Trong Kinh Thánh
(Mt 5,20-26), Chúa Giêsu dạy các đồ đệ phải ăn ở công chính hơn những
người suốt ngày chỉ biết chế luật và giữ luật. Sự công chính để được vào
Nước Chúa không hệ tại ở việc tuân giữ nhiều giới luận hơn – một cách
chi li, khe khắt và máy móc – nhưng ở chỗ nhận ra và sống tận căn tinh
thần lề luật.
Chẳng
hạn, luật xưa dạy người ta “Chớ giết người”. Chúa kiện toàn luật xưa:
ai giận ghét, xem thường, chửi mắng anh em mình thì cũng đáng tội không
kém! Ở đây không phải Chúa giảm nhẹ tính nghiêm trọng của tội giết
người, nhưng khi con người ta giận ghét, xem thường, chửi mắng nhau, thì
cũng như đã kết liễu sự sống xét về mặt phẩm giá của nhau rồi. Có nhiều
người vẫn còn sống nhăn răng ra đấy, mà trong tâm tưởng của tôi: “hắn
đã chết rồi!” Ngày nay có đủ thứ giết người không dao: chỉ trích, vu
khống, thù hận, làm gương mù gương xấu, tạo mưu thâm chước độc…
Thiên
Chúa không cấm con người sống thật với “thất tình lục dục” của mình. Đã
là một con người bình thường, ai chẳng có hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục?
Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa Làm Người – cũng có lúc nổi giận và cầm roi
xua đuổi những kẻ ngang nhiên biến đền thờ (nơi phượng tự) thành chợ búa
(nơi dễ bề trục lợi) đấy thôi. Gần đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng
được người ta khám phá ra là cũng biết nổi giận, và báo chí đời thi nhau
giật những cái “tít” thiệt sốc để thổi phồng cơn giận rất đỗi bình
thường ấy. Số là (thuật lại theo Marta An Nguyễn, phanxico.vn) khi đến
gần một trong các người khuyết tật, và khi cúi xuống để hôn thì Đức Giáo
Hoàng bị những người chung quanh, bằng mọi giá muốn chạm đến ngài đã
kéo áo làm ngài mất thăng bằng và ngã chúi người trên một em ngồi xe
lăn. Đức Giáo Hoàng bật dậy, ngài kiểm tra em bé có sao không, chạm vào
vai em, rồi nhìn thẳng vào người đã kéo ngài ngã, với cái nhìn giận dữ,
ngài nói: “Không được ích kỷ, không được ích kỷ”. Sau đó thì ngài cười
lại và kết thúc buổi gặp đám đông. Chuyện này dễ hiểu thôi: sau một ngày
nhiều sinh hoạt như thế, gặp gỡ hàng ngàn người và sau khi đã tiêu hao
rất nhiều năng lực, Đức Giáo hoàng “có thể hơi căng thẳng trong tình
trạng này và ngài đã có một phản ứng bình thường, rất con người…” (theo
linh mục Lombardi).
Thế
nhưng, Chúa Giêsu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cùng những con người khôn
ngoan và nhân đức, họ giận mà không ghét, hoặc chỉ ghét tội chứ không
ghét tội nhân. Vâng, Chúa Giêsu ghét lắm tội lỗi nơi con người, nhưng
Chúa không ghét con người lỡ lầm ấy. Chúa mở đường cho người ta ăn năn
sám hối để được tha thứ tội tình. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng ghét lắm
cái sự ích kỉ nơi con người, bằng chứng là ngài đã phải nổi giận trước
thứ tội đó, nhưng chắc chắn ngài đã tha thứ cho những con chiên “chưa
ngoan lắm” trong đoàn chiên mà Chúa trao phó cho ngài săn sóc. Còn chúng
ta, nhiều khi giận xong thì ghét, và một khi đã ghét thì tha không nổi.
Chúa
Giêsu dạy tiếp: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực
nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ
lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại
dâng lễ vật của mình.” Chúa thích những lễ hy sinh như vậy đó. Vậy mà có
khi tôi vì muốn lập công với Chúa mà đã tranh giành, ganh tức với anh
chị em mình. Tôi cũng từng chứng kiến hai ca đoàn trong một giáo xứ kia
kèn cựa lẫn nhau, thậm chí “chơi xấu” và “trả đũa” lẫn nhau, chỉ vì
“anh” này đã lỡ giẫm chân lên việc của “anh” kia, mà việc của hai “anh”
trên nguyên tắc đều mang danh phụng sự Chúa!
Công
bằng mà nói, ở mức độ nhân bản, thì “ăn miếng trả miếng” là điều chấp
nhận được. Nhưng Thiên Chúa Nhân Lành đâu chỉ nói chuyện công bằng. Chúa
Giêsu đẩy cung cách hành xử của con cái Thiên Chúa đến viễn tượng xa
hơn: trước tòa phán xét. Nhiều người quên mất một ngày kia mình sẽ phải
chấm dứt đời này, và phải trả nhẽ trước mặt Chúa về mọi mối tương quan.
Khi đó, lầm lỗi của “đối phương” gây ra cho tôi đâu có hệ trọng bằng tội
lỗi mà tôi đã phạm trước mặt Chúa! Ngay cả việc tôi không thể tha thứ
cho người khác cũng đã là một thứ tội rồi: tội không tin tưởng vào Lòng
Chúa Xót Thương! Thế nên Chúa Giêsu đưa ra lời khuyên: “Anh hãy mau mau
dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa
công, kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại giao anh cho thuộc
hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra
khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”
Mùa
Chay, tôi có nhiều cách giữ chay. Trước hết là giữ chay việc ăn uống để
tập luyện làm chủ mình (một bài thao luyện thiêng liêng) theo hướng dẫn
của Giáo Hội. Bên cạnh đó, tôi cũng nên giữ “chay lòng”. Một điều thiết
thực là, nhờ đức tin, kiêng bớt những cơn giận ghét. “Anh em nổi nóng
ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma
quỵ thừa cơ lợi dụng!” (Ep 4:26-27). Ăn chay không sống trên mây, theo
tôi nghĩ, là vậy đó.
Bart. Nguyễn Anh Huy, SJ
Mùa chay xưng tội, một nét vui!
Xuân đến xuân đi, mùa chay tới. Ít người nghĩ đến niềm vui của việc sám hối khi xưng tội. Nhiều người nghĩ rằng, câu hỏi “Cần xưng tội không?” thường dành cho những con chiên khô khan nguội lạnh. Còn tôi, dù là thầy tu, tôi vẫn thường tự hỏi câu hỏi này; và khi ấy, tôi cảm thấy một chút vui.
Tâm hồn tựa căn phòng
Mỗi lần sắp rời xa căn phòng nhỏ, tôi dọn dẹp nó sạch sẽ ngăn nắp. Thế mà, sau 2 tuần hoặc 1 tháng, trở lại căn phòng mình, tôi lại nhận thấy sự “hoang dã” của nó. Bởi lẽ, bụi bẩn, mạng nhện… khắp phòng. 1 lần, 2 lần, nhiều lần như thế, tôi chẳng động lòng.
Cho đến lần kia, tôi chợt nhớ lời của vị thầy lão luyện trong lĩnh vực huấn luyện tâm hồn: cần quan tâm chăm sóc linh hồn mình, cơ thể đói còn dễ nhận ra, linh hồn đói không phải ai cũng có thể nhận ra, nhiều khi linh hồn chết đói, người ta mới nhận ra thì đã quá muộn.
Không chỉ là tội thì cần sám hối và xưng thú, mà ngay cả những lỗi, và càng khó sửa là những nết xấu, những tật xấu. Cần làm gì đây! Nếu như tôi cần một kế hoạch để cải thiện sức khỏe thân thể, thì tôi cũng cần phương án cụ thể cho sức khỏe tâm linh.
Một cảnh tượng phác họa trước mắt tôi: không chỉ là bụi bẩn và mạng nhện, mà có thể là căn phòng hoang tàn sụp đổ. Tội trọng cũng khủng khiếp như thế! Việc tôi cần làm chắc chắn là phải xây dựng lại ngôi nhà.
Ngôi nhà gạch, tôi có thể nhờ người khác xây; nhưng ngôi nhà tâm hồn, nếu tôi không muốn, chẳng ai có thể xây cho tôi. Nếu tôi có muốn, tự tôi không thể xây dựng lại. Hầu như ai cũng kinh nghiệm sự bất lực này, khi tội lỗi cứ ám ảnh cứ tái phạm liên miên. Ai thực sự tin Thầy Giêsu, sẽ có kinh nghiệm vượt qua. Sự cao quý của bí tích Hòa Giải là ở chỗ đó.
Tâm hồn tựa cục xốp
Khi nguồn nước không đảm bảo để uống, để sinh hoạt, thì cần được lọc. Trước khi nước được xử lý ở những công đoạn phức tạp và tinh vi, nước thường được xử lý thô bằng cách cho qua cục xốp để chặn lại bụi bẩn và đất cát.
Nếu như cần quan tâm tới sự hòa giải nội tâm bản thân với Thiên Chúa trong bí tích, thì tôi cũng cần quan tâm giúp người khác trong việc hòa giải trong cuộc sống. Khi giúp người khác, tôi tự nhắc lòng mình: tôi chỉ như cục xốp.
Cục xốp giúp gạn lọc dòng đời, nhưng cục xốp cũng đồng thời bám vào mình đầy bụi đời. Nếu cục xốp mãi là cục xốp và chỉ như thế. Chẳng mấy chốc, cục xốp sẽ đen đúng như dòng nước đục, và sẽ mất tác dụng lọc nước.
Sau thời gian làm việc, cục xốp cần được tắm gội trong dòng nước trong mát, để được giũ sạch bụi đời. Cục xốp cũng cần được phơi dưới ánh nắng tươi mới, để được thơm tho, để sạch mùi đời. Dòng nước trong lành ấy, ánh nắng tươi mới ấy chính là sức mạnh Chúa Giêsu ban trong bí tích Hòa Giải.
Tuyên xưng trong tình yêu
Tên gọi “xưng tội” thường được nhiều người nhắc tới. Tuy nhiên, dễ quên một thực tế là: tôi chỉ nói “tội” của mình, chỉ nói điều “kín ẩn” của lòng mình, cho người mà tôi tin tưởng, cho người mà tôi yêu mến. Em bé sẽ chẳng nói tội của bé cho cha mẹ, nếu em biết chắc cha mẹ sẽ ghét và đánh mình. Trong sợ hãi, em buộc phải nói dối, cho dù lòng không muốn nói dối. Trong gia đình đầy tình yêu mến, sẽ không có chỗ cho sự dối trá, mà chỉ có chỗ cho lòng cảm thông tha thứ; có thể có đổ vỡ, nhưng chắc chắn có hàn gắn.
Có người quá nhấn mạnh vào nét “xưng thú tội lỗi” mà quên chưa nhớ tới nét “tuyên xưng tình yêu”. Khi xưng tội, tôi không chỉ nhớ tới tội của mình, mà còn nhớ tới tình yêu mến Chúa dành cho tôi. Tuyên xưng tình yêu, tuyên xưng lòng thương xót của Chúa thì quan trọng hơn.
…
Có lần kia, khi xưng tội với cha xứ nọ, tôi làm cha mất kiên nhẫn, cha đã mắng tôi. Trong thâm tâm, tôi vẫn vui vì biết rằng, chắc chắn Chúa tha thứ cho tôi. Thế là đủ! Xin cho con bắt đầu và lại bắt đầu. Amen.