Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

Kinh Truyền tin với Đức Thánh Cha: 12 tháng 3 năm 2017

Filled under:


VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 12-3-2017 với 40 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC mời gọi các tín hữu chiêm ngắm giá trị của thập giá trong đời sống của mình.
PopeFrancis-12Mar2017-01.jpg

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng kể lại biến cố Chúa Giêsu hiển dung trên núi trước mặt 3 môn đệ, và rút ra những kết luận thực hành về chỗ đứng của thập giá trong đời sống tâm linh của các tín hữu.

 Bài Huấn Dụ của ĐTC

 Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

 Tin Mừng chúa nhật thứ hai mùa chay trình thuật sự hiển dung của Chúa Giêsu (Xc Mt 17,1-9). Ngài đưa ba tông đồ: Phêrô, Giacôbê và Gioan ra một nơi riêng và cùng với họ lên một núi cao, và tại đó đã xảy ra hiện tượng lạ thường này: khuôn mặt Chúa Giêsu ”sáng chói như mặt trời và áo Ngài trắng như ánh sáng” (v.2). Qua đó Chúa chiếu tỏa nơi chính bản thân Ngài vinh quang Thiên Chúa mà ta có thể đón nhận với niềm tin trong lời giảng và những cử chỉ lạ lùng của Ngài. Và trong cuộc hiển dung trên núi, có sự xuất hiện của Ông Môisê và Elia, ”chuyện vãn với Ngài” (v.3).

 Sự sáng ngời trong biến cố lạ thường này nói lên mục tiêu của biến cố: đó là soi sáng tâm trí các môn đệ để họ có thể hiểu rõ ràng Thầy mình là ai. Đó là một tia sáng bất chợt mở ra mầu nhiệm Chúa Giêsu và soi sáng toàn thể con người và cuộc sống của Ngài.

 Nay Chúa Giêsu đã quyết liệt tiến về Jerusalem, nơi Ngài sẽ bị kết án tử, chịu đóng đanh, Ngài muốn chuẩn bị các môn đệ trước cớ vấp phạm quá mạnh mẽ để nâng đỡ đức tin của họ, và đồng thời loan báo sự sống lại của Ngài, bằng cách tỏ ra mình là Đấng Messia, Con Thiên Chúa. Thực vậy, Chúa Giêsu chứng tỏ mình là Đấng Messia khác với mong đợi của nhiều người: họ mong chờ một vị vua quyền thế và vinh hiển, nhưng Chúa tỏ mình như một đầy tớ khiêm hạ và vô phương tự vệ: Ngài không tỏ mình như một chúa tể giàu sang, một dấu chỉ phúc lành, nhưng như một người nghèo hèn, không có nơi tựa đầu; không phải như một tổ phụ đông con nhiều cháu, nhưng như một người độc thân chẳng có nhà cũng chẳng có tổ. Quả thực đó là một mặc khải đảo lộn của Thiên Chúa và dấu chỉ gây ngỡ ngàng nhất của cớ gấp phạm này chính là thập giá. Nhưng chính qua thập giá mà Chúa Giêsu đạt tới sự phục sinh vinh hiển.

 ĐTC nói thêm rằng: ”Chúa Giêsu hiển dung trên núi Tabor, Ngài muốn chứng tỏ cho các môn đệ vinh quang của Ngài không phải để tránh cho họ khỏi phải đi qua thập giá, nhưng để chỉ cho thấy thập giá dẫn tới đâu. Ai chết cùng với Chúa Kitô thì sẽ cùng sống lại với Chúa Kitô. Ai cùng Ngài chiến đấu, thì sẽ cùng Ngài chiến thắng. Đó là sứ điệp hy vọng mà thập giá của Chúa Giêsu chứa đựng, nhắn nhủ chúng ta vững mạnh can đảm trong cuộc sống. Thập giá Kitô không phải là một đồ trang trí nhà cửa hoặc một thứ nữ trang để đeo, nhưng là một lời mời gọi yêu thương, qua đó Chúa Giêsu tự hy sinh để cứu vớt nhân loại khỏi sự ác và tội lỗi. Trong mùa chay này, chúng ta hãy sốt sắng chiêm ngắm ảnh Thánh Giá; đó là biểu tượng đức tin Kitô, biểu tượng Chúa Giêsu, Đấng đã chịu chết và sống lại vì chúng ta. Chúng ta hãy làm sao để Thập Giá đánh dấu những giai đoạn trong hành trình mùa chay để ngày càng hiểu rõ hơn sự nặng nề của tội lỗi và giá trị hy tế qua đó Chúa Cứu Chuộc đã cứu chuộc chúng ta.

 Và ĐTC kết luận rằng: ”Đức Trinh Nữ Maria đã biết chiêm ngắm vinh quang của Chúa Giêsu ẩn náu trong nhân tính của Ngài. Xin Mẹ giúp chúng ta biết ở với Chúa trong kinh nguyện âm thầm, hãy để mình được soi sáng nhờ sự hiện diện của Chúa, để mang vào trong tâm hồn một phản chiếu vinh quang của Chúa, qua những đêm đen tối nhất.”

 Chào thăm

 Sau khi ban phép lành, ĐTC đã thân ái chào thăm mọi người hiện diện, các tín hữu Roma và tại bao nhiêu nơi khác trên thế giới. Ngài đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ Freiburg và Mannheim bên Đức, cũng như những người đến từ Liban, và những người tham dự cuộc chạy đua đường trường ở Bồ đào nha.

 ĐTC cũng chào thăm các nhóm giáo dân đến từ một số giáo xứ, các bạn trẻ ở thành Lodi đang chuẩn bị tuyên xứng đức tin, các học sinh ở Dalmine và Busto Arsizio, và ca đoàn các bạn trẻ ”Từng giọt nước” ở Bergamo, bắc Italia.

 Viếng thăm giáo xứ

 Ban chiều cùng ngày 12-3-2017, ĐTC đã viếng thăm giáo xứ Thánh nữ Maddalena di Canossa và đây là giáo xứ thứ 3 ở Roma được ngài viếng thăm kể từ đầu năm đến nay và là xứ đạo thứ 14 được ĐTC Phanxicô viếng thăm kể từ khi làm GM giáo phận này.

 Giáo xứ thánh Maddalena di Canossa cũng thuộc vùng ”ngoại ô” của giáo phận Roma và tọa lạc ở mạn tây bắc, được thành lập năm 1988 và giao cho các cha dòng nam tử bác ái thánh Canossa coi sóc. Đây là một giáo xứ sinh động, gồm nhiều gia đình trẻ. Năm ngoái có 55 hài nhi được rửa tội.

 Khi đến giáo xứ vào khoảng 4 giờ chiều, ĐTC gặp các em bé học giáo lý, trả lời các câu hỏi của các em, ngài cũng gặp nhóm hướng đạo sinh, rồi một nhóm các nữ tu dòng Nữ tử bác ái thánh Canossa cùng với nữ tu tổng quyền. Sau đó ĐTC thăm các bệnh nhân, người già và gia đình các em bé được rửa tội trong năm ngoái, rồi gặp các nhân viên mục vụ, các giáo lý viên và những người thiện nguyện của Caritas. Hiện nay Caritas giáo xứ đang đồng hành và giúp đỡ 50 gia đình gặp khó khăn, kể cả những người ở ngoài lãnh thổ giáo xứ.

 Trước khi cử hành thánh lễ, ĐTC giải tội cho 4 giáo dân, gồm 1 thiếu niên, một thanh niên và 2 người lớn một nam một nữ.

(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 12.03.2017)


Bản gợi ý xét mình xưng tội của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Mùa Chay


Trong Mùa Chay, người Công giáo luôn được khuyến khích đến với bí tích Giải tội. Để giúp các tín hữu xét mình chuẩn bị xưng tội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một số gợi ý.
Sau khi giải thích ngắn gọn về lý do tại sao cần phải xưng tội –“bởi vì chúng ta đều là những người tội lỗi”– Đức Thánh Cha đặt 30 câu hỏi cho việc xét mình để có thể xưng tội “cách tốt nhất”.

Bản hướng dẫn xét mình này là một phần của tập sách 28 trang bằng tiếng Ý do nhà xuất bản Vatican phát hành. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng 50.000 tập sách cho các tín hữu tham dự buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa nhật 22 tháng Hai vừa qua, Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay.

Tập sách có nhan đề “Hãy bảo vệ tâm hồn”, nhằm giúp các tín hữu có thêm sức mạnh bước vào cuộc chiến đấu chống lại sự dữ và chọn sự lành.

Tập sách gồm những điều căn bản trong đạo: Kinh Tin Kính, các ơn Chúa Thánh Thần, Mười Điều Răn và Tám Mối Phúc Thật. Sách cũng giải thích về bảy bí tích và lectio divina –một cách cầu nguyện bằng Kinh Thánh– để nghe được rõ hơn “Chúa muốn nói gì với chúng ta” và “để chúng ta được Chúa Thánh Thần biến đổi”.

Custodisci_il_cuore.jpg

Nhan đề của cuốn sách lấy ý từ một bài giảng trong Thánh lễ ban sáng của Đức Thánh Cha, trong đó ngài nói rằng người Kitô hữu phải gìn giữ và bảo vệ tâm hồn mình, “cũng giống như bảo vệ ngôi nhà - bằng một ổ khóa”.

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Những tư tưởng xấu, những ý định xấu, những ganh tị và thèm muốn có hay vào nhà chúng ta không? Ai mở cửa cho chúng? Làm cách nào chúng vào được?”

Bài giảng trong Thánh lễ hôm 10-10-2014, cũng được trích in trong tập sách này, nói rằng cách tốt nhất để bảo vệ tâm hồn là xét mình mỗi ngày, để xem mình đã làm điều gì xấu, đã thiếu sót điều gì tốt đối với Chúa, với tha nhân và với chính mình.

Một số câu hỏi gợi ý trong bản hướng dẫn xét mình như sau:
– Tôi có trở về với Chúa khi tôi gặp khốn khó không?
– Tôi có tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc không?
– Tôi có cầu nguyện sáng tối không?
– Tôi có hổ thẹn khi tỏ mình là người Kitô hữu không?
– Tôi có đi ngược lại chương trình của Thiên Chúa không?
– Tôi có ganh tị, nóng nảy, thiên kiến không?
– Tôi có trung thực và công bằng với mọi người hay tôi cổ võ cho “nền văn hóa vứt bỏ” ?
– Trong các mối tương quan hôn nhân và gia đình, tôi có sống đạo đức như Phúc Âm đã dạy không?
– Tôi có kính trọng cha mẹ không?
– Tôi có chối bỏ cuộc sống mới được tượng thai không? Tôi có tiêu huỷ hồng ân sự sống không? Tôi có cộng tác vào việc ấy không?
– Tôi có tôn trọng môi trường không?
– Tôi có vừa theo Chúa vừa theo thế gian không?
– Tôi có quá độ trong việc ăn uống, hút thuốc và giải trí không?
– Tôi có lo lắng quá mức về đời sống vật chất và của cải không?
– Tôi sử dụng thời giờ như thế nào? Tôi có lười biếng không?
– Tôi có đòi người khác phải phục vụ mình không?
– Tôi có mong muốn báo thù, nuôi dưỡng thù hận không?
– Tôi có hiền lành, khiêm tốn và xây dựng hòa bình không?

Đức Thánh Cha nói, người Công giáo cần phải xưng tội, bởi vì ai cũng cần được tha thứ tội lỗi, tha thứ những cách “chúng ta suy nghĩ và hành động trái với Phúc Âm”.

“Ai bảo mình vô tội thì người ấy là kẻ nói dối hoặc bị mù”.

Xưng tội chính là lúc hoán cải chân thành, là lúc bày tỏ niềm tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng sẵn sàng tha thứ cho con cái mình và giúp chúng quay về con đường theo bước Chúa Giêsu.

(Minh Đức, WHĐ 28.02.2015/ CNS)