ đã chết như Con Chúa, thì cũng được sống lại như Người;"[x] hay trong Kinh Tạ Ơn III: "Lạy Cha, xin nhớ đến (những) tôi tớ Cha là T., mà (hôm nay) Cha đã gọi ra khỏi đời này về với Cha. Xin ban cho kẻ đã chết như Con Cha, thì cũng được sống lại như Người, khi Người cho xác kẻ chết sống lại từ bụi đất và cho thân xác mọn hèn chúng con trở nên giống thân xác sáng láng của Người"..
[xi].
Tuy nhiên, ngoại trừ trong Kinh Tạ Ơn I, lời cầu này không phải được soạn ra để đọc hàng ngày hay đọc trong bất cứ Thánh lễ nào có người xin lễ cầu cho thân nhân của họ đã qua đời như nhiều người và có lẽ ngay cả nhiều vị tư tế vẫn lầm tưởng. Chữ đỏ của Nghi thức Thánh lễ chỉ rõ: chúng chỉ được sử dụng (trích nguyên văn) "trong Thánh lễ cầu cho người đã qua đời, có thể thêm"[xii](Kinh Tạ Ơn II); "Khi dùng Kinh Tạ Ơn này (Kinh Tạ Ơn III)trong lễ cầu cho người đã qua đời, có thể thay thế như sau."[xiii] Điều này có nghĩa là, phần chọn lựa đó chỉ được dành riêng trong Thánh lễ cầu cho người quá cố mà thôi - như lễ An táng hay Giỗ đầu - những dịp tưởng nhớ đặc biệt và ý nghĩa, đến độ, nếu không vì lý do bậc lễ phụng vụ, chủ tế sẽ sử dụng ngay Bản văn hay Bài lễ "Cầu cho các tin hữu đã qua đời" ....
[xiv]Với Bản văn hay Bài lễ như thế, chúng ta sẽ thấy một dòng chảy suốt từ đầu cho đến cuối Thánh lễ. Chẳng hạn, nếu dùng Bài lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời (ví dụ Bản văn lễ An táng ngoài mùa Phục sinh A sau đây), ngay từ Lời nguyện Nhập lễ, chủ tế đã đọc cụ thể danh tánh: "Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chỉ có Chúa mới thắng nổi sự chết và ban cho chúng con sự sống muôn đời. (Hôm nay) OBACE. T. là người tín hữu Chúa....". Qua Lời nguyện Tiến lễ cũng vậy, chủ tế cầu xin: "Lạy Chúa, chúng con dâng những lễ vật này để cầu cho OBACE Tđược hưởng ơn cứu độ...". Cho nên, khi tới phần Kinh Tạ Ơn, chủ tế thoải mái chọn đọc: "Xin nhớ đến tôi tớ Chúa là T... mà (hôm nay) Chúa đã gọi ra khỏi đời này về với Chúa. Xin ban cho kẻ đã chết như Con Chúa, thì cũng được sống lại như Người" mà không sợ lạc ra khỏi dòng chảy. Cho tới Lời nguyện Hiệp lễ, dòng chảy vẫn tiếp tục hướng đến việc cầu cho người quá cố: "Ước chi nhờ bí tich này, người anh (chị) em tín hữu chúng con là T... được vào Nước Chúa dự tiệc vui muôn đời". Trong trường hợp này, quá lắm vị tư tế chỉ có thể chen vào các Lời nguyện Nhập lễ, Lời nguyện Tiến lễ, Lời nguyện Hiệp lễ và tất nhiên giữa Kinh Tạ Ơn một hay hai tên của tín hữu qua đời mà thôi (Loại ý lễ thứ hai). Việc đọc một loạt tên các linh hồn đã không được phụng vụ đặt ra vì sẽ làm cho các Lời Nguyện (Nhập lễ, Tiến lễ, Hiệp lễ) kéo dài lê thê. Nhất là, nếu xướng một lô y lễ cầu cho cả người sống lẫn người chết xen giữa Kinh Tạ Ơnsẽ làm cho lời kinh long trọng này bị loãng rakhi tỉ lệ dành cho phần cầu cho người quá cố áp đảo những phần khác quan trọng hơn rất nhiều. Mục tiêu của phụng vụ nói chung hay của Thánh lễ nói riêng là: tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa con người, cho nên đừng có ý nghĩ và thực hành đến độ làm cho Thánh lễ ra như chỉ lo tập trung vào chuyện cầu cho những người đã qua đời mà thôi.
Nếu cử hành Thánh lễ với Bài lễ không phải "Cầu cho người đã qua đời", ví dụ: Bài lễ "Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời"; Bài lễ "Chúa Nhật các tuần mùa Thường niên"; Bài lễ "Chúa Nhật Thứ I, II, III, IV mùa Vọng"; Bài lễ "Chúa Giáng sinh"; Bài lễ "Tuần Bát Nhật Giáng sinh"; Bài lễ "Chúa Nhật I, II, III, IV, V mùa Chay", Bài lễ "Chúa Nhật I,II, III, IV, V, VI, VII mùa Phục sinh"..., vị tư tế nên chọn những cách thức nêu các ý lễ như đã trình bày ở trên. Ngài cần tránh chen vào giữa Kinh Tạ Ơn (trừ Kinh tạ Ơn I) công thức cầu cho người quá cố cụ thể, nhất là không nên tranh thủ lúc này đọc một lô tên các linh hồn như được nhiều nơi và nhiều linh mục thực hành thường xuyên vì sẽ làm ngắt quãng dòng chảy của buổi cử hành phụng vụ Thánh Thể hôm ấy. Hơn nữa, hầu như mọi Kinh Tạ Ơn đều cầu cho hết thảy những người đã ly trần rồi:
             "Lạy Chúa, chúng con xin CHúa thương ban cho các tín hữu ấy, và tất cả mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã an nghỉ trong Đức Kito6, được vào nơi hạnh phúc sáng láng và bình an" (Kinh Tạ Ơn I).
            "Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng Tôn Nhân Chúa" (Kinh Tạ Ơn II).
             "Xin Cha thương đến anh chị em chúng con đã ly trần, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã sống đẹp lòng Cha mà nay đã lìa thế. Xin thương nhận hết thảy vào Nước Cha, nơi chúng con hy vọng sẽ tới để cùng nhau tận hưởng ving quang Cha muôn đời, nhờ Đức Kito, Chúa chúng con, nhờ Người, Cha rộng ban mọi ơn lành cho thế gian." (Kinh Tạ Ơn III).
           "Xin Chúa cũng nhớ đến những người đã qua đời trong bình an của Đức Kito, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con, cùng tất cả mọi người quá cố mà chỉ một mình Chúa biết lòng tin của họ."(Kinh Tạ Ơn IV)


Chính vì vậy, Giáo Hội khuyên rằng: ".....chỉ nên cử hành lễ cầu cho những người qua đời cách chừng mực, vì bất cứ Thánh lễ nào cũng được dâng cầu cho kẻ sống và người quá cố, và kinh Tạ Ơn luôn nhớ đến các kẻ qua đời."[xv]Giáo Hội cũng mong ước các tín hữu tránh rơi vào một cách nhìn quá đậm khuynh hướng tư hữu hoặc tư lợi về Thánh lễ dâng để cầu cho người quá cố "riêng" của họ.[xvi] Thực sự, việc cầu cho kẻ chết luôn luôn là cử hành của toàn thể Giáo Hội và nhắm xin cho những anh chị em này thuộc mọi thời và mọi nơi được tham dự vào vinh quang của Chúa Kitô Phục sinh chứ không đơn thuần là vấn đề tương quan với người chết xét như họ là những người thân thuộc của gia đình, họ hàng hay bạn bè của mình.
[xvii]
* Các ý lễ khác (Cầu cho người còn sống):
Ở trong Kinh Tạ Ơn I, có phần Cầu cho người sống (Memento, Domine) được phép nêu danh cụ thể:
Lạy Chúa, xin nhớ đến (những) tôi tớ của Chúa là T... (và T...) và mọi người đang sum họp nơi đây: mà Chúa biết rõ lòng tin kính và sùng mộ. Chúng con dâng thay hoặc chính họ dâng lên Chúa hy lễ ca tụng này cầu cho mình và cho mọi người thân thuộc: hầu linh hồn được cứu chuộc, thân xác được an lành mạnh khoẻ như lòng mong ước: Như vậy, họ được tôn vinh Chúa là Thiên Chúa thật, hằng hữu và hằng sống.[xviii]
Lời kinh này cầu cho những người vị chủ tế có ý muốn cầu nguyện bằng cách xướng danh họ cách công khai như được thánh Giêrônimô đề cập ( 420): người ta có thói quen xướng danh những tín hữu được nhắc nhở đặc biệt, chẳng hạn, các người bảo trợ tân tòng, người dâng tiền lễ, ân nhân xứ đạo. Sau này, nhằm nhấn mạnh, Alcuin còn thêm cụm từ "vì họ mà chúng con dâng tiến". Do vậy mới xảy ra hai khả năng được nêu ra luôn: nếu họ vắng mặt, vị tư tế sẽ "dâng thay" cho họ; còn nếu họ hiện diện, "chính họ dâng lên Chúa hy lễ ca tụng".
[xix]
Còn trong những Kinh Tạ Ơn khác, vì đã có phần cầu cho người còn sống nói chung, cho nên vị tư tế không được tùy tiện nêu ra "một lô" ý lễ cầu cho người sống chen ngay giữa Kinh Tạ Ơn vì chữ đỏ của Nghi thức Thánh lễ chỉ cho phép "Trong Thánh lễ có nghi thức riêng, có thể thêm ý cầu nguyện đặc biệt ở chỗ này." Điều đó có nghĩa là vị tư tế chỉ thêm vào giữa Kinh Tạ Ơn ở đây những công thức Giáo Hội đã soạn sẵn khi cử hành Thánh lễ với nghi thức riêng mà thôi, chẳng hạn như: Thánh lễKhấn dòng, Truyền chức, Hôn phối...
[xx]

Tóm lại, chỉ khi cử hành Thánh lễ với Bản văn hay Bài lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, vị tư tế mới sử dụng công thức có sẵn ngay trong Kinh Tạ Ơn. Đang khi đọc Kinh Tạ Ơn, vị tư tế không thêm bất cứ một ý nguyện nào khác chỉ trừ những lời nguyện đã được Giáo Hội soạn sẵn để dùng trong Thánh lễ với nghi thức riêng. Các ý lễ, thậm chí một loạt tên những người quá cố, có thể được đăng trong tờ thông tin giáo xứ hay nêu ra vào thời điểm thích hợp như: trước Thánh lễ, lúc đầu lễ và trongLời nguyện Tín hữu để cùng với chủ tế, mọi người tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho họ. Tốt nhất, ý lễ nên được xướng lên trong Lời nguyện Tín hữuhoặc / và trước Thánh lễ. Ngoài ra, vị tư tế không nên tự tiện chen vào giữa Kinh Tạ Ơn một loạt ý lễ cầu cho người sống hay một lô tên các anh chị em tín hữu đã qua đời khi không đọc theo Bản văn hay Bài lễ thích hợp. 
 
 
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
 

[i]Giáo luật 901.
[ii]Ibid., 945#1; 948.
[iii]Ibid., 954.
[iv]Ban ngày 22 tháng Giêng năm 1991,  AAS 83 (1991) 443-446, BCL Newsletter 27 (1991).
[v]Jungmann, sj, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development, vol. 1 2, trans.Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951),1:55.
[vi]Ibid., 2:260-261.
[vii]Joanne M. Pierce - Richard Rutherford, "Mass and Prayers for Various Circumstances and Masses for the Dead" trong Edward Foley(ed), A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Minnesota: A Pueblo, The Liturgical Press, 2001), 441.
[viii]Kinh nguyện Thánh Thể I, II, III, IV; 3 Kinh nguyện Thánh Thể trong Thánh lễ Thiếu Nhi (mẫu I; II; III); 2 Kinh nguyện Thánh Thể Hòa Giải (mẫu I và II); 4 Kinh nguyện Thánh Thể cho các nhu cầu khác nhau (mẫu I, II, III, IV).
[ix]Ordo Missae 95.
[x] Ibid., 105.
[xi] Ibid.,115.
[xii]Ibid., 105.
[xiii]Ibid., 115.
[xiv]Xc. Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma 381.
[xv] Xc. Ibid., 355.
[xvi]Hội đồng Giám mục Việt Nam - Ủy ban Văn hóa, Hướng dẫn về Lòng Đạo đức Bình dân và Phụng vụ(2001), số 255.
[xvii]Joyce Ann Zimmerman, "The Choice of the Mass and Its Parts", trong Edward Foley(ed),A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal(Minnesota: A Pueblo,The Liturgical Press, 2001), 411.
[xviii]Ordo Missae 85.
[xix]Paul Turner, The Supper of the Lamb(Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 73.
[xx] Xc. Sách Nghi lễ Giám mục 516; 541; 561; 593; 610; 765; 786;  Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma 15.

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:39