Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

SUY NIỆM HÀNG NGÀY - 19/2/2017

Filled under:

Tin Mừng Mt 5: 38-48

38 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.43 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.
 

SUY NIỆM 1

Giáo Hội Chúa Kitô là một cộng đoàn được qui tụ từ Đức tin và Đức mến, và có thể nói sứ vụ của Giáo Hội chính là tiếp tục loan báo và biểu tỏ tình yêu của Chúa cho mọi người. Việc tỏ bày dức ái của Chúa không gì hơn chính là thể hiện lòng thương xót với tha nhân trong cách đối xử với nhau.

Sự hoàn thiện  của Cha trên trời được biểu tỏ qua thái độ bao dung của Chúa, không  nhỏ nhặt chấp nhất, Ngài độ lượng đến nỗi mau quên tội lỗi của chúng ta, và dầy lòng thương xót để sẵn sàng đón nhận hết mọi người, không phân biệt người đó là ai. Và đó chính là thái độ mà Đức Kitô mời gọi chúng ta, những người môn đệ, phải thể hiện trong cuộc sống.

Thật vậy, chúng ta thuộc về cộng đoàn của Đức mến, một cộng đoàn lấy nhân ái làm nền tảng cho các mối tương giao, để từ đó trở thành dấu chỉ của Vương quốc Thiên Chúa, một vương quốc an bình và hạnh phúc, vương quốc của những người luôn biết thể hiện lòng bao dung, quảng đại và yêu thương nhau.

Chúa Kitô đã không lên án kẻ giết mình, nhưng lại cầu xin ơn tha thứ cho họ với một tấm lòng nhân ái: xin tha cho họ vì họ lầm không biết. Sự thứ tha là cốt lõi để kiến tạo an bình, và đó là con đường hành động của Thiên Chúa để ban ơn cứu độ cho muôn người.

Người Kitô hữu chúng ta, khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, chúng ta cũng phải mang trong mình một trái tim độ lượng luôn sẵn sàng tha thứ để dạy người khác thứ tha, vì có thứ tha mới có thể mở rộng lòng đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Vì ơn cứu độ chính là quà tặng quí giá được hình thành từ sự thứ tha bởi lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Đối diện với ơn cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta học được bài học thứ tha để từ đó chúng ta sẽ cảm nhận được rằng tha thứ quả thật là một sức mạnh giải phóng chúng ta khỏi sự sợ hãi, giận dữ và mang lại cho chúng ta sự bình an. Đó là bài học mà nhiều người đã cảm nhận được khi biết tha thứ cho kẻ thù. Chẳng hạn Bà Mariette Jaeger.

“Vào đêm cuối cùng của một kỳ nghỉ cắm trại trong rừng của gia đình, Susie, cô con gái 7 tuổi của bà, bị bắt cóc. Trong những tuần tiếp theo, người ta xới tung cả những cánh rừng lân cận, dùng tàu thủy quét lưới dọc dòng sông bên cạnh để tìm cô bé.

Gia đình Jaeger kiệt quệ về sức lực và cảm xúc, bà thề rằng bà có thể vừa nhếch mép cười vừa giết chết kẻ bắt cóc bằng hai bàn tay trần của mình. Nhưng rồi bà quyết định tha thứ, bà biết rằng nếu để căm ghét xâm chiếm mình, nó sẽ hủy hoại cuộc đời bà.

Đúng một năm sau, kẻ bắt cóc gọi điện thách thức Jaeger, nhưng sau một tiếng đồng hồ hắn suy sụp bên điện thoại khi cảm nhận được sự kiên nhẫn và lòng trắc ẩn của bà và thú nhận đã giết chết Susie. Theo luật pháp, mặc dù kẻ bắt cóc xứng đáng bị xử tử, bà xin chuyển án của hắn thành tù chung thân. Bà cho rằng giết hắn sẽ làm tổn hại tới vẻ đẹp và sự ngọt ngào của cuộc đời Susie và tầm thường hóa nó. Susie xứng đáng được nhận một tưởng niệm cao quý và đẹp đẽ hơn là một hành động giết người lạnh lùng được nhà nước phê chuẩn. Bốn tiếng sau khi yêu cầu của bà được chấp thuận, kẻ bắt cóc tự vẫn trong trại giam.

Trong 20 năm tiếp theo, Jaeger làm việc xã hội, hỗ trợ các gia đình nạn nhân tương tự. Trong cuốn Khám phá tha thứ, bà nhìn lại: Trải nghiệm của tôi luôn được khẳng định. Những gia đình này có tất cả các quyền để căm tức và thịnh nộ, nhưng những ai vẫn giữ tư duy báo thù cuối cùng lại trao cho kẻ phạm tội một nạn nhân nữa. Cay đắng, bị hành hạ, cầm tù trong quá khứ, chất lượng cuộc sống của họ suy giảm. Căm ghét, giận dữ, phẫn uất, chua chát, thù hằn - chúng sẽ lấy đi cuộc đời của chúng ta như là cuộc đời của Susie đã bị lấy đi.

Mặc dù không bao giờ lựa chọn vậy, Jaeger cho rằng bà nhận được một món quà từ cái chết của con mình. Bà đã học được khả năng tha thứ. Jaeger cũng kết nối với mẹ của thủ phạm để làm dịu nỗi đau của người phụ nữ kia. Họ trở thành bạn. Từ đó tới giờ, hằng năm, hai người phụ nữ luôn đi cùng nhau khi thăm mộ con mình” (Trích trong bài Van hoá làm nhục bằng tha thứ và hoà giải của Đặng Hoàng Giang)

Lạy Chúa, xin dạy chúng con hiểu giá trị của sự thứ tha, để giúp chúng con luôn biết huân luyệ cho mình mộtm trái tim quảng đại để sãn sàng tha thứ. Vì khi biết tha thứ là chính lúc chúng con đang trên đường tiến tới sự hoàn thiện như Cha trên trời. Amen

Lm. Antôn Hà Văn Minh


 SUY NIỆM 2
Trong những ngày đầu năm, chúng ta chúc cho nhau những điều tốt đẹp và cần thiết cho cuộc sống; và có hai điều cần thiết nhất và tốt đẹp nhất mà mỗi người chúng ta không bao giờ quên khi chúc cho nhau, đó là: sức khỏe và thành đạt. Tuy nhiên, Lời Chúa trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, nhắc nhở chúng ta về một điều tốt đẹp và cần thiết khác, đó là yêu thương.
Trong cuộc sống hôm nay, đúng là chúng ta gặp rất nhiều thử thách và khó khăn về sức khỏe và thành đạt, nhưng ai trong chúng ta, dù ở độ tuổi nào và trong hoàn cảnh nào, cũng gặp khó khăn về yêu thương: hoặc là chúng ta thấy khó yêu thương người khác, thậm chí khó yêu thương những người thân của mình; hoặc là chúng ta cảm thấy mình không được yêu thương, không được tôn trọng, không được tin tưởng, không được cảm thông, không được lắng nghe, không được bao dung tha thứ.
Và với thời gian, chúng ta sẽ nhận ra rằng, cuộc sống của chúng ta đâu chỉ lệ thuộc vào sức khỏe và thành đạt. Khỏe mạnh và thành đạt, nhưng nếu mỗi người chúng ta không được yêu thương và tin tưởng, không được tôn trọng và đón nhận, không được lắng nghe và cảm thông, không được hòa giải với bản thân và với người khác mỗi khi lầm lỗi, không được bao dung và tha thứ, thì dù có khỏe mạnh và thành đạt, chúng ta cũng không thể sống được; và dù có sống, cũng không có niềm vui, không có hạnh phúc, cuộc sống trở nên vô nghĩa, đổ vỡ, chết chóc và gây đau khổ cho nhau.
Như thế, yêu thương chính là điều tốt đẹp và cần thiết vượt trên mọi điều tốt đẹp và cần thiết khác, mà chúng ta cần cầu chúc cho nhau nhân dịp đầu năm mới. Chúng ta chúc cho nhau sức khỏe, thành đạt và những điều tốt đẹp và cần thiết khác; nhưng Chúa còn mời gọi chúng ta hãy chúc cho nhau: được yêu thương và biết yêu thương. Hơn nữa, theo thánh Phao-lô: “Đức mến không bao giờ mất được” (1Cr 13, 8).

  1. “Đừng chống cự người ác”
Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giê-su nói về luật ngang bằng, nghĩa là luật “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Luật ngang bằng không phải là luật báo thù như chúng ta vẫn thường nghĩ, nhưng ngược lại, đó là luật ngăn cản khuynh hướng báo thù. Như chính chúng ta có kinh nghiệm trong thực tế, do khuynh hướng báo thù, người ta luôn muốn đòi người khác bồi hoàn, hay đúng hơn đòi “trả giá”, hơn điều mình bị mất mất hay bị làm thiệt hại. Luật ngang bằng ngăn chặn khuynh hướng chết chóc này bằng cách đưa ra nguyên tắc: “mắt đền mắt, răng đền răng” và chúng ta có thể thêm: “mạng đền mạng”. Nguyên tắc này vẫn là nguyên tắc nền tảng của mọi lề luật và trong mọi lãnh vực; biểu tượng cái cân của Luật Pháp diễn tả điều này. Đôi khi người ta áp dụng nguyên tắc này cho “Luật của Chúa” nữa.
Vì thế, luật này là một cột mốc quan trọng trong quá trình tiến bộ của xã hội loài người, vì trước đó, người ta tự xử lý nhau một cách vô độ, theo “luật giang hồ”. Tuy nhiên, luật ngang bằng lại nằm ở giữa đường, mà đầu đường bên này là báo thù và đầu đường bên kia là yêu mến tha nhân; nói cách khác, khi sống theo luật này, người ta, xét theo vẻ bề ngoài, không hành xử theo năng động báo thù (vì luật cho phép), nhưng người ta cũng chẳng sống theo tình thương đúng nghĩa. Như người ta hay nói: “yêu không ra yêu, ghét không ra ghét”. Vì thế, luật ngang bằng không thể loại bỏ ý muốn báo thù vốn có ở trong lòng con người. Chẳng hạn, người bị hại nại vào luật để đòi bồi thường, thường hay có ý muốn ngấm ngầm rằng, người làm hại mình phải bồi thường “đích đáng”. Do đó, luật ngang bằng rốt cuộc chỉ là cái đê mong manh ngăn cản sức mạnh kinh hồn của lòng báo thù.
Qua những ví dụ, thay vì dựa vào Lề Luật hay lí lẽ sòng phẳng để bắt bồi thường hay trả giá, bởi vì nếu đòi bồi thường, sự hận thù sẽ có cơ hội len lỏi vào lòng con người, Đức Giê-su mời gọi chúng ta chọn hẳn một chuyển động khác, không kém mạnh mẽ, như chính Ngài sẽ sống đến cùng trong cuộc Thương Khó, đó là lựa chọn sống triệt để và đến cùng năng động của Sự Thiện, vốn có trong tâm khảm của con người, vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Năng động của Sự Thiện được diễn tả ngang qua việc thực hiện hơn cả điều người khác muốn, trong các ví dụ của Đức Giê-su:
  • Đừng chống lại kẻ dữ.
  • Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.
  • Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.
  • Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
Khởi đi từ luật áp dụng cho kẻ dữ “mắt đền mắt, răng đền răng”, những minh họa của Đức Giê-su cũng khởi đi từ kẻ dữ “đừng chống lại kẻ dữ” nhưng đi xa đến tận người xin hay vay mượn: “Ai xin thì hãy cho!” Như thế, lời của Đức Giê-su không diễn tả một luật mới đối lại với luật ngang bằng “mắt đền mắt, răng đền răng”, nhưng diễn tả một năng động không nại đến lề luật hay lí lẽ sòng phẳng, khởi đi từ sự thiện và hướng tối đa đến sự thiện. Và đó là cách vừa hoàn tất lề luật, vừa đánh bại sự dữ hiện diện nơi người khác và nơi chính chúng ta nữa.
Đức Giê-su mời gọi chúng ta sống theo, có thể nói, sự điên rồ của tình yêu. Bởi vì, sức mạnh của sự dữ không thể bị chặn đứng bởi Lề Luật, nếu có thì chỉ tạm thời mà thôi, nhưng chỉ bị chặn đứng và bị đánh bại bởi một sức mạnh khác, đó là sức mạnh tình yêu. Và nhất là khi sống như thế, chúng ta mới sống đúng căn tính của mình là hình ảnh của Thiên Chúa, là con Thiên Chúa, như Đức Giê-su Ki-tô.
Những lời này của Đức Giê-su, tuy thật khó áp dụng, nhưng có sức mạnh khơi dậy lòng ước ao sống theo tình yêu nhưng không và nhất là mang lại cho chúng ta sự an ủi và niềm hi vọng; bởi vì nếu Đức Ki-tô mời gọi chúng ta không ứng xử với nhau theo Lề Luật, đó là vì Thiên Chúa, Cha của Người và cũng là Cha của chúng ta, không ứng xử với chúng ta theo Lề Luật. Và niềm tin, có sức mạnh cứu độ này, dựa vào nền tảng vững chắc là mầu nhiệm Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta.

  1. Luật và Lời
Để giúp chúng ta hiểu, cảm nếm và được chinh phục cách Người “hoàn tất Lề Luật”, cuối cùng Đức Giê-su nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” Như thế, Đức Giê-su mời gọi chúng ta không chỉ sống theo Luật, nhưng còn sống theo Lời của Chúa nữa. Trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5, 17-48), Đức Giê-su dùng tới năm lần công thức sau đây : « Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em » (c 21, 27, 33, 38 và 43). Giáo Hội đã cho chúng ta nghe ba lần đầu, vào Chúa Nhật trước:
  • Lần thứ nhất về luật chớ giết người.
  • Lần thứ hai, luật chớ ngoại tình.
  • Lần thứ ba, chớ bội thề.
  • Lần thứ tư, luật ngang bằng, nghĩa là luật « mắt đền mắt, răng đền răng ».
  • Và lần thứ năm liên quan đến luật « yêu đồng loại và ghét kẻ thù »; đó nội dung của bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, và đó cũng là một trong ba bài Tin Mừng mà Giáo Hội đề nghị đọc trong Thánh Lễ Tân Niên, vào sáng Mồng Một Tết.
Tuy chỉ là năm minh họa, nhưng những minh họa này lại đụng chạm đến những chiều kích thiết yếu của sự sống con người: sự sống, hôn nhân, lời nói, công lí, tương quan giữa hai nhóm hay cộng đồng. Để sống những chiều kích này, Đức Giê-su mới gọi chúng ta không chỉ sống theo lề luật, nhưng còn sống theo Lời của Người. Điều này, nghe thì thật là hay và đúng nữa, nhưng làm sao mà sống được? Yêu thương những người thân cận theo lề luật đã khó, thì làm sao yêu thương kẻ thù, yêu thương những người không có thiện cảm với chúng ta, những người làm hại hay những người ngược đãi chúng ta, theo Lời Chúa được?
Khó, nhưng chúng ta vẫn cứ phải cố gắng, cố gắng từng ngày; khó, nhưng chúng ta vẫn cứ phải bắt đầu, rồi lại bắt đầu; bởi lẽ chúng ta là con Thiên Chúa, chúng ta được Đức Giê-su mời gọi nên hoàn thiện như Thiên Chúa, Cha của chúng ta ở trên trời Đấng hoàn thiện, vì “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”. Có thể nói, Đức Giê-su mời gọi chúng ta, “Cha nào thì con nấy”, “con nhà tông, không giống lông thì cũng giống cánh”!
Như thế, chúng ta là con Thiên Chúa, là Ki-tô hữu, là những người tin vào Đức Ki-tô, là môn đệ của Đức Ki-tô, thì chúng ta phải sống khác người ta, như lời Người mời gọi: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?”

  1. Kinh nghiệm được yêu thương và bao dung
Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: chúng ta cố gắng sống theo Lời Chúa, sống hoàn thiện như Cha trên trời, sống khác với người khác, nhưng chúng ta cố gắng một hồi là đuối sức, vì chúng ta rất giới hạn và yếu đuối, hơn nữa chúng ta còn bị chi phối bởi hoàn cảnh và môi trường sống nữa, bị chi phối bởi sức mạnh của ma quỉ nữa.
Nhưng chính khi chúng ta đuối sức, chúng ta giới hạn, chúng ta yếu đuối và phạm tội nữa, chúng ta lại nghiệm được Chúa yêu thương, cảm thông và bao dung chúng ta, như thánh Phao-lô nói: “Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện ở nơi Đức Ki-tô” (Rm 8, 39). Và đây là điều lạ lùng và kì diệu: chúng ta càng nhận ra Chúa yêu thương và bao dung chúng ta, con tim của chúng ta càng được biến đổi để yêu thương và bao dung người khác, và trước hết là những người thân cận và những người thân yêu của chúng ta. Hơn nữa, Chúa dạy chúng ta yêu kẻ thù, thì chẳng lẽ Chúa không yêu chúng ta, vốn là con của Người, trong Người Con Yêu Dấu Giê-su Ki-tô.

*  *  *
Và đó chính là con đường thiêng liêng, hay có thể nói, đó là “bí quyết” giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn trong nỗ lực yêu thương nhau: đó là chúng ta đừng bao giờ quên và cần ghi nhớ mỗi ngày, chính bản thân chúng ta được Chúa yêu thương bao dung và tha thứ trước, một cách vô hạn và nhưng không.
Vừa rồi là bí quyết thứ nhất. Ngoài ra, còn có một “bí quyết” thứ hai nữa: đó là chúng ta cần hiểu yêu thương và sống yêu thương theo nhiều mức độ khác nhau, chứ không thể nào hoàn thiện ngay được:
  • Nếu, chúng ta chưa yêu được bằng con tim, bằng tình cảm dạt dào, thì ít nhất chúng ta yêu bằng những cử chỉ và hành động tốt lành, chẳng hạn, tôn trọng, chào hỏi, giúp đỡ, thăm hỏi… theo luật đức ái đòi hỏi.
  • Và nếu chúng ta chưa thể làm cho nhau những điều lành, thì ít nhất chúng ta đừng làm điều xấu cho nhau, đừng làm hại nhau.
  • Và nếu chúng ta bị ma quỉ xúi dục làm điều xấu cho nhau, làm hại cho nhau, chúng ta cố gắng đừng làm gì hết, và cầu nguyện nhiều cho mình và cho người khác như lời Chúa mời gọi: “hãy cầu nguyện cho họ”, để Chúa giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc