Cái chết luôn là một nỗi ám ảnh dành cho hết thảy mọi loài. Thực ra, chẳng có cái gì gọi là chết. Chết chỉ là một cái tên người ta gán cho tình trạng không còn sự sống. Sở dĩ ta sợ cái chết là bởi vì cái chết sẽ dấu chấm hết cho tất cả cuộc đời ta. Cái chết sẽ mang đi của ta mọi thứ, kể cả ưu phiền, kể cả những thành công đang trên đà đỉnh điểm. Cái chết lạnh lùng và phũ phàng chưa từng có. Nó chẳng cả nể chuyện giàu nghèo, chẳng màng gì chuyện ta có quyền lực hay là người yếu thế. Nó không cần biết ta đang hạnh phúc hay đau buồn, không đếm xỉa tới việc ta đang có những tương quan tốt hay đang bị đổ vỡ, cô đơn. Không con người nào có thể mua chuộc nó, có thể sai khiến nó, có thể trì hoãn nó, và càng không thể trốn tránh nó khi nó đến gõ cửa cuộc đời mình.
Người ta
sợ cái chết một phần cũng là vì nó như một lữ khách không hẹn mà đến. Có
khi nó đến khi tuổi đời đã nếm trải không ít những phong sương bụi
trần. Nhưng cũng có lúc nó đến khi cánh hoa còn chưa kịp nở ra trọn vẹn.
Có người mong chết thì lại không được. Có người khát khao sống thì nó
không cho. Người ta có thể chết khi đêm về, cũng có thể chết vào buổi
ban trưa, nhưng cũng có thể ra đi về cõi vĩnh hằng khi bình minh mới vừa
thức giấc. Có cả trăm ngàn lý do cướp đi mạng sống của người ta: bệnh
tật, tai nạn… hay có đôi khi con người tự ý muốn kết liễu đời mình. Tử
thần luôn rình rập khắp mọi nơi khiến ta có cảm tưởng như lưỡi hái của
nó có thể chạm vào cổ ta bất cứ khi nào nó muốn.
Một
nỗi sợ hãi khác đến với ta khi nghĩ về cái chết là ta không biết cái gì
sẽ xảy đến đằng sau biến cố này. Liệu thực sự có một cuộc sống sau cái
chết không? Liệu có một Đấng toàn tri và toàn năng, Đấng sẽ vạch trần ra
toàn bộ những việc ta đã làm trên trần gian này không? Liệu có một
Thiên Đàng hạnh phúc đang dọn sẵn cho ta phía trước không, hay là một
hình phạt nào đó trầm luân đợi chờ ta? Nếu có một cuộc sống sau cái chết
thật thì cuộc sống ấy sẽ như thế nào?… Tất cả những thắc mắc đó khiến
ta tò mò. Ta có thể vô lễ hay bất kính với một người còn đang sống,
nhưng với một người chết, ta luôn tỏ ra kính trọng và cúi mình. Ấy là
bởi trong lòng ta có một xác tín thực sự là xác chết đang ở trước mặt ta
đây có một giá trị thánh thiêng nào đó, mà ta không dám buông lời xúc
phạm nữa, dù ta có căm ghét người ấy đến dường nào. Nhìn họ, ta tưởng
nghĩ đến một ngày ta nằm ở vị trí ấy. Một đời sống ở dương gian, ta có
thể đặt chân ở miền này xứ nọ, bôn ba khắp nơi, dong duổi biển Nam, trời
Bắc, nhưng dù có đi đâu, tất cả đều phải hướng về một cánh cổng chung,
đó là cái chết. Cái chết là câu trả lời cuối cùng cho tất cả mọi người, ở
mọi thời đại.
Có
người ví cái chết như một giấc ngủ yên, một trạng thái nằm nghỉ, quên
đi hết tất cả những muộn phiền vương vấn nơi trần gian. Sau một hành
trình dài với bao nhiêu vất vả lầm than, cái chết đến như một phần
thưởng, để con người không còn phải lo lắng, bận tâm về chuyện gì nữa
cả. Đôi mắt nhắm lại, đôi tay buông xuôi, những bụi trần không còn làm
cho họ phiền sầu nữa. Cũng có người ví cái chết như một chiếc lá vàng
khô rụng xuống đất, trở về với cội nguồn của mình. Chiếc lá sẽ mục nát
đi, sẽ thối rữa đi, không còn hình hài tươi đẹp như trước, không còn là
nơi để bướm ong ve vãn nô đùa. Nó sẽ về với nơi mà nó khởi sự, về với
lãng quên, như thể chưa từng tồn tại. Nhưng nó thấm sâu vào lòng đất,
trở nên nguồn sống cho những chiếc lá khác đang được thành hình. Sự sống
của nó được chuyển trao. Nó sẽ hiện diện dưới một hình thức khác, một
sự sống khác.
Cái
gì không chết thì nó không thực sự sống. Cái chết như một con đường hầm
tối đen dẫn ta đến một khoảng trời rộng lớn và quang đãng hơn. Cái chết
như một cánh cửa mở ra cho ta một thế giới mới hoàn toàn tuyệt mỹ, nơi
ngập tràn êm dịu và hạnh phúc cao dâng, nơi quê nhà của ta, nơi ta không
bao giờ còn cảm thấy cô đơn, buồn phiền, sầu khổ. Thế nên, có người ví
cái chết như việc một hạt giống thối đi và bắt đầu sinh ra một mầm sống
mới. Vỏ hạt mầm vỡ ra, chồi non từ từ vươn thẳng lên, xòe ra những cành
nhỏ đón nắng mai tươi rạn. Rồi có ngày, cây non ấy sinh hoa kết quả. Một
cuộc sống tràn trề hạnh phúc mĩ mãn, hơn hẳn sự sống khi còn ở trong
hạt mầm.
Lạy
Chúa, chúng con biết là có ngày chúng con sẽ phải đối diện với cái
chết. Chúng con tin rằng đó là giây phút chúng con sẽ được kết hiệp với
Chúa cách trọn hảo và đầy tràn hơn. Chúng con xin dâng lên Chúa tất cả
những ai đang chuẩn bị dọn mình để đến gặp Chúa nơi cuộc sống mai sau.
Chúng con cũng xin Chúa giúp con biết sống cuộc sống này thế nào để khi
chết, chúng con có thể cười mãn nguyện. Cuộc sống này là khúc dạo đầu
cho một sự sống thật vĩnh cửu. Xin Chúa giúp chúng con sống sao cho trọn
trong ân nghĩa Chúa.
Amen.
Chuyện đời “hợp rồi tan”
Câu chuyện “hợp rồi tan” nơi nhân tình thế thái, ai trong chúng ta
cũng biết, nhưng ít bao giờ chúng ta muốn đón nhận. Ta được Tạo Hóa đặt
để trong thời gian, rồi bị dòng đời thay phiên nhau xô đẩy, đến với
người này, đụng chạm với người kia, gắn kết với người nọ. Cơ duyên nào
cho ta những giây phút ấm áp bên nhau! Số phận nào nỡ cướp mất đi những
mật ngọt êm ái. Tiếng còi sân ga, nghĩa trang lạnh ngắt… chẳng bao giờ
là điều khiến ta thích thú khi nghĩ về. Chia ly nào cũng để lại trong
chúng ta giọt nước mắt. Cắt đứt nào cũng mang đến cho ta những nỗi buồn
man mác chẳng có tên. Kiếp sống dương gian này là nơi gặp gỡ, nhưng lại
là những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và mau qua. Nó cho ta hòa quyện với nhiều
người, nhưng dường như cũng chỉ có mình ta độc hành với nỗi cô đơn thầm
kín. Chẳng ai bước đi cùng ta mãi mãi, chẳng ai có thể thực hiện chuyến
lộ trình của riêng ta.
Mở mắt ra, ta
thấy mình nằm gọn trong vòng tay nâng niu dịu ngọt của mẹ. Những năm
tháng đầu đời chắc là ta không thể nào nhớ nỗi, nhưng những kỉ niệm thời
thơ ấu hẳn là điều gì đó chẳng bao giờ phai nhạt trong ta. Nơi gia
đình, ta đón nhận và lớn lên trong sự ấm áp của ông bà, cha mẹ, anh chị
em yêu dấu. Ngày còn bé, đi đâu, làm gì, ta cũng muốn quay về bên gia
đình, để hưởng nếm những bữa ăn ngon, để được vỗ về chăm sóc, được nâng
niu chiều chuộng, được bảo vệ che chở. Nếu có một điều ước, ta sẽ ước gì
mình luôn nhỏ mãi, để lúc nào cũng được bố mẹ chăm lo từng chút, chẳng
phải lo lắng hay bận tâm điều gì. Thế nhưng, đến một lúc nào đó, dù yêu
mến vô vàn, ta buộc phải đưa tay chào tạm biệt người thân, cất bước đến
một phương trời nào đó xa xôi, tự mình xây đắp cho mình một cuộc sống
mới. Ta không muốn xa lìa những gì gắn kết với máu thịt ta. Nhưng cuộc
đời không phải lúc nào cũng thỏa đáp điều ta mong muốn. Cất bước lên
đường là bỏ lại những kỷ niệm yêu dấu lại đàng sau!
Bờ
ruộng đó, hàng tre đó, bờ giếng đó… những gì gắn bó với ta từ thuở nhỏ
cũng là điều ta chẳng muốn chia xa. Con sông kia là nơi ta cùng chúng
bạn nô đùa mỗi chiều xuống. Con đường lầy lội kia là nơi in dấu chân ta
không biết bao nhiêu lần. Những kỷ niệm ta có với đám bạn thân, nơi đầu
làng hay nơi sân trường hoa phượng rực đỏ, vẫn luôn mãi là những điều
tuyệt vời khó có thể diễn tả ra. Hai đứa chơi với nhau, trải qua với
nhau biết bao thăng trầm buồn vui lớn nhỏ. Tưởng là sẽ mãi được ở gần
nhau, cười đùa với nhau mãi. Nhưng chiều nay, nơi sân ga đông đúc, ta
phải ngậm ngùi tiễn nhau đi. Biết có còn gặp lại không? Thế giới mênh
mông thế, biết đi đâu để tìm nhau bây giờ? Con tàu lặng lẽ đi xa, dần
dần khuất bóng, để lại trong lòng ta một nỗi niềm nặng nề bâng khuâng
đến não lòng.
Bước vào tình yêu, điều
ta lo sợ nhất là ngày nào đó phải chia tay nhau. Chia tay khi đã hết yêu
thì chẳng có gì đáng nói. Chia tay khi còn mặn nồng sâu sắc mới chính
là điều khiến ta đau như xé lòng. Ta luôn cảm ơn Trời vì đã thương vun
đắp cho ta một tình yêu, tạ ơn ông tơ bà nguyện đã khéo xe tơ kết chỉ,
kết nối trái tim ta với người ta yêu, bởi nhờ đó mà ta có được những
tháng ngày quý giá và ngập tràn hạnh phúc cõi Thiên Đàng. Nhưng đâu phải
cứ yêu là được ở bên nhau. Cuộc sống này phức tạp hơn ta tưởng! Còn yêu
nhau mặn nồng tha thiết đấy, nhưng nó cứ bắt phải xa nhau. Ta như mất
đi cả sức sống, như bị ai đó bọp nghẽn con tim. Đến làm chi, gặp gỡ làm
chi, yêu nhau làm chi… để rồi phải đứt đoạn quãng đường đi, cho lòng
thêm đau và quặn thắt. Nhưng bất chấp ta có than oán thế nào, đau khổ ra
sao, ta vẫn phải cam chịu đón nhận nó. Có những chia tay vì sự đời
không cho ta đi chung một con đường nữa. Cũng có những chia tay vì bị
cái chết phân đôi. Nơi nghĩa trang buồn tẻ, người ra đi có thể được giải
thoát, chỉ còn người ở lại là chất chứa bao nỗi niềm trong tim. Di ảnh
thì mỉm cười, còn người ở lại thì đầm đìa nước mắt: vì nhớ, vì yêu, vì
thèm cái chạm tay, hay một nụ hôn nồng ấm. Nhưng biết làm sao: cuộc đời
là thế, chẳng ai thay đổi được nguyên lý “hợp rồi tan” trên chốn dương
gian này.
Nghĩ đến những chuyện chia
tay, bao giờ ta cũng thấy bùi ngùi vì có cảm giác như mình mất đi cái gì
đó thân quen. Trên chuyến xe cuộc đời, ta luôn có cảm giác như mình
đang sống tha hương, chẳng nơi đâu là nhà, chẳng bao giờ được hoàn toàn
yên nghỉ và thoải mái. Đó là vì ta đã quên đi một câu nói của Đức Giêsu
khi Ngài từ giã trái đất để về trời: Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
Cuộc đời này có thể chia cách ta với mọi sự, nhưng không bao giờ có
thể khiến ta và Thiên Chúa xa nhau. Ý thức có Chúa ở bên, ta chẳng bao
giờ thấy mình lạc lõng, chẳng bao giờ sợ những cô đơn cho dù chung quanh
ta không có ai cảm thông và chia sẻ. Những chia xa trong cuộc đời phải
xảy đến vì kiếp sống này là vô thường và tạm bợ. Nhưng trong Chúa, ta
luôn tin sẽ có một cuộc tái ngộ vĩnh viễn đến muôn đời. Chỉ cần hướng về
tâm là Thiên Chúa, tất cả chúng ta, dù ở nơi đâu, cũng sẽ có một điểm
quy kết, nối kết chúng ta lại. Trong Thiên Chúa, dù ở hai phương trời xa
tít, ta vẫn thấy mình thật gần gũi nhau và gắn kết với nhau quá chừng.
Chuyện đời có “hợp rồi tan”. Nhưng với niềm tin, chúng ta hãy nối vào
sau chữ “tan” ấy một chữ “HỢP” khác lớn hơn, bền vững hơn, chắc chắn
hơn. Một chữ “HỢP” trên Nước Thiên Đàng trường cửu mà Thiên Chúa dành
cho những ai luôn vững tin vào Người.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ