Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật Lễ Hiển Linh năm B

Filled under:



TRẮC NGHIỆM

01. Ngày xưa chúng ta quen gọi là lễ Ba Vua vì chúng ta chú trọng vào việc các đạo sĩ đại diện cho dân ngọai đi tìm Chúa, còn lễ Hiển Linh nhằm nói lên điều gì?
a. Việc Chúa tỏ mình ra cho dân ngọai.
b. Đấng Cứu Thế hạ sinh.
c. Đấng Giải phóng Ítraen.
d. Người Do thái nhận biết Đấng Cứu Thế đã đến.

02.  Theo truyền thống, người ta đặt tên cho ba nhà chiêm tinh đã đến bài lạy Hài Nhi Giêsu là gì?
a. Melchior.
b. Gaspard.
c. Balthazar.
d. Cả a, b và c đúng.

03. Ba lễ phẩm là : vàng, trầm hương, mộc dược có ý nghĩa tượng trưng gì?
a. Vàng là biểu hiệu của vua chúa.
b. Trầm hương là biểu hiệu của thần linh.
c. Mộc dược dùng để tẩm liệm ướp xác, biểu hiệu của thân phận con người.
d. Cả a, b và c đúng.

04.  Người xưa thường dùng nhũ hương trong việc thờ phụng. Hương và khói bay lên trời biểu tượng những lời ca tụng và cầu nguyện dâng lên các thần linh. Các Kitô hữu cắt nghĩa  tặng vật nhũ hương tượng trưng cho điều gì ?
a. Những việc lành phúc đức.
b. Cho thiên tính của Đức Giêsu.
c. Ân sủng Thiên Chúa ban cho con người.
d. Phần thưởng con người mai sau sẽ nhận được.

05. Đọc bài Tin mừng hôm nay, ta thấy những người Do thái – mặc dù đã biết Đấng Cứu Thế sinh tại đâu -  lại không thèm tìm kiếm Đức Giêsu mới sinh ra. Vì sao ?
a. Vì họ từ chối  bằng thái độ lãnh đạm.
b. Vì họ từ chối  bằng thái độ chống đối.
c. Vì họ mong đợi Đấng Cứu thế đến trong uy quyền vinh quang, nên khi Ngài chọn sinh ra trong hang bò lừa, họ không nhận ra Ngài.
d. Cả a, b và c đúng.

06. Làm sao các đạo sĩ có thể quì xuống thờ lạy một Hài Nhi mới sinh nơi hang bò lừa ? Theo Thánh Kinh, đâu là dấu hiệu để các vị nhận ra Hài nhi mới sinh trong hang bò lừa là Đấng Cứu thế ?
a. Lời chỉ dẫn của vua Hêrôđê.
b. Ngôi sao lạ chỉ đường.
c. Lời hướng dẫn của các thầy tư tế.
d. Bảng hành trình.

07. Muốn gặp được Chúa, theo gương các đạo sĩ, chúng ta phải làm gì ?
a. Phải có lòng khao khát tìm gặp Chúa.
b. Phải chú ý lắng nghe, cởi mở tâm hồn và đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa muốn nói với chúng ta.
c. Phải lên đường đi tìm Chúa.
d. Cả a, b và c đúng.

III. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG

"Họ vào nhà,
thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria,
liền sấp mình thờ lạy Người."
Tin Mừng thánh Mátthêu 2,11a



Lời giải đáp
HỌC HỎI
LỄ HIỂN LINH B
Tin Mừng thánh Mátthêu 2,1-12
01. a. Việc Chúa tỏ mình ra cho dân ngọai.
02. d. Cả a, b và c đúng.
03. d. Cả a, b và c đúng.
04.  b. Cho thiên tính của Đức Giêsu.
05. d. Cả a, b và c đúng.
06. b. Ngôi sao lạ chỉ đường.
07. d. Cả a, b và c đúng.

NGUYỄN THÁI HÙNG


Ý Cầu Nguyện Tháng 01 Của Đức Thánh Cha

Ý Cầu Nguyện của Đức Giáo Hoàng cho Những Thách Đố của Nhân Loại, Tháng 01 – 2018

Truyền Giáo: Cầu nguyện cho các tôn giáo thiểu số tại Á Châu.
Xin cho các Ki-tô hữu cũng như các tôn giáo thiểu số tại Á Châu được hoàn toàn tự do sống niềm tin của mình.
Cầu nguyện:
Lạy Cha nhân ái, trong tâm tình hiệp nhất với Đức Thánh Cha và mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của ngài, con xin cầu nguyện cho các anh chị em tại Á Châu đang bước theo chân Chúa Giê-su, Con Cha. Con cũng cầu nguyện cho những anh chị em thuộc các tôn giáo khác, những người vẫn đang tìm kiếm Cha bằng con tim chân thành. Đặc biệt, con cầu nguyện cho những ai đang gặp khó khăn trong việc sống niềm tin và tự do tôn giáo của họ, và cho những tín hữu đang bị áp bức, bị khai trừ vì họ tin tưởng nơi Cha.
Xin Chúa Thánh Thần tác động con tim của các nhà lãnh đạo để họ bảo vệ và phát triển hơn nữa quyền tự do tôn giáo trên toàn thế giới.
Những thách đố thực hành trong tháng
  • Trong tháng này, tôi sẽ cố gắng học hỏi nhiều hơn về các tôn giáo thiểu số ở Châu Á, để hiểu nhiều hơn về họ cũng như tình trạng tự do tôn giáo của họ. Điều này có thể giúp tôi cầu nguyện cho ý chỉ của Đức Thánh Cha.
  • Tôi có cố gắng tìm hiểu những giá trị căn bản về xã hội, văn hóa, chính trị ngày hôm nay, mà Hội Thánh đã đề xuất chưa? Tôi có sống mạnh mẽ đức tin của tôi một cách nhất quán và chân thực, cho dù có bị hiểu lầm, bị chỉ trích hay không? Tôi có để cho bản thân bị chi phối bởi môi trường văn hóa xung quanh tôi, ở nhà tôi, ở nơi làm việc hay nơi các mối quan hệ, trong việc tự do sống đức tin của mình không? Tôi có dám nói về Chúa Giê-su, về Hội Thánh mà không sợ sệt hay xấu hổ không?
  • Tôi có những đề xuất, sáng kiến nào để áp dụng việc cầu nguyện và phản tỉnh trong cộng đoàn của tôi, và giúp mọi người hiểu rõ những cách thức mà xã hội hôm nay có thể làm giới hạn sự tự do của chúng ta trong việc rao giảng và sống như một Kitô hữu ?
        Từ nguồn: clicktopray.org 
         Bạn Đường Linh Thao biên dịch 

Thánh lễ dài hay ngắn?

“Thánh lễ hôm nay dài quá!”  Đó là câu than phiền rất dễ gặp nơi các Ki-tô hữu ngày nay. Có nhiều người thậm chí còn tìm thông tin xem ở đâu có ‘lễ ngắn’ để tham dự, tránh đi ‘lễ dài’ ở xứ nhà, dẫu rằng thời gian đi lại có khi còn dài hơn cả thời gian của thánh lễ. Đó là một thực tế đáng suy xét, bởi vì đằng sau nó là cái tâm thế tham dự Thánh lễ như một bổn phận ‘làm cho xong’, hay như một công việc ‘đến hẹn lại lên’, không hơn không kém.
Trung bình, Thánh lễ Chủ Nhật thường diễn ra trong một giờ đồng hồ. Vậy thời gian của Thánh lễ là dài hay ngắn? Thật ra, ‘dài’ và ‘ngắn’ về mặt thời gian là các khái niệm mang tính chủ quan, vì nó thuộc về tâm lý; và vì thế, trong ngữ cảnh này, người ta còn gọi nó là ‘thời gian tâm lý’. Ví dụ, đối với cặp đôi đang yêu, một giờ đồng hồ không được gặp nhau sẽ rất dài, còn một giờ đồng hồ ở bên nhau lại trở nên rất ngắn. Như thế, vấn đề Thánh lễ dài hay ngắn không hệ tại ở việc nó diễn ra trong bao lâu, cho bằng tâm thức của người tham dự nó như thế nào. Do đó, câu hỏi lúc này: làm sao để tránh được thời gian tâm lý chán nản khi tham dự Thánh lễ? Hay làm sao để có được tâm thức về thời gian phù hợp trong tham dự Thánh lễ. Câu hỏi này trước hết mời gọi chúng ta suy tư về thời gian của Thánh lễ.
Thời gian vốn là một khái niệm đặc biệt đối với con người. Bình thường, nó giúp chúng ta định vị về bản thân mình như một chủ thể, và đồng thời, nó cũng đánh dấu sự giới hạn của con người là chúng ta tồn tại và kết thúc ‘trong thời gian’. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng ta lại có cách cảm nhận về thời gian một cách đặc biệt, khác với thời gian tâm lý bình thường. Ví dụ, khi tham dự một lễ hội, hay một buổi hoà nhạc, chúng ta dường như không còn cảm nhận được sự trôi qua của thời gian nữa. Hay đúng hơn, chúng ta như đang sống trong một ‘siêu thời gian’ hay một hệ thời gian riêng của lễ hội hay của buổi hoà nhạc đó. Có thể nói, nếu có được một tâm thức phù hợp, thời gian của Thánh lễ cũng là một trường hợp tương tự như vậy. Nói như Đức Thánh Cha Benedictus XVI, Phụng vụ Thánh lễ là một thực tại thánh thiêng. Mầu nhiệm Thánh lễ là biến cố mở ra một không gian đặc biệt, trong đó ta được đưa vào để gặp gỡ, đụng chạm đến Thiên Chúa, trong sự hiệp thông cùng cộng đoàn hoàn vũ của Giáo hội và cộng đoàn các thánh; và vì thế, trong Thánh lễ, chúng ta một cách nào đó được tham dự phụng vụ trên trời.[1] Như thế, tham dự thánh lễ là tham dự vào một ‘thời gian’ riêng, mang tính thánh thiêng của Thiên Chúa. Nói cách khác, Thánh lễ là nơi sự ‘hữu hạn’ được tham dự vào vĩnh cửu-vô hạn. Vì thế, Thánh lễ là một ân huệ, một quà tặng thần linh đối với con người.
Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa rằng ‘thời gian Thánh lễ’ là một điều gì đó thuần tuý thiêng liêng một cách lý tưởng. Thánh lễ không chỉ được ‘mở ra’ bởi Thiên Chúa, mà còn có phần tham dự của con người. Nhưng trong thân phận con người, khi tham dự Thánh lễ chúng ta đâu thể hoàn toàn tách ra khỏi cái ‘thời gian tâm lý hiện sinh’ của mình với những lo âu về đời sống, những bận tâm về công việc dở dang, những băn khoăn về chuyện nọ chuyện kia, vân vân. Hẳn Thiên Chúa chẳng bị phiền lòng về sự bất khả kháng này; mà ngược lại, có lẽ chúng ta được Ngài mời gọi để tham dự Thánh lễ với trọn vẹn con người của mình, nghĩa là với cả ‘thời gian hiện sinh’ kia. Nhưng nếu tham dự với một ý thức thích hợp, chính Thánh lễ lại biến đổi cái thời gian hiện sinh đó; hay đúng hơn là ‘thời gian thánh thiêng’ của Thánh lễ mở ra để cho ‘thời gian tâm lý hiện sinh’ được hoà quyện vào. Nếu chúng ta dâng lên Thiên Chúa những nỗi bận tâm, những lo lắng, và để cho Ngài thánh hoá chúng trong Mầu nhiệm Thánh lễ, thì thay vì gây ra ‘thời gian tâm lý’ chán nản, những lo-âu-đã-được-thánh-hoá đó lại giúp ta có được một cảm thức thiêng liêng mạnh hơn trong Thánh lễ. Trong trường hợp đó, cảm nhận về thời gian của ta được thực sự hoà quyện vào ‘thời gian thánh thiêng’ của Thánh lễ. Đó quả thực là kinh nghiệm được tham dự vào sự vĩnh hằng của Thiên Chúa, Đấng đã “lôi kéo thời gian vào trong Ngài”.[2]
Bây giờ chúng ta trở lại với câu hỏi mang tính thực hành: làm sao để có được tâm thức về thời gian phù hợp thư thế trong tham dự Thánh lễ? Nói cách khác, làm sao để chúng ta có cảm thức về tính thánh thiêng và ý nghĩa của Thánh lễ như đã nói phía trên? Trước hết, chúng ta cần có một sự chuẩn bị nhất định để thật sự ‘sẵn sàng’ mỗi khi tham dự Thánh lễ. Có hai loại chuẩn bị: chuẩn bị xa và chuẩn bị gần. Chuẩn bị xa là làm những việc giúp chúng ta ý thức rằng ngày Chủ Nhật là ngày dành cho Chúa, và trung tâm của ngày đó là Thánh lễ. Ví dụ, ngày xưa, khi còn nghèo khó, vào ngày Thứ Bảy các tín hữu ở miền quê thường cắt tóc, tắm rửa thật kỹ, và giặt giũ những bộ đồ đẹp nhất, để ngày Chủ Nhật có thể ăn mặc chỉn chu nhất. Những việc làm như thế giúp chúng ta có một ‘tâm lý trông chờ’, một niềm vui được tham dự ‘Tiệc Thánh’. Chuẩn bị gần là làm những việc giúp ta ý thức rằng mình chuẩn bị tham dự mầu nhiệm Thánh lễ, chuẩn bị bước vào không gian gặp gỡ Thiên Chúa cách đặc biệt. Ví dụ, như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô gần đây kêu gọi, chúng ta nên vào nhà thờ sớm và dành ít phút thinh lặng và cầu nguyện trước Thánh lễ, xin Ngài giúp chúng ta có được tâm tình và ý thức thích hợp trong Thánh lễ, và dâng lên Ngài toàn bộ cuộc tham dự lễ của chúng ta. Trong khi tham dự Thánh lễ, ta cần có thái độ của người đang đối diện với Thiên Chúa; vì thế, cần có phong thái cơ thể thích hợp để biểu lộ sự cung kính. Ngoài hai sự chuẩn bị mang tính cá nhân trên, chúng ta cũng nên có sự chuẩn bị mang tính cộng đồng. Cụ thể, chúng ta có thể đi lễ chung với thân nhân, với những người bạn, hay với hàng xóm; đi sớm một chút để cùng tâm sự về đời sống và sau đó dâng những lời cầu nguyện cho nhau trong thánh lễ. Nếu được thì chúng ta nên tham gia một hội đoàn nay công việc chung nào đó của giáo xứ, vì điều đó giúp ta có cảm thức rằng mình thuộc về cộng đoàn và đang cùng cộng đoàn tham dự thánh lễ. Ngoài ra, thiết tưởng các linh mục cũng cần góp phần giúp cho giáo dân tránh rơi vào thời gian tâm lý nhàm chán khi tham dự Tiệc Thánh, nhất là qua cách tổ chức Thánh lễ nghiêm trang và qua nội dung bài giảng thích hợp. Cuối cùng, điều quan trọng nhất là việc xây dựng một mối liên hệ thân mật với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện và thực hành những điều Ngài dạy. Bởi vì chỉ có lòng yêu mến Thiên Chúa mới thúc đẩy chúng ta khao khát tham dự Thánh Lễ. Ước gì mọi tín hữu tham dự Thánh lễ trong niềm vui gặp gỡ Thiên Chúa cách đích thật!
Anton Trần Khắc Bá, SJ
[1] Hồng y Joseph Ratzinger – ĐGH Bênêđictô XVI, Thiên Chúa và Trần Thế, bản dịch của Phạm Hồng Lam (2000), tr. 165.
[2] Joseph Cardinal Ratzinger, The Spirit of the Liturgy, trans. John Saward (San Francisco: Ignatius Press, 2000), p. 92.