Dẫn nhập
Từ
những ngày đầu của lịch sử triết học, các triết gia đã cố gắng xác định
sống như thế nào là đạo đức. Immanuel Kant là một người đã có những
đóng góp rất quan trọng trong việc xác định “con người là ai” để từ đó
đi đến việc trả lời cho câu hỏi “con người phải làm gì”. Theo Kant, để
có một hành động đạo đức, con người cần làm tất cả với ý hướng ngay lành
nhờ làm vì bổn phận tuân theo mệnh lệnh tuyệt đối trong sự tự trị của ý
chí.
- Ý hướng ngay lành
Trước hết, từ thường
nghiệm, Kant khẳng định rằng ý hướng ngay lành hay thiện chí (good
will) trong khi hành động là điều kiện thiết yếu để một hành động được
xem là có đạo đức. Ý hướng ngay lành hay thiện chí cần thiết bởi nó là
điều duy nhất “tốt vô điều kiện” và “tốt tự tại.”[1]
Thật vậy, các tài năng tự nhiên hay các đức tính dù tốt về mọi phương
diện cũng không thể được coi là tốt tự tại. Bởi lẽ, nếu không có thiện
chí hướng dẫn và sử dụng, sự thông minh lanh lợi hay can đảm sẽ trở nên
xấu và gian ác. Chính ý hướng ngay lành giúp uốn nắn những ảnh hưởng của
chúng với trí khôn.
Thiện chí là tốt
không phải vì những kết quả của hành động tạo ra hay những mục đích mà
nó hướng tới. Thậm chí, dù không thể hiện được mục đích của mình và dù
rất cố gắng cũng không đạt được gì, thiện chí vẫn được coi là “một viên
ngọc quí vì chính bản thân nó đã có giá trị đầy đủ.”[2]
Nếu chỉ dừng lại ở kết quả, hành động ấy sẽ là sự tính toán của một sự
khôn ngoan nào đó mà thôi. Kết quả tốt hay xấu không làm tăng hay giảm
giá trị của nó. Như thế, thiện chí, từ một quan niệm mang tính thường
nghiệm, qua Kant, đã được đẩy tới quan niệm triết học với giá trị tốt tự
tại và là động cơ mang lại giá trị đạo đức cho hành động. Theo Kant,
động cơ ấy được thực hiện vì bổn phận.
- Vì bổn phận
Để
bất kỳ một hành động nào tốt về đạo đức, nó phải được làm vì bổn phận
thay vì một mục đích ích kỷ hay một khuynh hướng nào đó, dù tốt đến mấy.[3]
Việc làm vì bổn phận vượt trên khuynh hướng thích hay không thích. Để
cho thấy những nhập nhằng giữa động cơ vì bổn phận và vì tư lợi, Kant
đưa ra ví dụ về người bán hàng tính toán khôn ngoan. Người bán hàng giữ
giá cố định đối với mọi khách hàng không phân biệt ai, dù là với một đứa
trẻ xa lạ. “Nhưng điều này không làm chúng ta tin rằng người bán hàng
này hành động vì bổn phận và vì các nguyên tắc của sự lương thiện.”[4] Anh ta có thể vì lợi ích lâu dài hay vì danh tiếng của mình chứ không hẳn vì lợi ích trực tiếp của người mua.
Để
làm rõ hơn, Kant đưa ra ví dụ về việc giúp đỡ người khác. Một nhà từ
thiện có lòng cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ người khác vì niềm vui khi
thấy người khác vui chứ không vì khoe khoang hay vị lợi. Nhưng Kant chỉ
coi động cơ hành động như một khuynh hướng tốt giữa các khuynh hướng
khác. Đi xa hơn, Kant đặt trường hợp người ấy cảm thấy buồn phiền và
không hề cảm thấy động lòng trắc ẩn trước nỗi thống khổ của người khác.
Nếu ông vượt lên trên sự vô cảm tự nhiên của mình và thực hiện hành vi
bác ái chỉ vì bổn phận, hành động của ông được xem là có giá trị đạo đức
chân chính.[5]
Nhưng
phải chăng những người lạnh lùng vô cảm trở thành hình mẫu đạo đức của
Kant? Phải chăng việc giúp đỡ người khác với lòng yêu mến không có giá
trị đạo đức? Hẳn không phải thế. Kant đưa ra ví dụ này để phân biệt hành
động vì khuynh hướng và hành động vì bổn phận.[6]
Ông không loại trừ một hành động có khuynh hướng đạo đức vì nó giúp con
người đi đến hành vi vì bổn phận dễ dàng hơn. Thêm vào đó, hành động
đạo đức được thực hiện vì nó đáng phải làm, còn niềm vui hay bình an chỉ
là cái đến sau. “Vì bổn phận” vẫn là tiếng nói sau cùng và được ưu tiên
hơn cả. Hơn thế, chính những hoàn cảnh khi cảm tính đi ngược lại với
ước muốn thực hiện hành vi đạo đức là lúc ý chí thể hiện sức mạnh của
chính nó để hành động cách có đạo đức. Chỉ khi ấy, ý chí vốn bị ảnh
hưởng bởi các khuynh hướng được rèn giũa để trở nên tốt nhờ sự vô điều
kiện của hành động vì bổn phận.
Ở đây,
Kant ngầm cho thấy cách hiểu con người là bất toàn như một hữu thể luân
lý chịu sự giằng co giữa ý muốn tốt và xấu, giữa ý chí tuân theo nghĩa
vụ và ý muốn bị các xu hướng tự nhiên chi phối. Đồng thời, ông cho thấy
sự khó khăn trong việc xác định động cơ hành động “không xuất phát từ
lòng yêu mình mà chỉ vì bổn phận”[7]
mà thôi. Nhưng bổn phận ấy từ đâu mà có? Khi nói tới bổn phận, Kant
muốn nói tới việc con người cần phải tuân theo một mệnh lệnh nào đó.
- Theo mệnh lệnh tuyệt đối
Trước
hết, xét về từ ngữ, “tuyệt đối” nghĩa là phổ quát và vô điều kiện. Mệnh
lệnh là phổ quát vì nó không có ngoại lệ cho bất cứ hoàn cảnh nào. Mệnh
lệnh là vô điều kiện vì nó không phụ thuộc bất kỳ khuynh hướng, hiệu
quả hay lợi ích nào nhưng vì chính luật. Mệnh lệnh ấy là một quyền tuyệt
đối của lý trí. Nó đòi hỏi ý chí phải tuân theo để có thể hành động một
cách đạo đức.
Để hiểu rõ hơn về mệnh
lệnh tuyệt đối, Kant đưa ra một loại mệnh lệnh khác: mệnh lệnh giả
thuyết. Mệnh lệnh giả thuyết mang mẫu thức: nếu muốn X thì phải làm Y.
Chính khát khao X quyết định việc phải làm Y. Việc phải làm sẽ thay đổi
khi ước muốn X – điều vốn mang tính tương đối với mỗi người khác nhau –
thay đổi. Khi ấy, mệnh lệnh hay điều phải làm Y được đưa ra chỉ là
phương tiện để đạt được mục tiêu X mà thôi. Ngược lại, mệnh lệnh tuyệt
đối đòi buộc con người – là một hữu thể có lý trí – thực hiện trong mọi
trường hợp.
Nhưng mệnh lệnh tuyệt đối
được hình thành như thế nào? Kant đưa ra nguyên lý: “hãy chỉ hành động
theo phương châm mà bởi đó bạn đồng thời muốn rằng nó phải trở thành một
luật phổ quát.”[8]
Nói cách khác, khi hành động, việc đầu tiên là cần tự hỏi xem luật gì
đã được dùng cho phương châm hành động của mình. Sau đó, tự hỏi xem ta
có sẵn sàng để luật đó thành phổ quát hay không. Nếu có, nó được chấp
nhận, và ngược lại. Nhưng nếu chỉ được hình dung trong tâm trí như vậy,
châm ngôn ấy chẳng phải mang tính chủ quan và tương đối hay sao? Chính
bước phổ quát hóa đóng vai trò xem xét liệu châm ngôn chủ quan ấy có thể
được suy tưởng và mong muốn cách khách quan theo những nguyên tắc của
lý trí thuần túy hay không. Nhờ những bước phổ quát hóa như vậy, các
châm ngôn chủ quan không mang tính luân lý dần trở thành châm ngôn có
tính luân lý.
Nhưng mệnh lệnh tuyệt
đối được tìm thấy ở đâu? Kant trả lời: “Ta phải tìm cái gì đó mà sự tồn
tại tự nó có giá trị tuyệt đối, là một mục đích tự tại mới là nguồn của
các luật nhất định.”[9]
Với khẳng định này, Kant nhận thấy con người như là một hữu thể có lý
trí, có mục đích tự tại. Vì thế, không được coi con người như phương
tiện nhưng phải như mục đích khách quan không gì có thể thay thế. Khi
nói tới mệnh lệnh tuyệt đối trong mọi hoàn cảnh, Kant muốn nói tới một
sức mạnh ý chí vượt trên mọi ngoại cảnh để sống nguyên tắc tự trị
(autonomy).
- Nguyên tắc tự trị
Trước hết, Kant cho rằng “tự do của ý chí chỉ có thể là tự trị, nghĩa là ý chí phải là luật của chính nó.”[10]
Khi nói ý chí là luật của chính nó nghĩa là ý chí vượt trên và độc lập
với cảm tính, xu hướng, mục đích hay điều kiện bên ngoài để trở thành
tác giả các nguyên lý của mình. Với cách hiểu này về tự do, Kant đồng
nhất ý chí tự do với ý chí tuân theo mệnh lệnh tuyệt đối vốn làm nên
hành vi đạo đức. Nhưng làm thế nào để chứng minh được rằng mọi hữu thể
có lý trí đều có tự do? Và yếu tố tự do nếu mang tính phổ quát cho mọi
hữu thể có lý trí có mâu thuẫn với sự phổ quát của các quy luật tự nhiên
hay không? Kant cho thấy cách hiểu về con người như là hữu thể vừa
thuộc về thế giới khả tri, vừa thuộc về thế giới khả giác. Điều này
nghĩa là, con người “vừa sống sự tự trị của ý chí thuần túy, vừa phải
hoàn toàn phù hợp với luật tự nhiên của các ước muốn và khuynh hướng.”[11]
Đến đây, ông giả thiết về tự do trong cái nhìn của hai thế giới hiện
tượng và tự thân đủ để lý trí thực hành xác tín về giá trị của mệnh lệnh
tuyệt đối và luật đạo đức. Ông để ngỏ vấn đề làm thế nào “lý trí thuần
túy có thể là thực hành”[12] như là ranh giới cuối cùng của mọi triết học thực hành.
- Phê bình
Người
ta có thể phê bình Kant cứng nhắc khi chỉ dựa vào những nguyên tắc của
lý trí mà quên đi yếu tố tình yêu trong hành động. Nhưng học thuyết của
Kant cho thấy một tình yêu bền vững vốn dựa trên một lý trí biết yêu
thương và trung thành với bổn phận yêu thương mặc cho cảm xúc hay khuynh
hướng có tác động ngược lại với hành vi đạo đức. Cảm xúc và khuynh
hướng dù có tốt đến mấy cũng dễ đổi thay bởi “ai nắm tay đến tối”[13] nhưng mệnh lệnh tuyệt đối bất biến và không có ngoại lệ.
Người
ta cũng nói Kant không quan tâm đến các nhân đức hay lợi ích của người
khác nhưng chỉ quan tâm mình có hành động đạo đức hay không. Và như thế,
ông luẩn quẩn trong sự vị kỷ. Nhưng Kant hẳn đã xét đến lợi ích của
người khác nhờ cách thức phổ quát hóa phương châm của mình. Khi ấy, lợi
ích và hạnh phúc của người khác được xét trong cách nhìn nhận con người
nói chung, cả tôi cũng như người khác, được xem như là cùng đích tuyệt
đối chứ không phải một phương tiện.
Kết luận
Immanuel
Kant đã xây dựng một nền đạo đức vững chắc và có tính nền tảng đi từ
tri thức thường nghiệm cho tới tri thức siêu hình dựa vào điều căn cốt
là ý hướng ngay lành. Bằng cái nhìn về con người đầy lòng yêu mình và
sống giữa thế giới khả giác và khả tri, ông đã xây dựng một nguyên tắc
đạo đức tối cao mang tính tuyệt đối. Nguyên tắc tự trị của lý trí vượt
trên mọi đa tạp của cảm tính, lợi danh hay các khuynh hướng. Lời ngỏ mà
ông đặt ra cho ranh giới cuối cùng của mọi triết học thực hành vẫn là
lời mời gọi bước vào hành trình dấn thân để kinh nghiệm quy luật luân lý
“tràn ngập tâm tư với sự ngưỡng mộ và kính sợ luôn mới mẻ và gia tăng
mỗi khi nghĩ tới”[14] của ông.
Trần Đỉnh, SJ
Học viên Triết I
[1] Immanuel Kant, Ethical Philosophy: Grounding for the Metaphysics of Morals, James W. Ellington trans., (Indianapolis: Hackett Publishing Company, 1994), 7.
[2] Immanuel Kant, Ethical Philosophy: Grounding for the Metaphysics of Morals, 8.
[3] Immanuel Kant, Ethical Philosophy: Grounding for the Metaphysics of Morals, 9.
[4] Immanuel Kant, Ethical Philosophy: Grounding for the Metaphysics of Morals, 10.
[5] Immanuel Kant, Ethical Philosophy: Grounding for the Metaphysics of Morals, 11-12.
[6] Michael Sandel, Phải Trái Đúng Sai, 4th ed., Hồ Đắc Phương trans. from the original: Justice: What’s the Right Thing to Do? (Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Trẻ, 2014), 170.
[7] Immanuel Kant, Ethical Philosophy: Grounding for the Metaphysics of Morals, 19.
[8] “Act only according to that maxim whereby you can at the same time will that it should become a universal law.” Immanuel Kant, Ethical Philosophy: Grounding for the Metaphysics of Morals, 30.
[9] Immanuel Kant, Ethical Philosophy: Grounding for the Metaphysics of Morals, 19.
[10] Immanuel Kant, Ethical Philosophy: Grounding for the Metaphysics of Morals, 49.
[11] Immanuel Kant, Ethical Philosophy: Grounding for the Metaphysics of Morals, 54.
[12] Immanuel Kant, Ethical Philosophy: Grounding for the Metaphysics of Morals, 60.
[13] Vũ Dung et Vũ Thúy Anh, eds., Từ Điển Thành Ngữ và Tục Ngữ Việt Nam, (Thành Phố Hồ Chí Minh: Liksin, 1998), 17.
[14] Immanuel Kant, Phê Phán Lý Tính Thực Hành, Bùi Văn Nam Sơn trans., (Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Tri Thức, 2007), 278.