Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH A LỄ THÁNH GIA THẤT

Filled under:

Lễ Thánh Gia Thất


Mẫu Gương Của Gia Đình Na-da-rét
“Na-da-rét là trường học để ta khởi sự tìm hiểu cuộc đời của Đức Giê-su ; đó là trường học của Tin Mừng.
Tại đây, trước tiên chúng ta học quan sát, học lắng nghe, chiêm niệm và thấu hiểu ý nghĩa vừa rất sâu xa, vừa rất huyền diệu của việc Con Thiên Chúa xuất hiện cách đơn sơ, khiêm tốn và dễ thương. Có lẽ chúng ta còn phải học để âm thầm noi theo.
Tại đây, chúng ta học được phương pháp giúp ta hiểu Đức Ki-tô là ai. Tại đây, chúng ta nhận ra cần phải quan sát khung cảnh nơi Người cư ngụ giữa chúng ta : địa điểm, thời gian, phong tục, ngôn ngữ, nghi lễ tôn giáo, và tất cả những gì Đức Giê-su đã sử dụng để mặc khải chính mình cho thế gian. Tại đây, mọi sự đều lên tiếng, mọi sự đều có ý nghĩa.
Tại đây, trong trường học này, chúng ta hiểu được cần phải có một kỷ luật thiêng liêng, nếu chúng ta muốn tuân theo giáo huấn của Tin Mừng và trở nên môn đệ Đức Ki-tô.
Ôi, tôi thật lòng mong muốn trở lại làm trẻ thơ và đến học nơi ngôi trường Na-da-rét khiêm nhu nhưng cao cả này ! Tôi khao khát biết bao được ở gần bên Đức Ma-ri-a để bắt đầu học lại phải sống như thế nào và tìm hiểu các chân lý của Thiên Chúa khôn ngoan siêu việt biết bao !
Nhưng, tôi chỉ là người khách qua đường. Tôi phải để lại đây ước muốn tiếp tục được học hỏi để hiểu thấu Tin Mừng cho dù việc học hỏi đó không bao giờ được ngưng nghỉ. Tuy nhiên, tôi sẽ không rời khỏi đây mà không lượm vội lấy, như thể trộm vụng, một vài bài học vắn tắt từ Na-da-rét.
Trước hết là bài học về thinh lặng. Ước chi nơi mỗi chúng ta lại nảy sinh lòng quý trọng sự thinh lặng. Đây là điều kiện tuyệt vời và cần thiết cho tinh thần, đang khi chúng ta bị quấy nhiễu vì bao tiếng la hét, ồn ào và náo động của cuộc sống hiện đại, luôn ầm ĩ và quá căng thẳng. Ôi, ước chi sự thinh lặng của Na-da-rét dạy chúng ta biết suy đi gẫm lại, biết trở về với nội tâm, sẵn sàng đón nhận những hướng dẫn âm thầm của Thiên Chúa và lắng nghe những vị thầy chân chính dạy bảo. Ước chi sự thinh lặng đó dạy chúng ta biết sự cần thiết và giá trị của việc chuẩn bị, nghiên cứu, suy niệm, của nếp sống cá nhân và nội tâm, của lời cầu nguyện mà chỉ một mình Thiên Chúa nghe thấy trong nơi bí ẩn.
Thứ đến là bài học về đời sống gia đình. Ước chi Na-da-rét dạy cho chúng ta biết ý nghĩa của gia đình, của sự hiệp thông trong tình yêu, của vẻ đẹp khắc khổ nhưng sáng ngời, cũng như tính cách linh thánh và bất khả xâm phạm của gia đình. Ước chi Na-da-rét chỉ cho chúng ta biết rằng việc huấn luyện tại gia đình êm dịu biết dường nào, và không gì có thể thay thế được. Ước chi Na-da-rét dạy cho chúng ta biết vai trò nền tảng của gia đình trong trật tự xã hội.
Sau nữa là bài học về lao động. Ôi căn nhà Na-da-rét, ngôi nhà của người con bác thợ mộc. Hơn bất cứ nơi nào khác, tại đây chúng tôi muốn hiểu và ca tụng lề luật tuy khắt khe nhưng mang tính cứu chuộc đòi buộc con người phải lao động. Tại đây, tôi mong ước mọi người ý thức lại về sự cao cả của lao động. Tại đây, dưới mái nhà này, tôi muốn nhắc nhở rằng lao động tự nó không phải là cùng đích. Đàng khác, sự tự do và tính cao cả của lao động không hệ tại ở các giá trị kinh tế mà thôi, nhưng còn ở những giá trị hướng lao động đến cứu cánh đích thực của nó.
Sau cùng, tại đây, tôi muốn gửi lời chào đến mọi người lao động trên toàn thế giới, đồng thời muốn chỉ cho họ thấy gương mẫu vĩ đại, người anh em mang bản tính Thiên Chúa, vị ngôn sứ bênh vực những quyền lợi chính đáng của họ, đó là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.”
(Trích huấn từ của đức giáo hoàng Phao-lô VI, ngày 5-1-1964)
Sưu tầm


Suy niệm 2
     Hôm nay, Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Giáng Sinh, Giáo Hội cử hành phụng vụ tôn kính gia đình Thánh Gia Thất: Chúa Giêsu, Đức Mẹ Và thánh Giuse. Đây là dịp thuận lợi để Giáo Hội tôn vinh đời sống gia đình và mời gọi chúng ta xây dựng đời sống gia đình theo những nét đẹp của gia đình Thánh Gia Thất.

Trước hết chúng ta được mời gọi chiêm ngắm và học lấy bài học sống tuân theo ý Chúa của gia đình Thánh Gia. Được thiên thần báo mộng cho biết việc Vua Hêrôđê đang mưu toan tìm cách triệt hạ Hài Nhi Giêsu, thánh Giuse đã mau mắn đưa Mẹ Maria và và Chúa Hài Nhi trốn sang Ai Cập vào đêm khuya. Rồi khi vua Hêrôđê băng hà, Chúa lại sai sứ thần đến báo tin và mời gọi thánh Giuse đưa Mẹ Maria và Hài Nhi Giêsu về lại quê hương, thánh nhân đã làm theo lời Chúa gọi mời. Sống tuân theo ý Chúa là một chọn lựa đúng đắn giúp chúng ta có được cuộc sống hạnh phúc đích thực, giúp gia đình chúng ta có một hướng đi bình an và ổn định. Hãy noi gương thánh gia mau mắn đáp lại lời Chúa gởi trao cho chúng ta hằng ngày.

Bài học thứ hai chúng nhận thấy nơi gia đình Thánh Gia Thất chính là sự đồng cộng tác chăm lo cho đời sống gia đình, nhất là lo cho sự an toàn của Hài Nhi Giêsu. Chính cuộc chạy trốn sự săn lùng của Hêrôđê đã cho chúng ta thấy sự mạnh mẽ và can trường của Thánh Gia: bôn ba trong cuộc chạy trốn và đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống nơi đất khách quê người. Nếu không có sự đồng lòng và cảm thông, chắc chắn gia đình Thánh Gia khó vượt qua những trở ngại ấy. Đó là nét đẹp cho mỗi gia đình chúng ta ngày nay noi gương bắt chước để cùng nhau chăm lo cho gia đình, nhất là cho con cái trong sự hiệp thông chia sẻ của vợ chồng.

Lạy Chúa, xin cho mỗi gia đình chúng con biết noi gương gia đình Thánh Gia sống tín trung và thực thị điều Chúa dạy trong cuộc sống hàng ngày. Xin nâng đỡ và cứu giúp bao gia đình hôm nay đang bị thử thách và gặp khó khăn trong cuộc sống. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:26

Phút cảm nhận Tin mừng lễ Thánh gia - ngày 29-12-2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin mừng lễ Thánh gia - ngày 29-12-2019
“Ông Giuse liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập.” (Mt 2,14).
Ngày nay theo bản đồ, Ông Giuse đã đưa Đức Maria và Hài nhi Giêsu đi qua con đường hiểm trở dài gần 500 cây số xuyên qua sa mạc El-Arish để đến Ai cập. Trên đường đi, các Ngài đã gặp biết bao là trắc trở, dễ gây nên suy nghĩ thoái thác bỏ cuộc, nhất là ông Giuse. Nhưng vì tình yêu Thiên Chúa, thương bà Maria, ông Giuse đã quyết tâm gắng sức che chở cho hai mẹ con được bình an. Công lao ấy chắc chắn được Thiên Chúa chúc phúc.
Tin Mừng hôm nay cho biết: ngay từ khi mới sinh, gia đình Thánh Gia đã phải chịu vất vả do vua Hêrôđê gây nên. Ông vua này chỉ vì hoang mang dẫn đến ghen ghét mà tưởng rằng trong tương lai Hài Nhi Giêsu sẽ chiếm mất địa vị cũng như ngai vàng của mình, vì thế, ông đã tìm cách giết Đức Giêsu, khiến cha mẹ Ngài phải vất vả, lận đận dẫn Ngài đi lánh nạn bên Aicập.
Chúng con nhận thấy: Thiên Chúa hướng dẫn thánh Giuse qua những dấu chỉ (Có thể là trong giấc mơ) thánh Giuse thi hành cùng với Mẹ Maria và Đức Giêsu. Như vậy; Một gia đình thánh xuất hiện nơi người cùng khổ, đã làm trọn vẹn Thánh ý Thiên Chúa nơi gia đình biết vâng phục, khiêm nhường và chịu đựng.
Mừng lễ Thánh Gia, Giáo Hội mời gọi chúng con là thành viên trong các gia đình, biết noi theo gương sáng của Gia Đình Thánh Gia, vì các Ngài là khuôn mẫu tuyệt vời cho cho các bậc cha mẹ cũng như con cái noi gương.
Lạy Thánh Gia Nazareth, xin các Ngài bầu cử và ban ơn cho chúng con là các gia đình trẻ, để chúng con biết sống trung thành với nhau. Xin cho các bậc cha mẹ biết ý thức trách nhiệm giáo dục con cái và cho con cái biết vâng phục, yêu mến cha mẹ. Xin cho ý Chúa được thể hiện. Amen.

Thánh Thomas Becket

Thomas Becket of Canterbury  (1117-1170)
Là một người kiên quyết dù đôi lúc có dao động, nhưng sau đó biết rằng không thể hòa giải với tội lỗi, ngài trở nên một giáo sĩ hăng say, bị tử đạo và được tuyên xưng là thánh — đó là cuộc đời Thánh Thomas Becket, Tổng Giám Mục của Canterbury.
Thánh Thomas sinh ngày 21 tháng 12 năm 1118 tại Luân Đôn, Nước Anh. Ngài theo học ở cả hai trường đại học Luân Đôn và Ba lê. Sau cái chết của người cha, gia đình ngài bị khánh tận, và Đức Tổng Giám Mục Canterbury, là người đã từng sai ngài đến Rôma một vài lần, đã cấp dưỡng cho ngài theo học giáo luật.
Trong khi làm tổng phó tế cho giáo phận Canterbury, vào lúc 36 tuổi ngài được Vua Henry II, là bạn của ngài, chọn làm thủ tướng Anh, là nhân vật quyền thế thứ nhì trong nước, chỉ sau vua. Ngài nổi tiếng vì lối sống xa hoa và phung phí, nhưng khi Vua Henry chọn ngài làm giám mục chính tòa Canterbury thì cuộc đời ngài thay đổi hoàn toàn.
Năm 1162, ngài được thụ phong linh mục chỉ một ngày trước khi được tấn phong giám mục. Ngài quyết liệt thay đổi đời sống bằng sự khổ hạnh. Không bao lâu, ngài đụng độ với vua về vấn đề quyền lợi của Giáo Hội và hàng giáo sĩ.
Vua Henry nhất quyết nắm lấy quyền điều khiển Giáo Hội. Có khi, vì cố giữ hòa khí, Đức tổng giám mục Thomas phải nhượng bộ. Ngài tạm thời chấp nhận Hiến Chương Clarendon, không cho phép giáo sĩ được xét xử bởi một toà án của Giáo Hội và ngăn cản họ không được trực tiếp kháng án lên Rôma. Nhưng sau cùng Đức tổng giám mục Thomas tẩy chay Hiến Chương này, ngài trốn sang Pháp và sống ở đó trong bảy năm.
Khi trở về Anh ngài biết mình sẽ chết. Vì ngài từ chối không miễn tội cho các giám mục được vua sủng ái, vua Henry đã tức giận kêu lên, “Không có ai đưa tên giáo sĩ rắc rối này khuất mắt ta hay sao!” Bốn hiệp sĩ đã thể hiện lời nguyện ước của vua, và đã hạ sát Đức tổng giám mục Thomas ngay dưới chân bàn thờ trong lúc ngài đang dâng lễ ngày 29 tháng 12 năm 1170. Ngài được chôn cất trong vương cung thánh đường Canterbury.
Chỉ trong vòng ba năm sau, Đức Giáo Hoàng Alexandre III ngày 21 tháng 2 năm 1173 tôn phong Ngài là Thánh Giám Mục tử đạo và ngôi mộ của ngài trở nên nơi hành hương. Chính Vua Henry II đã ăn năn sám hối tại ngôi mộ Thánh Thomas Becket, nhưng người kế vị vua là Henry VIII đã chiếm đoạt ngôi mộ ấy và tẩu tán các thánh tích của ngài. Tuy nhiên, Đức Thomas Becket vẫn là một thánh nhân anh hùng trong lịch sử  Giáo Hội Nước Anh cho đến ngày nay.

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:08

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2019

Niềm vui đức tin - Cựu Thủ tướng Khiêm

Filled under:

Cựu Thủ tướng Khiêm: Niềm vui đức tin

533
“Lạy Chúa, dù qua thung lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.” (TV 23:4).

Từ khi lãnh nhận bí tích rửa tội để trở thành con cái Chúa cách đây hơn một năm, ông Trần Thiện Khiêm, nguyên Thủ tướng VNCH, bây giờ trở nên khác trước. Ông nói, cảm nghiệm “Thiên Chúa ở cùng” làm ông luôn cảm thấy an tâm, thư thái và vui vẻ.
Trước đây, mặc dù đang an dưỡng tuổi già, ông vẫn hay cảm thấy căng thẳng, tâm hồn nặng trĩu những lo lắng, ưu tư. Anh Bá, người cháu gọi ông bằng chú, nói rằng, từ khi theo đạo, ông vui vẻ hẳn lên, điều gì ông cũng nói “Chúa sẽ lo liệu”. 
Lịch sinh hoạt mỗi ngày của ông bây giờ cũng khác. Mỗi sáng sớm ông bắt đầu một ngày với làm dấu thánh giá và đọc những câu kinh quen, kinh Lạy Cha, kinh Sáng Danh, kinh về Đức Mẹ, và suy niệm. Mỗi tối ông cũng làm như vậy. Vào mỗi Chúa Nhật, vì sức khỏe kém không thể đến nhà thờ, ông dự lễ qua màn ảnh Tivi.
Ông nói, “Đức tin tôi còn yếu kém, nhưng tôi cảm nhận được Thiên Chúa thứ tha, được Ngài gánh mọi tội lỗi của mình, được Ngài thương cứu mình, và không để mình hư mất”. Với tư tưởng Thiên Chúa hiện diện nơi mình, ông sẵn sàng để Chúa dẫn dắt và quên đi chính mình: “Khi thấy Chúa vì mình mà khổ đau, tôi cũng học chấp nhận những hiểu lầm và tổn thương nên cảm thấy nhẹ lòng.”
Năm ngoái, khi đang nằm điều trị tại dưỡng đường Mission De La Casa, San Jose của Bác Sĩ Ngãi, do bị gãy xương chân, ông Khiêm hỏi chị Mai, một người thân quen giúp chăm sóc ông, “Chị có biết ông linh mục nào ở gần đây không, tôi muốn gặp?” Lúc ấy, thấy cha Justin Lê Trung Tướng đang viếng thăm cụ thân sinh của cha dưỡng bệnh ở phòng bên cạnh, chị Mai liền mời đến gặp ông Khiêm.
Hai người nói chuyện với nhau, và khi ông Khiêm ngỏ lời muốn theo đạo, cha chỉ hỏi ông một số điều cần tin trong Kinh Tin Kính, rồi sắp xếp lễ rửa tội cho ông. Thông thường, một người muốn theo đạo, họ cần được hướng dẫn giáo lý một thời gian, nhưng với ông Khiêm, đức tin dường như đã chín mùi, cha thấy không cần phải qua các thủ tục thông thường.
Trong bài giảng thánh lễ, cha nói, “Bản thân cụ chưa là tín hữu Công Giáo nhưng đã xác tín là con cái Chúa. Bây giờ, trở nên tín hữu là dịp để tạ ơn Chúa. Cụ xác tín Chúa yêu thương và sắp xếp mọi việc tốt đẹp theo thánh ý Ngài… Được rửa tội là được sinh ra trong ơn nghĩa Chúa hôm nay và mãi mãi. Chọn Chúa là xin Chúa dẫn đến quê trời với sự sống đời đời.”
Ông Khiêm sinh ngày 15/12/1925 tại Châu Thành, Long An, năm nay 94 tuổi. Với phép rửa tội, ngày 25/3/2018 là ngày sinh nhật mới của ông, được sinh ra trong đức tin. Ông nói, ông theo đạo là do ý muốn của mình, không có gì ràng buộc hoặc ai thúc ép gì cả.
Ông kể, lúc còn niên thiếu 9, 10 tuổi, sống ở xóm đạo nhà thờ Huyện Sĩ, Sài Gòn, ông sinh hoạt với các bạn cùng trang lứa trong đoàn Hùng Tâm Dũng Chí, rồi được học trường đạo nên hiểu biết ít nhiều câu kinh và lẽ đạo. Khi lớn lên ở trong quân đội, nhiều bạn Mỹ vẫn hay gọi ông là “Catholic Khiêm”, ông cũng chẳng đính chính, “vì thấy mình cũng như là người có đạo, mặc dầu chưa được rửa tội”.
Trong gia đình dòng tộc của ông đã có nhiều người theo đạo, gồm cả cô em gái, những đứa cháu, người anh em họ là cụ Nguyễn Văn Huyền, Chủ tịch Thượng Viện VNCH… Nhưng khi ông muốn chính thức là tín hữu Công Giáo, con đường dẫn đến đức tin cũng không khỏi gập ghềnh.
Cách đây năm năm, qua sự sắp xếp của Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình và vài người bạn trong Phong Trào Cursillo Việt Nam San Jose, ông đã gặp và trò chuyện lâu giờ với Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, một người ông có mối đồng cảm sâu đậm. Cuộc gặp gỡ nhằm trao đổi nhiều vấn đề, và họ không quên nói đến vấn đề tâm linh. Sau cuộc gặp tại San Jose nầy, ý định chịu phép rửa tội càng thôi thúc ông. Từ đó, các bạn chuẩn bị các bước cho ông vào đạo, và ông ước mong được dịp Đức Cha Hợp ban phép rửa tội cho.
Nhưng Chúa có kế hoạch của Ngài. Khi trở về nhà tại San Diego, ông đã bị té và việc học đạo để lãnh nhận bí tích bị gián đoạn.
Những ngày đầu năm dương lịch 2018, sau khi sức khỏe được phục hồi, ông lại lên San Jose gặp gỡ bạn bè và tham dự một buổi tiệc của đồng hương Miền Nam. Sau buổi tiệc, ông lại bị té, và phải vào bệnh viện để chữa trị. Sau khi vết thương thuyên giảm, ông được đưa vào tĩnh dưỡng ở dưỡng đường của Bác sĩ Ngãi. Ông nói, lúc nầy cảm thấy buồn, cô đơn và cũng là lúc mà tia sáng đức tin hiện đến, tâm hồn ước mong vươn ra xa cái hạn hẹn của cuộc sống hằng ngày.
Khi chọn tên thánh rửa tội, ông phân vân giữa thánh Phêrô và Phaolô, là hai vị đều có tội với Chúa, một ông chối Chúa, một ông bắt đạo Chúa, nhưng họ đều thay đổi, trở nên là những môn đệ mến Chúa hết lòng; cuối cùng, ông chọn tên thánh Phaolô, một người ngoại giáo, nhưng vì tình thương, Chúa đã quật ngã ông.
Hồi tưởng lại quá khứ, ông nói, người ảnh hưởng sâu xa trong việc theo đạo của ông là Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Ông bị lưu vong, tưởng không còn ngày về, nhưng rồi được Tổng Thống Thiệu mời về nước; và người hay tới thăm và an ủi là Đức cha Thuận. Chính thái độ và tấm lòng bao dung của Đức cha Thuận đã làm ông hết sức cảm động và nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa hiện diện.
Theo đạo, ông cảm thấy mình không hết khó khăn và thử thách, nhưng không thấy cô đơn. Ngoài việc đọc kinh mỗi ngày, ông còn đọc Thánh Kinh, nghe nhạc đạo, theo dõi các diễn biến thời sự, trò chuyện với bạn bè.  Ông còn quen thêm các bạn mới trong đạo. Gặp gỡ bạn bè giúp ông tìm thấy niềm vui mỗi ngày.
Ông nói, “Thật cảm động, sau khi tôi theo đạo vài tháng, Đức cha Hợp sang Hoa Kỳ thăm tôi. Tôi cũng có dịp gặp lại Cha Tướng, người đã ban phép rửa tội cho tôi, gặp các cha và nhiều người bạn ở San Jose”. Với ân sủng đức tin, ông thấy không còn ước ao gì nữa, chỉ mong đến ngày được về với Chúa trong an bình.
Trong nhiều bản thánh ca ưa thích, ông thích nhất bài “Năm xưa trên cây sồi”, là bài ông nghe mỗi ngày, vì những ca từ phản ảnh tâm tư của ông. Bài ca cũng nguyện cầu cho đất nước và dân tộc mà ông hằng yêu mến, “Mẹ Maria ơi, Mẹ Maria ôi, con vâng nghe Mẹ rồi, sớm chiều từ nay thống hối; Mẹ Maria ơi, Mẹ Maria ôi, xin Mẹ đoái thương nhậm lời, cho nước Việt xinh tươi, đức tin sáng ngời.”
Trần Hiếu

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:49

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2019

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN NGÀY 26-12-2019

Filled under:


Posted By Đỗ Lộc Sơn06:07

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 26-12-2019

Filled under:


LỜI CHÚA: Mt 10,17-22

Suy Niệm 1

 VINH DỰ LỚN LAO LÀ ĐƯỢC CHẾT VÌ CHÚA (Mt 10,17-22)
Xét theo góc độ con người thì khi chúng ta nghe bài Tin Mừng hôm nay, hẳn mỗi người cảm thấy buồn buồn! Buồn bởi vì niềm vui mừng, hân hoan của cả thế giới đón chào Chúa Giáng Sinh chưa hết, thì hôm nay, lời Đức Giêsu làm chúng ta không khỏi ngỡ ngàng cho những ai bước vào sứ mạng làm môn đệ của Đức Giêsu, Ngài phán: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy”.
Lời loan báo của Đức Giêsu đi ngược hẳn với các nhà lãnh đạo thế gian. Thật vậy, khi muốn chiêu mộ ai, người đời thường đưa ra những lời đường mật, an ủi, họ đưa dẫn chúng ta đi trên con đường đầy hoa thơm, và hứa hẹn những sự dễ dãi... cho người mà họ muốn chiêu dụ... Nhưng làm môn đệ của Đức Giêsu thì khác hẳn: những thử thách, đau thương và đôi khi cả chính cái chết là là những quà tặng mà người môn đệ sẽ nhận được trong cuộc đời sứ vụ của mình.
Kinh nghiệm cho thấy, trải qua biết bao thế hệ, hàng hàng, lớp lớp những môn đệ của Đức Giêsu khắp năm châu đã phải đón nhận những hệ quả tang thương đó. Tuy nhiên, những đau khổ đó không thể làm chùn chân bước của các môn đệ. Lớp này ngã xuống, lớp kia đứng lên, đến nỗi những người gây ra những tội ác đó cũng phải ngỡ ngàng và không hiểu nổi! Tuy nhiên, đối với chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta hiểu được nguyên lý đó, vì: “Hạt lúa cuộc đời phải mục nát đi thì mới sinh được nhiều bông hạt khác”; hay “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu”. Đây là nguyên lý bất hủ và trường tồn vĩnh viễn nơi những người con của Chúa. Vì thế, không ai và không có gì có thể dập tắt được tình yêu của những người “say men Giêsu”.

Hôm nay, phụng vụ Giáo Hội mừng kính lễ thánh Têphanô, ngài là một người can đảm, anh hùng hào kiệt. Chắc hẳn, thánh nhân đã cảm nghiệm được sâu xa nguyên lý của hạt lúa trong thân phận tự hủy. Bởi lẽ, sự hào hùng, can trường mới làm toát lên đặc tính của những người thuộc về Đức Kitô là: không bao giờ và không thể chấp nhận thỏa hiệp với sự dữ, sự tội. Vì thế, thánh nhân đã xuất sắc trong khi thi hành sứ vụ, bởi vì ngài được tình yêu Đức Kitô nung đốt tâm hồn. Thánh Têphanô xứng đáng lãnh nhận lời khen ngợi của Kinh Thánh: ngài là người “đầy lòng tin và đầy Thánh Thần". Quả thật, ngài đã hăng say rao giảng về Đức Giêsu, và sẵn sàng đón nhận chính cái chết để làm chứng về Đấng mà mình loan báo.
Thánh Têphanô đã thay đổi thế cuộc, vì lúc ban đầu là một phiên tòa ghê rợn với bản án tử hình khủng khiếp với trò ném đá đến chết bị cáo; cảnh náo động bao trùm phiên tòa bất chính này, nhưng bị cáo hôm nay thì khác hẳn, và chính lúc mọi người thi hành án thì ngài lại cảm thấy bình an, thanh thoát, nhẹ nhàng và tràn đầy hy vọng. Khung cảnh này đã làm đảo ngược tình thế, và cáo trạng mà người ta gán ghép cho Têphanô giờ đây lại chất vấn lương tâm họ, khiến họ cảm thấy bất an và lo sợ.
Trong xã hội ngày nay, nhiều người trong chúng ta còn ái ngại, dè dặt khi loan báo về sự thật mà Giáo Huấn của Đức Giêsu cũng như Giáo Hội mời gọi. Có khi vì cảm thấy sợ hãi, liên lụy đến tính mạng mà im hơi lặng tiếng để cho qua cầu; hoặc cũng có thể rơi vào tình trạng như đức Hồng Y Thuận đã nói: họ là những hạng người: “Sợ tiếng chửi và ăn mày tiếng khen”, nên khi không có lợi cho bản thân là họ sẵn sàng trở thành kẻ nịnh thần để cho xong chuyện...
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta can đảm, trung thành làm chứng cho Chúa dẫu có gặp phải thử thách gian truân. Noi gương thánh Têpphanô, sống chết vì sứ vụ, miễn sao sự thật được loan báo và Đức Kitô được tin nhận.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con khi mừng kỷ niệm ngày Chúa giáng trần, thì cũng hiểu được sứ vụ của Chúa trong tương lai và trách nhiệm của người môn đệ khi bước theo Chúa trên con đường đó. Amen.

Suy niệm 2
Ngay sau ngày đại lễ Giáng Sinh, Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ kính thánh Stêphanô - vị thánh tử đạo tiên khởi trong lịch sử Kitô giáo. Điều đó nhắc nhớ chúng ta rằng, con đường cứu độ của Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô không phải là một con đường trải thảm đỏ hay tràn ngập hoa hồng. Trái lại, đó là con đường khiêm hạ, hy sinh và thậm chí phải trả bằng giá máu. Chính cuộc đời, sứ vụ và cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã minh chứng cho điều đó.

Cũng vậy, cuộc đời Kitô hữu đòi buộc mỗi người chúng ta bước theo con đường Đức Kitô đã đi để có thể kín múc được tình yêu cứu độ. Chắc chắn đòi hỏi đó không phải là điều đơn giản và dễ dàng, nhưng với một niềm tin kiên trung và một tình yêu sâu sắc, người Kitô hữu sẽ vượt qua được bất kỳ những trở ngại và thử thách nào để đạt được phần thưởng mà Chúa Giêsu đã hứa: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”.

Nhìn vào đời sống đạo trong môi trường của từng gia đình hay của từng người chúng ta, đôi khi có những khó khăn làm chúng ta chùng bước, có những trở ngại làm chúng ta nản lòng, có những thử thách làm lung lạc. Hãy để cho Lời Chúa hôm nay sáng soi, dẫn bước chúng ta mạnh mẽ vượt qua tất cả và trung kiên sống làm chứng cho Tin Mừng cứu độ của Chúa trong thế giới này.

Lạy Chúa Giêsu nhân lành, nhờ lời chuyển cầu của thánh Stêphanô mà chúng con kính nhớ hôm nay, xin cho mỗi người chúng con luôn can đảm đối diện với những thử thách và gian truân trên hành trình sống đức tin. Xin giúp chúng con biết dùng cuộc đời của mình để minh chứng cho tình yêu Chúa dành cho chúng con, một tình yêu có sức mạnh biến đổi và cứu độ muôn người. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:04

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 23-12-2019

Filled under:

LỜI CHÚA: Lc 1, 57-66

Suy Niệm 1

 Thừa hưởng thánh ý Chúa
Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em, nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan”. (Lc. 1, 59-60)
Phụng vụ hôm nay giới thiệu cho chúng ta một chứng nhân khác theo hình ảnh Đức Maria, ông đã nhận được tin Thiên Chúa đoái thương, nhưng vì cứng lòng tin, ông đã bị câm.
Giờ đây ông tin lời thiên thần đã báo cho ông khi trước, dù phải trái với tục truyền về cách đặt tên cho con, Gia-ca-ri-a đã biết phải vâng theo thánh ý Chúa để đặt tên cho con là Gioan và chúc tụng Chúa. Trước sự kiện lạ đó, láng giềng bà con đã nhận ra bàn tay Thiên Chúa phù hộ.
Thường xuyên chúng ta cũng được mời gọi đón nhận thánh ý Chúa nhờ đức tin, mà chẳng biết tại sao xảy ra như vậy. Thí dụ: vợ được bài học qua cái chết của chồng hay tu sĩ khám phá ra một ơn gọi đặc biệt vượt quá sức mình. Có nhiều hoàn cảnh giúp chúng ta sống đức tin để trở nên người thừa hưởng thánh ý Thiên Chúa. Chính lúc đó người ta cảm thấy được can đảm cần có, được bình an nội tâm và nhận biết phải sống với Chúa bằng tình bạn chí thiết.
Đang sống giữa những tiếng ồn ào náo nhiệt chuẩn bị Noel, chúng ta có biết khám phá ra ý nghĩa của ngày đại lễ này không? Chúng ta có biết sống nhiệt tâm theo thánh ý Chúa hằng ngày để đón mừng Đấng Cứu thế đến không?
Dù những nghi nan như ông Gia-ca-ri-a, chúng ta biết chấp nhận ý Chúa trong đức tin, chúng ta sẽ được thừa hưởng ơn phúc của lời Chúa hứa ban như Chúa đã ban cho ông Gia-ca-ri-a.

A.N


SUY NIỆM 2
 
Hôm nay là ngày cuối cùng chúng ta sống trong tâm tình đợi chờ của Mùa Vọng, để ngày mai, chúng ta sẽ vui mừng lễ Chúa Giáng Sinh trong thánh lễ đêm. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta chú ý đến một nhân vật khá đặc biệt trong lịch sử cứu độ, đó là Gioan Tẩy Giả. Ông xuất hiện như là vị tiên tri cuối cùng để làm chiếc cầu nối giữa Cựu Ước và Tân Ước.

Trong đoạn Tin Mừng, chúng ta thấy, thánh sử Luca quan tâm rất chi tiết đến câu chuyện đặt tên cho hài nhi mới sinh. Vì lẽ, theo truyền thống Do Thái, một gia đình tư tế phải có tập truyền, tức là phải lấy tên của người cha mà đặt cho con trai mình, để tỏ dấu chứng đó là người nối dõi tông đường. Vậy mà bà Êlisabet đã nhất quyết từ chối việc lấy tên chồng để đặt cho con, nhưng thay vào đó, bà lại đặt tên cho con trẻ là Gioan. Quả nhiên, khi biết “không ai trong họ hàng bà có tên đó”, người ta liền hỏi ý kiến ông Dacaria, thì ông cũng trả lời tương tự như vợ mình. Và kỳ lạ thay, khi cả hai ông bà đều đồng lòng đặt tên cho con trẻ là Gioan, đúng theo lời thiên sứ đã báo trước, tức khắc “lưỡi ông mở ra và ông liền chúc tụng Chúa”.

Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy, mỗi khi Thiên Chúa đặt tên cho ai thì Ngài đã chuẩn bị sẵn cho người đó một sứ mạng đặc biệt rồi. Chẳng hạn như khi Ngài đổi tên Abram thành Abraham, Giacop thành Israel, Simon thành Phêrô, Saolê thành Phaolô, v.v. thì mỗi cái tên được đặt cho sẽ gắn liền với một ý nghĩa nào đó trong cuộc đời của chính các ngài.

Đối với Gioan cũng vậy. Trong tiếng Do Thái, Gioan là từ viết tắt của John-hannah, có nghĩa là quà tặng của Thiên Chúa, hoặc là Thiên Chúa thi ân. Ý nghĩa này thật đúng với hoàn cảnh của hai ông bà Dacaria và Êlisabet; bởi chưng, Gioan thật đúng là hồng ân cao quý mà Thiên Chúa đã dành cho gia đình ông bà. Qua Gioan, Thiên Chúa cất đi nỗi tủi nhục khi để cho bà sinh con trong lúc tuổi già. Nhưng đặc biệt hơn, tên Gioan còn mang ý nghĩa tiên báo về một thời kỳ mà Thiên Chúa sẽ thi ân giáng phúc cho dân Ngài. Vì thế, Gioan sau này sẽ lãnh lấy sứ mạng làm tiền hô, qua việc ông kêu gọi người ta ăn năn sám hối, chuẩn bị tâm hồn để đón chờ Đấng Cứu Thế đến.

Chúng ta tin rằng, khi một người sinh ra, Thiên Chúa đã có sẵn một sứ mạng dành cho người đó. Sứ mạng của Gioan là làm tiền hô cho Đấng Cứu Thế, và ông đã chu toàn sứ mạng đó cách tốt đẹp, cho dù có phải đánh đổi bằng cả mạng sống của mình. Cũng thế, khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, mỗi người chúng ta đã mang vào mình sứ mạng làm ngôn sứ cho Chúa. Vậy, chúng ta đã thực sự sống hết mình và hết tình để làm chứng cho Chúa chưa?

Lạy Chúa, giữa một thế giới đang ngủ mê trong sự tục hóa và trong nền văn minh hưởng thụ, biết bao linh hồn đang dần tàn úa vì đánh mất hy vọng và ý nghĩa cuộc sống, xin cho mỗi người chúng con luôn biết cậy dựa vào ơn Chúa, dám mạnh dạn đến với họ và cùng với họ thắp lên một ngọn lửa hy vọng, để cùng nhau đợi chờ ngày Chúa đến giải thoát chúng con. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:55

🌸TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 23-12-2019

Filled under:


Posted By Đỗ Lộc Sơn04:49

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019

Thiết kế cảnh Chúa giáng sinh tại nhà là mở cửa cuộc sống của chúng ta với Thiên Chúa

Filled under:

ĐGH Phanxicô: Thiết kế cảnh Chúa giáng sinh tại nhà là mở cửa cuộc sống của chúng ta với Thiên Chúa


Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến buổi triều yết chung ở Vatican rất sớm. Ngài nói đùa với nhiều khách hành hương đang đợi ngài.

Chẳng hạn, ngài trao đổi chiếc mũ trắng của mình.

Trong bài giáo lý của mình, ngài đã đề xuất một cách chuẩn bị đơn giản nhưng hiệu quả cho Lễ Giáng Sinh: Hãy thiết kế một cảnh Chúa giáng sinh.

Đức Thánh Cha Phanxicô:
“Khung cảnh Chúa giáng sinh nhắc nhở chúng ta về một điều thiết yếu: rằng Thiên Chúa không tồn tại vô hình trên thiên đàng. Thay vào đó, ngài đến thế gian. Ngài trở thành con người, một hài nhi. Thiết kế cảnh Chúa giáng sinh là kỷ niệm sự gần gũi của Thiên Chúa.”

Ngài nói rằng truyền thống này cho thấy một thái độ thiết yếu đối với các Kitô hữu. Đó là suy ngẫm những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống.

Đức thánh cha Phanxicô:
“Khi chúng ta thiết lập cảnh Chúa giáng sinh, như thể chúng ta mở cửa và nói: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy bước vào. Nó có nghĩa là làm cho cụ thể sự gần gũi này, lời mời này đến với Chúa Giêsu để đi vào cuộc sống của chúng ta. Nếu Người hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, Người được tái sinh. Vì vậy, đó mới thực sự là Giáng Sinh. Chúc mọi người Giáng sinh vui vẻ.”

Đức Thánh Cha đã chúc mọi người mà ngài chào đón một Giáng Sinh vui vẻ.

Thật bất ngờ, ban nhạc từ Tyrol đã tặng cho mọi người một giai điệu, khiến Đức Thánh Cha vui vẻ mỉm cười.

Jos. Tú Nạc, Nguyễn Minh Sơn

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:43

Hạnh các Thánh 20-12

Filled under:

Hạnh các Thánh 20-12 Thánh Đaminh Silo

Thánh Đa Minh Silô, cậu bé chăn chiên người Tây Ban Nha, sinh vào đầu thế kỷ thứ 11. Thánh nhân đã trải qua nhiều giờ chăn chiên một mình tại thung lũng của dãy núi Pyrênê. Chính tại đây, Đa Minh đã triển nở lòng yêu mến cầu nguyện. Sau đó, Đa Minh đi tu và trở nên một tu sĩ rất thánh thiện. Rồi Đa Minh được chỉ định làm Bề trên tu viện và ngài đã canh tân rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên một ngày kia, ông hoàng Garcia III xứ Navar, nước Tây Ban Nha nói rằng một số tài sản của tu viện là thuộc về ông ta. Thánh Đa Minh đã không làm theo sự đòi hỏi của ông. Ngài nghĩ rằng thật vô lý khi trao cho ông hoàng những tài sản của Giáo hội. Và quyết định của Đa Minh đã làm cho ông hoàng Garcia III rất tức giận. Ông đã ra lệnh cho Đa Minh phải rời khỏi xứ sở của ông. Tu viện trưởng Đa Minh và các tu sĩ của ngài được một ông hoàng khác, Phécđinăng I xứ Castile, chào đón. Phécđinăng nói rằng các tu sĩ có thể sử dụng một tu viện cổ, gọi là tu viện thánh Sêbastianô ở Silô. Tu viện này tọa lạc tại một nơi hẻo lánh và rất tồi tệ. Thế nhưng, với tu viện trưởng Đa Minh, chẳng bao lâu tu viện cổ đã có một bộ mặt mới. Thực sự, tu viện trưởng đã làm cho nó trở thành một trong các tu viện nổi danh nhất trong toàn cõi Tây Ban Nha.
Thánh Đa Minh Silô đã làm nhiều phép lạ chữa mọi loại bệnh tật. Nhiều năm sau khi qua đời, Đa Minh Silô đã hiện ra với một phụ nữ tên là Gioan, tức nữ chân phước Gioan Aza. Thánh nhân nói với Gioan Aza rằng Thiên Chúa sẽ ban thêm cho bà một người con nữa. Khi sự việc xảy ra, Gioan Aza đã biết ơn thánh Đa Minh Silô và đã lấy tên của thánh nhân mà đặt cho con trai mình. Người con ấy chính là thánh cả Đa Minh, đấng sáng lập hội dòng Anh Em Thuyết Giáo. Chúng ta đã mừng lễ kính ngài hôm mùng 8 tháng Tám. Thánh Đa Minh Silô về trời ngày 20 tháng Mười Hai năm 1073.
Qua cuộc sống của mình, thánh Đa Minh Silô chỉ cho chúng ta thấy rằng việc cầu nguyện cũng thiết yếu như chuyện ăn uống và hít thở vậy. Mỗi ngày, chúng ta hãy xin thánh Đa Minh Silô nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cần dành thời giờ cho Thiên Chúa.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:39

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 19-12-2019

Filled under:


LỜI CHÚA: Lc 1, 5-25

Suy Niệm 1

 Gioan Tẩy Giả Sinh Ra
Trong bài đọc I hôm nay, sách Thẩm Phán cũng kể lại việc thiên thần Chúa hiện ra với bà có chồng là Manuel thuộc chi họ Dan, và nói với bà rằng: "Ngươi son sẻ không có con, nhưng sẽ được thụ thai và sinh một con trai. Vậy ngươi hãy cẩn thận đừng uống rượu và thức có men, cũng đừng ăn món gì không thanh sạch vì ngươi sẽ thụ thai hạ sinh một con trai. Lưỡi dao cạo sẽ không chạm đến đầu nó, nó sẽ được hiến dâng cho Thiên Chúa từ thuở nhỏ và từ lòng mẹ. Chính nó sẽ bắt đầu giải phóng Israel khỏi tay người Philitinh. Bà hạ sinh một con trai và con trẻ sinh ra tên là Samson".
Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay nêu lên hai ý tưởng:
- "Không có sự gì mà Thiên Chúa không làm được". Hai người đàn bà son sẻ vợ của Zacharia và Manuel, tuổi đã già vậy mà sinh được hai người con là Gioan Tẩy Giả và Samson. Theo tục lệ Á Ðông xưa của chúng ta có nói: "Nữ thập tam, nam thập lục". Nghĩa là người nữ khoảng mười ba đến bốn mươi tuổi là cơ thể bắt đầu biến đổi để có thể chuẩn bị trở thành một người mẹ. Luật Giáo Hội xác định mười sáu tuổi, mà đa số các quốc gia chấp nhận mười tám tuổi là tuổi trưởng thành cho nữ giới để có thể kết hôn. Khả năng sinh con của người đàn bà có thể kéo dài từ đó đến quãng đời từ bốn mươi lăm đến năm mươi tuổi. Qua khỏi tuổi năm mươi thì hầu như không thể thụ thai được nữa. Lẽ dĩ nhiên phải năm mươi đến sáu mươi tuổi thì mới gọi là đã già, lại càng không thể có hy vọng sinh con cái được nữa. Hơn nữa khi nhìn vào trường hợp của Abraham, ông được mệnh danh là cha của kẻ tin. Mặc dầu Sara vợ ông đã già nhưng được thiên thần báo tin sẽ sinh một con trai trong lúc tuổi già. Abraham đã tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Ðấng mà ông tôn thờ: "Không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được".
- Muốn hiến thánh cho Thiên Chúa để lo việc phụng sự Ngài, Thiên Chúa đòi hỏi con người phải cộng tác với Người: "Ngươi hãy cẩn thận, không uống rượu và thức ăn có men, cũng đừng ăn những món gì không thanh sạch". Tất nhiên chúng ta cũng không hoàn toàn hiểu theo nghĩa đen nhưng phải hiểu theo nghĩa bóng nữa.
Mùa Vọng là mùa chuẩn bị mừng Chúa Cứu Thế đến, chúng ta không chỉ sửa soạn sạch sẽ, tô vôi, sơn quét lại ngôi thánh đường thân yêu trong Giáo Xứ, làm hang đá thật đẹp, thật lộng lẫy để Chúa Hài Nhi nằm nhưng chúng ta còn phải lo quét dọn tâm hồn, trang hoàng hang đá và làm cho ngôi thánh đường nhỏ bé xinh xinh ở trong tâm hồn chúng ta luôn sạch sẽ để như chiên bò ngày xưa thở hơi ấm áp cho Chúa nơi hang đá giá lạnh trần gian. Chúng ta hãy chuẩn bị tâm tình đón Chúa như lời thánh Gioan Tẩy Giả đã rao giảng: "Núi đồi hãy san cho bằng, hố sâu hãy lấp cho đầy, đùng quanh queo hãy uốn cho ngay thẳng và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".
Lạy Chúa, không có gì mà Chúa không làm được. Xin cho chúng con nhận biết Quyền Năng của Chúa để chúng con luôn sống trong tin yêu và hy vọng trong cuộc đời. Lạy Chúa, để dấn thân phục vụ Nước Chúa cho rộng lớn, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con luôn biết dùng tự do, thời giờ, tâm trí và tài năng riêng của mỗi người mà Chúa đã ban cho để tham dự vào việc mở mang nước Chúa mà không một đắn đo suy tính thua thiệt theo kiểu nhân loại. Amen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)



Suy niệm 2
Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố truyền tin cho ông Dacaria. Ông Dacaria là tư tế, và đã trúng thăm được vào nơi thánh của đền thờ Giêrusalem để dâng hương cho Thiên Chúa. Đang khi ông dâng hương thì thiên thần đã hiện ra đứng bên hữu hương án và nói với ông: “Này ông Dacaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan”. Như chúng ta biết, bà Elizabét - vợ ông Dacaria hiếm muộn. Đối với người Do Thái một người phụ nữ có chồng mà không có con là một nỗi nhục nhã rất lớn. Như vậy, điều sứ thần vừa xác quyết cho thấy ông Dacaria đã rất nhiều lần cầu xin có được một người con.

Điều sứ thần xác quyết: “lời cầu xin của ông bấy lâu hôm nay đã được Thiên Chúa nhận lời”, quả thật là một tin vui rất lớn không chỉ đối với ông Dacaria mà còn đối với cả gia đình và dòng tộc của ông. Thế nhưng sau khi nghe tin vui này, Dacaria đã gặng hỏi lại sứ thần: “dựa vào đâu mà tôi biết được được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã cao niên”. Câu hỏi của Dacaria cho ta có cảm giác ông không có gì vui. Ông tỏ ra nghi ngờ trước lời loan báo của sứ thần, thậm chí có vẻ như ông đang khó chịu và muốn thách thức Thiên Chúa khi nói: “dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?”. Vậy đâu là nguyên nhân khiến ông Dacaria có một tâm trạng cũng như những lời nói lạ thường đến như thế trước lời tiên báo của sứ thần?

Chúng ta thử đặt giả thiết rằng: giả sử Chúa nhận lời ban cho ông Giacaria có một đứa con ngay khi mà ông còn đang háo hức đợi chờ thì sao? Chắc chắn lúc đó ông sẽ rất vui. Có lẽ chính sự chờ đợi đã bào mòn niềm tin của ông Dacaria. Với tuổi đời mỗi ngày mỗi chất chồng trên cuộc đời của hai vợ chồng: 40, 45, 50, 55, 60… dường như đã khiến ông không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Thời gian dành cho sự kiên nhẫn nơi ông đã cạn. Niềm hy vọng nơi ông đã tắt dần theo thời gian.

Đến đây một câu hỏi lại được gợi lên: tại sao Chúa lại quá chậm trễ như vậy? Thật vậy, nếu như Chúa không chậm trễ mà nhận lời ban cho ông Giacaria có một người con ngay khi ông cầu xin, chắc chắn ông sẽ rất vui sướng. Thế nhưng niềm vui đó sẽ ngắn ngủi và chỉ dừng lại ở gia đình ông, họ hàng của ông. Và sứ mạng tiền hô cho Đấng Cứu Thế của Gioan Tiền Hô sẽ không được ứng nghiệm. Và như thế khi Đấng Cứu Thế đến, rất có thể nhiều người sẽ không đón nhận. Sứ mạng của Gioan Tiền Hô là dọn đường cho Đấng Mêssia đến.

Việc Thiên Chúa nhận lời cầu nguyện của ông Dacaria không chỉ dừng lại ở niềm vui của cá nhân ông và gia đình ông mà còn hơn thế nữa, nó còn mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho người khác, của cả nhân loại. Chính vì thế, lời đầu tiên ông nói sau khi nói trở lại được là cất lời ca tụng Chúa: Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.

Nhìn lại kinh nghiệm đức tin của Dacaria, chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ mất niềm tin vào Chúa, nhưng luôn biết kiên nhẫn để nhận ra và sống thánh ý Chúa mỗi ngày, cho dù rất nhiều khi ý Chúa muốn không giống ý chúng ta. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:50

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 18-12-2019

Filled under:


LỜI CHÚA: Mt 1, 18-24

Suy Niệm 1

 Đấng Emmanuel
Giữa lúc dân Israel đang bị lưu đầy ở Babylon, Thiên Chúa đã sai Yêrêmia loan báo một Tin mừng là Ngài sẽ ban cho họ một vị vua sẽ đưa dân lưu đầy trở lại quê hương và thiết lập một dân Israel mới. Vị vua ấy được thánh Matthêu giới thiệu là Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng tôi.

Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã ở giữa dân Ngài. Ngài đã ở với họ trong áng mây, cột lửa, Ngài đã ở nơi họ trong Hòm Bia giao ước và nơi các nhân vật đặc tuyển. Nhưng vì muốn ở với họ một cách sâu xa hơn. Ngài đã trở nên Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng tôi.
Tuy nhiên, để có thể ở giữa loài người, Ngài đã muốn có sự cộng tác của con người. Đức Maria là người đầu tiên và gương mẫu của việc thực hiện kế hoạch Emmanuel. Đứng trước kế hoạch hoàn toàn trái ngược với hoài bão và mơ ước của mình, Người đã tự xoá bỏ mình và cúi đầu vâng phục. Thánh Giuse cũng vậy, sau khi đã được giải thích cho biết về kế hoạch thần linh, Người cũng đã sẵn lòng quên mình để  cho ý định của Thiên Chúa được hoàn tất. Chính việc tự xoá mình và hoàn toàn giao phó đời mình cho Thiên Chúa đã làm cho tình yêu của các ngài sung mãn và đạt đến mức thiên giới mà không cần quan hệ giới tình.
Đấng Emmaanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng tôi vẫn đang làm cho nhân loại xoá bỏ những chia rẽ, đố kỵ, ngăn cách để được hợp nhất với nhau trong tình yêu, bởi vì, Ngài là Tình yêu, Ngài sẽ không thể tìm được nơi ở, bao lâu nhân loại còn đầy những ích kỷ, oán hận, tranh chấp.

Nhưng trên tất cả, Ngài muốn có một chỗ trong tâm hồn chúng ta. Ước gì chúng ta biết mở rộng lòng đón lấy Ngài, nên một với Ngài, nhờ đó Ngài có thể mãi mãi là Đấng Emmanuel cho ta và cho nhân loại hôm nay.


Suy niệm 2
 
Bảng gia phả của Chúa Giêsu (Mt 1,1-17) cho chúng ta thấy ba giai đoạn trong lịch sử cứu độ của nhân loại: giai đoạn loài người được dựng nên cao trọng - Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh của Thiên Chúa; giai đoạn loài người đánh mất sự cao trọng - loài người dùng ý chí tự do của mình để từ chối và loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình để nô lệ cho tội lỗi; giai đoạn loài người có thể phục hồi sự cao trọng - Thiên Chúa đã sai con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô đến để cứu con người ra khỏi vũng lầy tội lỗi.

Chúa Giêsu đến để phục hồi phẩm giá mà con người đã đánh mất do tội mà con người gây nên. Thế nhưng, con người có được phục hồi phẩm giá hay không còn phụ thuộc vào việc con người từ chối hay đón nhận Thiên Chúa qua Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay, qua hình ảnh thánh Giuse, thánh Mátthêu cho chúng ta chiêm ngắm một tấm gương trong việc đón nhận Thiên Chúa.

Bản văn truyền tin theo Tin Mừng thánh Luca được kết bằng lời xin vâng thật đẹp của Đức Maria. Qua lời xin vâng, Đức Maria đã hoàn toàn đón nhận Chúa Giêsu vào trong đời sống của Mẹ (Lc 1,26-38). Bản văn truyền tin theo Tin Mừng thánh Mátthêu mà chúng ta vừa nghe cũng kết bằng một hành động “xin vâng” của thánh Giuse để đón nhận Chúa Giêsu vào trong đời sống của mình (Mt 1,18-24).

Thật vậy, việc Đức Maria mang thai mà không phải do bởi thánh Giuse đã làm cho tâm trí của thánh Giuse lo lắng và rối bời. Tâm trí của thánh Giuse lo lắng và rối bời, vì một đằng là người công chính buộc thánh Giuse phải lên án tội lỗi mang thai mà không phải do bởi người chồng của Đức Maria. Nhưng đằng khác ngài lại không muốn tố cáo vì có lẽ không dám nghĩ xấu cho Đức Maria. Sự giằng co này dường như đã làm cho thánh Giuse kiệt sức, nhưng rồi cuối cùng cũng phải đi đến một quyết định vẹn toàn cho cả đôi đường, đó là định tâm lìa bỏ Đức Maria cách kín đáo. Điều này có nghĩa là thay vì lên án Đức Maria, rồi đuổi Đức Maria ra khỏi nhà thì thánh Giuse lại quyết định không những không lên án Đức Maria mà còn chấp nhận để Đức Maria ở lại còn mình thì âm thầm ra đi.

Khó khăn lắm thánh Giuse mới đưa ra được quyết định mà theo ngài là vẹn toàn cho cả đôi đường. Thế nhưng Thiên Chúa lại sai sứ thần hiện đến báo mộng cho biết: thánh Giuse phải đón Đức Maria về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần, cưu mang con trẻ và phải đặt tên là Giêsu. Một lời mời gọi làm đảo lộn tất cả những toan tính của thánh Giuse.

Nếu như quyết định lìa bỏ Đức Maria cách kín đáo là một quyết định thật khó khăn thì quyết định thực hiện lời sứ thần Chúa truyền là đón Đức Maria về nhà còn khó khăn hơn bội phần. Thật vậy, quyết định lìa bỏ Đức Maria cách kín đáo đòi hỏi một sự hy sinh rất lớn, nhưng dù sao quyết định này cũng được đưa ra bởi những tính toán của thánh Giuse, và thánh Giuse có thể hiểu được. Còn nếu quyết định thực hiện lời sứ thần Chúa truyền thì không những đòi hỏi gạt bỏ ý riêng mà còn phải bỏ qua sự hiểu biết. Sự hiểu biết mà hầu hết chúng ta thường dựa vào nó để đưa ra những quyết định. Thật vậy hành động xin vâng của thánh Giuse chỉ có thể thực hiện được khi tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa. Chính trong khoảnh khắc này ta mới hiểu được tại sao thánh Giuse được mệnh danh là người công chính.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết noi gương thánh Giuse trong việc tin tưởng và đón nhận chương trình của Thiên Chúa trong từng hoàn cảnh sống, để nhờ đó, chúng con cũng được chương trình của Thiên Chúa thanh luyện và giải thoát khỏi xiềng xích tội lỗi. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:01