Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

5 Phút cho Lời Chúa 25/3/2017

Filled under:

ƠN GỌI LÀ MỘT MẦU NHIỆM
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)
Suy niệm: Người phụ nữ nổi tiếng nhất thế giới là ai? Chắc chắn là Ma-ri-a người Na-da-rét rồi. Thế giới Ki-tô giáo có hơn 2 tỉ người, Hồi giáo hơn 1,2 tỉ – ngần ấy người biết đến Ma-ri-a, và đa số trong đó (Công giáo và Hồi giáo) dành cho Đức Ma-ri-a sự sùng kính đặc biệt. Nhưng ta sẽ hoàn toàn sai lầm khi nhìn Mẹ Ma-ri-a trong biến cố truyền tin như một nhân vật ‘nổi tiếng’. Thật vậy, Ma-ri-a bấy giờ chỉ là một thiếu nữ vô danh, con của cha mẹ không tên tuổi, ở một làng quê tầm thường. Và Thiên Chúa đã chọn cô gái vô danh này để làm mẹ Ngôi Lời nhập thể. Biến cố truyền tin, biến cố thay đổi cả lịch sử nhân loại, cũng đã xảy ra một cách rất lặng lẽ, âm thầm. Mãi mãi ta vẫn còn phải sững sờ kinh ngạc trước cách Chúa chọn gọi con người và cách Chúa làm việc. Ta không thể thấu hiểu, nhưng chỉ có thể cảm biết và gọi đó là một mầu nhiệm.
Mời Bạn: Cảm nghiệm bao điều cao cả trong những thực tại tưởng rất tầm thường; và ý thức rằng chính bạn và tôi – dẫu vô cùng bất xứng và nhỏ nhoi – ta cũng được Chúa mời gọi và dành chỗ riêng trong chương trình của Chúa. Chúa muốn chúng ta cộng tác với Người. Ta không hiểu tại sao. Ta chỉ biết tạ ơn và đáp trả với cả tấm lòng.
Chia sẻ: Đường lối của Chúa khác với đường lối của con người – hãy chia sẻ kinh nghiệm của bạn về điều này.
Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay, bạn sẽ thưa ‘Xin Vâng’ với Chúa – như Đức Ma-ri-a – một cách đầy ý thức.
Cầu nguyện: Cùng với Đức Ma-ri-a, hát kinh Magnificat : Linh hồn tôi ngợi khen …


 LỄ TRUYỀN TIN
Đã đến lúc Chúa Giêsu giáng thế. Thiên Chúa sai Đức Tổng thần Gabriel đến thành Nazareth, nơi Mẹ Maria đang sống. Đức Tổng thần với diện mạo rực rỡ huy hoàng tiến vào căn nhà bé nhỏ của Mẹ Maria và trông thấy Mẹ đang cầu nguyện. "Kính chào Bà, hỡi Đấng đầy ân sủng!" Thiên thần nói, "Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà có phúc giữa các người phụ nữ". Mẹ Maria thật ngạc nhiên khi nghe những lời ca ngợi của sứ thần.
"Hỡi Maria, đừng sợ!" Gabriel trả lời: rồi ngài nói với Mẹ rằng Mẹ sắp sửa làm Thân Mẫu của Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ loài người. Mẹ Maria hiểu được vinh dự mà Thiên Chúa ban cho Mẹ thật lớn lao vĩ đại. Và Mẹ thưa: "Này tôi là tôi tớ của Chúa!" Ngay lúc ấy, Mẹ trở nên Mẹ Thiên Chúa và Mẹ vẫn xưng mình là nữ tỳ, là đầy tớ của Người.
Mẹ Maria cũng biết rằng khi nhận làm Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ sẽ chịu nhiều đau khổ. Mẹ nhận biết Mẹ sẽ phải đau khổ khi Con của Mẹ chịu đau khổ. Thế nhưng, với tất cả tâm hồn, Mẹ thưa lên : "Xin hãy thực hiện nơi tôi như lời Ngài truyền".
Lịch phụng vụ Rôma lấy danh xưng "lễ Truyền Tin" để gọi lễ Ngôi Lời Nhập Thể, vì có lý do chính đáng, nhưng trước sau vẫn là lễ chung của Đức Kitô và Đức Trinh Nữ: lễ của Ngôi Lời làm "Con Đức Trinh Nữ" và lễ Đức Trinh Nữ là "Mẹ Thiên Chúa".
Về phía Đức Kitô, phụng vụ phong phú vô tận của cả Đông phương lẫn Tây phương đều ca tụng lễ trọng này như là tưởng niệm tiếng "Fiat" có giá trị cứu rỗi của Ngôi Lời Nhập Thể, đã vào trong trần gian với lời này: "Lạy Chúa, này con đến để thi hành ý Chúa"; đồng thời cũng là để tưởng niệm bước đầu của công cuộc cứu chuộc và hợp nhất mật thiết, bất khả phân ly giữa Thiên tính và Nhân tính trong ngôi vị độc nhất của Ngôi Lời.
Về phía Đức Maria, lễ này được coi là lễ của Eva mới, người trinh nữ vâng phục và trung tín, đã nhờ tiếng Fiat đại độ của mình, và nhờ phép Chúa Thánh Thần, trở nên Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ thật của loài người; đồng thời Mẹ cũng là Hòm Bia Giao Ước đích thực và Đền Thờ đích thực của Thiên Chúa vì đã tiếp đón Đấng trung gian độc nhất trong cung lòng mình. Vì vậy, đây là lễ tưởng niệm giây phút tột đỉnh trong cuộc đối thoại cứu rỗi giữa Thiên Chúa và loài người; cũng là dịp kính nhớ sự ưng thuận tự do và sự hợp tác của Đức Maria đối với chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa.
Chín tháng trước ngày lễ Sinh Nhật, Hội Thánh mừng lễ Truyền Tin, ngày mà Sứ thần đến với Đức Trinh Nữ Maria báo cho biết, Trinh Nữ đã được chọn để làm Mẹ Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa.
Đức Maria đại diện cho dân tộc mình, cũng như đại diện cho nhân loại, đã trả lời bằng tiếng "Fiat". Chức "Thiên Mẫu" là mầu nhiệm trọng tâm trong cuộc đời của Đức Maria: tất cả mọi mầu nhiệm và ân sủng khác đều bắt nguồn từ đấy và cũng hướng vào đấy.
Lễ "công bố ngày sinh nhật của Chúa" đã được mừng kính ở Giáo hội Đông phương từ khoảng năm 550 vào ngày 25 tháng 3. Giáo hội Latinh mãi cho đến thế kỷ thứ bảy mới mừng thánh lễ này.
Trong dịp này, Mẹ Maria đã ban tặng chúng ta một mẫu gương khiêm nhượng và vâng phục thật cao cả phi thường. Cũng thế, chúng ta hãy bày tỏ lòng mến yêu Thiên Chúa qua việc vâng lời những vị đại diện của Người là cha mẹ, các thầy cô giáo và các bề trên của chúng ta. 


Căn Hầm Bí Mật

Một người hà tiện, bủn xỉn kia có thói quen giữ tất cả vàng bạc và những vật quý giá trong một chiếc hầm bí mật tự tay ông ta lén lút xây cất dưới nền nhà.
Một ngày kia, như thường lệ, ông ta lẻn xuống hầm để ngắm những vật quý, nâng niu những thỏi vàng và những dây chuyền, những cà rá nạm kim cương, hột xoàn to bằng những hạt đậu. Rủi thay, vì vô ý gài cửa không kỹ, nên bộ phận bí mật vụt bật lên đóng sầm chiếc cửa cực kì kiên cố lại, chắn lối ra duy nhất.
Dĩ nhiên không ai trong nhà biết về chiếc hầm bí mật. Vì thế, mọi người đã bỏ cuộc sau khi lục lạo tìm kiếm ông ta mọi nơi trong nhà cũng như mọi gốc cây, bụi kiểng ngoài vườn.
Sau một thời gian dài chờ đợi nhưng không nghe thấy tăm hơi của ông ta ở đâu, người ta quyết định bán căn nhà. Người chủ nhà mới có ý định sửa chữa lại một vài căn phòng của ngôi nhà và trong khi các người thợ nề đập một bức tường, người ta khám phá ra cánh cửa bí mật ăn thông xuống chiếc hầm. Khi những ngọn nến được thắp lên, người ta không khỏi sợ hãi thấy bộ xương của một người đang đang ngồi bên cạnh một chiếc bàn con với một số vàng bạc, kim cương bị quăng tung tóe xung quanh. Có dấu hiệu cho thấy là thậm chí người chết đã phải ăn một cây nến trước khi bị chết đóị
"Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion, khốn cho các ngươi là những người tự cho mình là an toàn trên núi Samaria".
Lời chúc dữ những người giàu có bất nhân và kiêu căng trên của tiên tri Amos cũng như những lời Chúa Giêsu chúc dữ những kẻ giàu trong Tin Mừng không phải là những lời lên án tiền bạc và của cải cách chung. Nhưng đây là những lời nêu lên sự nguy hiểm của quan niệm kiêu hãnh, của tính tự cao, tự đại và nhất là thái độ và nếp sống ích kỷ, dửng dưng không để ý đến những người nghèo khổ đang sống bên cạnh. Ðây là thái độ và nếp sống thường thấy nơi những người giàu có.
Mahatma Gandhi, người đã đưa dân tộc Ấn Ðộ đến nền độc lập khỏi ách thống trị của Anh quốc đã tuyên bố một tư tưởng cách mạng có thể đổi mới xã hội: "Trong hoàn cảnh đói khổ của những người đồng bào, đồng chủng, nếu ta giữ một vật gì mà ta không cần dùng đến ngay bây giờ thì đó là những của chúng ta ăn cắp".
Sống trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, tinh thần liên đới và sự sẵn sàng chia sẻ cơm ăn áo mặc cho những người cần đến là những ngọn đuốc sáng, là những đức tính giúp người Kitô chúng ta đóng trọn vai trò men trong bột ở giữa xã hội chúng ta đang sống.