Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Lời Kinh Trên Phận Người

Filled under:

Kính thưa quý vị và các bạn
Mỗi Mùa Chay về, Phụng vụ của Giáo Hội lại trở về với sắc màu tím. Màu tím lặng lẽ trầm buồn. Màu tím của hồi tâm và chiêm niệm. Khởi đầu cho hành trình chiêm niệm của Mùa Chay, người tín hữu bắt đầu bằng nghi thức xức tro trên đầu và nhận lời nhắn nhủ: “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về với tro bụi.
Vâng, từ bụi đất mà ra, con người sẽ trở về cùng bụi đất (St 3, 19). Đầu Mùa Chay, Giáo Hội nhắc nhớ mọi người về sự mong manh và chóng tàn trong cuộc sống trần gian. Con người phải đối diện không chỉ với sự mong manh của một kiếp người, nhưng còn là sự mong manh chóng qua của cả mọi loài thọ tạo: “phù vân nối tiếp phù vân, tất cả chỉ là phù vân ( Gv 1, 3).
Đâu là giá trị của những lời nhắn nhủ như thế? Đâu là ý nghĩa của việc chỉ ra sự thật về thân phận thọ tạo của con người? Tất cả những nghi thức chúng ta thực hiện, tất cả những lời nhắn nhủ mà chúng ta nhận được trong Mùa Chay đều mong muốn dẫn chúng ta trở về với việc chiêm nghiệm nghiêm túc trên cuộc đời mình. Cần lắm khi con người nhận ra sự bé nhỏ mỏng manh trong kiếp sống của mình. Cần lắm khi con người biết rằng niềm hy vọng cuối cùng của cuộc đời mình không thể nằm ở những điều phù du tạm bợ trong cuộc thế này. Cần lắm khi con người thừa nhận rằng đôi tay mình giới hạn, sức vóc mình yếu hèn… nên mỗi người không thể là vị cứu tinh của chính mình. Cần lắm khi nhận ra rằng chúng ta luôn cần một Đấng từ trên cao cúi xuống để nâng phận người của chúng ta lên. Chiêm niệm sâu xa về thân phận con người dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn và cùng đích của đời người.
Tin tưởng rằng con người được thoát thai từ tình yêu Thiên Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.
Lạy Chúa, con người có là chi mà Chúa cần biết đến? Phàm nhân đáng là gì, mà Chúa phải lưu tâm? Ấy con người khác chi hơi thở. Vùn vụt tuổi đời, tựa bóng câu. (Tv 144, 3-4)
Lạy Chúa Dù cuộc sống con người là mong manh tạm bợ dù con người từ đất bụi mà ra và sẽ trở về cùng bụi đất dù con người phải trải qua kiếp sống của mình như một cuộc chiến đấu khó khăn… chúng con vẫn tin rằng con người được Chúa chúc lành.
Nhờ sự chúc lành của Chúa, chúng con được hiện hữu giữa cõi đời, được chăm sóc yêu thương, được dìu dắt bước đi từng ngày. Thân phận con người được chúc lành vì tình yêu của Chúa. Tình yêu ấy đi trước mọi đổ vỡ tổn thương, mọi lỗi lầm tai hại mà loài người chúng con đã gây ra cho nhau.
Có những lúc chúng con thấy sự sống của con người bị đối xử thật tàn tệ. Sự sống vốn linh thánh và huyền nhiệm, luôn có thể bị dứt điểm chỉ một mũi kim, một viên thuốc. Sự sống bị chà đạp bầm dập để mang lại những ích lợi kinh tế Sự sống bị đọa đày để đem lại những thú vui xác thịt Sự sống bị hủy hoại hàng loạt chỉ vì những kỳ thị ghen tương.
Khi sự sống bị xem nhẹ và giản lược, con người chỉ có thể sống thân phận người trong bấp bênh vô định, và kiếp sống thoảng qua chỉ là một tiếng thở dài sầu thảm.
Xin ký thác đường đời chúng con cho Chúa. Chúng con dâng lên Chúa những trẻ thơ mới chào đời, như ân sủng tình yêu Thiên Chúa, được đón nhận và kết hoa bởi tình yêu con người. Chúng con dâng lên Chúa những xác thân tiều tụy, vì sức tàn phá của bệnh tật và tuổi tác.
Chúng con cũng dâng lên Chúa cả những buồn vui thăng trầm trong một kiếp người. Dâng lên Chúa những giọt mồ hôi lao tác, những giọt nước mắt khổ đau, những cánh tay rã rời lao nhọc những đôi bàn tay chai sạn cằn khô, những đôi vai gánh gồng trĩu nặng, những đôi chân kiệt sức rã rời, những đôi mắt mỏi mòn vì chờ đợi khổ đau những tấm lòng tan nát vì đau thương đổ vỡ những mái điểm điểm bạc vì mưa gió phong sương.
Xin dạy chúng con sống mỗi ngày, và đón nhận đời mình như một ân sủng của tình yêu, nhờ đó những khổ đau trong cuộc đời chúng con được thánh hóa, những thương tích trong cuộc đời chúng con được chữa lành và những buồn vui thăng trầm trong kiếp người đều trở thành những dấu chỉ hữu hình về tình yêu của Chúa cho con người chúng con.
Xin dạy chúng con sống và đảm nhận đời mình mỗi ngày như một hy lễ tình yêu dâng về Chúa. Amen. 

Cao Gia An, S.J.

*************************************************************


Cay đắng hoặc Tốt hơn

 
“Ngọc không dũa không sáng,
người không bị gian nan thử thách
cũng không trở nên toàn thiện được” (KHỔNG TỬ)
Lm. Mark Link, SJ
Trong quyển sách nhan đề: Này tôi tin (This I believe) có một loạt bài khảo luận của một số tác giả nổi tiếng. Họ mô tả lại những thời kỳ trong cuộc đời của họ đã tác động trên họ một cách sâu xa. Chẳng hạn, James du Pont thuộc công ty Du Pont kể lại sự kiện xảy đến cho ông khi ông vừa mới 7 tuổi đầu như sau: Một đêm, đang say ngủ, chợt James thức giấc, cậu bé nhìn thấy mẹ đang khóc lớn tiếng. Đây là lần đầu tiên cậu thấy mẹ khóc, James mô tả biến cố này như sau;
“Giọng bố tôi trầm xuống lộ vẻ bối rối trong khi ông cố gắng an ủi mẹ tôi – lúc đó cả hai người đều sầu buồn nên quên mất tôi đang hiện diện ở bên cạnh. Tôi nghe lỏm được những gì các ngài đang nói”. Ông nói thêm: “Khi vấn đề của các ngài đã được giải quyết và bị chìm vào quên lãng lâu rồi, thì ‘biến cố’ quan trọng tôi khám phá được vào đêm khuya ấy và mãi mãi còn lưu lại trong tâm trí tôi. Khám phá ấy được ghi nhận bằng những lời an ủi của bố tôi; ‘Đời sống đâu phải chỉ toàn là vừa ý và hoa hồng đâu! Nhiều lúc nó rất là khó khăn và cay đắng’.
«««
Chắc chắn chúng ta đều có thể mường tượng được cảnh chú bé 7 tuổi đang nằm trên giường lắng nghe mẹ chú khóc. Chúng ta cũng có thể nhớ lại đã có lần ta nghe mẹ mình khóc, và điều ấy đã gây ấn tượng mạnh trên chúng ta như thế nào, và điều ấy đã khiến chúng ta, có lẽ lần đầu tiên trong đời, ý thức được cuộc đời không chỉ toàn là vừa ý và hoa hồng, đôi khi nó rất khó khăn và khổ đau. Từ đó chúng ta hiểu được những lời Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm ngày hôm nay.
Ai muốn đến với Ta, thì hãy quên mình, vác thập giá mình rồi theo Ta“. Nói cách khác, khổ đau sầu muộn có thể ví như những cơn bão táp, lụt lội xảy đến. Chúng ta là một phần cuộc sống mà chúng ta không thể nào tránh né được. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại tiếp tục biểu lộ một điều kỳ diệu khi Ngài nói:
Ai muốn cứu lấy mạng mình thì sẽ bị mất nó, nhưng ai liều mất cuộc sống vì ta và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được nó“.
Nói cách khác, đối với Chúa Giêsu, điều quan trọng trong cuộc sống không phải là nỗi phiền muộn hay đớn đau xảy đến trên chúng ta mà chính là thái độ chúng ta đáp ứng chúng, cách thức chúng ta xử lý chúng. Có lẽ chúng ta không thể nào tránh được khổ đau phiền muộn nhưng chúng ta vẫn có thể biến chúng thành nguồn trợ lực thay vì huỷ diệt, nguồn mang sức sống thay vì chết chóc, nhờ đó chúng ta trở nên tốt đẹp hơn thay vì chua chát hơn.
Xin hãy nghe một minh chứng qua trường hợp Eugene Oneill: Mãi đến tuổi 25, ông vẫn còn là một người thất bại, cuộc sống thì hầu như không mục đích, không qui củ, không định hướng. Thế rồi một hôm, ông lâm trọng bệnh và được đem vào bệnh viện. Nhờ thời gian nằm viện, ông đã có dịp may làm được điều trước đó ông chưa bao giờ làm được; ông mới có dịp may suy nghĩ và định hướng cho cuộc đời mình. Nhờ đó ông đã khám phá ra tài năng soạn kịch của ông.
Cuối cùng Eugene O’Neill bình phục, ông chọn nghề viết kịch và bắt đầu trở thành người canh tân nền kịch nghệ Hoa Kỳ. Tất cả điều này xảy ra chính là do ông đã biết biến đổi phiền muộn khổ đau thành phương cách xây dựng tích cực, đã biến chúng thành sức sống cho ông.
Trường hợp Golda Meir cũng thế. Khi còn là một thiếu nữ, Golda Meir rất thất vọng về nhan sắc của mình. Cô viết: “Mãi về sau, tôi mới nhận ra rằng không được đẹp lại là một may mắn tiềm tàng, bởi vì điều ấy buộc tôi phải khai triển những tài năng sâu kín hơn, cuối cùng tôi hiểu được rằng phụ nữ không thể ỷ lại vào sắc đẹp của mình, mà phải làm việc chăm chỉ để nhờ đó… mang lại lợi ích cho mình hơn.” Nói cách khác, Golda Meir đã biết chấp nhận thánh giá của mình. Cô đã không kêu gào than khóc, không bẳn gắt, căm hờn, cô biết cam nhận vác nó lên với lòng can đảm, để rồi cuối cùng cô đã trở nên nữ thủ tướng đầu tiên của Israel.
Cuối cùng, chúng ta hãy xét đến trường hợp của Oscar Wilde. Ở đỉnh cao nghề nghiệp viết lách, ông đã xác tín sứ mạng luân lý của mình. Sau khi ở tù ra, ông không còn chấp nhận viết những vở hài kịch phù phiếm nữa, không dành trí tưởng tượng cho ba chuyện lăng nhăng lít nhít nữa. Ông đã sáng tác những câu thơ tuyệt vời như: “Đau khổ chính là mảnh đất thánh”, hay: “Đức Kitô đâu có thể đi vào tâm hồn chúng ta bằng nẻo đường nào khác ngoài trái tim đã vỡ nát”.
Oscar Wilde đã dùng kinh nghiệm nhục nhã của mình như một dịp để tăng triển tốt đẹp hơn. Giống như tinh thần bài Phúc Âm hôm nay ông đã biết biến đổi kinh nghiệm ấy thành nguồn ban sức sống chứ không để nó thành nguồn chết chóc huỷ diệt.
Những câu chuyện về Eugene O’Neill, Golda Meir và Oscar Wilde cho ta thấy rõ ràng điều quan trọng trong cuộc sống không phải là những khổ đau phiền muộn xảy đến cho chúng ta, mà chính là cách thức chúng ta đáp lại chúng, cách thức chúng ta xử lý chúng. Nếu ta từ chối không chấp nhận khổ đau phiền muộn, không chịu cúi xuống nâng chúng lên, thì chúng ta sẽ đánh mất chính cuộc sống của mình. Ngược lại, nếu chúng ta bắt chước Đức Giêsu can đảm cúi xuống nâng chúng lên, thì chúng ta sẽ biến chúng thành năng lực tích cực, thành nguồn ban sức sống giống như trường hợp Eugene O’Neill, Golda và Oscar Wilde.
Để tóm tắt, chúng ta hãy nhớ lại:
Như cậu bé bảy tuổi trong câu chuyện mở đầu, sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ khám phá ra rằng đời sống không phải chỉ toàn là vừa ý và hoa hồng, nó thường là khó khăn và cay đắng.
Nhưng chúng ta cũng khám phá ra một điều khác nữa. Sớm muộn gì chúng ta cũng thấy rằng phiền muộn và khổ đau không nhất thiết sẽ đem lại chết chóc, hủy diệt. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa Giêsu và Phúc Âm vì phiền muộn và khổ đau có thể biến thành nguồn sống. Thiên Chúa thường dùng khổ đau phiền muộn để biến đổi chúng ta thành người tốt hơn và biết thông hiểu kẻ khác hơn. Khổ đau và phiền muộn có thể mở mắt cho chúng ta để chúng ta thấy được cuộc sống phong phú tốt đẹp, hơn là chúng ta đã từng dám mơ ước.
Thi sĩ Robert Browming Hamiltom tóm tắt tinh thần bài Phúc Âm hôm nay bằng những lời như sau:
“Tôi bước đi một dặm đường với Nữ Thần Lạc Thú, Nàng ve vuốt tôi đủ điều, nhưng cuối cùng chả làm tôi khôn ngoan hơn tí nào qua những điều nàng nói. “Tôi lại bước đi một dặm với Nữ Thần đau khổ, Nàng chả nói với tôi một lời, Nhưng tôi lại học được biết bao điều khi nàng bước đi bên cạnh tôi…” (Trích trong Along the Road – Dọc đường)