Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 31/08/2019

Filled under:

Cộng tác với ơn Chúa (Mt 25,14-30)

Qua đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Thiên Chúa như ông chủ đi công tác xa trao lại cho mỗi chúng ta một số bạc, tượng trưng cho tất cả những gì Ngài ban cho chúng ta và bổn phận chúng ta là dùng số bạc đó để sinh lợi. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Ðấng dựng nên ta và ban cho chúng ta những khả năng riêng, những nén bạc nhiều ít tùy ý Ngài. Chúa cũng chỉ đòi hỏi chúng ta sinh lợi theo khả năng của mình. Thiên Chúa không bắt chúng ta phải làm những gì vượt quá khả năng Ngài đã ban cho chúng ta, chỉ cần một chút trung thành là chúng ta có thể làm trọn công việc của Ngài trao cho chúng ta.
Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến và thanh toán sổ sách. Kẻ sinh lợi được năm nén cũng được khen như người sinh lợi được hai nén: "Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành, được giao ít mà anh đã trung thành thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh", vì cả hai cùng làm tròn nhiệm vụ của chủ giao với hết khả năng của mình. Nhưng khả năng Chúa ban cho không phải chỉ để được chôn vùi dưới đất, không phải để được cất giữ nhưng phải để được sinh lợi, phục vụ anh em.
Vậy mỗi chúng ta hãy cố gắng sống trung thành và trọn vẹn với những gì mình đã lãnh nhận, tức là chúng ta tích cực cộng tác với ơn của Chúa, với tinh thần trách nhiệm để làm cho những ân huệ, những khả năng Chúa ban và ngay cả sự hiện hữu của ta được sinh hoa kết quả trong cuộc sống hàng ngày, là thời gian dường như Chúa vắng mặt. Chúng ta không nên có thái độ như người lãnh một nén, xem Chúa như người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, nên đã lo sợ và đem chôn giấu nén bạc dưới đất, để rồi đến lúc đem trả lại y nguyên. Chúa sẽ trách chúng ta như ông chủ trong dụ ngôn trách người đầy tớ biếng nhác: "Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác, anh đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi sổ bạc của tôi cho các chủ ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu hồi của thuộc về tôi cùng với số lời chứ. Vậy, các ngươi hãy lấy nén bạc khỏi tay nó mà đưa cho người có mười nén". Chúng ta không nên nghĩ xấu cho Chúa để rồi sống mà lúc nào cũng nơm nớp lo sợ Ngài. Nhưng hãy sống đơn sơ phó thác như con thảo đối với cha mình và yêu thương anh chị em. Khi sống trong tình thương và gắn bó với Thiên Chúa, chúng ta sẽ chẳng bao giờ thấy sợ hãi nhưng là luôn sống tích cực trong phận vụ của mình trong sự cậy trông và tin tưởng vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa.
Lạy Chúa,
Xin ban cho chúng con một đức tin vững bền để chúng con trung thành với ơn mình đã lãnh nhận là làm phát sinh những điều thiện hảo, nhờ đó mọi người sẽ được hưởng niềm vui của ngày Chúa đến trong vinh quang.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Suy niệm 2

“Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn”. Qua giáo huấn hôm nay, Chúa Giêsu nhắc nhở mỗi người rằng: Trung tín là một đức tính cần thiết cho mọi người dù ở bất cứ địa vị nào, trong bất cứ công việc nào. Nếu mỗi người biết tín trung trong ơn gọi và sứ vụ của bậc sống và nhiệm vụ của mình, chắc hẳn cuộc sống sẽ tốt đẹp biết bao.

Là người mục tử chăm lo cho đàn chiên, người mục tử phải tín trung trong trách nhiệm và sứ vụ như chu toàn bổn phận của mình trong kinh nguyện và tín trung trong cam kết. Có như thế, đàn chiên mới có được sự chăm sóc tân tụy và tốt lành.

Là người cha, người mẹ gương mẫu trong gia đình, người ấy phải biết tín trung trong cam kết hôn nhân và chu toàn trách nhiệm trong việc làm ăn và nuôi dạy con cái. Sự lười biếng trong bổ phận và sự thất tín trong cam kết sẽ làm cho hạnh phúc gia đình đi xuống, và có thể đưa đến đổ vỡ.
Là con ngoan hiền hiếu thảo, người ấy phải biết tín trung trong bổn phận của người con, luôn yêu mến và kính trọng cha mẹ mình. Biết cộng tác với cha mẹ trong mọi việc có thể để gầy dựng và kiến tạo gia đình hạnh phúc. 

Lạy Chúa, xin ban thêm sức mạnh và sự tín trung cho chúng con, để chúng con biết làm trọn bổn phận và trách nhiệm theo bậc sống và ơn gọi mình, nhằm kiến tạo hạnh phúc cho chúng con và cho mọi người. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:46

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 31/8/2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 31/8/2019
“Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh.” (Mt 25,21).
Chuyện ngày xưa: Có một người, ngay từ nhỏ chỉ biết sống ru rú ở nhà, không đi đâu xa nên không ai biết, ngày ông mất chỉ có một số ít người đến thăm. Lại có một người làm nghề thợ mộc, ngày ngày đi làm nhà cho khắp nơi và được nhiều người biết đến, ngày ông mất, nhiều người tiếc thương ông, một người thợ mộc giỏi.
Mỗi người đều được Chúa ban cho một số vốn để sinh sống. Vốn ấy là sức khỏe, thời gian, khả năng…Ai cũng có một khả năng và chỉ sử dụng khả năng của mình theo ý Chúa muốn. Mỗi người chỉ là người quản lý khả năng ấy.
Khả năng mỗi người không ai giống ai: Bổn phận của ta là làm sao để số vốn đó sinh lời, để khi ra trước tòa Chúa, ta trao lại cho Chúa cả vốn lẫn lời.
Dù đứng ở vị trí nào, hãy tự hào vì được Chúa tin tưởng giao cho mình một số khả năng để phục vụ Ngài và tha nhân.
Thiên Chúa ban khả năng cho mỗi người và muốn mỗi người sinh lời là để nói lên tình yêu đáp trả trước tình thương của Ngài. Vì thế điều quan trọng là mỗi người hãy tỏ lòng thiện chí, lòng quảng đại và tình yêu đối với Ngài.
Lạy Chúa. Xin giúp chúng con biết tâm niệm rằng: dù chúng con bất tài, thua kém hơn anh chị em chúng con, nhưng được Thiên Chúa yêu thương, thế là quá đủ cho chúng con rồi. Amen.


Thánh Raymond Nonnatus
(1204-1240)

Thánh Raymond Nonnatus sinh năm 1204 tại Portella, Catalonia, Tây Ban Nha. Ngài là một tu sĩ  thuộc tu hội “Đức Mẹ Thương Xót”. Tôn chỉ của tu hội này là quyên góp tiền bạc để chuộc những Kitô hữu bị quân Hồi giáo bắt giữ làm nô lệ. Nếu khi tu hội không có đủ tiền chuộc thì chính các tu sĩ hy sinh đến làm nô lệ thay thế cho tù nhân chờ có đủ tiền chuộc.
Thánh Raymond đã tự mình đến Tunis làm con tin nô lệ và giúp đỡ an ủi nhưng những tù nhân. Cuộc sống của một tù nhân rất cay nghiệt, nhưng Raymond tỏ ra rất can trường làm cho kẻ thù phải thán phục. Sau khi có đủ tiền chuộc Raymond được tự do trở về Roma và trở thành Bề Trên của nhà dòng. Được Đức Giáo Hoàng gởi đến Paris tiếp xúc với vua thánh Louis để thành lập các đạo Thập Tự quân đi giải phóng Thánh Địa và các Kitô hữu. Cuộc viển chinh này chỉ được thực hiện 10 năm sau.
Trong lúc chờ đợi thì Raymond đã ngã bệnh qua đời ngày 31 tháng 8 năm 1240 tại Cardona, Tây Ban Nha và được mai táng trong nguyện đường Thánh Nicholas gần trang trại của gia đình ngài sau khi được Tòa Thánh phong tước vị Hồng Y. 
Ngài được Đức Giáo Hoàng Alexander VII tôn phong hiển thánh năm 1657.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:37

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

Một ngày của Đức Phanxicô

Filled under:

Từ khi được chọn để lãnh đạo Giáo hội công giáo năm 2013, Đức Phanxicô đi theo con đường của các giáo hoàng từ thời Thánh Phêrô, vị giám mục đầu tiên của giáo phận Rôma. Nhưng các triều giáo hoàng thay đổi theo năm tháng để đáp ứng với đòi hỏi của thời của mình. Ngày nay người ở ngôi vị Thánh Phêrô có trách nhiệm trên 1,2 tỷ tín hữu công giáo trên thế giới, và công việc chính của ngài là giúp tín hữu luôn gắn kết với Chúa Kitô trong mọi khả năng có thể của ngài.
Chính vì vậy ngài sắp xếp ngày làm việc của mình theo các trách nhiệm chính nhưng vẫn giữ giờ cầu nguyện thường xuyên để giúp ngài luôn kết hiệp với Chúa.
Một ngày của Đức Phanxicô
4h30: Thinh lặng cầu nguyện
Mỗi ngày Đức Phanxicô dậy lúc 4h30 sáng. Ngài thường dành khoảng 2 giờ để thinh lặng cầu nguyện trước khi làm việc.
7h00: Thánh lễ
Đức Phanxicô dâng thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta cho nhân viên làm việc tại Vatican và một vài người có xin phép trước.
Từ 8h đến 12h:
Sau khi ăn sáng, ngài dành giờ để tiếp kiến riêng và trả lời thư tín. Mỗi thứ tư ngài có buổi tiếp kiến chung lúc 10h30.
12h: Ăn trưa.
Riêng ngày chúa nhật Đức Phanxicô có buổi Kinh Truyền Tin với tín hữu. Ngài ở cửa sổ văn phòng Dinh Tông Tòa và giáo dân tụ họp ở quảng trường Thánh Phêrô.
14h00 – 15h00: Nghỉ trưa
Đức Phanxicô có giấc ngủ trưa ngắn để lấy lại sức sau các giờ làm việc.
15h00 – 22h00:
Thời gian còn lại trong ngày, Đức Phanxicô dành cho các buổi gặp gỡ khác. Ngài rất tôn kính Đức Mẹ, ngài lần chuỗi Mân Côi và đọc kinh chiều.
22h00: Nghỉ đêm
Đức Phanxicô đi ngủ lúc 10 giờ đêm, biết rằng ngày mai sẽ có các thách thức mới đang chờ mình.
Một số hình ảnh trong sinh hoạt của Đức Phanxicô.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:42

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 30/08/2019

Filled under:

Tích cực sống đức tin

Ðời người là một cuộc đợi chờ và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó. Ðợi chờ chính là một cuộc thử nghiệm tình yêu, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hoặc điều gì mà mình hết lòng yêu thương hoặc quí chuộng. Với ý nghĩa đó, đợi chờ phải là một cuộc chuẩn bị thực sự.
Dụ ngôn mười trinh nữ chờ đợi chàng rể đến lúc bắt đầu tiệc cưới mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, làm nổi bật thái độ tỉnh thức đợi chờ, nghĩa là các trinh nữ hướng về chàng rể với tâm hồn yêu thương, với đèn dầu để cháy sáng.
Chúa Giêsu được mô tả qua dung mạo chàng rể và tiệc cưới là Nước Thiên Chúa. Chàng rể đến chậm và vào lúc bất ngờ, tức là việc Chúa Kitô đến trong vinh quang vào lúc cuối cùng lịch sử là điều bất ngờ, không ai có thể đoán trước được. Các trinh nữ được bước vào tiệc cưới với đèn cháy sáng. Ðèn cháy sáng là dấu chỉ của một đức tin sống động. Các trinh nữ khôn ngoan đã lãnh lấy và chu toàn trách nhiệm của mình để giữ đèn của mình được luôn cháy sáng, cho đến khi chàng rể là Chúa Kitô đến, dù chàng rể có đến chậm.
Những chi tiết của dụ ngôn cho hiểu thêm trách nhiệm của cá nhân trong việc giữ cho đèn đức tin được luôn cháy sáng. Mỗi Kitô hữu phải tích cực sống đức tin, chứ không thể vay mượn hay nhờ người khác làm thay được; mỗi Kitô hữu cần đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa để vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời, để luôn sống trong hy vọng, sống theo ánh sáng sự sống, chứ không bị mê hoặc bởi những cám dỗ của thời đại đã bị trần tục hóa và đầy tinh thần hưởng thụ.
Xin Chúa mở rộng đôi mắt chúng ta để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong lịch sử. Xin ban sức mạnh để chúng ta chu toàn bổn phận cho phù hợp với thánh ý Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Suy niệm 2
 
“Vậy hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào". Đây là sứ điệp quan trọng trong giáo huấn của Chúa Giêsu. Người không ngừng mời gọi chúng ta sống thực thi giáo huấn của Người hằng ngày, nhờ đó mà chúng ta mới có thể lãnh nhận phần thưởng là hạnh phúc Nước Trời khi kết thúc cuộc sống tạm bợ nơi trần thế này.

Trong chương trình huấn luyện các hướng đạo sinh, nhà đào tạo luôn đề cao tôn chỉ “sắp sẵn”. Với tôn chỉ này, người hướng đạo sinh được rèn luyện, được hướng dẫn biết chuẩn bị chu đáo trang bị cho mình những dụng cụ cần thiết để có thể đáp ứng được với mọi hoàn cảnh xảy đến bất cứ lúc nào. Nhờ sắp sẵn và biết dự phòng, người hướng đạo sinh sẽ linh hoạt hơn và tháo vát hơn. Hướng đạo sinh nào không đáp ứng cách giáo dục sắp sẵn, sẽ bị loại khỏi việc huấn luyện.

Trong sinh hoạt của đời sống bước theo Đức Giêsu, Chúa cũng muốn mỗi người Kitô hữu biết sắp sẵn trong hành trình của đời sống đức tin. Chúa muốn chúng ta phải ra công tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa hằng ngày, để Chúa có thể ban cho chúng ta những ơn cần thiết mà sống hạnh phúc. Trái lại, nếu đi theo Chúa mà không muốn sẵn sàng để bước theo Chúa, chắc chắn Chúa sẽ không hài lòng, nhất là quá ỷ lại vào lòng xót thương và bao dung của Chúa mà không cố gắng. Chẳng hạn như thái độ ỷ lại “Chúa nhân từ, Ngài không phạt chúng ta ngay đâu. Hãy ăn chơi cho thỏa thích. Khi nào không còn chơi nổi thì quay về với Chúa. Ngài tha thứ hết”. Thiên Chúa thì luôn nhân hậu và xót thương, nhưng liệu chúng ta có vượt qua được những cám dỗ và cạn bẫy của ma quỷ để quay về cùng Chúa hay không?

Lạy Chúa, xin cho chúng con ơn can đảm để biết bền chí trong việc gắn kết với Chúa mỗi ngày trong kinh nguyện. Nhờ đó, chúng con tỉnh thức và sẵn sàng trước tiếng Chúa gọi mời. Amen
.

GKGĐ Giáo phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:39

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

Các nhà trừ quỷ nói với người đứng đầu Dòng Tên: Satan là có thật

Filled under:

Các nhà trừ quỷ nói với người đứng đầu Dòng Tên: Satan là có thật


Hôm thứ Năm, 22 tháng 8, một tổ chức quốc tế của các nhà trừ quỷ Công giáo nói rằng sự tồn tại của Satan như một thực thể và cá nhân là một sự thật của học thuyết Christin (Thần học Kitô giáo).

“Sự tồn tại thực sự của ma quỷ, với tư cách là một chủ thể cá nhân, người mà suy nghĩ và hành động và đã đưa ra lựa chọn nổi loạn chống lại Thiên Chúa, là một sự thật của đức tin luôn là một phần của học thuyết Kitô giáo,” Hiệp hội Trừ tà Quốc tế nói trong một thông cáo báo chí ngày 22 tháng 8.

Bản phát hành của tổ chức này đã thể hiện để đáp lại những nhận xét gần đây về ma quỷ cảu Tổng quyền Bề trên Dòng Tên, Fr. Arturo Sosa, SJ, mà tổ chức này gọi là “nghiêm trọng và khó hiểu.”

Những nhà trừ quỷ cho biết họ đã công bố tuyên bố của mình nhằm cung cấp “sự sáng tỏ về giáo lý.”

Cha Sosa đã đưa ra tiêu đề vào đầu tuần này khi ngài nói với tạp chí Tempi của Ý rằng “ma quỷ tồn tại như một thực tế mang tính biểu tượng, chứ không phải là một thực tế cá nhân.”

Ma quỷ “tồn tại như sự nhân cách hóa của cái ác trong những cấu trúc khác nhau, nhưng không phải ở người, bởi vì không phải là một người, mà là cách hành động xấu xa. Nó không phải là người như một con người. Đó là một cách xấu xa hiện diện trong cuộc sống của con người,” Cha Sosa nói.

Trích dẫn một lịch sử lâu dài về giáo huấn của Giáo hội nói về bản chất của Satan, bao gồm một số trích dẫn từ Đức Thánh Cha Phanxicô và những vị tiền nhiệm gần đây, tổ chức trừ quỷ nói rằng người Công giáo chắc chắn tin rằng Satan là một thực thể và cá nhân, một thiên thần sa ngã.
“Giáo hội, được thành lập dựa trên Sách Thánh và về Tông Truyền chính thức dạy rằng ma quỷ là một sinh vật và là một cá nhân, và cảnh báo những người, như Cha Sosa, chỉ coi nó là một biểu tượng.”

Những nhận xét của Sosa là “bên ngoài bản quyền và khác lạ với sự trang trọng phi thường của Giáo hội,” các nhà trừ quỷ nói.

Hiệp hội Trừ tà Quốc tế là “hiệp hội của những người trung thành” với sự tin tưởng chính thức được chấp thuận bởi Bộ Giáo sĩ Vatican năm 2014. Trong số những người sáng lập của nó có nhà trừ quỷ nổi tiếng Fr. Gabrele Amorth, đã qua đời năm 2016.

Sosa, 70 tuổi, được bầu làm Tổng quyền Bề trên của Dòng Tên năm 2016. Một người Venezuela, ngài có bằng cấp về triết học và tiến sĩ khoa học chính trị. Ngài phục vụ với tư cách là Bề trên Tỉnh Dòng Tên ở Venezuela từ năm 1996 đến năm 2004, và năm 2014 đã bắt đầu vai trò hành chính tại khu vực chung của Dòng Tên tại Roma.

Cha Sosa đã đưa ra những bình luận gây tranh cãi về Satan trong quá khứ. Năm 2017, ngài nói với El Mundo rằng, “Chúng ta đã hình thành những hình ảnh tượng trưng như quỷ dữ để thể hiện sự xấu xa.”

Sau khi nhận xét năm 2017 của ngài đã gây tranh cãi, một phát ngôn viên của Sosa đã nói với Catholic Herald rằng, giống như tất cả người Công giáo, Cha Sosa tuyên bố và dạy những gì Giáo hội tuyên xưng và đã giảng dạy. Ngài không đưa ra tập hợp những niềm tin tách biệt với những gì có trong giáo lý của Giáo hội Công giáo.”

Jos. Tú Nạc, Nguyễn Minh Sơn

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:35

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 29/8/2019

Filled under:

Cái chết của một tiên tri.

Qua lệnh truyền của một bạo chúa, một chiếc gươm gieo, một chiếc đầu rơi trong ngục tối. Ðó là những diễn tiến đã kết thúc cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả, một biến cố mà Giáo Hội mời gọi chúng ta tưởng niệm hôm nay.
Chúng ta đã thấy một lời thề thiếu khôn ngoan, một quan niệm thiển cận về danh dự của một bạo chúa cũng như lòng hận thù của một hoàng hậu lăng loàn đã đưa Gioan Tẩy Giả vào cái chết. Nhưng đây là cái chết đã nâng ngài lên cao trên đài danh vọng, danh vọng của các vị tiên tri đích thực, vì Gioan cũng bị đau khổ, giam cầm và chết vì lời mình rao giảng.
Gioan Tẩy Giả cũng đã tự ví mình là "tiếng kêu trong sa mạc: Hãy dọn đường lối cho ngay thẳng" và ngài đã đóng trọn vai trò này qua việc tích cực rao giảng và làm Phép Rửa thống hối. Tích cực vì ngài đã dám vạch mặt chỉ tên những vấp phạm của tất cả mọi người, không nể nang, không khiếp sợ, kể cả những tội lỗi của các vua chúa là những người nắm toàn quyền sanh sát thời bấy giờ, cụ thể là tội loạn luân của vua Hêrôđê và hoàng hậu Hêrôđiađê.
Qua đó, Gioan Tẩy Giả đã sống để nói lên sự thật và đã chết để bảo vệ sự thật: sự thật về hiện tình của xã hội, sự thật về thực trạng của từng cá nhân và sự thật về chính mình. Gioan tuyên bố rõ ràng ngài không phải là Ðấng Cứu Thế, nhưng chỉ là người được kêu gọi để đóng vai trò Tiền Hô chuẩn bị cho ngày Ðấng Cứu Tinh sẽ đến.
Mọi Kitô hữu chúng ta cũng được kêu mời để đáp lại tiếng gọi. Và mặc dù không ai có thể tái diễn vai trò của thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng mọi Kitô hữu phải tiếp diễn sứ mệnh của ngài trong mọi hoàn cảnh mình đang sống. Ðó là sứ mệnh làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.
(Trích trong ‘Lẽ Sống’ của R. Veritas)


Suy niệm 2

Tin Mừng theo thánh Marcô hôm nay trình bày cho chúng ta về sự hèn nhát của vua Hê-rô-đê và sự toan tính của người vợ loạn luân Hê-rô-đi-a. Chính sự hèn nhát và mưu mô của cả hai đã gây nên cái chết đau thương cho Gioan Tẩy Giả. Phần Gioan, chỉ vì sống cho chân lý và bảo vệ cho sự thanh sạch trong lối sống gia đình nên ông đã bị trảm quyết.

Hê-rô-đê đã hèn nhát chỉ vì một lời hứa quậy với ái nữ của bà Hê-rô-đi-a: “Con xin bất cứ điều gì, dù là nửa nước, trẫm cũng cho". Nghe vua thề hứa với người kỹ nữ, chúng ta có thể thấy Hê-rô-đê thật hào phóng. Không biết ông có dám thực sự làm điều ấy nếu như người kỹ nữ xin ông chia cho cố ấy nữa vương quốc như ông hứa hay không! Nhưng chúng ta có thể khẳng định đó chỉ là một lời hứa quậy khi trà dư tửu hậu. Quả thế, khi người kỹ nữ xin vua cho cô ta cái đầu Gioan Tẩy Giả, thì vua buồn. Vua buồn, vì vua rất quí trọng Gioan Tẩy Giả - một con người đầy cương trực trong cách sống và lời giảng dạy. Thế nhưng, vì sợ mất mặt với thượng khách, nên ông đã ra lệnh chém đầu Gioan. Thật là một thái độ hèn nhát của một vị vua tồi.

Phần Hê-rô-đi-a - bà đã là vợ của tiểu vương Philipphê, anh của Hê-rô-đê. Cuộc hôn nhân của bà và Hê-rô-đê bị cấm theo luật Do Thái (Lv 20, 21). Do đó, Gioan đã không ngừng lên án hành vi vô luân này. Vì thế, Hê-rô-đi-a tức giận và tìm cách loại trừ Gioan. Do vậy, nhân sự hứa quậy của Hê-rô-đê, bà đã nhờ con gái xin điều bà mong muốn. Bà đã đạt được mục đích là loại bỏ Gioan khỏi cuộc đời này.

Ngày nay, vẫn còn đó biết bao con người vì lối sống ích kỷ và lăng loàn mà gây ra bao khổ đau cho người khác. Nhưng cũng không thiếu những con người, như Gioan, vì đấu tranh và bảo vệ cho chân lý, cho sự công bằng và cho lẽ phải mà đón nhận sự ngược đãi, tù đầy và cả cái chết. 

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết loại bỏ những toan tính bất chính, để con không gây nên đâu khổ cho người khác. Xin Chúa cũng ban ơn để con biết noi gương thánh Gioan, mà sống cho lẽ phải và sự thật. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:33

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2019

LỜI NGUYỆN DÂNG ĐỨC MẸ MARIA

Filled under:

LỜI NGUYỆN DÂNG ĐỨC MẸ MARIA

Lạy Mẹ Maria, cuộc đời của Mẹ là một tấm gương sống động và mẫu mực về Đức Tin. Cả cuộc đời của Mẹ, Mẹ đã hoàn toàn tin Chúa, tin sự an bài của Chúa. Chính đức tin của Mẹ nơi Thiên Chúa đã là ngọn đuốc sáng ngời soi dẫn đời sống của Mẹ. Mặc dù đứng dưới chân Thánh giá đế chứng kiến cái chết tất tưởi và ô nhục của Con Mẹ là Chúa Giêsu, thì Mẹ vẫn kiên vững tin Con của Mẹ là Chúa, là Đấng Cứu Chuộc nhân loại.
Xin Mẹ cũng giúp chúng con luôn cậy, tin nơi Chúa trong mọi biến cố cuộc đời của chúng con. Xin Mẹ luôn đồng hành với chung con trong “cuộc lữ hành Đức Tin” của chúng con, để không bao giờ chúng con dám nghi ngờ tình yêu Chúa dành cho chúng con, Chúa luôn yêu thương và ấp ủ chúng con trong cuộc sống trần gian đầy xô bồ, thử thách và cám dỗ này.
Xin Mẹ dậy chúng con biết yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể như Mẹ đã mến yêu Chúa Giêsu Thánh Thể là Con của Mẹ. Xin Mẹ chúc lành cho chúng con trên con đường lữ hành Đức Tin này. Amen.

(Lm Đức Nguyên, SSS-KH ghi chép)

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:56

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 26/8/2019

Filled under:

Bệnh “đạo đức giả”(Mt 23, 23-26)
23 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ.24 Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.
25 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ.26 Hỡi người Pha-ri-sêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
  1. “Khốn cho các ngươi”
Trong chương 23 của sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Đức Giê-su nói tới bảy lần “Khốn cho các ngươi…” (c. 13.15.16.23.27 và 29): bài Tin Mừng hôm qua ba lần, bài Tin Mừng hôm nay hai lần và bài Tin Mừng ngày mai hai lần còn lại:
Khi nói “khốn cho các người”, Đức Giê-su có vẻ rất nặng lời, nếu chúng ta hiểu đó lời chúc dữ hay nguyền rủa, theo đó những người này, với cách hành xử như thế, sẽ chuốc lấy án phạt nặng nề hay sẽ gặp nhiều tai họa. Tuy nhiên, đó đúng hơn là những lời ta thán, có giá trị mặc khải căn bệnh người ta đang có nhưng không nhận ra; và bệnh tình tự nó đó có những hậu quả tiêu cực cho mình và cho người khác rồi. Tương tự như những “bất hạnh” mà ngôn sứ Isaia đã công bố (x. Is 5, 8-24 và 10, 1-11, trong những câu này, vị ngôn sứ nói “Than ơi!” đến 8 lần). Đức Giê-su không bao giờ nguyền rủa hay chúc dữ con người; bởi lẽ sứ mạng của Người chẳng phải là cứu thoát chúng ta khỏi những lời chúc dữ đó sao? Như Người đã nói: “Thầy đến không phải kêu gọi những người công chính, nhưng là những người tội lỗi” (9, 13)?
Con người ban đầu có thể từ chối Đức Giê-su, nhưng sau đó, lại hối hận, cho dù là thật trễ, và tuyên xưng: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa” (c. 39); tương tự như người con thứ nhất ban đầu từ chối lời mời gọi đi làm vườn nho, trong dụ ngôn người cha có hai người con, “nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi” (Mt 21, 29). Trong lời nói của các ngôn sứ, nếu lời hứa cứu độ đã được công bố tiếp theo sau những lời đe dọa về những tai họa sẽ đến (Os 2, 8.11.16 hoặc Is 6, 13), thì cũng vậy, trong sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, câu cuối cùng này của chương 23: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa” trồi hiện lên như là niềm hi vọng rạng ngời bao bọc toàn bộ bảy lời than trách.
  1. Bệnh “đạo đức giả”
Trong bẩy câu nói “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu”, Đức Giê-su đều nói rằng, họ những người “đạo đức giả”, trừ lần thứ ba (c. 6):
Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả!
Có thể nói, đó là bệnh “đạo đức giả” mà Đức Giê-su muốn cho các kinh sư và người Pha-ri-sêu, và qua họ, cho con người thuộc mọi thời, trong đó có mỗi người chúng ta hôm nay, nhận ra. Và khi nhận ra, người ta đã bắt đầu bước vào hành trình chữa lành rồi.
“Đạo đức giả” mà Đức Giê-su nói tới không theo nghĩa chúng ta thường hiểu, nhưng là một thứ bệnh có nhiều biểu hiện phức tạp, khó nhận ra:
Biểu hiện thứ nhất. Đức Giê-su nói: “Các ngươi khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào” (c. 13). Người “đạo đức giả” là những người làm cho người khác không nhận ra hành động của Thiên Chúa trong lịch sử loài người và trong lịch sử đời mình, đó là từ chối tin nhận Đức Giê-su là đường dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa.
Biểu hiện thứ hai. Người “đạo đức giả” là những nhọc công để làm cho một người theo đạo, nhưng sau đó, lại biến người này thành “con cái của hỏa ngục” (c. 15). Đó là hoán cải con người, không phải về với Thiện Chúa đích thật, nhưng là qui về nhưng quan niệm, hệ thống lí thuyết và thực hành của loài người hay của riêng mình.
Biểu hiện thứ ba. Người “đạo đức giả” là những người mù quáng (c. 16-22), khi dẫn người ta vào con đường phân biệt chi li về vấn đề lời thề, khi mà bất cứ lời nào được thốt ra cũng phải luôn luôn là chân thật trước mặt Thiên Chúa (x. 5, 33-37).
Biểu hiện thứ tư. Những người “đạo đức giả” là những người làm tròn bổn phận nộp mọi thứ thuế, nhưng lại bỏ qua công lý và lòng nhân, nghĩa là tương quan với tha nhân, bỏ qua lòng thành tín, nghĩa là tương quan với Thiên Chúa. Như thế, họ chỉ làm tròn những bổn phận đem lại cho mình vinh quang, danh dự, tiếng tốt với nhưng người có quyền có thế. Trong khi tâm điểm và ý nghĩa của Lề Luật là mến Chúa và yêu người, thì họ không quan tâm. Sống lệ thuộc vào lời khen tiếng chê, như chúng ta đều biết, quả là một bất hạnh.
Biểu hiện thứ năm. Những người “đạo đức giả” là những người « rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ ». Đức Giê-su không chống lại những nghi thức thanh tẩy, nhưng chống lại thái độ duy nghi thức, chỉ dừng lại ở việc thanh tẩy bên ngoài, ở vẻ đẹp bên ngoài. Như thế, đối với Đức Giê-su, các nghi thức không tự động làm cho người trở nên thanh sạch ; nhưng ngược lại, những nghi thức này trở nên vô nghĩa và trống rỗng nếu không diễn tả sự thanh sạch và vẻ đẹp của tâm hồn, hay nói như Đức Giê-su, diễn tả một lối sống với Thiên Chúa và tha nhân.
  1. Chữa lành
Qua những lời, có thể nói, thật “đắng” như thuốc chữa bệnh, Đức Giê-su muốn mặc khải cho những người Pha-ri-sêu và những nhà thông luật, rằng lối suy nghĩ và hành động của họ, là một thứ bệnh; và vì là bệnh, giống như bệnh thể lý, phải có người khám bệnh và cho biết đó là bệnh gì; ngoài ra, như chúng ta đều biết và đôi khi có kinh nghiệm, bệnh tật, tự nó là một bất hạnh. Hiểu theo nghĩa này, chúng ta có thể diễn đạt lại lời của Đức Giê-su như sau: “bất hạnh cho các người”. Nếu là như thế, ở mức độ nào đó, chúng ta cũng phải được đánh động bởi những lời này của Đức Giê-su, và nhất là để cho mình bị đụng chạm !
Nhưng Đức Giêsu, với tư cách là thầy thuốc, Ngài không chỉ chuẩn bệnh, nhưng con chữa bệnh nữa. Ngài chữa lành căn bệnh của chúng ta không chỉ bằng lời mặc khải, nhưng còn bằng chính cách sống của Ngài với con người và Thiên Chúa Cha. Như con rắn đồng xưa (x. Ds 21, 4-9), ai nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá, thì sẽ được chữa lành, chữa lành khỏi (x. Ga 3, 17-19):
  • Căn bệnh ghen tị: điều tốt, là Nước Trời và là chính ngôi vị Đức Giê-su, mình không có, thì người khác không được quyền có.
  • Căn bệnh coi mình, những kinh nghiệm, những quan niệm, những hệ tư tưởng, những lí thuyết, những nguyên tắc của mình là tuyệt đối.
  • Căn bệnh lệ luật, nghĩa là coi sự công chính của con người đến từ việc giữ luật thật chi li, thay vì đến từ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô; lệ luật còn là coi luật trọng hơn sự sống, trong khi luật được ban là để phục vụ cho sự sống.
  • Căn bệnh danh lợi, nghĩa là chỉ thi những luật mang lại cho mình vinh quang, danh dự, tiếng tốt với nhưng người có quyền có thế, nhưng lại bỏ qua công lý và lòng nhân.
  • Căn bệnh hình thức, nghĩa là thi hành thật chặt chẽ những nghi thức thanh tẩy, nhưng đàng khác, trong lòng « đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ » !
Thập Giá vừa làm cho những căn bệnh này hiện ra nguyên hình và những hậu quả khủng khiếp của chúng, và vừa mặc khải cho chúng ta khuôn mặt rạng người của Thiên Chúa là tình yêu và lòng thương xót, và con đường dẫn đến với Thiên Chúa, chính là con đường hiền lành và khiêm nhường của Đức Giê-su Ki-tô.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


Suy niệm 2

“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và Pharisêu giả hình!”

Chúng ta có thể nhận ra Chúa Giêsu đã nhiều lần quở mắng “khốn” trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta suy niệm hôm nay. Người là Đấng hiền lành và khiêm nhường, Người đến để ban ơn phúc và cứu chữa những tâm hồn sai lạc, lầm lỗi. Vậy mà hôm nay, Chúa Giêsu lại nặng lời với các kinh sư và những người Pharisêu, cho thấy Người rất buồn và tức giận những người không chỉ từ chối vào Nước Trời, nhưng còn ngăn cấm người khác vào. Người lên án sự giả dối của họ.

Dưới ánh sáng của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần ý thức rằng, không ai trong chúng ta là những người hoàn hảo, tốt lành. Chúng ta cần khiêm tốn nhìn nhận rằng, tất cả chúng ta đều cần đến lòng thương xót của Chúa. Điều quan trọng là chúng ta có thẳng thắn nhìn xem, có làm cớ cho ai vấp phạm, có ngăn cản ai đón nhận Tin Mừng của Chúa hay không! Chúng ta cần kiểm điểm lòng mình xem có khi nào lời nói và việc làm của mình ngăn cản những người chung quanh chúng ta, nhất là những người trong gia đình, trong khu xóm, bạn hữu nhận rằng sự hiện hữu của Thiên Chúa và đón nhận ơn cứu độ của Ngài hay không!

Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết sống chân thành và trung thực để mọi người chung quanh nhận biết tình yêu và lòng thương xót của Chúa đang hoạt động và sinh hoa trái nơi chính cuộc đời của chúng ta.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, hằng hữu, xin tha thứ cho chúng con vì những lần vô tình hay hữu ý mà chúng con đã làm cho tha nhân không nhận ra tình yêu và hồng ân cứu độ của Chúa dành cho nhân loại. Xin giúp chúng con luôn biết hoán cải và canh tân đời sống của mình để trở nên những khí cụ hữu dụng, rao truyền Tin Mừng và lòng thương xót của Chúa đến cho anh chị em mình. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:46

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 26/8/2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 26/8/2019
“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình”. (Mt 23,15).
Một tên trộm hết thời không biết làm gì để sống, bèn đánh liều giả dạng người tu hành, hàng ngày ngồi đước gốc cây có nhiều người qua lại. Tưởng là người tu, dân làng mang thức ăn, nước uống cùng với nhiều của cải khác. Dân làng đâu biết rằng: Đó chỉ là kẻ giả hình.
Đã là kẻ giả hình, chắc chắn không đem lại điều gì tốt lành, ngược lại đem lại nhiều điều bất ổn cho dân làng khi phát hiện ra.
Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu lên án gay gắt thái độ giả hình của những luật sĩ và biệt phái. Sự giả hình đó thể hiện nơi những tua áo thật dài, đeo những hộp kinh thật to để rồi nuốt hết tài sản của các bà góa, tham lam, bất công…
Sự giả hình đó cũng là của những người giữ luật Chúa bằng hình thức đạo đức bên ngoài, nhưng không quan tâm gì đến đời sống công bằng, bác ái, cũng như mối quan hệ đối với người khác.
Chúng con cũng không khác gì Pharisêu xưa. Ðức tin của chúng con chỉ có trên lý thuyết. Lối sống đạo của chúng con chỉ giới hạn trong Ngôi nhà thờ. Chúng con có đi lễ, đọc kinh, thế nhưng khi ra khỏi nhà thờ là chúng con chẳng còn gì cả. Chúng con thiếu đời sống bác ái, ít quan tâm tới anh chị em nghèo khổ...
Lạy Chúa. xin cho chúng con luôn sống thật với Chúa, với anh em và với chính chúng con, để chúng con xứng đáng đón hưởng tình yêu của Chúa. Amen.




Thánh Êlizabeth Bichiê

Jeanne Elizabeth Bichier sinh vào ngày 05 tháng 7 năm 1773 tại La Blanc, nước Pháp. Khi còn nhỏ, Elizabeth rất thích chơi trò xây các lâu đài trên cát. Nhiều năm sau, Elizabeth phải xây các tu viện cho các chị em trong hội dòng ngài thành lập. “Tôi đoan chắc nghề xây cất là công việc của tôi,” Elizabeth đùa vui, “vì tôi đã thực tập công việc này ngay từ thuở nhỏ!” Thực ra, vào năm 1830, tám năm trước khi về trời, thánh nữ Elizabeth Bichier đã xây được tất cả hơn 60 tu viện.
Trong thời gian cuộc cách mạng Pháp nổ ra, gia đình của Elizabeth đã mất hết mọi sự. Lý do là vì những người theo chế độ cộng hòa đã chiếm hết tài sản của giới quý tộc. Nhưng Elizabeth 19 tuổi lúc ấy rất thông minh. Ngài học luật và đã giúp gia đình làm đơn kiện và đòi lại tài sản. Khi Elizabeth được kiện và đã cứu giúp gia đình thoát khỏi hoàn cảnh hoang tàn, thì có người thợ đóng giày ở cùng xóm nói với Elizabeth: “Tôi thấy việc cô phải làm lúc này là hãy kết hôn với một ông đảng viên đảng Cộng hòa!” Tuy vậy, Elizabeth không có ý định lập gia đình với bất cứ ai – dù là quý tộc hay đảng viên đảng Cộng hòa. Phía sau bức ảnh Đức Mẹ, Elizabeth đã viết dòng chữ: “Con xin tận hiến mình con cho Chúa Giêsu và Đức Mẹ mãi mãi!”
Với sự trợ giúp của thánh Anrê Fournet, Elizabeth Bichiê đã thiết lập một hội dòng mới trong Giáo hội, gọi là dòng Nữ Tử Thánh Giá của Thánh Andrew (the Daughters of the Cross of Saint Andrew) Mục đích của hội dòng là giáo dục trẻ em và chăm sóc bệnh nhân. Để giúp đỡ tha nhân, Elizabeth Bichier đã phải đương đầu với bất cứ nguy hiểm nào. Lần kia, thánh nữ gặp một người đàn ông vô gia cư đang nằm liệt trong một chuồng ngựa. Elizabeth đã đem ông vào bệnh viện của dòng để săn sóc cho tới khi ông qua đời. Sáng hôm sau, viên cảnh sát trưởng đến gặp sơ Elizabeth Bichier và nói rằng sơ có thể sẽ bị bắt vì đã cất giấu một tên tội phạm. Elizabeth không tỏ ra chút gì sợ hãi. Sơ nói: “Thưa ông, tôi đã chỉ làm một điều mà có lẽ bản thân ông cũng sẽ làm. Tôi đã tìm thấy bệnh nhân đáng thương này và đã săn sóc ông ấy cho tới khi ông ấy qua đời. Tôi sẵn sàng thuật lại cho quan tòa biết những gì đã xảy ra.” Dĩ nhiên, lòng bác ái và chân thành của sơ Elizabeth Bichier đã làm cho ngài được nể trọng. Dân chúng rất khâm phục lối trả lời thẳng thắn và trong sáng của ngài.
Thánh Anrê Fournet, đấng sáng lập hội dòng Nữ Tử Thánh Giá, qua đời năm 1834. Mẹ Elizabeth Bichier đã viết thư cho các chị em dòng ngài rằng: “Đây thật là nỗi đau buồn và mất mát to lớn đối với chúng ta!” Mẹ Elizabeth Bichier về trời ngày 26 tháng 8 năm 1838. Mẹ Elizabeth Bichier được Đức Giáo Hoàng Pius XI tôn phong Chân Phước ngày 13 tháng 5 năm 1934 và mười ba năm sau Đức Thánh Cha Pius XII đã nâng mẹ Elizebeth Bichier lên hàng hiển thánh ngày 06 tháng 7 năm 1947.
Thánh nữ  Elizabeth Bichier thật can đảm và giàu nghị lực. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ ban cho chúng ta ơn sống đời Kitô hữu cách nhiệt tình hơn nữa. Thánh nữ sẽ giúp chúng ta trở thành những môn đệ hào hiệp của Đức Chúa Giêsu.

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:26

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

SUY NIỆM CHÚA NHẬT - NGÀY 25-08-2019

Filled under:

Ai được cứu độ? – ViKiNi

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
Trước thời Đức Giêsu độ 700 năm, vua Sennakêrit nước Assyrie (Iraq ngày nay) gửi sứ giả đem thư đến đe dọa vua Êzêkia nước Do Thái, nếu không đầu hàng, sẽ bị tiêu diệt như bao nhiêu nước khác. Sennakêrit nói với Êzêkia: “Ngươi đừng để Thiên Chúa của ngươi lừa dối ngươi rằng: Giêrusalem sẽ không bị phó nộp vào tay ta. Ngươi đã nghe tất cả thiên hạ đã bị tiêu diệt cùng với thần của chúng. Còn ngươi, ngươi thoát được khỏi tay ta ư?”
Vua Êzêkia đã đặt lá thư đe dọa đó trước mặt Thiên Chúa và cầu khẩn: Lạy Chúa, chỉ có mình Chúa là Thiên Chúa trên mọi nước trần gian, chính Người đã làm nên trời đất… Lạy Chúa, xin nghe những lời Sennakêrit mạ lị Chúa hằng sống … xin cứu chúng tôi khỏi tay nó, để mọi nước trên trần gian nhận biết chỉ mình Chúa là Thiên Chúa thật mà thôi” (2V. 19, 10-19. 35; xem thêm 18, 17-36)
Thế rồi Vua cùng toàn thể triều đình mặc áo nhặm, cầu nguyện, hãm mình và sai quan đến nhờ ngôn sứ Isaia cầu xin Chúa soi sáng. Isaia được Chúa cho biết: “Đừng sợ những lời lộng ngôn đó. Ta sẽ cho nó ngã gục, nó sẽ bị gươm đâm ở chính nhà nó” (2V. 19, 5-7). Khi Sennakêrit đem quân đến bao vây và xiết chặt Giêrusalem như “con chim bị nhốt trong lồng” và xẩy ra ban đêm, Thần sứ Chúa đến sát phạt 185.000 quân của Sennakêrit. Ông phải rút về Ninivê và đang thờ lạy tà thần trong nhà ông. Các con ông đã lấy gươm đâm ông chết (2V. 19, 35-36).
Thế là thành đô Giêrusalem và cả nước Giuda được cứu thoát. Hàng trăm câu chuyện lịch sử cứu thoát như thế đã được kể lại trong Kinh Thánh: Từ thời Noe đến thời Đức Giêsu. Noe được cứu thoát khỏi lụt đại hồng thủy. Abraham được cứu thoát khỏi thờ tà thần. Giuse tổ phụ được cứu thoát khỏi chết dưới giếng sâu, khỏi tù đầy, còn được làm tể tướng nước Ai Cập vĩ đại. Giacob và cả gia tộc được cứu thoát khỏi chết đói. Môsê và dân Israel được cứu thoát khỏi ách nô lệ khốn cùng của Ai Cập. Đavid được Chúa cho chiến thắng quân Philitinh dũng mãnh và Đavid còn được cứu thoát khỏi cơn ghen tuông của Vua Saolê.
Trong mọi cơn nguy khốn, Israel đã được Thiên Chúa cứu thoát, và ngoài Thiên Chúa hằng sống ra, không còn Thiên Chúa nào khác có thể cứu thoát họ khỏi mọi tai họa, bệnh tật và nhất là sự chết. Những chuyện lịch sử về ơn cứu thoát của Thiên Chúa ban, giúp họ hiểu ơn cứu độ là gì?
Ơn cứu độ vừa là sự giải thoát khỏi mọi nguy khốn như chiến tranh, bệnh tật, thiên tai, nô lệ, đau khổ, sự chết, vừa là hồng ân hạnh phúc vinh quang muôn đời sau khi chết.
Vì thế, khi thấy Đức Giêsu rao giảng về ơn cứu độ, từ làng này qua thành khác, và thấy Người cứu chữa mọi bệnh hoạn tật nguyền, giải thoát kẻ bị quỷ ám, tha thứ cho kẻ có tội và cho kẻ chết sống lại. Người đã làm những việc cứu độ như Thiên Chúa đã làm xưa, nên “Có kẻ đến hỏi Người: Thưa Thầy, những người được cứu thoát thì ít, phải không Thầy?”.
Đây là nỗi băn khoăn lo lắng, thắc mắc của bao nhiêu người, đặc biệt dân Do Thái thời đó. Chưa có ai giải đáp rõ ràng, chỉ có ba chủ trương hẹp hòi là:
Biệt phái cho rằng: Chỉ có người Do Thái mới được cứu độ. Phái khác Essêniên cho rằng: Chỉ có ai thuộc về phái họ mới được cứu độ. Một số khác tin chỉ có một số ít người còn sót lại mới được cứu độ, như kẻ hỏi Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng này.
Để giải quyết những thắc mắc lo lắng về việc cứu độ con người, Đức Giêsu đã cho biết: “Tất cả các tổ phụ, các ngôn sứ được ở trong nước trời … và thiên hạ sẽ từ đông, tây, nam, bắc đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa”, như Bài đọc I, ngôn sứ Isaia đã loan báo biết: “Lời Chúa phán … Ta sẽ đến thâu họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ, chúng sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta …”
Như vậy số người được cứu độ đông vô kể. Điều quan trọng đối với tôi và mỗi người chúng ta là phải làm gì để được ơn cứu độ. Đây chính là điều Đức Giêsu muốn nhấn mạnh cho mỗi người chúng ta. Muốn chắc chắn được vào nước trời, phải thực hiện hai điều này:
Một là “hãy phấn đấu qua cửa hẹp mà vào”. Thánh Phaolo giải thích trong Bài đọc II: cửa hẹp là những lời khuyên nhủ của Thiên Chúa. Ngài khuyên anh em như khuyên những người con: “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy; chớ nản lòng, khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và nhận ai làm con, thì Người mới cho roi cho vọt”. Như vậy, cửa hẹp là những gian nan thử thách, dù gặp khổ cực đến đâu phải biết quyết tâm sống theo lời Chúa dạy. Phải chịu rèn luyện mới được gặt hái những hoa trái. Phải có công mài sắt mới có ngày nên kim. Phải chịu: “lửa thử vàng, gian nan thử đức”
Hai là hãy vào cho kịp thời: “Một khi chủ đã đứng dậy và khóa cửa lại mà anh còn đứng ngoài … thì chỉ còn ở đó, khóc lóc nghiến răng thôi”, mỗi người có một thời gian sống ở đời, không biết lúc nào chủ đến khóa cửa lại, Chúa đến chấm dứt đời sống mình. Cho nên luôn luôn phải cố gắng sống theo lời Chúa khuyên nhủ. Kẻ khô khan lười biếng, thờ ơ, chểnh mảng, say sưa, ăn chơi, gian ác,nước đến chân nhảy không kịp nữa. Chúa sẽ bảo: “Hỡi quân gian ác, đi cho khuất mắt Ta”. Thật khủng khiếp! Lạy Chúa!



SUY NIỆM 2
 
“Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”.

Là người Kitô hữu, ai trong chúng ta cũng đều tin tưởng vào ngày phán xét cuối cùng, ngày Cánh Chung của muôn loài muôn vật. Vào ngày đó, Thiên Chúa sẽ qui tụ tất cả những người xứng đáng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong vương quốc của Ngài. Họ là những người đã lắng nghe giáo huấn của Chúa và nhất là biết thực thi giới răn của Ngài trong cuộc sống thường nhật đời mình. Để làm được điều đó, đòi hỏi họ phải phấn đấu và nỗ lực thật nhiều, họ phải “chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”.

Tất cả chúng ta đều khao khát đón nhận ơn cứu độ mà Đức Giêsu mang lại, hầu được chia sẻ vinh quang của Người trong Nước Trời. Để cho ước muốn của chúng ta được thành tựu, đòi buộc mỗi người cần phải nỗ lực thật nhiều. Hơn thế nữa, chúng ta đang sống trong một thế giới dường như ít quan tâm đến cuộc sống đời sau; chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi một xã hội muốn loại bỏ những giáo huấn và giá trị của Tin Mừng cứu độ; chúng ta đang bị lôi cuốn bởi những trào lưu tục hoá, đề cao sự hưởng thụ, thoải mái của lạc thú và hào nhoáng, phù hoa của danh vọng. Vì thế cuộc “chiến đấu để qua cửa hẹp” sẽ còn nhiều cam go và thử thách hơn rất nhiều.

Xin cho mỗi người trong gia đình, trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức lời Chúa Giêsu cảnh tỉnh để biết tận dụng cơ hội duy nhất là cuộc đời chóng qua này mà đạt được hạnh phúc vĩnh cửu Chúa hứa ban.

Lạy Chúa Giêsu, xin đừng để chúng con chỉ là những Kitô hữu mang danh mà vô thực. Xin giúp chúng con biết sống trọn vẹn niềm tin của mình qua việc chấp nhận gian truân, thử thách để thực thi giới răn của Chúa trong cuộc đời mình, ngõ hầu mai này được cùng Chúa hưởng vinh phúc Nước Trời. Amen.

 
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:19