Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

Xem Bói Toán Có Tội Hay Không?

Filled under:


Hỏi: Xin cha cho biết: xem bói toán, bói bài, coi chỉ tay, xem tử vi v.v... có tội không?
Xem Bói Toán Có Tội Hay Không
Xem Bói Toán Có Tội Hay Không
Trả lời:
Qua Ông Mô-sê, Thiên Chúa đã nói với dân Do Thái xưa kia như sau: "Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi Ai cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta." (Đnl 5:6-7)

Trên đây là Điều Răn thứ nhất trong bản Thập Điều (Decalogue) mà Thiên Chúa đã trao cho Ông Môsê để truyền lại cho dân Do thái tuân giữ như giao ước của Người với họ để họ được chúc phúc và được sống muôn đời (x. Đnl 5).

Chúa Giêsu cũng đã nhắc lại những điều trên như luật điều quan trọng nhất khi Chúa trả lời cho một luật sĩ trong nhóm Pharisi và Xa đốc xưa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhất." (Mt 22: 37-38).

Yêu mến một mình Thiên Chúa trên hết mọi sự có nghĩa là không được tin và kêu cầu đến một thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa Ba Ngôi ra. Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Giáo Hội, cùng các Thánh nam nữ khác trên Thiên Đàng cũng chỉ là những mẫu gương sáng ngời cho ta noi theo để nên thánh và nhờ cậy cầu bầu trước Tòa Chúa mà thôi, chứ không phải là đối tượng chính của lòng tin và tôn thờ (adoration). Nghĩa là chúng ta chỉ tôn thờ và yêu mến một mình Thiên Chúa nhưng cũng yêu mến và tôn kính (veneration) Đức Mẹ và các Thánh nữa.

Từ góc độ thần học và đức tin này, mọi người tín hữu Chúa Kitô trong Giáo hội Công Giáo cần phải tránh xa mọi hình thức tin tưởng hay trông cậy trái nghịch với Điều răn thứ nhất trên đây thể hiện qua những thực hành có tính cách mê tín dị đoan sau đây:

1- Thờ các ngẫu tượng (idolatry):

Điều răn thứ nhất cấm tôn thờ bất cứ thần linh (idols) nào ngoài Thiên Chúa ra như thờ thần tài, thần bếp, thần hỏa, thần nước, thần cây đa v.v.

Người Công giáo mà trưng ảnh tượng các tà thần này là lỗi phạm điều răn thứ nhất dạy thờ một mình Thiên Chúa mà thôi.

2- Bói toán và ma thuật (divination and magic):

Tất cả những hình thức mê tín như bói toán, coi chỉ tay, bói bài, tử vi (horoscope), chiêm tinh (astrology) phong thủy địa lý, phù thủy (sorcery), đồng bóng... đều là tội phạm điều răn thứ nhất, tức vi phạm niềm tin vào một Thiên Chúa toàn năng duy nhất, Chủ Tể của mọi loài, và là Đấng luôn quan phòng đời sống con người và van vật theo sự khôn ngoan và nhân hậu tuyệt vời của Ngài. Khi tin và thực hành các hình thức mê tín trên đây, người ta đã tìm đến một hay nhiều quyền lực khác trong vụ trụ hữu hình này. Đối với người tín hữu Chúa Kitô, thì những hành vi này đã xúc phạm đến Thiên Chúa vì đã không tuyệt đối tin tưởng vào một mình Ngài là Đấng duy nhất ban phát mọi ơn lành và làm chủ vận mạng con người và vũ trụ (x. SGLGHCG, số 2115-2117)

Thánh Kinh đã lên án tội bói toán, phù thủy, và thờ ngẫu tượng, đồng bóng như sau:
"Giữa anh em không được thấy ai làm lễ thiêu con trai, con gái mình, không được thấy ai làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thủy, bỏ bùa, ngồi đồng cốt, gọi hồn. Thật vậy, nếu ai làm điều ấy thì là điều ghê tởm đối với Đức Chúa, và chính vì những điều ghê tởm đó mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã trục xuất các dân tộc ấy cho khuất mắt anh em." (Đnl, 18: 10-12).
3- Mê tín dị đoan (superstitions):

Phải kể là tội nghịch điều răn thứ nhất các hình thức mê tín dị đoan như tin con số 9, kiêng số 10, số 13, kiêng chụp hình 3 người, ra ngõ gặp đàn bà thì xui, đeo bùa ngải, xin sâm xin quẻ, tin 12 con vật cai trị vận mạng con người và vũ trụ v.v. Những tin tưởng này đều không có cơ sở giáo lý, và đức tin Công giáo nên người tín hữu phải xa tránh mọi thực hành sai trái nói trên để tuân giữ cách nghiêm túc Điều răn thứ nhất dạy phải tin và thờ phượng một Thiên Chúa Ba Ngôi mà thôi.

Tóm lại, mọi hình thức đưa đến tin tưởng vào một quyền lực hay thần linh nào ngoài Thiên Chúa ra đều là tội phạm đến Chúa là Đấng duy nhất ta phải tôn thờ và cầu xin mọi ơn lành hoặc giúp tránh những sự dữ, tai họa cho hồn xác trong cuộc sống trên trần thế này. Nhưng cho được xin ơn Chúa cách hữu hiệu, Giáo Hội dạy mọi tín hữu hãy chạy đến cùng Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ để xin nguyện giúp cầu thay cho trước Tòa Chúa.

Nghĩa là tuyệt đối không thể nhờ thầy bùa, thầy pháp, thầy bói, thầy địa lý hay chiêm tinh gia nào có thể giúp xoay chuyển được số mệnh hay tránh tai ương, hoạn nạn ở đời này. Ấy là chưa nói đến tai họa có thể bị một số "thầy" này lường gạt, chỉ vẽ tầm bậy khiến "tiền mất tật còn" nữa !

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
 
 
 

Việc rời nhà thờ ngay sau Rước lễ là sai như thế nào?

 
Hỏi: Thật không may, một số giáo dân có thói quen xấu là rời nhà thờ ra về ngay sau khi Rước lễ. Tôi ước tính khoảng 30%, tương đương khoảng 225 người, ra về sớm. Nhà thờ của chúng tôi có sức chứa 750 người, vì vậy sự vắng 30% số người dự lễ là rất dễ nhận biết. Xin cha cho một lập luận thần học về lý do tại sao việc rời nhà thờ như thế không phải là hành vi thích hợp. - D. S., Port Charlotte, bang Florida, Mỹ.
Việc rời nhà thờ ngay sau Rước lễ là sai như thế nào
Việc rời nhà thờ ngay sau Rước lễ là sai như thế nào
Đáp: Đây là một vấn đề “muôn thuở”, nhưng người ta phải giải quyết nó bằng sự kiên nhẫn, bằng cách hãy lên tiếng “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (opportune et inopportune, 2 Tm 4, 2) như Thánh Phaolô nói, cho đến khi kết quả tốt đạt được.

Câu hỏi này làm tôi nhớ đến câu chuyện của một linh mục thánh thiện. Linh mục này có cùng vấn đề như thế với một trong các giáo dân mộ đạo của mình. Họ tham dự thánh lễ hàng ngày nhưng lại rời nhà thờ ra về ngay lập tức sau khi rước lễ. Cha đã giải quyết vấn đề bằng cách bảo hai chú giúp lễ cầm đèn nến sáng đi hai bên ông ấy, khi ông ấy đi ra khỏi nhà thờ và cùng đi với ông cho đến khi ông lên xe ra về.

Sau ba ngày sự việc cứ diễn ra như thế, ngưởi giáo dân lịch lãm ấy cảm thấy bối rối và lấy làm lạ, nên xin cha xứ giải thích sự việc. Cha trả lời rằng bởi vì Chúa Kitô vẫn còn hiện diện trong ông khi ông rời khỏi nhà thờ, nên sự hiện diện của ông cần được tôn vinh bằng đèn nến thắp sáng. Không cần phải nói thêm gì nữa, kể từ đó người ấy không bao giờ ra về sớm nữa.

Giai thoại này có thể được sử dụng như là một điểm khởi đầu cho vị linh mục, để giải thích với giáo dân về tầm quan trọng của việc tạ ơn vì hồng ân của Thánh Lễ, của việc được Lời Chúa dưỡng nuôi, của việc tham dự vào hy tế độc nhất của Chúa Kitô, và của việc Rước lễ.

Điều này cũng đòi hỏi phải một khoảng thời gian thực sự thinh lặng sau bài thánh ca hiệp lễ, và linh mục, phó tế và các thừa tác viên khác cần làm gương cho giáo dân, bằng cách ngồi thinh lặng chiêm niệm trong 2-3 phút.

Vào lúc này, linh mục có thể giúp giáo dân bằng suy niệm một lời kinh tạ ơn ngắn gọn. Điều này đặc biệt là có hiệu quả trong các Thánh lễ dành cho thiếu nhi, vì trong khi lời kinh được hướng tới cách rõ ràng cho trẻ em, nó cũng có ích cho người lớn nữa.

Một điểm khác cần được nhấn mạnh là tầm quan trọng của việc tham dự trọn Thánh Lễ. Có nhiều hình ảnh tạo hình để minh họa cho điều này, nhưng đa số có thể hiểu một việc đơn giản là nếu ông chủ của họ, hoặc thị trưởng địa phương chẳng hạn, triệu tập họ đến dự một cuộc họp, họ sẽ không dám ra về, trước khi người chủ ấy chính thức kết thúc buổi họp. Thậm chí điều này còn là đúng hơn khi người cha người mẹ, anh chị em ruột hoặc người bạn thân mời chúng ta dành thì giờ ở bên họ.

Nếu chúng ta ứng xử như vậy trước các người khác và các mối quan hệ, thì điều này cần phải đúng hơn nhiều khi người chủ của chúng ta là Chúa Cha tạo dựng nên ta, Chúa Con chết và phục sinh vì chúng ta, và Chúa Thánh Thần ban sự sống cho chúng ta.

Chúng ta hãy bỏ phép lịch sự qua một bên, và trở về với sự tạ ơn. Thánh Lễ là một cái mà chúng ta cùng cử hành với nhau với tư cách là Giáo Hội, và với tư cách là một cộng đoàn thờ phượng được hiệp nhất với Chúa Kitô qua vị linh mục. Do đó, thánh lễ không chỉ là một cái mà chúng ta cử hành với tư cách cá nhân Kitô hữu.

Trong cùng một cách thức như vậy, việc tạ ơn của chúng ta cho Thánh Lễ không thể được giản lược vào lĩnh vực cá nhân, nhưng phải được thực hiện với tư cách Giáo Hội. Việc tạ ơn tập thể này được làm qua vị linh mục trong lời nguyện kết lễ, mà tất cả đồng thanh thưa "Amen".

Cuối cùng, Thánh Lễ được kết hiệp mật thiết với đời sống và sứ mạng của Kitô hữu. Nghi thức kết lễ (phép lành và lời chúc đi bình an) sai chúng ta ra về để thông chuyển cho anh chị em mình những gì chúng ta đã nhận được. Do đó, nếu chúng ta rời nhà thờ ngay sau khi Rước Lễ, thì chúng ta mất đi thành phần quan trọng của đời sống thiêng liêng của chúng ta.

Về một quan điểm vật chất, người ta cũng có thể thấy liệu có động lực hữu hình nào làm cho người ta rời nhà thờ sớm chăng. Sợ bị kẹt xe ở bãi xe chăng? Giờ hai thánh lễ quá gần nhau chăng? Nếu thực sự có sự bất tiện liên quan như thế, thì một mình thần học là không hiệu quà trong việc thay đổi thói quen của người ta, cho đến khi các bất tiện ấy được giải quyết trước đã.