Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 28/11/2020.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 28/11/2020.
"Anh em hãy tỉnh thức hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến" (Lc 21,36).
Ngày còn đi sinh hoạt thiếu nhi, chúng tôi thường có những buổi cầu nguyện hồi lâu trước Thánh Thể. Những lúc như thế, chúng tôi phải hết sức tập chung bằng cách nhắm mặt lại, và thế là có bạn ngủ quên luôn.
Tỉnh thức và cầu nguyện là hai điều kiện phải đi đôi với nhau. Các sinh hoạt cộng đồng cùng tham dự các nghi lễ phụng vụ, các buổi cầu nguyện chung, sẽ giúp các tín hữu sống tỉnh thức và sẵn sàng.
Tỉnh thức và cầu nguyện là điều cần thiết cho ngày Chúa đến, ngày đó có thể là ngày cuối của một đời người hay là ngày tận cùng của cả nhân loại.
Cảm nhận tin mừng. Khi cầu nguyện là chúng con hướng lòng về với Chúa, xin Chúa đồng hành, nâng đỡ, cùng xin Chúa cho khỏi sa chước cám dỗ và có sức chiến đấu với ma quỷ.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, hôm nay là ngày cuối năm phụng vụ, ngày chúng con suy gẫm cuộc đời này; Chúng con sẽ bước vào cuộc sống mới, cuộc sống vĩnh cửu hay là ngày chúng con sầu khổ muôn đời. Xin cho chúng con biết chuẩn bị ngày đó bằng thái độ tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng. Amen.

28 Tháng Mười Một

Thánh James ở Marche
(1394-1476)

 

Thánh James sinh ở Marche thuộc tỉnh Ancona miền trung nước Ý, dọc theo bờ biển Adriatic. Sau khi lấy tiến sĩ giáo luật và dân luật tại Ðại Học Perugia, ngài gia nhập dòng Phanxicô và bắt đầu một cuộc sống thật khắc khổ. Ngài ăn chay chín tháng trong một năm, và mỗi đêm chỉ ngủ có ba tiếng. Ngài hãm mình đến độ Thánh Bernardine ở Siena phải bảo ngài giảm bớt lại.

 

Thánh James học thần học với Thánh John ở Capistrano. Ðược thụ phong linh mục năm 1420, Thánh James bắt đầu cuộc đời rao giảng và bởi đó ngài đã đi khắp nước Ý cũng như đến 13 quốc gia thuộc Trung và Ðông Âu Châu. Sự hăng say của ngài đã giúp nhiều người trở lại đạo (người ta ước lượng khoảng 250,000 người), và giúp lan tràn việc sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu. Bài giảng của ngài thúc giục giáo dân cải thiện đời sống, và nhiều thanh niên gia nhập dòng Phanxicô vì sự ảnh hưởng của ngài.

 

Cùng với Thánh John ở Capistrano, Thánh Albert ở Sarteano và Thánh Bernardine ở Siena, Thánh James được coi là một trong "bốn cột trụ" của phong trào Nghiêm Thủ (Observant) của dòng Phanxicô. Các ngài nổi tiếng vì sự rao giảng.

 

Ðể chống với tệ nạn xã hội về số phân lời quá cao, Thánh James thiết lập một tổ chức gọi là "montes pietatis" (núi bác ái) -- đó là một tổ chức bất vụ lợi để cầm đồ với lãi suất thật thấp. Dĩ nhiên, các tay cầm đồ ác đức không hài lòng với tổ chức này, nên đã hai lần họ thuê người đến giết ngài, nhưng cứ mỗi lần đối diện với ngài là các hung thủ đều quên hết dự tính ở trong đầu.

 

Ngài từ trần ở Naples ngày 28-11-1476 và được phong thánh năm 1726.

 

Lời Bàn

 

Thánh James muốn lời Chúa ăn sâu trong tâm hồn của người nghe. Lời giảng của ngài là để chuẩn bị mảnh đất tâm hồn, bằng cách lấy đi những sỏi đá và lầm mềm lòng những cuộc đời đã khô cằn vì tội lỗi. Chúa muốn lời của Người bén rễ trong đời sống chúng ta, nhưng để được như thế, không những chúng ta cần người rao giảng đầy sùng tín, nhưng chính chúng ta cũng phải tích cực lắng nghe.

 

Lời Trích

 

"Lời Chúa thật thánh thiện và đáng yêu quý dường nào! Chỉ có lời Chúa mới soi tỏ mọi tâm hồn tín hữu, làm thoả mãn người đói khát, an ủi kẻ đau khổ; lời Chúa giúp linh hồn tạo được công nghiệp và giúp mọi nhân đức phát triển; lời Chúa gìn giữ linh hồn khỏi nanh vuốt ma quỷ, giúp người độc ác nên thánh thiện, và mọi người trên mặt đất trở thành công dân nước trời" (Trích Bài giảng của Thánh James).



Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:14

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 23/11/2020.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 23/11/2020.
“Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết.” (Lc 21,3).
Với lý do bảo vệ truyền thống gia đình, nước Do Thái đã phát sinh ra rất nhiều luật, trong đó người phụ nữ chịu nhiều ảnh hưởng nhất.
Bà góa trong Tin Mừng hôm nay có thể nói là một người nghèo hơn các người nghèo. Như bao người khác, bà góa lên đền thờ để cầu nguyện và đóng góp vào công trình xây dựng đền thờ Gierusalem.
Giữa muôn người tấp nập, Đức Giesu nhận thấy có một sự tốt đẹp khi nhìn thấy người đàn bà còng lưng đứng bỏ tiền vào thùng. Chỉ có hai đồng xu nhỏ được cẩn thận lấy ra từ chiếc túi vải cũng rất nhỏ. Đức Giesu thật cảm động, liền nói với các môn đệ đi cùng: "Thầy bảo thật các con, bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người. Vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu, bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình".
Cảm nhận tin mừng: Lời Chúa hôm nay đã dạy cho chúng con biết: tấm lòng của chúng con quyết định giá trị con người của chúng con chứ không phải hình thức bên ngoài. Nếu dâng cúng nhiều mà không có tấm lòng yêu thương, bác ái thì chỉ là một cách khoe khoang thôi.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Bà góa nghèo đa đến với Chúa bằng tấm lòng chân thành, yêu mến. Xin sửa dạy chúng con để chúng con đừng vì bề ngoài mà xét đoán anh chị em mình, đừng vì tiền mà thay đổi thái độ trắng đen. Nhưng xin cho chúng con sử dụng những gì Chúa ban cho đẹp ý Chúa. Amen.

23 Tháng Mười Một

Thánh Giáo Hoàng Clement I
(c. 101)

 

Ðức Clement của giáo phận Rôma là người thứ ba kế vị Thánh Phêrô, và cai quản Giáo Hội trong thập niên cuối cùng của thế kỷ thứ nhất. Lịch sử cho chúng ta biết ngài tử đạo năm 101. Tuy nhiên, chi tiết về sự tử đạo của ngài đều là truyền thuyết, được góp nhặt trong khoảng thế kỷ thứ tư hay thứ năm. Có lẽ Ðền Thánh Clement ở Rôma, là một trong những giáo đường đầu tiên ở thành phố này, được xây trên khu đất xưa là nơi cư ngụ của Thánh Clement. Thư đầu tiên của Thánh Clement gửi cho giáo đoàn Côrintô được giữ gìn cẩn thận, và bức thư này được phổ biến rộng rãi trong thời tiên khởi. Ðó là lá thư của Giáo Hội Rôma, tác giả là Ðức Clement, gửi cho Giáo Hội ở Côrintô về sự chia rẽ đã làm tách biệt giáo dân với giáo sĩ. Ðức Clement phàn nàn về sự chia rẽ trái phép và vô lý ấy trong Giáo Hội Côrintô, và ngài khuyên hãy đoàn kết lại. Ngài coi lý do của sự tranh chấp ấy là vì "đố kỵ và ganh ghét."

 

Lời Bàn

 

Ðức Clement đã chủ trương dùng đức ái để hàn gắn chia cắt trong Giáo Hội Côrintô, vì "nếu không có đức ái, không có gì làm hài lòng Thiên Chúa." Sau Công Ðồng Vatican II, toàn thể Giáo Hội cảm nhận được sự tách biệt giữa mới và cũ. Cầu mong sao mọi Kitô Hữu ngày nay hãy nhớ đến sự cổ vũ của Thánh Clement mà thể hiện lời Thánh Phao-lô: "Và trên tất cả những điều ấy hãy có đức yêu thương, đó là giây ràng buộc mọi điều toàn thiện" (Colossê 3:14).

 

Lời Trích

 

"Ðức ái kết hợp chúng ta với Thiên Chúa& Trong đức ái không có gì là xấu hổ, không có gì là ngạo mạn. Ðức ái không đi với ly giáo, không nổi loạn, nhưng hài hòa mọi sự. Trong đức ái, những người được Thiên Chúa tuyển chọn sẽ trở nên tuyệt hảo" (Thư Thứ Nhất Gửi Giáo Ðoàn Corinto).



Trích từ NguoiTinHuu.com



Posted By Đỗ Lộc Sơn05:32

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 22/11/2020. ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 22/11/2020.
ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
“Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước.” (Mt 25,35).
Ở các nước theo chế độ quân chủ, người đứng đầu của một nước được gọi là vua. Ngày nay chế độ dân chủ do dân bầu ra nên không gọi là vua nữa, mà người đứng đầu được gọi là Tổng thống hoặc Chủ tịch. Ngày nay, từ vua được hiểu là người thành đạt trong công việc, hay người thành công trong một chuyên môn nào đó mà ít có người làm được. Thí dụ: Vua bóng đá, vua dầu hỏa...
Chúa nhật kết thúc năm Phụng Vụ. Hội Thánh tôn kính Chúa Giêsu là vua là để cho loài người được thông dự vào vương quyền của Đức Giêsu Kitô vua Tình Yêu.
Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói cho các môn đệ biết về ngày tận cùng của loài người; Ngài sẽ ngự đến trong vinh quang, có các thiên sứ theo hầu. Ngài sẽ ngự lên ngai vinh hiển. Muôn dân sẽ quì tụ trước mặt Ngài, Ngài sẽ tách biệt họ như mục tử tách biệt chiên và dê. Chiên bên phải và dê bên trái.
Cảm nhận tin mừng. Chúng con có ngày khởi đầu thì cũng có ngày kết thúc. Chúa đặt để cho chúng con được sinh ra, nhưng lại để cho chúng con được tự do chọn lựa; chọn lựa sự sống đời này và cả sự sống đời sau.
Lạy Chúa Giesu Thánh thể. Chúa đã tạo dựng nên con người chúng con trong tình yêu thương của Chúa. Chúa lại dạy chúng con phải sống yêu thương như Chúa đã yêu. Vậy mà chúng con đã ngoảnh mặt làm ngơ trước lời kêu mời đó. Xin Cho chúng con biết sống tâm tình tạ ơn Chúa qua việc sống bác ái yêu thương những người có hoàn cảnh khó khăn chung quanh, để hết thảy chúng con là anh chị em với nhau, cùng chung hưởng niềm vui nơi Thiên quốc. Amen.

22 Tháng Mười Một

Thánh Cecilia
(Thế kỷ III)

 

Mặc dù Thánh Cecilia là vị tử đạo thời danh trong Giáo Hội Rôma, những câu chuyện quen thuộc về thánh nữ thì không thấy ghi chép trong văn bản chính thức. Vào thời tiên khởi cũng không thấy dấu vết của sự tôn kính ngài. Chỉ có một mảnh đá thời thế kỷ thứ tư có ghi khắc tên của một nhà thờ mang tên thánh nữ, và ngày lễ kính được cử hành vào khoảng năm 545.

 

 Theo truyền thuyết, Cecilia là một thiếu nữ Kitô Giáo của giai cấp quyền quý kết hôn với một người La Mã tên là Valerian. Cecilia mặc áo nhặm, ăn chay, và thường cầu khẩn các thánh, các thiên thần, các trinh nữ xin họ gìn giữ sự trinh tiết của ngài. Và thánh nữ nói với đức lang quân, "Em sẽ tiết lộ cho anh một sự thật, nhưng anh phải hứa đừng nói với ai." Và khi ông hứa, ngài nói: "Có một thiên thần luôn trông chừng em, và gìn giữ em khỏi bị ai đụng chạm đến." Ông nói, "Em yêu dấu, nếu đó là sự thật, hãy cho anh thấy vị thiên thần ấy," và ngài trả lời, "Anh chỉ có thể thấy nếu anh tin vào Thiên Chúa, và được rửa tội."

 

Ngài gửi đức lang quân đến gặp Thánh Giáo Hoàng Urbanô để được rửa tội; và khi ông trở về nhà, ông thấy Cecilia đang cầu nguyện trong phòng, và cạnh đó là một thiên thần với đôi cánh rực lửa, tay cầm hai triều thiên bằng hoa hồng và hoa huệ đặt trên đầu của hai người, và biến đi. Sau đó, Tibertius, người em của Valerian, bước vào phòng và ông ngạc nhiên khi ngửi thấy mùi hoa nồng nàn cũng như vẻ mỹ miều của các bông hoa.

 

Khi ông này được kể cho biết các chi tiết của câu chuyện, ông cũng muốn được rửa tội. Sau đó, cả hai anh em ông tận tụy hy sinh chôn cất các vị tử đạo mà thời ấy xảy ra hàng ngày, dưới quyền tổng trấn Turcius Almachius. [Không có tổng trấn nào mang tên này cả]. Họ bị bắt và bị đưa ra trước quan tổng trấn, và khi họ từ chối thờ cúng các tà thần họ đã bị chém đầu.

 

Trong khi đó, Thánh Cecilia, qua lời rao giảng ngài đã đưa bốn trăm người trở lại đạo và được Ðức Giáo Hoàng Urbanô rửa tội. Sau đó thánh nữ bị bắt, và bị xử tử bằng cách trấn nước cho đến chết. Ngài bị dìm trong bồn nước một ngày một đêm, sau đó quan cho nổi lửa đun sôi bồn nước, nhưng thánh nữ không hề hấn gì. Khi tổng trấn Almachius nghe biết điều này, ông sai người đến chặt đầu thánh nữ ngay trong bồn nước. Lý hình chém đến ba lần mà đầu thánh nữ vẫn chưa đứt. Hắn để mặc cho máu tuôn đổ. Ðám đông đổ xô đến để thấm máu trong khi ngài vẫn rao giảng cho họ. Ba ngày sau, ngài trút hơi thở cuối cùng, và được Ðức Giáo Hoàng Urbanô và các phó tế chôn cất.

 

Vào thời Phục Hưng, người ta thường vẽ ngài với đàn vĩ cầm và phong cầm nhỏ.

 

Lời Bàn

 

Như bất cứ Kitô Hữu tốt lành nào khác, Thánh Cecilia dùng miệng lưỡi để ca ngợi Thiên Chúa với tất cả tấm lòng. Ngài tiêu biểu cho sự tin tưởng của Giáo Hội rằng thánh nhạc là một phần căn bản trong phụng vụ, có giá trị lớn lao hơn bất cứ nghệ thuật nào khác. Trong thời đại hỗn độn của âm nhạc ngày nay, có lẽ chúng ta cần đọc lại những lời của Công Ðồng Vatican II dưới đây.

 

Lời Trích

 

"Hành động phụng vụ thêm cao quý khi các nghi thức thánh được âm nhạc trang trọng hóa, với sự phụ giúp của các thừa tác viên chức thánh và sự tham dự của giáo đoàn... Phải luôn luôn khuyến khích các ca đoàn, nhưng các giám mục và cha sở phải để ý rằng, bất cứ lúc nào phụng vụ được cử hành với thánh nhạc, toàn thể giáo đoàn phải có thể góp phần tham dự cách tích cực vì đó là quyền lợi của họ... Bình ca phải có vị trí xứng đáng trong các nghi lễ, so với các loại nhạc khác. Nhưng điều đó không có nghĩa gạt bỏ các loại thánh nhạc khác, nhất là loại đa âm điệu... Thánh ca dành cho giáo dân phải khéo léo chọn lựa, để trong việc phụng tự và nghi lễ, họ có thể cùng góp tiếng hát" (Sắc Lệnh Về Phụng Vụ, 112-118).



Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn06:24

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 21/11/2020 Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 21/11/2020
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ.
“Ai thi hành ý muốn của Cha tôi… người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50).
Đền thờ Giêrusalem là nơi quy tập nhiều gia đình đạo đức về đây kính viếng Thiên Chúa. Trong muôn vàn gia đình ấy, có gia đình ông Gioakim và bà Anna. Hai ông bà đi viếng đền thờ ít nhất một năm một lần theo quy định và có thể còn nhiều hơn nữa. Hôm nay, ông bà đem theo đứa con gái cưng là Maria để dâng lên Thiên Chúa theo như tục lệ tổ tiên. Nhưng ngay từ lúc chớm tuổi thơ, Maria đã có ý nguyện dâng mình cho Thiên Chúa cách trọn vẹn nhất, và đây là dịp để Maria dâng mình cách thiết thực nhất.
Mẹ Ma-ri-a đã chọn Thiên Chúa làm lẽ sống, làm chủ cuộc đời mình, dâng trọn tình yêu và trái tim cho Ngài. Chính trong ý hướng đó, Thiên Chúa chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế.
Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu không có ý so sánh Đức Maria với một ai khác. Ngược lại, Ngài đề cao Đức Maria là người đã thi hành ý Chúa Cha cách tuyệt đối, thì tất cả những ai thi hành thánh ý Chúa Cha. đều là cha mẹ và anh em của Ngài vậy.
Cảm nhận tin mừng. Chúng con muốn nên thánh, trước hết chúng con phải là người thuộc về Thiên Chúa. Nói khác đi, phải là người của Đức Ki-tô. Chúng con cần dứt khoát cho cuộc đời mình, như thế chắc chắn sẽ hạnh phúc, không chỉ đời sau mà ngay cuộc đời này.
Lạy Chúa Giesu Thánh Thể. Qua lần dâng trọn cuộc đời mình của Đức Maria, xin cho chúng con biết noi gương của Mẹ, đó là biết làm theo lời Chúa dạy để chúng con được trở nên con cái của Mẹ và là người nhà của Chúa. Amen.


Ngày 21/11

Lễ Dâng Ðức Maria Vào Ðền Thánh

 

Ngày lễ dâng Ðức Maria được cử hành ở Giêrusalem từ thế kỷ thứ sáu, và một nhà thờ được xây cất ở đây để kính nhớ. Giáo Hội Ðông Phương rất tha thiết với ngày lễ này, trong khi Giáo Hội Tây Phương chỉ mừng lễ này vào thế kỷ 11. Sau đó, có quãng thời gian không thấy ngày lễ này trong niên lịch phụng vụ, và mãi cho đến thế kỷ 16, lễ này mới được chính thức đưa vào lịch Giáo Hội.

 

Như sự sinh hạ của Ðức Maria, chúng ta biết về việc dâng Ðức Maria vào đền thờ cũng qua các văn bản được gọi là ngụy thư. Trong một văn bản không có giá trị lịch sử là Tiền Tin Mừng Giacôbê cho chúng ta biết, khi Ðức Maria lên ba tuổi, Thánh Anna và Thánh Gioankim đã lên Ðền Thánh để dâng người cho Thiên Chúa. Ðiều này được thực hiện là vì một lời hứa với Thiên Chúa của Thánh Anna khi người còn hiếm muộn.

 

Mặc dù không có giá trị lịch sử, việc dâng Ðức Maria vào đền thánh mang ý nghĩa thần học quan trọng. Ngày lễ này được coi như tiếp nối lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội và lễ sinh nhật của Ðức Maria. Nó nói lên sự thánh thiện được trao ban cho Ðức Maria từ lúc lọt lòng, qua thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành.

 

Lời Bàn

Ðôi khi thật khó để người Tây Phương quý trọng ngày lễ này. Tuy nhiên, Giáo Hội Ðông Phương thật dễ đón nhận ngày lễ này và có lúc còn bó buộc phải cử mừng. Mặc dù ngày lễ không có căn bản lịch sử, nó nói lên một chân lý về Ðức Maria: Ngay từ lúc đầu đời, người đã được dâng hiến cho Thiên Chúa. Chính người trở nên một đền thờ cao trọng hơn bất cứ đền thờ nào khác do tay con người làm ra. Thiên Chúa đã đến ngự trong bản thân người qua một phương cách kỳ diệu, và thánh hóa người vì vai trò độc đáo của người trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Ðồng thời, sự tráng lệ của Ðức Maria lại ảnh hưởng đến con cái của người. Họ cũng là những đền thờ của Thiên Chúa và được thánh hóa để có thể vui hưởng và chia sẻ trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.



Posted By Đỗ Lộc Sơn05:32

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 20/11/2020.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 20/11/2020.
“Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Lc 19,46).
Từ thời xa xưa, dân chúng dù là sống du mục, cũng đã biết việc xây dựng một nơi thờ phượng Thiên Chúa là điều cần thiết. Đền thờ là tên gọi cho việc thờ phượng chứ không phải là nơi hội họp... Vậy mà người ta đã lợi dụng để kinh doanh buôn bán.
Tin mừng hôm nay, thánh Luca tường thuật việc Đức Giêsu xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ Gierusalem là vì Ngài muốn người ta trả lại ý nguyện của tổ tiên xưa là chỉ để làm nơi thờ phượng Thiên Chúa.
Khi được sinh ra, hết thảy mọi người đều được Thiên Chúa (Thượng Đế) ngự trị, vì chính mỗi người là một đền thờ vĩ đại nhất. Đền thờ ấy, không được để cho tính tự kiêu, tự phụ, ích kỷ, bất nhân, dửng dưng, vô cảm ngự trị.
Cảm nhận tin mừng. Chúng con đi lễ hàng ngày, đọc kinh hàng đêm, mà sao trong lòng chúng con còn mải những chuyện hơn thua. Giờ đây, để cho tâm hồn chúng con xứng đáng được Chúa ngự, chúng con cần tin Chúa tuyệt đối, sống yêu thương, bác ái với anh chị em...
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Khi biết được tâm hồn chúng con là nơi Chúa ngự, đó là một hạnh phúc thật lớn lao. Xin thanh tẩy tâm hồn chúng con nên tinh sạch, để xứng đáng là ngôi đền thờ thánh thiêng Thiên Chúa ngự trị. Amen.

20 Tháng Mười Một

Thánh Bernward

 

Thánh Bernward sinh trong một gia đình thuộc sắc tộc Saxon, và được người chú là Ðức Giám Mục Volkmar của Utretch nuôi dưỡng khi ngài mồ côi cha mẹ từ nhỏ.

 

Ngài theo học trường địa phận ở Heidelburg và ở Mainz, là nơi ngài được thụ phong linh mục năm 987. Sau đó ngài làm tuyên uý cho hoàng tộc và là thầy giáo tư cho các con của hoàng đế Otto III.

 

Năm 993 ngài được chọn làm giám mục của Hildesheim, và đã xây dựng một tu viện và nhà thờ Thánh Micae ở đây. Ngài đặc biệt yêu chuộng kiến trúc, nghệ thuật và đã hoàn thành một vài tác phẩm đáng kể. Trong nhiều năm, ngài bất đồng ý kiến với Ðức Tổng Giám Mục Willigis của Mainz về các quyền giám mục đối với tu viện Gandersheim, nhưng sau đó Rôma đã tán thành ý kiến của ngài.

 

Trong những năm cuối đời, ngài là một tu sĩ dòng Biển Ðức và từ trần ngày 20 tháng 11. Ngài được phong thánh năm 1193.



Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn04:30

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 19/11/2020.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 19/11/2020.
Giêrusalem, “Phải chi ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi.” (Lc 19,42).
Thành Giêrusalem là một kiến trúc cổ bằng đá, được xây dựng 46 năm liên tục. Đây là một biểu tượng, một niềm tự hào của người Do Thái. Mỗi năm, một người Do Thái kính viếng thánh thánh ít nhất một lần.
Đức Giêsu thấy viễn cảnh thánh thánh điêu tàn dưới gót giày ngoại xâm. Ngài đã thổn thức và khóc than. Ngài khóc bởi sự mê muội của giới chức, không chăm nom giá trị của tiền nhân. Ngài thương bởi sự thiếu hiểu biết cùng tội lỗi của họ, không biết đâu là bến bờ. Họ cứ ngỡ thành thánh đang được bình an, nguy nga tráng lệ.
Chính Đức Giêsu là nguồn bình an. Ngài đã bao lần giảng dạy như thế, ngay trong thành này. Ngài đã dùng những lời yêu thương nhất, đã chữa lành những bệnh nhân khốn khổ nhất, Ngài đã chỉ ra những dụ ngôn dễ hiểu nhất để người ta nhận ra Ngài. Nhưng họ đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu.
Đức Giêsu cảm thấy xót xa khi người ta từ chối tình yêu của Ngài: từ chối ơn cứu độ và sự bình an Ngài mang đến, nên họ phải đau khổ.
Cảm nhận tin mừng. Chúa Giêsu vẫn đang đau khổ và khóc thương vì tội lỗi chúng con. Chúng con không khác chi dân thành Giêrusalem xưa khi cố tình chối bỏ Chúa để chạy theo những vật chất danh vọng nơi trần gian.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúa đã đem tình yêu của Chúa đến cho chúng con, và mong chúng con nhận biết và đón nhận tình yêu ấy. Xin cho chúng con biết từ bỏ đời sống tội lỗi, để được hưởng nhờ tình yêu, sự tha thứ và ơn cứu độ. Amen.

19 Tháng Mười Một

Thánh Agnes ở Assisi
(1197-1253)

 

Thánh Agnes là em ruột và là người đầu tiên theo Thánh Clara. Sau khi Clara bỏ nhà đi tu thì hai tuần sau, Agnes cũng bỏ nhà đi theo chị mình. Gia đình các ngài tìm cách ép buộc đưa Agnes về. Họ cố lôi ngài ra khỏi tu viện, nhưng thật lạ lùng thân thể của ngài bỗng dưng nặng chĩu khiến vài người đàn ông cũng không thể nhấc nổi. Người chú của ngài là Monaldo định đánh ngài nhưng bỗng dưng ông bị tê liệt. Sau đó họ phải để cho các ngài yên.

 

 Agnes không thua gì người chị của mình trong việc cầu nguyện và hy sinh hãm mình trong thời gian ở San Damiano. Năm 1221, một nhóm nữ tu dòng Biển Ðức ở Monticelli (gần Florence) xin được trở thành các nữ tu Clara Nghèo Hèn. Thánh Phanxicô gửi Agnes đến làm tu viện trưởng của tu viện này. Sau khi thiết lập các tu viện Clara Nghèo Hèn ở vùng bắc nước Ý, Agnes được gọi về San Damiano năm 1253, khi Clara sắp sửa từ trần.

 

Ba tháng sau khi Clara từ trần, Agnes cũng đi theo chị mình.

Thánh Agnes được phong thánh năm 1753.

 

Lời Bàn

Thiên Chúa chắc hẳn phải ưa thích cảnh trớ trêu, vì thế giới đầy dẫy những điều ngược đời. Vào năm 1212, ở Assisi chắc hẳn nhiều người nghĩ rằng Thánh Clara và Agnes đã uổng phí cuộc đời khi các ngài quay lưng lại thế gian. Trên thực tế, cuộc đời của các ngài thực sự đã đem lại sức sống dồi dào, và thế giới được phong phú hơn nhờ gương mẫu của các vị tu sĩ nghèo hèn ấy.

 

Lời Trích

Charles de Foucald, sáng lập tu hội Tiểu Ðệ và Tiểu Muội của Chúa Giêsu, có viết: "Người ta phải trải qua sự cô độc và thực sự sống ở đó để nhận được ơn sủng của Thiên Chúa. Chính ở đó mà họ từ bỏ tất cả, gạt bỏ tất cả những gì không thuộc về Thiên Chúa, có như thế họ mới dọn được căn nhà linh hồn chỉ để một mình Chúa ngự. Khi làm như vậy, đừng sợ phản bội loài người. Ngược lại, đó là phương cách duy nhất mà bạn có thể phục vụ họ cách hữu hiệu" (Raphaen Brown, Franciscan Mystic, t. 126).



Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:35

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 18/11/2020.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 18/11/2020.
“Sao anh không gởi bạc của tôi vào ngân hàng?” (Lc 19,11-28).
Người ta phát minh ra đồng tiền tính tới nay là khoảng năm ngàn năm. Như vậy, tính đến thời Chúa Giesu, đồng tiền đã có mặt được ba ngàn năm. Người ta đã có các dịch vụ cho vay tiền mà ngày nay gọi là ngân hàng.
Đức Giêsu đã mượn dịch vụ đầu tư tiền bạc này để nói đến một cuộc đầu tư khác, đó là cuộc đầu tư đức tin, đầu tư vì Nước Trời...
Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước đã nói với các học viên tin mừng trong lớp Tác viên Tin Mừng tại Giáo xứ Bắc Hà năm 2018 như sau: "Mỗi học viên hãy là gương sáng phản chiếu tình yêu Thiên Chúa cho bất cứ một người nào, giúp họ nhận ra Tin mừng là đã đủ để nhận phần thưởng Nước Trời".
Cảm nhận tin mừng. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, là chúng con đã lãnh nhận vốn liếng đức tin. Chúa không muốn chúng con giữ lấy cho riêng mình, nhưng cần chia sẻ cho mọi người chung quanh, như ngọn nến cháy sáng chiếu tỏa.
Lạy Chúa Giesu Thánh Thể. Chúa đã đặt mỗi người chúng con làm quản lý của Chúa. xin giúp chúng con can đảm sống và làm chứng niềm tin vào Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

18 Tháng Mười Một

Thánh Rose Philippine Duchesne
(1769-1852)

 

Sinh ở Grenoble, nước Pháp, trong một gia đình giầu có, Philippine hấp thụ năng khiếu chính trị từ người cha và nơi người mẹ ngài học được sự thương yêu người nghèo. Về tính tình, chính yếu ngài là một người cương quyết với ý chí bất khuất, mà sau này tính khí ấy đã giúp ngài trở nên thánh thiện. Ngài gia nhập tu viện năm 19 tuổi mà không nói với cha mẹ một lời, và dù gia đình có chống đối, ngài vẫn cương quyết đi tu. Khi cuộc Cách Mạng Pháp bùng nổ, tu viện phải đóng cửa, ngài quay sang chăm sóc người nghèo và người đau yếu, mở lớp dạy các trẻ bụi đời và liều mình giúp đỡ các linh mục đang hoạt động âm thầm.

 

 Khi tình thế lắng dịu, chính ngài thuê lại tu viện cũ, đã đổ nát vì chiến tranh, cốt để làm sống lại sinh hoạt nhà dòng. Chiến tranh đã tàn phá không chỉ vật chất mà còn ảnh hưởng đến đời sống tâm linh. Nhà dòng chỉ còn lại bốn nữ tu. Sau đó họ gia nhập Tu Hội Thánh Tâm mới được thành lập, mà vị bề trên trẻ tuổi, Thánh Madeleine Sophie Barat, trở nên một người bạn trong suốt cuộc đời của sơ Philippine. Một thời gian ngắn sau đó, sơ Philippine làm bề trên nhà dòng và làm hiệu trưởng một trường học. Nhưng mơ ước của ngài ngay từ khi còn nhỏ, lúc được nghe biết về công cuộc truyền giáo ở Louisiana, là sang Hoa Kỳ phục vụ người da đỏ. Ngài thực hiện tham vọng này khi 49 tuổi.

 

Cùng với bốn nữ tu, ngài lênh đênh trên biển 11 tuần lễ để đến New Orleans, và sau đó họ phải xuôi giòng Mississippi thêm bảy tuần lễ nữa để đến St. Louis. Ðến nơi, ngài chỉ gặp toàn thất vọng. Ðức giám mục địa phương không có chỗ cho các sơ tá túc để hoạt động cho người thổ dân Hoa Kỳ. Thay vào đó, đức cha lại sai các sơ đến một nơi mà ngài gọi là "làng hẻo lánh nhất Hoa Kỳ," đó là St. Charles, Missouri. Tuy nhiên, với bản tính dũng cảm sơ Philippine đã thiết lập trường học miễn phí đầu tiên cho các thiếu nữ ở vùng tả ngạn sông Mississippi.

 

Nhưng đó là một sai lầm. Mặc dù các ngài làm việc quần quật như bất cứ người phụ nữ nào trong thời kỳ khẩn hoang phải rong ruổi trên các toa xe ngựa viễn tây, sự đói khát và lạnh giá đã đẩy các ngài ra khỏi vùng, lưu lạc đến Florissant, Missouri, là nơi ngài thiết lập trường Công Giáo Da Ðỏ đầu tiên. Phải là một nữ anh thư như Mẹ Philippine Duchesne mới kinh qua được những hành trình khủng khiếp trong thời gian truyền giáo. Louis E. Callan, người tìm hiểu về Mẹ Duchesne đã viết: "Trong thập niên đầu khi Mẹ Duchesne đến Hoa Kỳ, trên thực tế ngài đã phải chịu đựng mọi gian khổ của một người khẩn hoang, ngoại trừ sự đe dọa của người da đỏ -- không có chỗ ở, thiếu thốn thực phẩm, nước uống, dầu đốt, tiền bạc, thời tiết thay đổi thất thường, thiếu thốn mọi tiện nghi, và sự ngỗ nghịch của các trẻ em vì sống trong môi trường thô bạo và ít được giáo dục".

 

Sau cùng, vào lúc 71 tuổi, với sức khoẻ yếu kém và mệt mỏi, ngài đã hoàn thành ước mơ. Một xứ đạo được thành hình ở Sugar Creek, Kansas, giữa những người thổ dân Potawatomi. Mặc dù ngài không thể học được tiếng bản xứ, nhưng người thổ dân gọi ngài là "Bà Luôn Cầu Nguyện". Trong khi người khác học hỏi thì ngài cầu nguyện. Người ta kể rằng các trẻ em da đỏ nghịch ngợm, lén ra đằng sau lưng ngài khi đang cầu nguyện để ném lên áo những mẩu giấy, và vài tiếng đồng hồ sau chúng trở lại, các mẩu giấy ấy vẫn còn dính trên áo.

 

Ngài từ trần năm 1852 lúc 83 tuổi, và được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II phong thánh năm 1988.

 

Lời Bàn

 

Ơn Chúa đã trui rèn ý chí sắt đá và sự quyết tâm của Mẹ Duchesne để trở thành một người khiêm tốn và vị tha, không muốn sự an nhàn của một đấng bề trên. Tuy nhiên, người ta chỉ nên thánh bởi sự trau dồi theo thời gian. Truyện kể rằng trong một cuộc tranh luận với vị linh mục về sự thay đổi nơi cung thánh, ngài cứng đầu đến nỗi vị linh mục phải đe dọa lấy đi nhà tạm thì ngài mới thôi. Nhưng ngài đã kiên nhẫn chịu đựng sự chỉ trích của các nữ tu trẻ cho rằng ngài thiếu cấp tiến. Qua tất cả các biến cố trong quãng đời 31 năm ấy, ngài có được một tình yêu bất khuất và đã trung thành tuân giữ lời khấn của ngài.

 

Lời Trích

 

"Chúng tôi chỉ làm được những điều rất nhỏ trong cánh đồng truyền giáo cho Ðức Kitô, nhưng chúng tôi yêu quý điều ấy, vì biết rằng Thiên Chúa không đòi hỏi phải thành đạt những công trình lớn lao, nhưng Người muốn một con tim dâng hiến tất cả, không giữ lại chút gì cho mình... Thập giá đích thực là thập giá mà chúng ta không tự chọn cho mình... Người có được Ðức Giêsu là có được tất cả" (Thánh Rose Philippine Duchesne)



Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:33

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 17/11/2020.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 17/11/2020.
“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” (Lc 17,4).
Ông Giakêu là thủ lĩnh các người thu thuế, chính ông đã thừa nhận; mình là người tội lỗi khi thưa với Đức Giêsu: "Nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn".
Trước đó, ông đã nghe nói nhiều về Đức Giêsu. Với ý định từ bỏ con đường làm ăn gian dối, ông mong tìm gặp Đức Giêsu để xin Người dạy bảo điều gì đó giúp ông quay trở về.
Đức Giêsu không vô tình đi ngang qua nhà ông. Ngài thấu biết tâm can ông. Bởi thế, vừa nhìn thấy ông trên cây sung, Ngài nói ngay: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi".
Giakêu ngỡ ngàng và vui mừng quá đỗi. Ông mời Đức Giêsu và các môn đệ vào nhà nghỉ ngơi và dùng bữa. Thấy thế, có mấy người tỏ vẻ khó chịu vì Ngài ghé thăm nhà một người tội lỗi.
Người Dothái nhìn ông Giakêu dưới con mắt khinh thường, còn Đức Giêsu nhìn ông với ánh mắt bao dung đầy lòng thương xót đối với những người lầm lạc biết quay trở về nẻo chính đường ngay. Ông đã sẵn sàng chia đôi tài sản cho người nghèo; sẵn sàng đền gấp bốn khi đã chót cưỡng đoạt của ai đó điều gì.
Cảm nhận tin mừng. Trước kia, chúng con luôn có cái nhìn kết án, ghen ghét, ích kỷ, vụ lợi, với người chung quanh, thì giờ đây, mỗi người chúng con đến nhà thờ, được Chúa thương xót tha thứ, chúng con cũng hãy tha thứ, bao dung, bác ái với mọi người.
Lạy Chúa Giesu Thánh Thể. Ông Giakeu vì gặp được Chúa mà cuộc đời của ông đã được biến đổi. Xin cho chúng con biết tìm kiếm Chúa mỗi ngày qua bí tích Thánh Thể, để chúng con cũng được đổi mới, từ bỏ những việc làm bất chính, mà trở nên xứng đáng với ơn cứu độ Chúa ban. Amen.

17 Tháng Mười Một

Thánh Elizabeth ở Hung Gia Lợi
(1207-1231)

 

Tuy cuộc đời của Thánh Elizabeth thật ngắn ngủi, nhưng lòng thương yêu ngài dành cho người nghèo và người đau khổ thật lớn lao đến nỗi ngài được Giáo Hội đặt làm quan thầy của các tổ chức bác ái Công Giáo và của Dòng Ba Phanxicô. Là con gái của vua Hung Gia Lợi, thay vì chọn một đời sống xa hoa nhàn hạ, Thánh Elizabeth đã đi theo con đường khổ hạnh và hãm mình. Quyết định đó đã để lại trong tâm khảm của bao người dân Âu Châu niềm cảm mến sâu xa.

 

 Khi lên 14 tuổi, ngài kết hôn với ông Louis ở Thuringia (một quận chúa của Ðức), là người mà ngài rất yêu mến, và có được ba mặt con. Dưới sự linh hướng của các tu sĩ Phanxicô, ngài sống đời cầu nguyện, hy sinh và phục vụ người nghèo cũng như người đau yếu. Không những thế, ngài còn muốn trở nên một người nghèo thực sự qua cách ăn mặc thật đơn sơ. Mỗi ngày, ngài phân phát thực phẩm cho hàng trăm người nghèo trong vùng mà lúc nào cũng đầy nghẹt trước cửa nhà.

 

Sau sáu năm thành hôn, ngài thật đau khổ khi nghe tin chồng tử trận trong cuộc Thập Tự Chinh. Buồn hơn nữa, gia đình nhà chồng lại coi ngài là người hoang phí tiền bạc của hoàng gia nên đã đối xử với ngài thật thậm tệ, và sau cùng họ đã tống ngài ra khỏi hoàng cung. Nhưng sau cuộc thập tự chinh, những người thân thuộc bên chồng trở về đã phục hồi quyền lợi cho ngài, vì con trai của ngài là người thừa kế chính thức.

 

Vào năm 1229, ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô, và dùng quãng đời còn lại để chăm sóc người nghèo trong một bệnh viện mà ngài đã thiết lập để vinh danh Thánh Phanxicô. Sức khỏe của ngài ngày càng sa sút, và sau cùng ngài đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày sinh nhật thứ 24, năm 1231. Vì sự nổi tiếng về nhân đức của ngài nên chỉ bốn năm sau ngài đã được phong thánh.

 

Lời Bàn

Thánh Elizabeth hiểu rất rõ bài học của Ðức Kitô khi Người rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly: người Kitô phải là người phục vụ những nhu cầu cần thiết của tha nhân, dù người phục vụ có địa vị cao trọng. Là một người trong hoàng tộc, Thánh Elizabeth đã có thể sai khiến người dân, nhưng ngài đã phục vụ họ với một tâm hồn thật đại lượng đến nỗi trong cuộc đời ngắn ngủi ấy ngài đã được sự quý mến của rất nhiều người. Thánh Elizabeth còn là gương mẫu cho chúng ta về sự tuân phục vị linh hướng. Thăng tiến đời sống tâm linh là một tiến trình thật khó khăn. Chúng ta rất dễ tương nhượng nếu không có ai khích lệ hay chia sẻ những kinh nghiệm để giúp chúng ta tránh được các cạm bẫy.

 

Lời Trích

"Trong thời đại ngày nay, chúng ta có trách nhiệm đặc biệt là trở nên người thân cận đối với mọi người, và tích cực giúp đỡ họ khi chúng ta gặp trên đường đời, dù đó là người già cả bị hắt hủi, người lao công ngoại quốc bị khinh miệt, người tị nạn, trẻ sơ sinh của một mối tình vụng trộm mà bất đắc dĩ em phải chịu đau khổ, hay một người đói ăn; những người ấy đã làm lương tâm chúng ta phải bối rối khi nhớ lời Ðức Kitô: 'Khi anh em giúp đỡ một người bé mọn này là giúp đỡ chính Thầy' (Mt. 15:40)" (Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, 27).



Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:28

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 16/11/2020

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 16/11/2020
"Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi" (Lc 18, 35-43).
Để chứng minh là không có Thượng Đế, một người vô thần đã nuôi một đứa con nuôi từ khi nó mới 5-6 tuổi. Ông để nó sống quanh quẩn trong vườn cây sau nhà và không cho nó tiếp xúc với bất kỳ một người nào với hy vọng không ai nói cho nó biết bất cứ điều gì ngoài đời. (Ông cung cấp thức ăn, nước, quần áo và vật dụng khác qua ô cửa sô).
Mười năm sau vào một ngày thuận tiện, ông mời tất cả bạn bè của ông, vô thần cũng như không vô thần đến nhà, để chứng minh là không có Thượng Đế.
Vào vườn tìm mãi không thấy thằng bé, thì ra nó đang chấp tay hướng về ánh bình minh mà cầu nguyện. Hỏi nó, nó nói: Phải có một Đấng đầy quyền uy nào đó làm ra muôn vạn vật hấp dẫn sự sống đến như vậy và nó tin là có Đấng ấy.
Hàng ngày ngồi ăn xin bên vệ đường, hẳn anh mù đã nghe biết nhiều về Đức Giêsu. Khi biết chính xác là Người, anh kêu lớn tiếng lên rằng: "Lạy con vua Ðavít, xin thương xót tôi!". Sợ Ngài không nghe thấy, anh kêu lớn tiếng hơn: "Lạy con vua Ðavít, xin thương xót tôi!". Kêu lớn tiếng như thế là anh đã biểu lộ niềm tin mãnh liệt vào Đức Giêsu. Thấy được sự tín thác của anh, Đức Giêsu đã ra tay cứu giúp khi nói: “Đức Tin của anh đã cứu anh”.
Cảm nhận tin mừng. Chúng con không nhận ra Chúa đang hiện diện nơi người anh em chung quanh, để rồi coi thường họ. Từ đây chúng con cố gắng sống khiêm tốn, tôn trọng người chung quanh để nhận ra Chúa như anh mù Giêricô khi xưa. Chỉ có thái độ khiêm nhường, tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, thì con mắt đức tin của chúng con mới thực sự sáng để xác tín và đi theo Chúa trọn vẹn.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Xin cho chúng con được thêm niềm xác tín mạnh mẽ nơi Chúa như anh mù khi xưa. Xin thương giải thoát chúng con khỏi sự mù lòa trong tâm hồn Amen.

16 Tháng Mười Một

Thánh Margaret ở Tô Cách Lan
(1045-1093)

 

Thánh Margaret ở Tô Cách Lan quả thật là một phụ nữ tự do--trong ý nghĩa tự do để trở nên con người đích thực. Ðối với ngài, điều đó có nghĩa được tự do để yêu mến Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.

 

 Margaret không phải là người Tô Cách Lan. Ngài là con gái của Công Chúa Agatha Hung Gia Lợi và Thái Tử Edward Atheling của Anglo-Saxon. Thời niên thiếu, ngài sống trong triều đình của người bác là Edward, vua nước Anh, người bảo vệ đức tin. Khi bị William xâm chiếm, trên đường chạy trốn, gia tộc ngài bị đắm tầu ở bờ biển Tô Cách Lan. Vua Malcolm của Tô Cách Lan làm quen với hoàng tộc này và ông đã say mê sự duyên dáng cũng như vẻ đẹp của Margaret. Và họ đã kết hôn ở lâu đài Dunfermline năm 1070.

 

Vua Malcolm là người tốt bụng, nhưng cộc cằn và không có học thức, cũng giống như quê hương của ông. Vì tình yêu của Malcolm dành cho Margaret mà bà có thể thay đổi tính tình nóng nẩy của ông, cũng như chỉ bảo cách đối xử và giúp ông trở nên một vị vua nhân đức. Bà đã biến triều đình thành một nơi lịch thiệp và mỹ miều. Ông đã để mọi việc trong nước cho bà quản trị và thường hỏi ý của bà khi có vấn đề quốc sự.

 

Margaret là một ơn huệ Chúa ban cho người dân Tô Cách Lan. Trước khi bà đến đây, có rất nhiều người dốt nát và nhiều hủ tục trong nước. Bà tìm cách cải tiến quê hương chồng bằng cách cổ võ việc giáo dục và nghệ thuật. Về cải cách tôn giáo, bà khích lệ tổ chức các thượng hội đồng và đích thân tham dự các buổi thảo luận nhằm chấn chỉnh những tệ đoan tôn giáo rất phổ thông thời ấy của tu sĩ cũng như giáo dân, tỉ như vấn đề buôn thần bán thánh, cho vay lời cắt cổ và loạn luân. Cùng với đức lang quân, bà xây dựng nhiều nhà thờ trong nước và chính tay bà thêu áo lễ cho các linh mục.

 

Margaret không chỉ là một hoàng hậu mà còn là một người mẹ gương mẫu. Thiên Chúa đã ban cho ông bà sáu con trai và hai con gái. Ðích thân bà trông coi việc giáo dục cũng như dạy giáo lý cho con. Người con út của bà sau này là Thánh David.

 

Mặc dù rất bận rộn với công việc nhà cũng như việc nước, bà cố giữ mình khỏi bị ảnh hưởng của thế gian. Ðời sống riêng tư của bà rất khắc khổ. Bà dành thời giờ để cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Bà ăn uống thanh cảnh và ngủ rất ít để có thời giờ suy niệm. Hàng năm, hai ông bà tuân giữ hai mùa Chay, một lần trước Phục sinh và một lần trước Giáng Sinh. Trong thời gian này bà thường thức giấc vào nửa đêm để đi dự Thánh Lễ. Trên đường về, bà rửa chân cho sáu người nghèo và bố thí cho họ. Mỗi khi bà xuất hiện nơi công cộng là bị những người ăn xin vây quanh và không bao giờ bà từ chối họ. Người ta kể rằng, trước khi bà ngồi xuống dùng bữa tối, bà thường dọn thức ăn cho chín trẻ mồ côi và 24 người nghèo.

 

Năm 1093, Vua William Rufus bất ngờ tấn công vào thành Alnwick. Vua Malcolm và người con cả là Edward bị giết chết. Bà Margaret, cũng bị thương nặng, và bốn ngày sau khi chồng bà từ trần thì bà cũng trút hơi thở cuối cùng.

 

Lời Bàn

 

Có hai cách thi hành việc bác ái: cách "sạch sẽ" và cách "bẩn thỉu." Cách "sạch sẽ" là tặng tiền bạc, quần áo cho các tổ chức phục vụ người nghèo. Cách "bẩn thỉu" là dùng chính bàn tay của mình để phục vụ mà không sợ dơ bẩn. Nhân đức trổi vượt của Thánh Margaret là lòng thương người nghèo. Mặc dù rất giầu sang, nhưng ngài đã đích thân thăm viếng người bệnh hoạn và chăm sóc họ với chính đôi tay của mình. Trong mùa Vọng và mùa Chay, hai ông bà đã quỳ xuống để phục vụ các trẻ em mồ côi và người nghèo hèn. Giống như Ðức Kitô, bà đã thi hành bác ái trong phương cách "bẩn thỉu."

 

Lời Trích

 

"Khi bà lên tiếng, trong lời nói đầy sự khôn ngoan ấy có sức thay đổi lòng người. Khi bà im lặng, sự thinh lặng đầy suy tư. Toàn thể bề ngoài của bà phù hợp với tính tình trầm lặng mà dường như bà được sinh ra với một cuộc đời nhân đức" (Turgot, cha giải tội của Thánh Margaret).



Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:25