Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 31/07/2019

Filled under:

SUY NIỆM 1: Kho Tàng Quý Giá

Bài thơ "Viên Ngọc Quý Giá Nhất" của thi hào Tagore có nội dung như sau:
Sanathan cầu nguyện đang lúc đi bách bộ dọc theo bờ sông, bỗng có một thanh niên tiến đến và thành khẩn van xin ngài bố thí. Nhà hiền triết đáp: "Ta không có gì cả. Ta đã cho đi tất cả rồi, Ta chỉ còn cái bị ăn mày này thôi".
Người thanh niên tiếp tục nài nỉ: - Thiên Chúa đã cho tôi đến gặp ngài, vì chỉ có ngài mới có thể giúp tôi và làm cho tôi nên giàu có.
Nhà hiền triết mới sực nhớ ngày nọ ông đã cất giấu bên cạnh bờ biển một viên ngọc quý mà ông đã tình cờ tìm được. Ông nghĩ rằng biết đâu viên ngọc này một ngày nào đó sẽ giúp ích cho một ai đó. Ông liền chỉ cho người thanh niên nơi cất giấu viên ngọc.
Người thanh niên ra đi đào bới và đã tìm được viên ngọc quý. Cầm viên ngọc sáng ngời trong tay, người thanh niên ngồi trên bãi biển và suy nghĩ suốt đêm. Khi bình minh vừa ló dạng, anh tìm đến với nhà hiền triết và khẩn khoản nài xin:
- Thưa ngài, xin hãy cho tôi viên ngọc quý hơn mọi viên ngọc quý. Xin hãy cho tôi thứ của cải vượt trên mọi thứ của cải.
Nói xong, anh ném viên ngọc xuống dòng sông và đứng dậy đi theo nhà hiền triết.
Bài thơ trên đây có thể minh họa cho chúng ta cái nghịch lý chạy xuyên suốt toàn bộ Tin Mừng: mất mát là được lợi lộc, cho là được nhận lãnh, chết là được sống. Ðó là cái nghịch lý mà Chúa Giêsu đã quảng bá và sống cho đến tận cùng: cái chết trên Thập giá và sự Phục sinh vinh hiển của Ngài là một thể hiện của cái nghịch lý ấy.
Trong Tin Mừng hôm nay, với hai dụ ngôn có nội dung gần như nhau, một lần nữa, Chúa Giêsu muốn đề ra cái nghịch lý ấy: vì Nước Trời, con người phải bán đi tất cả, phải chấp nhận mất tất cả. Thế nhưng Nước Trời là gì? Chúa Giêsu xem ra đã không mất giờ và dài dòng trong những lý thuyết khô khan. Với các môn đệ, Ngài nói như một mệnh lệnh: "Hãy theo Ta" và họ đã bỏ mọi sự để đi theo Ngài. Với người thanh niên giàu có, Ngài mời gọi: "Hãy về bán tất cả tài sản, phân phát cho người nghèo, và trở lại đi theo Ta".
Hãy đi theo Ngài, vì Ngài là tất cả. Hãy đánh đổi mọi sự để được sống với Ngài. Chúa Giêsu chính là hiện thân của Nước Trời: nơi Ngài, con người tìm được kho tàng quý giá nhất; nơi Ngài, con người được sống và sống sung mãn. Chính Chúa Giêsu đã nói: "Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào". Các môn đệ được kêu gọi trước tiên để sống với Ngài. Ðược sống với Ngài, đi theo Ngài, lấy Ngài làm lẽ sống, đó là nội dung đích thực của tư cách làm môn đệ.
Kitô giáo do đó thiết yếu chính là Chúa Giêsu Kitô. Làm Kitô hữu có nghĩa là chọn Chúa làm gia nghiệp và sẵn sàng đánh đổi tất cả để sống cho Ngài và vì Ngài. Làm Kitô hữu có nghĩa là đặt Ngài vào trọng tâm cuộc sống, để dù khi ăn, dù khi uống, dù làm bất cứ việc gì, luôn luôn tôn vinh Ngài. Làm Kitô hữu là sống cho Ngài và sống bằng chính sức sống của Ngài, để có thể thốt lên như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi". Một cuộc sống như thế chắc chắn đòi hỏi nhiều hy sinh, phấn đấu, mất mát.
Dù sống trong hoàn cảnh nào, bất cứ người môn đệ nào của Chúa Kitô cũng đều cảm nghiệm được lời tiên báo của Ngài: "Vì Danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghét bỏ". Không bị bách hại công khai, thì cũng bị chống đối hay loại trừ, đó là số phận của người Kitô hữu.
Nguyện xin Chúa Kitô, Ðấng chúng ta đã chọn làm gia nghiệp, luôn gìn giữ chúng ta trên bước đường theo Chúa, và củng cố chúng ta trong nghịch lý mà Ngài đã sống: mất mát là lợi lộc, cho là lãnh nhận, chết là được sống.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Suy niệm 2

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết trân quí Lời Chúa dạy, để khám phá ra kho tàng quí giá mà chọn lựa và mua cho bằng được với bất cứ giá nào. Chính thánh Inhaxiô mà hôm nay Giáo Hội mừng kính là một gương lành sống động minh họa cho việc thực hành Lời Chúa hôm nay. 

Thánh Inhaxio sinh năm 1491, tại Tây Ban Nha. Khi còn là thanh niên, thánh nhân đã không từ khước bất cứ một thủ đoạn nào để mong sao có được một chỗ đứng vững chắc trong xã hội và trong triều đình. Thế nhưng, ngài luôn phải nhận lấy những thất bại dù ngài rất tài năng. Trong một trận chiến diễn ra tại Pamplona năm 1521, ngài đã bị một viên đại bác bắn vào chân. Ngài được đưa về Loyola để dưỡng thương. Để bảo toàn tính mạng cho ngài, người ta đã phải thực hiện những cuộc phẫu thuật ở chân. Trong thời gian dưỡng thương ở nhà, do quá buồn chán, ngài đã xin chị dâu cho mình vài cuốn tiểu thuyết lãng mạn đọc để giết thời gian. Nhưng chẳng có cuốn sách nào trong toà lâu đài ngoại trừ cuốn Hạnh các thánh và Cuộc đời Đức Giêsu. Khi đọc Kinh Thánh, ngài đã bị chính Chúa thu phục qua đoạn sách “lời lãi cả thế gian mà mất phần linh hồn thì nào ích gì” (Lc 9, 25). Đôi mắt Inhaxiô như chợt bừng sáng vì khám phá ra được những điều mà bấy lâu nay ngài không biết. Ngài tự hỏi về ý nghĩa cuộc đời mình, về những gì mình đang theo đuổi. Thế rồi, ngài quyết tâm từ bỏ con người cũ, sống theo một lý tưởng mới. Như người lái buôn tìm được viên ngọc quí, thánh Inhaxio đã từ bỏ mọi sự để theo Chúa và trở thành đấng sáng lập Dòng Tên với châm ngôn: “Tất cả cho vinh quang Chúa”.

Mỗi người sinh ra đều có một lịch sử, một câu chuyện và một sứ mạng. Câu chuyện cuộc đời của mỗi người không ai giống ai nhưng tất cả đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Ai có thể ngờ rằng một chàng thanh niên ham quyền lực và đầy tham vọng, bất chấp mọi thủ đoạn như Inhaxio lại có ngày trở thành một đấng sáng lập một dòng tu nổi tiếng và có sức ảnh hưởng lớn như hiện nay! Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội một vị thánh, một bậc thầy thiêng liêng, một mẫu gương cho chuyến hành hương tiến về Nhà Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết chọn Chúa là gia nghiệp mãi mãi của đời con. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:33

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

Hạnh các Thánh: 30-07 Phêrô Chrysologus

Filled under:

Thánh Phêrô Chrysologus-Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh  
(406-450)
Thánh Phêrô Chrysologus sinh năm 406 tại  Imola, nước Ý, ngài được rửa tội, được giáo dục và chịu chức phó tế bởi Ðức Cornelius, là Giám Mục của Imola.
Thánh Phêrô có biệt danh là “Chrysologus” (lời vàng) bởi tài hùng biện ngoại hạng của ngài. Vào năm 433, Ðức Giáo Hoàng Sixtus III tấn phong ngài làm giám mục của Ravenna. Ngài thi hành nhiều công việc bác ái về thể xác cũng như tinh thần, và chăn dắt đàn chiên với sự cần cù và thận trọng.
Ngài tẩy sạch mọi vết tích của việc sùng bái ngẫu tượng cũng như các lạm dụng khác được phát sinh trong giáo đoàn, ngài cũng cảnh giác họ về việc khiêu vũ thiếu đứng đắn. Ngài nhận xét, “Ai muốn đùa giỡn với ma quỷ thì không thể hoan hỉ với Ðức Kitô.”
Eutyches, người lãnh đạo lạc giáo từ chối nhân tính của Ðức Kitô, sau khi bị Giáo Hội kết án, ông tìm sự hậu thuẫn của các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội, trong đó có Thánh Phêrô Chrysologus. Thánh nhân thành thật nói với ông ta: “Vì lợi ích cho đức tin và sự bình an, chúng ta không thể phán xét vấn đề mà không có sự đồng ý của vị giám mục Rôma.” Ngài thúc giục Eutyches hãy đơn sơ chấp nhận mầu nhiệm Nhập Thể và ngài nhắc cho ông ta biết rằng, nếu sự bình an trong Giáo Hội khiến thiên đàng vui mừng thì sự chia cắt chắc chắn sẽ đem đến lo buồn.
Thánh Phêrô Chrysologus từ trần ngày 02 tháng 12 năm 450 ở Imola, Italy và ngày 10 tháng 2 năm 1729 ngài được Đức Thánh Cha Benedict XIII tuyên phong là Tiến Sĩ Hội Thánh vì các bài giảng đơn sơ, thực tiễn và rõ ràng của ngài hiện còn lưu truyền đến ngày nay.

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:21

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 30/07/2019

Filled under:

 Bài học kiên nhẫn

Ngày 13/5/1917 Ðức Mẹ hiện ra với ba trẻ mục đồng tại Fatima và cho biết Nước Nga sẽ trở lại. Cũng chính năm đó, Lénine đã thực hiện cuộc cách mạng tháng mười để xóa bỏ mọi bất công của chế độ quân chủ và xây dựng thiên đàng tại thế. 80 năm trước đây, lắng nghe và tin vào những lời tiên báo của ba trẻ Fatima thật là phi lý. Nhưng thời giờ của Thiên Chúa không phải là thời giờ của con người. Lucia, một trong ba trẻ đã được diễm phúc chứng kiến sự ứng nghiệm của lời tiên báo; các bức tường đã sụp đổ, bạo động và máu nhường chỗ cho sự tha thứ, lòng nhân từ, tinh thần hòa giải.
Kiên nhẫn là một trong những bộ mặt của niềm hy vọng Kitô giáo. Con người làm lịch sử, nhưng chính Thiên Chúa mới là Ðấng hướng dẫn mọi nẻo đường về với Ngài. Ðó là bài học mà có lẽ Giáo Hội muốn nhắn gửi chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.
Dụ ngôn về cỏ lùng thoạt tiên gợi lên cho chúng ta một trong những thảm kịch lớn của nhân loại. Ở thời đại nào cũng có những người muốn thanh tẩy xã hội bằng các cuộc sàng lọc không tiếc xót: từ Tần Thủy Hoàng đến Hitler, Pônpốt qua các cuộc chiến hiện nay. Khi người ta muốn loại bỏ cỏ lùng, thì người ta cũng nhổ đi cả cây lúa tốt tươi.
Qua dụ ngôn cỏ lùng, có lẽ Chúa Giêsu còn muốn nói đến một thảm kịch khác sâu sắc hơn, đó là thảm kịch của lòng người. Trong đáy thẳm tâm hồn, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được sự giằng co xâu xé giữa một bên là khả năng hướng thiện và một bên là sức mạnh của tối tăm. Cỏ lùng vẫn cố gắng vươn lên trong cánh đồng tâm hồn chúng ta. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy một cách chính xác khi Ngài nói: "Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác không muốn thì tôi lại làm". Sức mạnh của tội ác, của ma quỷ, của sự dữ trong tâm hồn mỗi người chúng ta là một thực tại không thể chối cãi được. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã chẳng dạy chúng ta cầu nguyện: Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ đó sao?
Cảm nghiệm sâu sắc về nỗi yếu hèn và khốn khổ của mình, con người mới cảm thấy cần cảm thông, kiên nhẫn và tha thứ cho người khác hơn. Ðó là bài học thực tiễn mà có lẽ mỗi người chúng ta cần đào sâu, đồng thời cầu xin để mỗi ngày chúng ta phát hiện ra những tia sáng tình thương của Chúa và chia sẻ tình yêu với những người xung quanh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


SUY NIỆM 2

“Ai có tai để nghe thì hãy nghe”. Lời kết của Tin Mừng hôm nay là lời mời gọi thức tỉnh mà Chúa Giêsu muốn gởi trao cho mỗi người chúng ta hôm nay: Thiên Chúa luôn trao ban sự tốt lành cho con người như những hạt giống tốt trong ruộng là thế gian. Nhưng lời kết cũng còn là lời cảnh tỉnh cho chúng ta về một thực tại đáng sợ khác là: ma quỉ cũng đang nỗ lực bày mưu để lôi kéo chúng ta về với chúng.

Thiên Chúa luôn trao ban sự tốt lành, còn ma quỉ thì gieo rắc sự gian trá. Đúng thế. Thiên Chúa luôn trao ban sự tốt lành vì đó là bản chất của Ngài. Vì sự tốt lành, Chúa đã yêu thương tạo dựng nên thế giới bao la xinh đẹp này để trao ban cho chúng ta. Chúng ta được Thiên Chúa tin tưởng và gọi mời lãnh nhận quà tặng là thế giới này, để quản cai, để chăm sóc và để làm cho chúng mỗi ngày sinh huê lợi cách phong phú. Trái lại, ma quỉ là cha của sự gian dối, là kẻ đối lập với Chúa thì luôn âm thầm gieo rắc sự gian trá để tấn công con người, để lôi kéo con người về với nó. Sự gian trá mà ma quỉ dùng là cám giỗ chúng ta biếng nhác trong lao động và ham thích hưởng lợi trong sự an nhàn.

“Ngồi mát xới bát vàng”, đó là thái độ của những kẻ không làm, không lao động mà được hưởng mọi sự sung sướng. Đây là cách nói mà cha ông chúng ta dùng để phê phán lối sống ăn bám, dựa vào bóc lột. 

Ước chi qua những lời dạy bảo của Chúa hôm nay, mỗi chúng ta hãy biết cảnh tỉnh hơn về cuộc sống của chính mình. Hãy lạc quan tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa và ra sức làm việc tốt lành để đạt hạnh phúc vĩnh cữu. Đừng nhẹ dạ cả tin mắc bãy ma quỉ mà tìm kiếm những sự bất chính.

Lạy Chúa, xin giúp con luôn biết biện phân trong cách chọn lựa, để con luôn biết chọn Chúa và những việc tốt lành của Chúa. Amen.

GKGĐ  Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:02

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

LỜI CÁC THÁNH

Filled under:



Chúa không đòi ta cầu nguyện như một cái máy, nhưng cầu nguyện chân thực. Đối với Ngài lời kinh đẹp nhất là những lời kinh lặng lẽ lắng nghe, hơn là những lời dài dòng vô bổ. Làm việc không bao giờ thay thế được cầu nguyện.
H.M. Oger

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:22

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 29/07/2019

Filled under:

Chiêm Niệm Và Hoạt Ðộng

"Mácta, con lo lắng chi nhiều việc chỉ có một điều cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất rồi". Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Mácta đáng cho chúng ta suy nghĩ thêm. Các nhà chú giải đề ra hai điểm:
Trước hết Chúa Giêsu không có ý định giảm giá trị của việc đón rước Chúa mà Mácta đang làm, nhưng Ngài trực tỉnh Mácta về nguy hiểm mà chị đang lao vào đó là thái độ ganh tị. Kế đến Chúa Giêsu làm nổi bật một điểm tốt mà Maria đã rút ra từ hoàn cảnh, đó là đến ngồi bên chân Chúa, lắng nghe Người nói.
Việc lắng nghe có ưu tiên hơn "vì con người không chỉ sống nguyên bởi bánh mà thôi nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Vì thế hãy tìm Nước Thiên Chúa trước, rồi mọi sự khác sẽ được ban cho dư đầy" (Mt 4,4). Tuy nhiên, Chúa Giêsu không đề ra một sự chọn lựa giữa một trong hai điều hoặc thái độ làm việc của Mácta hoặc thái độ chiêm niệm của Maria để rồi chỉ chấp nhận có một thái độ duy nhất của Maria thôi.
Không có sự đối nghịch giữa hoạt động và chiêm niệm trong đời sống của người Kitô, bởi vì cả hai đều phát xuất từ một nguồn mạch là Lời Chúa và cùng hướng đến một việc, một mục tiêu là phục vụ Nước Chúa. Việc lắng nghe Lời Chúa được hướng đến hành động và hành động cần được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Ðây là hai khía cạnh của mối phúc thật "lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa". Ðó là khi trả lời cho người phụ nữ trong dân chúng cất tiếng chúc tụng Mẹ Chúa cũng như khi trả lời cho những kẻ báo tin cho Chúa biết là có Mẹ và anh em Chúa đang chờ, nhưng Chúa trả lời "những kẻ nghe Lời Chúa mà đem ra thực hành, kẻ đó mới là Mẹ Ta và anh em Ta" (Mt 12, 50).
Hai chị em Mácta và Maria nhắc nhở cho cộng đoàn Kitô cũng như cho mọi người Kitô qua mọi thời đại về hai thái độ luôn bổ túc cho nhau. Ðể tiếp nhận Lời Chúa hiện diện nơi chính Chúa Giêsu Kitô không phải chỉ cầu nguyện chiêm niệm mà thôi, cũng không phải chỉ có hoạt động vì hoạt động. Nhưng chiêm niệm và hoạt động phải là hai chiều kích luôn được kết hợp với nhau của cùng một chức vụ, đây là hai yếu tố không thể nào thiếu vắng đi được trong việc theo Chúa.
Trong những hoàn cảnh cụ thể và tùy theo hoàn cảnh ấy, người đồ đệ Chúa có thể hòa hợp việc làm một cách cụ thể giữa cầu nguyện và hoạt động theo một chương trình riêng. Nhưng thật là sai lầm nếu chúng ta muốn canh tân Giáo Hội mà không cầu nguyện, nghĩa là không lắng nghe Lời Chúa, không đối thoại với Ngài, ngõ hầu để hoạt động của chúng ta có thể trổ sinh kết quả. Người đồ đệ của Chúa cần dành thời giờ im lặng để lắng nghe Lời Chúa và đối thoại với Ngài. Trong ý nghĩa này chiêm niệm là phần tốt nhất mà Maria đã chọn, nhưng không phải tách rời ra khỏi việc làm. Ðức tin phải có sức tác động qua đức bái ái. Ðàng khác, cầu nguyện không làm cho người đồ đệ xa lạ với cuộc sống và những vấn đề của con người, nhưng ngược lại cầu nguyện làm cho người đồ đệ có thêm sức mạnh hoạt động biến đổi xã hội, ngõ hầu Thiên Chúa được tôn vinh và con người được hạnh phúc.
Lạy Chúa,
Xin giúp chúng con hiểu và thành công hòa hợp được hai yếu tố không thể tách rời của đời sống Kitô đích thực là làm việc và cầu nguyện. Ước chi việc chúng con làm đều phát xuất từ lời cầu nguyện là việc lắng nghe Lời Chúa và được nâng đỡ bởi sức mạnh của Chúa, sức mạnh trao ban trong những giây phúc chúng con trở về lắng nghe Chúa nói.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


SUY NIỆM 2

“Con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian". Với lời quả quyết mạnh mẽ này của Martha, Chúa Giêsu đã biểu lộ quyền năng của mình khi phục sinh cho Lazarô, người em trai yêu quí của bà đã chết được bốn ngày. Đây quả là một bài học quí giá để nâng đỡ và cũng cố đời sống đức tin của người Kitô hữu chúng ta hôm nay.

Cuộc sống của người Kitô hữu chúng ta hôm nay luôn phải đối diện với biết bao thử thách. Chúng ta đang bị nền văn hóa của hưởng thụ tác động với sự lôi cuốn hấp dẫn của tiền của và vật chất. Những phương tiện hiện đại và thông minh như sự thông minh của những chiếc Iphone Xs, của những chiếc mấy tính bảng, v.v. làm mê hoặc chúng ta. Sự hấp dẫn của những món ăn, thức uống đủ loại. Tất cả những cuốn hút ấy làm chúng ta chỉ nghĩ đến cuộc sống hiện tại và coi đó là cùng đích. Không còn niềm tin vào cuộc sống sau cái chết. Từ quan niệm lệch lạc ấy, thật khó cho chúng ta dám đón nhận một Đức Giêsu - Đấng có quyền năng làm cho kẻ chết được sống lại.

Giáo Hội hôm nay luôn rất cần có những Kitô hữu có niềm tin vào Chúa Giêsu như thánh nữ Martha hôm nay: Tin Chúa Giêsu là sự thật và là sự sống vĩnh cửu. Để nhờ niềm tin này, chúng ta không quá bám víu vào những thực tại của vật chất, của thế giới hôm nay. Trái lại, chúng ta biết xem chúng như những phương tiện hữu ích đưa chúng ta đến cuộc sống vĩnh cữu sau cái chết. 

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm sức mạnh cho chúng con, để chúng con luôn biết bám vào Chúa, là “sự sống lại và là sự sống“ của chúng con. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:47

Hạnh các Thánh: 29-07 Thánh Martha

Filled under:

 Thánh Martha

“Ðức Giêsu yêu quý Mácta, Maria và Lagiarô.” Câu nói độc đáo này trong Phúc Âm của Thánh Gioan cho chúng ta biết về sự tương giao đặc biệt giữa Ðức Giêsu và Mácta, người em Maria, và người anh Lagiarô của ngài.
Hiển nhiên, Ðức Giêsu là người khách thường xuyên đến nhà Mácta ở Bêtania, một ngôi làng nhỏ bé cách Giêrusalem chừng hai dặm. Chúng ta thấy ba lần đến thăm của Ðức Giêsu được nhắc đến trong Phúc Âm Luca 10:38-42, Gioan 11:1-53, và Gioan 12:1-9.
Nhiều người dễ nhận ra Mácta qua câu chuyện của Thánh Luca. Khi ấy, Mácta chào đón Ðức Giêsu và các môn đệ vào nhà của mình, và ngay sau đó Mácta chuẩn bị cơm nước. Sự hiếu khách là điều rất quan trọng trong vùng Trung Ðông và Mácta là điển hình. Thử tưởng tượng xem ngài bực mình biết chừng nào khi cô em Maria không chịu lo giúp chị tiếp khách mà cứ ngồi nghe Ðức Giêsu. Thay vì nói với cô em, Mácta xin Ðức Giêsu can thiệp. Câu trả lời ôn tồn của Ðức Giêsu giúp chúng ta biết Người rất quý mến Mácta. Ðức Giêsu thấy Mácta lo lắng nhiều quá khiến cô không còn thực sự biết đến Người. Ðức Giêsu nhắc cho Mácta biết, chỉ có một điều thực sự quan trọng là lắng nghe Người. Và đó là điều Maria đã làm. Nơi Mácta, chúng ta nhận ra chính chúng ta – thường lo lắng và bị sao nhãng bởi những gì của thế gian và quên dành thời giờ cho Ðức Giêsu. Tuy nhiên, thật an ủi khi thấy rằng Ðức Giêsu cũng yêu quý Mácta như Maria.
Lần thăm viếng thứ hai cho thấy Mácta đã thấm nhuần bài học trước. Khi ngài đang than khóc về cái chết của anh mình và nhà đang đầy khách đến chia buồn thì ngài nghe biết Ðức Giêsu đang có mặt ở trong vùng. Ngay lập tức, ngài bỏ những người khách ấy cũng như gạt đi mọi thương tiếc để chạy đến với Ðức Giêsu.
Cuộc đối thoại của Mácta với Ðức Giêsu chứng tỏ đức tin và sự can đảm của ngài. Trong cuộc đối thoại, Mácta khẳng định rõ ràng là ngài tin vào quyền năng của Ðức Giêsu, tin vào sự phục sinh, và nhất là tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Và sau đó Ðức Giêsu đã cho Lagiarô sống lại từ cõi chết.
Hình ảnh sau cùng của Mácta trong Phúc Âm đã nói lên toàn thể con người của ngài. Lúc ấy, Ðức Giêsu trở lại Bêtania để ăn uống với các bạn thân của Người. Trong căn nhà ấy có ba người đặc biệt. Lagiarô là người mà ai cũng biết khi được sống lại. Còn Maria là người gây nên cuộc tranh luận trong bữa tiệc khi cô dùng dầu thơm đắt tiền mà xức lên chân Ðức Giêsu. Về phần Mácta, chúng ta chỉ được nghe một câu rất đơn giản: “Mácta lo hầu hạ.” Ngài không nổi bật, ngài không thi hành những việc có tính cách phô trương, ngài không được hưởng phép lạ kỳ diệu. Ngài chỉ hầu hạ Ðức Giêsu.
Có truyền thuyết nói rằng ba chị em làng Bêtania đã bị người Do thái bắt thả trôi trên một con thuyền không buồm không chèo không lái. Nhưng họ đã trôi dạt và cặp bến Marseille nước Pháp. Ladarô đã trở thành Giám mục tiên khởi Chúa thành này. Riêng Martha, Ngài đã rao giảng Tin Mừng ở Aix Avignon và Tarascon.
Thánh Mácta được đặt làm quan thầy của các người hầu hạ và đầu bếp.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:36

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

SUY NIỆM CHÚA NHẬT - NGÀY 28-07-2019

Filled under:

 Lời Chúa: (Lc 11,1-13)

1 Một hôm, Ðức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông”. 2 Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Ðại Cha mau đến, 3 Xin Cha cho chúng con ngày nào có lượng thực ngày ấy; 4 Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.
5 Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, 6 vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”; 7 mà người kia từ trong nhà lại đáp: “Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được”. 8 Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh cần, vì thể diện.
9 “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. 10 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. 11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? 12 Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp? 13 Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người?”.

Suy Niệm 1

Một thách đố lớn đối với đức tin của người Kitô hữu
đó là sự thinh lặng của Thiên Chúa.
Gặp cơn cùng khốn, con người cầu cứu Ngài
nhưng không nghe thấy tiếng đáp lại.
Người lành bị trù dập, kẻ vô tội bị hàm oan,
nỗi đau khổ thể xác tinh thần vây bọc lấy đời người.
Con người quằn quại, rên xiết, gào thét, nổi loạn.
“Chúng tôi tố cáo Thiên Chúa vì Ngài vắng mặt.”
Ngài không được quyền vắng mặt và thinh lặng.
Nếu Ngài là Thiên Chúa quyền năng,
Ngài phải tiêu diệt sự dữ và kẻ dữ.
Nếu Ngài là Cha yêu thương,
Ngài không thể quay lưng trước nỗi khổ của con người.
Có nhiều người đã lý luận như thế và kết luận:
“Vì có đau khổ, nên không có Thiên Chúa.”
Có lúc người ta tưởng đau khổ là một vấn đề
có thể đem ra mổ xẻ, giải quyết.
Nhưng rồi người ta thấy đó là một mầu nhiệm.
Chỉ ai tin mới đến gần được mầu nhiệm ấy,
và đón nhận nó trong bình an.
Ðức Giêsu đã không trình bày con đường diệt đau khổ,
nhưng Ngài mang lấy đau khổ vào thân.
Trên thập giá, Ngài nghe được sự thinh lặng của Thiên Chúa,
và thấy được sự vắng mặt của Người.
“Lạy Thiên Chúa của tôi, tại sao Ngài bỏ tôi?”
Như ta, Ngài cũng bước đi trong bóng tối của lòng tin,
dù bị thử thách, vẫn một niềm tín thác:
“Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha.”
Thiên Chúa vẫn là Ðấng toàn năng và yêu thương,
nhưng Ngài hành động không giống điều ta nghĩ.
Ngài không đưa Ðức Giêsu xuống khỏi thập giá
nhưng đưa Con của Ngài ra khỏi nấm mồ,
điều đó khó hơn nhiều.
Hôm nay Ðức Giêsu mời chúng ta cứ xin, cứ tìm, cứ gõ
và tin chắc sẽ được, sẽ thấy, sẽ mở cho.
Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu,
Ngài chỉ ban cho ta những điều tốt lành,
những điều có lợi thực sự cho ta,
những điều làm ta trưởng thành và triển nở,
những điều đưa ta gặp hạnh phúc đích thực,
thứ hạnh phúc không chỉ hạn hẹp ở đời này.
Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu,
nhưng Ngài không nuông chiều con cái,
Ngài dám cắt tỉa để chúng ta sai trái hơn.
Bạn hãy cứ cầu xin
nhưng hãy để cho Ngài định liệu,
vì Ngài biết rõ điều gì là tốt hơn cho bạn
trong hoàn cảnh này, ở đây, bây giờ.
Cần cầu nguyện nhiều, bạn mới biết điều bạn phải xin,
vì những điều chúng ta xin còn mang nhiều cặn bẩn.
Lắm khi chúng ta xin rắn mà không hay.
Cũng có khi ta tưởng Chúa cho chúng ta bọ cạp.
Cần có đức tin mới nhận ra rằng
Chúa đã nhận lời mình rồi,
nhưng theo một kiểu khác với kiểu ta muốn.
Cần đợi đến một lúc nào đó bạn mới thấy
mọi biến cố trong đời đều là quà tặng yêu thương.

Cầu Nguyện
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ
vì những gì Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SUY NIỆM 2

     Có một thầy ẩn sĩ nọ nổi tiếng thánh thiện nhất trong vùng và hay làm phép lạ. Tin đồn rằng: Bất cứ điều gì thầy xin đều được Chúa nhậm lời.

     Một hôm, dân làng kéo đến xin thầy cầu nguyện cho trời mưa, nhưng thay vì mưa thì trời nắng hạn hơn. Một người mẹ vẫn nuôi hy vọng nơi đứa con bịnh nặng của mình đến xin thầy cầu nguyện cho đứa con trai được mau lành bệnh, nhưng đứa con lại chết sau đó vài ngày. Vài người khác đến xin thầy làm phép lạ cho đá trở thành bánh mì nhưng đá vẫn trơ ra đó. Sau ba lần thử thách mà không được gì cả, dân làng nổi giận đuổi thầy ra khỏi phạm vi của làng, nhứt định không cho thầy trở lại trong vùng nữa. Thầy ẩn sĩ tìm một hang đá khác, nơi rừng vắng, thầy than thở với Chúa như sau:

    Lạy Chúa, con không hiểu tại sao lại xảy ra như vậy. Con cầu xin Chúa cho mưa thì Chúa lại cho nắng hạn lâu hơn. Con xin cho đứa trẻ được mau lành bệnh thì Chúa lại cho nó chết. Con xin Chúa cho dân chúng bánh ăn, thì Chúa cứ để những viên đá trơ trơ ra đó. Vì thế, Chúa xem đó, con bị mọi người xua đuổi, xem con như một người tội lỗi ghê gớm.

     Bấy giờ có tiếng từ trời đáp rằng: Này con yêu quí của Cha, Cha ban cho con những gì con đã xin Cha trước đó.

     Thầy ẩn sĩ không còn nhớ những gì mình đã cầu xin trước đó nên mới hỏi thêm: Nhưng lạy Chúa, lời cầu nguyện trước đó là những lời nào?

     Tiếng lạ đáp: Trước đây con đã xin Cha cho con được sống khiêm nhường (x. Veritas).

    Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện. Đó chính là hơi thở của linh hồn, là nhịp đập của đời sống đức tin. Cầu nguyện để chúng ta thưa chuyện với Chúa. Chúng ta cũng quen với việc cầu nguyện là van xin. Xin cho được theo ý ta. Nhưng chúng ta quên mất rằng chúng ta phải cầu nguyện và van xin để cho đẹp ý Chúa. Vâng phục thánh ý Thiên Chúa như Chúa Giêsu vâng phục ý Cha là lời cầu nguyện đẹp nhất, ý nghĩa nhất và cũng là của lễ tuyệt hảo nhất dâng cho Ngài. 

    Chúng ta thường than van hay trách móc Chúa không ban cho chúng ta theo ý ta xin. Ta tập trung vào cái ta cho là cần nhưng không quan tâm điều Thiên Chúa thực sự muốn nơi ta. Chúng ta cầu như thể là chúng ta ra lệnh cho Ngài phải làm theo ý ta.

   Hãy nhìn vào gương cầu nguyện của Chúa Giêsu: “một theo ý Cha, đừng theo ý con”

Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện và xin cho chúng con cũng biết xin gì để đẹp ý Chúa. Amen. 


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:46

Phút cảm nhận Tin mừng chúa nhật 28/7/2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin mừng chúa nhật 28/7/2019
“Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha chúng con ở trên trời...” (Lc 11,2).
Một em bé mồ côi sống trong cô nhi viện đã 8 năm, chưa một lần được gọi ai đó là cha, là mẹ. Ngày đẹp trời nọ, em được một gia đình nhận em về làm con nuôi và lần đầu tiên em được kêu lên; cha mẹ. Em cảm nhận được hai tiếng cha mẹ thân thương biết là dường nào.
Cũng vậy. Các môn đệ Đức Giêsu thấy Thầy mình cầu nguyện, đôi ba lần các ông nghe được hai từ Cha Ơi phát ra nơi miệng Ngài, các ông nghĩ ngợi lắm vì không biết phải thưa nói làm sao với Thiên Chúa là cha của Thầy mình. Thế nên các ông xin Thầy dạy cho các ông biết cầu nguyện.
Các ông há hốc miệng ra vì ngạc nhiên khi Thầy mình cho phép gọi Thiên Chúa Đấng Toàn năng là Cha.
Kinh Lạy Cha, mở đầu bằng lời thưa rất thân yêu kính mến, sau đó là ba điều tôn vinh Thiên Chúa, và thưa bốn điều xin về con. Thưa về Cha trước là tỏ ra con luôn luôn quan tâm đến Cha, tỏ lòng hiếu thảo, kính trọng, yêu mến Cha hơn con. Sau mới thưa đến việc con là tỏ lòng khiêm tốn, xả kỷ, quên mình.
Qua kinh Lạy Cha, Đức Giêsu đã giáo dục nhân loại từ hai nghìn năm nay, biết đi vào con đường lễ phép, khiêm tốn, nhân từ tuyệt vời đó.
“Lạy Cha” tiếng chào mừng vô cùng tôn kính, tiếng cầu khẩn đầy tin tưởng cậy trông của người con hiếu thảo.
Phải tôn thờ Cha vì Cha là Đấng sáng tạo mọi sự,
Phải trìu mến Cha vì Cha ban cho mọi sự đều tốt đẹp:
Phải cầu khẩn Cha vì “mọi sự của Cha là của Con, mọi sự Cha ban cho Con,
“Lạy Cha” phải là tiếng kêu đầu tiên và sau cùng trên mọi môi miệng, mọi con tim khối óc và toàn diện con người để được sống tốt lành, được chết êm ái và được sống lại vinh hiển với Cha trên trời.
Lạy Chúa. Xin ban Thánh Thần cho chúng con, để Ngài dạy cho chúng con biết phải cầu nguyện thế nào cho phải. Vì tự sức mình, chúng con không thể làm đẹp lòng Chúa được. Amen.

Thánh Alphonsa Ấn độ
(1910-1946)
Anna Muttathupadathu sinh ngày 19 tháng 8 năm 1910 tại Kudamalloor, Kerala, Ấn Độ. Con gái ông bà Joseph và Mary Muttathupadathu. Mẹ của Anna mất sớm khi cô còn nhỏ, Anna được người dì nuôi dưởng và được sự giáo dục của ông chú là cha Joseph Muttathupadathu.
Gia đình của người dì nuôi muốn Anna phải lấy chồng sớm. Vì muốn dâng mình cho Chúa và giữ lời khấn đức khiết tịnh nên cô nhảy vào một cái giếng đốt rơm đang cháy trong mùa gặt lúa với hy vọng sẽ làm cho thân thể trở nên xấu xí khiến cho không ai muốn lấy mình làm vợ. Anna đã bị phỏng chân nặng và phải mất nhiều ngày các chỗ bị phỏng trên thân thể mới được lành và việc này khiến cho Anna đi đứng hơi khó khăn về sau.
Anna quyết chí dâng hiến tất cả cuộc đời cho Chúa Giêsu Kitô, theo gương Thánh Têrêsa thành Lisieux. Ngày 02 tháng 8 năm 1928, Anna xin gia nhập vào tu viện dòng Thánh Clara khó nghèo tại Bharananganam, lấy tên là Sơ Alphonsa của Đức Mẹ Vô Nhiễm và được tuyên khấn ngày 12 tháng 8 năm 1936.
Sức khỏe yếu kém của Anna được coi là một trở ngại cho đời sống tu trì và các bề trên đã muốn chị phải trở về nhà; nhưng sơ Alfonsa đã kiên trì trong ơn gọi và được khấn trọn năm 1936.
Dòng thánh Clara theo linh đạo của thánh Phanxicô, học cách yêu mến thánh giá vì tình yêu đối với Chúa Giêsu chịu đóng đanh, và xác tín mình tham gia vào công tác tông đồ của Giáo Hội qua đau khổ. Chị được nhiều ơn siêu nhiên, kể cả ơn nói tiếng Tamil, ngôn ngữ mà chị không hề học, và ơn thấy trước tương lai.
Chị trải qua nhiều thử thách và chịu nhiều đau khổ vì bệnh tật trong quãng đời còn lại. Mặc dù không những đau đớn thể xác tột cùng, mà còn chịu đau khổ về tinh thần khi bị người khác hiểu lầm và đánh giá sai về mình… Chị luôn chấp nhận mọi đau khổ trong thinh lặng và phó thác vào Chúa.
Chị được ghi nhận trước tiên là người biết chịu đựng nỗi đau trong lặng lẽ. Hơn thế nữa, chị đã liên tục đón nhận những đau khổ đến trong cuộc đời mình với lòng thanh thản và tín thác tuyệt đối vào Chúa. Chị xác tín rằng chính đau khổ sẽ thanh luyện con người mình, sẽ giúp mình vượt qua những ích kỷ của bản thân, và quan trọng hơn, chính đau khổ sẽ nối kết mình chặt chẽ hơn với Đức Kitô, Đấng đã chịu khổ đau.
Trong một lá thư gởi cho cha linh hướng của mình ngày 20/10/1944, Alphonsa viết: “Thưa cha, vì Đức Giêsu đã yêu thương con quá bội, con ước ao được ở lại trên giường bệnh và chịu nhiều đau khổ hơn nữa. Vì con cảm nhận rằng chính Thiên Chúa đã cho con được kết hợp với Người trong chính hiến lễ đau khổ của đời con”
Chị qua đời ngày 28 tháng 7 năm 1946 tại Bharananganam lúc mới 36 tuổi. Chị được mai táng trong nguyện đường nhà thờ Thánh Mary ở Bharananganam là nơi trở nên chốn hành hương để kính viếng và xin ơn. Nhiều phép lạ xảy ra do lời cầu bầu của sơ Alfonsa nhất là những trẻ con tại nhà trường của tu viện được chữa khỏi bệnh co rút bắp chân.
Hồ sơ xin phong Chân Phước khởi sự từ giáo phận Palai năm 1955. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công nhận các nhân đức anh hùng và ghi tên chị vào sổ Các Đấng Đáng Kính ngày 09 tháng 11 năm 1984 và hai năm sau ngài đã tôn phong Chân Phước cho chị Đáng Kính Alphonsa của Đức Mẹ Vô Nhiễm ngày 08 tháng 2 năm 1986 trong cuộc viếng thăm tại thành phố Kottayam Ấn Độ cùng với Chân Phước Kuriakose Elias Chavara.
Đức Giáo Hoàng Benedictus XVI đã nâng sơ Alfonsa của Ấn Độ lên hàng hiển thánh ngày 12 tháng 10 năm 2008 tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican. Sơ Alphonsa Muttathupadathu là người nữ đầu tiên của Ấn Độ được tuyên phong hiển thánh

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:19

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 27-07-2019

Filled under:

Bao giờ mới hết sự ác.

Đức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.” (Mt. 13, 24-25)
Ông chủ và các người đầy tớ đã không cảnh giác chăng? Nhưng, ngay cả thời buổi này, ai đòi phải tính đến chuyện canh chừng cho thuở ruộng vừa mới gieo vãi chăng? Chẳng có gì để cho người ta ăn trộm cả… Khi lúa mọc lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng xuất hiện, mọc chung, lớn lên cùng lúc với cây lúa, nhưng không làm cho lúa chết. “Thế thì cỏ lùng ở đâu ra vậy?” Cứ sự thường người ta đều muốn phải nhổ cỏ, phải diệt cỏ xấu để bảo vệ cho lúa tốt. Nhưng ông chủ lại bảo “Đừng, sợ rằng khi nhặt cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.” Phải biết kiên nhẫn và đợi chờ…
Sự ác
Một khi điều xấu được gieo rắc rồi, thì người xấu không phải ở đó mà chờ đợi. Thực vậy, điều xấu sẽ mau chóng phổ biến. Thực vậy điều xấu sẽ chẳng giấu mặt ẩn mình, ai nấy sẽ dễ dàng nhận ra được cái xấu. Một cách nào đó, sự xấu còn dương dương tự đắc là sẽ thắng thế, nên sẽ trà trộn với cái tốt.
Còn sự thiện …
Ông chủ biết rõ rằng điều tốt ông gieo cũng sẽ lớn lên. Ông có cả một thời gian là quá trình lịch sử nhân loại để thực hiện điều này. Điều ta cần lưu ý là trong dụ ngôn, Chúa không bảo sự ác sẽ lấn lướt và thay thế cho sự thiện. Trái lại, đến ngày tận thế kẻ lành, điều tốt sẽ nắm phần chiến thắng.
Thế nhưng chẳng lễ ta sẽ phải đợi cho đến ngày tận thế, ngày chấm dứt cuộc sống này thì sự ác mới không xuất hiện, và những sự xấu xa của nhân loại mới chấm dứt chăng?
Không, thời gian này cũng chính là thời kỳ gặt lúa rồi đó. Chúng ta đang sống trong những thời điểm cuối cùng, không phải cuối cùng của trần gian, mà theo ngôn ngữ của thơ gởi tín hữu Do-thái, thì đó là thời điểm của Phục Sinh.
Nếu mỗi ngày và trải dài cuộc sống ta đều nhìn thấy sự ác, điều xấu và dễ dàng nhận ra điều tốt, điềuxấu, thì bổn phận của mỗi người chúng ta phải góp nhặt lấy cho thật nhiều điều tốt việc lành, chứ không phải là những điều xấu việc xấu. Ta đừng viện cớ mình không biết hoặc đổ lỗi cho những tập tục của xã hội hay nhún vai phân bua! tôi biết làm sao hơn? quyền chọn lựa là của ta. Ta chọn sự thiện hay sự ác, chọn làm người lành hay kẻ dữ.
J.M

SUY NIỆM 2

    Ngày nay, chúng ta thường hay than phiền con cái khó dạy. Từ nhà thờ cho đến nhà trường, từ gia đình cho đến ra ngoài xã hội, có cảm tưởng như con cái chúng ta bắt chước cái xấu rất nhanh. Là những người có trách nhiệm trồng người, chúng ta không khỏi khắc khoải tự đặt cho mình câu hỏi phải làm sao để giáo dục con cái cho tốt hơn? 

     Dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng lúa được nói đến ở trên là một gợi ý thú vị về vấn đề giáo dục và cũng gợi lên cho ta vài đường hướng. Đồng ruộng kia có thể là ngôi nhà của nhân loại hay cũng có thể là chính mỗi con người chúng ta. Ruộng ấy có cả lúa đang mọc lên và những kẻ thâm hiểm đang ngấm ngầm gieo cỏ lùng vào trong ruộng lúa. 

    Ngôi nhà của nhân loại thu nhỏ lại từ trong chính bản thân chúng ta. Chúng ta tự hỏi, chúng ta đã học được điều gì tốt đẹp từ cuộc sống, từ gia đình, cha mẹ, thầy cô và những người trực tiếp dạy dỗ chúng ta? Khi bạn được lĩnh hội một nền giáo dục tốt từ một nền văn hoá cao và có sức tác động mạnh, bạn có đủ tự do và lý trí để phân định tốt xấu. Ánh sáng sẽ đẩy lui bóng tối, cái tốt sẽ đẩy lui cái xấu trong chính chúng ta và trong xã hội. Điều căn bản là phải có một nền tảng giáo dục khai phóng và đầy nhân bản, từ đó mới tạo nên những con người tự do và biết phân biệt tốt xấu. 

    “Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối”. Xã hội ngày nay đầy dẫy những cái xấu dễ tiêm nhiễm vào chúng ta và con cái chúng ta. Chúng ta là con cái sự sáng, là lúa Chúa đã gieo vào đồng ruộng của Ngài, chúng ta hãy đi theo đường lối của Tin Mừng và những chỉ dẫn của Hội Thánh để chúng ta đi cho đến mùa gặt cuối cùng. 

Lạy Chúa, xin soi sáng và ban ơn cho chúng con, để hằng ngày chúng con biết chọn lựa điều hay đều tốt để sống và làm. Amen. 


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:02