Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

BỐN NĂM TẠI VỊ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

Filled under:


Ngày 13-3-2017 là ngày kỷ niệm 4 năm Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại vị. Ngài đã qua tuổi 80 từ ngày 17-12-2016 nhưng vẫn mạnh khỏe thể chất và đầy năng lực tinh thần. Bốn năm bằng một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, qúa ngắn để thực hiện một chính sách cần thời gian, và cũng qúa đủ để tạo những điểm cá biệt đáng ghi nhớ. Dĩ nhiên không phải vị giáo hoàng nào cũng thực hiện được công trình vĩ đại như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII với Công Đồng Vatican II trong thời gian trị vì rất ngắn. Đối với thế giới bên ngoài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn nổi tiếng và gây được nhiều cảm tình vì những lời nói thẳng, bộc trực, chân thành, những quan niệm phóng khoáng, cởi mở, và những cử chỉ nhân ái, đặc biệt với những người nghèo và những thành phần bị gạt sang bên lề xã hội. Tuy nhiên, trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo, có những tiếng xầm xì, đôi khi công khai, phản đối một số biện pháp, lời nói và hành động của Đức Giáo Hoàng, cho rằng trái với văn hóa và thần học Công Giáo. Những thành phần phản biện (contestataire) này tuy là thiểu số và đều thuộc giới bảo thủ, sợ thay đổi, nhưng tiếng nói của họ cũng cần được phân giải trong tinh thần hòa thuận, thương yêu để giữ sự hiệp nhất trong Giáo Hội.
Trong 4 năm qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã để lại những dấu ấn gì?
1/ Đức Giáo Hoàng không muốn thay đổi cơ cấu Giáo Hội và giáo quyền, không muốn thay đổi văn hóa Công Giáo đã thấm nhập văn hóa của một phần nhân loại quan trọng trong hai thiên niên kỷ qua. Nếu nói cuộc cải cách của ngài là một cuộc cách mạng thì đó là “Cuộc cách mạng của sự dịu dàng” (révolution de la tendresse) như báo Le Figaro ngày 10-3-2017 đã gọi. Ngài muốn thay đổi não trạng, không thay đổi cơ cấu. Cũng cơ cấu đó, nhưng với não trạng khô cứng, ù lỳ, cơ cấu sẽ trở thành bộ máy cổ lỗ, không hồn.
2/ Đối với luật luân lý, ngài nhấn mạnh đến “Lòng Thương Xót”. Từ Thiên Chúa, Lòng Thương Xót phải lan tỏa xuống hết mọi người, bắt đầu bằng hàng giáo phẩm, để thông cảm với từng hoàn cảnh, tìm cách giúp đỡ và giải quyết cho từng trường hợp. Không thể viện Giáo Luật và truyền thống để xua đuổi một bà mẹ không chồng đến nhà thờ xin rửa tội cho con (trường hợp do chính ĐGH đưa ra). Ngài cũng cho phép các linh mục coi xứ được cứu xét từng trường hợp những người ly thân, ly dị được nhận ơn xá giải và được rước lễ. Giáo Hội không muốn từ chối một ai, không đẩy con cái Giáo Hội vào đường bế tắc. Tất cả chỉ vì Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Ngài đã triển khai và hướng dẫn vấn đề tình yêu trong Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Tình Yêu).
3/ Đối với hàng giáo phẩm, Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi các chủ chiên từ cấp cao tới cấp thấp phải thay đổi não trạng và cách sống, tránh những phô trương thời thượng, trình diễn bề ngoài, đừng rơi vào tình trạng hài kịch quyền hành, tức giáo sĩ trị, không duy trì một “Giáo Hội triều đình” như ở châu Âu thời Trung Cổ. Chính ngài đã làm gương: không mang giầy đỏ và đứng trên thảm lót trong lễ nhậm chức, không sống trong dinh giáo hoàng nhưng ở trong một apartment khiêm tốn, không đi xe limousine nhưng lựa một xe nhỏ rẻ tiền. Bản chất của Giáo Hội phải nghèo và phục vụ người nghèo. Chính ngài đã nhiều lần ăn sáng, ăn tối với những ngươi vô gia cư, thăm viếng tù nhân, rửa chân và hôn chân những người bệnh hoạn, khuyết tật. Quyền hành như thế, già cả như thế mà còn bầy tỏ lòng khiêm nhường, thương yêu, nghèo khó. Lời nói đi đôi với việc làm. Như vậy đã đủ làm gương chưa?
4/ Về phương diện địa dư chính trị (Géopolitique), Đức Giáo Hoàng Phanxicô là người châu Mỹ La Tinh (Nam Mỹ) nên tư tưởng rất thoáng và muốn ôm lấy cả địa cầu, mỗi vùng mỗi vấn đề, tùy theo hoàn cảnh địa lý và chính trị riêng. Trước hết, ngài mong muốn một địa cầu tươi đẹp với những người sống trên đó biết bảo vệ môi sinh, gìn giữ căn nhà trần thế đẹp đẽ mà Thiên Chúa đã ban cho. Tư tưởng này đã được trình bầy cụ thể trong tông huấn Laudato Si’ (Bảo Vệ Ngôi Nhà Chung). Sau đó là giải quyết bằng tình yêu thương huynh đệ những vấn đề đặc trưng của từng vùng hay giữa các quốc gia, như chống việc dựng những bức tường ngăn cách, khinh dể người nghèo, kỳ thị tôn giáo, không quan tâm giúp đỡ nạn nhân của các cuộc chiến tranh, ngăn chặn hay hạn chế việc di dân tại châu Âu và Hoa Kỳ. Đức Giáo Hoàng không can thiệp vào những vấn đề chính trị, nhưng một mục tử đại diện cho tất cả các mục tử trên thế giới mà không lên tiếng chống đối những chia rẽ, bất công, kêu gọi tình thương và sự giúp đỡ cho người nghèo, người cô thế, nạn nhân của tranh chấp, thì ai sẽ lên tiếng? Ngay Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêdictô XVI cũng đã từng khuyên các mục tử đừng làm “chó câm” trước những bất công và sự ác ở đời.
Tất cả những điều trên là thay đổi quan niệm cũ bằng quan niệm mới, thay đổi trong lề luật và bằng tình thương yêu, liên đới. Dù vậy cũng có người không bằng lòng vì đụng tới thói quen suy nghĩ và hành động của họ.
Tác giả thần học Michael Sean Winters đã bẻ gãy mọi lập luận chống đối bằng cách nêu rõ con đường tâm linh mà Đức đương kim Giáo Hoàng muốn Giáo Hội đi:
“Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đối chất với những lời cáo buộc cho rằng bất cứ sự thay đổi nào cũng là một sự đầu hàng đối với nền văn hóa, dội một gáo nước lạnh vào giáo lý Công Giáo và đổ tội lên đầu những sự thay đổi ấy. Ngài nhắc nhở toàn thể Giáo Hội rằng việc rao giảng Tin Mừng và thần học cùng với các mục vụ kèm theo phải xuất phát từ gốc rễ của Tin Mừng Công Giáo, và không được để cho bất cứ vỏ bọc mang tính thần học, văn hóa hay luật nào ngăn cản Giáo Hội khỏi nhiệm vụ chính yếu là loan báo Tin Mừng, Tin Mừng của Lòng Thương Xót, đặc biệt đến cho những người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề”. (VRN’s - Huỳnh Phi chuyển ngữ).
Thời đại nào có giáo hoàng nấy. Mỗi giáo hoàng có tâm tính và khả năng riêng đáp ứng nhu cầu của thời đại mình. Đó cũng là một thứ huyền nhiệm. Thử tưởng tượng trong thời buổi cởi mở  đến rối loạn luân lý và tinh thần như hiện nay, nếu vị đứng đầu Giáo Hội cứ khư khư nắm lề luật cứng rắn và thói quen cũ, không biết uyển chuyển và thương yêu, không biết ôm lấy con người mà chỉ đuổi người đi, thì hậu qủa sẽ ra sao và bộ mặt Giáo Hội sẽ như thế nào?
Phải chăng Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một chọn lựa huyền nhiệm cho thời đại chúng ta đang sống?



Đâu là chỗ đứng của dân chủ trong Giáo hội?

Đức Thánh Cha Phanxicô đang tham khảo ý kiến các linh mục và tín hữu Roma để chọn vị Giám quản giáo phận Roma kế nhiệm Đức hồng y Agostino Vallini, là người sẽ rời chức vụ này vào ngày 17 tháng Tư tới.
PopeFrancis-Vallini.jpg
Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức hồng y Vallini
Trước đây chưa từng có việc tham khảo ý kiến như thế, vì theo truyền thống quyền lựa chọn Giám quản Roma là của Đức giáo hoàng, Giám mục Roma.

Đây là cung cách độc đáo của một giáo hoàng, giám mục giáo phận Roma. Theo trang web Vatican Insider, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham khảo rộng rãi trong giáo phận của ngài để chọn ra vị Giám quản kế tiếp cho giáo phận Roma, một sự lựa chọn thông thường chỉ thuộc quyền Giáo hoàng.

Đang khi vị Giám quản hiện nay, Đức hồng y Agostino Vallini - 77 tuổi, sẽ rời khỏi chức vụ này vào ngày 17 tháng Tư, các linh mục và tín hữu được mời gọi gửi thư để “nêu ra tính cách cần có của vị Giám quản kế tiếp, và có thể cả danh tính của vị này”, cho đến ngày 12 tháng Tư. Đức Thánh Cha đã đưa ra lời mời gọi trên trong một cuộc gặp gỡ riêng với 36 vị hữu trách trong giáo phận - gồm 334 giáo xứ và 2,8 triệu tín hữu.

Đức Thánh Cha muốn có dân chủ nhiều hơn trong Giáo hội Công giáo chăng?

Chắc chắn, Đức Thánh Cha cho thấy ngài rất quan tâm đến ý kiến của các tín hữu, khi tham khảo rộng rãi trước hai Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình vào năm 2014 và 2015. “Nhưng đó không phải là vấn đề quản trị”, cha Luc Forestier, giám đốc Viện nghiên cứu tôn giáo thuộc Học viện Công giáo Paris, khẳng định.

Những thực hành dân chủ rất cổ xưa trong các dòng tu

Đàng khác, “việc tham khảo trước khi bổ nhiệm một giám mục, tự nó, là điều gì đó rất bình thường, cha nhấn mạnh. Nhưng tiến trình này, do các sứ thần thực hiện, là bí mật. Tôi đã được hỏi ý kiến nhiều lần, tôi biết nhiều giáo dân cũng được hỏi ý kiến như thế, trong vòng bí mật”.

Ngoài ra, theo cha Forestier, tính mới mẻ của việc tham khảo ý kiến về vị Giám quản Roma sắp tới là nó được thực hiện công khai đối với tất cả các tín hữu, ít nhất là họ được thông báo về việc này.

Như thế, sáng kiến của Đức Thánh Cha là “rất hay” nhưng “phải cẩn trọng khi so sánh với sự dân chủ”, cha Forestier nhấn mạnh. “Phải xác định rõ rằng Giáo hội không thể được so sánh với hoạt động của một hệ thống chính trị hoặc đoàn thể, cha nói. Thực tại Giáo hội là một hình thức độc đáo và không giống như thực tại trần thế. Ngay trong các công nghị giáo phận, khi các giám mục để cho người tín hữu lên tiếng, thì cuối cùng trách nhiệm vẫn là của giám mục”.

Dẫu vậy, trong Giáo hội vẫn có các thực hành dân chủ rất cổ xưa, nhưng chủ yếu trong khuôn khổ của một số dòng tu khi thành lập một ban bầu cử – thường gồm các tu sĩ đã khấn trọng – đề bầu chọn vị bề trên.

Nói rộng hơn, sáng kiến của Đức Thánh Cha  về việc lựa chọn vị Giám quản Roma để đại diện cho ngài phải được xem xét theo “chương trình rất rõ ràng của ngài về việc đón nhận Công đồng Vatican II”, vẫn theo nhận định của cha Forestier. “Người ta nhận thấy chiều kích của Thượng Hội đồng lại được nhấn mạnh”, với mong muốn người tín hữu Công giáo có tiếng nói.

Trên thực tế, dưới con mắt của cha Forestier, những chống đối việc thực thi tính công nghị được Vatican II gợi hứng không nhất thiết là do các giáo sĩ, nhưng đôi khi do chính các giáo dân, và những chống đối ấy sẽ không mất đi nếu không có sự “canh tân con người từ bên trong”.

(Minh Đức, WHĐ 15.03.2017/ La Croix)