Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Bài giảng CN 22 TN A - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:

Con Đường Khổ Giá (Mt 16,21-27)
Văn sĩ Công giáo người Anh, tên là Gilbert Chesterten, trong cuốn tiểu thuyết mang tựa đề: “Bầu Trời Và Thập Giá”, đã kể câu chuyện sau đây:
“Tôi biết có một người thù ghét thập giá. Ông ta tìm mọi cách để triệt hạ cho bằng được. Bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật có hình thập giá ông đều bị xé nát. Ngay cả cây thập giá bằng vàng ở cổ vợ ông, ông cũng tìm cách để giựt đứt và liệng đi. Ông bảo rằng thập giá là biểu tượng của sự dã man, hoàn toàn đối nghịch với niềm vui, với cuộc sống.      
Một ngày kia, không còn chịu đựng nổi hình ảnh của thập giá nữa, ông đã leo lên tháp chuông nhà thờ giáo xứ, đập gẫy thập giá và liệng xuống. Sự thù hằn đối với thập giá không mấy chốc đã làm ông điên loạn.
Rồi một buổi chiều mùa hè nóng bức, ông đứng tựa lưng vào một ban công, miệng phì phà khói thuốc. Bỗng chốc, ông thấy nguyên cả chiếc ban công gỗ biến thành một dãy thập giá. Rồi trước mặt ông, đàng sau ông nơi nào cũng có thập giá. Hoa cả mắt, ông cầm gậy đập phá tất cả những cây thập giá ấy. Vào trong nhà, bất cứ vật gì làm bằng gỗ cũng được ông nhìn thấy với hình thù thập giá. Không thể dùng gậy mà đập nữa, ông ta đành phải dùng lửa để tiêu hủy.
Thế là ngọn lửa bốc cháy thiêu rụi toàn bộ căn nhà. Ngày hôm sau, người ta tìm thấy xác ông trôi lềnh bềnh trên sông”.
Trong Tin Mừng hôm nay sau khi Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ cuộc tử nạn thập giá của Ngài, và Ngài mời gọi: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. “Bỏ mình, vác thập giá mà đi theo Thầy”là những yếu tố làm nên cuộc sống của người môn đệ Chúa Giêsu. Những điều kiện Chúa Giêsu đề ra cho các môn đệ cũng là những điều kiện được đề ra cho chúng ta hôm nay: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.
Thập giá mình đó là thập giá của một kiếp người,
Thập giá mình tức là thập giá khi chúng ta bị chống đối và hiểu lầm,
Thập giá mình tức là thập giá khi chúng ta bị sự bỏ rơi và phản bội,
Thập giá mình tức là thập giá khi chúng ta bị thất bại và oan ức,
Thập giá mình tức là thập giá khi chúng ta bị nhục nhã và cô đơn.
Thập giá là tất cả những gì chúng ta ước mong mà không đạt được.
Thập giá là tất cả những gì chúng ta không mong muốn mà nó cứ lù lù xông
vào cuộc đời chúng ta.
Tóm lại, thập giá là tất cả những gì xảy đến với chúng ta mà chúng ta không
muốn chấp nhận.
Cũng như nhân vật trong câu chuyện trên, nếu chúng ta không chấp nhận thập giá, thì chúng ta sẽ tiêu diệt chính cuộc đời chúng ta, vì chính những thập giá làm nên cuộc đời chúng ta. Chúng ta từ chối chúng, tức là chúng ta từ chối chính cuộc sống của chúng ta.
Chính vì vậy Chúa nói với chúng ta: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”.
Theo Chúa là phải vác thập giá. Chúa không miễn trừ cho chúng ta và chúng ta cũng không thể tránh né, nên cách tốt nhất là chúng ta chấp nhận nó như có câu chuyện kể rằng:
Một hôm, đạo sĩ Makia đưa anh Intyra đến một toà nhà rộng lớn, nơi đó mỗi vị thần được dành một căn phòng riêng.
Căn phòng dừng chân đầu tiên là của vị thần Maida, bấy giờ đạo sĩ giới thiệu với Intyra: Đây là vị thần đã hứa sẽ cất hết mọi sự đau khổ khỏi thế giới con người, nhưng Intyra tắc đầu và xin được sang căn phòng khác.
Rồi đến vị thần thứ hai, đạo sĩ Makia giới thiệu: Đây là nữ thần Jupia giúp con người tránh được đau khổ, nhưng Intyra ra hiệu cho đạo sĩ cùng đi nơi khác.
Cuối cùng hai người đến trước một vị đang bị treo trên thập tự và đạo sĩ chậm rãi trả lời: "Đây là Đức Giêsu Kitô ". Với chút xúc động lộ trên gương mặt, Intyra xin đạo sĩ chỉ thêm để có thể làm môn đệ của người bị treo trên thập tự. Đạo sĩ Makia ngạc nhiên hỏi: "Này anh, anh làm tôi thắc mắc, hai vị thần anh gặp lúc đầu, một vị thì cất đi sự đau khổ, còn một vị thì giúp tránh khỏi đau khổ, nhưng anh lại không thích vị nào cả. Thế thì tại sao anh lại thích và muốn làm đồ đệ của một vị chịu chết cách nhục nhã trên thập tự như vậy?”
Intyra giải thích: Hứa làm mất đi sự đau khổ trên trần gian này là lời hứa không tưởng, người ta không thể cất đi được những đau khổ trên trần gian này, và dạy con người tránh sự đau khổ là dạy con người sống kiếp người hèn nhát. Dù tránh né, thì người ta cũng chẳng thể nào tránh né hết đau khổ, vì tránh được đau khổ này thì lại gặp một đau khổ khác. Chính vì vậy Chúa nói với chúng ta: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”. Theo Chúa là phải vác thập giá. Chúa không miễn trừ cho chúng ta và chúng ta cũng không thể tránh né, cho nên tốt nhất là đón nhận nó. Amen.

Posted By Đỗ Lộc Sơn18:29

Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân: Một tình yêu đúng nghĩa

Filled under:


Một tình yêu đúng nghĩa là một tình yêu xuất phát từ con tim, chứ không phải của những phân tích toán học. Yêu ai là cảm thấy con tim mình bị lôi cuốn về phía người đó, một cách huyền nhiệm đến nỗi không thể diễn tả được bằng bất cứ ngôn từ nào. Chứ chẳng ai ngồi đó lấy các chỉ số, rồi cân đo đong đếm bằng các công thức rồi xác định yêu hay là không. Yêu là tiếng nói của con tim. Nó không cần lý do để yêu, cũng không cần đúng thời đúng buổi để yêu. Yêu là yêu, thế thôi. Chỉ đơn giản là muốn gần nhau, muốn chuyện trò với nhau, muốn được quan tâm, muốn được hỏi han, muốn người ta biết là mình đang quan tâm đến họ, hay đang giận họ… Hơn hết, đó là cảm giác thấy cần nhau đến độ không thể sống mà thiếu nhau. Nó mạnh mẽ hơn tất cả các loại tình khác. Mất đi người đó rồi, cũng hệt như mình mất đi cả sức sống vậy. Bởi vậy, nếu thật sự không thấy có một chút lôi cuốn gì, không hề cảm thấy nhớ nhung, người đó có như thế nào cũng chẳng ảnh hưởng gì đến mình… thì cần phải coi lại. Có vẻ như ta đang nhầm tưởng là mình đang yêu!
Một tình yêu đích thực thì không có chỗ cho những tính toán. Không có chuyện phải đáp ứng điều kiện rồi mới yêu. Càng không có chuyện yêu mà trao đổi như kiểu mua bán. Tình yêu là vô giá, không gì có thể đo lường được tình yêu. Đừng lấy nhà cửa đất đai, iphone, vàng vòng để chiếm đoạt tình yêu, vì chẳng những không thể có được nó, mà còn làm mất đi vẻ tinh tuyền vốn có của nó nữa. Tình yêu phải xuất phát từ tính vô vị lợi. Yêu ai đó thì chỉ vì chính người đó mà thôi, chứ chẳng phải vì người đó đẹp, giàu, sang, bảnh bao, phong độ, giỏi nấu nướng. Những điều này có thể là yếu tố phụ thêm, nhưng không phải là cái quyết định cho một tình yêu thuần khiết. Chỉ cần có một chút tính toán thôi, tình yêu sẽ trở nên vẩn đục, và bắt đầu nhạt phai. Khi thời gian qua đi, mọi cái bên ngoài cũng qua đi, nên nếu tình yêu đặt nền trên những điều đó thì nó cũng qua đi. Vậy nên, hãy nhớ rằng tình yêu không phải là toán học, nó không được hình thành bằng những con số hay suy lý; sự chân thành của con tim mới là liều thuốc quý của tình yêu.
Trong tình yêu, dù biết là cả hai thuộc về nhau, nhưng cũng cần phải dành cho nhau một sự tôn trọng. Người ta yêu để đong đầy cho nhau, khoả lấp chỗ trống cho nhau, chứ không phải biến nhau thành nô lệ. Dù là của nhau, nhưng mỗi người đều cần có một khoảng trời của riêng mình, với những tương quan gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, sở thích… Đừng vì sự ích kỷ của tình yêu mà kiềm kẹp người yêu như thế đó là sở hữu của riêng mình và không ai được phép động đến. Cũng đừng kiểm soát người kia như một em bé. Sự tôn trọng dành cho nhau cũng bao hàm một sự tin tưởng. Ta tin rằng nếu người kia yêu ta thật lòng thì tự khắc người đó sẽ về với mình, chẳng cần mình phải dùng biện pháp này, thủ đoạn nọ. Ta tin rằng người đó đủ lớn để biết trân trọng những gì đang có và biết cách hành xử sao cho tốt đẹp. Niềm tin đó xuất phát từ một sự hiểu biết rõ ràng và đúng đắn về nhau. Hai người yêu nhau thì hiểu nhau đến tận đường tơ kẽ tóc, biết rõ từng ý nguyện và khao khát của nhau. Bởi thế, họ luôn biết cách hành xử sao cho đối phương được cảm thấy hài lòng và mãn nguyện. Tình yêu của họ ngày thêm ấm nồng chính nhờ điều ấy.
Khi đã biết và hiểu nhau sâu đậm đến vậy, tình yêu thúc bách họ luôn biết hy sinh cho nhau, dành phần hơn cho người mình yêu mến. Trong tình yêu, không có chuyện đòi quyền lợi. Yêu là hy sinh, hy sinh hết mình mà không chờ người ta ghi nhận hay đền đáp. Không có sự sòng phẳng trong một tình yêu đúng nghĩa, rằng tôi làm cho anh thế này, anh phải trả lại tôi thế kia. Hy sinh cũng hệt như việc ta đưa củi vào lò bếp để ngọn lửa được cháy lên. Khúc củi ấy – là ta – phải chịu tiêu hao đi, chịu đau đớn, chịu thiệt thòi, nhưng ta vui lòng chấp nhận vì lợi ích chung của cả hai. Hy sinh là mất mát, nhưng lại là điều cần phải có để duy trì và thăng tiến một tình yêu. Khi người ta không biết nhường nhịn nhau nhưng luôn cố gắng giành quyền lợi cho mình, đó gọi là mua bán, chứ không phải tình yêu. Thật ra, chỉ cần ta yêu thật lòng, ta tự thấy mình phải hy sinh cho người kia mà chẳng cần ai dạy dỗ hay chỉ bảo. Đó là một lực đẩy rất tự nhiên. Đôi khi, ta lại thấy rất vui vì được hy sinh cho người đó. Cái mâu thuẫn của tình yêu là vậy. Bởi thế, nếu ta không cảm thấy mình cần phải hy sinh cho ai đó, chắc có lẽ ta chưa yêu thật lòng.
Một tình yêu khi đến độ trưởng thành thì cũng bao hàm trong đó một sự ý thức và trách nhiệm. Người ta không còn yêu theo kiểu lãng mạn của tuổi học trò, dù rằng những yếu tố ấy vẫn còn để làm tình yêu thêm hương vị. Tình yêu thời áo trắng phượng hồng phần lớn nghiêng về cảm xúc, có chút ngây thơ, hồn nhiên, với những trang giấy ghi vội dòng tỏ tình. Nhưng khi đi vào chiều sâu hơn, người ta cần phải biết mình đang làm gì, và mình phải có trách nhiệm thế nào với tình yêu. Hay nói cách khác, người ta biết nhìn đến tương lai, biết kiềm chế những xung đột và thúc bách nhục dục để vươn tới một viễn cảnh xa hơn. Tình yêu thời cắp sách tuy đẹp nhưng mong manh, thích thì yêu, không thì chia tay. Còn tình yêu ở tuổi trưởng thành phải là một quyết định chung cuộc, chứ không phải là chuyện của sở thích. Đã xác định yêu, thì phải cố gắng vun đắp cho tình yêu, xây dựng nó, tô vẽ cho nó mỗi ngày thêm mặn nồng thắm thiết. Tình yêu đó phải được định hướng để tiến tới một sự kết hiệp hoàn hảo và trọn vẹn trong hôn nhân nếu không có gì ngăn trở.
Cuối cùng, theo như ý định của Tạo Hoá, một tình yêu đúng đắn là một tình yêu giúp nhau thăng tiến. Chẳng ai yêu để rồi trở nên tệ hơn, xấu xa hơn. Một dấu chỉ cho biết ta có đang yêu hay tình yêu của ta có đúng hay không chính là: khi yêu, ta có thấy mình triển nở hơn không, thấy con người ta thanh thoát hơn không, thấy mình yêu đời hơn, phấn chấn hơn, mạnh mẽ hơn, thấy toàn bộ tiềm năng trong con người ta được bộc phát hết không. Nếu không đạt được những điều này, chắc là có một chút trục trặc nào đó mà ta cần phải xem xét hay điều chỉnh lại. Thiên Chúa dựng nên Eva chính là để giúp Adam được triển nở hơn trong sự hiện hữu của mình và ngược lại. Tình yêu thúc đẩy người ta đến với nhau, bổ túc cho nhau những gì còn khiếm khuyết, để nhờ đó mà cùng nhau lớn lên, hướng về cùng đích tuyệt đối là Thiên Chúa. Như thế, ai sống trong tình yêu cách đúng đắn thì cũng giống như cá ở trong nước, chim trên bầu trời, tha hồ vùng vẫy và thưởng ngoạn cuộc sống. Tình yêu – hôn nhân là môi trường để những ai được mời gọi sống trong đó trở nên những vị thánh giữa nhân gian.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:49

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 31/08/2017

Filled under:

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 24: 42-51)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. Nhưng các con phải biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. Vậy các con nghĩ ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để cứ đúng giờ mà phân phát lương thực cho họ? Phúc cho đầy tớ ấy, khi chủ nó đến thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người ấy lên coi sóc tất cả gia sản. Nhưng nếu đầy tớ ấy xấu, nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", rồi nó đánh đập các bạn đầy tớ, lại còn chè chén với lũ say sưa: chủ đầy tớ ấy trở về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết: ông sẽ xé xác nó ra và cho nó chung số phận với những kẻ giả hình: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

Suy niệm 1

Ngày nay, chúng ta có khuynh hướng không còn phân biệt điều gì tốt và điều gì xấu. Và người ta cũng không muốn nói đến tội, và nếu có phạm tội, thì tìm mọi lý lẽ để cắt nghĩa, hay tội được cắt nghĩa một cách khác. Thời đại hôm nay, người ta không còn quan tâm đến việc tốt và việc xấu. Điều nào phù hợp với sở thích, với ý riêng thì cho đó là tốt, còn điều gì đi ngược lại với quyền lợi vật chất thì họ cho là xấu cho dù đó là lời mời gọi của Tin Mừng. Dụ ngôn của Chúa Giêsu nhằm đến một thái độ rõ ràng dứt khoát điều phải làm và điều phải tránh.

Chúa Giêsu nói đến một người đầy tớ trung thành và khôn ngoan. Người đầy tớ chu toàn trách nhiệm được giao phó trong sự vâng phục và ngay thẳng. Và đến ngày chung cuộc, người đấy tớ đó được ông chủ là Thiên Chúa ca ngợi và thưởng công. Hình ảnh người đầy tớ này phải là khuôn mẫu cho đời sống Kitô hữu, những người đầy tớ được Chúa giao phó trách nhiệm xây dựng nước Trời. Ơn gọi người Kitô hữu chính là ân huệ.

Thế nhưng, thật đáng tiếc, phần nhiều trong chúng ta thường có não trạng: đời còn dài, cứ hưởng thụ đi đã! Việc tính sổ với ông chủ thường bị bỏ xó, lãng quên hay chối bỏ. Và người ta lo hưởng thụ đời sống một cách ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình mà không quan tâm đến tha nhân, đến đồng loại. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã cảnh cáo đối với hạng đầy tớ này, sẽ đến ngày Chúa tính sổ và họ sẽ phải trả lẽ, lúc đó thì đã muộn để hối hận.

Chúng ta phải tưởng nghĩ đến thời gian chúng ta đang sống và hãy lo trở về với con đường trung tín, công bình và tuân phục. Thiên Chúa muốn đức tin vào Chúa Kitô phải phù hợp với việc làm và cuộc sống của chúng ta. Do đó, chúng ta hãy luôn tưởng nhớ đến hình ảnh “người đầy tớ trung thành”, để chúng ta noi theo.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con luôn biết rằng, có ngày chúng con phải từ giã thế giới này, để chúng con sống khôn ngoan như người đầy tớ trung tín. Xin đổ tràn trong chúng con ân huệ của Chúa, để chúng con luôn ngợi ca tình Chúa trong việc chu tất bổn phận hằng ngày. Xin đừng để chúng con phung phí thời gian hiện tại. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


Suy niệm 2
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nói cho chúng ta về ngày của Con Người :
Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.
(c. 42)
Lời của Đức Giêsu nói về “Ngày của Con người” có thể làm cho chúng ta khiếp sợ, bởi vì Người so sánh ngày này với Trận Đại Lụt thời ông Nôe: khi đó một cách bất ngờ, cả nhân loại bị hủy diệt, đúng hơn là sự sống trên mặt đất bị hủy diệt (x. Mt 24, 37-41). Khi Thiên Chúa sáng tạo, Ngài đã tách nước ra, ở trên và ở dưới để cho sự sống phát sinh. Tuy nhiên, nước phía trên và nước phía dưới cứ chực ập lại để phá hủy sự sống; cũng vậy, khi tạo dựng trời đất, Thiên Chúa đã tách đất ra khỏi nước phía dưới, nhưng biển cả cứ muốn trào lên nuốt trửng mặt đất. Khối nước hung dữ, chính là hình ảnh của sự dữ, nói về những gì con người đã và đang làm cho con người.
Ngày tận của mọi sự cùng chắc chắn sẽ đến và làm chúng ta sợ hãi, nhưng đó lại là con đường tất yếu của sự sống mới và sáng tạo mới, như hạt lúa mì, như chính thân xác của chúng ta: sáng tạo này phải tan rã, thân xác chúng ta phải qua đi, để nhường chỗ cho trời mới đất mới và cho sự sống mới. Đó còn là cuộc Vượt Qua, từ sự chết sang sự sống, của toàn thể nhân loại và vũ trụ, theo khuôn mẫu mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ.
Hiểu như thế, cả loài người và từng người chúng ta, cùng muôn loài muôn vật được mời gọi trông chờ trong bình an và hi vọng Ngày Cánh Chung và cầu nguyện xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mau ngự đến.

  1. “Anh em hãy canh thức”
Vì thế, Đức Giê-su nhắc nhớ chúng ta: “Anh em hãy canh thức”, vì chúng ta không biết ngày nào Chúa của chúng ta sẽ đến. Ngày Chúa của chúng ta sẽ đến là ngày Quang Lâm, nghĩa là thời điểm tận cùng của thời gian và của lịch sử loài người; ngày này chắc chắn sẽ đến, vì chúng ta không sống trong vĩnh cửu, nhưng đang sống trong thời gian có thủy có chung; nhưng thời điểm tận cùng của thời gian chắc là còn lâu.
Nhưng nếu chúng ta hiểu ngày của Chúa chúng ta sẽ đến là thời điểm tận cùng, không phải của loài người, nhưng của chính mỗi người chúng ta, thì thời điểm này có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, dù chúng ta ở trong độ tuổi nào. Ai còn trẻ, thì người đó hi vọng sống được nhiều năm nữa; nhưng đâu có chắc chắn, chỉ hi vọng thôi. Hơn nữa, trong môi trường chúng ta đang sống, có quá nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe và cả tính mạng nữa.
Vì thế, lời Chúa nhắc nhớ chúng ta hãy canh thức, là đưa chúng ta trở về với sự thật của cuộc sống, đó là chúng ta phải luôn sẵn sàng, để trả lại cho Chúa sự sống của chúng ta. Đó là một sự thật hay bị quên lãng, vì chúng ta quá bận rộn, quá bận tâm và quá gắn bó với những gì trong cuộc đời này. Tuy nhiên, mọi sự không tồn tại mãi, nhưng sẽ qua đi, chúng ta cũng không tồn tại mãi, nhưng có một ngày chúng ta sẽ qua đi, và có thể qua đi bất cứ lúc nào!

  1. Bóng tối và ánh sáng
Lời của Đức Giêsu mời gọi các môn đệ “hãy coi chừng, hãy ở trong tình trạng tỉnh thức”, trong bối cảnh của Tin Mừng, chính là để chuẩn bị các môn đệ bước vào cuộc Thương Khó (x. Mt 26). Và thương khó là giờ của bóng tối, của sự dữ; nhưng đồng thời cũng là giờ của ánh sáng, giờ của sự thiện.
Thời đại chúng ta đang sống cũng có nhiều dấu chỉ nói về giờ của bóng tối: núi lửa hoạt động, những đợt sóng thần, những cơn động đất, nước từ trời trút xuống, nước từ sông biển dâng lên, gió bão hung hãn… Những gì xẩy ra trong thiên nhiên hoàn toàn khớp với những gì con người đang làm cho con người: đó là khủng bố, đó là thống trị và chiếm đoạt bằng vũ khí giết người, đó là đấu tranh cho quyền lợi của mình bằng bạo động, đó là giết hại mầm sống và chính sự sống nhân linh từ trong giai đoạn hình thành kì diệu nhất, đó là làm thiệt hại và hãm hại người khác vì lòng ham muốn, đó là dò xét và lên án, đó là cấm cản giam hãm, đó là áp đặt bằng quyền bính bất chấp ngôi vị, đó là nghi ngờ, không tin tưởng và thiếu tôn trọng người khác. Xét cho cùng, như ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, những thái độ và cách hành xử như thế, cho dù là nhân danh sự sống, nhân danh lợi ích của tập thể, nhưng thực ra là phá hủy sự sống một cách nghiệm trọng nhất, bởi lẽ đó là cách hành xử của chính Sự Dữ.
Khởi đi từ hồng ân lớn lao Chúa đã đến, Lời Chúa mời gọi chúng ta hướng đến biến cố Chúa sẽ đến. Trong thời gian chờ đợi, tất yếu chúng ta sẽ phải đối diện với bóng tối, không chỉ là bóng tối của thiên nhiên, nhưng nhất là bóng tối của sự dữ ở trong chúng ta và ở giữa chúng ta. Và chúng ta được Đức Giê-su mời gọi: “Hãy canh chừng và tỉnh thức” để có thể nhận ra Chúa hiện diện và đang đến, để sống theo Sự Thiện và Ánh Sáng và tín thác vào sức mạnh của Sự Thiện và Ánh Sáng và chính Chúa.
Và để có thể nhận ra Chúa đến và hiện diện, chúng ta được mời gọi cầu nguyện liên lỉ như chính Chúa mời gọi các môn đệ trong cuộc Thương Khó: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện” (Mt 26, 41; Mc 14, 38); cầu nguyện với Lời Chúa và cầu nguyện với ngày sống hay một giai đoạn sống của chúng ta.
  • Cầu nguyện trong những giờ dành riêng cho việc cầu nguyện.
  • Và chúng ta cũng được mời gọi sống ngày sống của chúng ta như là một lời cầu nguyện.
Nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm gặp nhiều khó khăn trong đời sống cầu nguyện hằng ngày. Không có cách nào khác, là chính chúng ta phải tự tìm ra cho riêng mình những phương cách để vượt qua khó khăn và duy trì đời sống cầu nguyện.
Có hai tâm tình có thể giúp chúng ta vượt qua khó khăn trong việc cầu nguyện: Cầu nguyện là dâng lại cho Chúa một ít thời gian của chúng ta một cách nhưng không; và cầu nguyện là lời tạ ơn và ca tụng Chúa, về “những điều cao cả” Chúa làm cho chúng ta trong cuộc đời, trong hành trình ơn gọi và trong từng ngày sống; và điều cao cả nhất là tình yêu Thiên Chúa để thể hiện đến cùng cho chúng ta nơi Đức Giê-su Ki-tô.

  1. Người đầy tớ trung tín và khôn ngoan
Và trong khi chờ đợi và canh thức, Đức Giê-su mời gọi chúng ta sống như người tôi tớ trung tín và khôn ngoan: người tôi tớ khôn ngoan là người hiểu ra rằng Chúa có thể đến bất cứ lúc nào; và vì thế, người này lúc nào cũng trung tín với Chúa, ngang qua việc khiêm tốn và kiên nhẫn “đúng giờ và đúng lúc”, thi hành sứ mạng được giao.
Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc? Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy.
(c. 45-47)
Và như thế, Chúa có thể đến bất cứ lúc nào và ban phúc cho người tôi tớ. Và lời Chúa cũng mời gọi chúng ta đừng trở thành người tôi tớ bất trung và ngu dại: đó là người tôi tớ nghĩ trong lòng một cách sai lầm rằng: còn lâu chủ ta mới về! Và vì thế, anh ta tự biến mình thành chủ nhân, chiều theo lòng ham muốn, sống một cuộc sống bạo lực, lệch lạc và bê tha.
Vậy, chúng ta được mời gọi canh thức, để chờ đợi ngày Chúa đến. Nhưng thực ra Chúa vẫn đến với chúng ta mỗi ngày trong Thánh Lễ, qua những ân huệ và biến cố của từng ngày sống. Do đó, chúng ta có thể thực tập đón Chúa đến mỗi ngày, để cho lúc Chúa thực sự đến, chúng ta không còn bị bất chợt và sợ hãi; nhưng chúng ta đón mừng Chúa đến trong niềm vui của đợi chờ, giống như niềm vui được đón mừng Chúa đến lần thứ nhất, trong đêm Giáng Sinh.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:43

ĐTC sẽ thăm Myanmar và Bangladesh

Filled under:


34’000 cảnh sát được huy động cho chuyến đi Colombia của Đức Giáo hoàng

bởi phanxicovn
Ngày 29 tháng 8-2017, báo El Tiempo loan tin Đại tướng Jorge Hernando Nieto, Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Colombia cho biết, Colombia huy động 34 000 cảnh sát và quân nhân để bảo đảm an ninh cho chuyến đi của Đức Giáo hoàng từ ngày 6 đến 10 tháng 9. Dự trù sẽ có 220 triệu khán giả xem vô tuyến truyền hình trong chuyến tông du này.
Đại tướng Nieto cũng cho biết, một phái đoàn hiến binh Vatican từ 10 đến 40 người trực tiếp lo an ninh cho Đức Giáo hoàng đã đến Colombia trước,  họ kiểm lại các quy tắc an ninh cho Đức Giáo hoàng trong suốt lộ trình ngài ở trên đất Colombia. 
Ba vòng đai an ninh chung quanh tòa sứ thần
34’000 cảnh sát và quân nhân canh gác cho chuyến đi, trong số này có 14’411 nhân viên đặc biệt canh gác các nơi có đông người qua lại ở thủ đô Bogota. Đại tướng Nieto đảm bảo: “Trong vòng một tháng, chúng tôi đã thành lập một trung tâm đặc biệt cho chuyến đi của Đức Phanxicô. Trung tâm này có nhiệm vụ canh chừng các hoạt động có thể gây đe dọa cho sự kiện. Chúng tôi quy tụ tất cả mọi khả năng có thể để giảm thiểu mọi nguy cơ, kể cả nguy cơ bị khủng bố”. Tòa sứ thần nơi ở Bogota, nơi Đức Phanxicô nghỉ lại qua đêm sẽ được 633 cảnh sát bảo vệ và gồm ba vòng đai an ninh. 
3'500 ký giả, 220 triệu khán giả
Về phần mình, ngày 29 tháng 8, Phó Tổng thống Oscar Naranjo tuyên bố trên đài truyền thanh địa phương Caracol, chuyến đi của Đức Phanxicô sẽ được 3’500 ký giả tường thuật. Vô tuyến truyền hình trực tiếp truyền các buổi lễ và các chuyến thăm của Đức Phanxicô, sẽ thu hút từ 160 đến 220 triệu khán giả. Trong số các buổi lễ lớn được chờ đợi nhiều nhất là thánh lễ ngày chúa nhật 10 tháng 9 ở Cartagena, dự trù có 300’000 tín hữu tham dự tại chỗ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nữ tu Cristina “làm cháy” sân khấu Neuchâtel, Thụy Sĩ

bởi phanxicovn

“Tôi không phải là Xơ Cristina của Vô tuyến truyền hình, ơn gọi duy nhất của tôi là làm nữ tu 100 %! Ca hát chỉ là phương tiện giúp tôi truyền đạt đức tin, làm cho người nghe biết đến Chúa, đặc biệt là các người trẻ, càng ngày họ càng xa nhà thờ”, xơ Cristina 29 tuổi, Dòng Ursula nói với báo Công giáo Thụy Sĩ.
Chiều chúa nhật 27 tháng 8, xơ được mời đến trình diễn ở Sân băng Littoral nhân kỷ niệm hai trăm năm ngày thành lập giáo xứ Đức Mẹ Lên Trời ở Neuchâtel. Xơ đã hát trước 600 khán giả, một phần ba khán giả là các người trẻ. Giữa các bài hát bằng tiếng anh, xơ chia sẻ ơn gọi của mình và hành trình đoạt giải The Voice of Italy năm 2014, giải danh tiếng này đã làm xơ nổi tiếng vượt ra ngoài biên giới nước Ý. 
“Người trẻ cần loại ngôn ngữ này …”
Linh mục Vincent Marville, người chuẩn bị lễ mừng 200 ngày thành lập giáo xứ cho biết: “Người trẻ cần loại ngôn ngữ này ... Cách đây một năm rưỡi, khi chúng tôi chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm này, chúng tôi mong muốn làm sao tổ chức một buổi lễ cho cộng đoàn địa phương, tụ họp được nhiều người nhất có thể, nhất là những người chưa bao giờ đến nhà thờ và những người ở bên ngoài nhà thờ”. Từ 8 năm nay, linh mục Vincent Marville là cha xứ “nhà thờ đỏ” như giáo dân vẫn gọi nhà thờ của họ như thế.
Cha nói tiếp: “Lúc đó nữ tu Cristina đang làm “ồn” trên các trang mạng xã hội. Cùng với ba thành viên của hội đồng giáo xứ, cha Marville đi Rôma để làm quen với nữ tu này. Lúc đó xơ đang diễn trong vở nhạc kịch Sister Act ở Nhà hát Brancaccio, Rôma. Chúng tôi gặp xơ và xơ nhan lời mời của chúng tôi .”

Nữ tu Cristina làm khán giả tại Neuchâtel, Thụy Sĩ mê hoặc
Nữ tu Cristina “không ấm đầu”
Sau thành công của The Voice of Italy 2014, các bài hát của xơ đã có hàng chục triệu người nghe, nhưng không vì thế mà xơ “ấm đầu”. Tên thật của xơ là Cristina Scuccia, xơ sinh ngày 19 tháng 8-1988 ở Comiso, bang Raguse, vùng Silice. Xơ sống ở Dòng Thánh gia Ursula, thành phố Milan. Dòng của xơ có mặt ở Ý, Ba Tây và ở đảo Corse.
“Tôi sống hai năm ở Ba Tây, từ năm 2010 đến năm 2012, trong cộng đoàn Conjunto Santo Angelo, vùng ngoại vi Sao Paulo, tôi lo cho các em đường phố trong một chương trình giáo dục và văn hóa. Đó là những năm tháng đẹp nhất đời tôi! Khi từ Ba Tây trở về, tôi khấn tạm. Tôi vào Dòng năm 2009, tôi sẽ khấn trọn trong những năm sắp tới, nhưng không trước năm 2018 …”
Khi ở tuổi vị thành niên, xơ Cristina không để ý đến tôn giáo, cô xem tôn giáo như đeo xích vào cổ
Làm thế nào xơ có được ơn gọi, tuy xơ ở trong một gia đình công giáo, nhưng ở tuổi vị thành niên, xơ không màng gì đến tôn giáo, xem tôn giáo như cái xích đeo vào cổ? Chính cuộc gặp với một hình ảnh đã đánh thức xơ, đó là hình ảnh của nữ tu Rosa Roccuzzo, nhà sáng lập Dòng Thánh Gia Ursula cách đây hơn một thế kỷ. “Như một cú sấm sét trên bầu trời thanh tịnh!” 
Một cô gái hơi “nổi loạn”
Nhìn lại thời gian trôi qua, như nhiều trẻ vị thành niên thời đó, xơ Cristina Scuccia hơi “nổi loạn”. Xơ có cảm tưởng như tôn giáo của mẹ áp đặt lên mình, xơ muốn tự do và chọn cho mình một con đường. Và xơ chọn con đường xa Giáo hội: “Tôi muốn có tự lập của tôi, có tự do của tôi, không bị luật lệ áp đặt, không tôn giáo với những chuyện cấm đoán. Tôi có bạn của tôi, tôi có người yêu. .”
Cristina có bằng kế toán nhưng xơ làm đủ việc, ngay cả làm trong một tiệm pizza. Nhưng trên hết là xơ mê hát. “Tôi có sự sáng tạo này, như thử Chúa có thể ban ơn cho chúng ta!”
“Theo lời chỉ bảo của mẹ, mẹ tôi biết các xơ Dòng Ursula đang kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập Dòng, tôi gặp bà giám đốc Học viện Ngôi sao Hồng (Star Rose Academy), một trường dạy trình diễn cho các nữ tu Dòng Ursula. Bà chọn tôi cho buổi nhạc kịch nhân kỷ niệm một trăm năm của nhà sáng lập Dòng Thánh gia, nữ tu Rosa Roccuzzo”.
Cú sấm sét trên bầu trời thanh tịnh
“Tôi do dự nhưng đó là dịp để tôi được hát, được nhảy, được trình diễn trước công chúng. Cuộc gặp với nhân vật này đã biến đổi đời tôi. Tôi cảm thấy nội tâm tôi thiếu một cái gì. Việc nhà sáng lập Rosa Roccuzzo bỏ hết tất cả để theo Chúa Kitô và giúp đỡ người khác đã làm tôi chấn động. Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện đi tu, nhưng từ lúc đó, mọi chuyện đã thay đổi trong tôi”.
Bây giờ thì xơ Cristina đã nổi tiếng. Xơ đi trình diễn ở Mỹ, ở Nhật nhưng xơ cho biết mình vẫn giữ tâm hồn thanh thản và đơn sơ. Trước khi đi sửa soạn cho buổi trình diễn, xơ cho biết: “Tôi không để ý đến sự nổi tiếng này vì đời tôi thuộc về cộng đoàn”.
Marta An Nguyễn dịch

Nếu bạn nghĩ rằng Thượng Đế đã chết, xin mời bạn đọc câu trả lời của Zygmunt Bauman

bởi phanxicovn

Nhà xã hội học danh tiếng Zygmunt Bauman giải thích vì sao triết gia Nietzsche và nhà xã hội học Peter Berger đã lầm.
“Không còn tôn giáo nữa ... Chúa đã chết”. Triết gia Nietzsche và sau đó là nhà xã hội học Peter Berger đã tuyên bố như trên, cái chết của Thiên Chúa đã trở nên lời khẳng định được phổ biến lan rộng. Và đó là lý do vì sao nhà xã hội học người Anh-Ba Lan Zygmunt Bauman đã lật ngược ý tưởng này, khởi đi từ các trích đoạn trong bản văn công bố trên Il Piccolo, ngày 15 tháng 11-2016.
Cáo phó non
“Có bao nhiêu lần chúng ta nghe con số trẻ sơ sinh được mang đến nhà thờ rửa tội bị giảm xuống không? Có đúng là con số những người đi nhà thờ xem lễ ngày chúa nhật cũng giảm không? Các con số thống kê được chọn trong mục đích chính xác hỗ trợ cho tiền đề này. Và cứ lặp đi lặp lại không ngừng trong mục đích làm cho chúng ta tin, cũng như đã xảy ra với tất cả các thành kiến khác, cho rằng đây là một khẳng định có nền tảng và đúng. Nhưng các thống kê này có làm đúng bổn phận của nó không? Có thể nó sẽ hoàn thành nghĩa vụ của mình nếu, khối lượng khổng lồ và ngày càng tăng của các sự kiện khác nói lên và chứng minh ngược lại, làm lệch hướng tất cả mọi chẩn đoán, tôn giáo vẫn tồn tại và tiếp tục có sức mạnh, có ảnh hưởng, lời tuyên bố Chúa chết là lời cáo phó quá sớm”.
Peter Berger chịu là đúng
Nhà xã hội học Zygmunt Baumann nhắc lại, ngay cả Peter Berger, một trong các nhà xã hội học lớn về tôn giáo của thế kỷ 20 cũng phải đổi ý lại với sự chẩn đoán của mình về một tôn giáo đã kiệt sức.
“Năm 1968, trên báo New York Times, ông đã tiên đoán một sự thay đổi trong bối cảnh tôn giáo, cho rằng thế kỷ 21 chỉ có thể tìm thấy “các tín hữu trong các tà phái nhỏ, nâng đỡ lẫn nhau để cự lại với một văn hóa thế tục toàn cầu”. Nhưng ba mươi năm sau, ở ngưỡng cửa của thế kỷ 21, nhà xã hội học đã phải thú nhận trong quyển sách Giải thế tục hóa của Thế giới (The Desecularization of the world, 1999): “Ý tưởng theo đó, chúng ta sống trong một thế giới thế tục là sai. Thế giới ngày nay lại mang tính cách tôn giáo mãnh liệt hơn bao giờ .” 
Sức mạnh của thành kiến
Peter Berger đổi ý lại với chẩn đoán của mình. Nhưng có bao nhiêu người sẽ làm như ông? Biết bao nhiêu lần thành kiến đã thắng thế trên thực tế của các sự việc?
Nhà xã hội học Zygmunt Bauman cảnh báo: “Thành kiến là độc đoán: những ai bám vào thành kiến, họ từ chối mọi lập luận, họ bịt tai lại với các phê phán không thuận với họ, vì họ sợ phải không còn cứng ngắt với các xác tín của họ”. 
Nietzsche đã lầm
Một nhân vật lớn mà chúng ta có thể xếp trong danh sách những người bi quan là triết gia Friedrich Nietzsche: trong tác phẩm Sự Hiểu biết Vui vẻ (Le gai savoir), một tác phẩm tiêu biểu của triết gia, ông khẳng định: “Thượng đế đã chết! Thượng đế vẫn còn chết! Và chính chúng ta đã giết Thượng đế! Làm sao chúng ta tự an ủi mình, chúng ta, những kẻ giết người của những kẻ giết người? Những gì thiêng liêng nhất, cực mạnh nhất mà thế giới nắm giữ cho đến bây giờ đã mất hết máu dưới con dao của chúng ta; Ai có thể rửa được máu này?”
Nhưng Zygmunt Bauman đã trả lời lại:
“Thượng đế vẫn còn sống, như chúng ta thấy – và chúng ta thấy rõ - qua các tôn giáo, dựa trên sự hiện diện bất diệt của mình; ngược với lời tuyên bố tự cao của tư duy hiện đại, theo đó, chúng ta là những người hoàn toàn có khả năng nắm lấy, hiểu, mô tả, đương đầu và quản lý thế giới cũng như sự hiện diện của chúng ta trên quả đất này là hoàn toàn hài hòa; và ngược với chủ ý được tuyên bố, thế giới này ở dưới quyền quản trị duy nhất của con người, trang bị bằng lý trí của nó với hai động lực: khoa học và kỹ thuật. Trái ngược với lời hứa của họ, các vũ khí này đã không trang bị cho chúng ta, là những sinh vật phải chết, trước quyền lực toàn năng – nét đặc trưng của Thiên Chúa bất tử – và lại càng ít có khả năng để đối phó với tất cả các khám phá và phát minh khủng khiếp mà họ không bao giờ đạt đến”.
Cái chết của nhân loại
Nhà xã hội học kết luận rằng, nếu Chúa phải “chết”, nói cách khác Chúa phải biệt cư ra khỏi tư tưởng chúng ta, ra khỏi cuộc sống chúng ta, không còn là điểm quy chiếu, là lời kêu gọi, và bị vào quên lãng thì cái chết này chỉ duy nhất xảy ra cùng với cái chết của nhân loại. Tại sao? Vì Chúa “tồn tại cho sự thiếu sót của chúng ta, cho sự thiếu sót của thân phận con người – theo công thức đáng nhớ của triết gia vĩ đại người Ba Lan Leszek Kolakowski – sự thiếu sót trong tư tưởng của chúng ta, sự thiếu sót trong khả năng áp dụng vào thực tế của chúng ta; sự thiếu sót mà chắc chắn nó sẽ không bao giờ vượt qua được”.
Nhà xã hội học Zygmunt Bauman nhấn mạnh: “Có những hiện tượng mà chúng ta không thể nhận thức được – chẳng hạn như sự vĩnh cửu và vô tận, hoặc tại sao và vì những gì mà chúng ta tồn tại, và tại sao có một cái gì đó chứ không phải là hư không – các hiện tượng và các chất vấn dù có các cố gắng trí tuệ phi thường nhất, chúng ta cũng không bao giờ hiểu được”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:28

5 Phút Cho Lời Chúa Ngày 31/8/2017

Filled under:

TỰA NHƯ NGƯỜI TÔI TỚ TỐT
“Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24,44)
Suy niệm: Bất ngờ là tình huống ta e ngại, ngán sợ nhất trong cuộc sống hằng ngày, đơn giản vì ta trở tay không kịp. Do đó, không lạ gì có những trung tâm dự báo thời tiết, cảnh báo sóng thần, núi lửa, động đất, để con người chuẩn bị sẵn sàng. Thế nhưng, đứng trước cái chết bất ngờ, thì không trung tâm hay máy điện toán nào có thể dự đoán trước được. Đức Giê-su dạy ta thái độ khôn ngoan là tỉnh thức. Tỉnh thức là biết rằng ta không sống mãi ở trần gian này, rằng điểm đến cuối cùng của đời ta là ở đâu. Tỉnh thức là chu toàn bổn phận hằng ngày của mình cách tốt đẹp, nghiêm chỉnh. Tỉnh thức là sử dụng năng lực Chúa ban để phục vụ con người cách quảng đại.
Mời Bạn: Ngược với thái độ tỉnh thức sẵn sàng của người tôi tớ tốt là cung cách của người tôi tớ xấu: vui chơi hơn là lo chu toàn nhiệm vụ, lạm dụng quyền lực đánh đập tôi trai tớ gái, nhậu nhẹt với bọn say sưa. Tất cả chỉ vì nghĩ rằng chủ về trễ: chủ vắng nhà, gà mọc đuôi tôm. Bạn nhận thấy mình giống loại người tôi tớ nào? Tỉnh thức sẵn sàng với việc làm tròn nhiệm vụ của một người trong gia đình, hội viên đoàn thể, giáo dân trong giáo xứ… có phải là lối sống đạo của bạn không?
Sống Lời Chúa: Tôi điều chỉnh lại cái nhìn về bổn phận: xác tín bổn phận hằng ngày của mình dù bình thường nhỏ bé đến đâu, nhưng lại là công việc quý giá, vĩ đại trước mặt Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con thái độ tỉnh thức sẵn sàng vì giờ Chúa đến đưa con về với Chúa thì hoàn toàn bất ngờ. Xin giúp con luôn nỗ lực chu toàn nhiệm vụ mỗi ngày. Amen.



Tôi Tớ Thiên Chúa: Cha Martin Valencia
(1470 - 1534)

Khi Martin chào đời thì Mỹ Châu chưa được khám phá. Khi ngài từ trần là khi Giáo Hội Công Giáo nỗ lực rao giảng phúc âm ở lục địa ấy.

Sinh trưởng ở một ngôi làng nhỏ bé ở Leon, Juan Martin de Boil gia nhập dòng Phanxicô ở Mayorga thuộc tỉnh Santiago, Tây Ban Nha. Sau khi chịu chức, ngài được bổ nhiệm về quê cũ. Vào năm 1517, khi Martin Luther nổi tiếng ở Đức, Cha Martin de Boil làm bề trên Tỉnh Dòng St. Gabrien.

Trong thời gian đệ tử, Martin thường bắt chước Thánh Phanxicô, thay đổi đời sống theo gương Đức Kitô. Nhưng ngài không nhận ra ước vọng truyền giáo đã nhen nhúm ngay từ thuở ban đầu mãi cho đến khi ngài 54 tuổi.

Vào năm 1524, theo lời yêu cầu của Hoàng Đế Charles V, Cha Martin dẫn 11 tu sĩ sang Mễ Tây Cơ, là nơi họ được gọi là "12 Tông Đồ của Mễ Tây Cơ." Tất cả các tu sĩ tiên khởi ở Mễ Tây Cơ đều rất nghèo và rất hãm mình. Thay mặt cho các người địa phương, các tu sĩ lên tiếng phản đối sự bất công của người thực dân Tây Ban Nha.

Bất kể sức khoẻ yếu kém, Cha Martin cũng đi đây đi đó khắp nơi và rao giảng đức tin cho bất cứ ai ngài gặp. Ngài từ trần trong một chuyến đi truyền giáo.

Lời Bàn
Qua bao năm, việc loan truyền Tin Mừng về Đức Giêsu được coi là một công việc hầu như dành cho linh mục và tu sĩ. Nếu quả thật công việc truyền giáo là "căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội" như lời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói, thì công việc này cũng hệ tại phần nào nơi mọi phần tử của Giáo Hội. Nhiệm vụ của Cha Martin de Valencia đã hoàn tất, còn của chúng ta thì chưa.

Lời Trích
"Mục đích đặc biệt của hoạt động truyền giáo là rao giảng Phúc Âm và vun trồng Giáo Hội nơi các dân tộc và các tổ chức mà giáo hội chưa bén rễ. Các giáo hội bản xứ trên toàn thế giới phải lớn mạnh từ hạt giống Lời Chúa, các giáo hội nào được tổ chức đầy đủ thì sẽ làm chủ sức mạnh và sự trưởng thành của chính giáo hội ấy" (Công Đồng Vatican II, Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội, #6)

Ốc Ðảo Hòa Bình

Cách Giêrusalem khoảng 30 cây số, một số người Do Thái và Ả Rập đã tình nguyện sống chung với nhau trong một ngôi làng mà người Do Thái gọi là Nevé Shalom, còn người Ả Rập thì gọi là Wahat as Salam: cả hai tiếng đều có nghĩa là "Ốc đảo hòa bình".
Năm 1978, khi mới thành lập, ngôi làng Hòa Bình này chỉ có một gia đình. Một năm sau, con số đó lên đến năm và hiện nay, có tất cả 15 gia đình vừa Do Thái vừa Ả Rập chung sống với nhau.
Người sáng lập ngôi làng này là cha Bruno Hussar, một linh mục công giáo năm nay 78 tuổi.
Ước vọng của các phụ huynh của 33 trẻ em sinh ra trong ngôi làng Hòa Bình này là thấy chúng được giáo dục chung với nhau.
Ðể bảo tồn văn hóa của mình, các gia đình trong ngôi làng Hòa Bình này cũng xây nhà theo sở thích của họ. Nhưng những căn nhà này không thuộc quyền sở hữu của họ. Tất cả đều chọn lựa sống một cuộc sống gần như tập thể: tuy trình độ khác nhau, nhưng tất cả mọi người đều đồng ý một mức lương giống nhau.
Người phụ tá của cha Bruno Hussar nói rằng: "Ngồi đồng bàn để nói chuyện với nhau thay vì giữ những thành kiến riêng, điều đó giúp thay đổi thái độ rất nhiều".
Cũng như trong tinh thần đó, từ 10 năm qua, 15 gia đình trong ngôi làng Hòa Bình này đã tổ chức được rất nhiều cuộc gặp gỡ cho giới trẻ Do Thái và Ả Rập. Người ta cũng đã nghĩ đến một nhà cầu nguyện chung, chung không những cho người Do Thái và Ả Rập, mà còn chung cho những người không tín ngưỡng nữẫ.
Thà đốt lên một ngọn nến hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tốõ. Những người dân cư trong ngôi làng Hòa Bình trên đây, hẳn đã thấy được vết dầu loang của Hòa Bình mà họ đã tung ra.
Tình yêu là điều có thể có giữa con người.
Trong phạm vi nhỏ bé của một tổ, của một khu phố, của một xóm làng, liệu những người Kitô chúng ta có thể xây dựng được một ngôi làng Hòa Bình với nhau không?...

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:10

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Cuộc trở lại chớp nhoáng: Nahed Mahmoud Metwalli, “nữ thánh Phaolô” người Ai Cập

Filled under:

Bà Nahed Mahmoud Metwalli xuất thân từ một gia đình hồi giáo người Ai Cập,trong trường nơi bà làm việc, bà bức bách các tín hữu kitô cho đến ngày bà nhận được ơn có thị kiến với Mẹ Maria, sau đó với Chúa Giêsu.
Nahed Mahmoud Metwalli thuộc một gia đình hồi giáo có thế lực, bà vô cùng thù nghịch kitô giáo và các tín hữu kitô. Bà là phó hiệu trưởng một trường nữ ở khu vực Zeitoum, không xa đền thờ nơi Đức Mẹ hiện ra trong các năm 1968-69 thuộc thủ đô Cairo, Ai Cập. Trường có 4 000 nữ sinh, bà là hình ảnh của một thái độ đặc biệt thù nghịch và cứng ngắt đối với các thiếu nữ theo kitô giáo, các học sinh và vài nhân viên của trường. Sau khi trở lại, bà thú nhận: “Tôi bức bách họ rất nặng, tôi đối xử cực kỳ nghiêm khắc với họ”. 
“Này Nahed, đã xong chưa? Đã thật sự xong chưa?”
Trong nhiều lần làm chứng, bà thú nhận: “Tôi nghĩ bổn phận của tôi là phải làm như vậy. Đó là nhờ một cô thư ký mới, một kitô hữu mà qua cách đối xử gương mẫu của cô, đã mở mắt cho ttôi. Một ngày nọ, khi đang nói chuyện với cô trong văn phòng của tôi, tôi chế giễu tượng Đức Mẹ cô đang đeo thì chúng tôi thấy Đức Mẹ hiện ra trước mắt, Mẹ mặc áo và khăn choàng màu xanh. Một thị kiến xảy ra trong một ngày khác, lần này là thị kiến chính Chúa Kitô nói với tôi: “Bình an cho con, con sẽ có một sứ mệnh và sứ mệnh này sẽ cho con biết khi thời khắc đến”.
Bà chưa bao giờ đọc Phúc Âm cũng chưa bao giờ biết người này là ai mà nói với bà, lại trông giống như Chúa Kitô mà trong một đoạn sách Khái Huyền của Thánh Gioan đã mô tả (4, 4). “Đấng mà tất cả các vị Kỳ Mục mong chờ đã đến và tiến đến ngồi trên Ngai, trong khi tất cả mọi người đều kính thờ Người”, bà Nahed kể, lúc đó bà cảm thấy có một ước muốn tuyệt đối là đi theo Đấng đang tiến về cái Ngai. Khi ngồi trên Ngai, “người này” hỏi bà ba lần: “Này Nahed, đã xong chưa? Đã thật sự xong chưa?” Con chắc không?”. Cũng giống như khi Chúa xin Thánh Phaolô: “Tại sao con bách hại Ta?”. Còn bà Nahed thì quá kinh hoàng, bà trả lời ba lần: “Dạ, thật sự chấm dứt rồi!”.
Vài ngày sau, bà mới biết người mà bà chưa bao giờ thấy này là Chúa Kitô và bà nhận ra Ngài trong một tấm hình của Khăn Thánh Turin: “Chính Ngài, nhưng còn đẹp hơn”, bà nói khi nhìn thấy bức hình.
Bây giờ là người rao giảng Chúa Kitô
“Bị trúng cú sét” của ánh sáng Thiên Chúa, bà Nahed, người đi bách hại như Thánh Phaolô trên con đường Đamát, đã ngã xuống ngựa và đã trở lại. Từ đây bà Nahed cũng trở lại theo Chúa Kitô. Thái độ hung dữ của bà đối với tín hữu kitô đã thay đổi hoàn toàn cho đến ngày bà rửa tội, ngày 30 tháng 11 năm 1988. Từ đó, người đi bách hại trở thành người bị bách hại trong xứ của mình. Bà bị đuổi khỏi trường nơi bà làm việc, bị buộc phải sống chui trên đất nước của mình, bị cấm đi ra khỏi lãnh thổ, bà xém bị bắt cóc nhiều lần và cuối cùng bà tị nạn được ở Âu châu với tên giả. Từ đây bà cống hiến đời mình để rao giảng Phúc Âm.
“Đức tin kitô đã mang đến cho tôi bình an và niềm vui không thể tả được, một niềm vui tôi chưa từng biết khi còn theo đạo hồi ( …). Kitô giáo xứng đáng là đời sống của các thiên thần. Xin Chúa mang ánh sáng của Ngài đến cho tất cả mọi người để họ biết Chân lý và Tình yêu của Ngài!”, bà làm chứng trong lời tuyên bố nổi tiếng của bà ở Hà Lan với tất cả người hồi giáo sống trong những xứ mà quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng. Lời chứng bà giải thích trong ba bức thư gởi cho “anh chị em tín hữu hồi giáo” sau khi bà trở lại, trong đó bà đề cập đến ba chủ đề: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và những người trong Kinh Coran, thân phận người phụ nữ trong đạo hồi và các lời giảng dạy về tôn giáo và đạo đức trong kinh Coran và trong Phúc Âm.
Từ cuộc trở lại của mình, bà Nahed Mahmoud Metwalli đã viết quyển sách: Cuộc gặp gỡ của tôi với Chúa Kitô.


Marta An Nguyễn dịch

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:12

Xây dựng niềm tin

Filled under:

Thế giới đang bị bao trùm bởi bầu khí nghi ngờ. Người ta tỏ ra hoài nghi về mọi thứ và đề phòng mọi tương tác trong cuộc sống. Nghi ngờ tác động xấu tới sự hướng thượng của con người và trở thành một trong những nguyên nhân gây nên xáo trộn trong cuộc sống. Sống trong sự ngờ vực, con người cảm nhận rõ sự bất an, sự đứt gãy trong các mối tương quan.
Ngày nọ đi trên đường, tôi lấy làm lạ với tấm biển đề “bán nước đá sạch”; ngạc nhiên hơn nữa với“nước mía sạch” của gánh hàng nước bên đường. Cái ngỡ ngàng đó đã là 5, 6 năm trước rồi. Khi ấy, tôi tự hỏi, tại sao lại phải ghi “nước đá sạch”? Bán “nước mía sạch” nghĩa là sao? Vậy ra, người ta đã làm đá bẩn dẫu nhìn có vẻ tinh trong; quá trình ép mía, dầu có tận mắt người mua đi chăng nữa, vẫn có gì trong đó không sạch? Đây chỉ là một trong số muôn vàn vấn đề dẫn tới sự nghi ngờ trong xã hội. Tình trạng xấu tốt khiến người ta phải củng cố lòng tin của người khác bằng cách làm những tấm biển, cái mà có vẻ rất vô lý. Nhưng giờ đây, sự lẫn lộn phổ biến đến nỗi, người ta chẳng còn quan tâm tới cái tấm biển đó có hay không. Điều đó không có nghĩa là sự tin tưởng thế chỗ ngờ vực, ngược lại, họ chẳng còn tin vào những gì người ta ghi nữa. Nhưng dẫu có nghi ngờ thì vẫn phải mua, phải dùng. Tuy vậy, người ta sử dụng trong sự nghi ngờ và bất an. Những điều thấy tận mắt, tai nghe rõ mồn một giờ đây cũng chẳng đáng tin. Điều xấu tạo nên ngờ vực. Ích kỷ tạo nên nghi ngờ.
 Sự nghi ngờ khiến người ta e ngại làm việc tốt và cổ võ những hành vi tốt. Tai hại nhất là nghi ngờ liên hệ cả đến những việc thiêng liêng tốt lành. Một việc tốt đẹp công khai, người ta có thể dễ dàng đặt vấn đề có thực sự là thế, đằng sau đó là gì. Một người trao hiến cuộc đời nâng đỡ người bất hạnh, lên tiếng thay cho những người thấp cổ bé họng, dấn thân phục vụ thế giới và con người lại bị đặt trong mối nghi ngờ về trí tuệ, về tính thực tế. Một hành động bác ái, một cử chỉ đẹp cũng bị đặt nghi vấn là đang vì một mục đích nào khác. Người ta mất đi tự do để thi hành bác ái. Thời đại này việc tốt ít đến nỗi, nếu ai đó làm việc tốt, người ta liền đặt vấn đề là có thật là thế không. Xã hội có nhiều điều giả đến mức khi nó xảy ra, nhiều khi người ta cho là quá bình thường và chẳng cần đặt vấn đề. Ích chung giờ đây lại bị ngăn cản bởi sự nghi ngờ. Người ta đòi hỏi một xã hội tốt đẹp, có thể tin được, nhưng lại ngờ vực sự hy sinh của một cá nhân có khả năng biến đổi xã hội, và sợ mình bị thiệt khi dấn thân.
Ai cũng mong muốn lòng tin được xây dựng và củng cố, nhưng lòng tin ấy lại đặt nền tảng là lợi ích cá nhân, điều này càng gây nên những xáo trộn trong cuộc sống. Người ta tin vào lợi ích cá nhân, nhóm hơn là sự liên đới với những người xung quanh. Ai đó sẽ bị gán cho là thiếu thực tế nếu xây dựng điều gì đó không đặt trên nền tảng là lợi ích cá nhân, cụ thể hóa bằng vật chất. Hệ lụy là họ chỉ nhìn nhận các mối tương quan dựa trên tiêu chí có lợi cho cá nhân. Người ta chỉ tin một người dựa trên hiệu quả công việc cho mình hay nhóm mình và sẵn sàng hy sinh con người vì sự tiến triển công việc. Điều này chỉ tạo nên sự ngờ vực lẫn nhau. Bên cạnh đó, những khoảnh khắc của sự chia sẻ và tương tác, vốn là cách xây dựng và củng cố lòng tin bị những tiêu chuẩn của công việc chi phối. Người ta dồn hết mọi quan tâm vào công việc, vào việc gầy dựng quan hệ chỉ vì lợi ích vật chất, nhưng vô tình gạt bỏ giá trị của sự liên đới thực sự. Trong khi đó, hẳn là  không có hạnh phúc nào mà lại thiếu tình liên đới. Do vậy, xây dựng mối tương quan trong gia đình, giữa bạn bè, nơi xã hội mà dựa ích riêng đơn thuần thì quả thực quá mong manh và sẽ lại đầy nghi ngờ.
Đời sống xã hội vẫn chuyển mình từng ngày. Trong đó, giá trị niềm tin là cốt lõi của đời sống chung giữa con người. Và từng ngày cần phá bỏ những hoài nghi và ngờ vực, để con người có thể gần gũi nhau hơn. Ước gì,  trong mọi thứ, người ta đặt chút niềm tin về trách nhiệm cá nhân và liên đới với người khác để dựng xây thế giới này tốt đẹp hơn.
Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J.


NHỮNG ĐIỀU MONG ƯỚC GỬI CÁC LINH MỤC

Để khi phải nói về các ngài, người ta không do dự mà bảo với nhau rằng “Đó chính là vị mục tử như lòng Chúa mong ước và như lòng dân mong đợi”, và rằng “Chúng ta không thể thiếu ngài, vì ngài đích thực là Đấng-nhân-danh-Chúa mà đến, đấng gọi là Đức Kitô khác, Alter Christus”...
NHỮNG ĐIỀU MONG ƯỚC GỬI CÁC LINH MỤC
NHỮNG ĐIỀU MONG ƯỚC GỬI CÁC LINH MỤC

1- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai...

Để khi vừa thấy các ngài, người ta nhận ra đó là người-của-Chúa và cũng là người-của-mọi-người. Thánh thiện, thân thương, khiêm nhường, dịu dàng và dễ mến...

2- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai...

Để khi gặp gỡ các ngài, ít ra người ta có thể đón nhận được một nụ cười, một cái bắt tay, một lời chào, một hỏi han...không tiết kiệm xã giao, không lạnh lùng xơ cứng, không bôi bác hời hợt...

3- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai...

Để khi được các ngài phục vụ, người ta nhận ra đó là những chứng nhân đích thực. Chứng nhân của lòng yêu thương và lòng trung tín. Chứng nhân của vâng phục, khó nghèo và khiêm hạ. Chứng nhân của Hy Tế Thập Giá và của Tin Mừng Phục Sinh...

4- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai...

Để khi chăm chú nghe bài giảng của các ngài, người ta cảm thấy “no nê” Lời Chúa, cảm thấy thỏa mãn khát vọng biết Chúa và yêu Chúa hơn, cảm thấy gia tăng niềm tin và tràn ngập nâng đỡ ủi an...

5- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai...

Để khi tham dự các bí tích do các ngài cử hành, người ta thấy sốt sắng lạ lùng vì cảm nghiệm đức tin được thể hiện sung mãn, bởi qua các ngài, đích thực có một sự hiện diện nào đó rất thánh thiêng và sống động...

6- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai...

Để mỗi khi nhìn thấy các ngài mặc chiếc áo chùng thâm – bất kỳ ở đâu và bất kỳ lúc nào có thể - người ta sẽ yên tâm và thầm vui trong lòng, người ta sẽ mừng rỡ khoe với nhau “Cha đó!”, “Đích thực là Cha rồi!”...

7- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai...

Để mỗi khi cộng tác với các ngài trong việc tông đồ, mục vụ, người ta sung sướng vì được làm việc với Chúa, cho Chúa, người ta hài lòng và nhẹ nhàng quên đi nỗi cực nhọc, vất vả vì luôn thấy mình được-đồng-hành trong phục vụ...

8- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai...
Để mỗi khi thấy các ngài điều hành công việc giáo xứ, công việc cộng đoàn, người ta có thể học hỏi được nhiều điều bổ ích, người ta có thể cảm nhận mình được “lớn” hơn lên nhờ việc liên kết các mối quan hệ, người ta có thể tự ủi an rằng mình cũng là một thành phần có ý nghĩa trong Dân Chúa...

9- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai...

Để khi thấy các ngài ra đi “đến với chiên gần xa”, người ta nghĩ ngay đến các cuộc thăm viếng mục vụ, dưới nắng trong mưa, nơi ngõ hẻm, ngoài chốn xa... Ra đi âm thầm, kín đáo, không bao bị cồng kềnh, không đón đưa rềnh ràng, để rồi sự trở về của các ngài luôn đem lại những hoa trái mới, những hồi sinh mới, những biến đổi mới...

10-Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai...

Để khi phải nói về các ngài, người ta không do dự mà bảo với nhau rằng “Đó chính là vị mục tử như lòng Chúa mong ước và như lòng dân mong đợi”, và rằng “Chúng ta không thể thiếu ngài, vì ngài đích thực là Đấng-nhân-danh-Chúa mà đến, đấng gọi là Đức Kitô khác, Alter Christus”...

------------------------------------------------------------
Aug. Trần Cao Khải

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:04