Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 13/3/2017

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Lu-ca (Lc 6: 36-38)

36 "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."
 
SUY NIỆM 1

Mang danh Kitô hữu, nghĩa là nơi chúng ta có Chúa Giêsu, hay nói cách khác, đời sống của chúng ta mỗi ngày phải trở nên giống Chúa Giêsu. Mà trở nên giống Chúa Giêsu nghĩa là phải có những tâm tình như Người. Những tâm tình đó là: từ bi, nhân hậu, yêu thương, tha thứ, v.v.

Và cùng với đoạn Tin Mừng trên cho chúng ta thấy, những tâm tình vừa kể được diễn tả một cách rất cụ thể như: đừng xét đoán ai, đừng kết án ai, nhưng hãy tha thứ, hãy cho đi, v.v.

Trong một tập sách nọ có ghi lại tâm sự của ông Gandhi, một nhà lãnh đạo đất nước Ấn độ: ông rất thán phục giáo lý của Chúa Giêsu, nhưng ông không thể, nói đúng hơn là ông không muốn trở thành một người Kitô hữu. Lý do chỉ là vì ông thấy có quá nhiều người Kitô hữu, đã không sống được tinh thần tám mối phúc của Chúa. Ông nói: “Tôi rất yêu mến Đức Kitô, nhưng tôi không thích người Kitô hữu, vì họ không giống như Đức Kitô. Nếu họ giống như Đức Kitô, thì dân tộc Ấn Độ chúng tôi đã trở thành những Kitô hữu từ lâu rồi”.

Thực vậy, qua lời tâm sự của ông Gandhi, có thể chúng ta nghĩ rằng đó như thể là một lời trách móc, một lời phàn nàn, thế nhưng nếu suy nghĩ hơn một chút thì quả thật đó cũng là một lời cảnh báo cho mỗi người Kitô hữu chúng ta về cách sống đạo của mình.

Khi nhìn vào thực tế của cuộc sống, chúng ta thấy không ít người Kitô hữu vẫn còn cái quan niệm chia khung cho cuộc đời, nghĩa là họ phân chia từng phần riêng ra, khi nào cần đến thì mở những khung đó ra mà sống. Chúa Giêsu không chấp nhận cho việc chia khung cuộc sống như thế, nghĩa là Người không muốn chúng ta chỉ là người Kitô hữu khi chúng ta ở bên trong nhà thờ với các nghi thức thờ phượng, còn khi ra khỏi nhà thờ thì chúng ta lại là một con người khác. Chúa Giêsu muốn, ở mọi nơi mọi lúc, chúng ta luôn là những người Kitô hữu, nghĩa là chúng ta luôn có Chúa Kitô trong mình. Và khi có được như thế, chúng ta mới có thể giới thiệu Chúa cho người khác.

Thường người ta hay nói: “tôi không thể cho người khác cái mà tôi không có”. Cho nên, chúng ta sẽ không thể giới thiệu Chúa đến cho người khác, nếu nơi bản thân của mình chưa có Chúa.

Chính vì thế, chúng ta cùng nhau xin Chúa cho mỗi người Kitô hữu luôn trở thành những tấm gương phản ánh trung thực hình ảnh của Chúa Giêsu. Để nhờ đó, người khác chỉ cần nhìn vào đời sống của người Kitô hữu chúng ta, là họ có thể nhận ra được hình ảnh nhân hiền đầy yêu thương của Chúa. Đó là cách giới thiệu Chúa cho người khác hay nhất và hữu hiệu nhất. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường



SUY NIỆM 2
  1. Không xét đoán và lên án
Trước hết, để tỏ lòng nhân từ với nhau, Đức Giê-su mời gọi chúng ta không xét đoán và không lên án : « Anh em đừng xét đoán… Anh em đừng lên án… ». Tại sao vậy ? Chúng ta hãy dùng lí trí để suy xét :
  • Vì chúng ta không phải là người « lập pháp », và cũng chẳng là người « hành pháp ».
  • Vì chúng ta chỉ biết được hành vi thôi ; trong khi đó, để xét đoán, còn phải biết động lực, hoàn cảnh, những vấn đề của nội tâm, vết thương, đau khổ, quá khứ, nền giáo dục, gia cảnh, mức độ hiểu biết và nhất là tự do. Theo luật, để thành tội, người ta phải có tự do ; và loài người chúng ta, không bao giờ có được sự tự do hoàn toàn. Đó là trường hợp tội nguyên tổ, tội của mọi tội và tội trong yếu tính. Thật vậy, sau khi vi phạm lệnh truyền, người phụ nữ nói và nói rất đúng với Đức Chúa : « Con rắn lừa dối con, nên con ăn » (St 3, 13). Chính vì thế, trong cuộc thương khó, Đức Giê-su thưa với Chúa Cha : « Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm » (Lc 23, 34).
  • Ngoài ra, trong hành vi phạm tội, con người vừa là tác nhân và vừa là nạn nhân, bởi vì Sự Dữ mạnh hơn con người. Như trường hợp ông Giu-đa : « Ma quỉ đã gieo vào lòng Giu-đa… », và nhất là « Xa-tan liền nhập vào y » (Ga 13, 2 và 27) ; và như thánh Phaolo nói : « Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là Tội vẫn ở trong tôi. » (Rm 7, 19-20).
Hơn nữa, chính chúng ta cũng là những người phạm luật, và có khi còn nghiêm trọng hơn. Vì thế, khi xét đoán và lên án người khác, chúng ta lên án chính chúng ta. Đó là trường hợp của những người đòi tố cáo, kết án và thi hành án tại chỗ người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8, 1-11).
  1. Tha thứ và cho đi
Nhưng, để sống theo năng động của lòng nhân từ, chúng ta được mời gọi đi thêm « hai bước nữa », đó là tha thứ và cho đi. Đức Giê-su đặc biệt nhấn mạnh đến hành vi cho đi, như là điểm tới :
Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại.
Thiên Chúa Cha là Đấng nhân từ ; và theo lời của Đức Giê-su, Chúa Cha là Đấng nhân từ, trong mức độ Ngài tỏ lòng nhân từ với chúng ta, nếu chúng ta tỏ lòng nhân từ với nhau. Đúng là, theo lời nói này của Đức Giê-su, Thiên Chúa nhân từ với chúng ta với điều kiện. Nhưng, xét cho cùng, điều kiện thật « nhẹ nhàng và nhưng không », chỉ cần chúng ta tỏ lòng nhân từ với nhau thôi, là Chúa sẽ nhân từ với chúng ta ; và chắc chắn, lòng nhân từ của Thiên Chúa lớn hơn gấp bội lòng nhân từ của chúng ta dành cho nhau. Thực vậy, Đức Giê-su nói :
Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em.
Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.
  1. « Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ »
Tuy nhiên, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhân từ với nhau, đó không chỉ là để nhận được lòng nhân từ của Thiên Chúa nhưng còn là vì Ngài là Đấng đã và luôn nhân từ đối với chúng ta, trước khi chúng ta nhân từ với nhau rồi, khi Ngài dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài, nghĩa là cũng nhân từ như Ngài, vì « muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương », nghĩa là muôn ngàn đời, Ngài là Đấng nhân từ, như Đức Giê-su tuyên bố ngay từ đầu của bài Tin Mừng :
Anh em hãy có lòng nhân từ,
như Cha anh em là Đấng nhân từ.
* * *
Và Chúa nhân từ với chúng ta mỗi ngày khi ban cho chúng ta sự sống, lương thực, lương thực Lời Chúa, lương thực Thánh Thể, ơn gọi, anh em, chị em mỗi ngày, cho dù chúng ta rất bất xứng. Như thế, chính kinh nghiệm lòng nhân từ của Thiên Chúa nơi bản thân chúng ta, được thể hiện đến cùng nơi Đức Giê-su Ki-tô, mà chúng ta có thể nhân từ được với nhau từ trong tim, và mời gọi nhau :
Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
(Tv 136, 1)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc