Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

5 Phút cho Lời Chúa 6/2/2017

Filled under:

GIÊ-SU, NGÔI SAO CỦA CON

Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ,… bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi. (Mc 6,56)

Suy niệm: Một hình ảnh quen thuộc của thời đại, nhất là nơi giới trẻ, đó là hiện tượng tôn sùng thần tượng: các ngôi sao âm nhạc, điện ảnh, bóng đá đi đến đâu thì người hâm mộ tuôn đến, gào thét, xin chữ ký, thậm chí hôn cả ghế ngồi… Thánh Mác-cô kể: sau khi Chúa làm phép lạ cho bánh hoá nhiều, dân chúng đông đảo đến với Ngài không khác gì người hâm mộ chạy theo các ngôi sao: “Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su… Nghe tin Người ở đâu thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó.” Nhưng Chúa Giê-su đâu có phải là một “siêu sao” chỉ nhằm quy tụ thật nhiều “vệ tinh” những người hâm mộ vây quanh mình. Ngài là Chúa, là Đấng Thánh, Ngài nâng những động lực ban đầu đậm màu thế tục ấy lên cấp độ siêu nhiên, đến vô cùng. Ngài đụng chạm đến ai, người ấy được chữa lành, không chỉ tật bệnh thể xác, mà còn cứu sống cả linh hồn. Ngài mời gọi đừng chỉ “tìm của ăn mau hư nát,” mà phải tìm thứ “lương thực thường tồn, đem lại phúc trường sinh” (x. Ga 6,27).

Mời Bạn: Đời sống đạo của tôi, tôi theo Chúa Giê-su. Tôi có khao khát tuôn đến với Thánh lễ, với Thánh thể để được gặp Chúa chưa? Tôi có kinh nghiệm gặp Chúa Giê-su, Đấng tôi tôn thờ chưa, hay Chúa Giê-su vẫn còn mơ hồ trong tôi?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ đến với Thánh lễ, Thánh Thể để được gặp gỡ, đụng chạm đến Chúa của tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là “Ngôi Sao” quyền năng và hằng quan tâm và yêu thương con. Con xin đội ơn Chúa, và yêu mến Chúa!


 THÁNH PHAOLÔ MIKI VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO
(1597)
Thánh Phanxicô Xaviê là nhà truyền giáo đã đem tin mừng cho nước Nhật. Nửa thế kỷ sau các Kitô hữu vẫn còn giữ đức tin của mình, khi vào năm 1597, một cuộc bách hại bùng nổ dữ dội. Lúc ấy Hideyeshi, một viên chức có thế lực đã dựa vào tiếng la hét điên khùng của một thuyền trưởng Tây Ban Nha rằng, các thừa sai đang dọn đường cho cuộc chinh phục Nhật Bản của người Tây Ban Nha, và Bồ Đào Nha để kích động cuộc bách hại. Vua Taicosme tin điều đó. Sáu linh mục dòng Phanxicô bị bắt giữ cùng với những người Nhật thuộc dòng ba Phanxicô giúp việc truyền giáo. Trong số những người Nhật này có ba đồng nhi tuổi từ 12-15 là Luy, Antôn và Tôma Cosaki. Người ta đề nghị với Luy nên trốn đi nhưng Luy từ chối. Em nói với cha mẹ đang khẩn khoản xin em chạy trốn cái chết:
- Chúa sẽ cho con được đủ can đảm để chiến đấu.
Khi vị quan xét hứa ban cho em của cải nếu em bỏ đạo, em khinh bỉ tuyên bố:
- Thánh giá tôi không sợ, vì tình yêu Chúa tôi còn ao ước nữa là khác.
Ba tu sĩ dòng Tên góp thêm vào sổ các vị tử đạo là; Phaolô Miki, Gioan Gottô và Giacôbê Kissi. Họ bị dẫn tới công trường Mêacô. Nhà vua truyền lệnh cắt mũi, cắt tai các tù nhân và chở xe qua các thành phố chính rồi đóng đinh vào thập giá tại Nagasaki. Nhìn ba trẻ em máu me bê bết, nhưng vẫn thản nhiên tươi cười, dân chúng cảm động. Các Kitô hữu phủ phục xin ban phép lành và trong cơn nhiệt thành, có người còn xin lính gác cho được lên cùng một xe nữa mà không được. Phaolô Miki và Gioan Tẩy giả, bề trên dòng Phanxicô, vẫn rao giảng suốt dọc đường xe đi qua. Cuộc du hành thảm khốc chiếu toả ánh sáng tình yêu. Các vị tử đạo không ngừng kêu gọi các linh hồn về với Chúa.
Cuối cùng các vị đã tới đỉnh Calvê, nơi họ được đồng hoá với Đức Kitô, chính vì Ngài mà họ chết. Trên một ngọn đồi quay ra biển, các cây thập giá đang đợi chờ họ.
Bé Luy hỏi xem cây thánh giá nào của mình. Em hăm hở chạy tới. Khi chịu đóng đinh. Em không dứt nụ cười.
Người ta nghe rõ một giọng nói nhiệt thành lặp lại lời người trộm lành: "Lạy Chúa, xin nhớ đến con".
Một tu sĩ dòng Tên từ trên thánh giá, đã giảng bài cuối cùng và thêm: Tôi tha thứ cho những người chủ mưu gây nên cái chết của tôi. Tôi khấn nguyêïn cho họ được lĩnh phép rửa tội.
Bạn trẻ Antôn cố dùng sức tàn để hát lên lời ca: "Hỡi trẻ em, hãy ca tụng Chúa". Nhưng ngài đã không đủ thời gian để ca hết bài. Một lưỡi đòng đã đâm thủng tim ngài.
Tất cả 26 vị đã được tôn phong hiển thánh năm 1862. 


Hướng Về Nagasaki
Nagasaki là một thành phố đã bị trái bom hạt nhân thứ hai tiêu hủy cùng với hàng trăm ngàn sinh linh vào năm1945. Khoảng 350 năm trước đó, vào tháng 2 năm 1597, 26 vị tử đạo đã bị treo vào thập tự trên một ngọn đồi quay mặt hướng về thành phố Nagasakị Họ là những linh mục truyền giáo, tu sĩ, giáo dân. Họ là những người thuộc dòng Thánh Phanxico, dòng Tên và thành viên của dòng 3 Phanxicọ Họ thuộc loại giai cấp xã hội: là những giáo lý viên, nông dân, y sĩ, những người giúp việc và ở mọi lứa tuổi, nhưng tất cả 26 vị được kết hợp trong cùng với một đức tin và một tình yêu Thiên Chúa và Giáo Hội. 
Khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật vào những năm 1860, họ ngỡ là sẽ không tìm thấy một dấu vết nào của Thiên Chúa Giáo nữạ Nhưng sau khi đã thiết lập được vài công đoạn bé nhỏ, các Ngài ngạc nhiên khám phá ra hàng ngàn tín hữu sinh sống quanh thành phố Nagasaki vẫn âm thầm, lén lút giữ vững Ðức Tin mà 26 vị tử đạo đã anh dũng tuyên xưng. 
Vào năm 1617, 26 vị này được phong á thánh và cuối cùng được tôn phong hiển thánh vào năm 1862
"Bản án tử hình của chúng tôi có để lại: những người bị hành quyết này đã đến từ Phi Luật Tân. Nhưng tôi, tôi không đến từ Phi Luật Tân. Tôi là người Nhật chính tông. Lý do tôi bị xử án là vì tôi đã rao giảng đức tin Kitô và thật đúng như vậy, tôi đã rao giảng Tin Mừng này. Tôi cảm tạ Chúa vì tôi được chết vì rao truyền danh Ngàị Tôi tin tưởng là tôi đã rao giảng sự thật và muốn nói với các bạn những lời cuối cùng này: Hãy cầu xin ơn Thiên Chúa giúp các bạn được hạnh phúc. Tôi vâng lời Chúa Giêsu và vâng lệnh Ngài, tôi tha thứ cho những người xử tử tôị Tôi không hờn ghét họ. Tôi cầu khẩn Thiên Chúa thương xót tất cả các bạn và tôi hy vọng máu tôi sẽ tuôn rơi trên đồng bào tôi như là những giọt mưa giúp phát sinh nhiều hoa trái". 
Ðó là lời phát biểu cuối cùng khi đang bị treo trên thập tự của thầy Phaolô Miki, người Nhật thuộc dòng Tên, người được biết đến nhiều nhất trong số 26 vị tử đạo tại Nhật. 
Ngày nay, một thời đại mới đã khởi đầu cho Giáo Hội Nhật. Tuy là một thiểu số khiêm nhường, nhưng những người Công Giáo tại Nhật được mọi người kính nể và được hưởng tự do hoàn toàn tiếp tục rao giảng Tin Mừng và Niềm tin Thánh Phaolô Miki đã rao giảng trong cuộc sống của Ngài và trong những giây phút sắp lìa trần. 
Ước gì sự xác tin, lòng can đảm va sự sẵn sàng tha thứ của Thánh Miki được tiếp tục sống mãi trong tâm hồn các anh chị em tín hữu Nhật và trong tất cả chúng ta.