“Trên con đường vợ chồng con đang đi, chúng con luôn đặt niềm tin vào Chúa, vào Mẹ Maria. Chúng con được Chúa ban cho một đứa con trai. Ngày đêm chúng con luôn cầu nguyện, đọc Lời Chúa để cảm tạ. Xin cho con của con được sinh ra khỏe mạnh như bao đứa con khác. Cuối tuần vừa rồi, vợ con chuyển dạ sinh non. Bào thai chỉ mới được 7 tháng tuổi. Em bé được sinh ra trong sự lo lắng và chờ đợi. Khi em bé sinh ra cũng là lúc chúng con không còn đứng vững khi biết con trai mình mang căn bệnh nhiễm sắc thể thứ 18. Dù vợ chồng con vẫn mạnh khỏe, gia đình không có ai bị bệnh đó cả. Bác sĩ bảo em bé chỉ có thể sống không quá một tuổi. Bé có thể ra đi bất cứ khi nào. Nhìn con mà chúng con không còn chút nghị lực để tiếp tục sống. Chúng con luôn hỏi tại sao Chúa lại bỏ rơi chúng con. Lúc này, chúng con không biết phải làm thế nào cả.”
(Một độc giả)
Xin chào bạn,
Khi
viết những chữ này để chia sẻ cùng anh, tôi thật sự không nhớ nỗi là
mình đã đọc những dòng tâm tư của anh bao nhiêu lần rồi. Câu chuyện của
gia đình anh đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi cảm thấy nơi đó là cả
một bầu không khí ảm đạm, nỗi buồn, nỗi thất vọng và cả hụt hẫng nữa của
anh và toàn thể gia đình. Anh và gia đình luôn quy hướng về Chúa với
một lòng tin yêu. Thế nhưng, điều mà anh nhận được chỉ toàn là những đau
xót. Tôi xin chia sẻ cùng anh nỗi đau thương mà anh và gia đình đang
gánh chịu. Tôi hứa là sẽ cầu nguyện, xin Chúa nâng đỡ anh và gia đình
trong biến cố đau thương này.
Tôi nghĩ
là bất cứ ai, khi rơi vào tình trạng giống như anh cũng sẽ có cùng một
thái độ và lối suy nghĩ như anh. Nếu anh thấy cần, anh có thể đến trước
mặt Chúa, thổ lộ hết tất cả những gì đang có trong lòng anh, trách Chúa,
buồn Chúa, hỏi Chúa… Hãy khóc trước Chúa, nếu như anh cảm thấy không
thể kiềm chế được cảm xúc. Tôi tin là Chúa sẽ hiểu anh. Ngài sẽ không
trách anh, trái lại, Ngài sẽ đến và thêm sức cho anh, vì chính Chúa Cha
cũng đã có kinh nghiệm nhìn người Con Yêu của mình đang từ từ chết đi
trên thập giá.
Bạn thân mến,
Cuộc
sống mà chúng ta đang sống là một nhiệm mầu. Chúng ta sẽ không tài nào
có thể lý giải được những biến cố xảy đến. Sự dữ vẫn cứ hoành hành khắp
nơi, gây nên những điều có vẻ như rất bất công. Tại sao người giàu càng
giàu, tại sao người nghèo cứ nghèo, tại sao người ác thì cứ luôn bình an
vô sự, còn người tốt thì chết bất đắc kỳ tử…? Đây là những câu hỏi mà
muôn đời chúng ta không thể nào có được câu trả lời cho thỏa đáng. Cả
người tin vào Chúa và không tin vào Chúa đều trải qua tất cả những điều
ấy, nhưng thái độ của hai loại người này trước biến cố không may xảy đến
cho họ thì có khi lại khác nhau.
Anh
có nhớ Mẹ Maria không? Mẹ sống một cuộc đời tuyệt vời, lúc nào cũng tín
thác và đọc kinh dâng lời tạ ơn Chúa. Vậy mà phần thưởng Chúa ban cho Mẹ
là gì? Là bị người ta xua đuổi nên phải sinh con trong chuồng bò, là
khi thai kỳ chưa hết thì phải chạy trốn lánh nạn, là chịu cảnh nghèo
cùng với con, và đau đớn nhất là đứng đó, nhìn con của mình chết từ từ
trong đau đớn. Anh có thấy hoàn cảnh của mình giống Mẹ Maria không? Thấy
con mình đang dần dần chết đi, mà không thể làm gì được. Nhưng Mẹ đã
làm gì? Mẹ chẳng hiểu cái gì là ơn cứu độ, chẳng thể hiểu nỗi vì sao
việc con mình chết đi thì có lợi cho cả nhân loại. Trước mắt Mẹ đây là
một nỗi đau xé gan xé thịt. Nhưng MẸ VẪN TIN. Mẹ tin là Chúa khôn ngoan
hơn Mẹ, Chúa quyền năng hơn Mẹ. Nếu Chúa đã muốn để cho chuyện này xảy
ra thì chắc chắn là để nhắm đến 1 điều tốt hơn. Hiện tại, Mẹ chưa thấy
chưa hiểu, nhưng từ từ, khi thời gian qua đi, Mẹ sẽ hiểu. Và quả đúng
như thế, niềm tin của Mẹ đã không phản bội Mẹ, vì Chúa chẳng bao giờ làm
ngơ kẻ đặt niềm tin vào Ngài. Giây phút này đây, tôi khuyên bạn hãy đến
với Mẹ, chiêm ngắm Mẹ, để Mẹ ban thêm niềm tin cho bạn.
Bạn
chia sẻ với tôi là trên con đường vợ chồng bạn đang đi, các bạn luôn
đặt niềm tin vào Chúa, vào Mẹ. Đây chính là lúc bạn chứng tỏ niềm tin
ấy! Người ta sẽ dễ dàng ca ngợi Chúa khi được Chúa ban cho của cải đầy
dư, vạn sự như ý. Nhưng người ta có thực sự tin vào Chúa hay không, thì
chỉ những lúc khó khăn như thế này mới chứng minh được. Bạn có nhớ dụ
ngôn 10 cô trinh nữ không (x. Mt 25,1-13)? Khi bình thường, cô nào cũng
như cô nào. Nhưng khi chú rễ đến muộn, cô nào khôn ngoan trữ dầu sẽ khác
biệt với cô nào ỷ lại không trữ dầu. Đời sống đức tin của chúng ta cũng
vậy! Bình thường thì ai cũng như ai. Nhưng khi đau khổ đến, người có
đức tin sẽ được phân biệt với người không có đức tin ngay. Nếu anh và
gia đình đã luôn tin vào Chúa, thì hãy cố gắng thêm chút nữa đi. Hãy cố
mà tin vào Chúa ngay trong khoảnh khắc này đi. Chắc chắn, một điều tốt
đẹp trong tương lai sẽ đến với gia đình bạn vào một ngày không xa.
Chắc
chắn là anh và gia đình đang đau khổ lắm. Những dòng chia sẻ của tôi
trên đây chưa chắc giúp được gì cho anh, càng không có tác dụng cứu sống
em bé. Nhưng tôi xin Chúa luôn ở cùng bạn và ban thêm niềm tin cho bạn.
Sống giữa thế gian này, chỉ có niềm tin vào Chúa mới giúp mình thoát
khỏi những bận tâm về đau khổ và buồn phiền thôi. Mến chúc anh sớm lấy
lại tinh thần và là chỗ dựa vững chắc là vợ anh.
(Xin
quý độc giả cùng hiệp thông với gia đình nhỏ trên qua lời kinh đơn sơ
dâng lên Chúa, vì xét cho cùng, chúng ta đều là con cái Thiên Chúa, là
anh chị em của nhau)
Giàu và nghèo!
Cứ sự thường, chúng ta thích nghe đến chữ
“giàu” hơn là “nghèo”. “Giàu” có nghĩa là có nhiều thứ, sở hữu nhiều
điều. Những nhu cầu của ta được khỏa lấp, nỗi lo sợ phập phồng cũng được
giảm bớt đi. “Giàu” cũng đồng nghĩa với vinh quang, sáng chói, uy
phong, rực rỡ, tiện nghi – những điều tuyệt vời mà ai cũng ao ước và
phấn đấu cả đời. “Nghèo” thì ngược lại! “Nghèo” thì chỉ có hai bàn tay
trắng, không thể làm chủ và quyết định được gì, chịu chấp nhận để số
phận đẩy đưa, phải cúi mình cho người ta sai khiến. Sống mà chỉ biết tồn
tại với thời gian, chứ không bao giờ dám nghĩ tới ngày mai hay chút
nữa, bởi càng nghĩ thì chỉ thấy một nỗi phập phồng lo sợ, hay một nỗi
khắc khoải trồi dậy trong tim. Cái nghèo chính là nỗi ám ảnh của ta, là
sự thất bại của bất cứ ai sở hữu nó. Quan niệm như thế và cũng do bản
tính tự nhiên thúc đẩy, nên giữa hai thái cực giàu và nghèo này, ta luôn
nghiêng chiều về hướng muốn mình ngày một giàu hơn, có nhiều hơn nữa.
Có
một sự thật mà nhiều lúc chúng ta không để ý đến, là đôi khi, càng sở
hữu, ta càng lo sợ nhiều hơn, chứ không phải là được an nhàn hay ung
dung thoải mái. Bởi có nhiều, nên ta sợ một ngày nó sẽ mất. Theo bản
tính, có ít thì ta muốn có nhiều hơn, có nhiều rồi lại muốn có thêm nữa.
Chẳng bao giờ là đủ đối với ta. Chỉ vơi đi một chút thôi cũng làm cho
ta đau khổ lắm rồi. Có một chiếc xe hiệu, ta lo sợ mất nó, ta nhịn ăn để
có tiền trang trí và tô vẻ cho nó. Có được chiếc Iphone tốt, ta sợ nó
bị trầy, ta thà là mình té đau chảy máu, còn hơn là thấy có một vết xướt
trên “con dế” thân yêu. Mua được chiếc áo thời trang, ta sợ nó bị vây
bẩn, ta mất giờ giặt giũ, ủi nếp kỹ càng, treo lên cẩn thận, ta có thể
vung tay đánh người khác một cái thật mạnh, còn với nó, ta nhẹ nhàng và
nâng niu như bảo vật vô giá chẳng ai sánh bằng. Xây được ngôi biệt thự
cao cấp, ta phải thuê người trông giữ, bắt camera khắp nơi để quan sát,
mua chó để canh chừng. Ra đường với những chiếc nhẫn kim cương lấp lánh,
hay túi xách chứa đầy vàng bạc, ta cũng lo sợ là không biết có ai đang
âm mưu cướp giật nó không. Sinh mạng ta, an toàn của ta lệ thuộc tất cả
vào những điều ấy!
Cũng có một điều
mà lắm khi chúng ta không đủ khôn ngoan để nhận ra, là trong cái nghèo,
lại phảng phất đâu đấy hương vị của sự tự do và thoải mái, tuy có chút
khác thường. Đơn giản là vì, khi không có gì, thì đâu sợ mất cái chi
nữa. Thức ăn chưa chắc là ngon, chổ ở chưa chắc là tốt, nhưng chắc là họ
sẽ có một giấc ngủ ngon vì không sợ tên trộm nào làm phiền, khoét vách
giữa đêm hôm. Họ không có nhu cầu phải chạy đua với thời trang. Họ có
thể nhẹ nhàng đi đến đâu cũng được, vì không bị những tài sản hay đống
tiền ở một nơi nào đó cầm giữ. Lòng họ thanh thoát vì chẳng có gì níu
kéo con tim họ. Nơi nào họ cũng có thể ngả lưng nằm nghỉ, chứ không nhất
thiết phải là chăn ấm nệm êm. Cái gì ăn được, họ đều có thể ăn, chứ
không cần gì phải mâm cao xôi cỗ. Không ai để ý đến họ thì họ cũng không
bị những ống kính dư luận xoi mói, canh chừng. Chẳng có ai dòm ngó đến
họ thì họ cũng không cần phải đóng kịch, giả vờ nói hay nói ngọt để lấy
lòng người ta. Họ cứ sống cuộc sống của mình cách đơn sơ và chân thật
nhất, không cần phải đeo mặt nạ để che đậy sự dốt nát của mình bằng một
phong cách sống giả tạo và phô trương, cùng với những phát ngôn gây sốc
cho mọi người. Không có gì, đúng là một tình cảnh thảm thương thật,
nhưng lại trao ban cho con người một sự tự do và thanh thoát vô cùng!
Thực
tế cuộc sống thường cho thấy là khi giàu có, sở hữu nhiều thứ trong
tay, ta có cảm giác là mình đầy đủ rồi, tự mình có thể lo cho mình rồi
mà không cần gì phải đi lễ, đọc kinh. Một cám dỗ sẽ đến với người giàu,
khiến họ nghĩ rằng những lời cầu nguyện chỉ là những lời lảm nhảm vô
ích, mất thời giờ. Trước mặt Chúa, dường như họ cảm thấy Chúa cần đến
mình hơn là ngược lại. Có tiền, có quyền trong tay rồi, mình cần gì đến
sự chở che của Chúa. Mình có thể bỏ tiền ra xây dựng nhà thờ, nhà giáo
lý, nhà xứ. Không có sự đóng góp của mình, những công trình kia đâu có
dễ hoàn thành. Một sự kiêu ngạo cũng trồi lên từ đấy! Ngược lại, khi
không có gì, ta bỗng được mời gọi để sống tín thác hơn, gắn bó với Chúa
hơn. Ta nhận ra một điều là dường như ngoài Chúa ra, ta không còn biết
bám vào ai nữa. Cuộc đời này thật quá phũ phàng với ta, có người nào
chịu ngồi nghe ta giãi bày tâm can, trút bầu tâm sự đâu. Chỉ có Chúa là
sẵn sàng đón nhận ta, kề cận với ta. Những lời cầu nguyện của ta cũng
tha thiết hơn bao giờ hết, vì nó xuất phát từ con tim chân thành của
mình. Rồi từ trong những khốn khó ấy, ta thấy cánh tay Chúa yêu thương
giang rộng, lo liệu mọi sự tốt đẹp cho ta. Mọi thứ cứ diễn ra hệt như
một sự xếp đặt tài tình mà ta chẳng bao giờ ngờ tới. Dần dần, niềm tin
của ta được củng cố, lòng yêu mến của ta dành cho Người được gia tăng,
tương quan giữa ta với Người thêm gắn bó.
Thực
ra, không phải là sở hữu nhiều, nhưng có khả năng cho đi nhiều mới là
người giàu. Có nhiều nhưng không chia sẻ, hoặc chia sẻ với một thái độ
kể công, ích kỷ, muốn đền bù thì cũng chỉ là một con người nghèo không
hơn không kém. Họ nghèo lòng yêu, nghèo sự bác ái, nghèo sự cảm thông.
Họ cho đi mà tính từng đồng, trong lòng cứ băn khoăn là không biết có ai
thấy việc mình vừa làm không, có ai dành cho mình lời khen và ghi nhận
nỗ lực của mình không. Một con tim nhỏ đi với một cái đầu nhỏ như thế
thì làm sao gọi là giàu được. Ngược lại, không bạc vàng trữ kho, không
có gì trong tay, nhưng hễ có gì là họ sẵn sàng cho đi, san sẻ với những
ai túng thiếu, đó mới thực là một người giàu đúng nghĩa, vì những gì họ
cho đi là cả một khối tài sản khổng lồ của họ. Thế nên, người giàu có
thể trở thành nghèo, người nghèo có thể trở thành giàu chỉ trong một
gang tấc, hệ ở việc họ sử dụng những gì họ có như thế nào. Thử hỏi, trên
đời này, ai là người giàu có đến mức độ có thể đáp ứng tất cả mọi nhu
cầu của người khác, và ai là người nghèo đến mức độ không có gì để trao
ban?
Thiên Chúa của chúng ta là một
Thiên Chúa giàu có nhưng cũng là một Thiên Chúa nghèo khó. Giàu có là vì
Ngài đã cho đi nhiều hơn ai hết tất cả sự phong phú của mình. Nghèo khó
là vì Ngài đã trút bỏ đến chẳng còn chi. Ngài dùng sự nghèo khó ấy để
làm chúng ta được nên giàu giống như Ngài. Thiên Chúa luôn muốn chúng ta
được giàu có. Nhưng chúng ta đang tìm kiếm một sự giàu có theo kiểu
nào: một sự giàu có khiến ta bị ràng buộc hay giúp ta được tự do, một sự
giàu có khiến ta lo lắng bất an hay giúp ta thấy an tâm thoải mái, một
sự giàu có của ích kỷ, nắm giữ hay quảng đại cho đi? Nếu chúng ta muốn
tích trữ cho mình một kho tàng, thì như Đức Giêsu nói, chúng ta hãy tích
trữ chúng ở nơi mà mối mọt không thể đụng tới, ở nơi chẳng bao giờ hư
nát, ở nơi mà không ai có thể giành giật được với ta. Đó mới thật là một
sự tích trữ khôn ngoan. Ai có nó mới là một con người giàu có thật sự.
Ước
gì chúng ta có thể sống sự nghèo khó của mình một cách thật giàu có để
có thể chiếm hữu được tài sản quý giá nhất là Nước Trời, là chính Thiên
Chúa của chúng ta.
Quá khứ – hiện tại – tương lai
Chúng ta là những loài thụ tạo được đặt
để trong thời gian. Thời gian qua đi kéo theo những sự thay đổi của tất
cả những gì bị nó chi phối. Mới ngày nào còn nhỏ xíu, giờ đây, bỗng nhìn
lại, ta đã thấy mình lớn lên lúc nào chẳng hay. Có biết bao điều xảy ra
trong quãng thời gian ấy. Cuộc sống của chúng ta hệt như một chấm nhỏ
trượt dài trên một sợi dây. Nơi chấm nhỏ ấy hiện diện chính là hiện tại.
Nơi nào chấm nhỏ ấy đã trượt qua chính là quá khứ. Và khoảng không phía
trước mà chấm nhỏ ấy tiến về được gọi là tương lai. Quá khứ – hiện tại –
tương lai là ba thành phần làm nên lịch sử dài của cuộc sống.
Ta
sống là sống ở giây phút hiện tại. Chính lúc này và ở đây mới là cuộc
sống của ta. Những hoài niệm và mơ ước góp phần làm cho sự hiện hữu của
ta thêm phong phú, nhưng nó không làm nên ta vào chính thời điểm này.
Thực ra, ta chẳng biết thế nào là “bây giờ”, vì ngay khi ta ý thức nó
thì nó đã trở thành quá khứ và cái tương lai phía trước đã trở thành
hiện tại của ta. Nhưng ít ra, có một khoảng thời gian ngắn ngủi hiện hữu
chung quanh ta, giúp ta thực hiện một hành vi gọi là “sống”. Lúc này
đây, ta đang hít thở, đang có tương quan này, đang làm công việc này,
đang đối mặt vấn đề kia. Người nào không ý thức đủ và tận dụng thích
đáng những gì “đang” có lúc này đây, người ấy không thực sự sống, nhưng
chỉ tồn tại như kiểu bị buộc phải hiện hữu mà thôi. Giây phút hiện tại
là cái sống động, khơi dậy trong ta tất cả những tiềm năng và sức mạnh
ẩn giấu, làm cho ta được thể hiện hết mình và triển nở sung mãn nhất.
Khác
với hiện tại, quá khứ là cái gì đã qua đi, cái của hôm qua, của ngày
trước. Thời gian lặng lẽ trôi đi làm cho quá khứ của ta càng ngày càng
dài thêm. Nghĩ về quá khứ, cái gợi đến trong ta thường là một cảm giác
lâng lâng, man mác khó tả đến vô cùng. Người không có chút ấn tượng nào
về quá khứ là người đánh mất đi cội rễ của mình. Người ấy sẽ thấy chơi
vơi, lạc lõng như con thuyền bị dứt sợi dây neo không biết nơi đâu đỗ
bến. Quá khứ là nơi cất giữ tất cả những kỷ niệm của ta: kỷ niệm thời
thơ ấu, kỷ niệm thời học sinh, kỷ niệm với biết bao người ta thương mến.
Quá khứ lưu giữ những khoảnh khắc thơ ngây, hồn nhiên, những tiếng cười
tiếng khóc thật vô tư và trong trẻo. Có thể quá khứ của ta không đẹp và
êm đềm như mơ nhưng nó luôn hàm chứa trong đó những bài học quý giá vô
cùng. Những lỗi lầm, những đau khổ, những mất mát, những thiệt hại đều
trở thành những kinh nghiệm tuyệt vời mà ta không thể tìm thấy được nơi
sách vở. Thái độ mà ta nên có khi nhìn về quá khứ là trân trọng hết tất
cả những điều ấy, xem nó như là một phần của cuộc đời mình, rồi sử dụng
nó như một bệ phóng để ta dựa vào đó mà nhắm đến tương lai, chứ không
phải áy náy, buồn rầu, tự ti hay mặc cảm. Lý do là vì chúng ta không thể
thay đổi được quá khứ nữa. Chuyện gì xảy ra thì đã xảy ra rồi. Sẽ tốt
hơn nếu ta biết tha thứ cho mình và đưa nó vào kho, rút ra bài học từ nó
để làm phong phú hơn cho cuộc sống hiện tại của mình.
Nếu
quá khứ là những gì đã qua thì tương lai là những gì chưa đến. Vì chưa
đến, nên nó là một khoảng trời chứa đầy những điều bí ẩn mà ta chẳng
biết chuyện gì sẽ xảy ra. Có khi nó đến như những gì ta tính toán. Cũng
có khi nó chẳng giống gì với những hoạch định của ta. Sự huyền bí ấy của
tương lai giúp làm cho cuộc sống của ta thêm lôi cuốn và hấp dẫn. Tương
lại dạy ta bài học về sự phó thác, vì ta đâu biết được mình sẽ ra sao
chút nữa. Tương lai nói cho ta biết rằng ta không phải là chủ tế tuyệt
đối của chính mình. Tương lại đặt ta vào thế bấp bênh, để ta phải tìm
kiếm một bàn tay vững chắc nào đó mà bám lấy. Nhưng khoảng trời rộng
chưa thành hình của tương lai cũng là một lối mở cho ta. Nó luôn tạo cho
ta cơ hội để làm lại, bắt đầu lại, khi quá khứ của ta có những thất bại
hay gục ngã. Tương lai hiện hữu là để cho ta tự mình đắp xây cuộc sống
của mình, dựa trên những gì ta đã chắt chiu được từ quá khứ. Bởi thế,
nghĩ đến tương lai, ta được mời gọi để có một niềm hy vọng thật lớn, vì
cuộc sống không bao giờ chắn lối của ta, cắt đứt hết mọi hướng đi của
ta. Vẫn còn đó những điều tuyệt vời đợi chờ ta phía trước, vẫn còn đó
những bất ngờ đang chờ ta khám phá ra. Như thế, tương lai biến cuộc sống
của ta thành một cuộc phiêu lưu với biết bao điều thú vị.
Tạo
Hóa đã khôn khéo khi sắp đặt cho cuộc sống của chúng ta có một quá khứ
và một tương lai. Hiện tại là nơi ta sống, ta thi triển hết tất cả những
gì làm nên mình. Quá khứ là kho tàng nơi ta cất giữ những bài học và
kinh nghiệm quý giá. Tương lai là cơ hội được mở ra cho ta với biết bao
điều huyền nhiệm đang chờ ta khai mở. Điều quan trọng là ta phải có một
cái nhìn tích cực và đúng đắn về sự sắp xếp tài tình này của Tạo Hóa để
không đi ngược với ý muốn tốt lành của Người. Ta không nên nuối tiếc quá
khứ, cũng đừng chỉ biết mơ mộng tương lai. Nếu muốn xây dựng một cuộc
sống bình an và tốt đẹp, hãy bắt đầu từ giây phút này, ngay chính khoảnh
khắc này. Quá khứ và tương lai là trợ lực cho ta, còn hiện tại chính là
cuộc sống!
Pr. Lê Hoàng Nam