Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Cái sai của chúng ta

Filled under:

Trong tương quan với người khác,
Cái sai của chúng ta là lúc nào cũng cho mình đúng. Ừ thì cũng có lúc mình đúng nhưng điều đó đâu có nghĩa là chẳng bao giờ ta sai. Nói lời nào, đưa ra quyết định gì, dĩ nhiên ta luôn có lý lẽ cho nó, nhưng luôn cho mình là trọng tâm của chân lý để rồi buộc người khác phải luôn nghe mình, làm theo những gì mình muốn là một cái sai vô cùng trầm trọng. Cho mình đúng, ta bịt tai trước người khác, ta phủ nhận mọi điều khác. Ta cãi chày cãi cối để chứng minh mình đúng. Dù có khi biết rõ là sai, ta vẫn cứ cố gắng lấp lem, bẻ cong chân lý, lôi kéo chân lý về phía mình.
Cái sai của chúng ta là hay vội vàng kết án người khác. Ta kết án ngay cả khi chưa biết rõ trắng đen thực hư câu chuyện thế nào. Ta kết án chỉ vì người khác không hành xử theo những đòi hỏi và tiêu chuẩn của bản thân. Thêm vào đó, một thái độ vội vàng làm cho những phán đoán của chúng ta trở nên thiếu cơ sở. Chẳng biết từ đâu, ta lại tự cho mình vị thế của một quan toà, đem người khác vào vòng suy diễn của ta rồi gán cho họ những nhãn mác của riêng ta. Con người xa cách nhau có lẽ cũng vì như thế.
Cái sai của chúng ta là chỉ biết xăm xoi người khác mà thiếu nhìn đến bản thân. Ta luôn đủ lý do để bao che và bào chữa cho những sai lầm to lớn của mình, chứ khi ít nào chịu thông cảm cho một lỗi nhỏ li ti của người khác. Ta yêu bản thân mình, phải, đó là điều tốt, nhưng yêu đến mức làm ngơ những điểm tối của bản thân là điều không thể chấp nhận. Phải chăng do đôi mắt luôn hướng về phía trước nên ta chỉ nhìn thấy người khác, chứ không thể nhìn ngược lại bản thân? Thử một lần nào đó soi gương chính mình, ta sẽ thấy những điều ta không thích nơi ngươi khác, hoá ra lại là phản chiếu những khuyết điểm của chính ta.
Cái sai của chúng ta là luôn ảo tưởng, xếp mình ở vị trí trung tâm của vũ trụ, luôn muốn người khác dòm ngó đến mình, mà quên mất rằng giữa cuộc đời này, ta chẳng là gì và suốt dòng chảy của lịch sử, mỗi chúng ta chỉ là những chấm nhỏ tạo thành. Nếu cuộc sống này là một câu chuyện dài thì ai trong chúng ta cũng là vai chính và đồng thời cũng là vai phụ. Ta có một truyện đời của mình nhưng người khác cũng có cái của riêng họ. Có là trung tâm của vũ trụ hay không dường như không phải do ta tự quyết định. Thử hỏi, giữa thế giới này, có bao nhiêu người biết đến ta, rồi trong số đó, có bao nhiêu người thân thiết với ta, có bao nhiêu người xem ta là quan trọng với họ, có bao nhiêu người khóc cho sự ra đi của ta, có bao nhiêu người vì sự biến mất của ta mà cũng không còn tồn tại. Ít lắm, phải không?
Nếu có một ngày nào đó, khi ta bị tách biệt ra khỏi mọi người, phải sống cô đơn cô độc giữa một chốn hoang vu hay một nơi xa lạ, ta sẽ thấy được niềm hạnh phúc lớn lao khi có được ai đó sống bên cạnh mình, trò chuyện với mình. Những ai sống tha hương nơi đất khách quê người hẳn cũng có kinh nghiệm tương tự khi bất chợt trên đường phố nghe ai đó nói ngôn ngữ của mình, bằng giọng nói thân quen. Sao gần gũi và thân thương đến lạ! Tình người vốn dĩ là cái gì đó thật cao quý và chẳng điều gì có thể so sánh hay thay thế được. Vậy mà dường như lắm lúc ta không đủ trân trọng nó. Mất đi rồi, ta mới thấy hối tiếc. Hai con chó không quen biết nhau bị nhốt chung một chuồng. Ban đầu chúng còn cắn xé nhau, tranh giành nhau miếng ăn, nhưng sau đó thì trở nên thân thiết. Hai con người sống chung với nhau, ban đầu thì lịch sự đối đãi tốt với nhau, nhưng dần dần lại trở nên xa cách, thậm chí còn là kẻ thù không đội trời chung với nhau. Tại sao vậy?
Con người trở nên cao cả hay nhỏ mọn hệ ở việc người đó có sống chữ “tình” hay không. Đánh mất đi đặc tính vĩ đại này, con người bị xem là “không bằng loài cầm thú”. Trong cái tình ấy, có một chút bao dung, có một chút thứ tha, có một chút thương xót. Trong cái tình ấy, còn có cả sự hy sinh, nhẫn nhịn, chia sẻ. Tránh sao được những lần đụng chạm nhau, xung đột nhau vì những lợi ích này kia, nhưng giá như con người biết đặt chữ “tình” lên trên hết, hẳn là họ sẽ dễ dàng vượt qua được tất cả những hiềm khích và chia rẽ. Đó là bởi vì khi người ta sống bằng tình nghĩa, người ta không dùng quá nhiều lý trí để tính toán thiệt hơn cho bản thân, người ta đủ can đảm để im lặng nhằm tránh những cuộc cãi vả không cần thiết, người ta biết nhìn lại bản thân và dành một sự tôn trọng cho người khác.
Hạnh phúc của chúng ta tỉ lệ thuận với mức độ ta mở ra với thiên nhiên vạn vật và người khác. Càng mở ra, ta càng thấy mình cần phải nhỏ lại để được lớn lên. Để giữ gìn tình cảm giữa con người với nhau, tất cả phải cùng chung tay, tất cả phải có lúc chịu chút thiệt thòi và có khi phải chấp nhận lùi bước. Đừng trượt đi quá dài trong con đường cố chấp và bảo thủ, vì cái sai của chúng ta chính là từ chỗ này mà phát xuất ra, làm huỷ hoại những tương quan tốt đẹp của chúng ta và làm héo úa chính cuộc sống của chính ta nữa.


Tôi là ai mà còn trần gian thế!

Bạn thân mến,
caitoi(1)
Như bạn đã biết, một trong những nhu cầu sâu xa nhất của con người là nhu cầu khẳng định mình. Tôi cần biết tôi là ai? Cái tôi của mỗi người cần được chính chủ nhân của nó nhìn nhận. Đồng thời nó cũng cần người khác ý thức về sự hiện hữu của nó. Nếu con người “thiếu hiện hữu”, thì đó là một sự thiếu hụt sâu xa. Vì thế nhu cầu khẳng định mình là nhu cầu hết sức khẩn thiết. Nhưng khẳng định quá lại có quy cơ lầm lạc vì:
1. Nghiện khoe khoang
Theo lẽ thường, tôi không muốn tập thể hay xã hội xem tôi là kẻ “hai lúa” hay “quê mùa”. Trào lưu chạy theo “mốt” là hiện tượng để cái tôi hợp thời trong xã hội. Nếu thử dạo quanh một vòng những Facebook cá nhân thì bạn dễ nhận ra hình như có một cái “mẫu” chung là sự khoe khoang. Khoe khoang thì không xấu nhưng nghiện khoe thì đáng quan ngại. Nghiện khoe khoang, phô trương có thể dẫn đến một lối sống ảo trên không gian mạng. Ví dụ, ăn cũng khoe, mặc áo mới cũng khoe, đi du lịch cũng thích khoe, nhận bằng tốt nghiệp cũng khoe, nhà mới cũng khoe, chửi cũng khoe…Nếu vậy, ta khẳng định mình bằng cái tôi có hơn cái tôi là. Nhưng bạn biết không, sự hào nhoáng bên ngoài sẽ chóng qua, các “mốt” sẽ thay đổi. Đời nào ta lại để cho những thứ ấy đẩy mình vào trong nỗi cô đơn đáng sợ, trong hào nhoáng nông cạn! 
2. Nghiện làm việc
Nếu cố gắng rèn luyện để đạt được bằng này chức nọ hay những kỹ năng sống tốt lành thì ấy cũng là điều đáng khen. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng có thể tôi đang rớt vào sự lẫn lộn giữa “cái là” và “cái làm”. Hôm trước, ra đường thấy một bà cụ dắt tay một em nhỏ, tôi liền giúp họ băng qua đường. Ngay sau đó tôi thấy vui tươi vì mình đã làm một việc tốt. Tôi là một giáo viên dạy tốt nên các em học sinh quí mến tôi. Vì thế, tôi thấy mình sống có ích, sống không thừa. Thử tưởng tượng, một ngày nào đó tôi không thể làm được gì cho chính mình hoặc cho người khác, vậy lúc ấy tôi còn là con người không? Nhiều lần đến thăm các bà cụ tại nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn, tôi lắng nghe các cụ hay chia sẻ rằng cái sợ nhất của người già chính là họ bị xem là những gánh nặng cho xã hội. Vậy hóa ra khi ta không còn khả năng làm cái gì đó đóng góp cho cuộc đời, thì ta sẽ trở thành một kẻ “sống thừa” và cuộc đời này thật đáng “buồn nôn”!? Không! Giá trị con người không nằm ở các công việc họ làm nhưng nằm ở chỗ họ là con người.
Cuộc sống công nghiệp vội vàng, cái gì cũng bị bó vào cái khung thời gian “xong sớm nghỉ sớm”. Ví dụ đi tham dự thánh lễ, tôi mặc định rằng cha phải giảng ngắn và thời gian cho một thánh lễ “chuẩn” phải là 35 phút hay 60 phút cho một thánh lễ Chúa Nhật. Vậy bạn có biết ở trại tị nạn bên Châu Phi, người ta kể rằng “ở đó người ta tham dự thánh lễ hàng ngày kéo dài khoảng 2 tiếng nhưng mọi người tham dự đều không thấy khó chịu.” Nếu biết làm chủ thời gian thì ta có thể làm công việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu ta nghiện làm việc, lúc nào cũng muốn làm và làm thì sớm muộn gì sức khỏe và tinh thần sẽ nhanh suy chóng tàn.
Như vậy, “cái tôi có” hay “cái tôi làm” không phải là giá trị tuyệt đối như “cái tôi là.” Mọi của cải vật chất hay những thành quả trong cồng việc không thể khỏa lấp hết sự hiện diện của tôi trên cõi đời này. Đành rằng vật chất hay công việc có giá trị của nó; nhưng khi ta đồng hóa mình với chúng là điều không ổn. Vì ta sống là người chứ không phải là món đồ hay là danh vọng phù phiếm.
Ý thức phẩm giá làm người ta có được sự thanh thản và khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa vốn là Đấng yêu thương ta không dựa trên những gì ta có và những công trạng ta đã làm. Cái tôi là người giúp tôi biết cách sống đơn sơ trước người khác, biết sống thực tế hơn, biết cảm thông và đón nhận tha nhân như họ là. Ước gì ta không nhìn tha nhân với những việc tốt hay xấu mà họ làm, nhưng ta đón nhận tha nhân vì họ là anh em cùng một Cha trên trời với ta.

Đinh Chí Thiện, S.J.