Sách Sáng thế ký của Do Thái giáo (mà
Kytô-giáo coi là thuộc Cựu Giao ước của mình) dạy : Gia-vê tự Ngài đã
làm nên trời đất và mọi loài trong đó. Riêng con người được tạo ra sau
cùng, một cách càng trực tiếp hơn nữa: Ngài tự tay lấy đất nặn thành,
rồi thổi vô mũi một hơi sinh khí để hắn sống động lên (2.7). Một lối
diễn tả thật tượng hình và sinh động, mà người bình dân dễ hiểu, hiểu
rằng : do Thiên Chúa mà có tất cả, riêng loài người được đối xử đặc
biệt, nó có gì thiêng liêng, bởi giống hình ảnh Ngài (1.26-27), “nhân
linh ư vạn vật” như Phương Đông chúng ta quen nói!
Cho
đến cách nay một thế kỷ, Kytô-giáo vẫn hiểu đoạn Kinh thánh trên theo
nghĩa đen, điều khiến các nhà khoa học Tân đại (moderne) nghe chói tai,
trong khi Công giáo và Tin lành chính quy thì lại nổi xung khi thấy
thuyết tiến hóa chủ trương: do tương tác với môi trường mà có biến đổi,
từ đó xuất hiện dần những chủng loại khác nhau, cả loài người cũng thế.
Ngày
nay, khi mà KTG chấp nhận học thuyết tiến hóa rồi, coi đó như một cách
sáng tạo cao siêu hơn của Thiên Chúa, thì nhiều nhà sinh học lại quả
quyết : chẳng có sự can thiệp từ bên trên bằng một chương trình (phần
mềm) cài sẵn nào cả, mà chỉ có ngẫu nhiên làm việc thôi.
Thật
ra, những chủ trương Tự tạo (vật chất tự biến hóa mà làm nên tất cả)
chẳng mới mẻ gì : từ muôn xưa, bên Đông cũng như bên Tây, thuyết ấy đã
sẵn có, y như thuyết Thiên tạo vậy.
Những thuyết Thiên tạo và Tự tạo thời xưa
Theo
triết lý Cổ Hy Lạp, tạo nên thế giới là Dêmiourgos, Hóa công. Hóa công
không phải là thần duy nhất hay cao nhất, mà chỉ là một trong vô số
những vị thần.
Hóa công trong tín
ngưỡng Cổ Ba Tư, là Thượng thần Ahura Mazda thuộc thế giới Ánh sáng, đối
nghịch với Ác thần Angra Mainyu của Vực thẳm tối tăm. Riêng gốc và nền
của vũ trụ lại là Con người nguyên sơ Gaya Maretan, bắt đầu được Hóa
công tạo nên tốt đẹp hoàn toàn, nhưng sau đó bị Thần bóng tối chích nọc
độc vô khiến sinh đói khát, dịch bệnh…, để rồi từ xác chết của Con người
đã xấu đi này mà mọc lên trời đất và muôn vật trong đó.[1] Và như thế, cả Thần ác lẫn Thần lành đều có phần trong tạo thế.
Dù
chịu ảnh hưởng của văn hóa Ba Tư qua ông tổ Abraham xuất thân từ vùng
này, nhưng do niềm tin riêng, tác giả Sáng thế ký chủ trương chỉ có một
Hóa công là Gia vê lành thánh, và Ngài tạo nên tất cả, lại tất cả đều
tốt đẹp[2].
Đó
là một số những học thuyết Thiên tạo tiêu biểu. Cùng với những học
thuyết này, ngay thời ấy cũng xuất hiện nhiều học thuyết Tự tạo : vật
chất tự biến hóa mà sinh ra tất cả. Có điều để có dịch biến và những kết
quả tốt, thì tự nhiên ai nấy đều tin rằng: một mình vật chất mù quáng
không đủ, mà phải có cái gì thiêng liêng hơn, cái Lý được lồng vô.
Bên
Hy Lạp, cái Lý ấy là Logos theo Héraclite và Zénon. Còn bên Ấn Độ, đó
là Purusa hay Tinh thần. Vâng, theo học thuyết Sâmkhya, Prakrti hay Bản
nhiên (vật chất sơ nguyên) phải có Tinh thần hiện diện như chất xúc tác,
thì mới phân thành Tâm-Vật và Âm-Dương (chính là Âm-dương-lực), để âm
dương đun đẩy nhau mà có biến hóa.
Trong
trường phái Âm-dương-luận Trung quốc, vật chất sơ nguyên là Khí. Khí
cũng phải nhờ Lý mới có biến dịch được. Lại cả Khí và Lý đều phân thành
âm dương : về phía Khí thì mọi vật đều “cõng âm bồng dương”, về phía Lý
thì nguyên tắc “nhất âm nhất dương” chi phối. Vì âm dương tiềm tàng cả
trong Lý lẫn Khí, nên chẳng những có “âm dương tương thôi nhi sinh biến
hóa”, mà sự biến hóa ấy còn thành ổn định, điều hòa, như Đạo đức kinh
nói :”Vạn vật đều cõng Âm bồng Dương, do Xung nhau mà có được Hòa”
(ch.42).[3]
*
Như
thế, không phải thuyết Thiên tạo đã ngự trị trong thời tiền khoa học,
để rồi nay nó phải nhường chỗ cho chủ trương Tự tạo của loài người văn
minh. Vâng, thuyết Tự tạo đã có từ rất xa xưa rồi, nhất là bên Phương
Đông chúng ta. Do đó, nếu thuyết Tiến hóa khai sinh bên Nam Á và Đông Á,
thì hẳn nó đã được tiếp đón nồng nhiệt ngay từ đầu rồi. Ngày nay, sau
khi Tòa thánh đã nhìn nhận vai trò văn hóa trong trước tác Kinh thánh,
và Vatican II đã coi con người cũng là “tác giả thật sự của Kinh thánh”
nữa (Dei Verbum, số 11), thì thuyết Tự tạo chẳng còn là ta-bu đối với chúng ta.[4]
Trái lại, như nhà vật lý thiên văn không Kytô-giáo Trịnh xuân Thuận cho
thấy, chính sáng tạo bằng tiến hóa mới chứng tỏ Thiên Chúa là nhà thiện
xạ đại tài, đã từ khoảng cách 15 tỷ năm (vận tốc) ánh sáng, bắn chỉ một
phát mà trúng ngay cái hồng tâm 1cm là con người chúng ta! Vâng, viết
với kiến thức khoa học của thời ấy, tác giả Sáng thế ký chỉ có ý xác
định : Tất cả những gì chúng ta thấy hôm nay đều do Thiên Chúa mà có!
Từ thuyết Tiến hóa đến thuyết Ngẫu biến hôm nay
Thuyết tự tạo mới ở Âu Tây ra đời vào thế kỷ XIX với Lamarck và Darwin dưới danh xưng Tiến hóa.
Jean
Baptiste Lamarck (1744-1829), một nhà tự nhiên học người Pháp, nghĩ
rằng : Chính sự tương tác với môi trường đã khiến cơ thể biến đổi. Theo
ông, khi gặp môi trường sống mới, phần cơ thể ứng phó được sẽ hoạt động
nhiều lên, nhờ đó phát triển mạnh, trong khi phần không sử dụng đến nữa
sẽ teo chột dần và có thể biến mất.
Charles
Darwin (1809-1882), vì có phương tiện khảo sát sinh vật ở những vùng
trời cách xa nhau trên thế giới, nên học thuyết Tiến hóa của ông có
những chứng liệu xác minh. Nhận xét của nhà kinh tế học Anh Thomas
Robert Malthus (1766-1834) : -Dân số tăng theo cấp số nhân, thức ăn tăng
theo cấp số cộng, khiến cho cuộc sống ngày thêm khắc nghiệt-, nhận xét
ấy gợi ý cho Darwin xướng xuất nên nguyên lý “Đấu tranh để sống còn”,
theo đó thì môi trường sống ngày thêm khắc nghiệt chỉ cho phép những cá
thể đủ khả năng ứng phó tốt mới tồn tại nổi, cũng như chỉ những con đực
khoẻ mới có thể giành con cái mà để lại giống. Và đây là “Chọn lọc tự
nhiên”. Những thay đổi ở cơ thể bắt đầu còn nhỏ, sẽ lớn dần và biến hóa
hẳn để sinh ra những giống loại mới sau nhiều thế hệ. Sở dĩ thay đổi tồn
tại được là nhờ di truyền. Sự di truyền này sẽ được chứng minh sau đó
bởi nghiên cứu của Mendel.
*
Trên
nguyên tắc, thì đây mới chỉ là Biến hóa (transformation). Nhưng vì để
tồn tại thì phải khoẻ và ứng phó tốt, nên thay đổi cũng là tiến về phía
hoàn thiện. Mà thật sự có tiến hóa như thế đấy, chẳng những nơi sự sống,
mà nơi vật chất nói chung. Y như thể đã có mục tiêu nhắm trước, một
chương trình cài đặt sẵn nơi cái Lượng tử ban sơ (Quantum initial).
Ấy
thế mà nay vẫn có người nghĩ khác, rằng chẳng có gì nhắm trước, mà chỉ
có Ngẫu nhiên làm việc, khiến những gì có đó hôm nay chỉ là do hú họa mà
thành thôi.
Nếu nhìn gần và nhìn vào
một số biến đổi, thì xem ra có như vậy thật. Cứ xem hiện tượng rất
thông thường là sinh sản sẽ thấy ngay. Cả triệu tinh trùng mà chỉ có một
tới được một noãn nào đó để một thằng nhóc da vàng mũi tẹt sinh ra. Để
rồi vài năm sau cùng một may mắn hay “hú họa” như thế tái diễn, và một
con nhãi mắt xanh, da ngăm ngăm đen chả hạn ra đời. Vâng, cách hành động
“gặp chăng hay chớ” của thiên nhiên đã là nguyên nhân cho những khác
biệt ở kết quả, không chỉ khác biệt ở hình dáng và giới tính, mà còn
khác biệt ở từng cơ quan, từng nhân tế bào với những sợi nhiễm sắc thể.
Và sự đa dạng vô cùng phong phú ấy, tác giả của nó không thể không là
Ngẫu nhiên.
Chẳng những có ngẫu nhiên
ở sự gặp gỡ của một giao tử đực nào đo (giữa hằng bao triệu giao tử đực
khác) với một giao tử cái, mà trước khi ấy, còn sự trao đổi hú họa
trong nhân tế bào giữa ba vạn gen với nhau.
Như
ai nấy đều biết, trong mỗi nhân tế bào thường, có 23 nhiễm sắc thể đến
từ bố và 23 nhiễm sắc thể đến từ mẹ. Nhưng riêng ở tế bào giới tính, chỉ
còn 23 nhiễm sắc thể, tức bản sao của một nửa hệ di truyền thôi. Để làm
nên tế bào giới tính (tức giao tử đực hay cái) như thế, trong một tế
bào (với đủ 23 cặp thể nhiễm sắc), 23 thể nhiễm sắc đến từ bố và 23 đến
từ mẹ phải trao đổi loạn xạ với nhau những đoạn gen của mình trước khi
phân chia thành hai tế bào trong tiến trình gọi là giảm phân (meiosis).
Vì sự đổi trao và phân đôi phải thực hiện hai lần, nên các “quân bài”
gen được tráo đi đảo lại quá nhiều khiến cơ cấu di truyền thiên biến vạn
hóa, không còn y hệt nhau giữa các giao tử từ đó thành hình. Nhờ vậy,
khả năng giống hệt nhau giữa những cá thể sinh ra chỉ còn là 1 trên 70
vạn tỷ (1/7.1013) thôi. Trong khi ấy thì hành tinh chúng ta
mới chỉ có 6 tỷ người, khiến ai nấy đều là duy nhất trên đời cả. Chính
sự đa dạng trong cơ cấu bên trong ấy bảo vệ rất tốt cơ thể chúng ta, như
trong hệ các kháng thể chúng có thể biến hóa rất đa dạng để đối phó với
vi khuẩn và vi rút vốn cũng đa dạng và ngày càng đa dạng không kém[5].
Cái tốt của sự đa dạng rõ rệt nhất tìm thấy ở cấm kỵ loạn luân. Vâng,
hai anh em, vì còn gần nhau về mặt di truyền, nếu lấy nhau sẽ tai hại
cho con cái trên bình diện tâm sinh lý. Vâng, ở đây không chỉ có tai hại
về mặt luân lý!
Phải chăng chỉ có ngẫu biến, chứ không còn sắp đặt?
Những
người chủ trương chỉ có ngẫu nhiên thôi, đã nhìn nhận sự ngẫu nhiên ấy
là cần, để từ đó có sự đa dạng vô cùng khẩn thiết cho sự sống. Nếu ngẫu
nhiên quả là đúng thứ cần đến, lại quá thích hợp nữa, thì phải chăng nó
cũng được tiên liệu (hay “bố trí”) trên thực đơn tiến hóa ngay từ đầu
rồi? Nhất là đối với loài người, trong đó không chỉ có vấn đề chủng
loại, mà còn vấn đề bản vị (hữu thể học), nó khiến mỗi người phải là
chính mình, hoàn toàn độc đáo, khiến ta không thể hy sinh một người dù
để cứu vãn cả xã hội, giống như thiêu hết bầy gà nhiễm H5N1 trong một
vùng vậy.
Bản vị hữu thể học này cần
được biểu hiện ở thân xác trước tiên để có sự khác nhau về thể trạng và
di truyền, và từ căn bản ấy xây nên sự đa dạng hoàn hảo hơn nữa về mặt
tâm lý và nhân bản (do giáo dục và văn hóa, cũng như do tu luyện bản
thân). Có thế mỗi người mới thành duy nhất trên đời ngay cả ở biểu hiện
nữa!
Về mặt thân thể, để có một đa
dạng lớn lao như thế, “sự ngẫu nhiên” phải bố trí tới mấy lần tráo đảo
các quân bài trong giảm phân. Thế nhưng tại sao lại có đúng sự tráo đổi
gen cần thiết trước giảm phân như thế? Nhất là có đúng hiện tượng giảm
phân để giao tử chỉ giữ lại nửa số nhiễm sắc thể, nhờ đó đực cái bù trừ
đúng cho nhau để làm nên một cá thể mới với tế bào đủ cả 46 thể nhiễm
sắc. Hơn nữa, trong tiến trình thành người mới này, còn biết bao buớc
đi, mà chỉ cần một bước lệch thôi đủ hỏng luôn chuyến tàu. Nghĩa là bên
cạnh cái ngẫu nhiên, phải có bao cái được sắp đặt, và đây là những quy
luật. Ai dám bảo sự sống không bị cai trị bởi những quy luật nhỉ?
Mà
không chỉ bên trong sự sống. Còn những bước tiến từ khoáng chất sang
sinh vật nữa chứ. Quả vậy, nếu từ nhiều tỷ độ C, vật chất không nguội
đến dưới 70 độ, thì sinh chất albumin sao khỏi bị đông cứng? Và nếu
không có môi trường biến động điện từ quanh các vì sao cùng với những
chất cần thiết như hơi nước, khí các bô ních, nát ri, mêthan,v.v., thì
làm sao nảy sinh các acid amin; cũng như nếu không có sẵn môi trường
nước và đất thó, thì sao cả triệu acid amin có thể trùng kết
(polymérisation) thành viên gạch của sự sống là các đại phân tử protein?
Lại
còn những chuẩn bị xa và rất xa là khác. Cần phải có “âm dương tương
thôi, nhi sinh biến hóa”, phải có đủ bốn lực cơ bản : lực hạt nhân mạnh
(để cố kết các quarks thành protons, neutrons, rồi thành hạt nhân), lực
hạt nhân yếu, lực hấp dẫn và lực điện từ ( để cố kết électron dấu âm lại
với hạt nhân dấu dương) cùng với hai hằng số được tính toán chi ly[6] để cuối cùng xuất hiện các phân tử chúng là nền tảng thứ nhất từ đó xây nên sự sống.
Vâng,
sự sống -mà đỉnh cao là con người- xem như đã được nhắm trước ngay
trong cái lượng tử ban sơ (quantum initial), đúng như nhận xét của nhà
vật lý thiên văn không Kytô giáo Trịnh xuân Thuận khi ông ví Hóa công
với một nhà thiện xạ đã đứng từ khoảng cách 15 tỷ năm (vận tốc) ánh sáng
mà nhắm bắn cái hồng tâm 1cm là con người, thế mà chỉ một phát trúng
ngay.
*
Quả
thật, nếu chỉ có ngẫu nhiên thì sao có những kết quả kỳ diệu đến thế.
Cứ mang cả sấp chữ cái mà đổ ào xuống mặt bàn, và thử rất nhiều lần như
vậy đi, xem có bao giờ chúng xếp thành cả một Truyện Kiều hoàn chỉnh
được không? Thế mà từng đã có biết bao Truyện Kiều được tạo nên giữa
lòng thiên nhiên như thế đó.
Truyện
Kiều trước tiên, đó là quá trình tiến hóa ăn khớp với nhau để cuối cùng
có sự sống, và giữa sự sống : loài người! Truyện Kiều tiếp theo, đó là
chính vũ trụ này, ở hiện trạng của nó, với các hành tinh và vệ tinh xoay
chuyển nhịp nhàng quanh tinh đẩu chính để làm nên thái dương hệ, đó là
các thái dương hệ hợp thành tinh hà, và các tinh hà dù vẫn di chuyển,
nhưng di chuyển trong trật tự để làm nên cái vũ trụ bao la với bề rộng
gần hai mươi tỷ năm ánh sáng của chúng ta!
Còn
nơi sự sống? Các sinh vật phân thành ức triệu chủng loại, thứ này cần
thiết cho thứ kia để bổ túc cho nhau và để cùng tồn tại với nhau! Và nơi
từng cá thể, các cơ quan và chức năng phối hiệp với nhau càng vô cùng
chặt chẽ để có một sự sống thống nhất hoàn toàn. Lại không chỉ có Truyện
Kiều ở cái tổng thể là cá thể đó, mà mỗi chương của Truyện Kiều cá thể
cũng là những tổng thể diệu kỳ ở một phạm vi hẹp hơn. Và đây là từng bộ
phận của cơ thể đó.
Chúng ta hãy lấy làm thí dụ : Con mắt. Có cả trăm thành phần cấu tạo nên mắt, cái nọ bổ túc hay hỗ trợ cho cái kia.
Nên
nhớ, có hằng chục thứ mắt khác nhau, mỗi thứ phù hợp cho hoạt động của
một loại động vật khác nhau. Như tôm cua và côn trùng, mà nguy cơ rình
rập tư bề trên từng bước đi, thì mắt của chúng do cả ngàn mắt con hợp
lại, có khả năng phát hiện những cử động dù nhỏ nhặt của kẻ thù từ bất
cứ chỗ nào quanh mình. Như loài chim vì bay nhanh nên võng mạc kéo dài
về phía sau hầu có thể nhìn ra ngay những chướng ngại khi chúng còn ở
xa.
Và sau đây là mắt người, mà chúng ta có chung với loài có xương sống.
Mắt
người là một máy chụp hình siêu đẳng, mà thấu kính là thủy tinh thể, mà
cửa điều sáng (diaphrame) là con ngươi với những cơ giúp mở to hay co
hẹp lại,. Khác với thấu kính của máy chụp, thủy tinh thể gồm bởi nhiều
lớp chồng lên nhau, với hai đầu có những cơ (muscle) khiến thấu kính có
thể tự dẹp xuống hay nở tròn hầu chỉnh lại tiêu cự (focal length) cho
vừa đúng để nhìn rõ bất cứ vật thể nào dù gần hay xa. Bộ phận tiếp nhận
tia sáng ở võng mạc cũng được cấu trúc rất phức tạp và tinh xảo bằng
những tế bào thần kinh hình nón và hình que : hình nón từng cái một tập
trung ở giữa nhiều nhất để ghi đậm nét hình ảnh; hình que hợp thành từng
cụm xung quanh cho một hình ảnh mờ dần, nhưng tế bào hình que lại cho
thấy rõ hơn trong tối. Nhiều loại cơ khác sẽ tự động điều chỉnh để hình
ảnh được thấy rõ ở những điểm khác nhau khi ta chú ý đến (điểm ấy).
Khác
hẳn máy chụp, mắt có thể giúp ta, không chỉ thấy hình của vật thể, mà
còn ước lượng được độ lớn và khoảng cách của vật thể này. Càng kỳ diệu
hơn khi mà, cùng với hình ảnh thấy, nhờ sự phối hiệp của lý trí, chúng
ta có thể nhận ra tính xác thực (certitude) hay không của vật thể trước
mắt, điều mà hình chụp không làm được.
Đó
là những bộ phận chính của cơ quan thị giác. Chúng ta bỏ qua hệ thống
bảo vệ như lông mi để cản bụi và côn trùng, như nước mắt làm trôi bụi
đi, như khả năng chớp mắt tự động để chống lại những tấn công bất ngờ.
Và chúng ta cũng chưa đả động tới hệ thống thần kinh, nó được bố trí rất
phức tạp và tinh tế để tiếp nhận và phối hợp các ký hiệu hầu tạo ra
hình ảnh trong đầu, cũng như sự liên kết của thị giác này với các giác
quan khác và với những hoạt động khác của chúng ta.
*
Dĩ
nhiên là, trong thiên nhiên ấy, bên cạnh những biệt định cũng diễn ra
biết bao bất định. Bất định năng gặp nhất là trong lãnh vực vật lý lượng
tử. Cho một nắm hạt cơ bản vào chạy trong máy gia tốc (cyclotron) và
cho chúng đập vô một tấm chắn bằng đồng. Có hạt sẽ đi xuyên qua và có
hạt dội lại bằng một góc 145o , mà không thể đoán trước hạt
nào lọt, hạt nào hồi phản. Thế nhưng trong cái bất định này vẫn có một
biệt định, và đó là : chỉ một trong hai trường hợp, chứ không phải ba,
bốn,v.v., lại nữa nếu đây là phản hồi thì góc hồi phản nhất định là 145
độ, chứ không khác được. Y như đặt một khúc xương trước mắt chó, với một
chướng ngại vật ở chính giữa. Không thể nào đoán trước chó sẽ chọn
đường bên trái hay bên phải, nhưng chắc chắn thế nào nó cũng chạy đến
và đến bằng một trong hai con đường bằng nhau ấy.
Sự
bất định càng lớn hơn nơi con người, vì nơi con người còn ý chí tự do.
Có điều ai dù thánh đến đâu cũng không thể không có những yếu đuối,
trong khi phần đông lại không thánh, nên sống theo bản năng là chuyện
thường gặp ở loài người. Cho nên vẫn xác định được cách phản ứng của xã
hội nói chung bằng phép tính xác xuất (vốn chỉ áp dụng cho những con số
lớn), nhờ đó mới có thể làm thống kê và mở hãng bảo hiểm.
Quả
thật, nếu nhìn chung cuộc thì xem ra không thể không chấp nhận một sắp
đặt trong thiên nhiên, một nhắm đích trong tiến hóa từ lượng tử ban sơ
đến con người. Thế nhưng nhìn sâu vào từng bước tiến, lại không thể phủ
định rất nhiều những bất định và ngẫu nhiên. Có điều thường khi những
bất dịnh và ngẫu nhiên ấy lại là cần thiết. Cho nên phải đi đến giả định
là ngẫu nhiên cũng nằm trong quy luật, mà một trong những bằng chứng là
các tham số (paramètre) m trong rất nhiều công thức vật lý.
Để
dung hòa giữa ngẫu nhiên và biệt định, tôi xin trở về với ý kiến của
tôi đã được trình bày trong nguyệt san CGvDT năm 2002 như sau:
-“Cái
khối Energy-mass (Năng lượng-khối lượng) ấy, với tất cả sự năng động
của nó do sự Nhắm đích (của Thiên Chúa) đã hằn ghi thành Hướng đích (ở
vật chất), sẽ dò đường tìm lối cho mình. Mỗi khi tìm ra lối đi hướng về
phía đích, nó liền để Vết lại, và đây là quy luật, một thứ “tập quán” mà
mọi thành phần vật chất sau đó cứ thế mà làm, mà “lặp lại”
(répétition)…”[7]
Chính
vì Thiên Chúa chỉ nhắm đích một cách chung chung, nên vật chất luôn
bước theo một cách ngẫu hứng, -vâng, không phải ngẫu nhiên, mà ngẫu
hứng-. Và do đó quy luật (ở vật chất) vừa xác định, vừa không thể xác
định hoàn toàn và về mọi mặt, và điều ấy là cần thiết cho sự tồn vong và
tiến hóa của vật chất, nhất là của sự sống nói chung. Cho nên quy luật
vật lý quá cứng nhắc của Newton rồi sẽ được chỉnh lại bởi quy luật
“tương đối” của Einstein vốn mềm dẻo hơn. Ngay quy luật thiêng liêng là
đạo đức cũng vậy. Hướng nhắm của đạo Trời, mà phản ảnh ở đạo người
(trong lương tri chúng ta) chỉ là sự thiện (hay Đạo) một cách tổng quát,
sự thiện (hay Đạo) ấy rất sâu xa và tinh tế, nên không thể xác định
bằng những quy luật luân lý quá rõ, nên thường cũng quá cứng nhắc như
vẫn thấy xưa nay. Đúng như suy nghĩ của Đạo đức kinh, là phải “mất lễ
mới còn nhân nghĩa, mất nhân nghĩa mới còn đức, và mất đức mới còn Đạo”![8]
[1] Xx. Hoành sơn Hoàng sĩ Quý, Le
mythe indien de l’Homme cosmique dans con contexte culturel et dans son
évolution, trong Revue de l’Histoire des Religions, Avril-Juin 1969,
tr.134-136.
[2] Mỗi khi tạo thành cái gì, Gia vê đều “thấy là tốt đẹp” (Stk, ch.1).
[3] Xx. Hoành sơn, Tính dục nhìn theo Phương Đông, NXB Trẻ, 2006, tr.33.
[4] Xx. Hoành sơn, Tương tác Lời Chúa-lời người, CGvDT th.5/2006, tr.43-54.
[5] Xx. E. Rauscher, trong Science et Vie, th.8/2007, tr.49.
[6]
Nếu hằng số hấp dẫn mạnh quá, thì các vì sao co hẹp nhanh, không kịp để
vật chất tiến hóa và phức tạp hóa; bằng như ngược lại, nếu hằng số hấp
dẫn hơi nhỏ, thì các thiên thể không suy sụp được để tạo nên các vì sao,
ở đó hình thành những nguyên tố nặng làm nền cho sự sống.
[7] Hoành sơn, Một Tạo thế quan mới cho những giải đáp sinh đức, CGvDT, số 87, th.3/2002, tr. 32.
[8]
Trong thực hành, khi bắt đầu tu thân, chúng ta cần đến một kỷ luật
nghiêm khắc để sửa mình. Nhưng khi đã đức hạnh rồi, thì phải ngày càng
bớt những hình thức bên ngoài để tinh thần có thể bay nhảy thong dong.