Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

Tin Mừng thứ ba tuần 5 mùa chay B. Ngày 23/3/2021.

Filled under:

 


Tin Mừng thứ ba tuần 5 mùa chay B. Ngày 23/3/2021.
"Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: "Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được".
Người Do-thái nói với nhau rằng: "Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói "Nơi Ta đi các ông không thể tới được"?"
Chúa Giêsu nói tiếp: "Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao. Các ông thuộc về thế gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này. Ta đã nói: Các ông sẽ chết trong tội các ông. Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông".
Vậy họ liền hỏi: "Ông là ai?" Chúa Giêsu trả lời: "Là Nguyên thuỷ đang nói với các ông đây! Ta có nhiều điều phải nói và đoán xét về các ông, nhưng Ðấng đã sai Ta là Ðấng chân thật, và điều Ta nói ra trong thế gian đây, chính là điều Ta đã nghe biết ở Ngài".
Nhưng họ không hiểu là Người nói về Chúa Cha, vì thế Chúa Giêsu nói: "Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai. Ta không tự mình làm điều gì. Ðiều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Ðấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài". Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðức Giêsu được sai đến trong thế gian để làm chứng về Chúa Cha và làm những điều đẹp lòng Người. Ai không tin Ðức Giêsu, thì không thể đến được với Thiên Chúa Cha là nguồn hạnh phúc và ơn cứu độ. Vì chính Ðức Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa. Ngài đem ơn Cứu Ðộ cho nhân loại.
Niềm tin vào Ðức Giêsu Kitô sẽ làm cho ta được biến đổi để vươn lên tới Thiên Chúa. Qua Ðức Giêsu, Thiên Chúa đã hạ xuống gần chúng ta, đồng thời Người cũng nâng chúng ta đến gần Thiên Chúa và cho ta được chia sẻ sống viên mãn của Người.
Cầu Nguyện:
Lạy Cha, Cha đã yêu thương chúng con và sai Ðức Giêsu Con Cha đến ở với chúng con. Ngài đã nên giống chúng con hoàn toàn và sẵn sàng chấp nhận bị treo lên để làm dấu chỉ ơn cứu độ cho chúng con. Ngài cũng dạy cho chúng con nhận biết Cha. Xin cho chúng con biết lắng nghe và thực hành lời Ðức Giêsu dạy để đạt tới sự sống và ơn cứu độ muôn đời. Chúng con xin tạ ơn Cha cùng với Ðức Giêsu, Con Cha. Amen.


Ngày 23 Tháng 3

Thánh Turibius ở Mogrovejo
(1538 - 1606)

 

Cùng với Thánh Rosa ở Lima, Thánh Turibius là vị thánh đầu tiên nổi tiếng ở Tân Thế Giới, phục vụ Thiên Chúa ở Peru, Nam Mỹ trong 26 năm.

 

Sinh ở Tây Ban Nha và theo học về luật, ngài trở thành một học giả sáng giá đến nỗi được làm giáo sư luật cho Ðại Học Salamanca, và sau đó trở thành chánh án Toà Thẩm Tra ở Granada dưới thời Vua Philip II. Ngài rất thành công, nhưng vẫn chưa phải là một luật sư có thể ngăn cản được những biến cố đột ngột xảy ra trong đời.

 

Khi toà giám mục Lima trong thuộc địa Peru của Tây Ban Nha trống ngôi, nhà vua quyết định Turibius phải là người giữ chức vụ đó: vì ngài cương quyết và có tinh thần đạo đức. Sau khi được thụ phong linh mục và tấn phong giám mục, ngài được gửi sang Peru năm 1581, là nơi ngài chứng kiến sự tồi tệ của chủ nghĩa thực dân. Ở đây, người Tây Ban Nha xâm lăng vi phạm đủ mọi loại tội lỗi đối với người địa phương. Các lạm dụng của hàng giáo sĩ cũng thật lộ liễu, và Ðức Turibius đã dồn mọi nỗ lực để cải tổ lãnh vực này trước hết.

 

Ngài bắt đầu các cuộc thăm viếng lâu dài và gian khổ đến tất cả các giáo xứ trong tổng giáo phận mênh mông. Ngài học tiếng địa phương, và trong các chuyến công tác, có khi phải ở đó đến hai ba ngày mà thường không có thực phẩm cũng như giường chiếu. Mỗi sáng ngài đều xưng tội với cha tuyên uý, và cử hành Thánh Lễ với sự sốt sắng tột độ. Trong những người được Thêm Sức từ tay ngài là Thánh Rosa ở Lima, và có lẽ cả Thánh Martin de Porres nữa.

 

Ngài giúp thiết lập các trường học, nhà thờ, và mở cửa chủng viện đầu tiên trong Tân Thế Giới. Ðể sinh hoạt mục vụ với những người thổ dân, ngài còn sành sõi một vài tiếng địa phương.

 

Ngài được phong thánh năm 1726.

 

Lời Bàn

 

Quả thật Thiên Chúa đã uốn thẳng các đường lối quanh co. Trái với ý định của Turibius, và lại phát xuất từ điểm không ai ngờ là Toà Thẩm Tra, con người này đã trở nên vị chủ chăn giống như Ðức Kitô của các người nghèo và người bị áp bức. Thiên Chúa đã ban cho ngài ơn biết yêu thương tha nhân như điều họ mong đợi.

 

 

Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn04:41

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

Mừng bổn mạng Đức cha, cha xứ Giuse ngày 19/3/2021.

Filled under:

 



Posted By Đỗ Lộc Sơn06:00

Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2021

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 14/3/2021

Filled under:

 



Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 14/3/2021
Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ (Ga 3, 14).
Một bầy vịt con bị sa xuống hố sâu, người chủ trại buộc sợi dây thừng vào một cái rổ và thả xuống, mong những con vịt kia trèo vào rổ để được kéo lên. Thế nhưng có vài con không chịu bước vào. Không muốn mấy con vịt kia phải chết, người chủ trại bất chấp nguy hiểm, trèo xuống hố để đem những con vịt dại khờ kia lên.
Thiên Chúa yêu thương dân Người (Dân Do Thái), mặc dù họ không tin Người (Tổ tiên họ đã tin Người). Trong sa mạc, sự dữ đã đến để hủy hại họ, một bầy rắn độc cắn chết nhiều người. Môsê theo lệnh Chúa; ông làm con rắn treo lên cây cột, nếu ai bị rắn cắn mà nhìn lên thì liền được sống. Con rắn chính là biểu tượng về lòng thương xót của Thiên Chúa, là hình ảnh báo trước về Đức Giêsu bị treo trên thập giá sau này!
Thiên Chúa muốn dạy cho dân chúng một bài học, đó là: vô ơn, bội nghĩa và đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa thì sẽ phải chết. Ngược lại, nếu tin tưởng tuyệt đối vào Người, thì sẽ được sống.
Cảm nhận của chúng con là: hãy tin tưởng tuyệt đối vào Đức Giêsu, vì Ngài là Con Thiên Chúa làm người, là Đấng gánh tội và cứu chuộc trần gian. Chúng con cần đi trên con đường mà Ngài đã đi, đó là: yêu thương và vâng phục. Chúng con cũng cần lánh xa những thứ thuộc về bóng đêm của tội lỗi như: ích kỷ, kiêu ngạo.
khoe khoang, chia rẽ….
Lạy Chúa Giesu Thánh Thể. xin hãy đưa chúng con lên với Chúa để được Chúa yêu thương và cứu chuộc. Amen.



Posted By Đỗ Lộc Sơn14:00

Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2021

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 13/3/2021

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 13/3/2021
Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên" (Lc 18, 14).
Các kinh sư và những người pharisiêu là những bậc thầy trong xã hội Do Thái thời bấy giờ. Họ có nói gì, có làm gì thì cũng không người dân nào dám lên tiếng. Đức Giesu không như thế, Ngài cần phải sửa dạy họ, để họ trở nên tốt hơn.
Đức Giêsu, Ngài thường dùng dụ ngôn mà nói với các môn đệ và dân chúng. Hôm nay, Ngài kể về người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác.
Câu chuyện mang tính dụ ngôn, nhưng thực tế, trong cuộc sống hôm nay, vẫn còn đó rất nhiều người mắc phải.
Đạo đức là một điều tốt, nhưng tự hào về đạo đức lại là một nguy cơ. Coi sự cố gắng của mình là trên hết . Sự thánh thiện của mình làm che lấp ân ban của Thiên Chúa.
Người tội lỗi không dám ngẩng đầu lên, không dám đến gần cung thánh nhưng ẩn khuất cuối Đền thờ, anh cúi đầu thú tội: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”.
Cảm nhận tin mừng. Chúng con ít nhiều gì cũng đã có những lúc huênh hoang, tự cao tự đại, thích khoe khoang thành tích để được mưu lợi gì đó. Từ nay chúng con quyết giữ mình thật thà, không ham danh mưu lợi, để được Chúa và mọi người yêu mến.
Lạy Chúa Giesu Thánh Thể. Xin cho chúng con biết sống khiêm nhường trước mặt Chúa và trước mặt anh chị em. Xin cho chúng con nhận thức được tội lỗi của mình mà xin ơn tha thứ, cậy trông vào lòng thương xót của Chúa, để được hưởng ơn cứu độ. Amen.
Chuyện đọc thêm:
Quỉ không khiêm nhường sám hối.
Một hôm có một tên quỉ kia chạy đến trước mặt Thiên Chúa mà thưa rằng:
- Tôi thấy Chúa xử không công minh chút nào!
Chúa liền hỏi nó rằng:
- Tại sao ngươi dám bảo Ta đối xử không công bằng?
Bấy giờ tên quỉ mới đáp:
- Chúa thấy đó, loài người phạm rất nhiều tội to lớn, và mỗi tội chúng đều phạm đi phạm lại nhiều lần. Thế mà lần nào Chúa cũng tha thứ cho chúng và còn ban hạnh phúc Thiên đàng đời đời cho chúng nữa. Còn chúng tôi chỉ phạm tội có một lần duy nhât, thế mà Chúa không khi nào tha thứ, mà còn phạt chúng tôi phải xuống hỏa ngục muôn đời. Như vậy chẳng phải là Chúa đối xử thiên vị và bất công lắm hay sao?
Bấy giờ Chúa mới ôn tồn nói:
- Loài người có phạm tội với Ta thật, và vì yếu đuối mà chúng đã phạm đi phạm lại nhiều lần thật. Nhưng sau mỗi lần phạm tội, chúng đều biết hồi tâm sám hối và xin Ta tha tội. Còn các ngươi, có sám hối và xin Ta tha tội cho chưa?
Nghe thấy sám hối và xin tha tội, tên quỉ liền thét lên rằng:
- Ma quỉ chúng tôi không đời nào chấp nhận thái độ hèn hạ là sám hối và xin ai tha tội cho cả.
Nói thế rồi quỉ liền cong đuôi chạy mất.


 

Ngày 13 Tháng 3

Thánh Nicôla Owen
(c. 1606)

 

 Thánh Nicôla, thường gọi là "Tiểu Gioan", thân hình nhỏ nhắn nhưng lại vĩ đại về sự quý mến mà các linh mục dòng Tên dành cho ngài.

 

Sinh ở Oxford, ngài hành nghề thợ mộc và đã cứu được mạng sống của nhiều linh mục cũng như giáo dân ở Anh Quốc trong thời kỳ cấm cách (1559 - 1829), mà nhiều đạo luật đã được ban hành để trừng phạt người Công Giáo vì sống đức tin.

 

Trong khoảng thời gian 20 năm, Thánh Nicôla đã dùng tài năng của mình để thiết lập những nơi ẩn nấp kín đáo cho các linh mục trên toàn quốc. Công trình của ngài -- được thiết kế và dàn dựng bởi chính tay ngài -- quá kín đáo đến nỗi biết bao lần lục soát mà quan quân không thể nào tìm thấy các linh mục ẩn nấp trong đó. Ngài có tài tìm kiếm, và thiết lập những nơi an toàn như địa đạo ngầm dưới đất, khoảng cách giữa hai bức tường, và các ngõ ngách không cách chi vào được. Ngay cả có lần ngài sắp đặt kế hoạch để cứu thoát hai linh mục dòng Tên khỏi nhà tù ở Luân Ðôn.

 

Bất cứ khi nào Thánh Nicôla bắt đầu hoạch định những nơi ẩn nấp, ngài thường khởi sự bằng việc rước Mình Thánh Chúa, và trong suốt tiến trình dàn dựng đầy nguy hiểm ấy, ngài thường đến với Thiên Chúa qua sự cầu nguyện.

 

Sau nhiều năm phục vụ với công việc khác thường ấy, ngài đã gia nhập dòng Tên với tư cách thầy trợ sĩ, tuy nhiên sự liên hệ này đã được giữ bí mật với những lý do chính đáng.

 

Sau nhiều lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, ngài bị bắt năm 1594. Mặc dù bị tra tấn dã man, ngài vẫn không tiết lộ danh tính của các người Công Giáo. Sau khi được thả tự do với một số tiền hối lộ, "Tiểu Gioan" lại trở về với công việc cũ. Ngài bị bắt lại vào năm 1606. Lần này ngài bị tra tấn quá dã man và đã chết vì đau đớn. Quân cai ngục cố tuyên truyền rằng ngài đã thú nhận tội lỗi và tự tử, nhưng hành động anh hùng và sự thống khổ của ngài sau đó đã được lan truyền khắp nước.

 

Ngài được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI phong thánh năm 1970 như một trong 40 vị Tử Ðạo của Anh Quốc và Wales.

 

 

 

Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn04:30

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 12/3/2021

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 12/3/2021
"Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi". Còn đây là giới răn thứ hai: "Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi" (Mc 12, 28b-34).
Người Do thái có quá nhiều luật. Họ như bị lạc trong rừng. Không biết điều luật nào là chính, điều nào phụ. Một người trong nhóm kinh sư (Luật sư bây giờ) đến hỏi Đức Giêsu: Điều nào là quan trọng trong toàn bộ luật?. Người đáp: Anh phải yêu mến Thiên Chúa, là Chúa anh và yêu mến người lân cận, không còn giới răn nào lớn hơn hai điều đó”.
Để hiểu rộng ra; Yêu mến Thiên Chúa là thờ lạy, giữ và thực thi Lời Chúa, sẵn sàng từ bỏ mọi sự dù có phải khổ đau, hoạn nạn, thử thách, sẵn sàng chết cho Thiên Chúa là Đấng ta tôn thờ, yêu mến.
Còn yêu người là yêu hết mọi người, không phân biệt bạn hay thù, thánh thiện hay tội lỗi, giàu hay nghèo, màu da hay chủng tộc...
Thiên Chúa là tình yêu, mà tình yêu là phải chấp nhận cho đi, thiệt thòi, chịu liên lụy và đôi khi đành mất chính mình.
Chúa không bao giờ chấp nhận yêu thương theo thỏa thuận. Thí dụ: "Chúa cho con trúng số để con làm việc thiện"...
Cảm nhận tin mừng. Chúng con đã được Thiên Chúa yêu thương, thì bây giờ chúng con cũng phải biết yêu thương những anh chị em chung quanh, chẳng may vì lý do hay hoàn cảnh nào đó mà phải chịu khổ cực.
Lạy Chúa Giesu Thánh Thể. Xin giúp chúng con biết thay đổi cách sống. Chỉ khi nào chúng con kính mến Chúa thật sự, thì chúng con mới dễ dàng yêu thương, quảng đại và sống chan hòa với anh chị em chúng con. Amen.
Chuyện đọc thêm: Chị nữ tu phục vụ.
Mẹ Têrêsa Calcutta kể: “Hôm ấy, một người lạ mặt đến nhà dòng, ông thấy một Sơ vừa đem về một người hấp hối, nằm bên ống cống, mình mẩy giòi bọ rất hôi thối. Thế mà, Sơ rất nương nhẹ nhặt từng con bọ với vẻ mắt vui tươi, thanh thản đầy thương mến...
Người lạ đến gặp tôi và nói: “Thưa mẹ, khi con đến đây với đầy lòng căm hờn của một người vô tín ngưỡng. Nhưng bây giờ con ra về với một tâm hồn hoàn toàn đổi mới.
Con bắt đầu tin Chúa, bởi vì con đã chứng kiến tình yêu của Chúa được diễn tả một cách cụ thể qua hành động và qua cách Sơ ấy đối xử với người hấp hối bẩn thỉu kia.
Bây giờ con tin thật Chúa là tình yêu. Không có tình yêu Chúa trong tâm hồn, không khi nào có được nghị lực để yêu tha nhân được”.

Chân Phước Angela Salawa
(1881 - 1922)

 

 Angela phục vụ Ðức Kitô và những người bé mọn của Ðức Kitô với tất cả sức mạnh của ngài.

 

Sinh ở Siepraw, gần Kraków, Ba Lan, ngài là người con thứ 11 của ông bà Bartlomiej và Ewa Salawa. Vào năm 1897, ngài đến Kraków để sống với người chị Têrêsa. Trong Thế Chiến I, ngài giúp đỡ các tù nhân chiến tranh bất kể quốc tịch hay tôn giáo. Ngài thích nghiền ngẫm các văn bản của Thánh Têrêsa Avila và Thánh Gioan Thánh Giá.

 

 

Cũng trong thời chiến, ngài đã hết mình chăm sóc các thương binh của Thế Chiến I. Sau năm 1918, vì lý do sức khoẻ ngài phải chấm dứt công việc tông đồ này. Trong nhật ký, ngài tâm sự với Ðức Kitô, "Con muốn Chúa được kính mến nhiều cũng như khi Chúa bị khinh miệt." Ở chỗ khác, ngài viết, "Lạy Chúa, con sống bởi thánh ý Chúa. Chết hay sống là tùy thuộc ý Chúa muốn; xin gìn giữ con vì Chúa có thể làm điều ấy."

 

 

Trong lễ phong chân phước năm 1991 ở Kraków, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Chính trong thành phố này mà ngài đã hoạt động, đã chịu đau khổ và đã nên thánh. Trong khi sống theo tinh thần của Thánh Phanxicô, ngài vẫn đáp ứng một cách phi thường với tác động của Chúa Thánh Thần" (Báo L'Observatore Romano, tập 34, số 4, 1991)

 

Lời Bàn

 

Ðừng bao giờ lầm tưởng sự khiêm hạ với thiếu tự tin, thiếu ý chí và không có hướng đi. Chân Phước Angela đã đem Tin Mừng và sự giúp đỡ vật chất cho một số người "bé mọn" của Ðức Kitô. Sự hy sinh này phải khích động chúng ta hành động tương tự.

 

 

Lời Trích

 

Cha Henri de Lubac, dòng Tên, đã viết: "Các Kitô Hữu tốt lành nhất và đầy sức sống nhất thì không thể tìm thấy trong những người khôn ngoan hay tài giỏi, người trí thức hay có đầu óc chính trị, hoặc những người có địa vị xã hội. Bởi đó, những gì họ nói thì không được báo chí để ý đến; những gì họ làm thì công chúng không ai biết. Ðời sống của họ ẩn khuất dưới con mắt thế gian, và nếu họ có được chút gì nổi tiếng, điều đó thường xảy đến cách muộn màng, và rất ngoại lệ, và luôn luôn kèm theo nguy cơ bị bóp méo" (The Splendor of the Church [Sự Huy Hoàng của Giáo Hội], trang 187).

 

 

Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn07:35

Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2021

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 7/3/2021.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 7/3/2021.
"Đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán" (Ga 2 13-22).
Đức Giêsu là một người Do Thái nhiệt thành sống đạo. Ngài đã 7 lần lên Gierusalem tham dự những buổi lễ trọng (Ga 5,1; 6,4; 7,2; 10,22; 11,55; 12,1; 13,1).
Gần lễ vượt qua, Đức Giesu lại lên đền thờ. Ngài thấy những kẻ bán chiên bò, bồ câu và những người đang ngồi đổi tiền. Ngài bèn lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây”, "Đừng biến nhà Cha Tôi thành nơi chợ búa". Có lẽ, đây là lần đầu tiên Đức Giesu lớn tiếng như vậy.
Đức Giêsu; "tình yêu Chúa Cha" luôn thiêu đốt Ngài. Vì thế, tất cả những gì trái ý Cha của mình, là Ngài không chịu được. Ngài phản ứng mạnh mẽ như thế, là vì danh dự và vinh quang của Cha Người đã bị xúc phạm. Đức Giêsu sống cho quyền lợi của Thiên Chúa.
Cảm nhận tin mừng. Tâm hồn mỗi chúng con phải là nơi Chúa ngự. Vì thế chúng con phải chuyên tâm gìn giữ tâm hồn ấy luôn trong sạch. Không để cho sự lọc lừa cùng tệ nạn làm hen ố, kẻo một ngày nào đó, chúng con bị loại ra khỏi tinh thương của Chúa.
Lạy Chúa Giesu Thánh Thể, bài Tin Mừng hôm nay cho chúng con biết chính Chúa là Đền Thờ, là nơi Chúa Cha ngự trị. Xin cho chúng con biết trân trọng và yêu mến Đền Thờ ấy. Xin cho chúng con cũng biết dọn dẹp tâm hồn mình trở nên trong sạch, xứng đáng là đền thờ đẹp cho Chúa ngự. Amen.


 

Ngày 7 Tháng 3

Thánh Perpetua và Thánh Felicity
(c. 203?)

 

Trong những truyền thuyết mù mờ về đời sống các vị tử đạo tiên khởi, may mắn chúng ta vẫn còn được tài liệu về sự can đảm của Thánh Perpetua và Felicity từ chính nhật ký của Thánh Perpetua, của giáo lý viên Saturus, và các chứng nhân. Văn bản này, thường được gọi là "Sự Tử Ðạo của Perpetua và Felicity," được nổi tiếng trong các thế kỷ đầu tiên đến nỗi văn bản ấy đã được đọc trong phụng vụ.

 

 

Vào năm 203, Vibia Perpetua quyết định trở nên một Kitô Hữu, mặc dù ngài biết điều đó có thể dẫn đến cái chết trong thời kỳ bách hại của Septimus. Một người em trai của ngài cũng noi gương và trở nên người dự tòng. Cha của ngài cuống cuồng lo âu và ông cố gắng thay đổi ý định của ngài. Sự lo âu của ông thì dễ hiểu, vì một phụ nữ 22 tuổi, hăng say và có học thức như Perpetua thì không có lý do gì lại muốn chết -- chưa kể ngài còn có một đứa con mới sinh.

 

 

Nhưng thái độ của Perpetua thì rất rõ ràng. Ngài chỉ tay vào một bình đựng nước, và hỏi cha ngài, "Cha có thấy cái bình đó không? Cha có thể gọi nó một cái tên nào khác với bản chất của nó không?" Người cha trả lời, "Dĩ nhiên là không." Và Perpetua thản nhiên tiếp lời, "Con cũng không thể gọi con bằng một cái tên nào khác hơn là bản chất của con -- một Kitô Hữu." Câu trả lời đã làm người cha bực mình và ông đã tấn công chính con mình. Nhật ký Perpetua kể cho chúng ta biết, sau biến cố ấy ngài phải sống tách biệt với cha ngài trong vài ngày, và sự tách biệt ấy đã đưa đến sự bắt bớ và tù đầy của chính ngài.

 

Perpetua bị bắt với bốn người dự tòng khác, kể cả hai người nô lệ là Felicity và Revocatus. Người dạy giáo lý cho các ngài là Saturus đã bị bắt trước đó.

 

Nhà tù đầy chật người đến nỗi họ ngộp thở vì nóng nực và không có một chút ánh sáng. Quân lính thì xô đẩy họ không một chút xót thương. Perpetua thật khiếp sợ, nhưng trong tất cả những sự ghê rợn ấy, điều đau khổ lớn lao nhất của ngài là phải xa cách đứa con thơ.

 

Người nô lệ trẻ tuổi là Felicity lại càng đáng thương hơn nữa, vì ngài đang mang thai tám tháng và phải sống trong cái nóng nực, chen chúc, và thô bạo ấy.

 

Hai phó tế phục vụ tù nhân đã đút lót lính canh để các ngài được ở chỗ tốt nhất trong nhà tù. Ở đó, mẹ và em của Perpetua đã đến thăm và đưa con đến cho ngài. Khi được phép giữ con trong tù, ngài cảm thấy "nhà tù trở nên như cung điện". Cha ngài lại nài nỉ ngài thay đổi ý định, ông hôn tay ngài và ngay cả quỳ dưới chân ngài. Perpetua nói với ông, "Chúng ta không thể dựa vào quyền thế của chúng ta, nhưng quyền thế của Thiên Chúa."

 

Trong khi ngài bị đưa ra xét xử, cha ngài cũng đi theo, nài nỉ quan tòa. Vì thương hại, quan tòa cũng cố thay đổi ý định của Perpetua, nhưng ngài vẫn cương quyết, và cùng với các người khác, ngài bị kết án tử hình bằng cách ném cho thú dữ ăn thịt trong đấu trường.

 

Trong khi đó Felicity cũng rất đau khổ. Theo luật lệ, giết người phụ nữ mang thai là điều trái phép. Giết hài nhi trong bụng mẹ là đổ máu người vô tội và linh thiêng. Trong khi đó, Felicity lại lo rằng ngài không kịp sinh con trước ngày tử đạo, và các bạn ngài sẽ bước vào vinh quang ấy mà không có ngài.

 

Hai ngày trước khi bị hành quyết, Felicity đau đớn chuyển bụng. Bọn lính canh chế diễu, nhục mạ ngài và nói, "Nếu đau đớn bây giờ mà còn chịu không nổi, thì làm sao đương đầu với thú dữ?" Felicity điềm tĩnh trả lời, "Bây giờ tôi là người phải chịu đau khổ, nhưng trong đấu trường, một Ðấng khác sẽ ở trong tôi, chịu đau khổ dùm tôi vì tôi đã chịu đau khổ vì Ngài." Felicity sinh hạ một bé gái kháu khỉnh và được một Kitô Hữu ở Carthage nhận làm con nuôi.

 

Vào ngày hành quyết, bốn bổn đạo mới và giáo lý viên bước vào đấu trường với niềm vui và sự bình thản. Khi dân chúng đòi hỏi Perpetua và các bạn ngài phải mặc y phục dành cho việc thờ cúng tà thần, Perpetua đã đối chất với các lý hình. "Chúng tôi tự ý chịu chết để được tự do thờ phượng Thiên Chúa của chúng tôi. Chúng tôi đã trao mạng sống cho các ông thì không có lý do gì chúng tôi phải thờ lạy thần thánh của các ông." Và các ngài đã được phép mặc quần áo của mình.

 

Những người đàn ông thì bị tấn công bởi gấu, beo và heo rừng. Các phụ nữ thì bị bò dại tấn công. Perpetua, dù bị tan nát và rối bời, ngài vẫn nghĩ đến các bạn và chạy đến giúp Felicity đứng dậy. Cả hai đã đứng cạnh nhau khi bọn lính cắt cổ tất cả năm vị tử đạo.

 

 

Lời Bàn

 

Không chỉ những Kitô Hữu thời xa xưa mới bị bách hại vì đức tin. Hãy nhìn đến trường hợp của cô Anne Frank, một thiếu nữ Do Thái, đã cùng với gia đình trốn tránh và sau cùng phải chết trong trại tử thần của Hitler thời Thế Chiến II. Cô Anne, cũng như Thánh Perpetua và Filicity, đã chịu thử thách và đau khổ, và sau cùng chịu chết vì tận hiến cho Thiên Chúa. Trong nhật ký, cô Anne viết, "Ðối với những người trẻ như chúng tôi, đó là sự khó khăn gấp bội khi phải giữ vững vị thế và lập trường của mình trong quãng thời gian mà mọi lý tưởng đều rạn vỡ và tiêu tan, khi con người lộ ra bộ mặt xấu xa nhất, và không biết có nên tin vào chân lý, sự chính trực và Thiên Chúa hay không."

 

Lời Trích

 

Lời sau cùng Perpetua nói với em mình là: "Hãy giữ vững đức tin và yêu thương tha nhân."

 

 

 

Trích từ NguoiTinHuu.com

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:35

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 6/3/2021.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 6/3/2021.
"Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi" (Lc 15, 11 ).
Dụ ngôn người con hoang đàng, hay còn gọi là dụ ngôn người cha nhân hậu làm nổi bật trái tim của người cha: Một trái tim nhân hậu, bao dung tha thứ và tràn đầy yêu thương.
Theo dụ ngôn: Người cha luôn yêu thương những đứa con của mình
Người con thứ cho dù đã bỏ nhà ra đi, phung phí tài sản đến cạn kiệt. Nhưng nay biết quay trở về với mong muốn làm người giúp việc cho cha của mình chứ không trông mong được cha tha thứ. Người cha không như thế. Từ ngày con ông ra đi phiêu bạt, là lòng ông khắc khoải lo cho con mình, ông mong cho nó nhận ra sự sai lầm mà mau mau trở về. Quả thật, tình cha thương con đã được bù đắp, con ông đã về. Ông là người vui mừng nhất.
Còn người con cả luôn sống cận kề bên cha mà sao xa rời cha. Sống khép nép bên cha, không dám mở lời, nói với cha một câu yêu thương hay một lời trách móc, để bây giờ ghen ghét với em mình và hờn giận cha mình nữa.
Đức Giêsu qua hình ảnh người cha, Ngài luôn bao dung như lời chép: “Chúa vẫn trung thành tiếp tục thương yêu người bất trung”.
Cảm nhận tin mừng. Hình ảnh người cha, người em đi hoang, người anh cả sống vô cảm, cho chúng con thấy; là hãy tin vào lòng nhân từ vô biên của Chúa Cha, hãy ăn năn sám hối mà trở về với Ngài, hãy chìa tay nâng đỡ anh chị em sa ngã.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin ban cho chúng con biết quay trở về với Chúa, biết từ bỏ thói kiêu ngạo, tự phụ. Xin ban cho chúng con trái tim người Cha như trong dụ ngôn hôm nay. Amen.

Tôi Tớ Thiên Chúa Sylvester ở Assisi
(c. 1240)

 

     Sylvester là một trong 12 môn đệ đầu tiên của Thánh Phanxicô Assisi, và là tu sĩ đầu tiên của nhánh anh em hèn mọn.

 

    Là con cháu của một dòng dõi quý tộc, có lần Sylvester bán gạch và đá cho Thánh Phanxicô để ngài xây dựng lại ngôi thánh đường. Và sau đó không lâu, khi Sylvester trông thấy Thánh Phanxicô và Bernard ở Quintavalle phân phát tài sản của Bernard cho người nghèo, Sylvester than phiền rằng ông không được trả xứng đáng với số gạch mà ông đã bán, và ông đòi hỏi xin thêm.

 

 

    Mặc dù Thánh Phanxicô biết ơn và trao thêm cho Sylvester một số tiền, nhưng không bao lâu ông tràn ngập mặc cảm tội lỗi vì số tiền ấy. Ông bán hết tất cả tài sản, bắt đầu cuộc đời sám hối và đi theo Thánh Phanxicô. Sylvester trở nên một người thánh thiện và siêng năng cầu nguyện, và là một người được Thánh Phanxicô quý mến -- một bạn đồng hành, và là người mà có lần Thánh Phanxicô đã hỏi ý kiến. Chính Sylvester và Thánh Clara đã trả lời Thánh Phanxicô rằng ngài phải phục vụ Thiên Chúa bằng cách đi rao giảng hơn là tận hiến trong sự cầu nguyện.

 

 

    Có lần trong thành phố kia là nơi cuộc nội chiến đang bùng nổ, Sylvester được Thánh Phanxicô ra lệnh đến xua đuổi ma quỷ. Ở cổng thành, Sylvester lớn tiếng kêu: "Nhân danh Thiên Chúa toàn năng và qua đức vâng lời tôi tớ Chúa là Phanxicô, tất cả ma quỷ phải ra khỏi đây." Ma quỷ đã ra khỏi thành và sự bình an trở lại với thành phố.

 

    Sau cái chết của Thánh Phanxicô, Sylvester đã sống thêm 14 năm nữa và ngài được chôn cất gần thánh nhân trong Thánh Ðường Thánh Phanxicô ở Assisi.

 

    Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn06:54

Thứ Tư, 3 tháng 3, 2021

LỜI CHÚA TRONG GIỜ KINH GIA ĐÌNH Ngày 3/3/2021.

Filled under:

 


LỜI CHÚA TRONG GIỜ KINH GIA ĐÌNH
Ngày 3/3/2021.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, đem riêng mười hai môn đệ đi theo. Dọc đường, Người nói với họ: "Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các vị thượng tế và luật sĩ. Người ta sẽ lên án tử cho Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại để chúng nhạo báng, đánh đòn, rồi treo Người lên thập giá, nhưng đến ngày thứ ba, Người sẽ sống lại".
Bấy giờ bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Người. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: "Bà muốn gì". Bà ta thưa lại: "Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài". Chúa Giêsu đáp lại: "Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống chăng?" Họ nói với Người: "Thưa được". Người bảo họ: "Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai, thì người ấy mới được". Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em: Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: "Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người".
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa kêu mời chúng con đi theo đường lối của Chúa là yêu thương và phục vụ, chứ không tìm vinh quang cho riêng mình. Xin cho chúng con biết khiêm tốn đón nhận lời Chúa, và đổi mới con người chúng con trong tinh thần sám hối, để chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ của Chúa. Amen.


Ngày 3 Tháng 3

Thánh Katharine Drexel
(1858 - 1955)

 


 Nếu cha bạn là một ông chủ ngân hàng quốc tế và bạn có xe lửa riêng, có lẽ khó để bạn bị lôi cuốn đến những công việc tình nguyện cho người nghèo. Nhưng nếu hàng tuần mẹ bạn dành ba ngày để tiếp đón người nghèo, và cha bạn dành nửa giờ mỗi ngày để cầu nguyện, có lẽ không khó để bạn hy sinh cuộc đời cho người nghèo và cho đi 12 triệu đô la. Ðó là điều mà Thánh Katharine Drexel đã thực hiện.

 

Ngài sinh ở Philadelphia, Hoa Kỳ, năm 1858 và là cô con gái thứ hai của ông bà Drexel. Sau khi chào đời được hai năm thì người mẹ ruột từ trần. Hai năm sau, cha ngài tái hôn và họ có thêm một cô con gái nữa. Tất cả ba cô đều có một nền tảng giáo dục vững chắc và thường đi du lịch nhiều nơi. Khi Katharine hai mươi mốt tuổi, là con gái nhà giầu, ngài sẵn sàng có địa vị trong xã hội, nhưng khi chăm sóc người mẹ ghẻ trong ba năm bị bệnh ung thư, ngài thấy rằng mọi tài sản của dòng họ Drexel cũng không thể cứu được con người khỏi sự đau khổ và cái chết, từ đó cuộc đời ngài thay đổi đáng kể.

 

 

Vào năm 1885, ông Drexel từ trần để lại gia tài kếch sù cho ba cô con gái. Lúc bấy giờ, Katharine và hai chị em đều gia nhập tổ chức Tông Ðồ Giáo Dân. Họ thường để ý đến hoàn cảnh khó khăn của người da đỏ, và thường bàng hoàng khi đọc những câu truyện về người da đỏ Mỹ Châu. Trong chuyến du lịch Âu Châu, ngài được gặp Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII và xin Ðức Thánh Cha gửi thêm các nhà truyền giáo đến Wyoming để giúp đỡ bạn của ngài, là Ðức Giám Mục James O'Connor. Ðức giáo hoàng trả lời, "Tại sao chính con không trở nên nhà tryền giáo?" Câu trả lời ấy đã khích động ngài đến độ phải nằm bệnh trong vài ngày.

 

Trở về Hoa Kỳ, ngài đến thăm người da đỏ Dakota, gặp tù trưởng Red Cloud và bắt đầu giúp đỡ họ.

 

Việc lập gia đình đối với Katharine thì quá dễ dàng. Nhưng sau các cuộc thảo luận với Ðức Giám Mục O'Connor, Katharine viết trong nhật ký năm 1889, "Ngày lễ Thánh Giuse năm ấy đã đem lại cho tôi một ơn sủng lớn lao để có thể hy sinh quãng đời còn lại cho người da đỏ và da mầu." Vào ngày 7 tháng Mười Một 1889, ngài mặc áo dòng và lấy tên Sơ Mary Katharine. Năm ấy, các nhật báo lớn ở Hoa Kỳ đều chạy hàng chữ ngay trang đầu, "Dám Bỏ 7 Triệu Ðôla!"

 

Sau ba năm rưỡi huấn luyện, Katharine và mười ba nữ tu đầu tiên của ngài (Sisters of the Blessed Sacrament for Indians and Colored - Nữ Tu Thánh Thể cho Người Da Ðỏ và Da Mầu) mở trường học ở Santa Fe. Tiếp đó các trường học nối đuôi nhau thành lập. Vào năm 1915, ngài thành lập Ðại Học Xavier ở New Orleans, là đại học đầu tiên ở Hoa Kỳ dành cho người da đen.

 

 

Cho đến năm 1942, ngài đã thiết lập xong hệ thống trường Công Giáo cho người da đen trong 13 tiểu bang, cộng thêm 40 trung tâm truyền giáo và 23 trường làng. Những người kỳ thị chủng tộc đã quấy phá công việc của ngài, họ đốt cả một trường học của ngài ở Pennsylvania. Tổng cộng, ngài đã thành lập 50 trung tâm truyền giáo cho người da đỏ trong 16 tiểu bang.

 

Khi 77 tuổi, ngài bị kích xúc tim nhưng vẫn tiếp tục đến các trung tâm truyền giáo để hướng dẫn các sơ trong dòng. Vào năm 1941, ngài cử mừng lễ kim khánh thành lập dòng, và Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã đề cập đến thành quả của ngài như "một trang sử huy hoàng trong biên niên sử của Giáo Hội."

 

 

Trong những năm cuối đời, Mẹ Katharine Drexel bị liệt, ngài sống âm thầm cầu nguyện trong căn phòng nhỏ nhìn về phía cung thánh. Nhiều mẩu giấy ghi lại các lời cầu nguyện của ngài, cũng như những suy niệm và những nguyện vọng vô tận. Ngài từ trần khi 96 tuổi. Tổng cộng ngài đã dùng 12 triệu đô la tài sản của ngài cho công cuộc truyền giáo cho người da đỏ và da đen ở Hoa Kỳ.

 

Vào tháng Mười Một 1988, ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước. Và đầu tháng Mười năm 2000, ngài đã được phong thánh.

 


Lời Bàn

 

Các thánh luôn luôn có những lời khuyên giống nhau: Hãy cầu nguyện, sống khiêm tốn, chấp nhận thập giá, hãy yêu thương và tha thứ cho tha nhân. Nhưng khi được nghe những lời ấy từ một người, có tất cả những giầu sang của trần thế, được báo chí phỏng vấn, được du lịch trên các toa xe lửa hạng sang, thì đó là một nhắc nhở mạnh mẽ cho chúng ta biết, sự thánh thiện có thể thực hiện được trong thế giới hôm nay cũng như ở Giêrusalem hoặc Rôma thuở xưa.

 


Lời Trích

 

"Sự kiên nhẫn và khiêm tốn chịu đựng thập giá - dù bất cứ thập giá nào - là công việc cao cả nhất mà chúng ta phải thi hành.


"Ôi, dù đã 84 tuổi mà tôi vẫn còn xa vời với hình ảnh của Ðức Giêsu trong cuộc đời thánh thiện của Ngài ở trần thế!" (Mẹ Katherine Drexel)

 

*********************************************

 

Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn04:27