Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

5 Phút cho Lời Chúa 27/3/2017

Filled under:

LỚN LÊN TRONG NIỀM TIN VÀO LỜI CHÚA
Chúa Giê-su nói với viên sĩ quan: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giê-su nói… Ông và cả nhà đều tin.” (Ga 4,50.53)
Suy niệm: Tin vào Chúa có vẻ thật dễ dàng như “viên sĩ quan và cả nhà ông đều tin.” Thế nhưng, để được như thế, ông đã phải trải qua một hành trình đức tin đầy gian nan và thách đố. Ông đã đến với Chúa Giê-su như một giải pháp cầu may như Chúa đã khiển trách: “Nếu các ông không thấy các điềm thiêng dấu lạ, các ông đã không tin.” Niềm tin của ông được củng cố và lớn lên khi ông làm theo một lời nói có vẻ bâng quơ của Chúa: “Ông cứ về, con ông sống đó.” Và niềm tin tiếp tục được lan toả đến với mọi người trong nhà ông khi họ chứng kiến đứa con của họ được cứu sống cách lạ lùng.
Mời Bạn: Tin vào Chúa quả là khó, nhất là khi mọi phương thế nhân loại đã trở nên bế tắc. Thế nhưng khi chúng ta dám trao phó tất cả vận mạng của mình cho Chúa và thực thi Lời Ngài, thì quyền năng Chúa mới tỏ hiện và đức tin của chúng ta lớn lên nhờ chứng kiến những điềm thiêng dấu lạ Ngài làm.
Vì thế, mời bạn cứ đến với Chúa và cầu xin Ngài cho dù niềm tin của bạn còn nhiều khiếm khuyết, nhưng nếu bạn trung thành lắng nghe và làm theo Lời Chúa, Ngài sẽ làm cho lòng tin của bạn lớn lên và toả lan niềm tin ấy đến với mọi người chung quanh.
Sống Lời Chúa: Xác tín vào Lời Chúa: “Phúc cho ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11,28) để luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con được lòng tin như viên sĩ quan hôm nay là biết làm theo lời Chúa dạy bảo. Amen. 


 THÁNH BARBARA
ĐỒNG TRINH TỬ ĐẠO
Tuy chỉ sống dương thế có 16 năm ngắn ngủi, thánh Barbara cũng đã nổi tiếng về nhân đức cũng như cái chết tử đạo anh hùng của ngài, và chính vì thế mà thánh nữ đã được toàn thể Giáo hội đặc biệt sùng kính.
Thánh nữ sinh trưởng và tử đạo tại Nicômêđia thủ đô xứ Bithynia (ngày nay là Ismidt, nước Thổ Nhĩ Kỳ phần bên Tiểu Á). Nguồn tài liệu xác thực nhất cho ta biết: ngài xuất thân từ một vương tộc quyền quý. Mẹ ngài là cháu vua Agap còn cha ngài là ông Điôscôrê là một võ tướng ngoại giáo rất nồng nhiệt và tuyệt đối ủng hộ chính sách bắt đạo dã man của Hoàng đế Mácximianô.
Nguyên từ nhỏ Barbara đã được cha mẹ hết sức nuông chiều. Nhưng không phải vì nuông chiều mà ông Điôscôrê quên nhiệm vụ làm một người cha đích thực là cố gắng tạo cho con mình có một bộ óc sâu rộng về kiến thức, nhất là môn triết học đương thời. Ông đích thân điều khiển công việc xây cất cho con một biệt thự nguy nga tráng lệ, đầy đủ mọi tiện nghi làm nơi trau dồi kiến thức. Tại đây chỉ có một học trò mà có đến bốn năm giáo sư phụ trách việc giảng dậy.
Barbara được dậy nhiều nhất về ba môn chính: thi ca, hùng biện và triết lý.
Bẩm tính rất thông minh, lại thêm được giáo dục cẩn thận từ nhỏ, nên Barbara tuy tuổi mới 15, 16 mà đã tỏ ra là một thiếu nữ học rộng tài cao. Kiến thức triết học sâu sắc đã giúp cô khám phá nhiều chân lý mới, mà trong ấy phải kể một khám phá quan trọng nhất là: cô nhận thấy cái vô lý của đa thần trong các tà giáo, đồng thời cô hiểu rằng chỉ có một chân lý vĩnh cửu, nguyên nhân phát sinh mọi sự là Đấng Tạo Hoá tối cao. Ý thức được rằng các thần tượng chỉ là gỗ đá vô tri giác, nên Barbara nhất định không cúi đầu thờ kính, vì cô nghĩ: những thần tượng không có một quyền lực gì khả dĩ bang trợ được những người thành tâm tôn kính chúng.
Đang lúc bối rối không biết tìm đâu cho ra một người có thể giải thích chân lý mới khám phá, thì may thay, Barbara nghe tin tại Alexanđria có một giáo sư rất mực thông thái có thể giúp cô giải quyết được vấn đề; giáo sư đó chính là Ôgriênê vậy, Barbara liền biên thư khẩn khoản mời giáo sư đến giúp mình.
Sau bao ngày trông đợi, Barbara mới nhận được hồi âm của giáo sư Ôrigênê. Niềm hân hoan còn tăng gấp bội vì chẳng những cô nhận được thư phúc đáp mà còn được tiếp rước cả một vị thượng khách: Môn đệ sứ giả của Ôrigênệ Ông đến với sứ mệnh giúp Barbara thông hiểu giáo lý để chuẩn bị chịu phép thánh tẩy. Đây thật là một cuộc mạo hiểm rất táo bạo vì chỉ một chút sơ hở cũng đủ khiến Barbara và cả môn đệ sứ giả phải mất đầu. Nhưng Barbara đã khôn khéo làm cho những người chung quanh lầm tưởng rằng vị môn đệ sứ giả ấy là một y sĩ ngoại quốc chữa bệnh.
Barbara được chịu phép rửa tội sau một thời gian học tập và, nhân dịp thân phụ đi viễn chinh vắng, cô được tự do tỏ ý khinh dể các ngẫu tượng. Bao nhiêu ngẫu tượng trưng bày trong biệt thự, cô đều đập phá hết. Thay vì những ngẫu tượng trưng bày quanh các cột thì nay cô thay vào bằng những dấu Thánh giá. Buồng cô ở trước kia chỉ có hai cửa sổ, nay vì để tỏ lòng tôn kính Thiên Chúa Ba Ngôi, cô cho đục thêm một cửa sổ nữa. Đồng thời với những việc làm để biểu lộ đức tin, Barbara còn thi hành nhiều công tác bác ái khác hầu giúp đỡ những người nghèo khổ.
Đi viễn chinh về, ông Điôscôrê rất bực tức vì những thay đổi của con gái ông. Nhưng với mưu trí của một vị võ tướng, ông quyết định làm cho con ông phải đổi hẳn cuộc đời. Lấy nét mặt tươi vui bên ngoài để che đậy sự bực tức bên trong, ông ngọt ngào truyện vãn với con gái coi như trước sau vẫn không có gì xảy ra. Ông kể cho con nghe những câu chuyện chinh chiến ở phương xa. Ông nói đến các vị thần anh hùng của nhà nước, và ông cũng không quên nhắc cho con cái ý định của ông rồi đây sẽ gả con cho một vị hầu tước sang trọng. Mục đích của ông là sẽ dần dần đưa con tới chỗ xa hoa lạc thú mà quên hẳn đi cái "tà đạo" mà con ông mới gia nhập. Nhưng không muốn cha cứ mãi sống giả tạo, Barbara thuật lại cho cha nghe cái biến cố quan trọng vừa xảy ra cho cô trong khi cha đi viễn chinh. Cô kể lại một cách hết sức tự nhiên và hoan hỉ như để báo cho cha một tin vui mà cha chưa biết. Cô giải thích cho thân phụ về sự cao cả của những mầu nhiệm trong đạo mà cô vừa mới được đón nhận. Cô cắt nghĩa cả cái lý do khoét thêm một cửa sổ nữa ở buồng là để kính Thiên Chúa Ba Ngôi, nguồn ánh sáng chân thật và độc nhất.
Cùng với một giọng nói đơn sơ, dịu dàng ấy, Barbara như muốn chỉ trích cái thái độ giả dối của thân phụ. Cô lý luận rằng nét mặt vui tươi cũng như lời nói êm dịu của thân phụ chẳng qua chỉ là mưu dụ dỗ cô bỏ đạo Chúa Kitô, để trở về với tà giáo xưa, và cái ý gả cô cho một hầu tước cũng không ngoài mục đích ấy. Để đáp lại cái ý định của thân phụ, cô cương quyết nói rằng cô chỉ quí trọng có mỗi một vẻ đẹp khôn sánh là đức trinh khiết, rằng cô đã hứa hôn với Đức Kitô, và tất cả những triều thiên sang trọng nơi dương thế không thấm vào đâu sánh với triều thiên đang dành cho cô trên thiên quốc.
Quá phẫn uất trước những lời "ngang ngạnh" của con gái, Điôscôrê như người mất trí, tuốt ngay gươm ra toan giết Barbara. Thấy thái độ quá hung của cha, Barbara liền nhanh chân tẩu thoát, nhưng thân liễu yếu đào tơ làm sao có thể thoát thân đựơc. Barbara bị bắt lại và bị đánh đập tàn nhẫn, khi quá kiệt sức không đi được nữa, cô bị túm tóc kéo lôi dưới đất. Đánh đập chán tay mà vẫn không được kết quả, Điôscôrê lại dùng luận điệu ngon ngọt dỗ dành con gái. Nhưng vô ích, Barbara hằng quyết tâm trung thành với Chúa, dù phải lấy máu đào để chứng minh lòng trung thành ấy cô cũng không nề quản. Trước thái độ cương quyết của Barbara, ông Điôscôrê không còn cách nào khác là đem nộp con cho tổng trấn Maxianô để ông này chiếu luật trừng trị.
Chiếu theo pháp luật nhà nước thì Barbara là người Kitô giáo, phải trảm quyết ngay. Nhưng vì thương tội nhân là một thiếu nữ còn ít tuổi, nên tổng trấn trước hết còn dùng lời dụ ngọt để dỗ dành cô trở về với đạo quốc gia. Sau thấy không thể lung lạc được tấm lòng sắt đá của cô, Maxianô liền giao cô cho quân đao phủ. Những tên đao phủ hung ác ấy đã hành hạ cô suốt ba ngày liền. Cô bị đánh bằng roi da đến chảy máu, rồi bị lăn trên lớp mảnh sành bén nhọn. Để tội nhân phải đau khổ hơn nữa, chúng còn lấy dấm và muối xát vào những vết thương, mãi tới khi thấy tội nhân đã kiệt sức hầu chết, chúng mới tống vào ngục thất.
Đêm hôm đó, Chúa Kitô thân hiện đến thăm viếng con yêu của Ngài. Chúa chữa lành hết mọi vết thương, ban thêm nghị lực, và hứa sẽ luôn ở gần thánh nữ trong cuộc chiến đấu bảo toàn đức tin.
Ngày hôm sau, Barbara lại bị dẫn ra toà án, thoạt nhìn thấy ngài Maxianô hết sức bỡ ngỡ, vì Barbara hôm nay xinh tươi khác hơn Barbara hôm qua da thịt rách nát. Ông liền lớn tiếng ca ngợi chư thần vì đã chữa lành các thương tích cho Barbara, đồng thời cũng bảo cô phải công nhận quyền lực chư thần và bày tỏ lòng tôn kính.
Ôi nhà ngươi thật là điên dại! Barbara kêu lên, những tượng gỗ đá do loài người tác tạo mà lại có thể làm được phép lạ ư! Không, không phải chúng đâu, chính Con Thiên Chúa hằng sống đã chữa tôi đấy, và cũng chính vì Người mà tôi đã vui lòng chịu đau khổ đấy.
Tổng trấn quát: à, thì ra nó ương ngạnh thật, chúng bay hãy trói nó treo lên xà nhà, lấy móc sắt rút hai bên sườn nó, lấy lửa đốt tóc nó cho ta.
Lý hình tuân lệnh, ra sức làm khổ Barbara. Còn Barbara, mặc dầu đau đớn, miệng vẫn nở nụ cười tươi vui và hằng kêu to lên Tên Đấng ngài yêu mến.
Sức mạnh tinh thần ghê gớm! Một thiếu nữ nhỏ bé như Barnaba nhờ có sức mạnh siêu nhiên đã toàn thắng cả viên tổng trấn thâm độc cũng như cả một toán đao phủ hung ác. Thấy tốn công phí sức vô ích, viên tổng trấn đành phải tuyên án tử hình cho Barbara.
Điôscôrê người cha nhẫn tâm, chẳng những không chút xúc động trước cái án tử của đứa con gái thân yêu, lại còn yêu cầu được chính tay xử tử Barbara nữa.
Nơi pháp trường, Barbara quỳ xuống, ngước mắt lên trời cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho mình triều thiên tử đạo.
Sau đó cô cũng không quên cầu cho những người đã nhúng tay vào máu mình được hạnh phúc nhận biết Thiên Chúa là Chúa thật. Cầu nguyện xong, Barbara giơ cổ cho thân phụ chém… và linh hồn ngài bay lên hưởng vinh quang bất diệt.  Xác và đầu thánh nữ được một người giáo hữu bảo lãnh, và đem sang tận Giêlassia để mai táng hầu tránh những xúc phạm của lương dân.
Người ta kể trong truyện rằng: giáo hữu miền Nicômeđia rất có lòng sùng mộ thánh nữ. Và để thưởng công, Chúa đã cho thánh nữ làm nhiều phép lạ cứu giúp những người đau khổ hồn xác. Nhưng những người lương dân thấy thánh nữ làm nhiều phép lạ như vậy, liền tổ chức để chiếm đoạt xác thánh. Họ làm một hòm nhỏ toàn bằng vàng bạc và đá ngọc quý giá để đựng xác thánh, rồi treo cao trên nóc đền thờ của họ. Các giáo hữu nhất định không chịu để mất của thánh ấy nên hiệp nhau đột nhập đền thờ để cướp lại. Trong cuộc xô sát giữa hai bên, nhiều người bị trọng thương hầu vô phương cứu chữa. Lạ thay giữa lúc mọi người thất vọng, bỗng tự nhiên các người bị thương đều được chữa lành hết. Họ hiểu ngay là thánh nữ Barbara đã cứu những người vì thánh nữ mà chiến đấu. Khi nghe câu chuyện này ai nấy đều tỏ lòng tôn kính và ca tụng thánh nữ.
Thánh nữ lại còn cứu giúp cả phần hồn người ta nữa. Như lần kia thầy Stanislas Kotska sau này được phong thánh, trước khi vào dòng Tên bị ốm nặng tại nhà một người lạc giáo. Thầy rất ước ao được chịu của ăn đàng, nhưng không biết nhờ ai đi mời linh mục đến được. Lấy hết lòng sốt sắng, thầy cầu xin thánh Barbara thương giúp và thánh nữ đã liệu cho thầy được như lòng sở nguyện.
Chính vì thánh nữ rất hay cứu giúp những kẻ đến kêu xin, nên rất nhiều đoàn thể cũng như tư nhân đã đặt ngài làm thánh quan thầy, thánh nữ là đoá hoa trinh bạch lại tử đạo vì danh Chúa nên đã được chọn làm quan thầy các thiếu nữ. Các người chuyên nghề hàng hải, các thủy thủ và các tầu của họ cũng chọn ngài làm bổn mạng.
Ngoài ra giáo dân còn xây cất nhiều nhà nguyện, thánh đường để tôn kính thánh nữ.
Tới năm 1568, đức thánh Giáo Hoàng Piô V long trọng tuyên bố và xác nhận sự sùng mộ thánh nữ trên toàn thế giới.


Người Vỗ Tay

Một nữ văn sĩ kia thuật lại một kinh nghiệm như sau:
Mỗi khi tôi bị thất vọng với những gì xảy ra trong cuộc sống, tôi thường để tâm hồn lắng dịu và hồi tưởng về em bé mang tên Jamie Scott. Jamie mơ ước được đóng một vai trong vở kịch được tổ chức hằng năm tại trường. Ðêm trình diễn vở kịch này là một trong những biến cố quan trọng nhất trong các sinh hoạt của học đường. Mẹ em Jamie cho tôi biết là em để hết tâm hồn vào vở kịch sắp được trình diễn, mặc dầu bà sợ là Jamie sẽ không được chọn để đóng một vai trò nàọ
Vào ngày ủy ban phụ trách đêm văn nghệ cho biết quyết định của họ về việc chọn các diễn viên, tôi theo mẹ Jamie đến trường đón em. Từ xa, chúng tôi đã thấy Jamie chạy nhanh về phía chúng tôi với tất cả niềm vui và phấn khởi được diễn tả qua gương mặt và nhất là qua đôi mắt chiếu sáng lên vẻ tự hàọ
Sau khi đã lấy lại bình tĩnh, Jamie đã nói những điều sau đây mà tôi luôn giữ trong ký ức để làm bài học cho mình: "Mẹ ơi, trong đêm văn nghệ con được chọn để vỗ tay tán thưởng và reo hò khuyến khích".
Câu chuyện của nữ văn sĩ chấm dứt nửa vời, không một lời giải thích tại sao câu nói của em bé đáng làm bài học cho mình. Nhưng một cách nào đó, câu chuyện trên đây cũng hội tụ vào cùng một ý nghĩa với kinh nghiệm được Ðức Gioan 23 thuật lại như sau:
Lúc tôi mới được bầu làm Giáo Hoàng để lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ, tôi rất lo lắng, sợ hãi trước một trách vụ quá nặng nề. Nhưng một đêm kia, trong giấc ngủ, tôi nghe một tiếng bảo tôi: "Gioan, đừng tự xem mình quá quan trọng". Tôi đã đem áp dụng câu nói này, và từ dạo ấy, tôi ăn ngon, ngủ yên như trước khi được chọn làm Giáo Hoàng.
"Mẹ ơi, trong đêm văn nghệ con được chọn vỗ tay tán thưởng và reo hò khuyến khích". "Gioan, đừng tự xem mình quá quan trọng".
Có lẽ hai câu nói và hai kinh nghiệm trên giúp chúng ta phần nào trong việc sống Lời Chúa Giêsu: "Ai hạ mình xuống sẽ được nhắc lên".
Khiêm nhượng là một đức tính được Thiên Chúa yêu mến. Khác với tính tự cao, tự đại, có thể so sánh với những ngọn đồi, đức khiêm nhượng giúp chúng ta đào sâu những trủng thấp để đón nhận những hồng ân của Thiên Chúa, không thể dừng lại ở những ngọn đồi, nhưng chảy xuống và đọng lại ở những trủng thấp dưới chân đồị