Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 11-03-2017

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 5: 43-48)

43 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?48  Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

SUY NIỆM 1

Bài học về yêu thương của Chúa Giêsu là một thách đố cho mỗi chúng ta. Theo bản tính tự nhiên, chúng ta biết yêu, giận, hơn, nghen, ghét và cả hận thù. Chúa Giêsu giúp chúng ta vượt qua những hàng rào ngăn cách về cảm tính, để sống tinh thần Đức Kitô, hay gọi là sống trong ân sủng của Chúa Thánh Thần. Tinh thần của Chúa Giêsu loại trừ những điều đi ngược với yêu thương.

Đối với mỗi Kitô hữu, yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em là giới răn duy nhất khó đến mức chúng ta chẳng ai không sai lầm. Việc yêu thương đã khó, nay Chúa Giêsu còn bảo tha thứ, bao dung và độ lượng với những kẻ bất lương và thích ăn cháo đá bát. Thật khó biết bao! Nói thôi đã thấy rùng mình rồi chứ đừng nói đến thi hành? Vậy đấy, Chúa Giêsu đã minh chứng những gì mình nói. Trên thánh giá, Chúa Giêsu lo cho mình chưa xong nhưng vẫn ra tay nghĩa hiệp để đón nhận người trộm lành có lòng hối cải, đồng thời cũng bỏ qua luôn cho tên bên cạnh ăn nói xốc xược và thô lỗ. Cái đáng nói nhất ở đây là tha thứ trong sự hoan lạc, trong an bình và tràn đầy hy vọng. Thử hỏi, ngài vui vẻ để tha thứ làm sao “con nợ” lại không mau mắn đáp trả khi hoàn lương? Trời ơi!!! Khó ơi là khó, vì tha thứ rồi Chúa Giêsu còn cầu xin cho những người bắt bớ, hành hạ và chém giết mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Vì vậy, thánh Phêrô phải thốt lên: Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ có tội. Lời thú tội ngọt ngào và đầy nhiệt huyết ấy biến ông không thể khác là trở thành vị giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội Công giáo.

Chúa chúng ta đã làm được đến lượt chúng ta thì sao? Dẫu biết là khó, nhưng chúng ta có Chúa nên cũng phải cố gắng hết sức mình. Chúng ta phải tin chắc lời Chúa nói: “Đối với con người thì không thể, nhưng mọi sự đều có thể với Thiên Chúa”. Nếu sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa, thì hãy để Chúa giúp chúng ta nên minh chứng lần nữa về điều này.

Xin cho tình yêu của Chúa đổ tràn trên con người ích kỷ của chúng con, để chúng con được biến đổi và thanh luyện con tim, hầu có thể vứt bỏ mọi hận thù, chia rẽ để sống yêu thương, tha thứ như Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng con. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường



 SUY NIỆM 2
  1. Hoàn tất Lề Luật
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, là minh họa thứ năm Đức Giê-su đưa ra để giúp chúng ta hiểu cách Ngài mời gọi chúng ta hoàn tất lề luật, cách mà chính Người sẽ thực hiện trọn vẹn trong cuộc Thương Khó: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (c. 17). Lề Luật được lập ra, và sau đó, cứ như thế mà tuân giữ, nhưng, tại sao Lề Luật cần phải được Đức Giê-su hoàn tất?
Bởi vì, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: để ngăn chặn sự dữ, dừng lại ở hành vi thôi chưa đủ, dừng lại ở hành vi giết người hay hành vi ngoại tình thôi chưa đủ, bởi vì nguồn gốc của hành vi chính là cõi lòng của con người. Trước khi giết người khác, người ta đã loại bỏ người ấy ở trong lòng của mình rồi; trước khi có hành vi ngoại tình hay nhưng hành vi phạm lỗi khác, người ta đã ham muốn trong lòng rồi.
Vì thế, Đức Giêsu mời gọi chúng ta giữ Lề Luật, không chỉ ở bề ngoài, nghĩa là ở mức độ hành vi có thể quan sát được, nhưng giữ Luật Lề khởi đi từ chốn vô hình không ai thấy được: đó là con tim của chúng ta, là cõi lòng chúng ta, là chốn thâm sâu nhất của chúng ta. Và như thế mới là giữ Lề Luật một cách đích thật, mới là sống Lề Luật trong sự thật, mới là “hoàn tất Lề Luật”. Do đó, hoàn tất lề luật theo Đức Kitô, không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức, nhưng là sống tối đa theo năng động của tình yêu Thiên Chúa, có ở nơi sâu thẳm của chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.

  1. Luật và Lời
Trong minh họa thứ năm, mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” Trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5, 17-48).
Như thế, chúng ta được mời gọi không chỉ sống theo Lề luật, nhưng còn sống theo Lời Chúa; nghe thì thật là hay và đúng nữa, nhưng làm sao mà sống được? Yêu thương những người thân cận theo lề luật đã khó, thì làm sao yêu thương kẻ thù, yêu thương những người không có thiện cảm với chúng ta, những người làm hại hay những người ngược đãi chúng ta, theo Lời Chúa được?
Khó, nhưng chúng ta vẫn cứ phải cố gắng, cố gắng từng ngày; khó, nhưng chúng ta vẫn cứ phải bắt đầu, rồi lại bắt đầu; bởi lẽ chúng ta là con Thiên Chúa, chúng ta được Đức Giê-su mời gọi nên hoàn thiện như Thiên Chúa, Cha của chúng ta ở trên trời Đấng hoàn thiện, vì “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”. Có thể nói, Đức Giê-su mời gọi chúng ta, “Cha nào thì con nấy”, “con nhà Tông, không giống lông thì cũng giống cánh”!
Như thế, chúng ta là Con Thiên Chúa, là Ki-tô hữu, là những người tin vào Đức Ki-tô, là môn đệ của Đức Ki-tô, thì chúng ta phải sống khác người ta, như lời Chúa nói: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?”

  1. Kinh nghiệm được yêu thương và bao dung
Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: chúng ta cố gắng sống theo Lời Chúa, sống hoàn thiện như Cha trên trời, sống khác với người khác, nhưng chúng ta cố gắng một hồi là đuối sức, vì chúng ta rất giới hạn và yếu đuối, hơn nữa chúng ta còn bị chi phối bởi hoàn cảnh và môi trường sống nữa, bị chi phối bởi sức mạnh của ma quỉ nữa.
Nhưng chính khi chúng ta đuối sức, chúng ta giới hạn, chúng ta yếu đuối và phạm tội nữa, chúng ta lại nghiệm được Chúa yêu thương, cảm thông và bao dung chúng ta, như thánh Phao-lô nói: “không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện ở nơi Đức Ki-tô” (Rm 8, 39). Và đây là điều lạ lùng và kì diệu: chúng ta càng nhận ra Chúa yêu thương và bao dung chúng ta, con tim của chúng ta càng được biến đổi để yêu thương và bao dung người khác, và trước hết là những người thân cận và những người thân yêu của chúng ta. Hơn nữa, Chúa dạy chúng ta yêu kẻ thù, thì chẳng lẽ Chúa không yêu chúng ta?
Và đó chính là con đường thiêng liêng, hay có thể nói, đó là “bí quyết” giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn trong nỗ lực yêu thương nhau: đó là chúng ta đừng bao giờ quên và cần ghi nhớ mỗi ngày, chính bản thân chúng ta được Chúa yêu thương bao dung và tha thứ trước, một cách vô hạn và nhưng không.
* * *
Chỉ khởi đi từ nắng từ mưa, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhận ra, không chỉ Thiên Chúa sáng tạo, nhưng chính tình yêu quảng đại của Thiên Chúa và từ đó có thể sống một sự sống hoàn toàn mới, đế độ có thể yêu thương cả kể thù! Vậy, nhớ lại ơn huệ, ơn huệ sự sống và tất cả những gì liên quan đến sự sống trong cuộc đời và trong hành trình ơn gọi của chúng ta, chắc chắn sẽ có sức mạnh “tái sinh” chúng ta còn hơn thế nữa (x. Tv 139).
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc