Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

5 Phút cho Lời Chúa 18/3/2017

Filled under:


NỖI MONG, NỖI NHỚ!
“Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.” (Lc 15,20)
Suy niệm: Nỗi đợi chờ nơi người cha già đầy ắp yêu thương và hy vọng. Ông quay quắt mong đứa con đi hoang trở về; vì thế khi người con còn ở đàng xa, ông đã nhìn thấy. Tình yêu thúc giục ông chạy đến đón con, ôm con vào lòng và hôn con thắm thiết! Người cha già nhân hậu đó chính là Thiên Chúa. Còn người con đi hoang chính là chúng ta, là tôi là bạn… Thiên Chúa tha thiết mong ta trở về. Ngài quên hết mọi lỗi lầm của ta. Tình yêu của Ngài lớn hơn mọi tội ta đã phạm!
Mời Bạn: Bạn có khi nào quá ‘sĩ diện’ đến nỗi không dám trở về làm hoà với Chúa dù biết mình đã lỗi phạm? Bạn hãy nhớ lại những lần bạn đến lãnh nhận bí tích giao hoà, bạn có thành tâm sám hối vì cảm nhận được lòng Chúa nhân từ hay bạn chỉ làm một cách khô khan, theo thói quen? Hãy để cho câu chuyện Tình Phụ Tử hôm nay in đậm trong tâm trí bạn, đánh động tâm hồn bạn, nhờ đó bạn sẽ có thể quay về với Chúa mỗi ngày.
Chia sẻ: Làm thế nào để việc ‘xưng tội’ thực sự trở thành một cuộc giao hoà với Chúa và với anh chị em?
Sống Lời Chúa: Cảm nhận sự thực rằng Thiên Chúa đang mong chờ bạn. Mỗi ngày, đặc biệt trong mùa Chay thánh này, bạn hãy quyết tâm quay về với Chúa bằng cách dứt khoát chừa bỏ một thói hư, một tật xấu đang hoành hành nơi bạn.
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội hoặc hát một bài thánh ca diễn tả tâm tình thống hối. 


 THÁNH CYRILLÔ GIÊRUSALEM
GIÁM MỤC TIẾN SĨ
(+ 386)
Sau những ngày đẫm máu của thời kỳ cấm cách, Giáo hội lại phải đương đầu với một địch thủ lợi hại hơn những vua quan độc dữ nhất trong thời bách hại: đó là bè rối Ariô, một lạc giáo phủ nhận thần tính nơi Chúa Giêsu. Trong hàng ngũ những chiến sĩ Đông phương chiến đấu cho đức tin, chúng ta thấy có thánh Cyrille, Tổng Giám mục thành Giêrusalem, một Giáo phụ tài ba đức độ.
Thánh Cyrillôâ là một vị thánh khôn ngoan, thông thái. Người ta biết rất ít về đời niên thiếu của thánh nhân.
Sau ngày Đức cha Mácximô Tổng Giám mục thành Giêrusalem tạ thế, thánh Cyrillôâ được bầu làm Tổng Giám mục thay. Ngài có nhiều nhân đức đáng quí, nhưng trổi vượt hơn cả là đức bác ái. Thời đó toàn xứ Palestina bị mất mùa đói kém. Vô số những người nghèo khó không biết bám víu vào đâu ngoài Đức Tổng Giám mục yêu quý của họ. Thánh Cyrillôâ lấy hết của riêng phân phát cho kẻ khó. Cho hết của riêng, không còn gì nữa, thánh nhân lấy tất cả tài sản của giáo phận để phân phát cho họ. Nhưng tài sản của giáo phận vẫn chưa đủ cung cấp, thánh nhân lấy tất cả vàng bạc trang hoàng trong các đền thờ vật chất để đắp điếm cho những đền thờ sống động của Thiên Chúa.
Thời thánh Cyrillôâ làm Giám mục, ở Giêrusalem xuất hiện một hiện tượng kỳ lạ: hôm đó là ngày Lễ Hiện Xuống, khoảng 10 giờ sáng, trên núi Sọ xuất hiện một cây thánh giá lớn sáng chói hơn mặt trời, đứng lơ lửng trên không trung, cánh thánh giá vươn dài xuống mãi núi cây Dầu. Hiện tượng lạ đó kéo dài khá lâu khiến mọi người trong thành đều được nhìn xem thoả mãn.
Nhiều người Do Thái đã trở lại với đức tin công giáo nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Thiên Chúa quan phòng muốn dùng hiện tượng lạ để làm vẻ vang đầy tớ trung thành của Người. Đồng thời cũng để dẫn đưa Hoàng đế Contantinô trở về với Đức tin công giáo, đức tin mà vua cha Contantinôô (Constantin) đã tiếp nhận do cũng một cây thánh giá kỳ lạ đã xuất hiện trên nền trời năm xưa.
Nhân dịp này, thánh Cyrillôâ đã kính đệ lên Hoàng đế một bức thư dài kể lại sự lạ chính mắt thánh nhân đã được mục kích. Đồng thời thánh nhân khuyên Hoàng đế nên tiến bước treo ngọn cờ thánh giá bằng cách tin thờ Đấng chịu tử hình trên thập giá vì chúng ta. Phép lạ thánh giá xuất hiện trên không trung là một sự kiện có thực đã làm sôi nổi cả Đông phương một thời gian. Hằng năm bên Đông phương cử hành một lễ đặc biệt vào ngày 09 tháng 05 để kỷ niệm ngày thánh giá xuất hiện.
Mối bận tâm nhất của thánh Cyrillôâ là tẩy trừ hết mọi mầm mống lạc giáo Ariô và đưa những chiên lạc trở về với Chúa. Phép lạ thánh giá xuất hiện trên trời, tài hùng biện và nhất là đời sống thánh thiện phi thường của thánh nhân, là những liều thuốc rất hiệu nghiệm để thức tỉnh và kích thích người công giáo thêm phấn khởi. Đồng thời cũng là những khí giới sắc bén để đối địch với bọn lạc giáo Ariô đông đảo hằng được Hoàng đế Contantinô nâng đỡ. Bọn lạc giáo hết sức phẫn uất khi họ nhận thấy hàng ngũ của họ đang đi dần tới chỗ tan rã. Ỷ vào thế lực của Hoàng đế, bọn họ nhất quyết dùng võ lực đuổi thánh Cyrillôâ ra khỏi giáo phận để đoàn chiên Chúa Kitô một khi đã mất chúa chiên, sẽ bị tiêu diệt một cách dễ dàng. Để việc làm của họ được danh chính ngôn thuận, họ đã triệu tập một số Giám mục lạc giáo ác cảm với thánh nhân.
Đứng đầu là Giám mục Acaciô. Họ tố cáo Đức Giám mục Cyrillôâ đã bán đồ thờ phượng trong thánh đường để nuôi những người nghèo khó. Họ đồng ý truất phế thánh nhân và đặt Héracliô một giám mục lạc giáo, lên thay thế. Truất phế được thánh Cyrillôâ rồi chúng còn truy nã một số Giám mục đạo đức khác vẫn trung thành với đức tin công giáo. Ít lâu sau, Đức Thánh Cha cho triệu tập một Công đồng chung tại Sêlêucia. Giám mục lạc giáo Acaciô và đồng đảng cũng được mời tới dự để trình bầy trước Công đồng bản án truất phế Tổng Giám mục Cyrillôâ. Họ tìm cớ thoái thác không tới tham dự. Công đồng đã trả lại danh dự cho thánh Cyrillôâ. Thánh nhân được phục chức Tổng Giám mục thành Giêrusalem. Đồng thời để cảnh cáo giám mục lạc giáo, Công đồng công khai rút phép thông công Giám mục lạc giáo Acaciô và đồng đảng.
Thánh Cyrillôâ trở về giáo phận giữa sự hân hoan của mọi người tín hữu. Theo thánh Giêrônimô thì thánh Cyrillôâ không những bị đuổi ra khỏi giáo phận một lần, mà là nhiều lần chỉ vì thánh nhân đã hết sức hăng hái chiến đấu cho đức tin công giáo.
Một trong muôn vàn ân huệ Thiên Chúa đã ban cho thánh Cyrillôâ là ơn nói tiên tri. Thời đó Hoàng đế Giulianô lên kế vị Hoàng đế Contantinô. Sẵn có ác cảm với đạo công giáo, Hoàng đế chủ trương nâng đỡ người Do Thái để chống đối với người công giáo. Hoàng đế khuyến khích người Do Thái xây dựng lại đền thờ Giêrusalem. Được Hoàng đế nâng đỡ, người Do Thái lục tục kéo về sửa soạn xây cất đền thờ. Họ bỏ ra rất nhiều tiền để mua sắm vật liệu. Họ để ra mấy năm trời lo đào móng cho thật sâu và xây cất cho thật vững. Thấy công việc họ làm, thánh Cyrillôâ tiên báo công việc người Do Thái đang vất vả xây cất chỉ là công dã tràng, rồi ra đền thờ do tay họ xây sẽ không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào. Đêm sau tại kinh thành Giêrusalem xẩy ra một vụ động đất rất lớn đến nỗi bao nhiêu đá người Do Thái dùng để xây móng bị vỡ tan tành. Đồng thời trên trời nổi lên những trận giông tố ghê hồn. Sấm sét thiêu cháy và phá huỷ ra tro tất cả những dụng cụ và máy móc dùng vào việc xây cất. Những người Do Thái đổ xô về phía đền thờ để xem sự lạ. Lạ lùng thay, trên người nào người nấy đều có in một dấu thánh giá sáng chói, không tài nào tẩy sạch được.
Thế là lời tiên tri của thánh nhân đã được thực hiện. Thấy sự lạ, nhiều người Do Thái đã trở lại phụng sự Chúa Kitô.
Thánh Cyrillôâ đã phải cực nhọc đương đầu với bọn lạc giáo Ariô trong suốt ba triều vua Contantinô, Giuliên, và Valencia. Nhưng từ ngày Hoàng đế Têôđôrô lên nắm chính quyền, thánh Cyrillôâ được hưởng những ngày thanh bình. Trong thời gian này, thánh nhân đem hết năng lực mưu ích cho giáo phận. Ngài tu bổ lại các thánh đường đổ nát, xây cất thêm thánh đường mới. Nhưng mối bận tâm nhất của thánh nhân vẫn là việc tẩy rửa hết những vết tích nhơ nhớp do bọn lạc giáo gây nên. Tuổi đã cao, công đức đã nhiều, thánh Cyrillôâ sung sướng trút hơi thở cuối cùng giữa đêm khuya ngày 18-3-306, năm thứ tám triều đại Hoàng đế Têôdô.
Thánh Cyrillôâ đã sáng tác một tác phẩm nhan đề "Sách bổn dạy dự tòng và tân tòng". Cuốn sách này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Đây là cuốn sách đã đem lại rất nhiều lợi ích cho Giáo hội. Giáo hội mừng lễ thánh Cyrillôâ vào ngày 18-3 hằng năm. 


Ðất Thánh

Một giáo xứ miền quê nọ đã được thành lập từ lâu, nhưng chưa có được một ngôi nhà thờ xây cất hẳn hoi. Giáo dân lại nằm rải rác trong hai ngôi làng sát cạnh nhau. Khát vọng duy nhất của giáo dân là được có nơi thờ phượng đàng hoàng... Với sự hăng say bộc phát của những người nông dân, mọi người đã quảng đại đáp lại lời kêu gọi của các chức sắc trong giáo xứ: kẻ góp tiền, người cho vật dụng... Thế nhưng vấn đề cơ bản vẫn là: đâu là địa điểm xứng hợp nhất để xây cất nhà thờ. Người trong làng này thì muốn ngôi nhà thờ tọa lạc trong làng của mình. Người bên làng kia thì lại muốn ngôi nhà thờ được xây cất gần bên chỗ mình ở. Thế là hai bên cứ tranh luận, không bên nào muốn nhường bên nào. Tiền đã có sẵn, vật dụng cũng đã đầy đủ, nhưng không biết phải đặt viên đá đầu tiên bên làng nàọ
Giữa lúc vấn đề địa điểm chưa ngã ngũ, thì một vấn đề lớn lại xảy ra: một nạn hạn hán trầm trọng đe dọa dân chúng trong cả hai làng. Thế là người ta chỉ còn nghĩ đến việc chống hạn hán hơn là xây cất nhà thờ. Nhưng sức người có hạn, việc dẫn thủy nhập điền không đạt được chỉ tiêu. Năm đó, toàn dân trong hai làng đều phải chịu cảnh đói khát.
Sống bên cạnh nhau, cho nên mặc dù ngăn cách về hành chính, dân hai làng vẫn coi nhau như bà con ruột thịt... Có hai gia đình nông dân nọ rất mực thương nhau và tương trợ nhau. Một người bên làng này luôn nghĩ đến cảnh đói khổ mà người bạn bên làng kia đang phải chịu. Thế là một đêm nọ, anh đã phân chia phần lúa thóc thu hoạch được trong vụ mùa vừa qua và lặng lẽ vác lên vai để mang qua cứu trợ người bạn của làng bên cạnh... Trong khi đó thì người bạn bên làng bên cạnh cũng có một ý nghĩ tương tự. Anh cũng hành động y như người bạn của mình. Cũng chính đêm hôm đó, anh đã sớt bớt phần lúa của mình để mang qua biếu người bạn ở làng kế bên... Giữa đêm tối, không hẹn hò, hai người bạn đã gặp nhau trong cùng một ý nghĩ và hành động. Không cần một lời giải thích, không cần một lời chào hỏi, hai người đã hiểu nhau: Họ bỏ bao lúa xuống đất và ôm trầm lấy nhau.... Ðiểm gặp gỡ của tình bạn, của tình tương thân tương ái, của tình liên đới, của chia sẻ ấy đã được giáo dân của hai ngôi làng gọi là đất Thánh và không cần phải mất nhiều thủ tục để giải quyết, họ đã đồng thanh chọn địa điểm ấy làm nơi xây cất nhà thờ.
Nhà thờ là nơi hẹn hò: hẹn hò với Thiên Chúa, hẹn hò với con người. Không ai đến nhà thờ mà không tìm gặp được sức mạnh từ chính Chúa, sự an ủi đỡ nâng từ những người anh em của mình... Do đó, nhà thờ phải là điểm đến của mọi nẻo đường, nhà thờ phải là nơi hội tụ của mọi xây dựng, nhà thờ phải là giải đáp của mọi tranh luận... Người ta không thể xây dựng những ngôi nhà thờ nguy nga tráng lệ mà lại làm ngơ trước những người đang dẫy chết bên cạnh. Người ta không thể nhắm mắt đi đến nhà thờ trong khi bên lề đường có bao nhiêu kẻ lê lết trong đói khổ... Phải chăng, nhà thờ chỉ có thể xây dựng ngay chính trên đất Thánh của chia sẻ, của san sớt, của tình liên đới mà thôi? Phải chăng, việc đi đến nhà thờ cũng chỉ có ý nghĩa khi nó là điểm đến, là biểu trưng của chính những viên gạch bác ái mà người ta không ngừng xây dựng trong cuộc sống hằng ngày?